26/8/15

Con vua lại đươc làm vua

Nghĩ chút về ông Lê Trương Hải Hiểu với "con vua lại được làm vua" - VNTB

La Thành

(VNTB) Ông Lê Trương Hải Hiếu, người vừa nhận quyết định giữ chức Chủ tịch UBND kiêm Phó bí thư quận ủy quận 12, Tp. Hồ Chí Minh (Tp. HCM) nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục gây xôn xao dư luận.

Tân Chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM Lê Trương Hải Hiếu: Cố gắng làm sao cho đời sống người dân quận 12 ngày càng sung sướng hơn. Ảnh: Đinh Tuấn
Với chức vụ cao hơn tại một quận không sầm uất về mặt kinh tế và phát triển xã hội như quận 1, nhưng quận 12 và chức vụ Chủ tịch quận được coi như là bước đệm để cho ông Lê Trương Hải Hiếu thực hành cơ sở, chứng tỏ năng lực lãnh đạo trước khi cơ cấu đến một chức vụ cao hơn. Cũng không khác lắm "người tiền nhiệm" Võ Văn Thưởng, người trước đó được đưa về tỉnh nghèo Quảng Ngãi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, sau đó được điều động về để nhận chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Tp. HCM.

Xôn xao bởi ông là người trẻ nhất khi nắm chức vụ Chủ tịch quận trẻ nhất Tp. HCM, nhưng quan trọng hơn, ông là con của ông Bí thư Tp. HCM Lê Thanh Hải và bà Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Cán bộ sau là Học viện Cán bộ (Tp. HCM) tới tháng 12/2014.

Tin về ông mang theo lượng phản hồi với một xu hướng chung: "Con vua lại được làm vua...". 

Tỵ hiềm, ghanh ghét, đố kỵ, nghi ngờ - nhiều cảm xúc khác nhau bao vây tin tức được lên chức của ông. 

Ông Lê Trương Hải Hiếu cho rằng mình "may mắn" khi "được sống trong tình yêu thương, sự dạy dỗ, dìu dắt, chia sẻ động viên và hỗ trợ của tất cả các cô chú, anh chị, đồng đội để tôi có thể rèn luyện và hoàn thành nhiệm vụ được giao" là điều rõ ràng. Nhưng liệu đó có phải là "may mắn" hay không? Hay mọi thứ đã được "sắp đặt", mà hiểu theo ngôn ngữ cán bộ của Đảng là "cơ cấu cán bộ nguồn", và rằng năng lực từ thời điểm ông tham gia chính trị từ phong trào Đoàn cơ sở đi lên đến nay chỉ là năng lực của sự sắp xếp lẫn hỗ trợ bởi các nhà chính trị "cô chú, anh chị, đồng nghiệp"?

Do đó, việc có người nghi ngờ về tác giả thực sự của điểm sáng về cải cách thủ tục hành chính ở quận 1 qua áp dụng phần mềm điện tử quản lý dân cư bằng dấu vân tay ở phường Bến Thành có thể hiểu được. Cũng như người ta đang xem, khi ông trở thành Chủ tịch quận 12, thì khu vực này có đột nhiên được sự "ưu ái" của thành phố trong chính sách và dự án hay không!

Ngay cả việc ông đi lên từ phong trào, hoạt động Đoàn cũng càng khiến người ta nghi ngờ thêm vào năng lực điều hành và lãnh đạo, nhất là khi phong trào Đoàn - Hội lâu nay được đánh giá là nơi tạo điều kiện cho người cơ hội và bệnh thành tích được "phát huy".

Bên cạnh đó, việc ông có một bệ đỡ khi tham gia vào nền chính trị, như bao "thái tử, công chúa đỏ" khác đã hàm chứa một sự bất công bằng, đó là quyền được tham gia đời sống chính trị đã bị thiên lệch giữa người có "bố làm to" và những người không thuộc vào trường hợp như vậy. Hiểu nôm na, nó như là một trường học, mà ông và những vị giống ông được đặc cách mặc áo đỏ, mặc áo quần phẳng phiu, được "thầy yêu bạn mến", trong khi số đông họ sinh khác lại phải mặc áo trắng, quần xanh.

Thế nên, năm 2014, báo chí phải giật tít "Đại biểu đề nghị loại bỏ việc sắp xếp cán bộ theo hậu duệ, tiền tệ", tiêu đề bài đánh trúng lòng người bấy lâu, theo đó Đại biểu Lê Nam đề xuất tổ chức thi tuyển các chức danh để loại trừ công thức: hậu duệ, tiền tệ, cùng hệ, hợp lệ, trí tuệ.
Điều 10, Quy định 47-QĐ/TW về "những điều Đảng viên không được làm" ghi rõ: "Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định."
Dù sao, cũng chúc mừng đến tân Chủ tịch quận 12, ông Lê Trương Hải Hiếu. Huy vọng rằng, ông sẽ làm tốt vai trò và nhiệm vụ của mình trong cương vị được giao như một cách để chứng minh năng lực và tầm nhìn bắt đầu từ làm tròn tuyên bố của ông với giới truyền thông: "Người dân cần gì thì tôi làm cái đó, chứ không thể ngồi trong phòng sáng tạo", thay vì là các tuyên bố, bước đi chỉ mang tính dọn đường trong sự nghiệp chính trị và bị phủ bóng bởi người cha, người mẹ của minh. 

Cũng được hiểu như là hy vọng vào sự chuyển biến ở cán bộ trẻ như ông, từ lãnh đạo mang danh "ý thức hệ" dòng họ sang lãnh đạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Bởi nếu làm việc chỉ nhằm "giữ uy tín cho mình và gia đình" thì đó chỉ là điều hành "lãnh chúa", không những không thể giúp loại bỏ quan điểm "thái tử đỏ" trong dân mà còn khiến con đường chính trị của bản thân trở nên không bền vững, dễ rơi vào trường hợp "Còn cha, còn mẹ thì còn/ Hết cha, hết mẹ thì còn cái chi".

Chính trị là môn khoa học lẫn nghệ thuật, nếu chỉ thiên về sự nâng đỡ thì nó là nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì sẽ dẫn đến những con người chính trị phi khoa học (bao gồm cả tầm nhìn lãnh đạo) và sự ngắn hạn trong đường chính trị.

VNTB

Không có nhận xét nào: