19/8/14

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV - Tenzin Gyatso.



Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 được rất nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ không phải chỉ vì Ngài một nhà lãnh đạo của một tôn giáo hay một chính thể mà là vì Ngài là một tấm gương kiên trì đấu tranh bất bạo động cho quyền độc lập Tây Tạng và là một người thi hành không mệt mỏi trong suốt nhiều thập niên để mưu cầu hạnh phúc cho mọi tha nhân không phân biệt tôn giáo sắc tộc và truyền bá tư tưởng từ bi vị tha. Ngài nhận giải Nobel Hoà Bình năm 1989. 

Phật Giáo Tây Tạng và Truyền Thừa Đạt-Lai Lạt-ma:

Khi nhắc đến Tây Tạng thường sẽ gợi nhớ cho người đọc về hình ảnh của một đất nước đầy màu sắc thần bí huyền hoặc. Một trong những nguyên do của sự kiện này là vì vị trí địa lý và truyền thống tôn giáo đặc sắc của xứ Tây Tạng.Đây là vùng đất có độ cao trung bình trên 4200m thuộc về dãy núi Hymalaya lạnh lẽo ở giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Với vị trị địa lý hiểm trở, mãi đến thế kỉ 18 xứ Tây Tạng vẫn còn tương đối cô lập so với thế giới bên ngoài và do đó người dân bản địa có thể giữ được truyền thống văn hóa đặc thù riêng của vùng đất này. Do có chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa Ấn-Trung nên các phong tục tập quán sống của người Tây Tạng xưa rất đặc biệt vừa pha trộn sắc thái đa thần của Bà-la-môn giáo, Phật giáo từ Ấn Độ và nhiều tập quán du nhập từ Trung hoa.

Phần khác quan trọng hơn, đây là nơi mà hơn 99% người dân đều theo Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Mật tông hay còn gọi là Kim Cương thừa. Về triết lý thì giáo lý Trung Quán truyền lại từ bồ tát Long thọ và các đệ tử của Ngài được xem như là cốt lõi giáo lý Phật giáo ở đây, nhưng với một quan điểm thực hành đặc thù. Người theo bộ phái Kim Cương Thừa chú trọng hai khía cạnh tu học chính đó là Phương Tiện vàTrí Huệ. Phương tiện tu học Mật tông là một trong những nét độc đáo mà không bộ phái Phật giáo khác nào có được. Bên trong Mật thừa còn có nhiều bộ phái nhỏ; tựu trung giáo lý có khoảng 4 lớp nguyên lý cơ bản. Lớp nguyên lý tu học cao nhất được gọi là "Mật tông Du-già Tối Thượng " (Anuttarayogatantra). Nguyên lý này bao gồm cả các thực hành thiền định sử dụng nhiều yếu tố tâm lý, như là việc hình tượng hóa các kinh (mạch) năng lực của thân thể, các năng lực luân chuyển trong các kinh mạch, 'các gìọt vi tế' vân vân. Những yếu tố tâm lý này có tác động khai mở các năng lực tiềm tàng bên trong thân tâm nhằm giúp hành giả tu học được nhanh hơn và tùy trường hợp còn có thể đạt tới một số năng lực siêu nhiên khác (như là năng lực tự soi rọi được các tiền kiếp). Một số phương tiện khá nổi tiếng của Mật tông đã được nhiều người biết đến là: Mật chú (các thần chú), Thủ Ấn (hay bắt ấn trên tay), và một kĩ thuật đặc sắc đầy tính nghệ thuật là Mạn-đà-la. Để bảo đảm được sự tu học thành công và tránh các hậu quả do việc tu tập sai lầm, phần nhiều các phương tiện tu học học này và nhiều kinh văn đặc thù chỉ được truyền dạy trực tiếp từ một đại sư. Tên gọi Mật tông có lẽ cũng là do từ đây mà ra. Điều này có thể là nguyên do chính tạo nên tính "huyền bí" ở Tây Tạng.

Khi đề cập đến việc thực hành Mật tông, đức Đạt-lai Lạt-ma 14, người được xem có vị trí tối cao trong Cách Lỗ Phái, giáo phái lớn nhất thuộc Mật tông, đã nhấn mạnh hai đặc tính cơ bản nhất của Đại thừa (từ tác phẩm "Tứ Diệu Đế" xuất bản năm 1997 -- chương Đạo Đế - phần Lộ Trình Kim Cương thừa ):

"...trong tất các các loại thiền định thì chìa khóa luôn luôn là đạt được bồ đề tâm và trực giác tính không a. Thiếu hai nhân tố này, không có cái nào trong những điều vừa kể có thể xem xét là các thực hành Phật giáo.


Vùng tô màu vàng là lãnh thổ của nước Tây Tạng trước đây


Vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 13

Bây giờ, ta hãy chuyển sang tìm hiểu sơ lược về truyền thống lựa chọn các vị Đạt-lai Lạt-ma. Ở Tây Tạng các vị Đạt-lai Lạt-ma được tin là đức Quán Thế Âm Bồ Tát tái sinh để độ chúng sinh. Theo từ điển bách khoa mở bằng Anh ngữ (en.wikipedia.org) thì dòng tái sinh này được truy cứu là có từ 1931. Các vị Đạt-lai Lạt-ma đều thuộc về trường phái Phật giáo Gelug (Cách Lỗ Phái)

Kể từ khi có danh hiệu Ban-thiền Lạt-ma, thì vị này giữ nhiệm vụ phát hiện hóa thân của đức Đạt-lai Lạt-ma tái sinh, và ngược lại, đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ là người quyết định lựa chọn ai là vị Ban-thiền Lạt-ma (tái sinh) kế tục.

Sẽ là một thiếu sót nếu không giới thiệu sơ lược về trường phái của các vị Đạt-lai Lạt-ma. Gelug hay còn gọi là Cách-lỗ phái được sáng lập từ ngài Tsongkhapa (Tông-khách-ba 1357-1419) một đại sư người Tây Tạng đã nhấn mạnh nguyên lý Đại thừa về từ bi vô lượng. Ngài đã kết hợp sự giác ngộ trực tiếp về tính không của hai vị Bồ tát Long Thọ (thế kỉ thứ 2) và Nguyệt Xứng (thế kỉ thứ 7) để giảng dạy về giáo lí Trung Quán (Madhyamaka). Cách-lỗ phái phát triển phương cách để giác ngộ tính không thông qua thiền định và các phương tiện tu học quan trọng nhất là kết hợp thiền định với các thực hành Mật tông như đã đề cập.

Chữ gelug có nghĩa là "tông phái của các hiền nhân" trong khi đó chữ "Cách-lỗ" là cách đọc phiên âm của chữ "Gelug".

Chữ Đạt-lai có gốc từ tiếng Mông Cổ có nghĩa là biển lớn, chữ Lạt-ma là chữ Tây Tạng dùng để chỉ các đạo sư. Chữ "Đạt-lai Lạt-ma" được hiểu như là một người có trí trí huệ sâu xa như biển. Danh hiệu này nguyên được Hoàng Tử Mông Cổ phong cho ngài Sonam Gyatso trong năm 1578 b , tức là vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 3 tái sinh từ hai vị thứ nhất và thứ nhì.

Kể từ đời Đạt-lai Lạt-ma thứ 5, lúc đó tên là Losang Gyatso, đã ban danh hiệu Ban-thiền Lạt-ma cho ngài Lobsang Choekyi Gyaltsen. Kể từ đó, danh hiệu này được các dành cho các hóa thân tái sinh của vị Ban-thiền Lạt-ma trước đó.

Chữ Ban-thiền (Panchen) là chữ ghép bởi hai từ "Pandita" và "Chenpo". Padita là chữ Phạn có nghĩa là "học giả" trong khi chữ "Chenpo" trong Tạng ngữ có nghĩa là "vĩ đại"

Bối Cảnh Lịch Sử và Thời Gian Ở Tây Tạng: 

Năm 1895 đức Đạt-Lai Lạt-ma thứ 13 nắm quyền thế tục , trong bối cảnh của hai cuộc thế chiến, năm 1913 Tây Tạng tuyên bố độc lập. Người Tây Tạng đã thành công trong việc đánh đuổi quân Trung quốc trong năm 1918. Nước Tây Tạng này đứng trước một mối nguy rất lớn từ hai phía: Anh-Ấn và Trung Hoa. Ngài Đạt-Lai Lạt-ma thứ 13 đã tìm cách giữ được trạng thái độc lập của Tây Tạng giữa hai thế lực này trong suốt 12 năm kể từ 1918 (nhờ vào một hiệp ước mong manh kí với các lân bang) và Tây Tạng đã đạt được công nhận của quốc tế. Vào năm 1935 vị Đạt-Lai Lạt-ma thứ 13 qua đời khi mà hoàn cảnh đất nước đứng trước các hiểm họa lớn, và ngài đã để lại một lời tiên tri về vận mệnh của nước Tây Tạng:

Điều có thể xảy ra ngay tại trung tâm của Tây Tạng, tôn giáo và nội các có thể bị tấn công từ bên ngoài và bên trong. Ngoại trừ chúng ta có thể bảo vệ quê hương của chúng ta, các vị Đạt-lai và Ban-thiền Lạc-ma, Cha và Con ... sẽ phải rời bỏ không kèn trống. Các Chùa chiền các sư, ni, đất đai tài sản của họ sẽ bị hủy hoại ... những viên chức của quốc gia sẽ thấy rằng đất nước họ bị xâm chiếm và tài sản của họ bị tịch thu, và họ hoặc tự mình phục vụ cho kẻ thù hay lang thang trong quê nhà như những kẻ ăn mày. Mọi chúng sinh sẽ bị chìm ngập trong đau khổ và sợ hãi bao trùm.

Nhiệm vụ lớn khi Đạt-Lai Lạt-ma thứ 13 qua đời cho chính quyền Tây Tạng là đi tìm hóa thân mới của ngài tức là đức Đạt-lai Lạt-ma 14.

Năm 1935, phái đoàn đã đến hồ Lhamo Lhatso ở Chokhorgyal cách thủ đô Lhasa của TâyTạng 90 dặm về phía Đông Nam. Đây là hồ linh thiên đối với người Tây Tạng, nhiều sự kiện tương lai có thể đọc thấy ở đây. Ngài nhiếp chính đã tìm được 3 chữ cái Tây tạng là Ah, Ka, và Ma theo đó là ảnh của một ngôi chùa với nóc ngọc xanh biếc và vàng và một ngôi nhà lát đá màu lam. Đến năm 1937 đoàn Lạt-ma cao cấp và các chức sắc dưới sự lãnh đạo của Lạt-ma Kewtsang Rinpoche trụ trì chùa Sera mang theo những sự kiện kì bí thấy được từ hồ nước đến Amdo và đã thấy được một nơi trùng hợp với các hình ảnh kì bí đó. Ngài Kewsang Rinpoche đã giả dạng làm những người hầu, ông đeo một một tràng hạt của đức Đạt-lai Lạt-ma 13 và chánh văn phòng Lobsang Tsewang giả làm người thị giả.

Khi tới nơi, một đứa bé hai tuổi trong ngôi nhà nhận ra được xâu chuỗi và yêu cầu trả lại cho bé. Ngài Kewsang Rinpoche đồng ý nhưng với điều kiện là đứa bé đó phải đoán được ông là ai. Đứa bé đã trả lời "Sera aga", trong nghĩa của tiếng địa phương là "một Lạt-ma từ Sera". Sau đó Rinpoche hỏi tên người chủ, đứa bé trả lời đúng tên ông ta; và còn biết cả tên của người hầu thật sự của ông này. Sau đó, đứa bé cũng đã vượt qua hàng loạt thử nghiệm trong đó bao gồm cả việc lựa chọn đúng các món đồ dùng cá nhân để lại của đức Đạt-lai Lạt-ma 13. Đứa bé đó chính là ngài Đạt-lai Lạt-ma 14. Với các thử nghiệm đã đủ để tin đó chính là hóa thân của đức Đạt-lai Lạt-ma 13 tức là một kiếp tái sinh mới của đức Quán Thế Âm. Ngoài ra, các sự kiện lấy từ hồ Lhamo Lhatso cũng được giải đáp: chữ Ah có thể viết tắt cho Amdo, tên tỉnh lỵ; Ka là từ chữ Kumbum, tên của các ngôi chùa lớn nhất ở gần đó; và Ka và ma là tên của chùa Karma Rolpai Dorje ở trên núi gần ngôi làng.

Đức Đạt-lai Lạt-ma 14 ra đời ngày 6 tháng 7 năm 1935 tại ngôi làng nhỏ Taktser, phía Đông Tây Tạng gần biên giới Trung Hoa, trong một gia đình nông dân bình thường với tên khi chào đời là Lhamo Dhondup. Mẹ ngài lập gia thất từ lúc 16 tuổi và sinh nhiều con nhưng chỉ nuôi được 5 trai và 2 gái. Ngài được tìm thấy khi mới hai tuổi.

Ngài được đặt tên lại sau đó là Jetsun Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso -- được nhiều mệnh danh như Thánh Nhân, Hào Quang Êm Diệu, Từ bi, Hộ Pháp của Đức Tin, Biển của Trí Huệ hay đơn giản gần đây là Kundun.

Ngài lên ngôi ngày 22 tháng 2 năm 1940 lúc năm tuổi.

Tại Lhasa, ngài được dạy nhiều môn trong đó có Phạn ngữ, Y học và chủ yếu là Phật học. Tuy nhiên, trong một tác phẩm, ngài đã tự thuật rằng thuở thiếu thời là một đứa trẻ rất tò mò táy máy, yêu khoa học:

Việc thấy được tầm quan trọng to lớn của khoa học và việc công nhận tư thế thống trị không tránh được trong thế giới hiện đại đã làm thay đổi thái độ của tôi một cách cơ bản từ việc tò mò sang một kiểu hành động gấp rút.

...Tôi muốn tìm hiểu khoa học vì nó cấp cho tôi những lĩnh vực mới để khám phá trong cuộc truy tìm cá nhân để tìm hiểu bản chất của thực tại.

Theo lời tự thuật, thì Ngài đã là một trong số ít người Tây Tạng rất trẻ biết tự mày mò tháo gỡ để lắp sửa các loại đồng hồ và nhiều máy cơ khí khác khi còn sống ở Tây Tạng.

Có lẽ, tinh thần yêu khoa học này cũng đã ảnh hưởng đến nhiều hoạt động cho phép các nhà khoa học, vật lý học, và thần kinh học; tham gia các hội thảo nghiên cứu với các thiền sư đã chứng ngộ cao thâm về những lĩnh vực có liên quan đến triết học Phật giáo, vũ trụ quan và thần kinh học sau này.

Năm 25 tuổi (1959) ngài đã hoàn tất được trình độ Geshe Lharampa tức là học vị tiến sĩ Phật học.

Vào tháng 11 năm 1950 ngài được cho phép tiếp tục vị trí chính trị của mình như là người đứng đầu chính phủ ở Tây Tạng sau khi quân đội Trung Quốc lấn chiếm. Đến năm 1954, ngài đến Bắc Kinh để tìm cách đàm phán hòa bình với các nhà lãnh đạo Cộng Sản trong đó bao gồm cả chủ tịch Trung Quốc bấy giờ là Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đến năm 1956, nhân dịp kỉ niêm 2500 Phật đản, ngài đã có Nhiều cuộc họp với thủ tướng Ấn độ là Nehru và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai để bàn về các điều kiện làm hư hại Tây Tạng.

Các nỗ lực chống đối của dân Tây Tạng đối với sự chiếm đóng của quân đội Trung Quốc ngày càng tăng. Tháng 10 năm 1959 tại Lhasa đã xảy ra cuộc biểu tình bất bạo động lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng để đòi quyền độc lập. Kết quả là quân đội Trung quốc đã đàn áp dã man cuộc biểu tình này.Tổng cộng từ lúc Trung Quốc chiếm đóng, đã có đến hàng chục ngàn chùa chiền bị tiêu huỷ và rất nhiều di sản quý liên quan tới Phật giáo ở đây bị cướp phá nghiêm trọng và hơn 87,000 Phật tử Tây Tạng bị giết. Những hành động tiếp theo của quân đội Trung Quốc có chỉ đấu cho thấy họ muốn giết đức Đạt-lai Lạt-ma.

Do đó, vào ngày 17 tháng 3 1958, Ngài đã quyết định đào thoát sang Ấn độ và cùng với hơn 80 ngàn người Tây Tạng tỵ nạn hình thành một cộng đồng Tây Tạng tại Dharamsala.

Vietsciences - Làng Đậu 

Không có nhận xét nào: