11/1/16

Tào lao để kết thúc vụ đạo thơ...

Nhà thơ đi dễ khó về,
Khi đi hai cón (hai con) khi về lại còn trinh…

Nhà thơ PN Thường Đoan và các tác phẩm của chị

Trong thế giới huyền ảo của thơ ca ta nhìn thấy nhiều thứ lắm, không chỉ bọn lưu manh giả danh trí thức mà còn giả danh nhà thơ nữa. Và danh hiệu nhà thơ vẫn có sức hút hơn hẳn về nhiều mặt  so với các anh tiến sĩ giấy, giáo xư, thạc xĩ..v..v.. Thơ  vẫn là một sân chơi đẹp, thanh lịch  và không thể nói là không thanh cao giữa bộn bề bát nháo hàng chợ của đủ thứ sân chơi tào lao mọc lên đầy rẫy trên khắp lãnh thổ.

Thơ không chuyên nghiệp và thơ chuyên nghiệp càng lúc càng thấy mất bóng phân tranh, chỉ còn phân định giữa hay với chưa hay mà thôi.  Qua thời gian ta thấy thơ đã mờ nhạt đi ranh giới giữa chuyên và không chuyên, thơ không chuyên hay hơn thơ chuyên, và tác giả thơ không chuyên cũng không dở hơi nhiều và dở hơi toàn diện như thơ chuyên. Thơ hay, thơ lành mạnh, thơ theo kiểu các tiền bối xưa đã và đang bỏ Kinh lên núi, hay về rừng xuống quê để sơ tán khỏi bọn giết thơ hàng loạt. Thơ đã bỏ lại thành thị cho thơ của bọn Mán về Kinh , thơ của bọn làm thơ éo có vần do Nguyễn Đình Thi cài cắm, bọn thơ tự ro không biên giới, bọn thơ Hậu hại điện và đương nhiên là Đỉnh Cao Trí Tuệ của thơ, tức là Hội Nhà Văn VN, trường chuyên lớp chọn, vườn mẫu giáo và là nơi ấp ủ giấc mơ bay bổng văn chương cho nhiều nhà thơ thần đồng xuất thân từ các quan chức chính quyền hồi hưu lẫn đương chức. Và chìm trong thánh điện thanh cao của thơ thẩn cũng là một cơ hội đáng để trải nghiệm cho các quan anh nhập môn, cùng với việc tụng kinh gõ mõ để chờ ngày về núi.

Qua vụ đạo thơ "Chấn Động Địa Cầu" vừa rồi của nàng PHT với nàng PNTĐ thì thật hay khi ta lại nhìn thấy những việc đẹp ở trong cái nơi không hẳn là việc gì cũng là đẹp này. Đầu tiên thì té ra cái nơi tưởng là phản động là Hội NV đó lại là nơi có được những cư xử đúng điệu và thơ nhất.  Kể  cả hai tên đầu sỏ phản động là anh Thỉnh (Hữu Thỉnh), anh Thiều (Nguyễn Quang  Thiều) bỗng nhiên cất lên tiếng nói của lương tâm để bảo vệ nữ đồng đạo tuổi con cháu đang gặp cơ bĩ cực.  Một hành động nghĩa hiệp lâu rồi mới thấy ở nơi ấy.

Vì xét bối cảnh thơ chợ chiều như hiện nay, xét bài thơ có tên là Bạch Lộ của PHT, và bài có tên Buổi Sáng  của P.N Thường  Đoan thì nhận xét bằng con mắt phi nghệ thuật của người viết bài là MTA, thì cả hai bài thơ, hoặc một bài thơ mở rộng thì đều dở như nhau. Và đã là nhận định như vậy rồi thì không hiểu bà tác giả sau lấy cái dở của bà tác giả trước để làm cái chi mô cho ngã ngựa vì cái dở ấy. Cũng may mọi chuyện đã sáng tỏ, cái dở của ai về nhà nấy chứ không  nhập lại thành một bài thơ hai lần dở hơn.

Và vụ việc đã được dừng lại kịp thời, trước khi nó biến thành một cuộc chiến thật sự của thơ, do thơ và vì thơ. Vì ở đất nước của thơ văn như đất nước chúng ta, với nhân tài cả thơ, cả văn cộng lại nhiều như ruồi cộng muỗi...thì biể chuyện gì xảy ra. Nghe nói khi vụ Đạo thơ ni nổ ra thì chính phủ chỉ đạo bán nhanh nhất các cổ phần của các cty FPT, Sữa...Rồi Đại Hội Đảng cũng có thể hoãn hoặc bỏ luôn vì sợ có chiến tranh giữa phe Đạo và phe Bị Đạo. Và Đại Tướng Phùng  Quang Thanh khi đó lại còn tham gia lãng xẹt khi nói :"Mất chế độ thì biển đảo cũng không còn" . Đáng ra đại tướng phải nói có trách nhiệm hơn rằng ;"Mất bài thơ Buổi Sáng thì cả chế độ lẫn biển đảo cùng lên đường". Nhưng rồi mọi chuyên đều êm đẹp cả, tất cả đều nhờ hai nhà  thơ và bài thơ của họ. 

Nên cần phải ghi nhận công lao. Người tốt, xấu. Người tốt trong vụ này thì rõ ràng là em P.N Thường Đoan là tốt nhất rồi. Nàng thơ  trẻ mãi không  già, tóc đuôi gà trên phố và là mẹ của đứa con suýt bị bán sang Trung Quốc có tên Buổi Sáng  đã đoàn viên trong mừng mừng tủi tủi.  Xin chúc mừng bà chị Thơ  P.N Thường  Đoan (Cũng  xin bà chị tha lỗi cho.  Hẳn là trong những ngày  sóng gió qua, bà chị thế nào cũng có lần rủa :”Sư thằng  Mai Tú Ân, nó là em mình mà nó…” Nhưng bà chị hiểu MTA, thì MTA cũng hiểu chị. Thơ của bà chị thì MTA thuộc như cháo rồi. Vì mỗi khi xuất bản tập thơ mới nào là chị cũng cười tươi như hoa bảo : "Nếu kỳ này bán chậm thì chú Ân giúp chị giải quyết hết nhé". Cũng may là thơ chị có độc giả lẫn thị trường cùng bao người mến mộ...MTA biết rõ bà chị thanh cao, trong sáng, ở thế mạnh nên mới mặc kệ chị, và chị cũng vẫn là chị chẳng cần thằng  MTA phải lên tiếng. Thôi, hẹn dịp nào xa lắm , MTA  sẽ tạ tội với cả hai anh chị bằng một chầu nhé)  

Người tốt nữa là những người lên tiếng, không bênh không chê vụ việc mà chỉ đặt câu hỏi tại sao có cái mất lớn hơn thì không lên tiếng ? Như nhà văn đáng kính Phạm Đình Trọng với bài Mất Cắp đọc muốn khóc. Phải, có những thứ quí giá đáng trân trọng mất đi mà ta không thấy, bởi ta không cảm thấy được...

Nhà phê binh văn học Lê Thiếu Nhơn đoạt  giải người tốt này bởi chính phẩm chất mà người cầm bút nói chung nên học ở ông. Đấu tranh hết mình chống cái sai nhưng bằng tấm lòng của một con người , một đồng nghiệp. Ông là người phát hiện ra vụ việc, cũng tham gia đấu PHT lúc còn mù mờ. Nhưng khi hai nhà thơ hòa giải  thì bài viết của Lê Thiếu Nhơn là : Hoan hô PHT. Phải chăng ông có cái tên là lạ : Thiếu Nhơn (Nhân) nhưng hành động của ông lại chứng tỏ Nhân nghia, Nhân bản, nhân văn...nhiều lắm trong con người ông. 

Độc giả có thể là người tham gia bầy đàn, hay phán xét tùy hứng, nhưng người cầm bút văn thơ thì không. Tất cả ai cũng có thể ném gạch đá, tham gia đấu tố nhưng người cầm bút thì không. Và tấn công đồng nghiệp ngã ngựa lại càng không nữa.

Còn kẻ xấu trong vụ Đạo Thơ này là ai, thì theo nhiều người cần phải lôi ra đấu tố kiểu CCRĐ, phải lôi ra pháp trường xử bắn, phải xem chết chưa để còn đạp cho chết luôn.  

Nhưng  MTA thì hoàn toàn không thấy có  ai xấu trong việc đạo thơ này. Nếu có ai đó xấu nhất thì hẳn người đó là MTA rồi. Bởi vì giống như khi chàng lên tiếng bảo vệ dân oan, dân khổ ..thì dân oan còn bị oan hơn, dân khổ lại khổ hơn, giống như chàng lên tiếng chống bất công thì bất công lại tràn về đông hơn. Chàng lên tiếng đòi công bằng đối xử trước  pháp luật, đòi cái  đạo làm người  ở nơi những người cầm bút, đòi đối xử với nhau bằng tình người thì những cái đó thăng đâu mất. Đã vậy cái bọn vừa cầm bút,  vừa cầm dao phay với đá gạch ấy vẫn ùa ra đông như quân Nguyên vào thành. Họ xông tới như những con hổ vồ mồi,  săn lùng những người ngã ngựa, phụ nữ thân cô thế cô, người nghèo, người khổ, oan...và tấn công cả MTA nữa. 

Thôi thì nếu họ cảm thấy mình là kẻ chiến thắng vang dội, hả hê đắc thắng lắm trong vụ việc này thì họ cứ ra tay sống mái.  Họ ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn, viết hay hơn và hạnh phúc hơn sau mỗi chiến công  như thế thì họ cứ mặc sức ra roi.

Để kết thúc MTA xin có một câu chuyện vui từ chuyện này. Và người liên quan là nhạc sĩ Phú Quang tài danh của chúng ta được nhà thơ P.N Thường Đoan, tác giả của bài thơ Buổi  Sáng gửi bài thơ trên nhờ phổ nhạc. Ông nhạc sĩ phổ nhạc tích tịch tình tang ra một bài hát. Rồi sau đó PHT, tác giả của bài thơ Bạch Lộ cũng gửi bài thơ để ông phổ nhạc, và ông cũng phổ cho nó kêu thành Tang tịch tích tình.

Chuyện đạo thơ của hai bài thơ ấy nổ ra um xùm nhưng nhạc sĩ của chúng ta im re, và ông đã im re từ đó cho đến tận bây giờ và có Trời mới biết là ông có biết vụ đạo thơ chấn động địa cầu ấy không nhưng ông xứng đáng đoạt giải Người đàn ông không nhiều chuyện Cho Thiên Hạ Được Thái Bình…

MTA

Không có nhận xét nào: