19/6/16

Trận Kursk - Cuộc đấu tăng lớn nhất và kế hoạch đã bị lộ


CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ 2

Trong ba ngày liền của cao trào trận đánh, hai bên đã tung vào trận đánh những binh đoàn xe tăng hùng mạnh nhất với tổng số lên đến trên 1.200 xe tăng và pháo chống tăng tự hành. Hàng ngàn  xe tăng cùng hàng triệu quân nhân của Liên Xô và Đức quyết chiến gần thành phố Kursk suốt hai tháng năm 1943, trong trận chiến xe tăng lớn nhất lịch sử các cuộc chiến tranh.


                         Liên Xô đã phải trả một cái giá rất đắt cho thắng lợi tại trận Vòng cung Kursk

Trận vòng cung Kursk (lịch sử Nga gọi là Chiến dịch phòng ngự - phản công Kursk) là một trong những chiến dịch lớn nhất trên chiến trường Xô-Đức trong Thế chiến thứ hai, kéo dài từ ngày 5 tháng 7 đến 23 tháng 8 năm 1943 giữa quân đội Liên Xô và quân đội Đức Quốc xã tại vùng đồng bằng giữa các thành phố Kursk và Kharkov thuộc Liên Xô (cũ), nay thuộc miền trung tây nước Nga và đông Ukraina.

Trong chiến dịch này, có trận đánh này nổi tiếng là trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh bắt đầu từ ngày 10 tháng 7 tại Pokrovka và lên đến đến đỉnh điểm là ngày 12 tháng 7 tại cánh đồng Prokhorovka.

Sau thất bại tại Stalingrad, mùa hè năm 1943, quân đội Đức Quốc Xã đã quyết định tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực vòng cung Kursk nhằm làm suy yếu tiềm năng của Liên Xô. Bằng hai mũi gọng kìm điển hình cho thế trận tiến công chớp nhoáng (Blitzkrieg) thọc sâu và hợp điểm hai mũi gọng kìm đằng sau thành phố Kursk, để hợp vây và tiêu diệt 3 TĐQ Liên Xô đóng ở trong đó. Trận đánh này lúc đầu quy mô không lớn nhưng theo đà động binh của hai bên nên dần phát triển thành một chiến dịch lớn trên thực tế. Hitler cho rằng một chiến thắng ở đây sẽ khẳng định sức mạnh của Đức, nâng cao uy tín với các đồng minh đang muốn rút khỏi cuộc chiến. 

Để phục vụ cho trận đánh chiến lược quyết định này, quân đội Đức quốc xã đã huy động 22 sư đoàn bộ binh với tổng quân số 912.460 binh lính, 17 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn bộ binh cơ giới với tổng số 2.982 xe tăng các loại trong đó có 800 chiếc Tiger - loại xe tăng chiến đấu chủ lực lừng danh của Đức, 9.966 khẩu pháo các loại, 2.110 máy bay chiến đấu. Lực lượng này chiếm đến 17% số sư đoàn bộ binh, 70% số sư đoàn xe tăng, 30% số sư đoàn cơ giới và 60% số máy bay của Đức trên mặt trận phía Đông. Đặc biệt là có sự tham gia tiến công của các sư đoàn SS Waphen, một lực lượng chiến đấu rất thiện chiến của SS.

Hitler đã đặt mật danh cho chiến dịch này là Citadel. Ông chính là người đã khai sinh việc đặt mật danh cho các chiến dịch quân sự lớn về sau. Theo sắc lệnh số 6 do Hitler phát hành, tập đoàn quân Trung tâm do Thống chế Günther von Kluge chỉ huy phối hợp cùng Tập đoàn quân số 9 do tướng Walter Model lãnh đạo tạo thành gọng kìm ở phía Bắc.

Đáng tiếc là trận đánh vòng cung Kursk của người Đức nhằm cắt vùng lồi Kursk bởi đòn gọng kìm đã trở thành một trận đánh bị bại lộ từ trước. Người Nga qua mạng lưới tình báo đã phát hiện ra đòn đánh, mục tiêu, thời gian và qui mô của chiến dịch này, và họ đã có thời gian gần 2 tháng để củng cố phòng ngự cũng như các đối sách để đối phó với hai mũi gọng kìm của quân Đức. Thậm chí chỉ một giờ trước khi quân Đức phát lệnh tấn công chính thức thì người Nga đã tung ra một trân pháo kích kinh hoàng vào các mũi tấn công chính yếu của người Đức, khiến cho cuộc tấn công phải dời lại không đúng theo kế hoạch. Các sử gia quân sự sau này cũng phê phán A.Hitler, khi cho rằng lãnh tụ Đức đã quá chủ quan vẫn cho tấn công theo kế hoạch cũ, mặc dù cũng đã biết kế hoạch tiến công đã bị phía Liên Xô biết được.

Phía người Nga đến giờ vẫn chưa giải mật nên vấn đề làm thế nào mà người Nga lại biết được đầy đủ về chiến dịch này, 2 tháng trước khi bắt đầu trận đánh vẫn chỉ là điều bí mật.

Trận đánh diễn ra cực kỳ khó khăn với người Đức, và mặc dù là phía tấn công nhưng phần chủ động luôn thuộc về phía người Nga. Các mũi xe tăng của người Đức trong một thế gọng kìm nhằm hợp vây quân Nga theo một chiến thuật cơ bản của "chiến tranh chớp nhoán" đã phải tấn công chiếm từng mét đất một trước sự phòng thủ dày đặc của đối phương. Mặc dù tung hết lực lượng thiện chiến nhất, và tinh thần chiến đấu cao độ nhưng những thế mạnh của chiến tranh chớp nhoáng không còn, yếu tố bất ngờ không có, không còn gây choáng, gây tan ngũ được cho đối phương nên trận đánh kéo dài sau đó chỉ là phần phải làm vì đã lỡ phải theo thôi. Chứ mục đích là bao vây, bức hàng một lượng lớn quân Liên Xô bằng một đòn gọng  kìm đã bị phá sản rồi.

Tập đoàn quân phía Nam do Thống chế Erich von Manstein chỉ huy phối hợp cùng Quân đoàn Panzer 4 tấn công vào khu vực phía Nam. Ban đầu chiến dịch Citadel dự định sẽ bắt đầu vào ngày 3/5/1943, nhưng sau đó Hitler đã cho hoãn chiến dịch đến ngày 12/6. Ông cho rằng, xe tăng là chìa khóa của chiến dịch nên tiếp tục hoãn chiến dịch đến ngày 5/7 để chờ đợi các vũ khí mới như xe tăng Panzer và nâng cấp xe tăng Tiger.

Về phía Liên Xô, từ các thông tin tình báo và trinh sát thu thập được, Nguyên soái Georgy Zhukov khẳng định rằng, quân đội Đức sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự lớn vào khu vực Kursk cách 450 km về phía tây nam Moscow.

Nguyên soái Zhukov đề nghị xây dựng tuyến phòng ngự vững chắc kéo quân Đức sa vào cái bẫy để đập tan lực lượng thiết giáp, tạo điều kiện cho một cuộc phản công quy mô lớn nhằm giành thắng lợi quyết định. Hồng quân đã xây dựng 6 vành đai phòng thủ với chiều sâu 130-150 km trong đó có 3 khu vực phòng ngự chính với chiều sâu 40 km.

Biết trước kế hoạch tấn công, các mũi xe tăng thọc sâu của đối phương nên lực lượng công binh Hồng quân đã cài 503.663 quả mìn chống tăng, 439.348 quả mìn sát thương trên 3 khu vực phòng ngự chính. 4.800 km giao thông hào đã được đào chằng chịt trong khu vực. Các bãi mìn tại khu vực Kursk có mật độ 1.700 quả mìn sát thương và 1.500 mìn chống tăng trên km 2, gấp 4 lần mật độ được sử dụng để bảo vệ Moscow.

Lực lượng huy động cho chiến dịch phòng ngự tại vòng cung Kursk lên đến 1,3 triệu quân, 3.600 xe tăng các loại, 20.000 khẩu pháo chủ yếu là pháo chống tăng, 2.729 máy bay chiến đấu các loại. Lực lượng này chiếm 26% tổng quân số Hồng quân, 26% lực lượng pháo binh, 35% máy bay và 46% lực lượng tăng thiết giáp. Việc hoãn kế hoạch tấn công muộn hơn 2 tháng của Đức đã tạo thêm thời gian cho Hồng quân xây dựng tuyến phòng ngự kỹ lưỡng nhất.

Trận Vòng cung Kursk là một chiến thắng mang tính chiến lược có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến trường. Thắng lợi của Hồng quân đã đẩy quân đội Đức quốc xã từ thế chủ động lâm vào thế bị động.Tuy nhiên, cái giá của chiến thắng không hề rẻ. Theo số liệu của nhà sử học Grigoriy Krivosheyev, trong trận Kursk, 429.890 chiến sĩ Hồng quân hy sinh, tổng số quân hy sinh và thương vong lên đến 685.456 người.

Tổn thất về trang thiết bị vũ khí rất lớn, 1.614 xe tăng bị phá hủy trong tổng số 3.600 chiếc tham chiến. 2.349 khẩu pháo các loại bị phá hủy, 1.116 máy bay bị bắn rơi. Các số liệu về tổn thất của quân Đức không rõ ràng. Theo nhà sử học Karl-Heinz Frieser, khoảng 198.000 binh lính thiệt mạng hoặc bị thương, 760 xe tăng bị phá hủy, 524 máy bay bị bắn rơi. Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói "Trận Stalingrad là kết thúc của sự khởi đầu nhưng trận Kursk là khởi đầu của sự kết thúc".

MTA (st)

Không có nhận xét nào: