17/7/15

Cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và hành động của chính phủ ...

Cuộc họp của Hy Lạp với các định chế tài chính quốc tế về nợ của Hy Lạp hôm nay, ngày 7/7 đến giờ vẫn chưa có kết quả. Mặc dù quan điểm chung của các tờ báo lề phải đều tiên đoán rằng, trả lời KHÔNG trong cuộc Trưng cầu dân ý với các gói tài trợ mới, Hy Lạp đang tự sát, Hy Lạp tự mua dây buộc thòng lọng vào cổ khi từ chối nơi duy nhất có thể cứu họ. Đó chính là các chủ nợ cũ. Nhưng quan điểm của MTA lại ngược lại với báo lề phải, khi tiên đoán đây là một thành công của Hy Lạp..


Đây có thể coi là một nước cờ cao (hay thấp) của chính phủ Hy Lạp. Có lẽ vì không còn con đường nào khác nên chính phủ của ông A.Tsipas phải dùng kế "Giả chết để bắt quạ" này. Mặc dù chính phủ ông không phải chịu trách nhiệm về việc Hy Lạp trở thành một anh Chúa Chổm như hiện nay nhưng phải thực hiện lời hứa khi tranh cử và quyết tâm giải quyết cục nợ này một cách tối nhất có thể. Chính phủ Hy Lạp đã hành động...
Qua được cuộc TCDY với sự ủng hộ cao không ngờ (61%) mà người dân Hy Lạp đã trao, chính phủ của ông bắt đầu cuộc chiến mới với những ông chủ giàu có nhưng khó tính. Những chiêu trò mà các bạn có thể đọc đầy rẫy trên mạng lề phải như : Tiền trong ngân hàng đã hết. Không rút tiền tự động được. Các hàng nhập thiết yếu đã cạn. Thất nghiệp đã lên tới 50%. Hy Lạp sắp vỡ nợ rồi. Thậm chí là dân Hy Lạp phải đi nhặt rác để sống...v..v..thì chỉ là chiêu trò của chính Hy Lạp mà thôi. Nên nhớ rằng các định chế tài chính đã thực sự kiểm soát nền tài chính của Hy Lạp từ năm 2012 rồi, khi những đồng tiền cứu trợ đầu tiên đến với Hy Lạp. Nên mọi sự như cắt giảm chi tiêu, cắt giảm phúc lợi xã hội, thắt lưng buộc bụng cũng đã có từ những ngày đó. Cũng như mọi sự chi tiêu bừa bãi, hoang phí như trước đó, kiểu như tổ chức Thế Vận Hội 2004 hoành tráng và tốn kém nhất trong lịch sử TVH đã không còn xảy ra nữa. Cho đến giờ này thì các định chế tài chính quốc tế vẫn là những người kiểm soát tín dụng một cách chặt chẽ nhất nên những điều tào lao như thiếu tiền trên không thể xảy ra, hoặc bị thổi phồng quá đáng với mục đích đánh động lòng thương hại của quốc tế. Vậy tại sao chính phủ Hy Lạp lại dùng chiêu Chí Phèo như thế. Có những lý do sau đây. 
Thứ 1. Hy Lạp lả một quốc gia cổ kính nhất với nền văn minh Hy-La nổi tiếng và là cái nôi của nền văn minh thế giới, nên không thể tách rời khỏi thế giới. 
Thứ 2 là các định chế tài chính từ năm 2009 đến các năm 2012 đã luôn áp đặt các điều kiện khắt khe để đảm bảo nợ, vì họ cho rằng Hy Lạp đã gian dối kê khai tài chính kinh tế, trong đó là những yêu cầu rất nhạy cảm như giảm lương hưu trí, cắt trợ cấp cho người làm công ăn lương và tăng thuế. Các chính phủ trước đã thực hiện 100% yêu cầu đó để có được gói cứu trợ lúc đó. Và giờ thì nó đang gây hậu quả. Các khoản lương hưu đã cắt giảm đến 50%, thuế má căn bản (TAX) đã lên cao tới mức gần như cao nhất châu Âu, và hơn Mỹ. Và người Hy Lạp muốn phản kháng lại và kiên quyết trả lời KHÔNG với khoản vay mới. Vì thực sự Hy Lạp đã thắt lưng buộc bụng lâu rồi. 
Điều thứ 3 là các chính phủ trước đó của Hy Lạp đòi xoá bớt nợ thì các tổ chức tư nhân trong các định chế tài chính quốc tế đã xoá cho Hy Lạp đến 75% số nợ. Chỉ còn số tiền của chính phủ nước ngoài cho vay thì theo nguyên tắc không thể xoá nợ được. Vì chính phủ chỉ là người quản lý tiền của dân nước họ và cho Hy Lạp vay thôi thì đâu có quyền gì mà xoá nợ được. Trừ trường hợp nước vay nợ bị thiên tai cực lớn, chiến tranh hoặc...vỡ nợ. Nhưng đứng trước viễn cảnh đen tối, nhất là khi qua TCDY thì các chính phủ các nước cho vay, nhất là 2 nước Đức và Pháp là hai nước đồng bảo lãnh cho Hy Lạp sẽ nghĩ lại...
Thứ 4 là viễn cảnh Hy Lạp rời khỏi Eurozone, thậm chí rời khỏi Euro và tệ hơn nữa tham gia vào với khối vớ va vớ vẩn (SNG) mà nước Nga của Putin vẫn chào mời thì quả là thảm hoạ cho Châu Âu. 
Thứ 5 là người dân Hy Lạp cũng bắt đầu thấy lòng tự ái dân tộc bị tổn thương . Cho vay ngặt nghèo và suốt mấy năm nay cứ nhắc đến Hy Lạp là nhắc đến anh nhà nghèo phá sản sắp chết may nhờ có anh nhà giàu cứu nên sống lại, nhưng vất vưởng, đói khổ... Nói KHÔNG với vay nợ, người Hy Lạp không hẳn tán thành chính phủ của ông Tsipas mà muốn chứng minh rằng họ cũng là một quốc gia bình đẳng ở châu Âu chứ không phải một quốc gia hạng nhì ở đó.
Thứ 6 đây là canh bạc tháu cáy rất cao cơ của chính phủ Hy Lạp. Với từng chi tiết được tính toán kỹ lưỡng. Đó là xin khất một thời gian ngắn để tới giới hạn cuối cùng. Rồi họ bất ngờ rời bỏ cuộc đàm phán nợ ngày 27/6 trong khi ngày 30/6 là thời hạn cuối cùng, khiến các chủ nợ giàu có ngồi ngẩn ngơ không biết làm gì. Vì ngay sau đó, cũng hoàn toàn bất ngờ họ tuyên bố TCDY vào ngày 5/7. Có nghĩa các chủ nợ chỉ còn biết ngồi im chứ đâu có ra được quyết định tối hậu nào, trong khi cả nước Hy Lạp chuẩn bị TCDY. 
Như trong một ván bài Poker (Xì Phé) chính quyền ông Tsipas thấy họ có nước bài sáng nên đã tháu cáy, tố sạch tay qua trò TCDY, cùng với quyết tâm được ăn cả, ngã về không. Nếu thất bại, chính phủ sẽ phải từ chức và mất tất cả. Nhưng nếu thành công thì sẽ rất tốt cho quốc gia Hy Lạp nhưng sẽ còn tốt hơn cho chính phủ của ông Tsipras . Và chính phủ của ông sẽ ngự trên ghế quyền lực rất lâu sau chiến thắng này (nếu thắng), điều rất khó ở một xứ sở thay đổi chính phủ xoành xoạch như Hy Lạp. Và một chính phủ nếu vì dân, của dân và do dân thì cần có sự khác biệt, sự gan lỳ, can đảm và cả sự láu cá nữa để hy sinh cho quyền lợi tối thượng của quốc gia, quyền lợi cao nhất của người dân mình qua những phong ba thử thách như cuộc khủng hoảng nợ trên. Và cho dù kết quả như thế nào đi nữa thì đó cũng là một chính phủ tốt, đáng khen ngợi.
Chúng ta hãy chờ xem...
MTA

Không có nhận xét nào: