Nhà văn Phạm Thành
Lang thang trên mạng, tình cờ đọc được truyện ngắn “Viên Đạn Cuối Cùng” của nhà văn Mai Tú Ân. Đọc xong trong lòng chợt rung lên cảm xúc về thân phận con người trong cuộc chém giết anh em Nam - Bắc tương tàn.
Nhà văn Mai Tú Ân |
Tôi chưa đọc nhiều tác phẩm văn học của nhà văn này. Qua câu chuyện, tôi dám chắc nhà văn Mai Tú Ân này là một người lính cầm súng và lâm trận mạc thực sự. Nếu không phải như vậy, ta sẽ không lý giải được, tại sao hồn cốt, tư tưởng và cả khát vọng của người lính lại gửi trong “Viên Đạn Cuối Cùng”. Chỉ có người lính lâm trận mạc, chiến đấu thực sự mới cháy bỏng khát khao cuộc chiến cần phải dừng lại, giết người và phá hoại phải dừng lại. Việc cầm súng, tuy là một nghĩa vụ thiêng liêng, nhưng là nghĩa vụ bắt buộc. Chiến tranh luôn không phải là cái đích của cuộc sống mà hòa bình mới là cái đích của cuộc sống. Mong muốn cuộc chiến đi tới viên đạn cuối cùng mới mang ý nghĩa chân chính của người cầm súng. Điều này đặc biệt đúng trong cuộc chiến Nam –Bắc - Huynh đề tương tàn diễn ra từ năm 1955-1975 trên quê hương Việt Nam ta.
Câu truyện thật lạ lùng và hấp dẫn khi hai người lính ở hai bên chiến tuyến nằm kề cận nhau trong trang thại bị thương nặng và đợi chết. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, cả hai đã “chiến đấu” với nhau về lý tưởng của mỗi bên khi tham gia cuộc chiến. Mỗi người đều có cái lý của mình. Nhưng cuối cùng, nhân bản trong mỗi con người có chung dòng giống Lạc Hồng đã trỗi dậy. Ta, Địch như không còn ranh giới. Hai người lính giành nhau và đồng ý chết cho nhau. Lý tưởng của hai người lính bị xóa nhòa. Chỉ còn lại tình yêu giữa con người với con người. Và đó là lý do viên đạn cuối cùng có thuốc súng đã không vang lên, nhường chỗ cho viên đạn cuối cùng là tình người, tình yêu quê hương đất nước có chung dòng máu Lạc Hồng đã vang lên.
Một câu chuyện khác lạ với chất lý tưởng nhân văn cao cả vượt hẳn lên những truyện ngắn khác viết về đề tài chiến tranh chống Mỹ, chống Việt Nam Cộng hòa trong mấy chục năm qua mà tôi đã đọc. Tôi có ao ước, giá như truyện ngắn này mà dựng thành phim, sẽ có tác dụng lớn trong việc hóa giải những khúc mắc, những căm hờn nhau trong quá khứ để Việt Nam bước lên con đường hòa giải, hòa hợp dân tộc, đoàn kết, chung tay xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, vững tin hòa nhập vào thế giới văn minh.
Không thể không mạnh mẽ kết luận “Viên Đạn Cuối Cùng” là một truyện ngắn hay thuộc tốp đầu về đề tài “Kháng chiến chống Mỹ, Ngụy” trong mấy chục năm qua mà tôi đã đọc. Nó khác hoàn toàn với hai truyện ngắn hay cùng đề tài chiến tranh “chống Mỹ Ngụy” mà tôi đã đọc trước đó. Đó là truyện ngắn: “Mảnh Trăng Cuối Rừng” viết vào những năm 70s ở thế kỷ trước của nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn “Như Thể Là Tình Yêu” viết vào đầu năm hai ngàn của nhà báo nhà văn Trần Mai Hạnh.
“Mảnh Trăng Cuối Rừng” ca ngợi những cô gái miền Bắc, đang ở tuổi xuân thì. Những cô gái, lẽ ra họ phải được sống trong yêu đương hạnh phúc lứa đôi. Nhưng vì sự nghiệp đấu tranh “thống nhất đất nước”, họ đã phải chấp nhận mất mát hy sinh, tình nguyện đi thanh niên xung phong, làm đường, bắc cầu trên tuyến đường rừng núi Trường Sơn cho quân lực miền Bắc tiến vào “giải phóng miền Nam”. Tôi đọc truyện ngắn này đã lâu. Nhưng tôi vẫn còn ấn tượng. Những cô gái thanh niên xung phong sống trong lán ở một cánh rừng với toàn là con gái. Ngày ngủ, đêm ra bám tuyến, làm đường, làm cọc tiêu dẫn đường cho đoàn xe qua lại. Tình yêu đôi lửa của họ gửi gắm vào những người lính lái xe. Những đoàn xe hũng dũng tiến vào chiến trường phía Nam hay lúc đoàn xe quay trở lại bao giờ những cô gái cũng trong tâm trạng hồi hộp, chờ đợi, khát khát trong nỗi niềm phải dấu kín trong lòng vì cấp trên cấm ngặt chuyện tình yêu đôi lứa. Truyện ngắn đã lan tỏa sự xúc động cho bao nhiêu người khi đọc và nghe đọc trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bạn đọc và các nhà phê bình văn học trong nước đánh giá đây là truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh hay nhất.
Còn “Như thể là tình yêu” miêu tả cái khốc liệt của chiến tranh khi một người lính Bắc Việt với một nữ du kích người địa phương phải dầm mình dưới nước lạnh trong một căn hầm trú ẩn mà phía trên là những người lính của phía Việt Nam Cộng hòa và lính Mỹ với lựu đạn và súng ống trong tay đang lùng sục, tìm diệt. Ở trong hầm trú ẩn đó, họ đã phải dùng nước ngập úng để sinh hoạt, từ rửa mặt đến uống nước cầm hơi. Trong hầm nước sinh hoạt đó có cả máu của người đàn bà đang ở kỳ hành kinh tháng. Một chi tiết kinh hoàng, gây ấn tượng mạnh cho người đọc khi Trần Mai Hạnh đưa chi tiết này vào truyện ngắn của mình. Cái ác liệt của cuộc chiến như được đẩy đến tận cùng thân phận con người cùng cái giá phải chấp nhận.
Rất tiếc, truyện ngắn “Như thế là tình yêu” ra đời sau, trong bối cảnh người đọc đã bội thực với đề tài chiến tranh từ một phía, nên không được mấy bạn đọc để ý đến, mặc dù đó truyện ngắn hay thuộc tốp đầu, kể cả về nội dung lẫn nghệ thuật thể hiện.
Tuy nhiên, cả hai truyện ngắn này mới viết về con người trong chiến trận của một phía và còn mang nặng tính chất thù nghịch bên địch bên ta. Chưa có cái nhìn khách quan cuộc chiến “Chống Mỹ cứu nước” là cuộc chiến giữa ý thức hệ cộng sản với ý thức hệ tư sản, của anh em một nhà “huynh đệ tương tàn”, dẫn tới nhận thức thiên lệch: chính nghĩa chỉ dành cho phía những người lính miền Bắc cùng tư tưởng phải chiến thắng “kẻ thù”; chưa chiến thắng, chưa đi đến thắng lợi cuối cùng thì cuộc chiến này chưa thể dừng lại.
Tôi cho rằng, đó là hạn chế về tư tưởng và nhân văn trong hai truyện ngắn nổi tiếng viết về đề tài chiến tranh ở “thời chống Mỹ cứu nước” này. Hạn chế này có phần ở vị trí tham gia cuộc chiến của hai nhà văn này, thực chất họ không phải là những người lính thật sự. Nguyễn Minh Châu là nhà văn mặc áo lính, Trần Mai Hạnh là nhà báo nhà văn tham gia chiến trường. Nhiệm vụ được giao của họ là quan sát và cổ vũ cho cuộc chiến của một bên với hệ tư tưởng và nhăn văn đã được cài đặt: Bên ta thì tốt và chính nghĩa. Bên ta chiến đấu vì lý tưởng, hy sinh, chịu đựng nhưng không bao giờ nản chí. Bên địch thì không có chính nghĩa và ác, chiến đấu chỉ vì tiền, là lính đánh thuê cho Mỹ - Ngụy. Vân vân
Nhà văn Mai Tú Ân thì khác. Trước khi viết truyện ngắn “Viên Đạn Cuối Cùng”, ông đã từng là một người lính trực tiếp tham gia chiến đấu như người cha đã sinh ra ông. Có lẽ từ vị thế đó mà ông cảm nhận về chiến tranh, cái giá của chiến tranh, mong muốn về chiến tranh khác hẳn hai nhà văn kia.
Mai Tú Ân biết rất rõ rằng, một viên bắn ra khỏi nòng súng, bên này hay bên kia, đều để lại sự đau thương mất mát cho con người. Đó là sự thật cay đằng mà ông không muốn nghe, muốn thấy. Đó cũng là nỗi lòng chân thật của một người trực tiếp tham gia vào những trận đánh nhau, chứng kiến cái chết từng ngày. Mai Tú Ân đã nhận ra, dù có say máu chiến trận cỡ nào, dù có mang lý tưởng hay lòng căm hận cỡ nào, bất kỳ một người lính chân chính nào cũng mong cuộc chiến kết thúc. Đó là lý do Mai Tú Ân chọn hai người lính, đối nghịch chiến tuyến, đều bị thương ác hiểm chờ chết nhưng lại kề cận bên nhau và “chiến” với nhau. Một góc nhìn chiến tranh và hòa bình khó và hóc hiểm. Nếu không có khả năng nhìn sự vật một cách sâu sắc cũng như khả năng diễn đạt dẫn chuyện, câu chuyện sẽ khô cứng, lý thuyết, sẽ rất khó thuyết phục được người đọc. Nhưng Mai Tú Ân đã rất thành công khi để cho hai người lính nói thật lòng mình, lý tưởng của mình, đất nước của mình rồi cuối cùng cả hai lại cam kết nhờ nhau kết thúc cuộc đời của nhau khi bên kia giành chiến thắng. Một chi tiết hiếm hoi trong truyện ngắn viết về đề tài này. Để rồi từ đó viên đạn cuối cùng không được bên nào bắn ra, không còn ai phải giết ai nữa. Vì hai người lính đều nhận ra bản chất thật của của chiến này và họ còn là người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng.
Sự thật của chiến tranh, tính nhân văn của cuộc chiến vì thế đã vượt tầm và hơn hẳn hai truyện ngắn kia.
Giá như truyện ngắn “Viên Đạn Cuối Cùng” được dựng thành phim, công chiếu, hẳn sẽ góp phần không nhỏ cho công cuộc hòa giải dân tộc đang nóng bỏng hiện nay.
Nhà văn Phạm Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét