11/6/16

Vụ thảm sát Katyn




Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim về Katyn của đạo diễn lớn Andrzej Wajda, người có cha bị thủ tiêu tại Katyn, vừa mới công chiếu tại Ba Lan đã được coi là một sự kiện vô cùng lớn lao và được công chúng nước này chờ đón từ lâu. Bởi lẽ, sự bi thảm của Katyn qua những thước phim đã có tác động rất mạnh mẽ, không chỉ tới những thế hệ đứng tuổi từng có nhiều mất mát trong chiến tranh mà còn tới cả lớp trẻ có nhu cầu tìm hiểu và trực diện với lịch sử.
Dựa theo những tư liệu quốc tế khá đầy đủ đã được công bố, loạt bài sau của NCTG hy vọng đem lại cho độc giả sự thật lịch sử trong tội ác diệt chủng và chống nhận loại này (mà cho đến nay, Liên bang Nga – kế thừa “di sản” của Liên Xô – vẫn không chịu thừa nhận, chỉ coi là một tội “bình thường” thời chiến tranh).
Toàn cảnh
Thảm sát Katyn là tên gọi của vụ giết người hàng loạt, được thực hiện bởi Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) chiểu theo quyết định ra ngày 5-3-1940 của Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đối với khoảng 15 ngàn tù binh Ba Lan, đa phần là sĩ quan dự bị và sĩ quan từ cấp tá trở lên, khi đó bị giam tại các trại tù trên lãnh thổ Liên Xô và bị coi là những thành phần “không thể giáo dục”.
Nạn nhân của vụ thảm sát được chôn trong các nấm mồ tập thể tại Katyn (gần Smolensk), Mednoye (gần Tvar) và các khu rừng ở Pyatykhatky (ngoại ô Kharkov). Vụ thảm sát và việc xóa bỏ dấu vết các nạn nhân đã được thực hiện một cách tuyệt mật, nhưng ngay từ năm 1943, những ngôi mộ tập thể đầu tiên đã bị phía Đức phát hiện trong các khu rừng ở vùng Katyn, nơi quân đội Đệ tam Đế chế chiếm đóng. Chính bởi vậy, địa điểm này – Katyn – đã được cả thế giới gắn liền với vụ thảm sát. Hiện tại, việc sát hại 7 ngàn người (trong số đó có 1 ngàn sĩ quan cao cấp Ba Lan) bị Liên Xô giam giữ (mà không được hưởng quy chế tù binh) trong các nhà tù ở miền Tây Ukraina và Belarus cũng được gắn với cái tên Katyn.
Theo nhận định của Viện Ký ức Quốc gia – Tổng ủy ban Điều tra các tội ác của nước Đức Hitler và Liên Xô đối với dân tộc Ba Lan (Instytut Pamięci Narodowej – Główna Komisja Badania Zbrodni Hitlerowskich i Sowieckich Przeciwko Narodowi Polskiemu), một cơ quan có thẩm quyền của viện kiểm sát, vì tính chất giết người hàng loạt, những cuộc thảm sát này thích hợp để quy vào tội ác chống nhân loại, cũng như, do sự vi phạm thô bạo Công ước Geneva [đối với tù binh], phải liệt chúng vào hàng những tội ác chiến tranh trầm trọng và không bao giờ hết thời hiệu. Quyết định này, cho đến nay, không được Liên bang Nga công nhận. Trong một chừng mực nào đó, lý do vì phía Nga lo ngại rằng thân nhân, gia đình của các nạn nhân bị giết hại có thể đòi nhà nước Nga bồi thường. Ngoài ra, rất đáng kể ở một điểm nhìn khác: không thể viện cớ “hết thời hiệu” để tha bổng thủ phạm đã gây ra những tội ác chống nhân loại và những tội ác chiến tranh.
Những số liệu trong loạt bài này được công bố trên cơ sở các thông cáo khả tín, như “Ośrodka KARTA – Indeks represjonowanych”, được công bố năm 2002 dưới sự chỉ đạo của các giáo sư St. Ciesielski, W. Materski và A. Paczkowski.
1. Những sự kiện sơ bộ – Tù binh Ba Lan tại Liên Xô  
Nạn nhân của vụ thảm sát Katyn là những sĩ quan Ba Lan bảo vệ tổ quốc ở vùng phía Đông, khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ vào tháng 9-1939. Không hề tuyên chiến, Liên Xô đã cùng nước Đức Quốc xã tấn công lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan.
Phù hợp với những điều khoản của Hiệp ước Molotov–Ribbentrop [Hiệp ước Bất tương xâm giữa Đức và Liên bang Xô viết] được Stalin và Hitler ký trước đó nhằm xâm lăng Ba Lan, Phần Lan, Lithuania, Latvia và Estonia, trong khi quân đội Đức phát-xít đưa quân vào Ba Lan từ phía Tây, chỉ vài ngày sau, 17-9-1939, Hồng quân tràn vào Ba Lan từ phía Đông.
Cả từ hai hướng, cùng quân đội, các lực lượng mật vụ [chính trị] cũng đột nhập vào lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan: phía Tây là Gestapo (Đức), phía Đông là NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ), tiền thân của KGB (Cục An ninh Quốc gia) – và bắt tay vào việc “lập lại trật tự”. Điều này đồng nghĩa với việc thiết lập hàng loạt hệ thống các trại mang danh “trại lao động”, “trại tù”, “Gulag”, hay “trại tập trung”, trong thực tế là những trại tử thần. Trong các trại này, cơ quan mật vụ chính trị Đức và Liên Xô đều lựa chọn những người sẵn sàng hợp tác hoặc có thể lực tốt, có khả năng làm công việc chân tay nặng nhọc, và giam họ tách biệt với những người còn lại. Cho đến ngày 15-3-1940, các sĩ quan Ba Lan bất hợp tác với Liên Xô, hoặc bị coi là không đủ sức để lao động khổ sai, bị chuyển đến ba trại đặc biệt ở vùng Ostashkov, Kozielsk và Starobilsk. Tổng cộng, có chừng 15 ngàn người – trong số đó có hai sĩ quan mang quân hàm tướng – bị chở đến các trại; các tù binh này không hề được hưởng những quy chế ghi trong Công ước Geneva [đối với tù binh].
Trong một khoảng thời gian rất dài, thế giới chỉ biết đến vậy; sau đó, mười mấy ngàn sĩ quan này đồng loạt “im hơi lặng tiếng” một cách bí mật, không có chút tin tức gì về họ. Các thân nhân không còn nhận được thư từ, hoặc thư viết trên loại bưu thiếp của trại (trước đó, cho dù bị kiểm duyệt, nhưng thư từ tù trại vẫn còn được gửi đi). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vợ và gia đình các sĩ quan Ba Lan thường quen biết nhau, thực tế này không nằm lâu trong vòng bí mật và càng ngày, càng có nhiều tổ chức kháng chiến Ba Lan bắt đầu tìm hiểu, điều tra trong vụ này – đặc biệt, những cuộc điều tra trở nên rất tích cực từ năm 1943. Có điều, chính quyền Xô-viết – từ đầu đến cuối – vẫn bác bỏ mọi giả thiết về trách nhiệm của họ.
Sau khi nước Đức Quốc xã tấn công Liên Xô năm 1941, Liên bang Xô-viết tìm cách coi đây là tội ác của phát-xít Đức. Sự thật trong vụ thảm sát Katyn – việc nhận định, thu thập tư liệu về các sự kiện lịch sử, cũng như nhận dạng các nạn nhân – chỉ được thực hiện sau khi Liên Xô sụp đổ.
2. Quyết định về việc thủ tiêu các tù binh
Ngày 5-3-1940, dân ủy Bộ Nội vụ Liên Xô (NKVD) Lavrenty Beria gửi mộtdanh sách mang mã số 794/B (794/Б) cho Stalin. Trong đó, người gửi đưa ra nhận định rằng các tù binh Ba Lan tại miền Tây Ukraina và Belorussia (14.736 người, 97% là Ba Lan), cũng như những tù nhân đang bị giam trong tù (18.632 người, trong đó có 1.207 sĩ quan quân đội, tổng cộng 57% là người Ba Lan) „đều là những kẻ thù bất cộng đái thiên của chính quyền Xô-viết, và không hề có chút hy vọng gì việc việc cải tạo chúng”, vì vậy cho rằng cần thiết phải:
– tử hình 14.700 tù binh và 11.000 tù nhân (mà không cần phải thông báo cho người bị bắt, không cần phải đưa ra cáo trạng cho họ, cũng như không cần phải có quyết định về việc chấm dứt điều tra và công bố cáo trạng),
– ủy nhiệm 3 người sau để xem xét vụ này: Vsevolod Merkulov (khả năng là Stalin đã viết tay tên nhân vật này, sau khi xóa tên Beria), Bogdan Kobulov và Leonid Bashtakov. 
  
Danh sách trên được thông qua bởi 4 chữ ký của Stalin, Kliment Voroshilov, Vyacheslav Molotov và Anastas Mikoyan, kèm ghi chú sau: Mikhail Kalinin – đồng ý; và Lazar Kaganovich – đồng ý. Tương ứng với danh sách này, cùng ngày, Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã đưa ra quyết định số P13/144, có nội dung giống hệ với những gì Beria đã diễn đạt (ngoại trừ các con số).
Ngày 14-3, tại phòng làm việc của Kobulov, chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế của NKVD, một cuộc họp đã diễn ra với sự có mặt của mười mấy người. Đó là lãnh đạo và các trợ tá của NKVD các tỉnh Smolensk, Kalinin và Kharkov, cùng tư lệnh quân đội tỉnh. Ngày 22-3, những người này được trao nhiệm vụ thủ tiêu các tù binh. Cùng ngày, Beria ra chỉ thị số 00350 “về việc sơ tán các nhà tù của Cộng hòa XHCN Ukraina và Cộng hòa XHCN Belorussia”. Tại các nhà tù này, đại đa số tù nhân là sĩ quan hoặc cảnh sát Ba Lan. Ngày 1-4, những danh sách đầu tiên được gửi từ Moscow: các chỉ thị liên quan tới trại giam ở vùng Ostashkov, tổng cộng 343 cái tên. Đây là khởi điểm của “chiến dịch sơ tán nhà tù và trại giam”.
3. Lý do của quyết định
Động cơ thúc đẩy quyết định kể trên đến nay vẫn là đề tài của những suy đoán lô-gích, bởi lẽ trong số những kẻ trực tiếp đưa ra quyết định, không một ai công bố các lý do và cũng không ai để lại những ghi chép khả tín.
Một số giả thuyết cho rằng đây là sự trả thù cá nhân của Stalin cho thất bại của ông ta trong cuộc chiến [với Ba Lan] năm 1920, tuy nhiên, điều này bị nhiều người nghi hoặc. Theo những ý kiến thông thường nhất, lý do rất đơn giản: Liên Xô muốn cướp đi sức mạnh lãnh đạo của dân tộc Ba Lan, đó là tầng lớp trí thức ưu tú nhất và đại diện chính là những sĩ quan – đa phần là sĩ quan dự bị – bị sát hại.
Một số ý kiến khác thì cho rằng Liên Xô muốn “làm sạch” hậu phương trước cuộc chiến tranh dự tính sẽ nổ ra với nước Đức sau đó. Có thể giải thích việc những tư liệu quan trọng nhất – những bằng chứng buộc tội nặng nề nhất – được lưu trữ như là một chính sách có ý thức của Stalin, đặt cơ sở trên nguyên tắc trách nhiệm tập thể và “cùng chịu trận”. Đây là ý kiến của nhiều người, trong đó, có GS Jerzy Pomianowski, ký giả nổi tiếng, một chuyên gia Nga học lừng danh.
4. Sự thực hiện vụ thảm sát  
Các danh sách “sơ tán” nhắc đến ở phần trước của bài viết (trừ một vài ngoại lệ, khi quả thực có sự di chuyển tù binh sang trại khác) đều đồng nghĩa với việc tử hình những người tù. Trên cơ sở ấy, tù nhân bị đưa bằng nhiều cách đến nơi họ mà sau đó họ sẽ bị thủ tiêu: đi tàu hỏa, trên những toa dùng để chở súc vật; đi xe tải hoặc thậm chí, đi bộ. Có 5 địa điểm như thế (việc xác định 2 địa điểm cuối vẫn là đề tài tranh luận của các sử gia do chưa có đầy đủ danh sách tù binh bị chở tới đó, vì khá nhiều địa danh đã được ấn định làm nơi thực hiện vụ thảm sát hàng loạt này).
* Katyn
Trong số 5 địa điểm, Katyn là cái tên quen biết nhất. Đây là một khu cư dân ở ngoại ô Smolensk, nơi có một nhà nghỉ của NKVD. Tại đây, 4.410 tù binh đến từ trại giam Kozielsk đã bị thủ tiêu (khả năng là một phần số tù binh này đã bị giết tại “đại bản doanh” địa phương của NKVD, số nhà 13 phố Dzerzhinsky, Smolensk). Tù binh bị đưa theo nhóm (từ 50 đến 344 người) tới đây trong khoảng thời gian từ 3-4 đến 12-5-1940. Trong ngày cuối, có hai nhóm, tổng cộng 205 tù binh. Các nạn nhân bị chôn dưới 8 ngôi mộ tập thể, trong số đó, có thiếu tướng hải quân Xawery Czernicki, các vị tướng Bronisław Bohatyrewicz, Henryk Minkiewicz và Mieczysław Smorawiński và chuẩn úy Janina Lewandowska, người phụ nữ duy nhất.
Các đoàn tù được chở bằng tàu hỏa qua Smolensk đến ga Gnezdovo trong vòng một ngày (GS TS Stanisław Swianiewicz, là nhân chứng của toàn bộ chặng di chuyển trong hai ngày 29/30-6-1940). Từ ga tàu hỏa, NKVD dùng xe buýt chuyển các tù binh đến nơi thủ tiêu, tại đó, những sĩ quan trẻ, khỏe bị trùm áo khoác nhà binh lên đầu và tay bị trói gô ra sau lưng bằng loại dây thừng của Liên Xô (đã được cắt thành những đoạn có đội dài như nhau). Tất cả các tù binh đều bị bắn ở gáy từ cự ly gần, loại vũ khí được sử dụng là súng lục Walther 7,65 ly. Một số nạn nhân còn bị đâm bằng loại lưỡi lê nhãn hiệu Liên Xô (để lại dấu vết đặc thù hình tứ giác).
Tại hiện trường của vụ thủ tiêu và chôn giấu, người ta đã tìm thấy đạn và những vỏ đạn đã dùng. Tuy nhiên, chưa hoàn toàn chứng tỏ được rằng tất cả những nạn nhân đều bị giết tại đây: một số nguồn sử liệu cho rằng một số tù binh đã bị sát hại từ trước đó ở Smolensk, hay Kharkov và Kalinin. Trong một ngôi mộ tập thể, các tử thi được xếp theo một cách khác – có “trật tự” hơn, nằm sấp, úp mặt – và điều này cũng củng cố giả thiết nói trên.
Theo lời khai (được ghi nhận vào những năm 80-90 thế kỷ trước) của một thanh tra nhà tù tên là K. Ye. Borodienkov, có thể chắc chắn rằng trong số các “sát thủ” ở Katyn, có một số nhân viên NKVD địa phương tại Smolensk sau: I. A. Gvozdovsky, I. I. Stiyelmah, I. M. Silchiyenkov và I. I. Gribov.
* Kharkov 
  
Ở Kharkov, trụ sở của cơ quan NKVD địa phươg ở địa chỉ số 3, quảng trường Dzerzhinsky. Tại đây, 3.739 tù binh đến từ trại Starobielsk (trong thời gian từ 5-4 đến 12-5-1040) đã bị giết hại. Có 2 nhóm tù (ngày 25-4 và 12-5-1940), tổng cộng 78 tù binh, được chuyển tới trại giam Yuhnov. Thi thể những người bị hại – trong số đó, có các vị tướng Leon Billewicz, Stanisław Haller, Aleksander Kowalewski, Kazimierz Orlik-Łukoski, Konstanty Plisowski, Franciszek Sikorski, Leonard Skierski, Piotr Skuratowicz và Alojzy Wir-Konas – được chôn tại các ngôi mộ tập thể trong rừng, cách làng Pyatykhatky 1,5 cây số.
* Kalinin
Tại Kalinin (tên cũ và hiện tại là Tver), một trụ sở của NKVD địa phương ở số nhà 5, phố Sovietskaya. Ở đó, 6.314 tù binh đến từ trại giam Ostashkovsky trong khoảng thời gian từ ngày 4-4 đến 16-5-1940 đã bị thủ tiêu. Ba nhóm tù (chuyển các ngày 29-4, 13-5 và 16-5), tổng cộng 112 người – được đưa sang trại Yuhnovzky. Thi thể của vụ thảm sát được chôn tại xã Mednoye (cạnh Kalinin), trong 20 ngôi mộ tập thể.
Các đoàn tù binh bị áp giải theo đường bộ, qua hồ Seliger (khi đó đã đóng băng), tới làng Tupik (nay là Splavuchiastok), sau đó đến ga Soroga và từ đây, họ được chở bằng tàu hỏa qua Piena và Lihoslávl đến thằng tòa nhà của NKVD (nay là Viện Y học Tver) tại Kalinin (nay là Tver). Dưới tầng hầm, từng tù binh bị nhận dạng rồi bị còng tay. Sau đó, từng người một, họ bị dẫn đến một phòng mà cửa đã được cách âm. Giống như tại Kharkov, ở đây, nhân viên NKVD cũng dùng súng lục Walther để sát hại các tù binh. (Trong dịp đầu, khi đoàn áp giải lên tới 390 tù binh, việc thủ tiêu ngần này người đã gặp phải khó khăn, bởi vậy, về sau, các nhóm tù binh được hạn chế tối đa là 250 người).
Thi thể những người bị hại được quẳng lên đoàn xe tải chờ ở bên ngoài và chở đến bờ sông Tvertsa, tới xã Mednoye (gần làng Yamok, cách Kalinin 32 cây số). Tại đây, trong khuôn viên khi nhà nghỉ của NKVD địa phương, phía bìa rừng, với một chiếc máy đào đất được chuyển từ Moscow về, các nhân viên NKVD đã đào trước một hố lớn, sâu 4-6 mét và đủ chứa thi thể của 250 nạn nhân. Sau khi các tử thi bị ném xuống hố, chiếc máy lập tức được sử dụng để phủ đất lên như cũ. Tiếp đó, mộ tập thể cho các nạn nhân ngày hôm sau lại được đào…
Theo những lời khai (được ghi nhận thập niên 80-90 thế kỷ trước) của D. S. Tokaryev – tư lệnh NKVD  -, “cấp trên” đã cắt cử về Kalinin một “nhóm hành động” để thực hiện vụ thảm sát, mà thành viên gồm thiếu tá Sinegubov, Krivienko và thiếu tá an ninh Blokhin. Theo các nguồn sử liệu khác, trước đó ít lâu, chính Blokhin là “đao phủ” trong các vụ giết hại [các nhà văn, nhà báo, nhân sĩ Nga gốc Do Thái nổi tiếng] Isaac Babel, Vsevolod Meyerhold và Mihail Koltsov.
* Kiev
Tại địa chỉ số nhà 17 phố Korolyenk, Kiev, 3.435 (4.181, theo các nguồn khác) tù nhân đến từ miền Tây – Ukraina đã bị sát hại.
* Minsk
Tại số nhà 17, phố Lenina, Minsk, 3.870 (4465, theo các nguồn khác) tù nhân đến từ các nhà tù miền Tây Belorrusia đã bị giết hại.
Chỉ có vỏn vẹn 395 (trước đây, con số hay được nêu là 448) tù binh thoát chết, họ được chở từ ba trại giam đặc biệt đến trại Juhnovszk, rồi trại Gryazovietsky.
Katyn 2
Kiểu trói đặc thù: các nạn nhân ở Katyn bị trói quặt tay sau lưng
5. Giai đoạn đầu của sự giấu giếm vụ thảm sát 
  
Sau khi vụ thảm sát (được liệt vào hàng những bí mật quốc gia) được thực hiện, thân nhân những người bị sát hại đột ngột không nhận được bất cứ tin tức gì về họ – thư từ và quà gửi cho các tù binh không đến tay người nhận, bị gửi trả lại vì “không rõ người nhận ở đâu”. Mọi thử nghiệm để tìm hiểu về số phận các tù binh, để thu thập thông tin về nơi họ bị giam giữ, đều thất bại.
Do không có những nguồn tin chính xác, một số tin được lan truyền, theo đó các tù binh đã bị chở đi các trại giam ở phía Bắc nước Nga (như ở Cực Bắc hoặc vùng Novaya Zemlya – Đất Mới). Về sau, lại có tin cho rằng các tù binh bị dìm chết ở biển Kara, ở Bắc Băng Dương hoặc biển Barents.
Độc lập với những tin đồn này, một vài quan chức cao cấp Xô-viết cũng đưa ra những phát biểu này nọ, nhưng trong thời gian đó, họ chưa hề nói đến chuyện các tù binh bị “mất tích”, hoặc về “tội ác” giả định của phía Đức (mà sau này Liên Xô đã khẳng định). Cuộc chiến nổ ra năm 1941 giữa Đức và Nga, cũng như sự thay đổi “ngoạn mục” trong mối quan hệ Ba Lan – Nga sau sự kiện đó, rồi sự tìm kiếm của chính quyền Ba Lan – tất cả đều không khiến phía Liên Xô đưa ra bất cứ lời giải thích nào.
Tướng Władysław Sikorski, tổng tư lệnh Quân đội Ba Lan, trong cuộc hội kiến với Stalin ngày 3-12-1941 tại Điển Kremlin, đã trực tiếp hỏi về số phận các tù binh bị mất tích. Stalin đáp: “Họ trốn sạch rồi”. Trả lời câu hỏi của vị tướng Ba Lan “15 ngàn người làm sao mà trốn đi đâu được”, Stalin đưa ra câu trả lời rất phi lý: “Sang… Mãn Châu!
Một thông tin nữa cũng được đăng tải: đầu tháng 6-1040, Winston Churchill nhận được một báo cáo, trong đó có lời thuật lại của Koźliński (một chỉ huy kỵ binh, cựu chủ nhân vùng Katyn). Ông này, vào ngày 18-5-1940, đã thấy lính Nga ném nhiều tử thi xuống hố thứ 8.
6. Sự phát hiện những ngôi mộ tập thể tại Katyn:
Trên cơ sở thông tin của cư dân Nga địa phương, những công nhân Ba Lan lao động cưỡng bức tại Bauzug đã tìm thấy vị trí các ngôi mộ tập thể ở Katyn năm 1942. Các công nhân này đã tự điều tra và sau khi phát hiện ra những thi thể còn trên người bộ quân phục Ba Lan, họ đã lập tức báo tin cho chính quyền Đức.
Thoạt tiên, phía Đức không thật quan tâm đến sự kiện này, nhưng đến cuối mùa đông 1943, họ đã trở lại đề tài Katyn. Ngày 18-2-1943, người Đức bắt đầu đào các ngôi mộ tập thể và đến ngày 13-4, đã có chừng 400 thi thể được đào lên. Cùng ngày, Đài phát thanh Berlin đưa tin nước Đức tìm thấy 12 ngàn thi thể các sĩ quan Ba Lan bị giết tại vùng rừng Katyn.
Phía Đức tìm cách sử dụng thực tế đã lọt ra ánh sáng ở Katyn cho mục đích tuyên truyền, vì thế, ngày 16-4-1943, Đức mời Hồng Thập Tự Quốc tế và các đại diện của xã hội Ba Lan trong vùng bị phát-xít Đức chiếm đóng – cũng như các tù binh, trong số đó có các sĩ quan Ba Lan – đến tham dự công việc cất bốc tử thi và khám nghiệm. Độc lập với phía Đức, ngày 17-4, chính quyền lưu vong Ba Lan do tướng Władysław Sikorski đứng đầu cũng đề nghị Hồng Thập Tự Quốc tế tham gia xem xét vụ này. Sáu ngày sau, Hồng Thập Tự tuyên bố sẵn sàng cộng tác tìm hiểu sự việc, nhưng với điều kiện là tất cả các bên có liên quan – nghĩa là cả từ phía Nga – đều đưa ra đề nghị này. Điều đó có nghĩa là, Stalin được “rảnh tay” để sử dụng Hồng Thập Tự Quốc tế như một công cụ để ngăn chặn sự điều tra trong vụ Katyn.
Nhờ đó, chính quyền Đức lập ra một ủy ban quốc tế cùng một giám sát viên, với 12 thành viên là đại diện các quốc gia phụ thuộc vào Đệ tam Đế chế, cùng một đại biểu Thụy Sĩ. Dưới áp lực của phía Đức, nhưng với sự biết đến của các tổ chức lưu vong và du kích Ba Lan, hơn mười đại biểu Ba Lan cũng tới Katyn (trong số đó, có các nhà văn Ferdynand Goetel và Józef Mackiewicz; bác sĩ Marian Wodziński thuộc Hồng Thập Tự Ba Lan; cha Stanisław Jasiński, linh mục tại Đại giáo đường Kraków).
Tại hiện trường của cuộc khảo sát, một số tù binh của Đức là các sĩ quan Anh, Mỹ và Ba Lan cũng có mặt do phía Đức bắt buộc (đây là khẳng định của đại tá Stefan Mossor sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc). 
  
Việc cất bốc tử thi được thực hiện trong 8 ngôi mộ tập thể. Trong số các xác được đưa lên, có tử thi hai vị tướng Bronisław Bohatyrewicz và Mieczysław Smorawiński (về sau, hai tử thi này được tái chôn cất trong mộ riêng). Cho đến ngày 3-6-1943, tổng cộng hơn 4.100 xác được cất bốc và trong khoảng thời gian ấy, bác sĩ Wodziński đã nhận dạng được 2.800 tử thi. Công việc thu thập tư liệu và dẫn chứng được thực hiện rất kỹ càng. Cung cách thực hiện vụ thảm sát và loại súng do các “đao phủ” sử dụng cũng được xác định.
Trong quá trình tìm tòi, các chuyên gia đã ghi nhận loại vũ khí và đạn được dùng là súng lục 7,65 ly nhãn hiệu Đức và trong thực tế, đây đã và vẫn là “tồn nghi” duy nhất đối với tội ác của cơ quan mật vụ chính trị NKVD (cho dù, ai cũng biết rằng các đơn vị “hành động” Xô-viết luôn thích dùng vũ khí, đạn được Đức, được coi là tốt hơn của Nga).
Đồng thời, có nhiều luận cứ khẳng định tội ác của phía Liên Xô: những thư từ gửi người thân, tìm thấy trong người các nạn nhân, đều có thời điểm năm 1940; trên cơ sở tuổi của những cây trồng trên mộ, cũng như những dấu hiệu bệnh lý học – cơ thể học đặc biệt xuất hiện trên các tử thi cũng cho thấy thời điểm chính xác của vụ giết người (mùa xuân năm 1940).
Quyết định của Ban lãnh đạo chính trị thượng đỉnh Đảng Cộng sản Liên Xô về việc thủ tiêu các tù binh Ba Lan
Do tình hình chiến sự, cũng như do mùa hè đã đến, việc cất bốc và khám nghiệm tử thi được thực hiện dưới sự giám sức của phía Đức bị chấm dứt ngày 3-6-1943, trước khi tất cả các xác chết được đào lên. Trong ngôi mộ cuối cùng (số 8), mới có chừng 200 tử thi được cất bốc. Ít lâu sau, khu vực này lại thuộc quyền kiểm soát của phía Liên Xô.
Các tư liệu và dẫn chứng của quá trình khám nghiệm được chuyển về Viện Pháp y Kraków trong thời chiến, nhưng cuối Đệ nhị Thế chiến nó đã biến mất. Các biên bản khám nghiệm về phía Đức – mà Hồng Thập Tự Quốc tế cũng ký nhận – nói về sự khám nghiệm 4.143 tử thi được cất bốc. Trong số các chuyên gia đã ký biên bản này, hai vị giáo sư (GS TS Hajek, Tiệp, và GS TS Markov, Bulgaria) đã phải tuyên bố rút chữ ký dưới áp lực của Liên Xô.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc những quốc gia ngoài “vùng ảnh hưởng” Xô-viết (như GS TS F. Neville, Thụy Sĩ) thì không ai làm điều này. Trên cơ sở hoạt động của ủy ban này (TS Aleksander Wodziński đứng đầu), Hồng Thập Tự Ba Lan đã đưa ra tờ trình do Kazimierz Skarżyński thảo (báo cáo này được công bố tại Pháp năm 1955 và Ba Lan năm 1989), trong đó con số nạn nhân được coi là 4.243 (cao hơn con số có trong biên bản của phía Đức 100 người).
Đồng thời, báo cáo cũng khẳng định rằng các ngôi mộ tập thể ở rừng Katyn là nơi yên nghỉ của 11 ngàn sĩ quan Ba Lan, tức là đa số những người bị coi là mất tích. Con số này sau còn được nhắc lại trong các báo cáo giả mạo của phía Nga.
7. Sự xuyên tạc và lấp liếm vụ thảm sát:
* Về phía Liên Xô
Tiền và quân hiệu tìm thấy trong các ngôi mộ tập thể
Để trả lời thông báo của Đái Phát thanh Berlin, Đài Phát Thanh Moscow (ngày 15-4-1943) và tờ “Sự thật” (Pravda, số ra ngày 17-4-1943) đã đăng tải quan điểm chính thức của chính phủ Xô-viết, với nội dung buộc tội phát-xít Đức “đã thực hiện tội ác tày trời”. Theo khẳng định vào tháng 3-1942 của Stalin, “mùa xuân năm 1940, trong khi bị cấm trao đổi thư từ, các sĩ quan Ba Lan được chuyển từ các trại tù Kozielsk, Ostashkov và Starobilsk sang ba trại lao động đặc biệt gần Smolensk, được mang số hiệu 1-ON, 2-ON và 3-ON. Sau khi quân Đức tràn vào đây, chúng đã chiếm các trại này và tử hình các tù binh vào mùa xuân”.
Sau khi chính phủ lưu vong Ba Lan gửi đề xuất lên Hồng Thập Tự Quốc tế, tờ “Sự thật” đăng bài “Những cộng sự viên Ba Lan của Hitler”, rồi rạng sáng ngày 26-4-1943, đại sứ Ba Lan tại Liên Xô, ông Tadeusz Romer nhận được công hàm với nội dung phía Nga chấm dứt quan hệ ngoại giao với Ba Lan. Cơ quan “Foreign Office” (FO, Anh) gửi điện mật tới Bộ Ngoại giao Mỹ báo tin theo FO, “sở dĩ người Nga cắt đứt quan hệ với Ba Lan […] để “ỉm đi” tội ác tày trời của họ”. Cùng lúc đó, lý giải về động thái chấm dứt quan hệ ngoại giao, Stalin coi đó là do cách cư xử của phía Ba Lan: “không thể nối lại các mối quan hệ hữu nghị và công việc giữa nước Nga – Xô-viết và Ba Lan, chừng nào (chính phủ Ba Lan) vẫn còn đưa ra cáo buộc xúc phạm chính quyền và chính phủ Xô-viết”.
Sau khi Hồng quân Nga tiến vào vùng Smolensk và đẩy lùi các lực lượng quân sự Đức, phía Nga lập tức cho một ủy ban của riêng họ – “Ủy ban đặc biệt tìm hiểu và điều tra những hoàn cảnh mà quân xâm lược Đức đã thực hiện trong vùng rừng Katyn để giết hại các tù binh Ba Lan” (U.S.S.R. Spetsial’naya Kommissiya po Ustanovleniyu i Rassledovaniyu Obstoyatel’stv Rasstrela Nemetsko-Fashistskimi Zakhvatchikami v Katynskom Lesu) – tiến hành công việc. Chủ tịch ủy ban này là viện sĩ Nicolai Burdenko [chủ tịch Viện Hàn lâm Y học Liên Xô], trong số các thành viên, có nhà văn Alexey Tolstoi, giáo trưởng Nicolai (đứng đầu chi nhánh Ukraina của Giáo hội Chính Thống giáo Nga, khi đó đặt dưới sự quản chế của cơ quan mật vụ chính trị NKVD). Tuy nhiên, không hề có một thành viên nào đến từ các nước Cộng hòa Xô-viết khác, thậm chí, Liên minh Những người ái quốc Ba Lan (Związek Patriotów Polskich, một tổ chức được thành lập tại Nga và rất phụ thuộc vào Liên Xô), hoặc đạo quân của tướng Berling cũng không có một đại diện nào.
Trong quá trình cất bốc, rất có khả năng là ủy ban này đã “khêu ra” vài tử thi trong số các tử thi nằm dưới ngôi mộ thập thể mà phía Đức đã không đụng đến (tờ trình của ủy ban nhắc đến hơn 900 xác chết được đưa lên, nhưng điều này không được chứng tỏ). Tháng 1-1944, 9 bằng cứ (các mẩu báo vụn, chứng từ của hiệu giặt đồ, bưu ảnh với địa chỉ ở Warszawa) đã được đưa ra nhằm chứng tỏ vụ thảm sát Katyn do quân đội Đức (Wehrmacht) gây ra. Báo cáo của ủy ban khẳng định 11 ngàn sĩ quan Ba Lan bị Đức giết tại Katyn, ngoài ra, nó còn nhắc tới các trại lao động mang số hiệu 1-ON, 2-ON, 3-ON. Tờ tình cũng nói thêm: vụ thảm sát được tiến hành tháng 8/9-1941 bởi tiểu đoàn công binh do đại tá quân đội Ahrens đứng đầu.
Những dữ liệu về “tội ác” của phát-xít Đức đã được xuất hiện trong vài lần tái bản (thời sau Thế chiến) của “Đại Bách khoa Toàn thư Liên Xô”, tuy nhiên, trong lần in vào thập niên 70 thế kỷ trước, mục từ về Katyn đã bị xóa.
Cuối thập niên 50 thế kỷ trước, theo chỉ thị của [lãnh tụ] Khrushchev, chủ tịch KGB Aleksandr Shelepin đã xem xét lại vụ thảm sát. Shelepin đã cho thu thập tất cả văn bản trong vụ Katyn và sau khi khảo sát những tư liệu đó, ngày 3-3-1959, trong đề xuất số N-632-S (Н-632-Ш), ông ta đề nghị tiêu hủy 21.857 hồ sơ cá nhân của những sĩ quan Ba Lan bị giết hại, với lý do “xét trên phương diện thực tế và lịch sử, hồ sơ cá nhân của những nhân vật thuộc nước Ba Lan tư sản một thời hoàn toàn không thích hợp để lưu giữ”. Chỉ cần giữ lại một số báo cáo tổng kết trữ trong vài hồ sơ nhỏ và riêng rẽ.
Đề xuất của Shelepin được chấp thuận và từ đó, xuất hiện Hồ sơ số 1 (được coi là “tuyệt mật”); các bằng cứ thì bị tiêu hủy. Về sau, Hồ sơ số 1 này được coi là bí mật quốc gia quan trọng bậc nhất của Liên Xô: các tổng bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô, khi “đăng quang”, đều được nhận và ký vào văn bản này.
Năm 1978, các nhóm công nhân xây dựng xuất hiện tại Katyn, không phải để xóa đi các dấu vết về vụ thảm sát mà để tiến hành xây một công viên tưởng niệm hoành tráng (kiểu Nghĩa trang Quốc gia Arlington). Những cột be-tông được dựng lên, có khắc hàng chữ (phản ánh quan điểm chính thức của Liên Xô): “Tưởng nhớ những nạn nhân của chủ nghĩa phát-xít – những sĩ quan Ba Lan bị quân đội Hitler giết hại năm 1941”.
* Phiên tòa Nürnberg 
  
Vì lý do dễ hiểu, vụ thảm sát Katyn cũng được đưa vào chương trình nghị sự của phiên tòa Nürnberg [do phe Đồng minh tổ chức để buộc tội và xét xử những tội phạm chiến tranh trong Đệ nhị Thế chiến]: công tố viên trưởng của Liên Xô, ông Rudenko, đã đưa ra bản cáo trạng vì tội ác giết hại 11 ngàn sĩ quan Ba Lan tại Katyn (được coi là tội ác diệt chủng), nhưng rốt cục những lời buộc tội này (đối với quân đội Đức) đã không được chứng tỏ.
Tại phiên tòa, hàng loạt những chi tiết thiếu chính xác và những sai lầm căn bản đã được chỉ ra trong cáo trạng của Rudenko. Chẳng hạn, Tòa án Quốc tế xác nhận rằng tại Katyn, quả thực đã có một đơn vị quân đội Đức đồn trú với mục đích… thông tin, và đứng đầu đơn vị 537 này không phải là “Arnes“, mà là đại tá Arens; ngoài ra, đơn vị này chỉ xuất hiện vào… tháng 11-1941 [phía Liên Xô cho rằng Đức đã thảm sát các sĩ quan Ba Lan vào hè 1941]. Vì vậy, đại tá Arens chỉ bị Tòa án Quốc tế hỏi cung trên cương vị nhân chứng, mặc dù phía Liên Xô đòi xét xử ông ta.
Trong bản cáo trạng của Liên Xô, vụ thảm sát Katyn vẫn được coi là “tội ác diệt chủng do phát-xít Đức gây ra”, nhưng điều này đã bị xóa trong những đề xuất kết án cuối cùng. Đối với một số nhà nghiên cứu và chuyên gia hình sự quốc tế, điều này đồng nghĩa với việc Liên bang Xô-viết phải nhận phần trách nhiệm về mình và vì thế, cho đến nay, họ vẫn đề xuất việc tổ chức một phiên tòa quốc tế xét xử vụ Katyn, trên phương diện một tội ác chống nhân loại không bao giờ hết thời hiệu. Nhưng, như chúng ta đã biết, Liên bang Nga có quan điểm khác về việc này.
* Anh Quốc và Hoa Kỳ  

Các Đồng minh phương Tây luôn có thái độ “cầm chừng”, hoặc quan niệm “vì lợi ích tối thượng” [trong vấn đề Katyn]. Chẳng hạn, thủ tướng Anh W. Churchill khuyên chính phủ và người Ba Lan hãy “vừa vừa phai phải thôi”. Các chủ báo và các quan chức Anh cũng tìm cách ỉm đi vụ thảm sát Katyn.
Chỉ một số ít, như Geoffrey Potocki de Montalk (tác giả “Katyn Manifesto” [Tuyên ngôn Katyn], ấn phẩm thành thực đầu tiên trong số các bài viết của phương Tây về Katyn), hoặc Sir Owen O’Malley (đại sứ Anh được giao trách nhiệm đại diện cho chính phủ lưu vong Ba Lan), là tìm cách đưa công lý ra ánh sáng. Tờ trình của Sir Owen O’Malley – được kèm theo nhuững tư liệu và bằng cứ cẩn trọng – đã khẳng định tội lỗi của phía Liên Xô và tháng 6-1943, báo cáo này đã được trao cho nhà vua Anh, thủ tướng Churchill và nội các đang tham chiến của ông ta.
Trong một thời gian dài, nhà chức trách Hoa Kỳ cũng chấp nhận “thuyết” của Liên Xô về Katyn và không ủng hộ việc tìm tòi để khám phá sự thật trong vụ thảm sát. Nhiều người biết đến trường hợp của đại tá van Vliet, bị quân Đức bắt làm tù binh và năm 1943, cùng các tù binh của bảy quốc gia khác, ông bị [phía Đức] chở đến Katyn.
Sau khi được trả tự do, đại tá van Vliet báo cáo sự việc cho tướng Bissell và ông này lập tức ra lệnh “mật hóa” tờ trình với dấu “TUYỆT MẬT” (nhưng khả năng là nó bị hủy). Về sau, năm 1952, chính đại tá Vliet đã phải đích thân phục hồi nó cho một ủy ban của Hạ viện Mỹ [được lập ra để điều tra vụ Katyn].
* Ba Lan
Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, do phụ thuộc vào Liên Xô, đã tham gia gìn giữ những hình ảnh sai lạc về Katyn. Điều này đặc biệt ứng với nhà văn nữ Wanda Wasilewska và tướng Zygmunt Berling.
Từ mùa xuân 1945, bộ trưởng Tư pháp Henryk Świątkowski đã ra chỉ thị điều tra trong vụ thảm sát các sĩ quan Ba Lan tại Katyn, nhiệm vụ giám sát được công tố viên trưởng Jerzy Sawicki (sau này trở thành một luật gia nổi tiếng) trao cho Roman Martini (trước Đệ nhị Thế chiến từng là công tố viên phó của Tòa án khu vực Kielce).
Công tố viên Martini đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc của Ba Lan năm 1939; lòng quả cảm trong những trận chiến ở Warszawa đã khiến ông được tặng nhiều huân chương, huy chương. Ông bị quân Đức bắt làm tù binh và bị tù đày đến cuối cuộc chiến. Roman Martini tiến hành điều tra trong gần 1 năm, cho đến khi bị ám sát ngày 30-3-1946.
Dường như thủ phạm là vị hôn phu của một cô gái trẻ mà trước kia ông có quan hệ. Nhưng theo các nguồn khác, cho dù vụ điều tra đã được “định hướng” từ trước (là nhằm chứng tỏ “tội trạng” của phía Đức), nhưng nhờ Martini, cuộc điều tra đã đi theo hướng ngược lại và rất nhiều bằng cứ được phát hiện cho thấy thủ phạm là Liên Xô; vì thế, vị công tố viên đã phải chết trong một vụ ám sát đưọc dàn dựng kỹ lưỡng.
8. Chính thức đưa ra ánh sáng 
 Trong thực tế, bộ máy tuyên truyền chính thức của Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, từ đầu đến cuối, đã duy trì quan điểm cứng rắn kiểu Stalinist, cho đến năm 1990, cho dù tại Liên bang Xô-viết đã diễn ra quá trình cải tổ. Năm 1987, được sự đồng tình cuủa lãnh tụ Liên Xô thời đó là Gorbachev, một ủy ban liên hợp Ba Lan – Liên Xô đã được thành lập với nhiệm vụ tìm hiểu những “mảnh trắng” trong mối quan hệ lịch sử giữa hai nước và làm sáng tỏ thực tế. Tuy nhiên, dù mang cái tên “kêu” như vậy, mục đích rõ ràng và duy nhất được đặt ra trong dịp này là làm sáng tỏ sự thật trong vụ thảm sát Katyn. Cuối cùng, thông báo của Hãng Thông tấn Liên Xô (TASS) ngày 14-4-1990 đã đưa ra một bước tiến trong vụ này: các lãnh tụ Xô-viết chính thức tuyên bố Liên Xô – và đặc biệt là Beri và các đồng sự – phải chịu trách nhiệm về cái chết của các sĩ quan Ba Lan tại Katyn!
Tuy nhiên, cần biết rằng kể từ khi lên nắm quyền lực, tổng bí thư Mikhail Gorbachev đã phải biết và thực sự, đã biết rất rõ về “sự thật trần trụi” trong vụ Katyn, bởi lẽ, ông phải được biết về Hồ sơ số 1 (“tuyệt mật”) đã nhắc đến ở phần trước và ý thức được điều đó, với sắc lệnh số RP-979 (РП-979) ra ngày 3-11-1990, Gorbachev đã chỉ thị Viện Hàn lâm Khoa học Nga phải tìm mọi “bằng cứ” về những “tội ác” của Ba Lan đối với Liên Xô, nhằm giảm nhẹ những vấn đề “phát sinh” khi sự thật trong vụ thảm sát kinh hoàng được đưa ra trước công luận.
Ngày 14-10-1992, theo chỉ thị của tổng thống Boris Yeltsin, ông Rudolf Pihoja – người đứng đầu các kho thư khố Liên bang Xô-viết – đã trao cho tổng thống Ba Lan Lech Wałęsa các bản sao của Hồ sơ đặc biệt số 1. Những tư liệu này được công bố tại Ba Lan cùng năm, trong tập “Katyn – những tư liệu của sự diệt chủng”; còn ở Nga, chúng được xuất hiện trong “Những vấn đề lịch sử”, một tạp chí lịch sử ra hàng tháng (số đầu năm 1993). Đồng thời, các sử gia Ba Lan có điều kiện nghiên cứu tại một số kho thư khố trên nước Nga.
9. Những cuộc điều tra độc lập, khách quan
* Hoa Kỳ 
  
Ngày 22-12-1955, một ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra theo đề xuất của Hội đồng người Ba Lan tại Mỹ và sau đó, ủy ban này đã đề nghị chính phủ Hoa Kỳ hãy đưa vụ Katyn lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và buộc tội Liên Xô trước Tòa án Quốc tế Hague [nhưng đề nghị này không được chính phủ Mỹ chấp thuận]. Năm 1971, kênh BBC đã chiếu bộ phim “Phải bỏ qua vụ án này” [về Katyn].
* Nga – Xô-viết, Byelorussia, Ukraina
Sau khi phía Liên Xô chính thức thú nhận tội lỗi trong vụ Katyn, ngoài việc nghiên cứu trong các kho thư khố, Viện Kiểm sát Liên Xô (và sau đó, Viện Kiểm sát Nga) có điều kiện mở cuộc điều tra: cùng chính quyền Ba Lan, cơ quan kiểm sát Nga đã hỏi cung vài chục nhân chứng còn sống (nhiều số liệu trong loạt bài viết này được sử dụng từ các biển bản thẩm vấn). Các ngôi mộ tập thể ngoài khu vực Katyn cũng được cất bốc.
Những cuộc cất bốc tại Mednoye được tiến hành từ ngày 15-8 đến ngày 31-8-1991. Trên một hình ngũ giác kích thước 37 m x 36 m x 120 m x 120m x 120m, 30 hố được đào và 5 thử nghiệm dò tìm tử thi đã được thực hiện, một ngôi mộ tập thể được phát hiện và 240 tử thi được cất bốc, đa phần ăn vận quân phục màu xanh đậm của cảnh sát. Căn cứ những bộ quân phục, quân trang quân dụng còn lại, cũng như một số giấy tờ ở trạng thái tương đối tốt – trong đó có hai sổ lưu niệm -, có thể xác nhận một cách không thể chối cãi rằng tất cả đều là những cảnh sát Ba Lan từng bị giam tại trại Ostashkov; ngoài ra, tên tuổi họ cũng được ghi nhận trong sổ đi đường của NKVD. Cuộc khám nghiệm hộp sọ cho thấy rằng trong số họ, 169 người còn bị những vết thương sau khi đã bị bắn từ sau lưng. Hơn 20 viên đạn được tìm thấy, 2 viên từ loại súng máy Nagant 7,62 ly của Bỉ, số còn lại là loại 7,65 ly của Đức. Điều này càng củng cố lời khai của Tokarjev, theo đó, vụ thảm sát được thực hiện bởi vũ khí của Đức (chuyển từ Moscow về), để sau đó có thể “đổ vấy” cho phía Đức. Sau khi cuộc cất bốc chấm dứt ngày 31-8-1991, các tử thi được tái mai táng long trọng. Trong các cuộc điều tra sau đó (mùa hè 1994 và 1995), các nhân viên Bộ Nội vụ Nga đã cất bốc các ngôi mộ tập thể khác và thực hiện toàn bộ công việc theo dự định (trước kia đã phải bỏ ngỏ vì việc xây dựng khu công viên tưởng niệm).
Tại Pyatykhatky (ngoại ô Kharkov), công việc cất bốc được thực hiện từ 25-7 đến 9-8-1991. Tại một khi hình tứ giác kích thước 97m x 62m x 143m x 134m, 49 hố được đào cùng 5 thử nghiệm dò tìm; 167 tử thi của các quân nhân Ba Lan được tìm thấy. Cùng những đợt điều tra về sau, 75 ngôi mộ tập thể được đào lên, trong số đó 15 mộ chứa thi thể các tù binh Ba Lan; 420 tử thi được cát bốc, trong đó 363 là quân nhân Ba Lan cùng những quân trang, quân dụng (2.500 đồ vật).
10. Các đài tưởng niệm Katyn
Tại Kraków, năm 1994, Ba Lan và Nga đã ký một hiệp định về việc gìn giữ và bảo vệ những đài tưởng niệm và nghĩa trang của các nạn nhân chiến tranh và chủ nghĩa độc tài.
Nghĩa trang đầu tiên tưởng nhớ đến các nạn nhân của [cơ quan mật vụ chính trị Liên Xô] NKVD được mở vào tháng 6-2000 tại Kharkov (Pyatykhatky), Ukraina.
Nghĩa trang Katyn được hoàn tất trọng thể vào ngày 28-6.
Trong số ba nghĩa trang, nghĩa trang cuối cùng được khánh thành tại Mednoye, gần Tver (Nga) và tháng 9-2000.
11. Những mâu thuẫn hiện tại quanh cuộc thảm sát Katyn
Mặc dầu Ban lãnh đạo thượng đỉnh Nga đã xác nhận và thú nhận về tội lỗi của phía Liên Xô (do chính quyền Stalinist gây ra) trong vụ giết người hàng loạt tại Katyn, và những tư liệu tuyệt mật cũng đã được đưa ra trước công luận tại nước Nga, từ năm 1990 trở đi, ở Liên bang Nga, lại có một số cái nhìn nghi hoặc, hay [tiếp tục] đổ vấy cho phía Đức. Những tín đồ của quan điểm này thường dựa vào tờ trình của Burdenko về ba trại tù không tồn tại 1-ON, 2-ON và 3-ON [đã nói ở phần trước]. Trong số đó, được biết đến nhiều nhất là Yury Mukhin (ký giả cực đoan Nga) và Aman Tiuliyev (chính khách cực đoan Nga, người từng đưa ra lời buộc lại với phía Ba Lan, rằng nước này đã tử hình mấy chục ngàn tù binh Liên Xô bị bắt năm 1920 [khi Hồng quân Xô-viết định “xuất khẩu cách mạng” sang xứ này]). Những quan điểm này xuất hiện lần đầu khi tổng bí thư Gorbachev công bố trước dư luận những tư liệu – chứng tỏ tội trạng của Liên Xô – về vụ thảm sát Katyn, trước đó được coi là “tuyệt mật”.
Từ một khía cạnh khác, những thử nghiệm (rất đồng loạt) của Liên Xô (và sau đó là Liên bang Nga) nhằm giấu nhẹm sự thật trong vụ Katyn đã khiến một số sử gia đưa ra thuyết cho rằng thảm sát Katyn là do hai cơ quan mật vụ chính trị Nga và Đức (NKVD và Gestapo) cùng thực hiện, và Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đức đã biết điều này trước đó rất lâu. Đặt cơ sở cho mối “quan hệ hợp tác” đó là Hiệp định tuyệt mật giữa Đức và Liên Xô, ký ngày 28-9-1939, buộc hai quốc gia này phải dập tắt mọi nỗ lực của phía Ba Lan nhằm chiến đấu chống những kẻ xâm lăng nước này. Theo giả thuyết này, để thực hiện hiệp định trên, Gestapo và NKVD đã có vài cuộc gặp mặt tại Zakopane và Kraków, bàn bạc về các biện pháp chống trả [cuộc chiến tự vệ của Ba Lan], về những phương thức giết người và đày ải. GS George Watson (Đại học Tổng hợp Cambridge) cho rằng số phận của các tù binh Ba Lan tại Katyn đã được định đoạt trong một cuộc gặp mặt như thế tại Kraków. Ý kiến này còn được một số nhà nghiên cứu về vụ Katyn chia sẻ, chẳng hạn A. Paul (“Katyń. Stalinowska masakra i tryumf prawdy, Świat Książki, Warszawa 2006”).
12. Những sự kiện gần đây nhất
Ngày 5-3-2005, Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Liên bang Nga tuyên bố chấm dứt điều tra trong vụ thảm sát Katyn. Trong số các hồ sơ điều tra được tập trung trong 183 tập dày, chỉ có 116 tập được công bố đầy đủ, cho dù tháng 9-2004 và tiếp theo đó, tháng 11-2004, cơ quan Kiểm sát khẳng định sẽ đưa ra trước công luận toàn bộ tài liệu điều tra. Lý do là vì những hồ sơ này, cho đến nay, vẫn bị… “mật hóa”!
Một ý kiến khác cho rằng, sở dĩ các hồ sơ bị “mật hóa” vì trong đó, những bằng cứ có cơ sở cho thấy lãnh đạo và quan chức Đảng Cộng sản Ba Lan chính là những đồng phạm, đã tham gia quá trình chuẩn bị các hồ sơ của những tù nhân bị sát hại về sau này. Cần lưu ý rằng giả thuyết này có thể đúng đối với những tù nhân Ba Lan bị giam giữ tại các nhà tù ở miền Tây Belaruss và miền Tây Ukraina (và bị thảm sát cùng thời gian xảy ra vụ Katyn), nhưng không thể liên quan đến các sĩ quan Ba Lan bị giam giữ trong ba trại tù, bởi họ đã bị bắt (và sau đó bị giết hại) mà không hề thông qua một danh sách nào.
Ngày 11-3-2005, Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Nga cũng chính thức tuyên bố rằng “không hề có cơ sở gì để coi vụ giết người ở Katyn là diệt chủng” (trong vụ này, quan điểm không chính thức đã được biết tới từ nửa năm trước đó). Lý do được đưa ra là việc đày ải các sĩ quan Ba Lan, cách giam giữ và đối xử với họ phù hợp với những “chuẩn mực” bắt buộc thời bấy giờ, và cho dù việc giết họ là hành vi phạm pháp, nhưng tính chất của nó không nhằm vào sự phân biệt đối xử với người dân Ba Lan. Quyết định này có nghĩa là tại Liên bang Nga, vụ thảm sát Katyn được coi là phạm pháp, nhưng đã… hết thời hiệu từ lâu!
Trong vấn đề này, ý kiến của Viện Ký ức Quốc gia – Tổng ủy ban Điều tra các tội ác của nước Đức Hitler và Liên Xô đối với dân tộc Ba Lan (Instytut Pamięci Narodowej – Główna Komisja Badania Zbrodni Hitlerowskich i Sowieckich Przeciwko Narodowi Polskiemu) – một cơ quan có thẩm quyền của cơ quan kiểm sát – là không thay đổi và trái ngược hẳn với quan điểm của phía Nga! (Cuối tháng 3-2006, Viện Ký ức Quốc gia nói trên đã thông báo rằng một phần của kho thư khố của chi nhánh NKVD tại Smolensk có thể được giữ tại Hoa Kỳ: dường như trong Đệ nhị Thế chiến, những tư liệu này đã được phía Đức lấy được khi Đệ tam Đế chế tấn công Liên Xô và chiếm Smolensk, tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, nó đã được lấy lại từ tay người Đức).
Tuyên bố kể trên của Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Nga chỉ nhấn mạnh rằng vụ giết người hàng loạt này không phải là diệt chủng, Hội Hồi tưởng (Memorial) của Nga đã đòi Viện phải đưa ra lời lý giải chính xác về mặt luật pháp. Để trả lời, Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Nga đã viện dẫn điểm 17, điều 193 bộ Luật Hình sự Liên bang Nga: tội lạm dụng quyền lực của các nhân vật thuộc Ban lãnh đạo Tối cao Hồng quân! Mà đứng đầu là J. Stalin.
Trần Lê tổng hợp
(nguồn : nghiencuulichsu.com)

Không có nhận xét nào: