6/10/15

"Mai Tú Ân nên học cách chấp nhận sự thật" - Chấp nhận phản biện

by Hải An Phạm 
Tôi rất tán thành một phương ngôn: "Một nửa sự thật không phải là sự thật..." bởi khi đối diện với một sự thật thì ai cũng muốn nó là khách quan, nó là nó. Vì lí do này, lí do khác mà phải làm biến dạng sự thật thì nên chăng cũng cần xem lại dụng ý của người phát ra "sự thật" đó. Tuy nhiên, "cái sự thật một nửa" được Mai Tú Ân/ FB Mai Tú Ân trong bài viết "Một nửa sự thật không phải là sự thật..." phải chăng đã bị "biến dạng", hiểu sai đi qua cái nhìn của tác giả này. 

Mở đầu Mai Tú Ân viết: "Với những gì ta thấy trong cái gọi là triển lãm ảnh cuộc Cải Cách Ruộng Đất, thì đó chỉ là phần nổi nhỏ bé của tảng băng khổng lồ của tội ác, của đại thất nhân tâm... mà với những gì hé mở trong thế giấu diếm thì ta có thể gọi đây chưa phải là sự thật đúng nghĩa, thậm chí đây chỉ là phần bao biện, che dấu và giả dối...". 

Hóa ra, cái "sự thật một nửa" mà tác giả đang nói đến là "triển lãm ảnh Cuộc cải cách ruộng đất" một hoạt động mà những người kháng chiến đã thực hiện với mục tiêu cố gắng xóa đi những tàn dư của chế độ cũ. Sau Cuộc khởi nghĩa tháng Tá năm 1945, chế độ phong kiến Việt Nam chính thức cáo chung và kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình; nhường lại sân khấu lịch sử cho những người kháng chiến và chế độ mới. Tuy vậy có một sự thật mà ai cũng biết là những cơ sở xã hội của chế độ cũ này vẫn tồn tại cho đến nhiều năm sau đó, nặng nề nhất là chế độ sở hữu tư liệu sản xuất ruộng đất đang thuộc về một số cá nhân thiểu số trong xã hội. Về nguyên nhân về sự tồn tại lâu dài này không khó để lí giải bởi không lâu sau khi giành được chính quyền, Chính phủ kháng chiến của Cụ Hồ đã phải đối diện với những nguy cơ sống còn, ngàn cân treo sợi tóc với sự bủa vây của thù trong giặc ngoài. Do vậy, dù muốn có một cuộc cải cách thực sự thì e rằng, thời điểm đó chưa phù hợp bởi nó sẽ gây nên những sự xáo trộn lớn trong xã hội mà Chính phủ lại đang cần những sự bền vững nhất định để huy động nhiều giai tầng tham gia và ủng hộ kháng chiến. Nói như thế để thấy rằng, việc cuộc cải cách quan trọng nhất để hình thành nền móng của chế độ lại diễn ra sau đó gần 8 năm (năm 1953).

Đến đây thì chắc nhiều người sẽ hỏi rằng thời điểm năm 1953 so với năm 1945 có gì khác mà phải đợi đến 8 năm sau mới rục rịch tiến hành cải cách? 

Xin thưa 8 năm đó cũng chính là 8 năm Chính phủ kháng chiến tổ chức một cuộc chiến đấu lại cuộc xâm lược lần hai của Thực dân Pháp. Việc duy trì được lực lượng và làm chủ một địa bàn tương đối rộng lớn (Chiến khu Việt Bắc) vốn dĩ đã là một điều thần kỳ với một Chính phủ hết sức non trẻ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy vậy, dã tâm xâm lược của quân đội Viễn chinh Pháp vẫn chưa chấm dứt dù đã họ đã chịu không ít những cuộc thua đến đau đớn và thảm hại. Để duy trì một cuộc kháng chiến với thực dân Pháp và chủ động với một sự thay đổi cục diện khi đế quốc lớn nhất thế giới (Mỹ) đã có mặt tại Việt Nam thì chuẩn bị tiềm lực kháng chiến lâu dài là điều đang được đặt ra. Mặt khác, để huy động chính những tiềm lực tại chỗ, tránh những phụ thuộc quá lớn vào sự trợ giúp, viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc thì việc cải cách ruộng đất với mục tiêu đưa ruộng về dân cày và áp dụng chế độ quản lý đất  đai do nhà nước thực hiện đã được diễn ra trên khắp miền Bắc và hoạt động này đã phải kéo dài đến nhiều năm sau đó. 

Về những kết quả đạt được của đợt cải cách ruộng đất năm 1953 - 1956 mang lại: "Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam là chương trình nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là "bóc lột", "phản quốc" (theo Pháp, chống lại đất nước), "phản động" (chống lại chính quyền) như địa chủ, Việt gian, cường hào, các đảng đối lập... được Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủViệt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào những năm 19531956. Cải cách ruộng đất tịch thu tài sản, đất đai của những người này và chia cho bần nông, cố nông; đồng thời tiến hành đấu tố và xử tội họ. Cải cách ruộng đất đi kèm với phong trào chỉnh đốn Đảng lúc đó". 

Rõ ràng, đây mới là ước mơ ngàn đời của không biết bao thế hệ người Việt trong quá khứ. Và dù có hơi muộn mằn nhưng chính phủ kháng chiến của chế độ mới đã thực hiện đúng những hứa hẹn với quốc dân đồng bào. Cũng từ giây phút ấy họ đã trở thành người tự do, làm chủ chính cuộc sống của mình mà không một thế lực nào có thể "xâm phạm" hay o bế. Họ đã làm chủ cuộc sống của mình, có thể quyết định được tương lai của mình thay vì cam chịu những sự áp đặt, làm nô lệ trên chính mảnh đất và công sức của mình. Chắc không cần nói thêm thì hiệu quả cũng như những thành tựu của cuộc cải cách ruộng đất là rất lớn lao và hơn hết nó cần thiết phải thực hiện. 

Và nói như một bậc lão thành từng sống qua những năm tháng ấy phát biểu: "Có sống vào thời khắc đó mới hiểu được giá trị của cuộc cải cách ruộng đất". Như thế, thành công của cuộc cải cách ruộng đất giai đoạn 1953 - 1956 là một sự thật được đóng đinh vào lịch sử. Một điều được triệu triệu người dân ghi nhận chứ không phải là "thành quả của những chiến dịch tuyên truyền" như nhiều học giả hải ngoại từng phát biểu. Cho nên "triển lãm về cuộc cải cách ruộng đất" đã tập trung nhấn mạnh vào những thành quả không ảnh hưởng đến những sự thật được nhiều người ghi nhận từ trong quá khứ. 

Nếu ai đó hỏi rằng, tại sao những người tổ chức không đưa những mảng tối của cuộc cải cách, những điều mà Mai Tú Ân cho là "khổng lồ của tội ác, của đại thất nhân tâm..." thì xin thưa rằng, họ không hiểu gì về cái gọi là những nguyên tắc bất di, bất dịch của hoạt động triển lãm tranh; đồng thời cũng không hiểu gì về thời cuộc hôm nay. Đồng ý là cuộc triển lãm là "Cuộc cải cách ruộng đất", nghĩa là nó không đề cập riêng đến "thành tựu" hay "tồn tại" và theo logic đó thì những người đưa tranh ra triển lãm kia không thể nói một nửa. Song, nghệ thuật triển lãm tranh thì không đi theo lối mòn được định sẵn của tư duy logic thường thấy ấy bởi không phải người nghệ sỹ hay nhà tổ chức nào cũng có thể cho những người xem triển lãm những cái nhìn thuần nhất và đúng ý đồ của mình. Ai sẽ đảm bảo được rằng, việc kết hợp giữa hai mảng sáng - tối trong một cuộc triển lãm sẽ không gây nên những phản ứng ngược. Sự thận trọng trong trường hợp này không chỉ được quy định bởi dụng công của vấn đề tuyên truyền mà người tổ chức đang hạn chế tối đa những hiệu ứng ngược không đáng có từ người xem bởi mặt bằng của những người xem triển lãm sẽ không có sự đồng đều và với lí do này thì sự thận trọng là cần thiết. Thêm vào đó, việc thiên vị "sáng" hay "tối" trong cuộc triển lãm nhiều khi cũng gây nên những tiếng xì xào bên lề và đương nhiên chỉ riêng điều này cũng đủ giết chết một hoạt động như thế. Chính vì vậy, thay vì "mạo hiểm" thì nên chăng những người yêu sự thật nên chờ đợi ở đợt triển lãm tiếp theo. Đó cũng là cách mà họ đi vào để hiểu chính cái nghề nghiệp của những người đưa đến cho họ những bức tranh để thưởng lãm.
Trở lại những "mảng tối" trong bài viết của Mai Tú Ân. Cuôc cải cách ruộng đất đã phạm phải những sai lầm không đáng có và trong một chừng mực nhất định thì đó là tội ác. Nhưng phải chăng Mai Tú Ân và những người khởi xướng nên có thêm "mảng tối" trong cuộc triển lãm đã thương hại quá đối với những người từng là kẻ thù của kháng chiến bởi chính họ chứ không ai khác đã tiếp tay cho chủ nghĩa đế quốc, thực dân tiếp cận gần hơn với Việt Nam và hơn 80 năm nô lệ chính là sản phẩm của những điều đó. Tôi không có ý định lấy những lí do này để biện minh hay có ý định phủ định sạch trơn những bi kịch đau lòng từ Cải cách ruộng đất... nhưng để đánh giá một vấn đề lịch sử thì đâu có phải cứ nhìn vào những gì đã diễn ra mà quên mất đi những bối cảnh lịch sử đang diễn ra vào khi đấy. Với 8 năm cho một sự trưởng thành dù có nhỏ đến mấy thì cũng là quá ngắn với một chế độ và đặc biệt hơn khi họ vừa làm quen, thiết lập mô hình chế độ mới lại vừa phải đương đầu với một kẻ thù mạnh hơn chính mình rất nhiều. Vậy thì phải hiểu như thế nào về những khiếm khuyết mà họ đã gặp phải và nên chăng việc gồng gánh quá nhiều sứ mệnh trong khi sức lực chưa có nên được xem là nguyên nhân trực diện cho những sai lầm trong cải cách ruộng đất. 
Cải cách ruộng đất giai đoạn năm 1953 - 1956: Khi sai lầm đã nhanh chóng được sửa chữa.
Nói ra những điều này tôi tự hỏi Mai Tú Ân có bị chi phối bởi thù hận giai cấp không khi đưa những lời lẽ mà chính Mai Tú Ân chứ không phải ai khác đang xóa nhòa, làm biến dạng lịch sử: "Một vở kịch bi hài mà phần bi kịch rơi vào những con người Việt Nam thấp cổ bé họng, vô tội và biến họ thành những kẻ có số phận thảm khốc, những cái chết thảm thương, những số phận khốn cùng nhà tan cửa nát trong một thời điêu linh của dân tộc...". 

Đáng thương thay tác giả gọi những sai lầm kia là một vở kịch bi hài, nghĩa là tác giả đang cố luận suy cải cách ruộng đất giai đoạn năm 1953 - 1956 chỉ là cái cớ để những cuộc trả thù giai cấp? Nhưng, càng thảm hơn khi Mai Tú Ân lại gọi những chủ nô, cường hào ác bá kia (tất nhiên không phải là tất cả) là những "những con người Việt Nam thấp cổ bé họng, vô tội và biến họ thành những kẻ có số phận thảm khốc, những cái chết thảm thương, những số phận khốn cùng nhà tan cửa nát trong một thời điêu linh của dân tộc...". Xin cho một lời bình về cái cách gọi khiến nhiều người nghĩ rằng, Mai Tú Ân có những động cơ cá nhân để nói lên những điều này chăng ??????

Cuối cùng tôi muốn nói rằng, đối diện với những sai lầm từ một chính sách, những người kháng chiến đã rất nghiêm túc và cầu thị. Những lời xin lỗi dẫu có muộn màng nhưng đã được những người đứng đầu nói ra tại một Hội nghị Trung ương của Đảng lao động Viêt Nam. 

"Trong tuyên bố của Hội nghị Trung ương 10 của Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9 năm 1956 đã nghiêm khắc phê bình: “ Giai đoạn vừa qua có nhiều sai lầm và khuyết điểm. Đặc biệt là trong cuộc cải cách nông nghiệp và điều chỉnh tổ chức. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đã phân tích chi tiết các khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và thống nhất những biện pháp khắc phục. Hội nghị thừa nhận nguyên nhân của những khuyết điểm là sự yếu kém của bộ máy lãnh đạo. Vì thế Ban chấp hành Trung ương nhận khuyết điểm của mình. Các ủy viên tham gia trực tiếp đã kiểm điểm trước TƯ theo tinh thần tự phê, và chấp nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc". 

Một số cá nhân đứng đầu liên quan đã xin từ nhiệm để nhận trách nhiệm cho cá nhân. Sự việc ấy cũng chưa bao giờ bị "che dấu, bịt kín" như cách nói của Mai Tú Ân bởi thử hỏi rằng, có ai trên dải đất hình chữ S này không biết tới những sai lầm. Có chăng tác giả và những người như tác giả không biết mà thôi...

Phương Nam OP

(nguồn : Việt Nam Mới)

Không có nhận xét nào: