17/7/16

Bài thơ Tống Biệt Hành: Lời Bình Và Tranh Luận



Phạm Đức Nhì

( HNPD )Tống Biệt Hành của Thâm Tâm được báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng năm 1940. Chỉ hơn một năm sau, nó đã được Hoài Thanh chọn đưa vào tuyển tập Thi Nhân Việt Nam


 TỐNG BIỆT HÀNH – KHEN CHÊ CHƯA ĐÚNG MỰC 

Tống Biệt Hành của Thâm Tâm được báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng năm 1940. Chỉ hơn một năm sau, nó đã được Hoài Thanh chọn đưa vào tuyển tập Thi Nhân Việt Nam với những lời nhận xét:
Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây (Tống biệt hành) lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi, gân guốc, không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại. 

TỐNG BIỆT HÀNH 

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay 

Bài thơ không có phép ẩn dụ toàn bài nên tứ và ý giống nhau. Những bài viết khác đã giải thích và diễn dịch khá kỹ lưỡng nên ở đây tôi xin đi thẳng vào phần phân tích và nhận định nghệ thuật.

Bốn câu thơ mở đầu thật tuyệt.

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Mấy câu thơ hay quá! Tứ thơ đẹp quá! Âm điệu mới lạ do phá cách trong luật bằng trắc lôi cuốn được 
sự chú ý của người đọc ngay từ giây phút đầu tiên. Hai câu đầu là tâm sự, cảm xúc của người đưatiễn: 
không đưa người qua sông nhưng sao lòng ta nôn nao như sóng vỗ. Hai câu sau là tâm tình kẻ ra đi quasự nhận xét tinh tế của người đưa tiễn: chỉ nhìn đôi mắt, ta cũng biết người buồn lắm vì trong đôi mắtấy chứa cả bóng hoàng hôn. Để tả cảnh tiễn biệt, chia ly, 4 câu thơ trên có thể hiên ngang đọ sức về giá trị nghệ thuật với bất kỳ đoạn thơ nào, ngay cả của thơ ca đương đại, mà không hề nao núng.

Âm điệu gân guốc, rắn rỏi. 

Thơ Mới thời bấy giờ cổ vũ ý tưởng mới, ngôn ngữ mới, thể thơ mới, đề tài mới… nhưng vẫn tôn trọng một số âm luật cũ để giữ được âm điệu mềm mại, du dương trong thơ. Tống biệt hành được cấu trúc bằng phương thức nghịch âm bất tuân những niêm luật vốn có của thể hành. Nó cũng chẳng tôn trọng âm luật của thơ mới. Có câu toàn thanh bằng: Đưa người ta không đưa qua sông; có câu có đến 4 thanh trắc liên tiếp: Sao có tiếng sóng ở trong lòng? Bởi vậy âm điệu của nó không uyển chuyển, du dương như phần nhiều thơ thời bấy giờ, thay vào đó, điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi gân guốc. Đó là nét rất độc đáo của Tống Biệt Hành. Nhờ đó, mới ra lò nó đã được sự chú tâm, ưu ái của Hoài Thanh.

Gợi được không khí hào hùng

H. Linh trong bài Đến Với Bài Thơ Hay: Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm, đã viết: 

Đề tài bài thơ là một trong hằng hà sa số những cuộc ly biệt được đưa vào “Thơ Mới” thời 1930 – 1945. Nhưng có lẽ trong văn học Việt Nam, trước và sau Thâm Tâm, không ai viết về chia ly đầy tính bi hùng, trữ tình và mãnh liệt đến như thế.
Không rõ “Tống Biệt Hành” có gì “khó hiểu”? Nhưng rõ ràng khi đọc, tôi thấy thật “bâng khuâng”. Vẻ trầm hùng, cổ kính của bài thơ cùng những hình ảnh “mong manh, ghê rợn, như những nhát dao xiết vào tâm hồn, tưởng là rất nhẹ hóa ra lại rất nặng” gây nên một ấn tượng thật mạnh và sâu đến người đọc. 

Còn Nguyễn Hưng Quốc nhận xét khách quan hơn, chính xác hơn:
Chị, em và người yêu lưu luyến thế ấy, chẳng lẽ lại đành tâm ra đi? Nhưng ly khách lại đi thật. Bóng đã xa, người đưa tiễn còn ngơ ngác đứng và hun hút nhìn :
Người đi? ừ nhỉ, người đi thực 
Mẹ thà coi như chiếc lá bay 
Chị thà coi như là hạt bụi 
Em thà coi như hơi rượu say 

… li khách tuy ngậm ngùi nhưng nét chính vẫn là sự nghênh ngang, hào sảng. Thấp thoáng chút hùng khí đời xưa. Phảng phất hình ảnh Kinh Kha ngày trước. Rất đẹp. Biết là cường điệu mà vẫn thấy đẹp. 

Có lẽ ưu điểm lớn nhất, thành công lớn nhất của Tống Biệt Hành là gợi lại được cái cảnh tượng bi tráng của cuộc đưa tiễn Kinh Kha qua sông Dịch. Cái thần tình của Thâm Tâm là ông không nhắc gì đến Thái Tử Đan, Kinh Kha, Tần Thủy Hoàng, không nhắc gì đến con sông Dịch; ông chỉ gián tiếp, bóng gió rất xa xôi, bằng việc chọn thể hành cổ kính, đề tài tống biệt quen thuộc, chất liệu thơ xưa cũ, và chỉ có thế cũng đã đủ khiến người đọc không thể không cảm thấy như chính mình đang hít thở cái không khí trầm hùng của cuộc chia ly ấy.

Ngôn ngữ thơ trong Tống Biệt Hành

Theo Chu Mộng Long thì: 

Bài thơ (Tống Biệt Hành) phục sinh một cách toàn diện những gì tưởng chừng đã bị khai tử: thể hành cổ kính, đề tài tống biệt với người ra đi – li khách xưa cũ, kể cả chất liệu thơ: sông, sóng, bóng chiều, hoàng hôn, sen, lệ, màu thu, lá bay, hạt bụi, hơi rượu say quen thuộc đến mức đã mòn về nghĩa… với ý nhại cổ (giễu nhại : parody) 

Theo tôi, Thâm Tâm không phục cổ hoặc nhại cổ mà chỉ gợi cổ.
Chỉ với những từ sông, sóng, bóng chiều, hoàng hôn rất cũ, rất xưa, Thâm Tâm đã tạo nên 4 câu thơ tuyệt vời:

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Và cũng với chất liệu thơ cũ mòn cộng với thể hành cổ kính và đề tài tống biệt quen thuộc đã góp phần rất quan trọng vào việc gợi lại không khí trầm hùng, bi tráng trong bài thơ.

Nhưng cũng với những từ cũ như: sen, lệ, mùa thu, mắt biếc, chiếc khăn tay, ông đã viết nên 2 đoạn thơ:

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

không những tầm thường mà lại còn hơi “sến” nữa.

Cho nên nếu thi sĩ khám phá được thể thơ mới, đề tài mới, chất liệu thơ mới thì, dĩ nhiên, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những thứ “mới” ấy chỉ thực sự có giá trị khi nhờ chúng thi sĩ đưa được những câu thơ mới, hình tượng mới, trong đó chứa đầy cảm xúc mới của mình, vào thơ. Nhưng dù thế nào đi nữa cũng không nên coi thường thứ ngôn ngữ, chất liệu thơ xưa cũ hoặc giản dị. Nếu bài thơ vừa mới vừa hay vừa đẹp thì sẽ được độc giả nồng nhiệt đón chào, ngả mũ bái phục; còn nếu chỉ có mới không thôi thì nó cũng sẽ sớm đi vào quên lãng như hằng hà sa số những bài thơ dở khác. 


MTA (st)

(nguồn : haingoaiphiemdam.net)

Không có nhận xét nào: