Một ngày mùa hè năm 1988, giới văn nghệ sỹ và công chúng bàng hoàng hay tin: Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh lâm nạn trong vụ tai nạn giao thông ở Hải Dương. Sự nổi tiếng của cặp vợ chồng nghệ sĩ tài danh này đã khiến cho việc ra đi của họ trở nên bí ẩn trong lòng công chúng.
Gia đình Lưu Quang Vũ trong một dịp sum họp. |
Nhiều năm sau, những người ái mộ vẫn không thôi tìm hiểu về vụ tai nạn đầy thương tâm này. Kỷ niệm 18 năm ngày mất của họ (29/8), Báo xin đăng thông tin xung quanh vụ tai nạn và những điều còn ít người được biết.
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đến với nhau, dâng hiến cho nhau trọn vẹn 15 năm, để rồi cả hai ra đi trong niềm nuối tiếc vô hạn của người thân, bạn bè và công chúng.
Mùa hè 1988 là mùa hè đặc biệt, liên tiếp trong mấy tháng có quá nhiều biến cố xảy đến với gia đình họ Lưu, và vụ tai nạn mang đi cùng lúc ba sinh mạng là biến cố lớn nhất, đã nhiều năm trôi qua nhưng nhiều người không thể quên.
Những tác phẩm để đời
Năm 1973, Lưu Quang Vũ đến với Xuân Quỳnh khi mỗi người đã có một con riêng. Xuân Quỳnh hơn Lưu Quang Vũ 6 tuổi, nhưng hai người đã "bất chấp tất cả" để trở thành vợ chồng và sống với nhau rất hạnh phúc.
Đến tháng 2/1975 họ sinh được một con trai là Lưu Quỳnh Thơ (nhiều người vẫn lầm tưởng là con gái). Năm 1979, Lưu Quang Vũ bắt đầu trở thành nhà viết kịch bằng vở "Sống mãi tuổi 17". Vở diễn được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1980.
Sang năm 1981, sau khi cha ông - nhà viết kịch Lưu Quang Thuận - qua đời, Lưu Quang Vũ hoàn thành kịch bản "Nàng Sita" dở dang của người cha quá cố để lại. Kể từ đó, ông bắt đầu sáng tác với một tốc độ phi thường, khiến cho các đồng nghiệp đều phải nể phục.
Em ruột Lưu Quang Vũ là PGS.TS Lưu Khánh Thơ, năm nay 48 tuổi. Bà Thơ hiện là Trưởng ban biên tập - Trị sự của Tạp chí Văn học. Trong ngôi nhà nằm khép mình ở một ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), bà Thơ kể về sức làm việc của người anh với niềm tự hào dâng đầy khoé mắt: "Nhà tôi có 6 anh chị em, chỉ có duy nhất tôi là gái. Anh Vũ bước chân vào văn đàn rất sớm và những năm 1980 thì tài năng của anh thực sự vào độ chín".
Bà Thơ kể lại rằng, ngày đó Lưu Quang Vũ làm việc quên ăn quên ngủ. Anh có 2 thói quen đã hình thành từ rất lâu: Đi dạo đêm và uống cà phê vỉa hè buổi sáng. Nhưng rồi, anh phải bỏ cả hai thói quen ấy vì công việc. "Ngày ấy tôi rất thương anh, đến cả những thói quen bình dị nhất cũng phải từ bỏ, để lao vào việc", bà Thơ nói.
Sân khấu kịch những năm 80, từ Bắc vào Nam tràn ngập kịch Lưu Quang Vũ. Đi đến đâu cũng thấy kịch của anh. Nhiều đêm, có tới 6-7 vở kịch của anh được diễn cùng lúc ở các rạp cả nước. Nhiều người gọi sân khấu kịch lúc đó là sân khấu Lưu Quang Vũ. Ngay cả đến bây giờ, những "Hồn Trương Ba da hàng thịt"; "Tôi và chúng ta", "Bệnh sĩ", "Lời thề thứ chín"... các tác phẩm vang danh ấy vẫn được nhắc đến hàng ngày.
Nói về sức làm việc của anh ruột mình, nhà báo Lưu Quang Định nói: "Chỉ trong vòng 8 năm kể từ khi bước vào sân khấu cho đến khi nằm xuống, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 vở kịch, hầu hết đã được dàn dựng. Đó là còn chưa kể hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, bài báo...
Người ta vẫn thường hỏi Lưu Quang Vũ lấy đâu ra thời gian, năng lượng để hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ như vậy trong một thời gian ngắn như thế? Ngay cả bạn bè, đồng nghiệp và cả những người thân trong gia đình nhiều lúc cũng không trả lời nổi câu hỏi đó".
Viết như chạy nước rút!
Những vở kịch đã khiến cho công chúng ngày càng yêu mến Lưu Quang Vũ. Vợ chồng ông trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết và hầu như trên các văn đàn thời đó, thơ tình Xuân Quỳnh, kịch Lưu Quang Vũ là những đề tài luôn nóng bỏng, thu hút sự chú ý của tuyệt đại đa số công chúng yêu Văn chương - nghệ thuật.
Mùa hè năm 1988 là mùa hè cuối cùng của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Đó cũng là khoảng thời gian mà Lưu Quang Vũ làm việc với năng suất phi thường. Trong mùa hè ấy, những biến cố cũng dồn dập xảy đến với gia đình ông.
Nhà báo Lưu Quang Định nhớ lại: Mùa hè năm đó tôi mới 22 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai ở Liên Xô, được về phép. Sau mấy năm xa nhà, thấy Hà Nội có một số thay đổi: Chế độ tem phiếu đã bị bãi bỏ. Đồ đạc có vẻ nhiều hơn, nhưng điện vẫn thường xuyên mất, cuộc sống nhìn chung vẫn rất vất vả.
Gia đình tôi sống trong một căn phòng ở gác hai số nhà 96 phố Huế. Anh Vũ, chị Quỳnh, Kít (Lưu Minh Vũ - MC "Hãy chọn giá đúng" của VTV3) và Mí (Lưu Quỳnh Thơ) sống trong một căn phòng rộng 6,5m2 trên tầng ba. Suốt mùa hè đó, thường thường tôi chỉ gặp anh Vũ lúc sáng sớm, hoặc lúc 1, 2 giờ sáng còn cả ngày anh đi vắng suốt với lịch làm việc dày đặc.
Nhiều lúc chị Quỳnh bảo với mẹ tôi: "Mẹ phải can anh Vũ giúp con, anh ấy làm việc chẳng kể gì đến sức khoẻ cả". Mẹ tôi cũng thường nói với anh: "Con làm gì cũng phải giữ lấy sức khoẻ". Những lúc đó, anh thường bảo: "Con cũng biết thế nhưng mình cố một chút thì đoàn có vở dựng, mấy chục con người có công ăn việc làm...".
Anh Vũ là người rất mê bóng đá nhưng giải Euro năm đó tôi thấy hầu như anh không còn thời gian để xem. Chị Quỳnh cũng "miễn" mọi việc nhà cho anh, không phải xuống tầng một xếp hàng xách nước lên tầng ba. Hồi đó nước sinh hoạt ở Hà Nội là một vấn đề rất cơ cực".
"Điềm số" báo trước
Tháng 3/1988, Xuân Quỳnh được đề cử tham gia Ban Giám khảo Liên hoan phim toàn quốc ở Nha Trang. Trên đường đi, chiếc xe chở cả đoàn đang qua cầu bỗng bị lật, rất may không ai bị thương.
Tháng 5/1988, Xuân Quỳnh phải nhập viện vì bệnh đau tim. Lúc này sức khoẻ của chị rất kém, chứng đau tim làm da xanh tái, phải nằm viện hai tháng trời. "Khi tôi về phép thì chị đã ra viện, nhưng sắc mặt kém đi nhiều so với một năm trước đó, khi tôi gặp chị ở Matxcơva trong đoàn nhà văn Việt Nam sang học tại Trường viết văn Gorki. Tính chị vẫn vui, vẫn hay đùa, nhưng nhiều lúc trong câu chuyện thấy ánh mắt chị thảng thốt, như nhìn vào đâu đâu" - nhà báo Lưu Quang Định nhớ lại.
"Mọi người lúc đó thường tránh nói về bệnh tật của chị. Vì vậy tôi cũng không biết bệnh chị nghiêm trọng đến mức nào. Mãi về sau này, mẹ tôi mới kể là lúc đó, anh Vũ đã nói với bà: Bác sĩ bảo bệnh tim của Quỳnh rất nặng. Nếu chăm sóc tốt thì cũng chỉ sống được vài ba năm nữa thôi, phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đặc biệt"...
Những cuộc chia tay không gặp lại
Cũng mùa hè năm đó, vợ chồng Lưu Quang Vũ được Hội Nhà văn phân nhà, một căn hộ hai phòng trên tầng ba khu tập thể Ngọc Khánh rộng hơn 40m2. Không thật rộng rãi, nhưng so với cái "chuồng cu" 6m2 mà gia đình các em Lưu Quang Vũ đang ở thì quả là quá rộng.
Xuân Quỳnh trong một lần đưa đến thăm nhà, còn tính toán chỗ này kê giường, chỗ kia kê tủ. "Chỉ tiếc là chưa kịp dọn về căn hộ mới, chưa kịp nằm trên chiếc giường mơ ước ấy, anh chị đã ra đi..." - nhà báo Lưu Quang Định bùi ngùi.
Ngày 23/8/1988, cụ Vũ Thị Khánh (thân mẫu Lưu Quang Vũ) cùng mấy cụ trong tổ hưu đi Sài Gòn chơi. Từ sáng sớm, Lưu Quang Vũ đã xuống chào mẹ và nói: "Hôm nay con bận đi làm nên không tiễn mẹ được. Khi nào mẹ ra, con sẽ đi đón". Miệng nói, tay Vũ cầm bút viết lên cuốn lịch treo tường dòng chữ: "8/9 mẹ ra, có mặt".
Ngày 25/8, Lưu Quang Định bay trở lại Nga: "Hôm đó anh Vũ cũng đi vắng. Xe sắp chuyển bánh lên Nội Bài thì chị Quỳnh và Mí chạy về. Tôi đã ngồi trong xe, chị Quỳnh đứng ngoài nắm lấy tay tôi, cười: "Hôm nào anh chị đi Liên Xô, Định lại dẫn ra chụp ảnh ở Quảng trường Đỏ nhé...". Có ngờ đâu đó là những lời cuối cùng chị Quỳnh nói với tôi".
Ngày 27/8, Lưu Quang Vũ và hoạ sĩ Doãn Châu xuống làm việc với đoàn kịch Hải Phòng, đưa cả Xuân Quỳnh, Mí và gia đình hoạ sĩ Doãn Châu đi cùng, tranh thủ kết hợp cho trẻ con tắm biển Đồ Sơn trước khi bước vào năm học mới.
Chiều 29/8 trở về, vừa qua đầu cầu Phú Lương (Hải Dương) thì tai nạn xảy ra. Tin về vụ tai nạn đã nhanh chóng lan nhanh khắp Hà Nội, rồi cả nước. Vì vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh quá nổi tiếng nên cái chết của họ đã làm dấy lên nhiều luồng dư luận khác nhau.
Nhiều năm sau, vẫn không ít người hồ nghi và muốn biết sự thật về vụ tử nạn này. Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ chết như thế nào? Vụ tai nạn ra sao? Xung quanh cái chết của gia đình nghệ sĩ tài danh này còn "sự thật" nào nữa?
Cái chết của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và đứa con nhỏ đã trở thành nỗi ám ảnh không thể nào nguôi đối với thân nhân của họ và nhiều người khác. Riêng đối với gia đình hoạ sĩ Doãn Châu - những người cùng ngồi trên chiếc xe bị nạn - thì cái ngày kinh hoàng đó lúc nào cũng như chỉ mới hôm qua.
Mùa hạ cuối cùng
Chúng tôi tìm tới hoạ sĩ Doãn Châu ở khu tập thể nhà hát Kịch Việt Nam. Ông Châu (hiện đã 64 tuổi) cùng vợ sống trong một căn hộ chật hẹp phía sau Nhà hát Lớn. Riêng ông Châu thì có một xưởng vẽ nhỏ. Đã mấy năm nay, ông thường sống khép mình trong xưởng, hàng ngày chỉ chuyên tâm sáng tác.
Đã 18 năm trôi qua, kể từ ngày vợ chồng Lưu Quang Vũ ra đi, trong ký ức của đôi vợ chồng nghệ sĩ Doãn Châu - Bích Thu (nguyên diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam), những hình ảnh về chuyến xe định mệnh vẫn không hề phai nhoà ngay cả từng chi tiết nhỏ.
Nghệ sĩ Doãn Châu là người bạn thân (hai người kết giao với nhau từ năm 1976) và cũng là người cộng tác trong hầu hết các vở kịch nói do Lưu Quang Vũ viết. "Trong số hơn 50 tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ viết thì tôi làm sân khấu tới hơn 30 vở, như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Sống mãi tuổi 17, Ông không phải là bố tôi, Chết cho điều chưa có... Phải 2 - 3 năm nau khi Vũ mất, tôi mới làm việc trở lại", ông Doãn Châu nói.
Với ông Châu, vụ tai nạn là một kỷ niệm buồn, không muốn nhắc tới. Nhưng rồi một hồi lâu, sau khi dồn nén những xúc động vào lòng, ông kể: "Mùa hè năm 1988, tôi và Vũ bàn nhau kế hoạch đưa cả hai gia đình đi nghỉ. Nhưng mãi đến tận đầu tháng 8 vẫn chưa thực hiện được dự định. Nhân chuyện tôi và Vũ làm vở Hai nghìn ngày oan trái với Đoàn kịch Hải Phòng, đoàn mời cả hai gia đình chúng tôi về Đồ Sơn tắm biển và kết hợp đọc vở. Chúng tôi dự định ngày 16/7 âm lịch sẽ khởi hành".
Tuy nhiên, khi đưa ý định đó ra thì bà Bích Thu đã ngăn cản. Bà Thu nhớ lại: "Không hiểu sao lúc đầu, tôi ngăn cản chuyến đi rất kịch liệt, nhưng sau cùng lại đồng ý, cũng là chiều lòng mọi người. Tôi bảo: Nếu đi thì để sau rằm".
Trước đó một ngày, rằm tháng bảy - ngày xá tội vong nhân, gia đình Doãn Châu làm cơm mời cả nhà Lưu Quang Vũ sang ăn. Bữa cơm rất vui. Sau bữa ăn, cả nhà rôm rả bàn bạc về chuyến đi ngày hôm sau. Xuân Quỳnh vốn tính chu đáo, cẩn thận, lo mang theo cả bếp điện, nồi, phin cà phê, đồ ăn thức uống...
Chiều 27/8, hai gia đình về đến Đồ Sơn, đi bằng chiếc com-măng-ca thuê từ Hà Nội. "Nói là đi nghỉ nhưng thật ra chỉ có nhà tôi, chị Quỳnh và hai cháu được thảnh thơi, còn tôi và Vũ vẫn phải bận bịu vì công việc. Ngay đêm đó, khi mọi người đi nghỉ, tôi và Vũ kéo nhau ra hành lang uống nước chè, hút thuốc lào và trao đổi công việc ngày hôm sau.
Sáng 28/8, Vũ đọc kịch bản Hai nghìn ngày oan trái cho Đoàn kịch Hải Phòng, công việc diễn ra hết sức suôn sẻ. Sau bữa cơm chiều, cả hai gia đình kéo nhau ra bờ biển. Đã lâu lắm chúng tôi mới có một đêm thư giãn như thế này.
Vũ kể rất cởi mở với tôi quãng đời đã qua của mình. Cả một quá khứ bị đánh thức. Có những chuyện mãi mãi là của Vũ, tôi không đủ đồng cảm để sẻ chia. Với những chuyện ấy, tôi chỉ biết thương Vũ, dành cho Vũ những lời an ủi, lời khuyên của một người bạn"- Ông Châu trầm tư bên làn khói thuốc.
“Hai nghìn ngày oan nghiệt” hay chuyến đi oan nghiệt
Rất tình cờ, ông Doãn Châu thoát chết trong thảm kịch ấy. "Ở Đồ Sơn đến ngày thứ ba thì Vũ nhớ hẹn với anh Hoàng Quân Tạo ở Đoàn kịch Hà Nội. Ăn trưa xong, Vũ cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên. Vũ giục về luôn, nhưng đã hẹn chờ anh Lân ở Đoàn Hải Phòng để cùng về Hà Nội nên cứ nấn ná mãi", ông Châu kể.
Lưu Quang Vũ (trái) và Doãn Châu tại hậu trường vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt".
Chiều 29/8, chiếc xe chở hai gia đình về Hà Nội. Dọc đường đến cầu Lai Vu, xe đỗ, mấy phụ nữ xuống mua một rổ ổi. Lúc đó Mí và Vinh ngồi đánh cờ phía băng ghế bên phải. Ông Châu và Lưu Quang Vũ kẻ nằm người ngồi dưới sàn xe còn Xuân Quỳnh và bà Bích Thu ngồi phía băng ghế đối diện.
Khoảnh khắc xảy ra tai nạn nhanh đến khó tả. Đến gần cầu Phú Lương, Vinh và Mí buồn ngủ. Xuân Quỳnh đổi chỗ cho Vinh để giữ Mí. Vinh chuyển sang băng ghế bên trái nằm gối đầu lên bà Thu. Ông Châu đang nằm dưới sàn xe cũng chuyển lên ngồi băng ghế bên trái, giữ chân con trai.
Lúc này Lưu Quang Vũ nói tếu: "Thôi, tôi về chỗ tôi đây", và ông chuyển về ngồi ghế "thủ trưởng" bên cạnh lái xe. Xe qua cầu Phú Lương, đi trên đường vừa hẹp vừa xuống dốc. Trước mặt có chiếc xe Kamaz đang đi chầm chậm. Đường dốc nên xe nào qua đây cũng phải thận trọng.
Bất chợt, có hai phụ nữ đội nón đèo nhau trên xe đạp, lao từ đê xuống đường, cắt qua mặt xe Kamaz, chiếc xe này phanh khựng lại. Người lái chiếc xe com-măng-ca đang bám sau định đánh tay lái vượt lên. Và chỉ trong tích tắc ấy, một chiếc xe ben phía sau đã mất phanh đâm sầm vào đuôi chiếc com-măng-ca, đẩy xe này vào gầm xe Kamaz phía trước.
Cả gia đình Lưu Quang Vũ ngồi phía bên phải bị văng xuống đường. Ông Châu xác nhận đó là khoảng 14h40 phút ngày 29/8/1988 (trước đây nhiều nguồn tin nói là 15h30 phút).
“Hoa vàng ở lại”... mây trắng về trời
Cho tới tận bây giờ, bà Bích Thu vẫn không thôi bị ám ảm mỗi khi ngồi sau xe bất cứ ai. Bà sợ cảm giác sẽ bị ai đó đâm lên từ đằng sau giống như vụ tai nạn cách đây 18 năm: "Tôi đang ngồi thì bỗng rầm một tiếng, rồi tôi thấy một cơn mưa trắng xoá ở đâu quất đầy lên mặt". Cái mà bà Thu miêu tả - cơn mưa trắng - chính là kính xe bị vỡ vụn.
Ông Châu lúc đó đang ngồi gà gật thì chỉ nghe thấy một tiếng "rầm", cả chiếc xe nẩy tung: "Khi tôi mở mắt ra thì cảnh tượng thật hãi hùng. Quỳnh và cháu Mí nằm im không nhúc nhích. Vũ chỉ còn khe khẽ thở. Tôi cởi áo may ô gối lên đầu cho Vũ. Vũ thều thào: "Thằng Mí đâu rồi?".
Đó là câu cuối cùng Lưu Quang Vũ còn nói được. Xuân Quỳnh và Mí thì đã chết ngay sau cú đâm xe. Bà Thu dập tay phải, ông Doãn Châu gãy xương sườn số 11, rách trán. Duy nhất một người không hề xây xát là Doãn Vinh - con trai ông Châu.
Sau một hồi van vỉ các xe qua đường nhờ đưa người đi cấp cứu, cuối cùng ông Châu cõng Lưu Quang Vũ lên một chiếc xe tải đến bệnh viện: "Cách thị xã Hải Dương 3km thì cảnh sát giao thông chặn lại không cho đi tiếp.
Tôi nói: Đây là Lưu Quang Vũ, nhân tài của đất nước. Cảnh sát nói: "Tôi biết nhưng chiếc xe đã gãy nhíp, đi tiếp rất nguy hiểm". Tôi đành bế Vũ xuống, vẫy xe khác. Đến bệnh viện Hải Dương, đầu Vũ ngoẹo sang một bên. Mấy cô y tá, hộ lý nhìn thấy tôi cõng Vũ thì hỏi luôn: "Đánh nhau hả?". "Không, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ bị tai nạn xe".
Các bác sĩ nghe thế thì nhiệt tình cứu chữa, nhưng không kịp... Vũ trút hơi thở cuối cùng lúc 15h20 phút. Cho đến giờ, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc ác nghiệt ấy, tôi vẫn cứ nghĩ: nếu hôm đó xe xuất phát sớm hơn hoặc muộn hơn một chút liệu tai nạn có xảy ra không?...
Sau khi xảy ra tai nạn, dư luận xôn xao, rằng liệu đó có phải là một vụ mưu sát. Nhưng những diễn biến trước khi vụ tai nạn xảy ra cho thấy: Nếu có một bàn tay nào đó sắp đặt thì đó chính là số mệnh. Vụ án sau đó được xử tại toà án Hải Dương. Lái xe gây tai nạn bị xét xử tù giam 10 năm.
***
Nhiều năm đi qua, kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn, song nhắc đến Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, không ai cầm nổi nỗi xót thương. Với họ, Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ chỉ như đang đi xa, một chuyến công tác dài...
Chiếu Làng
Nguồn : http://chieulang.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét