19/4/16

Muốn trở thành biệt kích SEAL Team 6


4 giờ sáng vào “Đêm Địa ngục” (Hell Night), Mark Parris cùng 12 người khác dầm mình ngập đến cổ trong đầm nước tanh thối đến bưng mũi nhức óc. Hai con ếch kêu ộp ộp đang bơi bì bõm chỉ cách mặt Parris vài centimét. Được yêu cầu chống trả loạt cước và cú đấm nhanh như máy của tay biệt kích hưu Don Shipley, Parris cảm thấy thật khó khăn bởi đôi giày sũng nước nặng chịch như chì khiến không thể xoay trở né đòn… Tất nhiên Extreme SEAL Experience chẳng thấm vào đâu so với chương trình đào tạo biệt kích thứ thiệt, đặc biệt lực lượng SEAL Team 6…



Biệt kích SEAL (viết tắt từ Sea-Air-Land - có nghĩa có thể tác chiến trên mọi địa hình) là lực lượng đặc nhiệm được Tổng thống John F. Kennedy thành lập ngày 1-1-1962; và Team 6 ra đời sau đó như một phản ứng trước sứ mạng bất thành của chiến dịch giải cứu nhóm con tin Mỹ tại Iran năm 1980. Đến nay, Team 6 có gần 300 tay súng (trong khoảng 3.000 biệt kích SEAL), nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh phối hợp các chiến dịch đặc biệt (JSOC), cùng sự theo dõi và điều hành của tổng thống trong các sứ mạng cụ thể. Trong tất cả lực lượng biệt kích của quân đội Mỹ, Team 6 là nhóm tinh túy nhất, chuyên được sử dụng trong các nhiệm vụ đặc biệt và tuyệt mật.

Họ là những ngôi sao “chiến” nhất của những ngôi sao - như lời cựu binh biệt kích Lalo Roberti. Tên chính thức là “Nhóm phát triển chiến tranh đặc biệt hải quân” (DEVGRU), Team 6 được chọn từ các nhóm biệt kích khác thuộc thủy quân lục chiến Mỹ mà vốn dĩ tất cả đều trải qua chương trình huấn luyện cực kỳ khắc nghiệt, đặc biệt 6 tháng ròng gần như ăn dầm nằm dề dưới nước tại trung tâm huấn luyện Coronado (California).

Trong “Tuần Địa ngục” ở trại huấn luyện Coronado, tân binh chỉ được ngủ tổng cộng 4 tiếng trong suốt 5 ngày rưỡi mà trong đó họ đối mặt những bài tập “cơ bản” chẳng hạn chạy - bơi liên tục trong hồ nước lạnh và lăn lộn vật vã trong bãi sình. Trung bình có đến 80% tân binh không vượt qua nổi “ải” này. Với những người thành công, họ tiếp tục được huấn luyện nhiều màn “hành xác” kinh khủng để thử thách giới hạn sức chịu đựng cơ thể. Và sau vài năm có mặt trong các nhóm SEAL bình thường, những ai muốn vào Team 6 còn phải kinh qua nhiều bài tập khắc nghiệt, chẳng hạn nhảy dù từ độ cao hơn 9.100m.

Đó là chưa kể vô số tình huống được dựng như thật mà ứng cử viên Team 6 phải vượt qua, chẳng hạn cách tái kiểm soát một con tàu hàng bị hải tặc chiếm, cách đào thoát khi bị bắt, cách sống sót trong rừng thiêng nước độc, cách tự chữa rắn cắn hay hổ vồ và thậm chí cách “chế biến” bọ cạp thành thức ăn... Trong số những tay biệt kích SEAL thực thụ tham gia cuộc thi vào Team 6, chỉ 1/2 được công nhận là loại “mình đồng da sắt” và được chọn chính thức nằm trong nhóm biệt kích “sao xịn” này…

Một trong những khóa huấn luyện đầu tiên là khóa chướng ngại vật (“O-course”). Một đêm nào đó, một tay biệt kích có thể phải nhảy ra khỏi con tàu ngầm, lao xuống dòng biển tối đen lạnh cóng, bò lên vách đá, lẻn vào địa phận kẻ thù, đo đạc chi tiết một mục tiêu tòa nhà 3 tầng rồi thoát ra an toàn. “O-course” giúp tân binh Team 6 chuẩn bị một điệp vụ như vậy. Khóa “O-course”, dù được xem là đơn giản và “cơ bản” nhất của chương trình, cũng vẫn khiến nhiều tân binh gãy cổ hoặc sụm xương sườn khi họ leo lên tấm lưới lùng bùng cao hơn 18m.

Trong một bài tập khác, nhóm tân binh được đưa đến cái hồ tại Tòa nhà 164 thuộc trung tâm huấn luyện. Họ được yêu cầu thay đồ bơi. Khó khăn ở chỗ tất cả đều bị trói chặt chân và tay (sau lưng). “Khi tôi ra lệnh, các bạn sẽ nhảy xuống hồ” - huấn luyện viên Stoneclam nói - “Các bạn phải trồi lên ngụp xuống đúng 20 lần, nổi lên mặt nước đúng 5 phút, rồi bơi đến cuối hồ, quay trở đầu với điều kiện chân không được chạm đáy, bơi về rồi lấy cái mặt nạ ở đáy hồ bằng hàm răng”. Ở phần này, một tân binh to xác đã chìm nghỉm như tảng đá khi vừa nhảy xuống hồ. “Không được bỏ giữa chừng!” - Stoneclam gào lên - “Việc huấn luyện còn chưa bắt đầu đâu! Đây mới chỉ là phần Indoc” (Indoc - viết tắt từ Indoctrination Phase, có thể tạm hiểu là “khúc dạo đầu”).

Sau 3 tuần Indoc, nhóm tân binh bắt đầu bước vào giai đoạn một, được định nghĩa là “những điều kiện cơ bản”. Trong lớp Wasdin, nhiều “học trò” tiếp tục bị thương, bị hỏng cuộc và phải bỏ giấc mơ đứng trong hàng ngũ Team 6. Một trong những bài tập của “điều kiện cơ bản” là khả năng hứng chịu cú đá trời giáng vào hạ bộ, được “thiết kế” để biệt kích có thể vượt qua màn tra tấn một khi rơi vào tay kẻ thù. Học viên nào nhăn mặt bày tỏ đau đớn càng bị huấn luyện viên đá bồi nặng thêm! 

Không ngày nào tân binh Team 6 được nghỉ ngơi. Họ tập chạy, tập “uốn dẻo”, tập bơi, tập lặn… Ngay cả việc đi lấy suất ăn họ cũng phải chạy băng qua quãng đường một dặm. Và nếu bị bắt buộc phải đi đường vòng, họ phải chạy đi chạy về tổng cộng 6 dặm (khoảng 9,6km) để lấy 3 suất ăn trong ngày. Với Wasdin, một trong những bài tập khó nhất là chạy ra bãi biển (tính giờ) một quãng đường 4 dặm (khoảng 6,4km) khi phải vận quần dài thùng thình và mang giày bốt nặng. Cát biển lúc đó chẳng khác nào bùn quyện hút chặt bàn chân, chưa kể ánh nắng cháy da và gió cát mù mịt xót mắt như chà kim châm vào tròng… Không chỉ thử thách giới hạn sức chịu đựng cơ thể, tân binh còn phải trải qua khả năng chịu đựng tâm lý, khi liên tục bị thóa mạ và lăng nhục. Mỗi tân binh đều có điểm yếu nào đó và huấn luyện viên luôn khai thác tối đa để bẻ gãy tinh thần tân binh…

Đến “Tuần Địa ngục”

Phần khủng khiếp nhất của Giai đoạn Một là “Tuần Địa ngục”. Đây chính là phần cam go đặc biệt, được thiết kế để sàng lọc lại những gương mặt lì đòn nhất thật sự xứng đáng có mặt trong Team 6. Với trường hợp Wasdin, “Tuần Địa ngục” bắt đầu vào một đêm Chủ nhật. Đang ngon giấc, nhóm Wasdin đột ngột bị dựng dậy với loạt đạn súng máy M-60 nã liên thanh. Họ vội vã bò ra khỏi trại khi huấn luyện viên hét to: “Di chuyển, di chuyển, di chuyển…!”. Bên ngoài, đạn giả vãi chi chít và thỉnh thoảng lại nghe tiếng rít xé tai của một quả trái phá.

Tiếp đó, nhóm Wasdin được làm “tỉnh ngủ” bằng loạt vòi rồng. Không khí ồn ào được bổ sung bằng dàn loa phát điếc tai ca khúc “Highway to Hell” của nhóm rock AC/DC. Thế rồi đột ngột tiếng còi hụ vang. Màn tập dợt kết thúc…

Một trong những “khoảnh khắc đáng nhớ” mà không tân binh Team 6 nào không nếm qua trong Tuần Địa ngục là màn thử thách tại cầu cảng thép. Khi đến đó, mọi người phải cởi giày, nhét bít tất lẫn thắt lưng vào đôi ủng rồi nhảy xuống vịnh. Họ buộc phải nổi úp mặt trong làn nước lạnh buốt khi (được yêu cầu) cởi quần. Tiếp đó, họ phải tự trói chân (chỗ mắt cá) bằng đoạn dây ngắn rồi bơi ngược về cầu cảng. Chưa hết, tại cầu cảng, khi tất cả đều trần như nhộng, họ lại bị dội nước tới tấp. Gió đêm buốt xương khiến mọi người như muốn đóng thành băng. Vậy mà họ còn bị dội tiếp đợt thứ hai bằng nước lạnh!...

Đêm thứ tư - khi kinh qua Tuần Địa ngục được nửa chặng - Wasdin bắt đầu nghĩ đến việc bỏ cuộc. Tuy nhiên, bằng ý chí, Wasdin lại lao mình vào các thử thách kế tiếp. Lần này, anh cùng đồng đội được yêu cầu chèo xuồng bơi ra xa khoảng 230m đến các cột tháp ở vịnh San Diego; lật úp xuồng rồi leo lên chèo ngược về bờ; chạy bộ nửa dặm (800m) khi tay cầm mái chèo; quẳng mái chèo vào thùng xe tải; cùng ngồi trên bờ vịnh theo hình con rết; dùng tay làm mái chèo cào cát lết mông qua đoạn đường khoảng 365m để quay vòng lại lấy mái chèo; rồi tất cả lại xếp hàng theo hình con rết với mái chèo cầm tay vượt qua chặng đường 365m trở lại xuồng; chèo xuồng đến các cột tháp rồi cuối cùng quay về bờ!

Với bài tập này, tất cả đã trải qua tình trạng hạ thân nhiệt của Giai đoạn Hai. Sự tập luyện hạ thân nhiệt trong giai đoạn một khiến bàn tay gần như mất cảm giác. Ở giai đoạn hai, cơ thể run lẩy bẩy và loạng choạng. Trong giai đoạn ba, thân nhiệt còn khoảng 320C, cơ thể không còn run bần bật mà bắt đầu tê cứng trong khi não bộ gần như không còn kiểm soát dẫn đến hiện tượng nói năng lảm nhảm một cách vô thức. Đó là chặng cuối cùng của “Tuần địa ngục”.

Sau “Tuần Địa ngục”, tân binh bắt đầu bước sang giai đoạn hai, học về Tác chiến trên bộ (Land Warfare Phase - cách thâm nhập lãnh thổ mục tiêu, thu thập tin tình báo, hoàn thiện kỹ thuật bắn tỉa…). Ở giai đoạn ba, còn gọi là giai đoạn lặn (Dive Phase), họ học cách thám sát dưới nước và kỹ thuật đột kích tàu thuyền đối phương… Ngoài ra, tất cả đều phải thành thục kỹ năng rút lui và đào thoát. Nói cách khác, gần như mọi kỹ năng mà con người có thể thực hiện đều được huấn luyện: cách nhảy từ máy bay phản lực và chờ đến giây cuối cùng mới bung dù, cách đột kích trong phòng tuyến địch, cách trốn tù, cách giết người bằng mọi công cụ - từ sợi dây dù đến con dao nhựa cắt bánh.

Khóa cuối cùng thẩm định khả năng tân binh là chương trình huấn luyện căng thẳng nhất, nhằm thử nghiệm sức chịu đựng tâm lý, kéo dài 3 tuần. Gọi tắt là SERE (survival, evasion, resistance, escape - sống sót, lẩn trốn, đối kháng và đào thoát), khóa huấn luyện buộc tân binh tham gia mô hình giống thật, chẳng hạn một trại tù với tháp canh, hàng rào kẽm gai và lính canh hung ác (đúng nghĩa đen). Họ bị đối xử khắc nghiệt: dùng thức ăn thối, bị đánh thức thình lình và liên tục, đối mặt sức ép “tra tấn thần kinh” với những cuộc thẩm cung bị bịt kín mắt… (chi tiết về SERE luôn được giữ bí mật tuyệt đối). Tất cả đều nhằm làm trỗi dậy bản năng sống còn và đưa nó lên ý thức thường trực. Tân binh nào gục trong giai đoạn SERE coi như không tốt nghiệp.

Trải qua toàn bộ chương trình huấn luyện, lính biệt kích Team 6 trở thành những người có thần kinh thép và thể trạng phi thường. Việc tập luyện lặp đi lặp lại dần giúp họ có thể phản xạ nhanh như máy trong mọi tình huống. Cần nhấn mạnh, chừng nào còn ở trong Team 6, thành viên đội đặc nhiệm tinh túy này vẫn cứ phải tập luyện mỗi ngày. Đó là điểm khác biệt giữa Team 6 với những đội biệt kích khác của quân đội Mỹ. Từng ngày với biệt kích Team 6 đều là một “sứ mạng” phải hoàn thành. Do vậy, khi được đưa ra trận thật sự, họ không hề lúng túng bỡ ngỡ...

M.Kim
(Nguồn: Năng lượng Mới 473)

Không có nhận xét nào: