6/10/20

Nhật đảo chính Pháp - Phần 1


 Đêm hôm trước ngày đảo chính

Ngày mùng 3 tháng 9 năm 1939, Anh rồi Pháp, chỉ cách nhau mấy tiếng đồng hồ đã gởi tối hậu thư, chính thức tuyên chiến với Đức quốc xã. Cuộc thế chiến thứ hai bùng nổ, bắt đầu bằng một giai đoạn nhùng nhằng, đầy mâu thuẫn, mà sau này sử sách gọi là một “Cuộc chiến tranh buồn cười” (Une drôle de guerre)!
Nhưng người ta cười không lâu! Chỉ chưa đầy một năm sau thì Hà Lan rồi Bỉ liên tiếp phải đầu hàng, bị phát xít Đức chiếm trọn vẹn. Ngày 14 tháng 6 năm 1940, thủ đô Paris tuyên bố “thành phố bỏ ngõ”, để mặc cho đoàn chiến xa của Hitler đi vào như trong một cuộc diễu binh. Chính phủ Pháp chạy về Bordeaux, rồi xuống Clermont, Ferrand, và cuối cùng đến đóng đô ở Vichy, một thành phố nhỏ, nổi tiếng về thứ nước suối khoáng uống tiêu cơm. Từ ở đó, ngày 20 tháng 6, Pháp tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Ngày 22, hiệp ước đình chiến được ký kết ở Rethondes, cũng chính trên chiếc toa xe lửa lịch sử Pháp đã bắt Đức ký đầu hàng năm 1918 sau cuộc thế chiến thứ nhất. Ngày 25 tháng 6 năm 1940 thì cuộc đình chiến có hiệu lực: Pháp chính thức mất nước.

Trong cuộc lựa chọn ghê gớm này, đại đa số nhân viên chính quyền và sĩ quan trong quân đội thuộc địa, không có ý chí chiến đấu, nên ngay từ những ngày đầu đã ngã hẳn về phía đầu hàng. Điển hình nhất là tâm lý trong số sĩ quan hải quân. Khi nhận được lệnh của chính phủ Vichy phải thi hành các điều khoản của hiệp ước đình chiến, tập trung các chiến hạm và tàu chạy biển vào một số cửa bể ở Đông Dương để chờ giải quyết, thì chỉ có một số nhỏ sĩ quan trẻ tuổi, có ý định không tuân theo muốn đem lực lượng sang gia nhập vào đội hải quân Anh ở Viễn Đông, để tiếp tục tham gia chiến đấu. Nhưng toàn thể bộ tư lệnh hải quân, đứng đầu là Đô đốc Decoux, khăng khăng không chịu, cứ quyết định hạ súng, hạ cờ, không chiến đấu, làm cho sau này hơn 15 vạn tấn tàu bể, phần thì bị phát xít Nhật bức bách chiếm hết, rồi bị phá hủy trong chiến tranh ở Thái Bình Dương, phần thì bị không quân Mỹ oanh tạc, đánh chìm ngay trên sông Nhà Bè, kể cả soái hạm mang cờ của Decoux.

Tình hình của lục quân cũng không hơn gì, vì bộ tham mưu đều thống nhất quan điểm cho rằng số phận Đông Dương không phải sẽ được định đoạt ở Đông Nam Á mà là ở trên các chiến trường tại Châu Âu, hay đúng hơn là trên bờ sông Rhin kia. Vì vậy việc phòng thủ Đông Dương, nếu có cũng chỉ là “tượng trưng trên giấy” thôi vì làm sao địch nổi với đội quân hùng mạnh, thiện chiến của phát xít Nhật.
Do đó trong suốt quá trình cuộc thế chiến từ 1939 đến 1945, nếu ở Âu châu, chính quốc Pháp đã nhanh chóng đầu hàng trước phát xít Đức, thì ở Đông Dương cũng diễn ra cuộc đầu hàng từng bước của chính quyền thuộc địa trước phát xít Nhật. Đông Dương là một miếng mồi ngon béo bở, mà trong giấc mộng Đại Đông Á, phát xít Nhật thèm muốn dòm ngó từ lâu rồi, thì nay là một dịp may hiếm có, làm sao bỏ qua được.
1. Catroux, viên Toàn quyền đầu hàng đến quá mức yêu cầu của phát xít Nhật
Lúc đó, vào cái năm sôi động 1940 này, cuộc chiến tranh Hoa-Nhật cũng đang ở vào một giai đoạn sa lầy. Quân Nhật bị cầm chân ở khắp nơi, không tiến lên được. Súng ống đạn dược của Mỹ bán cho Tưởng Giới Thạch, qua nhiều đường cứ ùn ùn đổ vào Trung Quốc. Một đường quan trọng là chuyên chở qua miền Bắc nước ta. Hàng hóa từ tàu bể được bốc dỡ xuống cảng Hải Phòng, rồi chở bằng xe lửa qua Hà Nội, sang Vân Nam đến Côn Minh. Từ Côn Minh bốc sang các xe vận tải đi Trùng Khánh. Như vậy con đường ngắn nhất, tiện lợi nhất trực tiếp đến Trùng Khánh là con đường qua Bắc Kỳ trên lãnh thổ Việt Nam.
Tháng 2 năm 1939 Nhật đã chiếm được đảo Hải Nam, nhưng cũng không cắt đứt được con đường này. Tháng Giêng năm 1940, tướng Nhật Tsushihasi đến Hà Nội “thăm xã giao” viên Toàn quyền Đông Dương lúc đó là tướng lục quân Catroux mới nhậm chức chưa được một năm. Cuộc thăm xã giao biến thành cuộc thăm đầy hăm dọa. Tsushihasi lớn tiếng đòi chính quyền Pháp phải đình chỉ ngày việc chuyên chở vũ khí cho Tưởng Giới Thạch. Nhưng việc chuyên chở này là một “áp phe” béo bở, mang lại những nguồn thu nhập rất lớn, nên Catroux từ chối không chịu ngừng, làm cho Tsushihasi tức giận bỏ về. Định mệnh trớ trêu, năm năm sau, lại chính viên tướng này là người chỉ huy cuộc chính biến 9 tháng 3 năm 1945, lật nhào chủ quyền Pháp ở Đông Dương.
Ngày 19 tháng 6 năm 1940, một ngày trước khi chính phủ Pháp tuyên bố đầu hàng phát xít Đức, thông qua viên đại sứ Pháp Arsène Henry ở Tokyo Nhật gởi tối hậu thư cho viên Toàn quyền Catroux đòi phải lập tức đóng cửa biên giới Hoa-Việt, đình chỉ không được chở xăng dầu, các xe vận tải và các trang thiết bị chiến tranh khác. Quan trọng hơn nữa là đòi phải để cho một phái đoàn kiểm tra Nhật sang đóng ngay tại chỗ để giám sát việc thi hành các điều khoản. Hạn cuối cùng để trả lời là vào tối hôm sau, ngày 20 tháng 6.
Arsène Henry nhận thấy quyết tâm của Nhật nên điện cho Catroux khuyên nên “mềm dẻo” để tránh những sự kiện nghiêm trọng có thể xảy ra nếu từ chối một cách quá cứng rắn.
Hoảng hốt trước tình hình nghiêm trọng của chính quốc, Catroux không đợi đến hôm sau, mà ngay trong đêm 19 rạng ngày 20 đã điện trả lời, nhất nhất vâng theo mọi điều khoản mà Nhật đề ra. Sau đó ông điện cho chính phủ Pháp để tường trình, và ngày 24 tháng 6, thì nhận được điện từ Bordeaux đánh đi khiển trách ông về hành động đầu hàng đó. Ngày 25 tháng 6 thì Catroux điện về Pháp tự bào chữa, và yêu cầu hãy để ông ta “tự do phán đoán và hành động” (... laisser libre de juger et d’agir).
Bức điện của Catroux có những lời lẽ khá sỗ sàng và phạm thượng. Sau khi báo tin là một phần hạm đội Nhật đang tiến về bờ bể Bắc Kỳ, ông ta khuyến cáo chính phủ Pháp phải hiểu là sau khi ký hiệp ước đình chiến với Đức, uy tín của Pháp đã bị sa sút đến mức nào ở Á Châu và “bây giờ không phải là lúc nói cứng rắn được với người Nhật”. Ông ta viết trong bức điện “Khi người ta đã bại trận, khi người ta chỉ có ít phi cơ và súng phòng không, không có tàu ngầm thì người ta cố gắng giữ lấy tài sản của mình mà không phải chiến đấu, và người ta thương lượng. Đó là điều tôi đã làm.
Các ông bảo rằng lẽ ra tôi phải hỏi ý kiến các ông và tuân theo những chỉ thị trong bức điện cuối cùng của các ông. Tôi trả lời là tôi ở cách các ông 4.000 dặm, các ông không thể làm gì được cho tôi và sau hết, tôi lại buộc phải theo một thời hạn”.
Catroux cho rằng chính Bộ Ngoại giao Pháp phải trả lời bác bỏ tối hậu thư của Nhật, nhưng lại không làm việc đó. Và giải pháp của Bộ đề ra là mời người Nhật bố trí sự kiểm soát của họ ngay trên đất Trung Hoa mà họ chưa chiếm đóng được, thì theo Catroux đó là “một chuyện tào lao” Catroux viết tiếp trong bức điện:
“Tôi xin nhắc lại rằng, vì tình thế hiện nay, tôi phải đứng ngoài quỹ đạo hữu hiệu của các ông, và tôi phải được tự do hành động. Mục đích của tôi là giữ lấy Đông Dương không phải bằng võ lực, nếu có thể được, và bằng võ lực trong trường hợp trái lại”.
Ngày 28 tháng 6 năm 1940, bức điện này đến tay ông Bộ trưởng thuộc địa Rivière và ngay tức khắc Hội đồng Bộ trưởng Pháp họp quyết định cách chức Toàn quyền Catroux và chỉ định Đô đốc Decoux lên thay.
Từ ngày 30 tháng 6, là ngày Cartroux nhận được quyết định gọi về nước cho đến ngày 20 tháng 7 là ngày Decoux chính thức lên cầm quyền, Catroux cứ dùng dằng không chịu bàn giao, không chịu gặp Decoux, định âm mưu dùng bọn cầm quyền Pháp và bản xứ khuấy động dư luận “ái mộ” ông ta, làm áp lực với chính phủ Pháp để giữ ông ta ở lại chức vụ. Catroux cũng có sức thuyết phục Decoux từ chối không nhận chức vụ thay ông ta. Sau này trong cuốn hồi ký “Cầm lái xứ Đông Dương” (A la barre de l’Indochine), Decoux kể lại:
“... cho đến lúc cuối cùng, tướng Catroux vẫn vuốt ve dự định đưa tôi đến chỗ từ chối việc thay thế ông ta, và ông ta hy vọng chắc chắn sẽ giữ được chức vụ của ông ta... dưới quyền của Vichy”.
Bản thân Decoux lúc đó đang là Phó đô đốc, Tổng tư lệnh các lực lượng hải quân của Pháp ở Viễn Đông cũng lưỡng lự mãi rồi mới chịu nhận sự chỉ định của Vichy. Sắc lệnh chỉ định được ký từ ngày 25 tháng 6 năm 1940, nhưng mãi tới ngày 19 tháng 7, Decoux mới tới Hà Nội để hôm sau chính thức nhậm chức.
Trong suốt 20 ngày này Catroux còn đi nhiều bước tiến sâu hơn nữa vào con đường đầu hàng, định đem dâng trọn vẹn Đông Dương cho phát xít Nhật. Có lẽ đây cũng là một sự tính toán cực kỳ bỉ ổi của ông ta, muốn dâng món quà này để dựa vào phát xít Nhật gây sức ép với Vichy, buộc phải giữ ông ta ở lại chức vụ Toàn quyền Đông Dương, vừa tiếp tục được hưởng cuộc sống bình yên, nhung lụa ở cái thuộc địa xa xôi hẻo lánh này, vừa không phải dấn thân vào chiến trường binh lửa ở Âu châu.
Ngày 29 tháng 6, thì phái đoàn giám sát Nhật gồm hơn 40 sĩ quan do tướng Nishihara cầm đầu tới Hà Nội. Nishihara đã biết việc thất thế của Catroux nên không thèm gặp ông ta nữa và đòi gặp chính Decoux. Nhưng lúc đó vì chưa có bàn giao, nên Catroux vẫn còn chính thức là Toàn quyền Đông Dương, buộc Nishihara phải làm việc với ông ta, mặc dù viên tướng Nhật này tỏ thái độ ra mặt khinh bỉ và ngạo mạn trịch thượng. Catroux hằng ngày phải gặp Nishihara, không có người chứng kiến, hai bên trao đổi bằng tiếng Pháp vì Nishihara trước đã học ở Pháp nên nói thông thạo ngôn ngữ này.
Ngày 30 tháng 6, chỉ một ngày sau khi đến Hà Nội, phái đoàn Nhật đã nhanh chóng triển khai xong các tổ kiểm soát ở Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và cả ở Hải Phòng nữa. Catroux để chứng tỏ thực tâm đầu hàng của ông ta, đã cho bóc bỏ hẳn một đoạn đường sắt ở Lào Cai trên biên giới Việt-Hoa. Đó là điều phái đoàn Nhật không hề yêu cầu, nên chẳng những không khen mà còn khiển trách nặng nề ông ta nữa và có ý định bắt ông ta phải đặt lại đoạn đường sắt đó.
Nishihara được thể cứ lấn tới từng bước, buộc Catroux phải:
1. Giao nộp cho quân đội Nhật tất cả hàng hóa Trung Hoa quá cảnh qua đất nước ta.
2. Để cho quân đội Nhật tiếp tế đạn dược vũ khí cho đội quân Nhật đóng ở Quảng Tây qua đường Bắc Kỳ.
3. Điều trị cho các thương binh Nhật trong các bệnh viện ở Bắc Kỳ.
Và nghiêm trọng hơn nữa
4. Để cho quân đội Nhật đi qua đường biên giới Việt-Hoa để sang chiến đấu ở Vân Nam.
Hắn còn đòi hỏi phải cung cấp cho Nhật một số khoáng sản quý như Wolfram để dùng vào công nghiệp chiến tranh. Ngày 9 tháng 7 năm 1940, Catroux chính thức chấp nhận các yêu cầu nói trên.
Đại sứ Pháp ở Nhật lúc đó là Arsène Henry, thấy ông ta vượt qua xa quyền hạn của một viên Toàn quyền, giải quyết những việc quốc gia đại sự thuộc phạm vi của chính phủ, nên đã điện khuyên ông ta phải thận trọng, đồng thời cũng cấp báo về Vichy. Chính phủ Pháp hoảng hốt điện sang ngay cấm Catroux không được hành động gì nữa, phải về nước ngay, đồng thời hối thúc Decoux phải nhận bàn giao, nắm lấy chính quyền và cố gắng vớt vát lại những điều đã lỡ.
Catroux xuống tàu về nước, nhưng khi đến Singapore thì bỏ tàu lên bờ tìm đường đi đến với De Gaulle.
Tại sao Catroux lại có những hành động như vừa nói ở trên? Tướng Geoges Gautier, chánh văn phòng Phủ toàn quyền Decoux, trong cuốn hồi ký “Sự cáo chung của Đông Dương” (La fin de l’Indoehine) đưa ra hai lý do, vừa là để giải thích vừa có tính chất phần nào thanh minh cho viên Toàn quyền đầu hàng nhục nhã:
Một là khi nước Pháp phải đầu hàng, những người Pháp ở thuộc địa Đông Dương hết sức bàng hoàng lo lắng. Chính quyền thuộc địa lúc đó chỉ nghĩ đến sinh mạng quyền lợi và thân phận của 40 ngàn Pháp kiều, mà quên hẳn họ cũng còn có nhiệm vụ và trách nhiệm đối với đất nước Việt Nam, với 25 triệu người Việt Nam. Catroux với cương vị thủ hiến, chỉ nghĩ đến chuyện làm mọi cách cho vừa lòng quân Nhật để chúng đừng đụng đến đồng bào của ông ta, còn đối với dân chúng Việt Nam thì “sống chết mặc bây” sống chết thế nào dưới lưỡi kiếm và gót giày của quân phát xít Nhật, ông ta phủi tay không cần biết.
Hai là tính toán nếu đứng về phe “nước Pháp tự do” của De Gaulle, thì Đông Dương không thể dựa vào bất cứ một hệ thống phòng thủ nào, không thể trông cậy vào bất cứ một sự viện trợ quân sự nào của chính quốc hay của đồng minh, lúc đó đang còn phải đối đầu sinh tử với quân Đức quốc xã, làm sao có thể đem quân vào “nướng” trên chiến trường Đông Dương được. Tổng thống Mỹ Roosevelt đã dùng một câu nói hài hước cực kỳ tàn nhẫn để nói rõ ý định của Mỹ là không tham chiến ở Đông Dương. Nhại lại cái tên thị trấn Đồng Đăng ở biên giới của ta, ông ta nói: “Tôi không muốn đánh nhau vì Đing Đông”. Đing Đông là tên một bà tiên trong một bài hát nu na nu nống của trẻ em Mỹ.
Vào thời điểm này Nhật Bản vẫn còn trung lập với Anh và Mỹ. Đại sứ Pháp ở Mỹ, bá tước Saint-Quentin khẩn khoản đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Cordell Hull can thiệp với Tokyo. Ông này nhận lời, nhưng cũng dứt khoát từ chối không thể cung cấp cho Đông Dương bất cứ một sự hỗ trợ vật chất nào. Cuối cùng vào ngày 23 tháng 6 ông trả lời miệng cho đại sứ Pháp khuyên nên chấp nhận tối hậu thư của Nhật.
Về phía Anh cũng không hơn gì. Đô đốc Sir Percy Noble, Tổng tự lệnh các lực lượng Anh ở Viễn Đông cũng trả lời dứt khoát là không thế giúp đỡ gì được cho Đông Dương, vì chính ông cũng đang phải điều đại bộ phận hạm đội Anh về Âu châu đi đối phó với quân Đức.
Catroux lại khẩn khoản đề nghị Mỹ ban cho phi cơ và các thiết bị quân sự, vì lúc đó Mỹ đang có hợp đồng chế tạo những thứ này cho Anh và Pháp, nhưng Mỹ cũng từ chối, và sau này người ta mới biết rằng vào thời điểm đó, công nghiệp của Mỹ cũng chưa đủ sức thỏa mãn tất cả các đơn đặt hàng của Anh và Pháp. Sau khi Pháp đầu hàng thì Anh chiếm hết các đơn đặt hàng này.
Qua trung gian của lãnh sự Mỹ Reed ở Hà Nội, và đại sứ Pháp ở Washington, Catroux lại cử một phái đoàn sang Mỹ, do đại tá Jacomy cầm đầu, cùng đi có đại úy phi công Pélisse và một quan chức dân sự là ông Camerlyncek, hiệu trưởng trường luật Hà Nội, tới San Francisco ngày 23 tháng 7. Nhưng tất cả những đề nghị mua bán vũ khí của phái đoàn này đều bị Mỹ cương quyết từ chối. Sở dĩ như vậy là vì hai lý do sau đây: Một là tất cả vũ khí chỉ dành cho Anh mà Mỹ coi là hàng rào tiền tiêu chống phát xít Đức, và hai là Mỹ không muốn dính líu vào Viễn Đông, vào lúc người đã bắt đầu nhận thấy mối nguy cơ Nhật Bản.
Kiểm điểm lại thì lúc đó, ngoài số quân người bản xứ với những vũ khí hết sức lạc hậu, Catroux chỉ có trong tay khoản ba, bốn sư đoàn lính người Âu, trang bị cũng không hơn gì, chỉ huy thì kém cỏi đã từ lâu ăn ngon ngủ kỹ, chẳng có một chút kinh nghiệm chiến đấu gì, thì làm sao đối đầu được với một đội quân Nhật hùng cường đã từng làm mưa làm gió ở Thái Bình Dương, xâm chiếm dễ như trở bàn tay Singapore, Philippines và Ấn Độ thuộc Hà Lan. Vì vậy kế thượng sách là: đầu hàng vô điều kiện và hứng chịu mọi điều kiện của đối phương.
2. Cũng đầu hàng nhưng... từng bước của Decoux - viên Toàn quyền Đông Dương cuối cùng
Ngày 20 tháng 7 năm 1940 Decoux chính thức lên nắm quyền. Lần tiếp xúc duy nhất để trao đổi của Decoux với Catroux là trong ngày hôm trước. Catroux công nhận là ông đã đi quá xa những yêu sách của Nhật, cốt là để làm cho “chùng bớt sự căng thẳng”, nhưng nay trách nhiệm của Decoux là phải “xiết chặt” lại tình hình và hạn chế sự hoạt động của Nishihara trong phạm vi phái đoàn kiểm soát của Nhật Bản.
Nhưng Decoux dù có tài ba đến mấy cũng không thế xoay trở được tình hình nữa chứ nói gì đến “xiết chặt” và “hạn chế”. Trong cái mùa hạ nóng bỏng 1940 này, chiến lược của Nhật là nhằm hai mục tiêu chính:
Một là cô lập hoàn toàn nước Trung Hoa.
Hai là đẩy các căn cứ xuất phát của quân đội Nhật vào những nơi nào gần nhất tới các ăn cứ của Đồng Minh.
Thế mà Bắc Kỳ là chặng đường thứ nhất để tiến tới hai mục tiêu này, thì làm sao tránh được không phải đối đầu với Nhật ở đây. Vậy đánh hay hàng?
Kể từ ngày phái đoàn Nishihara đặt chân đến Hà Nội, thì coi như Pháp đã mất đứt Đông Dương rồi. Ngay từ đầu Nishihara đã hành động như ở một nước bị chiếm đóng vậy. Tàu bè Nhật ra vào tấp nập ở cảng Hải Phòng, máy bay chiến đấu Nhật bay đến bay đi, tập luyện nhào lộn ngay trên bầu trời Hà Nội, ngang nhiên không cần xin phép. Thậm chí quân đội Nhật đổ bộ nườm nượp xuống Hải Phòng, bốc dỡ vũ khí, hàng hóa và dùng xe vận tải, đường hỏa xa chuyên chở sang Quảng Tây, tự nhiên như ở trên đất Nhật vậy.
Bản thân Decoux cũng đi hết từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, khi nào bị bức bách quá thì lại rời khỏi Hà Nội, né tránh vào Sài Gòn hay Đà Lạt để hoãn binh. Cứ nhùng nhằng như thế cho đến 9 giờ đêm ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật làm cuộc chính biến, chiếm Phủ thống đốc Nam Kỳ, bắt sống ông ta cùng toàn bộ bộ tham mưu ở đó. Sau này trong cuốn sách hồi ký đã dẫn, ông ta có thanh minh là Đông Dương không bị Nhật chiếm đóng và ông ta không dâng Đông Dương một cách dễ dàng cho phát xít Nhật mà có chiến đấu đến... hai lần, một lần ở Lạng Sơn chống đội quân Quảng Tây của Nhật và một lần ở đảo Koh Chang chống hải quân của nước Xiêm (bây giờ là Thái Lan).
Hãy nghe René Charbonneau kể lại trận Lạng Sơn này xem nó “dữ dội” đến mức nào! Charbonneau, con của tướng Charbonneau, bản thân là một đại úy đã từng chiến đấu chống quân Nhật vào những năm 1940 và 1945. Cuốn hồi ký của ông “Loạt đạn bắn vào Đông Dương” (Rafale sur l’Indochine) xuất bản ở Paris vào năm 1946 được đánh giá như một tài liệu rất có giá trị về cuộc chiến tranh ở Đông Dương thời đó.
Ngày 2 tháng 8 năm 1940, theo như thường lệ Nhật lại dùng hình thức dọa nạt, cho viên đại tá Sato, tham mưu trưởng đội quân Quảng Tây sang kéo lê kiếm, nện gót ủng, tới Phủ toàn quyền đập bàn đập ghế, lớn tiếng đòi Decoux phải mở thông biên giới cho quân đội Nhật qua lại ở vùng Lạng Sơn, cho lập thêm một số sân bay quân sự, và nhất là phải “gắn liền, kinh tế Đông Dương vào kinh tế Nhật Bản”. Decoux từ tốn trả lời là ông ta không có thẩm quyền quyết định, vì những việc này thuộc phạm vi thương thuyết giữa hai chính phủ Vichy và Tokyo. Chuyện nhùng nhằng mãi cho đến ngày 30 tháng 8, chính phủ Vichy phải chịu nhận một số điểm như sau:
Chính phủ Nhật tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Đông Dương và chủ quyền của Pháp trong xứ này. Đáp lại, chính phủ Pháp công nhận sự ưu thế của Nhật ở Viễn Đông, và đồng ý để cho Nhật có được những sự dễ dãi về quân sự ở Bắc Kỳ, một cách tạm thời và ngoại lệ, giới hạn trong thời gian cuộc xung đột Hoa-Nhật.
Một thỏa ước quân sự và kinh tế sẽ quy định về các chi tiết thực hiện. Charbonneau cay đắng kể lại:
“Ngày đó chúng ta có biết đâu rằng người Nhật không chỉ có mục đích đuổi chúng ta ra khỏi cửa, mà còn bắt chúng ta phải làm việc cho họ nữa. Những điều kiện hòa bình mà họ ban cho chúng ta không phải là kết quả của một cuộc thương lượng, mà là hậu quả của một cuộc bại trận”.
Cuộc thương thuyết về các chi tiết của thỏa ước là hết sức vất vả, diễn ra trong một bầu không khí căng thẳng, vì Nhật luôn dùng những lời lẽ hống hách đe dọa. Cứ nhùng nhằng kéo dài mãi cho đến ngày 2 tháng 9, thì Nishihara tuyên bố không đàm phán nữa và đòi ký kết ngay vào trước lúc nửa đêm. Nhưng Decoux vẫn không chịu. Trong đêm 5 rạng ngày 6 tháng 9, một tiểu đoàn quân Nhật lặng lẽ, vượt biên giới Bắc Kỳ, tiến vào đóng trên những đỉnh đồi cao quanh Đồng Đăng. Decoux chính thức phản kháng. Ngày 7 tháng 9, Nishihara cùng tướng Tominaga đến xin lỗi, nói đó là một sự nhầm lẫn về hành quân và ra lệnh cho quân đội Nhật rút lui ngay về bên kia biên giới. Tướng Meunerat, chỉ huy trưởng Lạng Sơn, mặc binh phục cấp tướng đến trước các hàng quân Nhật chứng kiến cuộc rút lui. Nishihara gởi ngay cho Decoux một bức thư chính thức khen ngợi Meunerat, coi đó là một cử chỉ rất táo bạo của một vị tướng.
Cuộc hành quân này của Nhật thực ra chỉ là một dàn cảnh để đe dọa thôi, nhưng đối với Pháp thì lại có một tác động rất tai hại, làm cho Pháp có ảo tưởng nguy hiểm là mình vẫn còn mạnh lắm, chỉ cần can thiệp chính thức ngay là người Nhật đã phải rút lui. Sau chuyện này, Pháp nảy sinh tâm lý rất tự tin về sức mạnh của mình. Các cuộc thương thuyết lại tiếp tục, Nhật lại đưa ra những yêu sách mới không thể chấp nhận được. Cuộc thương thuyết lại bế tắc.
Ngày 19 tháng 9, Nhật lại dấn tới một bước nữa, gởi một tối hậu thư cho Decoux đe dọa sẽ đánh chiếm Lạng Sơn vào ngày 22 tháng 9.
Ngày 20 tháng 9 tất cả kiều dân Nhật ở Đông Dương rời khỏi nơi cư trú một cách rầm rộ để trở về nước. Trong ngày 21, có một cuộc biểu dương của lực lượng hải quân Nhật trong vịnh Bắc Kỳ. Đêm 21, Nishihara tuyên bố chính thức rời khỏi Hà Nội. Nhưng vừa đi đến Hải Dương, ông lại phái viên Tổng lãnh sự Suzuki trở về ban liên lạc Nhật-Pháp đề nghị nối tiếp thương lượng. Decoux cử đại úy hải quân Jouan xuống Hải Dương gặp Nishihara. Vào giữa lúc này, có một bức điện từ Vichy đánh sang, với những lời lẽ “đầy phẩm cách và đau buồn” chỉ thị cho Decoux chấp nhận các yêu sách của Nhật. Vào đầu buổi chiều ngày 22 tháng 9, những điều khoản chi tiết trong thỏa ước được quyết định và tối hôm đó, được ký kết ở Hải Phòng. Nishihara xuống một chiếc tàu phóng ngư lôi của hải quân Nhật chờ sẵn để về nước.
Thế là ở Đông Dương Pháp không còn trung lập trong cuộc xung đột Hoa-Nhật nữa. Với những sân bay ở Bắc Kỳ, Nhật đã tăng cường các cuộc tấn công vào những đường xá giao thông ở Birmanie, Vân Nam và Tứ Xuyên. Trùng Khánh phản kháng gay gắt. Nhưng biết làm sao được. Trong cuộc chiến này, những dân tộc yếu đuối làm sao giữ được cho khỏi bị cuốn hút vào binh lửa.
Tư lệnh trưởng quân đội Pháp ở Đông Dương lúc đó là tướng Martin, một con người mà theo Decoux “vừa kiêu ngạo tự phụ tự mãn lại hết sức chủ quan”. Còn lực lượng phòng thủ Đông Dương thì có thế coi như không đáng kể, tinh thần quân đội thì bạc nhược, thiếu ý chí chiến đấu, võ khí trang bị thì vừa thiếu vừa quá lạc hậu. Decoux kể lại rằng vào năm 1939, ông ta có dự một cuộc tập trận hàng năm của Đông Dương, năm đó được tổ chức tại Cao Miên, có mời cả các quan sát viên ngoại quốc đến dự hẳn hoi, và ông ta hết sức kinh ngạc, thấy quân đội được di chuyển... bằng xe bò! (sic), vì xe vận tải quá thiếu không đủ dùng. Còn mấy chiếc chiến xa thì - vẫn theo Decoux - phải để dành đến lúc thật cần thiết, vì các kỹ thuật viên quân sự cho biết, chỉ còn có thể hoạt động được vài giờ nữa là cùng, các bộ phận đã quá già nua cũ kỹ.
Khi nhận được tối hậu thư về vấn đề Lạng Sơn, Decoux cho họp ban tham mưu và những cộng sự thân cận để bàn xem liệu có thể chống lại quân đội Nhật được không? Tướng Martin khẳng định là thừa sức đối đầu với ba sư đoàn Nhật, vì theo các nguồn tin tình báo quân sự của ông ta, thì đội quân Nhật ở Quảng Tây phần thì bị ốm đau nhiều do không hợp thủy thổ, phần thì đã mất hết tinh thần chiến đấu, lại “không quen đánh đêm”! (sic) nên không có gì đáng lo ngại.
3. Lạng Sơn trận nắn gân đầu tiên quân Pháp
Buổi chiều ngày 22 tháng 9, quân báo cho biết có một lực lượng rất lớn quân Nhật đã được tập kết ở Mục Nam Quan. Vào khoảng 23 giờ cùng ngày, đồn Đồng Đăng báo cáo có những phát súng bắn vào lô cốt tiền tiêu của đồn, và ở trong làng dưới chân đồn thấy lố nhố có nhiều lính Nhật.
Đại tá Louvet, cùng một sĩ quan, đi trên một chiếc mô tô xít ca từ Lạng Sơn lên thăm thú tình hình. Vừa vào đến cổng làng, ông bị bắn chết ngay. Viên sĩ quan quay xe ra chạy thoát về được, cấp báo tin chẳng lành. Một lát sau đồn Chí Ma cũng cấp báo đã bị bao vây. Người ta vội vã điều một phân đội của tiểu đoàn đi giải vây.
Sáng ngày 23 tháng 9, một chiếc máy bay Potez 25 bay đi thám thính về phía ở Đồng Đăng. Chỉ ít phút sau nó đã phải cố sống cố chết, lấy hết sức già nua yếu đuối của nó, bay vội vã về sát các lùm cây mái nhà, đằng sau đuôi có ba chiếc chiến đấu cơ của Nhật đuổi theo sát nút. Vừa hạ cánh được trong sân bay, thì nó đã cùng ba chiếc khác nữa bị bắn ra tro ngay trên đường băng. Viên phi công thoát chết trong tơ tóc, báo lại: trên đường đến Mục Nam Quan, quân Nhật đi đông như kiến. Và, “ôi đau khổ, cờ Nhật đã bay phất phới trên đồn Đồng Đăng”.
Thực sự Đồng Đăng không đầu hàng, có chiến đấu và bị quân Nhật, có xe tăng yểm trợ để xung phong lên chiếm được trong đêm hôm trước. Một nửa số sĩ quan và hạ sĩ quan trong đồn đã tử trận.
Charbonneau kể lại sự bàng hoàng của lính Pháp lúc bấy giờ:
“Thế là mọi hy vọng đều tan tành. Đồng Đăng là đồn vững chãi nhất ở biên giới, với 32 súng tự động. Đồng Đăng con đê chắn sóng của các cuộc tấn công. Không, không thể như thế được. Chúng ta (quân Pháp) đã bị lừa dối. Quân đội Nhật Bản đâu có phải là một đội quân giẻ rách, mà là một đội quân Nhật thật sự...”. Và thế là mọi ý định, mọi ý chí tấn công và phòng thủ đều tan rã hết. Còn biết làm gì hơn nữa ngoài sự chờ đợi. Nhưng chờ đợi cái gì kia, trong sự hoang mang đến cực độ này. Đồn Lộc Bình báo tin Chí Ma đã thất thủ. Đến 16g30 thì chính Lộc Bình cũng đã rơi vào tay quân Nhật. Thế là con đường đi đến lòng chảo Lạng Sơn đã bị mở rộng.
Người ta quyết định điều một tiểu đoàn lính Thổ, vẫn được coi và được gọi là “một tiểu đoàn xung kích” đánh từ Khánh Khê vào sườn quân Nhật, rồi từ Đồng Đăng đi xuống Lạng Sơn, có một tiểu đoàn khác từ Lạng Sơn lên tiếp ứng. Tiểu đoàn Thổ, trong ngày 23 đến Điềm He ở đằng sau Khánh Khê, với 150 người đã kiệt sức. Ác hại thay, chính con đường Khánh Khê - Điềm He, lại đang là sự quan tâm của quân đội Nhật để tiến tới cắt đứt con đường liên lạc giữa Lạng Sơn với Đồng Mỏ và Hà Nội. Cho nên tưởng là đánh bất ngờ vào sườn quân Nhật, thì ở đó Nhật lại tập trung quân đông nhất, tưởng là với 700 người thì sẽ dễ dàng thắng lợi, nhưng lại phải đối đầu với 6.000 quân Nhật có xe tăng. Đến đêm 24, thì những lính Thổ còn sống sót bỏ đi hết: họ trở về làng của họ, về ngôi nhà sàn của họ, về với gia đình vợ con họ bây giờ đang ở sau lưng quân Nhật.
Đêm hôm đó một đơn vị nhẹ của Nhật đột nhập vào sở chỉ huy của tiểu đoàn ứng chiến, rồi tiến thẳng về Lạng Sơn.
Tình hình ở Lạng Sơn lúc đó là như sau: Trong thành Lạng Sơn có một tiểu đoàn lính lê dương, một đại đội bộ binh, ba đội pháo 75, và một đội pháo 155 trên ụ. Thành bị ngăn cách với những hào lũy cố thủ Kỳ Lừa bởi con sông Kỳ Cùng và chỉ được nối với nhau bởi một cây cầu mỏng manh.
Tư lệnh chỉ huy đội quân phòng thủ lúc đó là Chuẩn tướng Meunerat. Ông ta máy lần đánh điện về Hà Nội cấp báo xin rút lui, bỏ Lạng Sơn, xuống cầm cự ở Đồng Mỏ, vì Lạng Sơn là một lòng chảo, có ba con đường lớn đi tới được nên rất dễ bị bao vây. Tướng Martin cũng hoảng hốt không kém, nhưng vẫn ra lệnh cho Meuneat rút về Kỳ Lừa và “tử thủ” ở đó. Vào chiều tối ngày 24, cuộc rút lui bắt đầu. Cỗ pháo 155 quá nặng không thể cho qua cầu được phải phá hủy tại chỗ. Bộ binh qua cầu trước, rồi đến hai cỗ pháo 75. Vào lúc này bỗng xảy ra một chuyận nhầm lẫn bi thảm: những người đi sau, tưởng những người đi trước là quân Nhật đã đến được bờ sông, vội vã nổ súng, và những người bị bắn cũng nổ súng đáp lại. Thế là tất cả rối loạn lên, mọi người lại xô đẩy nhau chạy trở lại về thành Lạng Sơn.
25 tháng 9, Meunerat không thể cầm cự được nữa, lại đánh diện khẩn khoản xin Martin cho đầu hàng để cứu quân lính. Decoux kể lại rằng, lúc đó Martin vào báo cáo tình hình với một bộ mặt tiu nghỉu, không còn thái độ huênh hoang chủ quan như mấy hôm trước nữa. Decoux ủy nhiệm cho ông ta tùy tiện giải quyết. Và ông ta đã giải quyết như thế này: 10 giờ 40 sáng hôm đó, Meunerat được lệnh treo cờ trắng trên thành Lạng Sơn xin đầu hàng. Quân Nhật chiếm trọn vẹn Lạng Sơn, rồi ùn ùn kéo về xuôi.
Tính đến ngày 30 tháng 9, tổng kết lại cuộc thất trận Lạng Sơn phải trả giá như sau:
Ở Lạng Sơn: 2.500 tù binh, trong số đó có vị chuẩn tướng Meunerat. Nói chung họ được đối xử tốt và được quân Nhật hứa sẽ thả họ ra cùng với võ khí. Nhưng lính Đức, trong đội quân lê dương, với số lượng 250 người, được khuyên trở lại tổ quốc của họ để tham gia cuộc thế chiến thứ hai nhưng tất cả đều từ chối, muốn ở lại trong quân đội Pháp. Ở các đồn khác có 150 người chết trong đó có 15 sĩ quan.
Ở Đồng Mỏ quân đội còn nguyên vẹn, nhưng đường bộ và đường xe lửa về Hà Nội bị quân Nhật chiếm và ngay đêm, kéo quân ùn ùn về xuôi.
Cũng trong đêm 25 rạng ngày 26, bất chấp mọi điều khoản của các thứ hiệp ước, thỏa ước đã được long trọng ký kết, quân Nhật làm một cuộc đổ bộ rất quy mô lên bãi biển Đồ Sơn và ở một vài địa điểm khác nữa. Ngoài khơi lúc đó là cả một hạm đội Nhật, trong đó có một chiếc tuần dương hạm, đại bác chĩa hết vào bờ. Sáng hôm sau, vài chiếc máy bay ném vài quả bom xuống Hải Phòng. Các lực lượng Nhật sau khi đổ bộ lên bờ, được tập họp lại, chỉnh đốn hàng ngũ, có xe tăng dẫn đầu, tiến về Hải Phòng.
Người ta lo sợ một cuộc xung đột nữa có thể nổ ra. Hai sĩ quan Pháp cùng một phiên dịch viên người Âu trong ủy ban liên lạc Nhật-Pháp vội đi lên gặp đội tiền quân Nhật ở nửa đường. Họ giải thích cho quân Nhật Hải Phòng là một thành phố bỏ ngõ, không ở trong tình trạng chiến tranh và đề nghị cho một sĩ quan Nhật cùng đi với họ đến xác nhận. Viên sĩ quan này công nhận trong thành phố không có một sự bố trí phòng thủ nào. Không khí căng thẳng lúc đầu được giãn ra. Quân lính Nhật đeo súng trên vai, hàng ngũ chỉnh tề, kéo vào Hải Phòng như trong một cuộc diễu binh.
Mọi việc xong xuôi, Nishihara trở lại Hà Nội gặp Decoux, tuyên bố ông đã hết nhiệm vụ, “chào từ biệt” và giới thiệu người thay ông ta là tướng Sumita.
Hà Nội, Hải Phòng, từ trước đến nay chỉ nghe tiếng quân đội Nhật qua báo chí, bây giờ mới tận mắt được thấy thực chất nó như thế nào! Hàng trăm máy bay chiến đấu bay liệng trên không phận, hàng trăm xe thiết giáp đi rung chuyển phố phường, hàng chục ngàn chiến sĩ với những sĩ quan kéo lê kiếm, nện gót ủng, mặt mũi “bừng bừng sát khí”. Charbonneau ghi lại một cách mỉa mai: “Đây là một cảnh tượng vừa đau lòng vừa hùng vĩ đối với dân chúng ở đây, từ trước đến giờ chỉ quen với những cuộc điều binh khiêm tốn của chúng ta có kèn thổi phồm phồm!”.
Người ta chưa biết tất cả những chuyện này rồi sẽ biến chuyển ra sao đây, nhưng niềm lạc quan đã trở lại. Quân đội Nhật vì muốn đóng quân một cách yên ổn đã cho tuyên bố: “Trận Lạng Sơn chỉ là một hiểu lầm đáng tiếc. Hiệp định Vichy-Tokyo đã được ký kết rồi, chỉ là vì quân đội Nhật ở Đông Dương xa quá chưa nhận được thông báo đó thôi”.
Phải mãi đến ngày 15 tháng 10 bản hiệp định mới được chính thức công bố. Nhân dịp này Nhật đã tổ chức tại Lạng Sơn một buổi lễ thả tù binh khá long trọng. Charbonneau kể lại “Một người Nhật bụng phệ tiến lên cầm một cuộn giấy, mà tất cả những người Nhật có mặt ở đó đều phải cúi lễ một cách kính cẩn. Ông ta mở cuộn giấy ra và đọc một thông điệp của Mikado (Nhật Hoàng) gởi cho các tù binh Pháp, đại ý như sau: Trẫm vĩ đại. Trẫm lòng lành. Trẫm giải phóng cho các người. Trẫm trông cậy ở các người sẽ cộng tác với Nhật Bản để phòng thủ Đông Dương mà chủ quyền Trẫm công nhận là thuộc về nước Pháp”.
Việc công nhận chủ quyền của Pháp là một việc cực kỳ quan trọng đối với những người Pháp ở Đông Dương vì theo lời Charbonneau, “điều này cho phép Đông Dương sống được từ ngày 15 tháng 10 năm 1940 đến đêm mùng 9 tháng 3 năm 1945”. Nhưng nó cũng kèm theo nhiều điều kiện bắt buộc, nhất là đòi hỏi Pháp phải cộng tác về mặt quân sự trong trường hợp có tấn công từ bên ngoài, trước mắt là của người Trung Hoa, và sau này là của các nước Đồng Minh. Vả lại theo Charbonneau nhận xét: hiệp định này chủ yếu chỉ gồm những gì mà người Nhật sẵn lòng thuận cho.


Toàn quyền Đông Dương rút kinh nghiệm về trận đánh ở Lạng Sơn. Ông ta nói đi nói lại đến hai lần trong cuốn hồi ký của ông ta:
“...Biến động Lạng Sơn có cái tốt của nó là đã chứng minh cho người Pháp thấy nếu không muốn mất Đông Dương một cách không thể cứu vãn được nữa thì tốt hơn hết là không nên tái diễn lại một lần nữa một cuộc thử thách chống quân đội Nhật Bản như vậy...” (Sách đã dẫn, trang 117 và trang 165).
Riêng đối với Decoux, thì bài học Lạng Sơn là hết sức bổ ích, nên từ đó trở đi, mỗi khi quân Nhật đưa ra một yêu sách gì mới, ông ta cũng cố gắng chống đối lấy lệ, rồi cuối cùng cũng thu xếp làm vừa lòng chúng. Trong hơn bốn năm làm Toàn quyền Đông Dương, chỉ căn cứ vào một vài số liệu mà chính ông ta khai ra, cũng thấy ông ta đã cung cấp cho phát xít Nhật một khối lượng vật tư tài sản vô cùng quan trọng bóc lột của nhân dân Đông Dương. Thí dụ:
Về gạo ông ta xuất sang Nhật năm 1941: 700.000 tấn, năm 1942: 1.050.000 tấn, năm 1943: 950.000 tấn, năm 1941: 900.000 tấn.
Về cao su, chỉ riêng trong thời gian một năm, từ 1941 đến 1942, ông ta đã xuất sang Nhật một số lượng trị giá bằng: 12.907,023 kg vàng. Nếu tính cả các khoản khác, thì chỉ trong một năm này, Nhật đã “ghi nợ trên giấy” tổng cộng là:
Tiền mua cao su: 12.907,023 kg vàng
Cung cấp cho quân đội Nhật (một phần): 11.840,073 kg vàng
Các khoản thương vụ khác tính đến 31-12-1942: 7.870,044 kg vàng.
Tổng cộng 32.617,110 kg vàng trị giá lúc đó bằng 22 tỷ phrăng (Sách đã dẫn, trang 447)
Sự lũng đoạn về tài chính cũng hết sức nghiêm trọng. Thoạt đầu hai bên thỏa thuận “trên giấy” lấy ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine) và ngân hàng Yokohama Species Bank làm cơ sở hối đoái giữa đồng yên của Nhật và đồng bạc Đông Dương. Khi nào số nợ của Nhật lên quá 5 triệu yên thì ngân hàng Đông Dương có thể yêu cầu Yokohama Species Bank trả số nợ đó bằng vàng hoặc bằng những ngoại tệ mạnh có thể đổi ra thành vàng. Ngày 30 tháng 12 năm 1942, Nhật dùng áp lực bắt chính phủ Pháp phải “ký thỏa ước Mitani-Laval về tiền tệ”, bỏ hết các quy định cũ, và từ ngày đó trở đi, Nhật sẽ thanh toán bằng một đồng “yên đặc biệt”, là đồng tiền duy nhất được chấp nhận trong các thương vụ với các nước có liên hệ kinh tế với Nhật. Số vàng của Pháp để ở ngân hàng Yokohama S.B trước ngày ký thỏa ước Mitani-Laval, thì khi nào có điều kiện, Nhật sẽ chuyển sang ngân hàng Đông Dương trả lại Pháp. Còn đồng “yên đặc biệt” thì cũng sẽ được đổi ra vàng hoặc ra các ngoại tệ có thể đổi ra vàng... khi nào có điều kiện (!).
Với những quy định như vậy, Nhật thì ghi nợ “trên giấy” bằng đồng yên đặc biệt, còn chính quyền Pháp ở Đông Dương thì đưa tiền mặt bằng đồng bạc Đông Dương, để cho quân đội Nhật thanh toán mọi chi phí hằng ngày trên đất Đông Dương.
Theo cách này, từ 1940 đến 1945, Decoux đã nộp cho Nhật:
Năm 1940: 6 triệu đồng; năm 1941: 58 triệu; năm 1942: 86 triệu; năm 1943: 116 triệu; năm 1944: 360 triệu; năm 1945 cho đến ngày 9-3-45: 100 triệu. (Sau đó từ tháng 3 đến Cách mạng tháng Tám, chỉ trong vòng năm tháng Chính phủ Trần Trọng Kim đã nộp cho Nhật 720 triệu đồng).
Trước sau tổng cộng tất cả số tiền phải nộp cho Nhật từ ngày đó là 1 tỷ 445 triệu đồng bạc Đông Dương bằng 14 tỷ 450 triệu phrăng.
Nhà Ngân hàng Đông Dương in giấy bạc không kịp trở tay: năm 1939 in 180 triệu đồng, năm 1940 từ 270 đến 280 triệu, năm 1941: 340 triệu, năm 1942: 500 triệu, năm 1943 từ 600 đến 700 triệu, và năm 1944, từ 1.014 đến 1.364 triệu đồng. Sự lưu thông tiền bạc càng ngày càng tăng lên đến mức chóng mặt. Nạn lạm phát chưa từng có làm cho đời sống của toàn thể nhân dân ba nước Đông Dương, nhất là nhân dân nước ta vô cũng cơ cực. Nạn đói khủng khiếp đã giết hại hai triệu đồng bào ta cũng là một hậu quả thảm khốc của sự đầu hàng nhục nhã khiếp nhược của bọn cầm quyền thực dân ở Đông Dương trước quân xâm lược phát xít Nhật.
Ngày 20 tháng 7 năm 1940, sau khi Pháp mất nước vừa đúng một tháng thì viên Toàn quyền Decoux chính thức lên nhậm chức. Việc làm đầu tiên của ông ta là triệu tập tất cả các chuyên viên và công chức cao cấp đứng đầu các ngành kinh tế ở Đông Dương lên báo cáo. Những người này đã không thể che giấu sự thực về tình hình nghiêm trọng lúc bấy giờ.
“... Ý kiến của các chuyên viên rất dứt khoát. Tất cả đều nhận định rằng nếu một ngày nào đó, Đông Dương bị cắt rời khỏi chính quốc, và thêm nữa lại phải từ bỏ mọi quan hệ thương mại bình thường, một mặt với Hồng Kông, Singapore, Ấn Độ, một mặt với Hoa Kỳ và Philippines, thì không bao lâu sẽ bị tắt thở về kinh tế (axphyxie économique) từ đó sẽ không tránh được đi đến chỗ sụp đổ của đồng bạc, sự rối loạn xã hội, và chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta sẽ mất hết chủ quyền...”
(Decoux - Sách đã dẫn)
Nhưng điều tiên đoán trên này, thực tế đã bắt đầu diễn ra ngay trước mắt rồi. Ngay từ sau khi tin tức đầu hàng của chính phủ Pháp loan ra, thì hải quân Anh đã lập tức cho thi hành mọi biện pháp cần thiết để cắt đứt quan hệ với các thuộc địa của Pháp, và đặt những xứ này vào tình trạng phong tỏa.
Ngày 3 tháng 7 năm 1940, hạm đội Anh do Đô đốc Sommerville chỉ huy, đột nhiên tấn công vào hạm đội Pháp đang bỏ neo tập kết tại cảng Mers-el-Kébir ở Algérie, do điều ước đình chiến với Đức quy định. Toàn bộ hạm đội này bị phá hủy và hơn 1.500 sĩ quan và thủy binh Pháp bị giết.
Ở nước ta chiếc tàu cuối cùng đến được Hải Phòng vào mùa xuân năm 1941 mang hiệu cờ Hà Lan, chở 4.000 tấn dầu mazút, do hải quân Anh kiểm soát và cho phép. Chiếc tàu Pháp cuối cùng rời Sài Gòn để về Pháp là chiếc Dupleix, tháng 8 năm 1941 bị Hà Lan bắt giữ và đưa về giam tại cảng Batavia, năm chiếc tàu chở khách khác, định đi đường vòng qua Phi Châu cũng không thoát. Mới tới Mũi Hảo Vọng (Capde Bonne-Espérance) thì bị chiến hạm Anh bắt giữ và đưa về giam tại Natal, một cửa biển ở Đông nam Phi Châu. Tất cả hành khách trên tàu có quốc tịch Pháp và đến tuổi đi lính đều bị đưa vào trại tập trung. Mùa đông năm 1941, còn lại 12 chiếc tàu chở hàng lớn chạy viễn dương với tổng trọng tải 8.600 tấn, và khoảng 20.000 tấn các tàu nhỏ chạy ven biển, thì bị quân Nhật bức bách chiếm hết trong chiến tranh.
Chiếc soái hạm Lamotte Picquet, mang cờ Đô đốc của Decoux cùng chiếc chiến hạm Chamer và nhiều tàu khác, tất cả 18 chiếc, bỏ neo trên sông Sài Gòn, bị 84 chiếc máy bay của đội Task Force 38 của hải không quân Mỹ từ ngoài khơi bay vào oanh tạc dữ đội, chỉ trong một ngày đã biến tất cả thành những quan tài sắt dưới lòng nước sâu. Tất cả lực lượng hải quân của Pháp ở Đông Nam Á như thế trở thành một con số không to lớn. Không chỉ sau này Mỹ mới tiến hành chiến tranh phá hoại đất nước ta bằng những cuộc ném bom cực kỳ man rợ, mà ngay từ những ngày đó, chúng cũng đã giết hại nhân dân ta một cách vô cùng thảm khốc. Ta hãy tính sổ với chúng những món nợ máu này:
Sau những cuộc không kích không đáng kể của quân Xiêm vào tháng chạp năm 1940, của quân Tưởng Giới Thạch tháng giêng năm 1941 vào miền Bắc nước ta, tháng 8 năm 1942 vào Hải Phòng thì không quân Mỹ bắt đầu nhập cuộc. Ngay từ năm 1943, những máy bay B29 của Mỹ liên tiếp ném bom xuống Hà Nội và Hải Phòng, ngày 21 tháng 7 giết chết 196 thường dân Việt Nam, ngày 7 tháng 8: 100 người, và ngày 12 tháng chạp, dữ dội nhất 500 người. Ngày 5 tháng 5 năm 1944, trận ném bom đầu tiên xuống Sài Gòn đã giết chết 220 người, rồi cứ tiếp tục như thế cho đến tháng 7 năm 1945. Trận ném bom cuối cùng dữ dội nhất là vào ngày 12 tháng 6 năm 1945 đã giết chết 222 người...
Ngoài ra máy bay Mỹ và tàu ngầm Mỹ còn tìm diệt những tàu chở hàng của Pháp cho Nhật, “đánh phá như trong một cuộc diễn tập, chỉ cần nhắm vào lá cờ tam tài mà nhả đạn...”.
5. Cộng tác hay kháng cự
Với những “thành tích” của Pháp phục vụ quân đội Nhật từ 1940 đến 1945 như vừa nêu trên, thì có thể nào không coi đó là một sự “cộng tác” thực sự của chính quyền thuộc địa với quân phát xít Nhật. Một buổi phát thanh của đài tiếng nói Vichy vào năm 1942 đã gọi đúng tên nó là một sự “cộng tác Pháp-Nhật” (une collaboration franco-japonaise). Phủ toàn quyền Pháp ở Đông Dương giãy nẩy lên, vội đánh một bức điện mật về phản đối: Nhật chiếm đóng thì có đấy, nhưng cộng tác với Nhật thì không.
Vậy thì có cộng tác hay không?
Paul Mus, một nhà học giả đã từng sống ở nước ta trong nhiều năm, tên tuổi không xa lạ gì với giới trí thức nước ta, lúc đó phụ trách một phòng tình báo chính trị ở Ấn Độ, có liên hệ trực tiếp với Đồng Minh, quan sát được từ bên ngoài các việc xảy ra ở Đông Dương, đã khẳng định:
“Thực sự đã có một sự cộng tác nào đó, đặc biệt về kinh tế: gạo của Nam Kỳ cứ ùn ùn được chở thẳng sang Nhật, hay chở đi nuôi quân lính Nhật chiến đấu ở các vùng biển phía Nam”. Nhưng ông cũng cố gắng thanh minh: “Nói cho công bằng, sau cuộc bại trận không mấy vinh quang của chúng ta (Pháp) ở Lạng Sơn, thật không dễ gì có thể làm khác được”.
Cũng quan sát khách quan từ bên ngoài. P. Mus lại khẳng định: “Có những dấu hiệu cho thấy có một sự kháng cự ngầm (une résistance sourde) chống lại sự xâm nhập của quân Nhật vào đời sống Đông Dương”.
Theo P. Mus thì:
“Người Nhật có đủ sức mạnh để áp đặt với chúng ta (người Pháp) việc làm này hay việc làm kia mà họ đã chọn lựa và đòi hỏi ta phải thực hiện bằng mọi giá. Nhưng theo kinh nghiệm họ lại không đủ mạnh để bắt chúng ta phải phục tùng ngay tức khắc, lúc nào cũng phục tùng và phục tùng ở bất cứ đâu. Họ chỉ mạnh ở một số địa điểm nhất định, chủ yếu ở Sài Gòn là nơi họ tập trung nhiều phương tiện của họ”.
Để chứng minh điều này, từ Ấn Độ, Mus đã nhiều lần chứng kiến những động tác “hoãn binh” của Decoux. Khi bị bức bách quá ông lại từ Sài Gòn né tránh lên Đà Lạt hay ra Hà Nội. Đã có lần tướng Mordant, tư lệnh quân đội Đông Dương, gợi ý với Decoux nên lấy cớ bị một bệnh “bệnh ngoại giao” nào đó, hay một cớ gì khác, né tránh hẳn đi, để cho một chánh văn phòng dưới quyền thay thế, không có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu lớn của Nhật. Biện pháp này hoàn toàn hợp pháp đã được quy định trong các sắc lệnh tổ chức thuộc địa, như thế không ai bàn cãi gì được, vừa hoãn binh vừa không mất thế diện. Decoux đã từ chối: ông ta là người cầm lái, không thể bỏ con tàu trong lúc sóng gió này.
Ở Đông Dương, những trung tâm tuy quan trọng, nhưng cũng chỉ có một quy mô tương đối nhỏ. Điều chủ yếu là ở khối nông thôn, chiếm tới hơn 90% đất đai và dân số, được chia nhỏ ra lúc đó thành 85 tỉnh. Ở cấp này, người Nhật khó thâm nhập vào được vì thiếu chuyên gia, không hiểu ngôn ngữ và cũng vấp phải sự ác cảm của dân chúng địa phương. Họ chỉ có thể ở những trung tâm quan trọng, thủ đô, thành thị lớn, gây sức ép với những đại diện của chính quyền Pháp ở cấp cao.
Trong thời gian này, bộ máy chính quyền của Pháp hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Trên từ Toàn quyền, Thống sứ, các đốc lý, công sứ các tỉnh, các chỉ huy quân đội, chỉ huy lính khố xanh, khố đỏ, cảnh sát, mật thám, đến các giám đốc các cơ quan hành chính sự vụ, kho bạc, ngân hàng, bưu điện, hỏa xa... tất cả đều vẫn do người Pháp nắm giữ. Tình trạng này đã che giấu thực trạng suy sụp đến mức cùng kiệt của chính quyền thuộc địa. Paul Mus viết:
“Ngoài một số nhỏ người được thông tin đầy đủ hơn, thì có thể nói, cho đến tận 9 tháng 3 năm 1945, cả Đông Dương đã sai lầm về thực trạng của chúng ta, và về tương quan giữa các lực lượng đối diện... Thấy ở nơi nào cũng có người Pháp thì tưởng chúng ta vẫn còn vững lắm, nhưng thực tế không phải thế. Và điều này đã giúp chúng ta còn trụ lại được mấy năm...”
Nhưng người Nhật đâu có mù quáng! Họ biết, mà biết rất rõ về thực lực quân sự, kinh tế của Pháp và nhất là biết rõ sự căm thù lâu đời sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với bọn thực dân xâm lược Pháp. Nhưng họ vẫn để nguyên tình trạng mập mờ này, vì theo tính toán chiến lược của họ, thì Đông Dương là một bàn đạp quan trọng để tiến về phương Nam, tiến sang Ấn Độ. Đông Dương là một vựa thóc tiền tiêu để nuôi quân lính của họ. Nên ở đây họ cần có một chính sách hòa dịu ổn định, nhất là chính sách tăng gia sản xuất ở địa phương để nuôi chiến tranh. Với hai mục tiêu này, sự có mặt của bộ máy chính quyền Pháp, của những cán bộ và kỹ thuật viên Pháp là vẫn còn cần thiết. Mặt khác, người Nhật vẫn biết rằng nhân dân Việt Nam có ác cảm cũng sâu sắc đối với họ, và họ không thể, chưa thể hất cẳng Pháp nắm lấy quyền cai trị. Hãng truyền thanh Domei của Nhật đã chẳng có lần cay đắng nhận xét là thanh niên và giới trí thức Việt Nam chỉ chú tâm vào việc giải phóng dân tộc và độc lập tự do thống nhất đất nước của họ, chứ có mơ màng gì đến thuyết viễn tưởng “Đại Đông Á” của Nhật đâu.
Rút cục lúc đó ở Việt Nam, vừa có cộng tác vừa có kháng cự. Người Nhật đã khôn ngoan không đập nát bộ máy chính quyền của Pháp là để có lợi cả về mắt kinh tế lẫn sự ổn định ở hậu phương của họ.
Cuộc kháng cự ở trong nội địa Việt Nam như vậy chủ yếu chỉ có tính chất “hành chính và thụ động”, kết quả tất nhiên chỉ có thế rất hạn chế. Lúc đó quân đội Pháp vẫn còn hầu như nguyên vẹn, nhưng không thế nghĩ đến việc đưa đội quân này ra trực diện chiến đấu chống lại quân Nhật, vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, nghiêng hẳn và nghiêng quá xa về phía Nhật. Đông Dương lại không thế trông cậy gì được ở các nước Đồng Minh, càng không thế trông cậy được vào bất cứ một sự cứu viện nào của chính quốc. Các nước Đồng Minh đang phải đối đầu sinh tử với trục phát xít Đức, Ý, Nhật, sẽ không giơ nửa ngón tay lên để cứu vớt cái thuộc địa này của một nước Pháp đã bại trận. Sau này vào ngày 16 tháng 4 năm 1944, ở Trùng Khánh, Phó tổng thống Mỹ Wallace đã tuyên bố thẳng thừng không úp mở là Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ đã thỏa thuận gạt bỏ người Pháp ra khỏi Đông Dương. Sau này nữa vào tháng 8 năm 1945, khi quân Nhật đầu hàng, Mỹ cũng đã quyết định đưa 180 ngàn quân Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc nước ta để giải giáp 30 ngàn quân Nhật, chứ không giao việc này cho người Pháp, tuy lúc đó nước Pháp đã được giải phóng và đã có ý định chiếm lại Đông Dương bằng võ lực. Đây là một hành động bày tỏ thái độ vừa muốn gạt Pháp ra khỏi thuộc địa Đông Dương, vừa cực kỳ tàn nhẫn đối với nhân dân ta, lùa một đội quan đói khát như thế vào một đất nước đã kiệt quệ, vừa trải qua một nạn đói khủng khiếp làm hai triệu người chết thảm khốc.
Như vậy là người Pháp ở thuộc địa chỉ có thế trông cậy vào chính mình mà thôi. Trong nội địa cũng đã có một nhóm Hoffet - Bertrand - Graffeuil định tổ chức một mạng lưới kháng cự, dựa vào quân đội và liên lạc với một nhóm khác ở Calcutta, Ấn Độ. Nhưng chưa hề có kinh nghiệm hoạt động bí mật, cả nhóm đã bị Nhật khám phá, đem giết hết không có một người nào sống sót. Sau này vào tháng 2 năm 1945, trước cuộc chính biến, Paul Mus cũng đã bí mật về được Việt Nam, có một cuộc hội đàm bí mật với Decoux về việc này. Decoux đã kể lại trong cuốn hồi ký của ông (sách đã dẫn):
“Người đối thoại bí mật của tôi đã trao cho tôi một giấy ủy nhiệm do một “Ủy ban Giải phóng Đông Dương” (Comité de Liberation de l’Indochine) cấp cho ông. Ông Paul Mus cho tôi biết, ông trở về xứ này là nơi ông đã từng sinh sống trong nhiều năm để mở rộng mạng lưới kháng cự (Réseau de Résistance) trong những phần tử chắc chắn nhất của lớp những người bản xứ tiến bộ. Tôi đã nói ngay cho nhà bác học bỗng chốc trở thành chính khách này, biết tất cả những điều nguy hiểm mà tôi thấy của một kế hoạch như vậy”. Và tất nhiên là Decoux từ chối tham gia và giúp đỡ.
6. Cuộc kháng cự có bài bản
Vào khoảng tháng 6 năm 1940, có vài chủ đồn điền ở Mã Lai thuộc Anh, lúc đó còn chưa bị Nhật chiếm đóng, quyết định bỏ tất cả công việc khai thác để đi theo De Gaulle. Trong số họ, nổi lên nhất, có ba sĩ quan cũ của quân đội Pháp: đó là đại tá Pechkoff, thiếu tá Langlade, và trung úy Boulle.
Pechkoff là một người gốc Nga, con nuôi của nhà văn Nga nổi tiếng Maxime Gorki. Năm 1914, ông ta đầu quân vào đội lính Lê dương của Pháp, và kiên trì trong binh nghiệp, lên dần tới cấp bậc đại tá. Đi theo De Gaulle, năm 1943, ông được cử cầm đầu phái đoàn quân sự của Pháp ở Trùng Khánh, và trở thành một đại diện của “Ủy ban Giải phóng Đông Dương”. Tháng 5 năm 1941, ông được cử là đại diện của De Gaulle tại chính phủ Tưởng Giới Thạch.
Cuộc đời của Boulle thì trôi nổi hơn. Sinh năm 1912 ở Avignon miền Nam nước Pháp, tốt nghiệp trường đào tạo kỹ sư, năm 1938, Boulle được tuyển mộ vào làm việc cho một công ty cao su ở Mã Lai. Tháng 11 năm 1939 phải động viên vào quân đội, ông chỉ huy một đội ôtô có súng liên thanh, dự vài trận đánh chống quân Xiêm ở vùng Hạ Lào, rồi đào ngũ đi theo Langlade sang Trung Quốc để tìm về với De Gaulle. Ngày 1 tháng 8 năm 1942, ông vượt biên giới Hoa-Việt ở vùng bản Nam Kum, phía tây bắc Phong Thổ, một mình làm một chiếc bè nứa, ban đêm xuôi dòng sông Nậm Tề về Lai Châu, định để liên hệ với mạng lưới kháng cự ở Đông Dương. Ngày 6 tháng 8 thì bị quân đội Pháp bắt được, và, ôi mỉa mai, bị đưa ra tòa án binh vì tội đào ngũ và phản quốc! Tòa kết án tù chung thân, đem về giam ở Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn. Tháng 10 năm 1944, trong khi di chuyển ông sang Lào, đến Vinh thì được những người trong mạng lưới kháng cự giải thoát. Ông trở về Hà Nội, tìm lại được thủ trưởng cũ của ông là Langlade... Sau chiến tranh ông trở thành một nhà văn nổi tiếng, Pierre Boulle, tác giả của 20 tác phẩm, trong số đó hai cuốn nổi tiếng nhất là “Hành tinh của khỉ” (La planete des singes) và nhất là cuốn “Cây cầu trên sông Kwai” (Pont de la rivière Kwai) đã được quay thành phim, đưa lên màn ảnh đi khắp thế giới.
Cuộc đời của Langlade còn truân chuyên hơn nhiều và có thể coi như một bản tóm tắt của sự kháng cự từ bên ngoài mà ông là linh hồn sôi động.
Từ Mã Lai, Langlade sang Côn Minh, lập lại ở đây mạng lưới tình báo của Pháp ở Viễn Đông. Tháng 10 năm 1942, ông bí mật về biên giới Hoa Việt để bắt liên lạc với các sĩ quan Pháp ở Bắc Kỳ. Rồi ông được De Gaulle triệu về Luân Đôn. Tháng 7 năm 1943, ông được biệt phái sang Ấn Độ ở Kandy chỉ huy phân ban Đông Dương của lực lượng 136, trong tổ chức biệt động của Anh. Ông lại đi Alger nhận chỉ thị của De Gaulle về tiếp xúc với Decoux và tướng Mordant. Ngày 5 tháng 7 năm 1944, ông được thả dù xuống vùng Lạng Sơn, chỉ cách nơi đóng quân của một đại đội Nhật có ba cây số. Ngày 6 tháng 7 ông đã nhanh chóng tiếp xúc được với Mordant. Nhưng vài ngày sau thì Mordant bị Decoux cách chức chỉ huy, thay thế bởi tướng Ayme, tư lệnh sư đoàn Bắc Kỳ.
Ngày 17 tháng 8 năm 1944, ông trở về Alger, trao cho De Gaulle một bản báo cáo về tình hình kháng cự chống quân Nhật ở Đông Dương. De Gaulle cho thành lập một “Ủy ban Hành động vì Đông Dương” (Comite d’action pour l’lndochine) và cử Langlade cầm đầu. Theo sự đề cử của ông, De Gaulle, bí mật và chính thức ủy nhiệm tướng Mordant giữ chức chỉ huy cuộc kháng cự trong nội địa.
Ngày 15 tháng 1 năm 1944, Langlade được thả dù xuống Điện Biên Phủ với sứ mệnh mới, tổ chức một mạng lưới hoạt động quân sự và phá hoại. Sau đó với 119 lần thả dù, các lực lượng hành động đã đưa được vào Đông Dương 35 chuyên viên vô tuyến điện với đầy đủ máy móc thông tin liên lạc, 59 điệp viên, 4.000 vũ khí, 4 tấn thuốc nổ... Langlade bí mật tiếp xúc được với Decoux hai lần vào ngày 19 và 28 tháng 11 năm 1944. Ngày 24 tháng 11, hợp đồng về những mật hiệu phát trên sóng vô tuyến trong trường hợp bị tấn công bất ngờ. Đó là những mật khẩu: “Port Arthur”, “Một cách thô bạo” (A la hussarde), “Bản giao hưởng anh hùng” (Symphonie héroique) và (Eduard Detaille)...
Tất cả những chuyện này xem ra có vẻ bài bản và rất đẹp “trên giấy”. Nhưng khi vào việc, trong cuộc chính biến đêm 9 tháng 3 năm 1945, thì những hành động “một cách thô bạo”, những nét nhạc của “bản giao hưởng anh hùng” đều bị chìm trong tiếng thét xung phong khát máu man rợ của quân lính Nhật, và nhường chỗ cho sự thật phũ phàng của sự tiêu diệt chủ quyền Pháp và sự tàn sát sĩ quan, quân lính Pháp.
Nói cho công bằng, màng lưới kháng cự cũng có làm được đôi ba việc. Chẳng hạn từ ngày 15 tháng 10 năm 1944 đến đêm 9 tháng 3 năm 1945, nhờ những tin tức tình báo của Pháp, 33 chiếc tàu của Nhật đã bị đánh chìm ngoài khơi vùng biển Đông Dương. Nhưng có thấm tháp gì, đúng là chỉ như muối bỏ bể thôi.
Ngày 29 tháng 3 năm 1945, Langlade còn trở lại Điện Biên Phủ, tiếp xúc được với tướng Sabattier bây giờ là người chỉ huy cuộc kháng cự, sau khi Mordant đã bị Nhật bắt. Nhưng Điện Biên Phủ năm 1945 cũng không may mắn gì hơn năm 1954 cho vận mệnh của Pháp ở thuộc địa Đông Dương.
Nếu vào tháng 7 năm 1944, tướng Sabattier đã có những nhận xét chán chường về tổ chức kháng cự trong nội địa “... tổ chức này chưa đứng được lên chân, nó không bao giờ đứng được lên chân. Người ta bơi trong một mớ bòng bong, và càng ngày càng dấn sâu vào sự rối loạn và vô tổ chức”, thì vào năm 1945, Georges Gautier, phụ tá thứ nhất của Decoux, còn nhận xét cay đắng hơn: “Những lời huênh hoang khoác lác, những hành động dại dột như vậy, thì bất cứ một người bình thường, có lương tri nào cũng nghĩ là tất nhiên sẽ dẫn đến một phản ứng tàn bạo của Nhật. Không biết những người lãnh đạo nước Pháp tự do có ý thức được điều này không?”.
Và quả nhiên là Nhật đã phản ứng tàn bạo thật, chỉ trong một đêm đập tan tành chính quyền của Pháp ở Đông Dương, chặt đầu từ tướng chỉ huy đến binh nhất, binh nhì..

Hết phần 1

Không có nhận xét nào: