3/8/15

Thông tin mạng xã hội muôn năm...

Vở kịch bi hài nhiều tập về sự sống chết của ông đại tướng, đương kim BTQP Phùng Quang Thanh còn tiếp diễn. Đúng sai như thế nào chưa biết nhưng việc đưa các thông tin đầu tiên về Phùng đại tướng là do các Trang mạng xã hội của các cá nhân "phi chính quyền" đưa ra, và gây sóng gió trên mạng cả tháng qua với nhiều xen ly kỳ, giật gân và đáng xem. Ông Thanh còn sống hay đã chết không quan trọng, nhưng từ nay rõ ràng là các trang mạng xã hội đã lên ngôi với các thông tin là có thể chấp nhận được với đa số người dân Việt Nam.




Vì nhu cầu muốn nắm bẳt tiếp nhận thông tin của người dân ngày càng lớn trước đà phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin mạng. Việc mỗi người dân Việt Nam với một cái điện thoại di động là có thể thoả mãn thông tin bất kỳ của mình thì việc chỉ cần theo dõi thông tin mạng là xu thế không thể đảo ngược được. Rồi việc thông tin mạng vừa đa chiều nhiều hướng, vừa đa dạng lại vừa đa cấp, giàu nghèo, trắng đen, chánh tà, đỏ xanh, Chuyện Thượng vàng hạ cám, chuyện của Thượng Tầng Kiến Trúc, hay của Đỉnh Cao Trí Tuệ cho đến Dân Ngu Khu Đen....đều đủ cả, rồi vào tham gia lại còn được bình luận, khen chê chém gió thoải mái thì việc người dân bị cuốn hút theo các thông tin ấy như nước chảy vào chỗ trũng là hoàn toàn bình thường, tự nhiên...

Và đứng trước sự im lặng cố hữu, hoặc sự không trung thực đã thành tinh của thông tin chính thống mà chính quyền đưa ra thì người dân cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất. Đó là theo dõi thông tin mạng tự do, lề trái như những bông hoa hướng dương hướng về phía mặt trời...


Những vụ việc về thông tin đa chiều nổi bật trong thời gian gần đây và thu hút hàng chục triệu cho tới hàng trăm triệu truy cập cho mỗi vụ như : Vụ Giàn Khoan HD 981, vụ ông Nguyễn Bá Thanh, vụ Chân Dung Quyền Lực và giờ là vụ của ông Phùng Quang Thanh đã là minh chứng hùng hồn nhất cho sự khao khát thông tin của người dân Việt Nam và khả năng đáp ứng thông tin ấy của các trang mạng xã hội. Không có Chân Dung Quyền Lực hay Mạng Xã Hội này thì cũng có CDQL hay Mạng XH khác xuất hiện. Vì nhu cầu cần thông tin hiện nay của người dân Việt Nam là vô tận...


Dĩ nhiên là không cần phải dạy thì người dân cũng biết là không nên tin hoàn toàn vào các mạng xã hội ấy, cũng như không nên tin hoàn toàn vào hệ thống thông tin chính thống. Sự chắt lọc, sàng lọc và thẩm thấu thông tin, gạn đục khơi trong để tìm ra được thông tin chính xác, tìm ra sự thật, loại bỏ thông tin sai.. thì cũng không cần dạy người dân cũng tự nhiên biết.


Thật ra thì trước vụ đồn đoán tùm lum về việc sống chết của ông Nguyễn Bá Thanh, rồi ông Phùng Quang Thanh thì cũng có mấy người hiểu biết lại tin tưởng hoàn toàn vào mạng xã hội đâu. Nhưng cũng từ thông tin ở đó, cùng với sự lúng túng, chữa cháy, bao biện cùng những màn diễn đầy bi hài của chính quyền qua những thông tin chính thống đưa ra thì sự việc không đâu của hai ông Thanh này mới bùng lên dữ dội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Việt Nam. Ai cũng biết thì giống như thông tin chính thống với các chiêu đổi trắng thay đen, lộng giả thành chân thì các thông tin mạng xã hội cũng đủ thứ tin tức đồn đoán, do hàng triệu "Hãng Thông Tấn" của hàng triệu cá nhân tung ra thì việc có những tin tức sai lạc là chuyện bình thường. Vì đó là đặc trưng của thông tin mạng xã hội, những đặc trưng không thể kiểm soát và cũng không cần kiểm soát. 

Nó chỉ là như thế, có lúc đúng, có lúc gần đúng, có lúc sai nhưng lại hoàn toàn cần thiết trước sự kín như bưng của thông tin chính thức. Tin hay không thì tuỳ. Người dân tự biết là nên làm gì với những thông tin như thế. Nên lời khuyên vẫn là không nên đọc và nghe hoàn toàn theo những gì thông tin mạng xã hội đưa ra, mà chỉ nên đọc bằng một mắt, nghe bằng một tai mà thôi.


Bằng một, hay bằng hai thì cũng như rứa...


MTA


Không có nhận xét nào: