Thiếu niên 17 tuổi Đỗ Đăng Dư đã trả giá quá đắt cho một sai lầm nhỏ của mình, nhưng là một sai sót quá lớn, và không thể chối tội được của ngành Công An. Em đã trả giá bằng chính mạng sống của mình khi tuổi vẫn còn vị thành niên, khi cuộc đời còn dài lâu trước mắt. Oan nghiệt quá...
Em ra đi khi tuổi đời còn ngơ ngác, và để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi cho người thân của em, và nỗi day dứt đau buồn cho cả những người xa lạ như chúng tôi. Còn quá sớm để kết luận hung thủ trực tiếp gây nên cái chết rúng động lòng người như cái chết của em, nhưng những người thực thi pháp luật, cả người trực tiếp dính líu đến và cả những người lãnh đạo ngành CA không thể không có tội, không thể chạy tội hay chối tội được.
Cái chết tức tưởi của em đột ngột, bất ngờ như sét nổ giữa trời quang nhưng không bất thường vì liên tục đã có nhiều người bỏ mạng đầy bí hiểm và oan nghiệt từ cái cơ quan thực thi pháp luật ấy, nơi mà lẽ ra không bao giờ nên có những cái chết ấy thì lại luôn có những cái chết khủng khiếp như sét đánh xuống đầu. Oan nghiệt quá...
Những hình ảnh ghê rợn, những thân người bầm giập, những dấu vết khủng khiếp của bạo hành, sự gào thét vật vã của người thân của nạn nhân, cùng một màn im lặng đáng sợ của những người thực thi pháp luật và sự im lặng khó hiểu của các cơ quan thông tin đại chúng là những đặc điểm giống nhau của những vụ việc này. Điều giống nhau nữa là sự tái diễn, lập đi lập lại, khi dư luận về vụ chết người trước chưa dịu đi thì lại có vụ sau lại bùng lên dữ dội hơn....
Nhưng tại sao vậy, tại sao cái chết vừa bí hiểm, vừa đáng sợ cứ rơi lên đầu của những công dân trẻ tuổi, khoẻ mạnh và không hề bệnh hoạn khi họ có rắc rối và phải trải qua sự can thiệp cũng như trải quá những giờ phút cuối cùng của đời họ ở trong cơ quan công an ? Tại sao những nạn nhân đó lại chết thảm khi dính líu đến cơ quan công an, mà nói thẳng ra là họ sẽ không chết nếu không phải làm việc với những người thực thi pháp luật, họ sẽ không chết nếu không bị mời, bị tạm giữ, tạm giam ở cơ quan thực thi pháp luật đó.
Đau lòng hơn nữa là những cái chết như em luôn không phải lỗi của nghành công an, luôn không phải lỗi của những người thực thi pháp luật đã bắt giữ nạn nhân như em. Những kẻ sát nhân, dù vô tình hay cố ý đều là sát nhân nhưng những kẻ gây ra cái chết của em, hay những nạn nhân khác luôn không phải là kẻ sát nhân chỉ bởi vì họ là người thực thi pháp luật, và mặc bộ sắc phục của ngành CA chăng ?
Chỉ khi nào ta chỉ đích danh những kẻ dính líu đến cái chết của em Dư, hay đến những cái chết của các nạn nhân giống em là những kẻ sát nhân, thậm chí là những kẻ sát nhân khốn khiếp nhất vì chúng phạm tội trong khi mặc sắc phục, và xử tội chúng như những kẻ sát nhân thực sự thì mới mong không còn những nạn nhân phải chết thảm như em Đỗ Đăng Dư....
MTA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét