Thật chẳng giống ai khi hiện nay đất nước chúng ta đang ở trong tình trạng "chiến tranh" với nước Đức. Tất nhiên là cuộc chiến này không phải đánh nhau, không có người chết nhưng vẫn có thể gây nên thảm họa kinh tế nếu không biết hành xử khéo.
Tất cả bắt đầu từ vụ đào thoát của ông Trịnh Xuân Thanh, cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang sang bên Đức. Rồi không hiểu ma đưa lối hay quỉ dẫn đường mà Trịnh Xuân Thanh đã gặp được Người Buôn Gió, một người viết blog tài hoa và cũng là một chiến sĩ đấu tranh dân chủ có tiếng. Người Buôn Gió vẫn viết chống chế độ và đề tài ưa thích của anh là đả kích các lãnh tụ ở Hà Nội. Nhưng ở góc độ của Gió thì những bài viết của anh không đáng tin, nhất là những bài viết nặng thuyết âm mưu về ban lãnh đạo CSVN. Về các cuộc đảo chính cung đình đầy chất phiêu lưu hay các cuộc thanh trừng không có thật. Nhưng khi kết hợp với Trịnh Xuân Thanh thì như một quả bom hạt nhân nổ tung vậy. Thôi thì vô số những chuyện trên trời dưới đất, chuyện thực hư về chế độ Hà Nội được tung ra với tiêu đề :"Trịnh Xuân Thanh - Con dê tế thần" nhưng đều trên tường nhà Gió và do Gió viết. Chả biết Thanh xui Gió hay Gió xúi Thanh chửi bậy mà giờ thì Thanh lãnh đủ, và sẽ phải trải qua phần còn lại trong tù, trong khi Gió nhà ta cười như Nghé....
Ta sẽ bỏ qua chuyện kết hợp của kẻ cắp bà già này với nhau đi vì đến bây giờ thì đã rõ ràng là hai kẻ lợi dụng nhau mà thôi nhưng Gió và phong trào dân chủ lợi nhiều hơn. Còn Trinh Xuân Thanh đúng là một con dê tế thần lãnh đủ cơn thịnh nộ của những người vốn là cấp trên của ông ta và bị ông ta chửi bới suốt nhiều tháng liền. Việc lãnh đạo cho bắt cóc Trịnh Xuân Thanh quả là quá dở nhưng chúng ta cũng phải xét đến tâm lý lãnh đạo luôn bị ám ảnh bởi hai thằng dở người nó chửi. Việc TXT bị bắt cóc về nước cũng chỉ bởi vì sự chửi bới vu khống lãnh đạo cùng Người Buôn Gió chứ không phải chỉ vì cần ông ta cho phiên tòa thất thoát tiền của cơ quan ông ta. Âu cũng là một cái giá phải trả cho những kẻ phản bội, dù phản bội ai...
Trở lại chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thì quả thực lúc đầu người Đức cũng không có ý định làm căng vấn đề. Trịnh Xuân Thanh đến đất nước họ một cách bí mật, và khi anh ta xin tỵ nạn chính trị thì đã bị từ chối. Trừ vợ con anh ta được chấp nhận thì cá nhân của Trịnh Xuân Thanh bị hẹn lại, bước đầu của quá trình xét không công nhận qui chế tỵ nạn. Nhưng đáng tiếc là qua việc xin tỵ nạn này, Trịnh Xuân Thanh đã bị lộ hàng cùng với địa chỉ đầy đủ ở Berlin, và mật vụ Việt Nam đã nhanh chóng nhập cuộc để bắt cóc anh ta. Có một lý do nhỏ nhoi để bênh vực cho Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh chưa hề có qui chế tỵ nạn ở Đức và đương nhiên vẫn là công dân Việt Nam, nên Việt Nam có quyền xử lý. Nhưng người Đức không chấp nhận với lý do là Việt Nam đã hành xử việc bắt cóc này trên đất của họ. Vi phạm nghiêm trọng đến luật lệ quốc tế...
Ở đây sự tranh cãi không còn là tỵ nạn hay không nữa mà là Việt Nam có bắt cóc Trịnh Xuân Thanh như người Đức tố cáo hay không ? Có 3 cách để biết được điều đó. Thứ nhất do chính Trịnh Xuân Thanh trả lời có bị bắt cóc hay không nếu anh ta được tự do trở về Đức. Thứ hai chính phủ Việt Nam thừa nhận đã bắt cóc, và thứ ba là nước Đức phải điều tra ra vụ việc bắt cóc đó. Có lẽ nước Đức đã nhìn thấy khó khăn thế nào khi đòi hỏi điều thứ nhất là để Trịnh Xuân Thanh tự do trở về Đức, nên họ đã tự bỏ đi điều này. Nhưng qua thời gian, người Đức cũng thấy được sự quyết tâm, hay sự lỳ lợm của chính phủ Việt Nam trong việc không thừa nhận chuyện bắt cóc. Nên người Đức chỉ còn dồn sức vào hướng điều tra của riêng mình. Nhưng đây cũng là việc không dễ vì nắm được bằng cớ rõ ràng của vụ việc bắt cóc là chuyện khó khăn vô cùng. Nên tóm lại thì việc này sẽ nhùng nhằng kéo dài không biết đến bao giờ. Nước Đức dĩ nhiên sẽ không từ bỏ quyết tâm làm ra chuyện, còn Việt Nam thì vừa lỳ lợm như một con bò húc đầu vào đá, vừa cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, Còn dân đen chúng ta sẽ còn có nhiều phim hay để coi chùa, nhất là khi vụ án Trịnh Xuân Thanh được khai mở...
Hoan hô anh Trịnh Xuân Thanh,
Anh về phân bắc, phân xanh lại về...
Mai Tú Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét