Sáng sớm ngày 17/2/1979, đất nước Việt Nam của chúng ta đã chìm vào cơn thảng thốt, sững sờ bởi các đòn tấn công độc địa của Trung Cộng vào toàn tuyến biên giới vốn thanh bình phía Bắc. Ba mũi tiến quân của Trung Quốc đã đánh phủ đầu vào các địa điểm quan trọng và mở đầu cho một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài đến 10 năm giữa hai nước. Với những thông tin bị bịt kín mà nhiều năm sau này chúng ta mới biết thì ra đó chỉ là một cuộc chiến nhân danh bài học dạy dỗ nhau giữa các đồng chí, anh em. Hàng chục ngàn chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong tháng ấy cũng chỉ để giải quyết chuyện nội bộ, chuyện anh em thương nhau cho roi cho vọt...
Chúng ta hãy trở về cái thời gian đau buồn ấy để tưởng nhớ, để suy gẫm và để câu hỏi đau đáu với mình : Tại sao lại xảy ra điều đó ?
Sau khi thống nhất đất nước 1975 thì Ban Lãnh Đạo của Việt Nam đã như đi trên mây trên gió, và những tưởng tượng rằng nếu có sự giúp đỡ của ông anh Liên Xô thì Việt Nam sẽ là một quốc gia đầu bảng Đông Nam Á, sẵn sàng xung phong làm một tên xung kích khu vực cho các tham vọng của Liên Xộ. Được sự khuyến khích hào phóng của các đàn anh thì mặc dù quốc gia đang đói ăn từng bữa nhưng các thứ vũ khí trang thiết bị chiến tranh thì lại thừa thãi vô cùng. Và Cămphuchia dân chủ là kẻ nộp mạng cho người anh em CS Việt Nam. Thời của nước Camphuchia dân chủ cộng sản đã kết thúc, dù có là CS đi nữa thì cũng kết thúc. Thậm chí chính vì là các quốc gia CS mà họ mới đánh nhau và triệt hạ nhau như những phường thảo khấu lục lâm.
Dĩ nhiên Trung Quốc không chịu việc Việt Nam lật đổ chế độ Polpot, họ lại càng không chịu hơn khi Việt Nam ký Hiệp Định Tương trợ lẫn nhau với Liên Xô vào tháng 7/1978. Trong điều khoản Hiệp Định có các điểm như :"Liên Xô và Việt Nam sẽ tương trợ mọi mặt cho nhau. Nếu một nước nào bị tấn công thì nước kia sẽ trợ giúp tuỳ khả năng có thể". Có lẽ Việt Nam cần lấy điểm với người anh lớn Liên Xô bằng việc trở mặt với đàn anh Trung Cộng, kẻ thù của Liên Xô. Điều khội hài là Liên Xô và Việt Nam không hề bị nước nào tấn công cả, và nếu có nước nào đe doạ thì đó chỉ là Trung Quốc mà thôi.
Trong chuyến đi thăm Mỹ cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã công khai rằng, cần phải dạy cho Việt Nam một bài học. "Với thời gian hành binh sẽ không vượt qua thời gian chiến tranh với Ấn Độ 1963 (33 ngày), chiến trường là biên giới phía Bắc, không ném bom hay tấn công Hà Nội". Đó không phải là lời hăm doạ mà là một tối hậu thư đòi Việt Nam triệt thoái khỏi Cămpuchia. Lãnh tụ VN Lê Duẩn, vì những hiềm khích từ lâu với Trung Quốc nên sau khi hoàn thành việc thống nhất đất nước đã mau chóng lọt vào vòng tay che chở của Liên Xô. Và chính Lê Duẩn là kiến trúc sư, cũng như là nhà xây dựng của cú Xoay Mặt Bàn Thờ này, để quay mặt lại với ông anh đã trợ giúp cho mình rất nhiều. Tính từ những năm chống Pháp cho đến chống Mỹ thì tổng cộng Trung Quốc đã giúp cho Việt Nam 20 tỷ đô la thời đó. Các khoản nợ này được Trung Quốc xóa bỏ một nửa sau ngày thống nhất VN, và xóa bỏ hết vào các năm 1976, 1977 (không có số liệu). Và cũng từ khi xóa hết nợ thì mầm mống mưu phản của VN cũng bộc lộ...
Với sự cảnh cáo rõ ràng như thế của Đặng Tiểu Bình thì Ban Lãnh Đạo Việt Nam lại suy đoán rằng Trung Quốc không dám tấn công vì họ còn sợ Liên Xô. Và công cuộc phòng thủ bảo vệ đã không được quan tâm đúng mức. Nên chiến trường phía Bắc đó diễn ra trong sự bối rối, lúng túng của các thủ lĩnh to đầu nhất. Cuộc chiến của hai đồng đội anh em cũ tẻ nhạt nhưng tàn bạo và đầy thú tính. Trên chiến trường ác nghiệt thì mọi biện pháp giết người khủng khiếp nhất đều được tung ra với những người vốn là đồng chí, là anh em trên tinh thần cánh mạng vô sản nhất. Giết chóc, hãm hiếp, chôn sống, dùng mìn giật sập giết cả dân thường. Và thật khủng khiếp khi đó mới chỉ là sự dạy và học giữa các quốc gia Cộng Sản với nhau. Chỉ có điều kẻ đáng được dạy học lại không học, mà người lãnh đủ những bài học của sự tàn bạo đó lại là những lương dân khốn khổ nơi biên giới, những chàng trai cô gái dân quân đã can đảm ngã xuống trên quê hương với niềm tin rằng, họ đã hy sinh vì sự nghiệp chống xâm lăng, bảo vệ tổ quốc. Những mỹ từ tốt đẹp không có trong danh sách của những kẻ đồng chí dạy bảo nhau này.
Nhìn qua bản đồ diễn tiến trận đánh tròn một tháng 2/1979 ta thấy rõ ràng đây không phải là một cuộc chiến tranh qui ước với các mục đích là xâm chiếm đất đai. Bởi lẽ phần hậu phương với phần tiền tuyến của kẻ thù chỉ vỏn vẹn vài chục km theo đường chim bay từ chiến trường phía Bắc về tới thủ đô Hà Nội. Mặc dù gặp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng dân quân du kích Việt Nam với tinh thần quyết tử thì lực lượng quân sự Trung Cộng hoàn toàn có thể tiến chiếm tới tận Hà Nội nếu họ muốn ra thêm đề bài cho Việt Nam.
Các lực lượng khác của Trung Cộng như Hải Quân, Không Quân đã không tham gia để chứng tỏ vai trò đàn anh của mình, cũng như cho Hà Nội thấy đây chỉ là đòn trừng phạt không hơn không kém. Nó cũng cho thấy, đàn anh Trung Cộng trừng phạt thằng em mất dạy Việt Nam là có kiểm soát, tăng giảm hay lên xuống tùy theo mức độ biết điều, tức là sự chống trả của đối tượng tại thực địa. Nhẹ nhàng thì chỉ là những đòn tấn công dọc biên giới, ăn sâu vào vài cây số. Còn ương bướng nặng nề thì là những cuộc tấn công vào sâu hơn trong lãnh thổ, nơi có các thị xã quan trọng của Việt Nam. Tóm lại thì Trung Cộng đã rất rõ ràng khi ra roi, và cái bàn tọa của thằng em Việt Nam sẽ lãnh nhiều hay ít roi tùy theo thái độ biết điều hay không.
Cuộc chiến giằng có suốt gần 3 tuần lễ, và Trung Cộng bất ngờ tăng tốc và một loạt các thị xã lớn ở sâu vào nội địa của Việt Nam bị thất thủ. Quân Trung Quốc đã tràn vào sâu lãnh thổ, lăm le vượt qua nốt hơn 100 cây số nữa để tới thẳng Hà Nội, thì lúc này lãnh đạo Việt Nam mới giật mình thảng thốt. Nhìn về xa xa thì Liên Xô chỉ tổ chức một vài cuộc tập trận lớn để thị uy, còn việc tham chiến với Trung Cộng để chia lửa với Việt Nam là việc họ không điên rồ mà tham chiến. Lãnh tụ TQ Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố công khai rằng Liên Xô không đủ khả năng để chịu đựng một cuộc chiến tranh toàn diện với Trung Quốc, và Liên Xô đã kín đáo nghe theo.
Trong khi đó quân đội Trung Cộng đã dần chiếm nhiều thị xã lớn như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn khiến lãnh đạo Việt Nam thời đó mới thấy hoảng hồn. Đa phần lãnh đạo của ta đã quên hết cả tiếng súng và chỉ nhìn thấy mặt trận qua phim ảnh nên công cuộc thiên di như bày ong vỡ tổ. Hà Nội rúng động và sẵn sàng thất thủ. Ba Đình cuống cuồng chuẩn bị rời Kinh. Thi hài lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã được bí mật rời khỏi thủ đô Hà Nội để "Hành Phương Nam" với các cơ quan công quyền ùn ùn chạy trốn. Các đơn vị thiện chiến được liên tục hành quân từ miền Nam và Camphuchia về thì lại không tham chiến trợ giúp lực lượng dịa phương và các mặt trân khác mà chỉ lo lập phòng tuyến cố thủ quanh Hà Nội, Nhiều chiến sĩ của các đơn vị quân chủ lực đã không hề bắn được một phát súng nào về phía kẻ thù bởi không nhìn thấy kẻ thù. Trong khi quân chính qui phòng thủ chặt trước cửa ngõ Hà Nội thì lại đẩy các lực lượng dân quân và các đơn vị quân sự tại chỗ ra đối đầu với Trung Quốc, khiến cho họ tử trận gần như không còn gì hết. Các trận đánh với quân số của cấp sư đoàn không có, dù vẫn liên tục đổ ra từ miền Nam và Cămphuchia. Lực lượng Không Quân hùng mạnh nhất bởi được tiếp nhận cả máy bay của VNCH thì đã không tham chiến, mặc dù vẫn bay đi để bỏ bom ở Camphuchia nhưng lại không hề bỏ một quả bom nào xuống đầu quân Trung Quốc. Và không chỉ trong một tháng không quên 2/1979 đó mà là cả một thập niên 1979 - 1988 không thể nào quên đó.
Trò chơi nào cũng kết thúc, và bài học dạy cho Việt Nam đã đủ. Cũng trong ngày ông Tổng Bí Thư Đảng Lê Duẩn đọc lời hiệu triệu toàn dân về việc Tổ Quốc Lâm Nguy, rồi ông đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc lời Tổng Động Viên Toàn Quốc thì cùng ngày ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố là đã dạy xong bài học cho Việt Nam và ra lệnh rút quân. Khôi hài hơn khi sau đó Việt Nam lại to mồm tuyên bố cho phép quân đội Trung Quốc rút lui.
Vậy Việt Nam ta đã làm gì cho cái tình huống chiến tranh không giống ai đó. Chúng ta chấp nhận một cuộc chiến với kẻ thù hơn hẳn, chỉ bởi những kẻ cầm đầu chúng ta muốn thế. Chúng ta chấp nhận mọi sự khổ đau của chiến tranh bởi vì người gây nên chiến tranh không bao giờ ra trận. Họ chỉ gây ra thảm cảnh, chứ họ không bị giết, bị thương, bị xa gia đình và thui thủi trong cô đơn nơi chiến trường, nơi cái lưỡi hái của tử thần treo trên đầu. Phải. Cuộc chiến ấy hoàn toàn có thể được ngăn cản, đừng để nó xảy ra và sẽ giết nhiều người hơn. Chỉ cần biết thuật ngoại giao, biết bán anh em xa mua láng giềng gần. Chỉ cần tình yêu thương, lấy cái khốn khổ của chúng sanh để răn dạy, hướng dẫn con đường đi của mình. Chỉ cần có thế thôi thì hàng ngàn, hàng chục ngàn chàng trai cô gái thanh xuân đang nằm yên lặng dưới mồ sâu lạnh lẽo kia đã được rộn ràng nhảy múa hát ca trong nắng sớm, để xây nên những cái tổ uyên ương lộng lẫy chứ không phải ở trong cái Nghĩa Trang Liệt Sĩ lạnh lùng kia nữa. Nhưng đất nước khốn khổ của chúng ta không có những con người có trái tim biết yêu thương và một cái đầu biết suy nghĩ.
Rõ ràng cuộc chiến năm 1979 và kéo dài 10 năm sau đó của Việt Nam với Trung Cộng chẳng có lợi ích gì. Nó chẳng chứng tỏ cái gì, chẳng cho ai cái gì mà cũng không vinh danh cái gì. Điều nó đem lại chỉ là sự thiệt hại khốn cùng, sự tang tóc điêu linh và không gì có thể bù đắp nổi cho dân tộc này. Dù đã bao năm trôi qua thì những thiệt hại nhìn thấy được lẫn không nhìn thấy được, vẫn là nỗi ám ảnh của lòng căm hận, sự nuối tiếc với đất nước chúng ta như một con đỉa bám vào hút máu người. Chỉ vì một vài người cầm trịch thôi thì cũng đủ để đưa đất nước chúng ta vào một cuộc chiến mới, “Lưỡng Đầu Thọ Địch” khiến cho người dân Việt Nam, vốn đã đau khổ vì 20 năm chiến tranh rồi, nay lại đau khổ tiếp vì 10 năm chiến tranh nữa. Biên giới phía Bắc vốn yên bình hàng trăm năm nay thì giờ đây lại bom rơi đạn nổ, nhà cháy người chết và hàng vạn con người khốn khổ sống ở đó lại phải gồng gánh của nả, bồng bế con thơ nheo nhóc trên con đường chạy nạn dài thăm thẳm, lớp người này nối tiếp lớp người kia, và tất cả như tiếp bước theo các cuộc chạy nạn trần ai của cả dân tộc này. Tiếng súng ngày 17/2/1979 đã mở ra một cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc như để đồng hành đau khổ với cuộc chiến biên giới phía Tây Nam khổ đau khiến cho đất nước khốn khổ của chúng ta như muốn gục ngã trên con đường chạy nạn vạn dặm không bao giờ ngơi nghỉ. Một cuộc chiến đẫm máu kéo dài cả một thập niên khói lửa mịt mù và cũng ngần ấy năm hạnh phúc của đời người. Một cuộc chiến tàn bạo đã đi trọn một thập niên dài lê thê để rồi lại trở về vị trí cũ, không hề thay đổi gì...
Giờ đây thì còn ai nữa ngoài những hàng bia mộ không cảm xúc, chứa thân xác hàng vạn con người ưu tú như những tội đồ không siêu thoát. Họ đã chết. Chết vì tổ quốc, hay vì sự ngông cuồng của những kẻ cầm đầu hung ác.
Câu chuyện tang thương trên của lịch sử như mới xảy ra gần đây. Kẻ thù ngày ấy cũng vẫn là kẻ thù hôm nay. Và nguy hiểm hơn khi giờ đây lãnh đạo của đất nước Việt Nam chúng ta cũng vẫn là những con người thoái thai từ những kẻ ngu xuẩn ngày xưa.
Than ôi ! Hàng vạn chiến binh của nước Việt đã chết trong quên lãng nhưng những kẻ gây nên những cái chết đó thì vẫn sống, và chỉ ra đi khi đã trăm tuổi trên giường êm nệm ấm với vợ con và để muôn dân than khóc. Giờ đây khi cái ngày đáng nguyền rủa 17/2 lại đến thì những người nặng tình yêu quê hương Việt Nam như chúng ta lại chỉ còn biết nghẹn ngào tưởng nhớ bao chiến sĩ đã ra đi không về trong mùa Xuân tang thương ấy...
Trong đêm khuya ai gào trong gió,
Tiếng ai hờ nấc nghẹn cả dòng sông
Ai đi về trong đêm đông buốt giá
Để ai buồn với nỗi nhớ mênh mông...
Mai Tú Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét