14/1/15

Đôi điều cảm nhận về ông Nguyễn Bá Thanh - Vũ Đan Thành

Ông Nguyễn Bá Thanh, ai cũng biết là ông đang điều trị căn bệnh hiểm nghèo tại Mỹ mà trước đó, ông đã từng là người đứng đầu Đà Nẵng với vai trò chủ tịch rồi bí thư thành ủy, sau đó được TW điều lên làm trưởng ban Nội chính TW vừa mới được thành lập lại và kiêm luôn phó ban phòng chống tham nhũng vừa chuyển từ Chính phủ sang Bộ Chính trị. Rồi sau đó, ông được tiến cử vào Bộ Chính trị nhưng không thành. Những việc làm mới của ông trên cương vị mới này mới chỉ là khởi đầu qua một vài vụ án trọng điểm quốc gia và rất được dư luận quan tâm.



Tôi mến mộ ông Nguyễn Bá Thanh là điều đương nhiên. Bởi vì, ông cũng tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I, Gia Lâm, Hà Nội như tôi, chắc trước chừng độ mươi năm. Mà lại là cùng ngành trồng trọt nữa chứ. Hơn nữa, sau khi ra trường, ông đã đảm nhận từ chức chủ nhiệm Hợp tác xã (Một chức danh có dấu nhưng thấp nhất trong ngành nông nghiệp của Việt Nam). Làm sao mà không ngưỡng mộ khi ông đã kinh qua bao nhiêu chức vụ trong ngành nông nghiệp trước khi chuyển sang làm chính trị.
Gần đây, ông đang điều trị bệnh tại Mỹ (cầu mong cho ông tai qua nạn khỏi). Nhưng có một điều là dư luận cả lề trái và lề phải đã quan tâm quá mức đến ông. Cứ như thể ông là nhân vật kiệt xuất mà bao người dân (Đà Nẵng và nhiều nơi khác) đang kỳ vọng ngóng chờ. Giả dụ như ông Nguyễn Bá Thanh vẫn khỏe mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (mới) của Đảng giao cho đi chăng nữa, thì cũng chỉ là giải quyết cái phần ngọn của những vấn đề đang tồn tại trong xã hội ta mà thôi. Cái gốc, cái rễ, cái căn bản, ông Nguyễn Bá Thanh đã làm được gì?
Hãy nhìn các công việc mà ông đã làm tại Đà Nẵng…
Đã có không biết bao nhiêu bài báo, tại cái thành phố trực thuộc TW này, ca ngợi về ông, tôi không nhớ hết. Có những bài ca ngợi về ông, rằng mặc dù là một quan chức to, nhưng vẫn xuống từng cơ sở, gặp gỡ những người dân thường, những anh lái xe ôm, nhưng ông chồng hay đối xử thô bạo với vợ. Đã từng có quá nhiều những nhà lãnh đạo nổi tiếng ở các nước đã từng làm như vậy. Nào là vị lãnh tụ nọ đến thăm nhà trẻ kia, bồng bế các cháu lên hôn hít. Nào là các vị lãnh đạo thường xuyên xuống thăm hỏi động viên và khen ngợi các cơ sở sản xuất công nông nghiệp. Có vị còn không ngần ngại cầm sợi dây gầu tát nước. Có vị còn vấn khăn, xõa tóc tự tay cầm cái cày mà đằng trước là con trâu lực lưỡng và một anh lực điền đang dắt đi để cho đường cày tiến về tương lai được thẳng tắp. Chỉ thiếu có nước các vị này chưa cởi trần đóng khố nữa mà thôi. Rồi bao nhiêu vị lãnh đạo đã bước chân xuống phố gần thời điểm cận giao thừa tết Âm lịch, để chúc tết (cho phong bì) những người lao công tận tụy, đã ngày đêm không quản ngại gió sương làm cho bộ mặt của thành phố, huyện thị được bóng lộn mỗi khi mùa xuân đến. Hay đi thăm, gởi quà động viên các tổ chức từ thiện này khác...
Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, thì những vấn đề này cũng trở thành quá cũ và lạc hậu rồi. Có điều, nó mang lại niềm quý trọng của những người dân bình thường đối với một quan chức, mà đa phần khi nói đến từ “Quan chức” thì người dân đều nghĩ đến cái thói cửa quyền, hạch sách, nhũng nhiễu, thận chí là tham nhũng nữa. Ở các nước khác thì người ta gọi những cử chỉ thân thiện đó bằng một cái cụm từ thực dụng hơn, đó là “Lấy lòng cử tri”.
Vì những việc làm như vậy, mà ông Nguyễn Bá Thanh đã trở nên rất gần gũi với người dân Đà Nẵng.
Người ta và các báo giới nói nhiều đến những buổi diễn thuyết hàng vài tiếng đồng hồ làm mê ly các thính giả ở các hội trường của Đà Nẵng. Ngoài những vấn đề ông đã diễn thuyết rất gắn với thực trạng và yêu cầu của xã hội đã chiếm được cảm tình người nghe, thì cũng phải nói là ông thực sự có tài hùng biện qua các diễn văn mà ông đã nói chứ không cẩm khư khư tờ giấy để đọc như đa phần các quan chức của nước ta. Làm sao người dân không ngưỡng mộ khi ông mạnh dạn đề cập rất nhiều vấn đề nóng bỏng của xã hội kia chứ? Làm sao mà không ngưỡng mộ khi chủ tọa là một người có gương mắt điển trai, mạnh mẽ và giọng nói trầm hùng hào sảng của một chính trị gia mà trước kia đã từng là ông kỹ sư nông nghiệp cơ chứ?
Nhưng qua những buổi diễn thuyết như vậy, những kẻ sỹ trong thiên hạ cũng chỉ đánh giá: Đó là một người ăn to nói lớn, một nhà hùng biện mà thôi. Nhưng cũng cần biết rằng, một khả năng hùng biện cũng đã góp phần tạo nên một Hugo Sanchez tại Venezuela, Nelson Mandela ở Nam Phi hay Fidel Castro ở Cu Ba đó. Ông nói nhiều về nạn quan liêu và tham nhũng tại địa bàn Đà Nẵng, nhưng giải quyết cũng chỉ được phần nào mà thôi. Việc tạo ra các cơ chế để chống quan liêu, nhũng nhiễu hay tạo ra động lực cho phát triển kinh tế của ông, chưa thể ví được với việc khoán sản trong nông nghiệp của ông Kim Ngọc, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc khi xưa.
Điều mà ông Nguyễn Bá Thanh làm được tại Đà Nẵng, như nhiều báo đài ca ngợi là đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố. Đó là điều cần phải thừa nhận. Nhưng nhìn vào cách mà ông cùng ban lãnh đạo làm thì thấy rằng. Điều này cần phải phân tích thấu đáo hơn nữa…
Cái bộ mặt nhìn thấy ngay là những cây cầu gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Bá Thanh. Cây cầu thứ nhất được mang tên ông (ông đáng được thế mà). Xin vui lòng xem thêm tại trang sau đây đăng lúc 7 giờ ngày 4-1-2014, cách đây 15 giờ):
http://vtc.vn/vi-sao-nguoi-da-nang-kinh-yeu-ong-nguyen-ba-t…
Vẫn đề là những cây cầu đó đã làm như thế nào?
Cây cầu thứ nhất (Chắc là nhỏ nhất rồi) được làm khi ông còn đang là giám đốc một nông trường và là phó bí thư huyện ủy. Khi đó ông đã lặn lộ lên trung ương để xin kinh phí ưu tiên cho vùng khó khăn. Chiếc cầu hoàn thành nhờ tài tháo vát, quan hệ của bản thân ông đó. Điều này làm người viết nhớ đến một chuyện có thật tại quê hương mình. Khi đó có một anh bộ đội đã hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, một thời gian ngắn làm công tác đoàn đã được đưa vào làm phó chủ nhiệm hợp tác xã, phụ trách nông nghiệp. Chức phó kia phụ trách về ngành nghề… Khi đó còn bao cấp rất nặng nề. Mọi thứ vật tư nông nghiệp đều được rót từ trên huyện. Anh phó chủ nhiệm này rất năng động tháo vát và cực kỳ nhiệt tình với phong trào, nên đã nhiều lần trực tiếp lên huyện để xin vật tư phân bón về cho xã viên. Đến lúc căng quá mà chưa được. Các bác xã viên thì ngày đêm mong ngóng phân đạm ure để bón cho cây lúa chiêm đang đói dinh dưỡng mà vàng ệch trên cánh đồng. Anh phó chủ nhiệm đã phải vác chiếu lên huyện để rồi rải chiếu ra ăn chực nằm chờ mấy đêm tại cửa phòng căn hộ tập thể của bà Bí thư Huyện ủy (khi đó đang ở tập thể). Vài đêm gió rét như vậy, bà lãnh đạo không khỏi động lòng đành phải cấp cho vài xe phân đạm mang về. Bà con xã viên đã coi anh phó chủ nhiệm như một người anh hùng. Tiếng tăm trong làng của anh phó chủ nhiệm đã át cả vai trò của anh chủ nhiệm bấy giờ(!)
Tôi thực sự không có dụng ý nói xấu ông Nguyễn Bá Thanh. Nhưng việc đánh giá của người dân cũng cần phải xem xét trong bối cảnh chung.
Những cây cầu sau, thì chủ yếu được đóng góp của các doanh nghiệp, phần nhỏ của người dân và phần chính vẫ là của nhà nước. Chứ không phải những cây cầu này do nền kinh tế Đà Nẵng phát triển và sinh ra trong thời gian đó. Với vị trí chiến lược của Đà Nẵng thì việc tập trung phát triển cho nơi này từ nguồn ngân sách của trung ương là đương nhiên. Thực hiện điều này thì đâu có khó. Các lãnh đạo địa phương ai chả thích xây dựng mới. Thậm chí chưa hỏng đã phá đi để sửa rồi để tiêu hết kinh phí đi chứ. Bộ mặt dược thay đổi. Nguồn kinh phí khổng lồ này sẽ tản dần vào những người sản xuất vật liệu, những người thi công và những người được nhận đền bù giải tỏa. các vị lãnh đạo thì được nhận lời cảm ơn và ca ngợi. Một vị lãnh đao mới được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh ủy một tỉnh nọ, do có mối quan hệ tầm cao, đã xin hàng vài ngàn tỷ đồng từ ngân sách về cho tỉnh ấy, thế là bộ mặt đia phương đó thay đổi đến chóng mặt luôn. Các trụ sở chính quyền địa phương cấp xã có khi đã là vài tòa nhà 3 - 4 tầng hiên ngang tọa lạc chỉ để quản lý khoảng hơn ngàn người dân vẫn còn làm nông nghiệp. Vài ngàn người khác đã vào làm việc tại các công ty cả rồi.
Người nước ta luôn biết trước biết sau, thử hỏi có nên ca ngợi vị lãnh đạo nọ hay không chứ. Mới có vài năm thôi mà…
Tôi không nghĩ là ông Nguyễn Bá Thanh đã can thiệp và các thiết kế của các cây cầu tại Đà Nẵng vì ông còn quá nhiều việc phải làm. Nhưng những người thực thi dưới quyền ông đã tạo ra những cây cầu cực kỳ hoành tráng, một nguồn điện lớn để chi phí cho các thiết bị chiếu sáng để thể hiện ý chí vươn lên của thành phố thông qua các hình tượng con rồng đang bay lên trên sông Hàn. Đó cũng không hẳn đã đúng nghĩa là nghệ thuật, mà chỉ là một sự phô trương vẫn thường diễn ra tại các thành phố ở một số nước, nhất là Trung Quốc... Khi chọn nơi để chữa trị căn bệnh hiểm nghèo, ông chỉ hé mở cho chúng ta một diều gì đó mơ hồ và xa xôi lắm mà thôi.
Những việc hô hào, những việc gương mẫu, căm ghét những tệ nạn xã hội, những cách sống trong sạch và yêu thương đùm bọc mọi người cũng chỉ có tác động phần nào đến xã hội mà thôi.
Điều quan trọng nhất của một nền kinh tế của mỗi nước là ĐÂU LÀ ĐỘNG LỰC CHÍNH CỦA SỰ PHÁT TRIỂN. Thì tôi chưa thấy ông Nguyễn Bá Thanh và các cộng sự của ông động chạm thực sự vào. Một sự phát triển tự thân nó một cách ổn định và bền vững mới là vấn đề căn bản (Vấn đề động lực của phát triển, xin có dịp được quay lại sau)
Tôi là một người đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với lòng ngưỡng mộ một người đồng nghiệp đi trước là ông Nguyễn Bá Thanh, xin có bài viết này với mong muốn rằng tất cả những người đã quan tâm đến ông, cũng đừng nên quá đao to búa lớn, quá kỳ vọng hay bi quan về một cá nhân. Ông ấy là một trong vài trăm nhà lãnh đạo và hiện đang được giao một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước mà thôi.
Kính chúc ông những điều tốt đẹp!
Ngày 5 - 1- 2014
Vũ Đan Thành

Không có nhận xét nào: