6/6/16

VTV ‘đấu tố’ MC Phan Anh: sức mạnh của nghệ thuật tương phản.


Lê Anh Hùng

Từ trước đến nay, truyền thông chính thống ở Việt Nam chẳng thiếu những vụ việc tai tiếng, nhưng một scandal khiến dư luận lên cơn sốt như vụ VTV “đấu tố” MC Phan Anh vừa qua thì quả thực là “xưa nay hiếm”. Chưa bao giờ một cơ quan truyền thông nhà nước hàng đầu ở Việt Nam lại phải hứng chịu một làn sóng phẫn nộ, khinh bỉ, chế nhạo… mà công chúng nhằm vào mình mạnh mẽ đến như vậy.



Câu hỏi không thể không đặt ra ở đây: Điều gì đã khiến một clip chương trình truyền hình trong vô số chương trình tương tự của VTV tạo ra được hiệu ứng xã hội ngược chiều và mãnh liệt như thế?

Một số tác giả cùng các nhà chuyên môn đã mổ xẻ vụ việc này từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng dường như chưa ai chỉ ra “thủ pháp nghệ thuật” đằng sau chương trình, giúp nó gặt hái được “thành công” đến mức mà, như tác giả Chu Mộng Long nhận định: “Ý đồ của VTV muốn hạ nhục Phan Anh trước dư luận lại không ngờ bị phản ứng ngược: VTV bị dư luận hạ nhục như chưa bao giờ bị hạ nhục. Nhục đến mức phải gỡ ngay lập tức cái clip phản chủ kia.” Bản thân nhà báo Tạ Bích Loan – người dẫn chương trình kiêm “chủ toạ phiên toà” – thì phải đóng trang Facebook cá nhân và lặn mất tăm.

Thủ pháp mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là thủ pháp tương phản trong nghệ thuật. Đó là một thủ pháp nghệ thuật mà người ta sử dụng hai hay nhiều phần tử khác nhau, đối lập nhau, đặt song song trong cùng một chỉnh thể, nhằm làm nổi bật và khắc hoạ rõ nét hơn phần tử được mô tả, đồng thời cho thấy sự khác biệt giữa những cặp đối lập nhau đó. Chẳng hạn, để nhấn mạnh chiều cao của một vật thể, người ta đặt nó cạnh những vật thể thấp lùn, và ngược lại.

Thủ pháp tương phản được sử dụng hầu như trong mọi loại hình nghệ thuật: văn chương, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh... Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không muốn trình bày cụ thể cách thức ứng dụng thủ pháp tương phản ở từng môn nghệ thuật, mà chỉ muốn mổ xẻ nó qua hiệu ứng mà nó tạo ra với clip “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì” của chương trình “60 phút mở” do VTV1 phát sóng tối 29/5/2016.

Sự tương phản đầu tiên dễ nhận ra ngay trong clip chương trình này là tương phản giữa Chính và Tà: đó là cuộc đấu tranh giữa bên Chính (đại diện là MC Phan Anh) và bên Tà (đại diện là nhà báo Tạ Bích Loan, đại tá an ninh Hồng Thanh Quang, chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà, nhà báo Hoàng Minh Trí cùng sự hỗ trợ của hai chuyên gia và đám thanh niên sinh viên trong vai “quần chúng” khác). Trong khi MC Phan Anh thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của một nghệ sỹ chân chính khi lên tiếng bày tỏ quan điểm cá nhân về vụ đại thảm hoạ môi trường đang đe doạ không chỉ kế sinh nhai mà cả tính mạng của hàng chục triệu người Việt Nam thì những kẻ đối lập với anh lại núp dưới những vỏ bọc như “tỉnh táo” hay “trách nhiệm” để vừa chối bỏ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp của mình vừa ra sức quy chụp, dèm pha, áp đảo anh bằng những lời lẽ đao to búa lớn nhưng lại rỗng tuếch hoặc nguỵ biện.

Sự tương phản trung tâm Chính - Tà ở trên còn được bổ trợ bằng những sự tương phản phụ khác, góp phần làm nổi bật thêm sự tương phản chính. Đó là sự tương phản giữa lực lượng Chính và Tà, và sự tương phản giữa cách ứng xử của bên Chính và thủ đoạn của bên Tà. Trong khi bên Chính chỉ có một mình MC Phan Anh thì bên Tà lại có đến 5 người (nếu không tính một nhiếp ảnh gia Na Son ra chiều mềm mỏng hơn), chưa kể 10 thanh niên khác trong vai “quần chúng”. Và đối diện với một Phan Anh thông minh, chính trực, điềm tĩnh là những kẻ vừa ngu xuẩn, xảo trá (cho rằng clip thí nghiệm hai con cá chết trong nước biển ô nhiễm mà Phan Anh chia sẻ là nguỵ tạo, đồng thời lại viện dẫn những kiến thức nhảm nhí và số liệu đáng ngờ), vừa hung hăng, hùng hổ, bầy đàn… như thể muốn ăn tươi nuốt sống anh.

Như bất kỳ một cơ quan truyền thông chính thống nào ở Việt Nam, phần lớn những chương trình của VTV mang tính chất tuyên truyền nhằm định hướng dư luận, ru ngủ dân chúng. Để hoàn thành “sứ mệnh cao cả” trên “mặt trận văn hoá - tư tưởng” đó, họ không từ bất kỳ thủ đoạn nào, kể cả vu khống người khác, xuyên tạc sự thật, hay dối trá, bịa đặt. (Vụ VTV cùng Truyền hình Công an Nhân dân vu cáo một số nhân sỹ, trí thức yêu nước ngày 15/5 vừa qua là một ví dụ điển hình.) Đáng tiếc là hiếm có ai đủ dũng cảm và tinh thần trách nhiệm để lên tiếng vạch mặt họ.

Trước vụ “đấu tố” MC Phan Anh chỉ vài tuần, VTV đã khiến dư luận phẫn nộ với phóng sự “Cây chổi quét rau”, khi phóng viên VTV phịa ra câu chuyện người nông dân trồng rau ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) dùng chổi quét lên những luống rau cải xanh non cho giống với rau bị sâu ăn để đánh vào tâm lý “rau sâu mới là rau sạch” của người tiêu dùng. 

Trong vụ “Cây chổi quét rau” nêu trên, chỉ đến khi chính quyền địa phương, dưới áp lực của người dân, buộc vào cuộc xác minh và phản ảnh lên báo chí, lãnh đạo VTV3 mới chịu “gửi lời xin lỗi đến UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh Thành và các cá nhân có trong phóng sự”.

Sự thật bị phơi bày đằng sau vụ tai tiếng mang tên “phóng sự Cây chổi quét rau” mới chỉ soi chiếu được hành vi gian dối và đạo đức nghề nghiệp thấp kém của một phóng viên tập sự. Vụ VTV “đấu tố” MC Phan Anh còn đi xa hơn thế rất nhiều.

Với “sứ mạng cao cả” mà Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho, Tạ Bích Loan và Hồng Thanh Quang là “nhân vật chính” của vô số chương trình truyền hình mang tính chất tuyên truyền cho Đảng CSVN. Trong những chương trình đó, công chúng khó nhận ra rõ ràng chân dung đích thực của họ, bởi họ hiếm khi xuất hiện trong một bối cảnh có sự hiện diện của một nhân vật vừa “phản diện” vừa thông minh, bản lĩnh như MC Phan Anh.

Sự tương phản cao độ giữa Phan Anh với phần còn lại của êkip tham gia chương trình “60 phút mở” đã giúp soi chiếu và vạch trần bộ mặt xảo trá, trơ trẽn, vô cảm, vô trách nhiệm không chỉ của những Tạ Bích Loan, Hồng Thanh Quang mà cả dàn lãnh đạo VTV, những kẻ vốn sống bằng đồng tiền thuế xương máu của nhân dân nhưng đã bán linh hồn cho quỷ rồi quay sang chống lại nhân dân, phản lại Tổ quốc. Bằng thông điệp “Đừng Im Lặng” đầy sức truyền cảm, anh không chỉ giúp cho quần chúng nhận ra được bộ mặt thật của VTV mà còn khiến một Tạ Bích Loan vốn thường ngày kiêu ngạo và nhâng nháo phải trốn chạy khi chợt nhận ra “phẩm chất” và “giá trị” đích thực của mình qua tấm gương phản chiếu của anh.

Những người làm chương trình của VTV chắc chắn chẳng lạ gì thủ pháp tương phản trong nghệ thuật, thứ kiến thức mà họ từng được hấp thụ qua đủ kiểu trường lớp. Khi dàn dựng kịch bản, VTV hẳn muốn ghép Phan Anh vào vai “phản diện”, nhân vật đối lập đơn độc sẽ bị áp đảo bởi số lượng nhân vật “chính diện” đông đảo do họ thủ vai. Trớ trêu thay, “thiên bất dung gian”, sự thông minh, dũng cảm và chính trực của Phan Anh đã giúp anh biến cuộc “đấu tố” mình thành phiên toà kết án không chỉ đám văn nô hèn hạ kia mà cả Đài Truyền hình Việt Nam.

Sau “phiên toà lịch sử” này, không biết có bao nhiêu những Tạ Bích Loan, Hồng Thanh Quang, Phạm Mạnh Hà, Hoàng Minh Trí ngộ ra chân lý mà trở về với chính nghĩa, trở về với nhân dân. Song có một điều chắc chắn là họ sẽ không bao giờ dám đưa một nhân vật đang được lòng công chúng lên để “trao đổi, tranh luận mở” như cái cách mà VTV đã làm với MC Phan Anh. Đơn giản, điều đó chỉ càng khiến .công chúng nhận ra bản chất phản dân hại nước của VTV, hay bất kỳ cơ quan truyền thông nào trong bộ máy tuyên truyền của nhà sản.

Lê Anh Hùng

Lê Anh Hùng

Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Không có nhận xét nào: