24/8/15

Nhật Tiến - Thềm Hoang, vẫn một tráng sinh lên đường...

Bìa một số sách Nhật Tiến xuất bản trước 1975




Tôi hân hạnh giới thiệu đến các bạn một bài viết công phu của Nhà văn Ngô Thế Vinh, viết về nhà văn lừng danh Nhật Tiến. Năm nay Nhà văn Nhật Tiến đã 80 tuổi. Ở miền Nam ngày xưa, hễ nhắc đến Nhật Tiến là người ta nghĩ ngay đến tác phẩmThềm Hoang, được Tổng thống VNCH trao giải thưởng văn chương năm 1962. Tôi đọc tác phẩm này từ thời còn đi học trung học, chỉ nhớ tiểu thuyết viết về thế giới của những người nghèo ở một xóm thuộc ven đô Sài Gòn, trong đó có những mối tình vô vọng (như giữa một nghệ sĩ mù và cô gái giang hồ), những thói hư tật xấu lẫn những con người cao thượng. Tôi nghĩ dù tiểu thuyết viết vào thập niên 1960 (tức là hơn nửa thế kỉ trước) nhưng nhìn quanh Sài Gòn ngày nay thì những gì mô tả trong đó vẫn đúng. Nếu các bạn đọc cuốn tiểu thuyết từ trang đầu, tôi bảo đảm các bạn khó bỏ cuốn sách được, vì văn chương của ông rất lôi cuốn, và quan trọng hơn hết là rất đẹp. Hồi đó, đọc cuốn Thềm Hoang tôi có một ước mơ thầm kín: chỉ ước ao mơ làm văn sĩ để có thể viết được như ông! Trong cái cảm nhận của tôi, và nếu văn là người, thì văn chương của Nhật Tiến cho thấy ông là một cây bút vừa đẹp một cách tinh tế, vừa nhân hậu.
NVT (Tuấn's blog)

NHẬT TIẾN, MỘT TRÁNG SINH VẪN LÊN ĐƯỜNG

Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Nguyễn Du

HƯỚNG ĐẠO THỜI NIÊN THIẾU

Bùi Nhật Tiến, bút hiệu Nhật Tiến sinh ngày 24-8-1936 tại Hà Nội. Năm 1946 mới 10 tuổi Nhật Tiến đã phải theo gia đình rời Hà Nội đi tản cư qua những tỉnh như Sơn Tây, Việt Trì, Hưng Hoá, Phú Thọ. Năm 1950 hồi cư, ở cái tuổi 14 không còn nhỏ nữa để sinh hoạt sói bầy, Nhật Tiến xin gia nhập phong trào Hướng Đạo làm đoàn sinh đội Én Thiếu Đoàn Bình Than khá muộn màng. Thiếu Đoàn Bình Than thuộc Đạo Đồng Nhân, và đạo này có bài hát chính thức do đoàn sinh Cung Thúc Tiến của Thiếu Đoàn Bạch Đằng sáng tác. Cung Thúc Tiến chính là nhạc sĩ Cung Tiến sau này với những nhạc phẩm Hoài Cảm, Thu Vàng.

Ngày "Tuyên Hứa" để được gia nhập phong trào Hướng Đạo Việt Nam là một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời nhà văn nhà giáo Nhật Tiến. Lễ tuyên hứa được tổ chức tại Chùa Láng cách Hà Nội 5 km. Trong Hồi ký của Nhật Tiến, tuy đã hơn 60 năm sau, anh vẫn còn nguyên vẹn xúc động khi hồi tưởng lại phút được “tuyên hứa” như điều mơ ước đã trở thành hiện thực.

"Tôi hồi hộp tiến lại lá cờ Đoàn. Tất cả các anh em đều yên lặng, nghiêm trang theo dõi cử chỉ của tôi. Tôi đứng thẳng người trước lá cờ. Tay phải tôi chào theo kiểu Hướng Đạo, tay trái tôi nắm nhẹ lấy một góc của lá cờ, và tôi cất giọng dõng dạc:

Trước Quốc kỳ, tượng trưng cho Tổ quốc, trước Đoàn kỳ tượng trưng cho tinh thần Hướng Đạo, tôi xin lấy danh dự của tôi để tuyên hứa:
- Thứ Nhất : Trung thành với Tổ Quốc.
- Thứ Nhì : Giúp ích mọi người
- Thứ Ba: Tuân theo Luật Hướng Đạo.

Sau khi lấy được bằng Hạng Nhì, tôi được giao phó nhiệm vụ làm đội trưởng đội Én. Một trong những đội sinh của tôi là anh Đỗ Tiến Đức, sau này trở thành nhà văn, năm 1969 anh được Giải Văn Học Nghệ Thuật với tác phẩm Má Hồng, và còn là đạo diễn kiêm Giám Đốc Nha Điện Ảnh, anh hiện chủ trương tờ Thời Luận ở Los Angeles, trước là báo in, sau này trở thành báo Online.

Tôi lên Kha đoàn năm 17 tuổi, ở dự bị Tráng năm 18. Sau di cư 1954, tôi sinh hoạt nhiều năm trong Tráng Đoàn Bạch Đằng gồm 4 Toán: Chương Dương, Vân Đồn, Hàm Tử và Tây Kết. Tôi được giao nhiệm vụ Toán trưởng Toán Vân Đồn [trong Toán có anh Trương Trọng Trác sau này lên tới chức Ủy Viên Ngành Thiếu của Hướng Đạo Việt Nam và khi ra hải ngoại, anh là người chủ trương tờ báo Ngày Nay với bút hiệu Trọng Kim ở Houston, Texas cho đến khi anh qua đời 2009].



Nhật Tiến (trái) và các Huynh Trưởng Hướng Đạo 
hình chụp tại Orange County 2014

"Mùa hè năm 1970, tại một trại của Tráng Đoàn Bạch Đằng tổ chức tại Thủ Đức, tôi được trao cho cây gậy mà ở đầu có 2 gạc của Tráng Sinh Lên Đường, cũng là đẳng cấp mà một Hướng Đạo Sinh mơ ước đạt được. Từ nay, trong giao dịch sinh hoạt Hướng Đạo tôi có thể ký tên: Én nhanh nhẹn RS - RS là chữ viết tắt của Rover Scout / Anh hay Routier Scout / Pháp, cũng có nghĩa là Giúp ích / Rendre Service đúng với châm ngôn của ngành Tráng. 

Hai chữ Hướng Đạo đối với tôi bao giờ cũng thiêng liêng, nó gợi cho tôi bao tình cảm thắm thiết, bao kỷ niệm khó phai mờ và bao nhiêu anh em đồng đội đã không chỉ chia xẻ với nhau trò chơi Hướng Đạo mà còn ở trong sự nghiệp ở ngoài đời".

Đến nay cũng đã trên 65 năm trôi qua, Nhật Tiến vẫn thuộc hát bài ca Đoàn, vẫn sống theo tinh thần Hướng Đạo với châm ngôn "Sắp Sẵn" và "Giúp Ích" trong bất cứ hoàn cảnh nào. Theo tôi, tinh thần Hướng Đạo ấy đã có ảnh hưởng sâu xa tới nghề giáo và trên nghiệp văn của Nhật Tiến trong suốt những năm về sau này. Hãy nghe chính Nhật Tiến kể lại:

“Những người áo trắng” được sáng tác vào khoảng năm 1955 khi tôi đang dậy học ở Bến Tre. Đấy là những kỷ niệm của thời hướng đạo sinh ở Hà Nội, chúng tôi thường đi làm các công tác từ thiện, như mùa đông thì đẩy xe bò qua các đường phố để quyên góp quần áo của bà con đem giúp những người nghèo. Hoặc chúng tôi tình nguyện ra đứng ở bờ Hồ Gươm bán tác phẩm của kịch tác gia Văn Thuật để gây quỹ giúp đồng bào bão bị lũ lụt thời đó. Chúng tôi cũng thường hay tới sinh hoạt tại trại mồ côi trên đường Hàng Đẫy; trong thời gian này hình ảnh những trẻ mồ côi mặc quần áo trắng, những bức tường trắng và những cô gái lớn tuổi hơn trông đàn em nhỏ đã gây cho tôi nhiều xúc động. Và tôi đã dùng những hình ảnh ở trại mồ côi đó để viết tác phẩm đầu tay“Những người áo trắng”.

Như vậy, có thể nói một cách khá đoan chắc, nếu Nhật Tiến không có những năm sinh hoạt Hướng Đạo, sẽ không có Những Người Áo Trắng và rồi những tác phẩm khác như Thềm Hoang sau này.

THUỞ MƠ LÀM VĂN SĨ

Nhật Tiến cầm bút rất sớm, từ thuở học sinh đã mơ làm văn sĩ, lập bút nhóm có tên là "Gieo Sống", có truyện ngắn đầu tay "Chiếc nhẫn mặt ngọc" được đăng trên báo Giang Sơn, năm ấy Nhật Tiến mới 15 tuổi.

Di cư vào Nam năm 1954; ban đầu sống ở Đà Lạt, Nhật Tiến viết kịch truyền thanh cho Đài tiếng nói Ngự Lâm Quân [thời còn Hoàng Triều Cương Thổ]. Ít lâu sau đó, gia đình Nhật Tiến dọn về Sài Gòn. Không tốt nghiệp trường sư phạm nào nhưng năm 21 tuổi anh đã bắt đầu đi dạy học môn Lý Hoá tại các trường trung học tư thục, ban đầu ở các tỉnh Miền Tây như Bến Tre, Mỹ Tho ba năm sau đó mới về sống hẳn ở Sài Gòn. Truyện dài đầu tay Những Người Áo Trắng được khởi viết và hoàn tất khi Nhật Tiến đang còn là một thầy giáo tỉnh lẻ.


Nhật Tiến: ký hoạ by Tạ Tỵ
[nguồn: Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, Tạ Tỵ,
Nxb Lá Bối, Sài Gòn 1971]

Nghề giáo như nguồn sinh kế của gia đình nhưng có lẽ nghiệp văn mới là giấc mộng lớn của Nhật Tiến. Anh liên tục viết rất khoẻ từ truyện ngắn, truỵện dài và cả một tiểu thuyết kịch đăng trên các tạp chí: Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong, Đông Phương, Bách Khoa, Văn, Văn Học; chủ trương nhà xuất bản Huyền Trân từ năm 1959, chủ bút tuần báo Thiếu Nhi do nhà sách Khai Trí xuất bản từ 1971 tới 1975; năm 1979 trong một chuyến vượt biển thừa sống thiếu chết Nhật Tiến qua được Thái Lan rồi định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1980.

Tới Mỹ, không còn sống bằng nghề dạy học, Nhật Tiến đi học về máy điện toán/ hardware và sau đó làm cho một hãng Nhật đủ 15 năm trước khi nghỉ hưu. Tại hải ngoại, Nhật Tiến tiếp tục viết và xuất bản sách, sinh hoạt Hướng Đạo, hoạt động cứu trợ thuyền nhân. Hiện cư ngụ ở Nam California.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN


XUẤT BẢN TRONG NƯỚC TRƯỚC 1975: 

Những Người Áo Trắng (truyện dài, Huyền Trân 1959), 

Những Vì Sao Lạc (truyện dài, Phượng Giang 1960), 

Thềm Hoang (truyện dài, Đời Nay 1961), 

Người Kéo Màn (tiểu thuyết kịch, Huyền Trân 1962),

Mây Hoàng Hôn (truyện dài, Phượng Giang 1962),

Ánh Sáng Công Viên (tập truyện, Ngày Nay 1963),

Chuyện Bé Phượng (truyện dài, Huyền Trân 1964), 

Vách Đá Cheo Leo (truyện dài, Đông Phương 1965)

Chim Hót Trong Lồng (bút ký, Huyền Trân 1966),

Giọt Lệ Đen (tập truyện, Huyền Trân 1968), 

Tay Ngọc (bút ký, Huyền Trân 1968), 

Giấc Ngủ Chập Chờn (truyện dài, Huyền Trân 1969) 

Quê Nhà Yêu Dấu (Huyền Trân 1970), 

Theo Gió Ngàn Bay (Huyền Trân 1970), 

Tặng phẩm của dòng sông (tập truyện, Huyền Trân 1972), 

Thuở mơ làm văn sĩ (Huyền Trân 1974)...


và một số truyện viết cho tuổi thiếu nhi như: 

Lá Chúc Thư

Đường lên Núi Thiên Mã...



XUẤT BẢN Ở HẢI NGOẠI SAU 1975:

Tiếng kèn (1981), 

Hải tặc trong vịnh Thái Lan(viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, 1981),

Một thời đang qua (1985), 

Mồ hôi của đá (1988), 

Cánh cửa (1990), 

Quê nhà Quê người (viết chung với Nhật Tuấn, ấn hành ở trong nước, 1994), 

Thân Phận Dư Thừa (2002), 

- bản dịch cuốn The Unwanted của Kiên Nguyễn, Hành Trình Chữ Nghĩa (2012) 

- Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác (2012) 

- Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi (2012) 

- Một Thời… Như Thế (2012)

Với hơn 20 tác phẩm đã xuất bản, với nhiều thể loại, các tác phẩm chính của Nhật Tiến đều có liên hệ tới tuổi thơ. Nhật Tiến được mệnh danh là nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của khuynh hướng xã hội. Võ Phiến trong bài viết về Nhật Tiến trong bộ Văn Học Miền Nam đã đưa ra nhận xét: "Lúc bấy giờ ai cũng biết ở Miền Nam có nhiều tác giả tên tuổi viết về giới trẻ thơ. Mỗi vị một vẻ. Trẻ em trong truyện Duyên Anh thường là những trẻ đáo để. Đám trẻ của Lê Tất Điều hầu hết đều có nét tinh nghịch. Trong Nhật Tiến là trẻ bất hạnh". [VHMN, truyện 2, tr.1270, Nxb Văn Nghệ 1999]
(còn tiếp)

Nhà văn Ngô Thế Vinh

Không có nhận xét nào: