21/8/14

Tây Tiến - Thơ Quang Dũng

GIỚI THIỆU NHỮNG BÀI THƠ HAY

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa...


Khi nước nhà mới giành được độc lập, đã có những cuộc hành binh theo tiếng gọi của chính phủ VNDCCH. Như Nam tiến xuống với đồng bào miền Nam, còn Tây tiến sang nước bạn Lào. Đây là  cuộc hành binh gian nan, đồi núi chập trùng, rừng thiêng nước độc của một đội quân mới được thành lập vội vã, thiếu thốn trang bị, vũ khí, lương thực...và cuộc hành quân sang Lào đã kết thúc trong thất bại. Các chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến ấy hầu hết là những thanh niên học sinh của đất Hà Nội tràn đầy lòng nhiệt huyết và sự ngây thơ trong sáng của các chàng trai mới lớn, mộng mơ được đi làm Cách Mạng trên toàn thế giới...Họ hành quân trên con đường mịt mù, diệu vợi ngày càng xa cách quê hương xứ sở, để rồi lần lượt gục ngã và gửi thân trong những nấm mồ hoang nơi rừng sâu núi thẳm, và trở thành những linh hồn bơ vơ nơi xứ lạ quê người...
Có lẽ những chiến binh đã hy sinh đó cùng với cuộc hành binh Tây Tiến hào hùng sẽ đi vào quên lãng, như một sự che dấu thất bại hoặc ai đó đã muốn quên đi, nếu không có một người trở về từ cõi chết của một đoàn quân đã chết...Đó là nhà thơ tài năng Quang Dũng. Ông có mặt trong đoàn quân ấy, và đã may mắn sống sót trở về, và thế là chúng ta mới có được một bài thơ tuyệt vời cùng với sự thật đau lòng về những chiến binh gục ngã khi đời còn rất trẻ, nhiều người đã hy sinh khi chưa đủ tuổi trưởng thành...
Nhưng Quang Dũng không bi thảm hóa cuộc thất trận, mà ngược lại ông hào hùng hóa những cái chết của đồng đội khiến bài thơ mang đầy  xúc bi hùng của thể thơ chiến tranh. Nhưng điều chúng ta biết trong bài thơ trên không chỉ là chết chóc khổ sở mà còn có cả sự hào hùng, ngạo nghễ của những chàng chiến binh - thư sinh chưa đánh trận nào nhưng lại thách thức cả cái chết. Mặc cho gian nan, khốn khổ, và hao hụt vì chết dần chết mòn nhưng đoàn quân trẻ ấy như không hề nao núng vẫn tiếp bước để đi đến đích cuối cùng....Và thật đúng giờ khắc khi đất nước chúng ta đang gặp cơn thử thách do kẻ phương Bắc xâm lấn, thì xem lại những bài thơ hào hùng như bài thơ này để cho dòng máu anh hùng của các chiến binh năm xưa được cuộn chảy trong mỗi người dân Việt ta...
Đọc bài thơ, ta thấy như rung động hết các tầng nấc cảm xúc khi những câu thơ hào sảng, đầy uy lực mạnh mẽ của một bài thơ viết về đề tài chiến tranh, về những anh hùng vô danh cứ vụt sáng rồi lại vụt tắt như những ngội sao băng, cứ tuôn ra cuồn cuộn từ đầu đến cuối...Những câu thơ hùng tráng như những lời tụng ca có cánh viết về một cuộc chiến của những chiến binh đã chết khiến cho chúng ta không thể không đau lòng nhưng cũng khiến cho chúng ta đồng cảm, đồng hành với họ....và cả bài thơ chết chóc đó là những điểm nhấn đối nghịch khi miêu tả các chiến binh đang ngẩng cao đầu để đi vào cõi chết với những niềm vui sướng trẻ con như đêm vẫn mơ về quê hương, về Hà Nội với những nàng Kiều thơm, tức là những nàng Kiều không phải nàng Kiều trong chuyện Kiều, mà là những nàng Kiều trong trắng người yêu của họ, hay các cuộc vụi hội đuốc hoa, với những điệu múa Lâm thôn và điệu khèn e ấp :
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Trên con đường hành quân mịt mù giữa cuôc núi rừng hiểm trở, hoang vu khắc nghiệt nước Lào của các chiến binh non trẻ nhưng lại thật già dặn, thật dữ dội với dòng máu Lạc Hồng khi họ chấp nhận cái chết một cách thật nhẹ nhàng, thật giản dị như một cuộc đời :'bị bỏ quên" vậy, khiến người đọc bùi ngùi..
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Và hai câu thơ kết của bài thơ thì thật sự là không thể nào dữ dội hơn là một lời thề giản dị của một chiến binh sắp chết, đang chết và đã chết,...những ước vọng lớn lao và cuối cùng của những chàng trai thanh niên lính ấy lại là một ước mơ thật giản dị, thật thanh thản nhẹ nhàng…Một ước mơ mà chỉ có thể là của một con người chấp nhận hiến dâng đời mình cho Tổ Quốc. Đó là dẫu có chết cũng phải đến được đích. Và các chàng trai trẻ ấy, khi đêm ngủ vẫn còn mơ về Hà Nội với những bóng "Kiều thơm", đã để lại những lời quyết tâm cuối cùng giống như lời hờn dỗi của một đứa trẻ , nhưng lại cũng là lời thề sắt son nhất :
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Người đọc muốn khóc khi biết được quyết tâm của các chiến binh Tây Tiến ấy. Vâng, phải đi được đến cái đich cuối cùng, cái đích ấy là Sầm Nứa, Nếu có chết, thì "hồn" của họ cũng quyết theo đoàn quân đi tới cái đich cuối cùng, chứ nhất định không chịu trở về xuôi, nơi có quê hương, có cha mẹ và những nàng Kiều thơm đang đợi chờ...
MTA

Tây Tiến

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Phù Lưu Chanh, 1948

QUANG DŨNG

Không có nhận xét nào: