10/4/17

Bắn tên lửa vào Syria liệu có khôn ngoan không ?


Cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria đã được cả thế giới phương Tây vui mừng và ca ngợi. Bởi giờ đây thì chính quyền của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Donald Trump đã chính thức đứng về các lực lượng Syrria Dân Chủ và coi chế độ độc tài B. Assad là kẻ thù phải bị tiêu diệt vì những tội ác khi sử dụng vũ khí hoá học với người dân của mình. 

Nhưng, luôn có chữ nhưng trong mọi vấn đề. Việc tấn công bất ngờ này có vẻ dựa vào cảm xúc, vào trái tim nhiều hơn là vào một cái đầu lạnh của một tổng thống nước Mỹ. Và nó nhắm vào giải quyết việc nhỏ mà không giải quyết được việc lớn. Mà việc Syria là một công việc lớn, toàn diện và với nhiều đối tác chứ không thể là một mình nước Mỹ.

Việc bắn tên lửa này dựa trên một căn bản là nếu chính quyền Syria vượt qua "lằn ranh Đỏ" của việc sử dụng vũ khí hoá học mà cựu tổng thống Barak Obama đã đề ra từ năm 2013 nhưng chưa thực hiện. Vậy đợt bắn hoả tiễn này, dù có nói gì nữa thì cũng là đặt trên nền "lằn ranh Đỏ" và đi theo nguyên tắc này. Tức là dựa vào sự vi phạm của Syria mà có các đối sách tương ứng.

Ta có thể đặt ra ba tình huống cho các diễn tiến tiếp theo :

- Thứ nhất là Syria không sử dụng vũ khí hoá học nữa. Vậy thì Mỹ cũng sẽ không có thêm biện pháp phóng hoả tiễn nào nữa vào chính quyền Syria B. Assad. Nếu vậy thì quả là điều tiếc nuối cho tất cả mọi người hiện đang hả hê vì vụ bắn thứ nhất, vì đơn giản ai cũng muốn rằng đó sẽ là đợt đầu tiên cho một loạt đòn trừng phạt quân sự mà Mỹ sẽ nhắm vào Syria. Chớ còn bắn hàng loạt tên lửa vào một cái sân bay quân sự thì không thể nào kết thúc được cuộc chiến đã diễn ra 6 năm vói hàng trăm ngàn người chết.

- Khả năng thứ hai là Syria với sự ủng hộ của Nga và Iran sẽ làm càn, tiếp tục sử dụng vũ khí hoá học thì sao ? Vì đã sử dụng lần đầu  rồi thì Mỹ buộc phải tiếp tục các đòn quân sự tiếp theo để trừng phạt. Rồi chính quyền Syria, vì muốn Mỹ và Nga đụng độ nhau sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí hoá học một cách trắng trợn nữa. Lúc đó thì nước Mỹ buộc phải trừng phạt Syria tiếp, nhưng giờ đây không còn dễ dàng và quan trọng nhất là sẽ không thể né tránh, không đụng chạm quân sự đến hai kẻ thù tiềm năng nhất của Hoa Kỳ. Đó là Nga và Iran. Nếu điều này xảy ra thì chắc chắn không có Thế Chiến 3 nhưng nước Mỹ sẽ lại mệt mỏi vì hai kẻ thù khủng khiếp này. Các hiệp định giảm nguyên tử với Nga đổ vỡ. Hiệp định nguyên tử P5 + 1 với Iran cũng đi tong. Và tất cả chỉ vì cảm xúc của một cuộc tấn công vũ khí hoá học  của Syria vào dân thường của họ và một lệnh bắn tên lửa hơi vội vàng của tổng thống Mỹ Donald Trump.

- Chưa kể còn một khả năng nữa là nếu có vũ khí hoá học nhưng người sử dụng không phải là chính quyền Syria, mà lại do các lực lượng chống chính phủ Syria sử dụng để tạo mâu thuẫn giữa Mỹ và Syria thì sao ? Với lịch sử giao tranh vùng Trung Đông nhiều năm nay thì việc các phe chốnfg đối dùng mọi phương cách, mọi thủ đoạn để chơi nhau, khủng bố nhau và khiêu khích nhau là chuyện không có gì lạ. Đất của ta, người của ta nên khi có máy bay của chính phủ oanh kích thì ta khui hàng một vài hộp vũ khí hoá học để giết dân ta thì có ma nào biết ? Tất cả đều chỉ về phía chính phủ ném bom...

Tóm lại thì những khả năng trên đều không đem lại lợi ích gì cho nước Mỹ thời Trump cả. Tiếng hò reo ca ngợi đợt bắn tên lửa ngày hôm nay sẽ nhạt dần nếu không còn bắn nữa. Mà tiếp tục bắn thì sẽ không giống như lần đầu nữa. Sẽ có nước Nga với vũ khí hùng hậu tăng cường ở Syria, cùng nỗi ấm ức của nước Nga thì quả là Mỹ có muốn cũng khó.

Một cuộc chiến lâu dài và khốc liệt như ở Syria, với các cường quốc lớn và không thần phục nước Mỹ thì việc bắn tên lửa chưa hẳn đã đạt mục đích mà còn phản tác dụng. Tại sao không điều tra một cách rõ ràng, khi chắc chắn  rằng chính quyền B. Assad đã sử dụng vũ khí hoá học, thì sau đó chỉ cần báo LHQ, Quốc Hội Hoa Kỳ, cũng như thương lượng để nước Nga không thể bênh vực Syria. Rồi sau đó thì bắn, bắn liên tục, bắn thẳng vào chế độ Syria của B. Assad bằng tên lửa, ném bom, hỗ trợ quân sự thậm chí cả quân đặc nhiệm, và vào bất cứ lãnh thổ nào của chế độ ấy để cho nó sụp đổ.  Đó là điều đáng mừng cho toàn thế giới văn minh trước cái chết chắc chắn được báo trước của nhà độc tài Syria B. Assad.

Mai Tú Ân

Không có nhận xét nào: