18/1/17

Nhà văn Phạm Thành - Con khủng long của đất kinh kỳ...



Trong vô vàn những cái tên tuổi sáng giá lẫn mờ tối của giới đấu tranh dân chủ hiện nay thì cái tên Phạm Thành không xa lạ gì. Ông tham gia đủ mọi hình thức đấu tranh, biểu tình, viết phản biện và cả ứng cử vào QHVN nữa mới kinh chứ. Thật đúng như một giang hồ nhập trăm trận đánh...

Nhà văn Phạm Thành. Ảnh cắt trên clip của RFA ngày 16/1/2017


Nhưng con người thật cuả nhà văn Phạm Thành là gì, và ông muốn gì ở trên cõi đời này ? Cõi Niết Bàn, hay được vinh thân phì gia khi đổi màu cờ ? Thật ngớ ngẩn. Chẳng có một chiến sĩ đấu tranh dân chủ thực sự nào ở trong nước lại có những ý nghĩ ngu ngốc như vậy. Chỉ có tù tội, tù tội trước hay sau mà thôi. Đơn giản như thế và chỉ như thế. Phạm Thành rõ hơn ai cả chuyện đó. Vậy ông chấp nhận hy sinh để làm gì ? 

Rất rõ ràng. Ông muốn những điều mà tất cả những người đấu tranh dân chủ chúng ta muốn. Đó là đất nước phải được dân chủ, người dân phải được reo vui dưới ngọn cờ tự do phấp phới. Nhưng đằng sau nụ cười hiền hậu và vẻ quắc thước bình thản của nhà văn là một trái tim ngập tràn bầu máu nóng. Bầu máu sôi sục nhiệt huyết của một chiến binh, bầu máu nóng của một người trẻ tuổi muốn được hy sinh cho xứ sở, bầu máu căm giận của một người già đang nhỏ giọt vì bất lực trước thời cuộc đảo điên, khi tấm thân không được đền đáp cho xứ sở. Một chiến binh đang giày vò chật chội trong cái vỏ nhà văn, ở trong thời cuộc không thể cầm súng. Tất nhiên hăng máu như ông thì không phải là của hiếm, nhất là ở xứ Bắc Kỳ, nơi bọn phản động liều chết thì đông hơn quân Nguyên. Nhưng Phạm Thành thì lại cười ngạo theo kiểu nhà văn chứ không kêu gào như kẻ khác.

Nhà anh thường xuyên bị công an gác cửa. Anh đi đâu, làm gì cũng có an ninh bám theo. Có lần anh đến nhà nhạc sĩ Ngọc Đại trên Hồ Tây chơi có tới bẩy, tám chục an ninh bao vây và bắt anh. Đám mạng DLV cũng bám bu anh như ruồi. Đã có tới ba, bốn chuc bài tấn công anh với đủ những lời hăm doa: “ Đã đến lúc bắt chủ thớt Bà Đầm Xòe”, “ Không bắt ông Phạm Thành mới là chuyện lạ”, thậm chí Hội Nhà Văn Việt Nam của chủ tịch Hữu Thỉnh cũng mau mắn gửi hồ sơ của anh sang CA để tóm anh. Mà không ngờ hồ sơ bắt anh, an ninh đã hoàn thiện. Chỉ cần trên cấp trên có lệnh là cửa nhà tù lập tức đón anh. Nhưng anh vẫn cười ngạo như một kẻ sĩ Bắc Hà. Thán phục nhà văn Phạm Thành, MTA xin tặng anh vài câu thơ cảm thán cùng anh : 

Than Ôi...
Người chiến binh mau bước về sông Dịch,
Mà đầu chưa một lần ngoái cố hương...
Gươm đàn qua sông bao lần gãy gánh,
Mà lòng trung vẫn dành trọn cho quê hương..

Phạm Thành viết thẳng, nói thẳng bất cứ cái gì ông thấy. Có người thích nghe, có người không thích nghe nhưng đấy mới chính là ông. Ông không nề hà ai, nghe giọng văn ông viết hay đả phá cái chế độ này, nhiều người tưởng ông ở nước ngoài. Không, ông ở Hà Nội. Việt Nam. Và mọi người có thể liên lạc bình thường với ông, đọc trang fb của ông, hay trang Bà Đầm Xoè của ông. Hoặc tác phẩm :"Giáp Chiến Với Cộng Sản" của ông. Nhà văn Phạm Thành đã và đang sống giản dị như thế, với bao nhiêu khó khăn bao trùm như thế. Ông vẫn cười, dù rằng một tay ông, hay nửa thân xác của ông đã ở trong cái còng số 8 của ngục tối.

Người viết bài này may mắn được làm bạn, làm em của nhà văn Phạm Thành. Cũng có những cãi cọ nhau vì bất đồng quan điểm. Với một kiến thức tả phí lù như thế của cả hai người thì không có bất đồng mới lạ. Với lối hành văn mà đã nhiều lần MTA đã phê phán thẳng thừng đàn anh viết văn như bổ củi, chứ không mượt mà óng ả văn chương. Thậm chí lỗi chính tả đầy cả trong bài viết vội. Nhưng anh chỉ cười, mà cũng chẳng buồn sửa. Thế nhưng qua thời gian, với lối viết sắc bén, hài hước và thẳng như ruột ngựa thì ta mới nhìn thấy bút lực đến kinh hồn của anh. Và MTA rất phục lối viết hài hước, châm biếm chính trị của anh. Nghe như chơi, như giỡn nhưng sâu cay, đắng ngắt với cách chơi chữ kỳ lạ, không giống ai của anh. 

Nhưng điều mà Mai Tú Ân học hỏi được nhiều ở anh là sự cương quyết, dứt khoát và có thể nói là một sự cực đoan của một người chiến binh hàng đầu. Anh dứt khoát, rạch ròi và không khoan nhượng. Anh chân thành, thật thà và không hề lên gân làm màu mè gì. 

Dạo naỳ do tuổi tác, do mệt mỏi mà anh có ý định rút lui để tiếp tục viết sách. Anh Phạm Thành có nhã ý mời Mai Tú Ân, mà anh khen là viết được, cũng dạng bổ củi giống anh, và Phạm Thanh Sơn, một người em chuyên viết về đề tài kinh tế rất có hạng, để hai anh em về cộng tác quản lý trang Bà Đầm Xoè giúp cho anh. Biết rằng được anh Phạm Thành tín nhiệm mời cộng tác, và Trang Bà Đầm Xòe là một trang web uy tín là một vinh dự nhưng cả Mai Tú Ân và Phạm Thanh Sơn đều chối đây đẩy vì đều rất mong anh tiếp tục quản lý trang Bà Đầm Xoè củả anh và tiếp tục cộng tác như những người em. Trang BĐX là trang web phản biện tuyệt vời của nhà văn Phạm Thành. Và thật may mắn là anh lại tiếp tục quản lý nó.

Chợt tôi đọc được đôi dòng viết về nhà văn Phạm Thành của Paul Nguyễn Hoàng Đức : 
"Để công bằng, tôi xin bình luận thế này, nhà báo Phạm Thành được đào tạo mấy khóa đầu tiên chuyên nghiệp trong làng báo Việt Nam, về chuyên môn, ý chí và sự dấn thân anh luôn đứng hàng đầu trong làng báo cả lề phải lẫn trái Việt Nam. Hơn thế anh còn là một nhà văn viết những tác phẩm khủng như "Hậu Chí Phèo""Giáp Chiến Cộng Sản". 
Đọc thêm thì thấy nhiều người ca ngợi anh. Rồi các hàng truỳen thông nước ngoài (RFA, BBC, Radio Chân trời mới, thâm chí cả Radio Saigon Dallas ở Mỹ...) không có mấy tuần là không hỏi chuyện, trao đổi hay phỏng vấn anh.

Đó là những lời nhận xét chí lý, của những địa chỉ chí lý, nhưng với Mai Tú Ân thì những điều trên chẳng có nghĩa lý gì. Chỉ là vớ vẩn so với nỗi đau không nói được thành lời của Phạm Thành khi những tác phẩm mình đã dày công viết ra đã không được sống ngẩng cao đầu dưới ánh mặt trời trên quê hương mình. Nhà văn phản biện thời nay phải chịu đủ mọi thứ như mọi người khác, nhưng họ còn phải chịu sự trả thù hèn hạ của chính quyền khi cấm xuất bản những tác phẩm của họ. Những Nguyễn Viện, Phạm Viết Đào, Phạm Khải Thanh Thủy, Lê Phú Khải... và bao nhiêu nhà văn khác cùng Phạm Thành, Mai Tú Ân nữa cũng đang phải chấp nhận rằng văn chương đang rời bỏ họ ở kiếp này, và nếu họ còn mộng văn chương thì xin hẹn kiếp sau chăng ? Chẳng biết nữa nhưng những nhà văn chống đối đều chấp nhận sự việc đó với vẻ thản nhiên, hài hước ở bên ngoài và bên trong giấu kín là nỗi đau như âm thầm xé nát con tim của họ. Họ cũng không thể chứng minh rằng họ không thua nếu như không nói họ tài năng hơn các nhà văn quốc doanh chuyên viết giấy dán tường, bởi họ không được in tác phẩm cho công luận phán xét.

Trở lại câu chuyện nhà văn Phạm Thành thì hãy yêu anh hơn một chút vì ngày mai có thể không còn thấy anh được tự do nữa. Trông anh xù xì, mộc mạc nhưng chân thành, bao dung. Riêng MTA thấy anh giống như một con khủng long phẫn nộ của Kỷ Phấn Trắng còn sống sót lại một cách buồn bã giữa chốn kinh kỳ thế kỷ 21 này, một con khủng long chỉ ước muốn được hy sinh ở nơi đa phần chỉ dành cho những con tắc kè đổi màu chiếm hữu...

Mai Tú Ân

Không có nhận xét nào: