25/3/18

Nguyễn Quang Lập hãy tránh xa tên đồ tể Hoàng Phủ Ngọc Tường...



Thật đáng tiếc là nhà văn QueChoa Nguyễn Quang Lập đã tiếp tay cho tên đao phủ đang chờ chết Hoàng Phủ Ngọc Tường phát tán bộ tài liệu cuối cùng của y. Trong đó không có gì mới mà vẫn là những luận điệu chối tội cũng như phủ nhận mọi trách nhiệm của ông ta trong cuộc tàn sát dân lành xứ Huế năm 1968. Ông ta làm như thành khẩn lắm khi thống thiết nhận tội nói dối để tiếp tục chối phắt tội giết người. Điều đó cũng là điều dễ hiểu khi ông ta thấy cánh cửa địa ngục đang mở ra và giây phút ông ta đứng trước Sự Phán Xét Cuối Cùng để trả lời về những tội ác với người dân Huế năm Mậu Thân 1968.


Điều đáng buồn là có vẻ bức thư cuối cùng này của Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ là một phần phụ cho cuộc chạy tội vĩ đại bởi sự tham gia của nhà văn tên tuổi Nguyễn Quang Lập. Đây có lẽ là một nhân vật tên tuổi nhất tham gia vào việc bênh vực cho tên đồ tể khi tiếng kèn gọi hắn về nơi núi xa đang reo réo. Hơn hẳn những tên tép riu đồng môn, đồng hương vẫn ra rả bênh vực cho HPNT mấy chục năm nay mà chẳng ai thèm nghe như Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân...

Với một bài báo dài và đặt trong vai trò người viết là người bênh vực rõ ràng cho nhân vật chứ không phải trong vai trò vô tư của một nhà báo độc lập, Nguyễn Quang Lập đã đứng hẳn về phía Hoàng Phủ Ngọc Tường một cách không dấu giếm. Trong bài báo đó Nguyễn Quang Lập đã đưa vào rất nhiều các dẫn chứng, tài liệu... và đều bênh vực cho Hoàng Phủ Ngọc Tường ở một điểm mấu chốt nhất. Đó là ông ta không có mặt ở Huế trong những ngày đau thương năm Mậu Thân 1968. Không có mặt tức là không giết ai hết.

Chúng ta cùng phân tích bài viết thâm hậu này trên tường nhà fb của nhà văn Nguyễn Quang Lập khi đăng cùng bức thư cuối cùng của Hoàng Phủ Ngọc Phan. Nhưng trước hết cho MTA ké cửa vài dòng về anh NQL và mối quan hệ giữa mình với nhà văn Nguyễn Quang Lập nhé. 

Nguyễn Quang Lập là một nhà văn tài hoa với những kịch bản phim đắt khách, những tiểu phẩm hài thâm thúy đặc sắc. Anh cũng là chủ của trang mạng dân chủ QueChoa rất đắt khách và là trang web đầu tiên của Việt Nam đạt số lượng view truy cập 100 triệu người, và cũng là một người bạn hiền lành với bất cứ ai. Đó cũng là thời kỳ mà Mai Tú Ân đã viết bài cộng tác chặt chẽ với trang QueChoa của anh và sau này dù có thế nào thì tôi vẫn luôn tự hào về thời gian cộng tác ấy, cũng như về sự ưu ái mà Nguyễn Quang Lập dành cho một người viết :"Có tài nhưng toàn đi đường khó như Mai Tú Ân" (Lời NQL). Hồi đó sau khi anh Basam Nguyễn Hữu Vinh bị bắt thì hoạt động mạnh nhất ở trong nước là trang QueChoa của anh Nguyễn Quang Lập và trang Blog cùng tên của anh Huỳnh Ngọc Chênh. Không thể không nhớ lại hình ảnh của nhà văn Nguyễn Quang Lập, mặc dù phải chống gậy nhưng vẫn cố công đi tìm đoàn biểu tình chống Tàu Cộng của chúng tôi ở Sài Gòn. 

Sự khâm phục của tôi càng lên khi anh bị bắt, và tôi đã viết đến mấy chục bài báo để ủng hộ anh. Các bạn có thể truy cập Google để thấy những bài báo đó. Thậm chí tôi còn sỉ vả em của anh, nhà văn Nguyễn Quang Vinh chỉ vì nghĩ rằng anh Vinh không hết lòng với người anh của mình. Thật xấu hổ với anh Vinh và hy vọng được anh Vinh tha thứ. Nhưng thật thông hiểu vì sao sau khi được thả thì Nguyễn Quang Lập cắt hết mọi quan hệ với tôi. Mặc dù sống cùng thành phố thì chúng tôi cũng chẳng liên lạc với nhau và anh cũng không hề nhắn tin như chào "Hi" với tôi một cái suốt hai năm nay. Hehe... cũng hơi ngượng một tý nhưng tôi cho rằng có thể An Ninh CS đã buộc anh không được liên hệ gì với Mai Tú Ân, một tên nhà văn, nhà báo phản động chăng ? Thế nên tôi yên lặng để giữ gìn cho anh suốt mấy năm qua. Nhưng đến vụ việc của Hoàng Phủ Ngọc Tường này thì tôi không thể yên lặng được nữa. Bởi đây không còn là tình bạn nữa mà đã là ranh giới mong manh của Thiện, Ác, Chánh, Tà mà Lập đã bước qua.

"Kẻ nào đứng về phía kẻ thù của ta thì sẽ là kẻ thù của ta"

Trong vụ việc Hoàng Phủ Ngọc Tường thì nhà văn Nguyễn Quang Lập đã viết một bài báo dài để bênh vực cho Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng lại chẳng đưa ra được một chứng cứ mới nào chứng tỏ HPNT không ở Huế năm 1968 đó. Bằng chứng anh đưa ra bênh vực Hoàng Phủ Ngọc Tường thì rất mơ hồ và phần nhiều là do suy diễn có lợi cho HPNT. Và anh quên rằng việc kết tội người anh bênh vực là của nhiều người và kéo dài qua bao năm tháng chớ ko phải chỉ qua cuốn băng phỏng vấn. Tôi thật thất vọng khi thấy anh Lập bênh vực HPNT quá mà quên đi bao nạn nhân vô tội bị giết và đến giờ vẫn chưa được giải oan và không siêu thoát. Thậm chí thật khôi hài quá khi anh dùng ngòi bút nhà văn của mình để miêu tả khuôn mặt căng thẳng và cái liếm mép đểu cáng của Hoàng Phủ Ngọc Tường là sự đấu tranh muốn chống lại cấp trên để nói sự thực, tức là không vào Huế. Tức là không giết người.

Điều ngớ ngẩn nhất mà nhà văn Nguyễn Quang Lập đã húc đầu vào đá khi bênh vực Hoàng Phủ Ngọc Tường là cố chứng minh ông ta không ở Huế, tức là không thể trở thành sát nhân ở đó. Anh Lập đã không thể hiểu rằng, không chỉ có mặt hay là không có mặt ở Huế thì Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã là một tên tội đồ giết người trong số những tên tội đồ giết người khủng khiếp nhất rồi. Sự phản trắc với đồng bào khốn khổ của mình, sự đưa rước quái thú vào thành, sự trâng tráo khi trả lời phỏng vấn và sự hối lỗi muộn màng và như là không có lỗi đã mặc nhiên đưa Hoàng Phủ Ngọc Tường lên ghế bị cáo phạm tội chống lại đồng bào của mình trong phiên tòa lương tâm của bất cứ ai quan tâm rồi. Việc ông ta có mặt hay không có mặt ở Huế chỉ có ích với một phiên tòa ngoài đời chớ ở trong phiên tòa của lòng dân thì ông ta đã bị kết án rồi. Như vậy bênh vực cho Hoàng Phủ Ngọc Tường tức là Nguyễn Quang Lập đã đứng ngược với những nạn nhân ở Huế rồi. Người cầm bút, tức là một nhà văn phải có một trách nhiệm thiêng liêng mà không ai khiến rằng, phải đứng về những con người yếu đuối, bị bất công và đứng ngược lại với cường quyền.

Nguyễn Quang Lập mến. Anh không có mặt ở Huế vào dịp Mậu Thân 1968 thì anh nói liệu người ta có tin anh như đã tin vào ông Liên Thành và nhiều nhân chứng có mặt khác không ? Liệu anh bênh vực muộn màng khi mọi sự cởi mở với kẻ ác nhân này đã đóng lại thì có thay đổi được gì không khi cái kẻ đáng chết này không phải đã nhận tội giết chết 1000 người mà chỉ là tội giết chết 900 hay 800 người thôi ư ?

Anh nói có bao nhiêu người ở Huế năm đó nhưng không ai nhìn thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường ? Tôi không biết thông tin này của anh chính xác tới đâu nhưng ở trong Thế Chiến thứ 2, trong các trại tập trung khét tiếng như Auschevit, Binnekau.. thì các nạn nhân Do Thái ở đó cho đến khi vào phòng hơi ngạt thì cũng chẳng hề có ai thấy Adolp Eisemann. Mặc dù y chính là một trong những kẻ phải chịu trách nhiệm về những cuộc tàn sát giết chết 6 triệu người Do Thái.

Nhưng điều anh làm khiến cho tôi thất vọng nhất là khi đăng bức thư của Hoàng Phủ Ngọc Tường lên kèm với câu nói rằng chuyện dính líu tới vụ thảm sát Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường là chấm dứt kể từ khi công bố bức thư cuối cùng này. Có vẻ như anh quá ảo tưởng về sức mạnh của một nhà văn trước đám đông bởi khả năng dẫn dắt chăng ? Có thể, nhưng đứng trước cảm xúc mạnh mẽ về một thời đau thương nhưng sống động của một xứ Huế trắng toát trong một giải khăn xô thì có đến trăm, đến ngàn nhà văn như anh thì cũng chẳng ích gì, dù bênh vực hay chối bỏ tội ác. Không điều gì có thể khiến cho xứ Huế trở lại được với ngày xưa thanh bình, nơi có những mệ, những cô áo dài lên chùa trong khói hương nghi ngút điểm thêm tiếng chuông chùa xa xa. Thành phố trầm mặc của ngày xưa đã chết, chỉ để lại cái xác chương phềnh lên để che giấu lỗ bom đạn cùng với những đứa con của nó giờ đây đã biết ăn tAAhịt người. Mở ra hồ sơ đau buồn cũ thì chỉ khiến cho những người muôn năm cũ đau lòng thêm một lần thứ hai. Nhưng tự tiện đóng hồ sơ lại thì còn như muốn giết thêm một lần nữa những oan hồn đang không siêu thoát. Chỉ có những người thuộc về lịch sử đau buồn của đất nước bị đọa đày này mới có quyền chấm dứt hay không nỗi thống khổ mênh mông kéo dài nửa thế kỷ....

Nguyễn Quang Lập mến. Tôi không biết là anh có còn coi tôi là bạn anh như trước hay không, mặc dù điều đó cũng chẳng quan trọng gì vì tôi lên mạng không phải để kiếm những người bạn như anh. Nhưng nếu có còn thì dù chỉ chút xíu tình bạn thôi thì anh hãy nghe tôi. Anh hãy tránh xa Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hãy để danh dự của anh tránh xa bỉ danh của kẻ giết người ghê tởm Hoàng Phủ Ngọc Tường đi. Anh hãy trở về với chính mình chứ đừng hụp lặn chung với bầu không khí chết chóc, không khí của những hố chôn xác bốc lên hay không khí của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em nằm chết mà tay bị trói quặt ra sau lưng với những phát đạn sau gáy.

Mong nhà văn Nguyễn Quang Lập hãy quay về "Làm một người chèo đò mang kiến thức đến cho người dân", lời một câu nói nổi tiếng của anh. Hãy đừng quan tâm đến tên đồ tể đang sắp phải trả giá cho cái đêm đêm tội ác của hắn. Hãy nghĩ đến những nạn nhân tức tưởi chứ đừng nghĩ đến một tên đồ tể đã bị nghìn thu kết án...

Mai Tu An

Công An Thanh Hóa đang cầm đèn chạy trước ô tô...



Liên can đến vụ tin nhắn được cho là có mục đích bôi nhọ cá nhân ông Phó bí thư thường trực tỉnh Đỗ Trọng Hưng, nói ông có cặp bồ với cô Nguyễn Thị Trang, nhân viên Truyền hình Thanh Hóa. Ngày 22/3/2018 Công An Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc điều tra. Việc điều tra kiểu này không khó, thời gian điều tra vụ việc này cũng thường không kéo dài và kết quả sẽ đến, dù dưới dạng nào.


Nhưng cuộc điều tra này lại quá sơ xài, quá nhanh và quá nguy hiểm nên chẳng mấy ai đồng thuận với kết luận của CA TH. Ai đời việc điều tra bắt đầu và kết thúc cùng trong ngày 22/3/2018. Phương pháp điều tra thì quá là không chuyên nghiệp và đầy cảm tính, bằng cách "được phép người chủ cho kiểm tra" thì kiểm tra điện thoại. Nhưng kết luận điều tra thì lại quá phóng đại, nâng cao quan điểm. Rằng qua cuộc điều tra chớp nhoáng trên, CQDT đã chứng minh tin nhắn xuất phát tù nơi nảy sinh ra "Câu Chuyện Tình Trước Cổng Chùa" này là tin nhắn bịa đặt nhằm vu cáo đồng chí Phó bí thường trực và trưởng đoàn DBQH.

Điều tra điện thoại gì mà sau khi được khổ chủ cho phép thì còn gì trong điện thoại nữa mà điều tra.

Ấy thế nhưng việc CQDT lại điều tra khi không đứng ở vị trí điều tra mới chứng tỏ CATH cầm đèn chạy trước oto. Giám đốc CATH, thiếu tướng Trịnh Xuyên và lại là ĐBQH tỉnh Thanh Hóa ở hàng dọc cũng như hàng ngang đều dưới quyền ông Phó bí thường trực nên không thể điều tra ông Phó bí thư Đảng được. Theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo thì CATH cũng không được phép điều tra cơ quan Đảng được. Việc điều tra sai phạm của ông Phó bí Đỗ Trọng Hưng, nếu có là thuộc UBTW, hoặc thuộc UBTVQH VN. Công An Thanh Hóa quả là nhanh quá và nguy hiểm quá. Vì những chuyện anh ả có yêu nhau hay không yêu nhau kiểu này rắc rối lắm. Bây giờ anh ả nói không, mai mốt anh hay ả nói có thì chết thằng cầm đèn chạy trước oto.

Lúc đó thì công việc của Giám đốc CATH của thiếu tướng Trịnh Xuyên sẽ chuyển công tác qua trại vịt của Trịnh Xuyên phu nhân...

Mai Tu An

8/3/18

17/2/1979 - Bài học mà những người CS dạy bảo nhau...



Sáng sớm ngày 17/2/1979, đất nước Việt Nam của chúng ta đã chìm vào cơn thảng thốt, sững sờ bởi các đòn tấn công độc địa của Trung Cộng vào toàn tuyến biên giới vốn thanh bình phía Bắc. Ba mũi tiến quân của Trung Quốc đã đánh phủ đầu vào các địa điểm quan trọng và mở đầu cho một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài đến 10 năm giữa hai nước. Với những thông tin bị bịt kín mà nhiều năm sau này chúng ta mới biết thì ra đó chỉ là một cuộc chiến nhân danh bài học dạy dỗ nhau giữa các đồng chí, anh em. Hàng chục ngàn chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong tháng ấy cũng chỉ để giải quyết chuyện nội bộ, chuyện anh em thương nhau cho roi cho vọt...



Chúng ta hãy trở về cái thời gian đau buồn ấy để tưởng nhớ, để suy gẫm và để câu hỏi đau đáu với mình : Tại sao lại xảy ra điều đó ?

Sau khi thống nhất đất nước 1975 thì Ban Lãnh Đạo của Việt Nam đã như đi trên mây trên gió, và những tưởng tượng rằng nếu có sự giúp đỡ của ông anh Liên Xô thì Việt Nam sẽ là một quốc gia đầu bảng Đông Nam Á, sẵn sàng xung phong làm một tên xung kích khu vực cho các tham vọng của Liên Xộ. Được sự khuyến khích hào phóng của các đàn anh thì mặc dù quốc gia đang đói ăn từng bữa nhưng các thứ vũ khí trang thiết bị chiến tranh thì lại thừa thãi vô cùng. Và Cămphuchia dân chủ là kẻ nộp mạng cho người anh em CS Việt Nam. Thời của nước Camphuchia dân chủ cộng sản đã kết thúc, dù có là CS đi nữa thì cũng kết thúc. Thậm chí chính vì là các quốc gia CS mà họ mới đánh nhau và triệt hạ nhau như những phường thảo khấu lục lâm. 

Dĩ nhiên Trung Quốc không chịu việc Việt Nam lật đổ chế độ Polpot, họ lại càng không chịu hơn khi Việt Nam ký Hiệp Định Tương trợ lẫn nhau với Liên Xô vào tháng 7/1978. Trong điều khoản Hiệp Định có các điểm như :"Liên Xô và Việt Nam sẽ tương trợ mọi mặt cho nhau. Nếu một nước nào bị tấn công thì nước kia sẽ trợ giúp tuỳ khả năng có thể". Có lẽ Việt Nam cần lấy điểm với người anh lớn Liên Xô bằng việc trở mặt với đàn anh Trung Cộng, kẻ thù của Liên Xô. Điều khội hài là Liên Xô và Việt Nam không hề bị nước nào tấn công cả, và nếu có nước nào đe doạ thì đó chỉ là Trung Quốc mà thôi.

Trong chuyến đi thăm Mỹ cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã công khai rằng, cần phải dạy cho Việt Nam một bài học. "Với thời gian hành binh sẽ không vượt qua thời gian chiến tranh với Ấn Độ 1963 (33 ngày), chiến trường là chỉ ở biên giới phía Bắc, không ném bom hay tấn công Hà Nội". Đó không phải là lời hăm doạ mà là một tối hậu thư đòi Việt Nam triệt thoái khỏi Cămpuchia. Lãnh tụ VN Lê Duẩn, vì những hiềm khích từ lâu với Trung Quốc nên sau khi hoàn thành việc thống nhất đất nước đã mau chóng lọt vào vòng tay che chở của Liên Xô. Và chính Lê Duẩn là kiến trúc sư, cũng như là nhà xây dựng của cú Xoay Mặt Bàn Thờ này, để quay mặt lại với ông anh đã trợ giúp cho mình rất nhiều. Tính từ những năm chống Pháp cho đến chống Mỹ thì tổng cộng Trung Quốc đã giúp cho Việt Nam 20 tỷ đô la thời đó. Các khoản nợ này được Trung Quốc xóa bỏ một nửa sau ngày thống nhất VN, và xóa bỏ hết vào các năm 1976, 1977 (không có số liệu). Và cũng từ khi xóa hết nợ thì mầm mống mưu phản của VN cũng bộc lộ...

Với sự cảnh cáo rõ ràng như thế của Đặng Tiểu Bình thì Ban Lãnh Đạo Việt Nam lại suy đoán rằng Trung Quốc không dám tấn công vì họ còn sợ Liên Xô. Và công cuộc phòng thủ bảo vệ đã không được quan tâm đúng mức. Nên chiến trường phía Bắc đó diễn ra trong sự bối rối, lúng túng của các thủ lĩnh to đầu nhất. Cuộc chiến của hai đồng đội anh em cũ tẻ nhạt nhưng tàn bạo và đầy thú tính. Trên chiến trường ác nghiệt thì mọi biện pháp giết người khủng khiếp nhất đều được tung ra với những người vốn là đồng chí, là anh em trên tinh thần cánh mạng vô sản nhất. Giết chóc, hãm hiếp, chôn sống, dùng mìn giật sập giết cả dân thường. Và thật khủng khiếp khi đó mới chỉ là sự dạy và học giữa các quốc gia Cộng Sản với nhau. Chỉ có điều kẻ đáng được dạy học lại không học, mà người lãnh đủ những bài học của sự tàn bạo đó lại là những lương dân khốn khổ nơi biên giới, những chàng trai cô gái dân quân đã can đảm ngã xuống trên quê hương với niềm tin rằng, họ đã hy sinh vì sự nghiệp chống xâm lăng, bảo vệ tổ quốc. Những mỹ từ tốt đẹp không có trong danh sách của những kẻ đồng chí dạy bảo nhau này.

Nhìn qua bản đồ diễn tiến trận đánh tròn một tháng 2/1979 ta thấy rõ ràng đây không phải là một cuộc chiến tranh qui ước với các mục đích là xâm chiếm đất đai. Bởi lẽ phần hậu phương với phần tiền tuyến của kẻ thù chỉ vỏn vẹn vài chục km theo đường chim bay từ chiến trường phía Bắc về tới thủ đô Hà Nội. Mặc dù gặp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng dân quân du kích Việt Nam với tinh thần quyết tử thì lực lượng quân sự Trung Cộng hoàn toàn có thể tiến chiếm tới tận Hà Nội nếu họ muốn ra thêm đề bài cho Việt Nam.

Các lực lượng khác của Trung Cộng như Hải Quân, Không Quân đã không tham gia để chứng tỏ vai trò đàn anh của mình, cũng như cho Hà Nội thấy đây chỉ là đòn trừng phạt không hơn không kém. Nó cũng cho thấy, đàn anh Trung Cộng trừng phạt thằng em mất dạy Việt Nam là có kiểm soát, tăng giảm hay lên xuống tùy theo mức độ biết điều, tức là sự chống trả của đối tượng tại thực địa. Nhẹ nhàng thì chỉ là những đòn tấn công dọc biên giới, ăn sâu vào vài cây số. Còn ương bướng nặng nề thì là những cuộc tấn công vào sâu hơn trong lãnh thổ, nơi có các thị xã quan trọng của Việt Nam. Tóm lại thì Trung Cộng đã rất rõ ràng khi ra roi, và cái bàn tọa của thằng em Việt Nam sẽ lãnh nhiều hay ít roi tùy theo thái độ biết điều hay không.

Cuộc chiến giằng có suốt gần 3 tuần lễ, và Trung Cộng bất ngờ tăng tốc và một loạt các thị xã lớn ở sâu vào nội địa của Việt Nam bị thất thủ. Quân Trung Quốc đã tràn vào sâu lãnh thổ, lăm le vượt qua nốt hơn 100 cây số nữa để tới thẳng Hà Nội, thì lúc này lãnh đạo Việt Nam mới giật mình thảng thốt. Nhìn về xa xa thì Liên Xô chỉ tổ chức một vài cuộc tập trận lớn để thị uy, còn việc tham chiến với Trung Cộng để chia lửa với Việt Nam là việc họ không điên rồ mà tham chiến. Lãnh tụ TQ Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố công khai rằng Liên Xô không đủ khả năng để chịu đựng một cuộc chiến tranh toàn diện với Trung Quốc, và Liên Xô đã kín đáo nghe theo.

Trong khi đó quân đội Trung Cộng đã dần chiếm nhiều thị xã lớn như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn khiến lãnh đạo Việt Nam thời đó mới thấy hoảng hồn. Đa phần lãnh đạo của ta đã quên hết cả tiếng súng và chỉ nhìn thấy mặt trận qua phim ảnh nên công cuộc thiên di như bày ong vỡ tổ. Hà Nội rúng động và sẵn sàng thất thủ. Ba Đình cuống cuồng chuẩn bị rời Kinh. Thi hài lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã được bí mật rời khỏi thủ đô Hà Nội để "Hành Phương Nam" với các cơ quan công quyền ùn ùn chạy trốn. Các đơn vị thiện chiến được liên tục hành quân từ miền Nam và Camphuchia về thì lại không tham chiến trợ giúp lực lượng dịa phương và các mặt trân khác mà chỉ lo lập phòng tuyến cố thủ quanh Hà Nội, Nhiều chiến sĩ của các đơn vị quân chủ lực đã không hề bắn được một phát súng nào về phía kẻ thù bởi không nhìn thấy kẻ thù. Trong khi quân chính qui phòng thủ chặt trước cửa ngõ Hà Nội thì lại đẩy các lực lượng dân quân và các đơn vị quân sự tại chỗ ra đối đầu với Trung Quốc, khiến cho họ tử trận gần như không còn gì hết. Các trận đánh với quân số của cấp sư đoàn không có, dù vẫn liên tục đổ ra từ miền Nam và Cămphuchia. Lực lượng Không Quân hùng mạnh nhất bởi được tiếp nhận cả máy bay của VNCH thì đã không tham chiến, mặc dù vẫn bay đi để bỏ bom ở Camphuchia nhưng lại không hề bỏ một quả bom nào xuống đầu quân Trung Quốc. Và không chỉ trong một tháng không quên 2/1979 đó mà là cả một thập niên 1979 - 1988 không thể nào quên đó.

Trò chơi nào cũng kết thúc, và bài học dạy cho Việt Nam đã đủ. Cũng trong ngày ông Tổng Bí Thư Đảng Lê Duẩn đọc lời hiệu triệu toàn dân về việc Tổ Quốc Lâm Nguy, rồi ông đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc lời Tổng Động Viên Toàn Quốc thì cùng ngày ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố là đã dạy xong bài học cho Việt Nam và ra lệnh rút quân. Khôi hài hơn khi sau đó Việt Nam lại to mồm tuyên bố cho phép quân đội Trung Quốc rút lui.

Vậy Việt Nam ta đã làm gì cho cái tình huống chiến tranh không giống ai đó. Chúng ta chấp nhận một cuộc chiến với kẻ thù hơn hẳn, chỉ bởi những kẻ cầm đầu chúng ta muốn thế. Chúng ta chấp nhận mọi sự khổ đau của chiến tranh bởi vì người gây nên chiến tranh không bao giờ ra trận. Họ chỉ gây ra thảm cảnh, chứ họ không bị giết, bị thương, bị xa gia đình và thui thủi trong cô đơn nơi chiến trường, nơi cái lưỡi hái của tử thần treo trên đầu. Phải. Cuộc chiến ấy hoàn toàn có thể được ngăn cản, đừng để nó xảy ra và sẽ giết nhiều người hơn. Chỉ cần biết thuật ngoại giao, biết bán anh em xa mua láng giềng gần. Chỉ cần tình yêu thương, lấy cái khốn khổ của chúng sanh để răn dạy, hướng dẫn con đường đi của mình. Chỉ cần có thế thôi thì hàng ngàn, hàng chục ngàn chàng trai cô gái thanh xuân đang nằm yên lặng dưới mồ sâu lạnh lẽo kia đã được rộn ràng nhảy múa hát ca trong nắng sớm, để xây nên những cái tổ uyên ương lộng lẫy chứ không phải ở trong cái Nghĩa Trang Liệt Sĩ lạnh lùng kia nữa. Nhưng đất nước khốn khổ của chúng ta không có những con người có trái tim biết yêu thương và một cái đầu biết suy nghĩ.

Rõ ràng cuộc chiến năm 1979 và kéo dài 10 năm sau đó của Việt Nam với Trung Cộng chẳng có lợi ích gì. Nó chẳng chứng tỏ cái gì, chẳng cho ai cái gì mà cũng không vinh danh cái gì. Điều nó đem lại chỉ là sự thiệt hại khốn cùng, sự tang tóc điêu linh và không gì có thể bù đắp nổi cho dân tộc này. Dù đã bao năm trôi qua thì những thiệt hại nhìn thấy được lẫn không nhìn thấy được, vẫn là nỗi ám ảnh của lòng căm hận, sự nuối tiếc với đất nước chúng ta như một con đỉa bám vào hút máu người. Chỉ vì một vài người cầm trịch thôi thì cũng đủ để đưa đất nước chúng ta vào một cuộc chiến mới, “Lưỡng Đầu Thọ Địch” khiến cho người dân Việt Nam, vốn đã đau khổ vì 20 năm chiến tranh rồi, nay lại đau khổ tiếp vì 10 năm chiến tranh nữa. Biên giới phía Bắc vốn yên bình hàng trăm năm nay thì giờ đây lại bom rơi đạn nổ, nhà cháy người chết và hàng vạn con người khốn khổ sống ở đó lại phải gồng gánh của nả, bồng bế con thơ nheo nhóc trên con đường chạy nạn dài thăm thẳm, lớp người này nối tiếp lớp người kia, và tất cả như tiếp bước theo các cuộc chạy nạn trần ai của cả dân tộc này. Tiếng súng ngày 17/2/1979 đã mở ra một cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc như để đồng hành đau khổ với cuộc chiến biên giới phía Tây Nam khổ đau khiến cho đất nước khốn khổ của chúng ta như muốn gục ngã trên con đường chạy nạn vạn dặm không bao giờ ngơi nghỉ. Một cuộc chiến đẫm máu kéo dài cả một thập niên khói lửa mịt mù và cũng ngần ấy năm hạnh phúc của đời người. Một cuộc chiến tàn bạo đã đi trọn một thập niên dài lê thê để rồi lại trở về vị trí cũ, không hề thay đổi gì...

Giờ đây thì còn ai nữa ngoài những hàng bia mộ không cảm xúc, chứa thân xác hàng vạn con người ưu tú như những tội đồ không siêu thoát. Họ đã chết. Chết vì tổ quốc, hay vì sự ngông cuồng của những kẻ cầm đầu hung ác.

Câu chuyện tang thương trên của lịch sử như mới xảy ra gần đây. Kẻ thù ngày ấy cũng vẫn là kẻ thù hôm nay. Và nguy hiểm hơn khi giờ đây lãnh đạo của đất nước Việt Nam chúng ta cũng vẫn là những con người thoái thai từ những kẻ ngu xuẩn ngày xưa.

Than ôi ! Hàng vạn chiến binh của nước Việt đã chết trong quên lãng khi mái đầu còn xanh khi những kẻ gây nên những cái chết đó thì vẫn sống, và chỉ ra đi khi đã trăm tuổi trên giường êm nệm ấm với vợ con và để muôn dân than khóc. Giờ đây khi cái ngày đáng nguyền rủa 17/2 lại đến thì những người nặng tình yêu quê hương Việt Nam như chúng ta lại chỉ còn biết nghẹn ngào tưởng nhớ bao chiến sĩ đã ra đi không về trong mùa Xuân tang thương ấy...

Trong đêm khuya ai gào trong gió,
Tiếng ai hờ nấc nghẹn cả dòng sông
Ai đi về trong đêm đông buốt giá
Để ai buồn với nỗi nhớ mênh mông...

Mai Tú Ân