20/5/15

CHUYỆN TÌNH TRONG ĐÊM ĐEN - CHƯƠNG 1


CHUYỆN TÌNH TRONG ĐÊM ĐEN

Xuân ngồi trên ban công khi trận pháo kích vào thành phố bắt đầu. Không chút sợ hãi, nàng vẫn ngồi im lìm ở đó như một bóng ma khi trái hoả tiễn đầu tiên vạch một vệt đỏ lừ trên đầu nàng, xé toạc bầu trời đêm để rồi kết thúc bằng một tiếng nổ rung rinh cả trời đất. Tiếp theo là những vệt sáng liên tiếp bay qua đầu nàng cùng với cùng tiếng rít ghê rợn, những tiếng nổ ầm vang lên khắp nơi. Bầu trời đen kịt chợt sáng rực lên bởi các vệt sáng chằng chịt bay qua lại. Những tiếng rít như xé gió cùng tiếng nổ khiến mặt đất chao đảo. Xa xa các đám cháy bắt đầu bập bùng soi sáng cả một góc của thành phố. Trăng sao mờ nhạt đi và thành phố chìm trong ánh sáng chập chờn ma quái….



Đã hơn mười ngày trôi qua kể từ khi Cộng Sản bất ngờ mở một cuộc tấn công Tết vào thủ đô Sài Gòn, thì cũng ngần ấy thời gian nàng phải sống vật vờ chán ngắt ở ngôi nhà chồng của nàng. Khi chiến sự bùng nổ, Xuân đã phải để tản cư đến đây khi những mũi tiến quân đầu tiên của Cộng sản tiến vào.
Nàng đã phải bỏ lại ngôi nhà ở vùng ven đô của mình. Đó là một khu cư xá nhỏ của quân đội xây dựng dành cho quân nhân và gia đình của họ. Khi những tiếng súng đầu tiên vang lên gần khu cư xá sĩ quan, nơi nàng ở thì những người hàng xóm với nàng đều vội vàng biến mất vào trung tâm thành phố. Họ tìm kiếm họ hàng thân quen có nhà ở trung tâm thành phố để xin tá túc. Và nàng là người cuối cùng rời khỏi nơi đó để về đây.
Người dân vùng ven khác, dù chiến sự không lan đến nhà cũng mau chóng chuồn vào trung tâm thành phố. Mọi người cố gắng chui vào giữa thành phố , càng sâu càng tốt hòng để tránh xa bom rơi đạn lạc, hoặc chỉ để được gần “Mặt Trời” thêm một chút. Nếu không có nhà người quen thì thuê nhà trọ hay vật vạ ở đâu đó trong các nhà thờ, sân chùa hay các khu dành cho người tị nạn chiến tranh, những khu nhà tạm bợ mọc nhanh và nhiều như nấm sau khi Cộng Sản tấn công thủ đô Sài Gòn vào đúng ngày Tết Mậu Thân.
Lúc đầu Xuân cảm thấy mình được an tòan khi dọn về nhà chồng ở trung tâm thành phố, xa cách hẳn vùng có chiến sự. Nhưng chỉ được ngày một ngày hai, thì chiến tranh cũng bắt kịp nàng với những trận pháo kích của Việt Cộng ầm vang lên mỗi đêm. Sau những cuộc tấn công bất ngờ đầu tiên vào ngay ngày đầu năm mới thì giờ đây Việt Cộng lại tiếp tục bắn hỏa tiễn vào thành phố. Bây giờ thì chẳng còn chỗ nào an toàn nữa trong cái thành phố đang đánh nhau lung tung này. Cho dù có ở trung tâm thành phố hay trung tâm thế giới đi nữa.
Ngồi im lìm giữa tiếng gào rú cùng ánh lửa chết chóc bay qua lại trên đầu, Xuân nghĩ có lẽ nàng là người duy nhất trong cái thành phố Sài Gòn này dám ung dung ngồi xem trận pháo kích của Cộng Sản như đang xem một cuộc bắn pháo bông ngày lễ hội vậy. Trong khi cả cái thành phố như đang run rẩy dưới cơn thịnh nộ của chiến tranh gầm rít trên đầu thì chỉ có mỗi một mình nàng thản nhiên ngồi ngoài ban công để để nhìn những vệt sáng chết chóc kia bay qua lại....
Khi ngày mới tản cư về đây, nàng cũng sợ những trận pháo kích này của Việt Cộng lắm khi những tiếng rít cùng với tiến nổ đầu tiên vang lên, nàng cùng với bà mẹ chồng và hai bà chị chồng vội vàng chui xuống cái gầm cầu thang ọp ẹp để ẩn trốn những tia lửa chết chóc kia. Ở trong bóng tối dưới gầm cầu thang, nàng run sợ khi nghe thấy tiếng quả đạn xé gió, liên tiếp bay qua trên đầu. Nó gây ra những riếng rít rợn người kéo dài mãi cho đến khi chấm dứt bằng một tiếng nổ khiến mặt đất rung rinh.
Nhưng rồi Xuân mau chóng chán cái cảnh đêm nào cũng chui xuống dưới cái góc tối âm u này. Nàng cảm thấy phát bực mình khi bà mẹ chồng của nàng luôn mồm lảm nhảm khấn vái Trời Phật đừng để cho những tia lửa chết chóc kia đổ ập xuống nhà bà. Còn hai bà chị chồng thì luôn kêu rú lên và ôm chặt lấy nhau cũng như ôm lấy nàng mỗi khi có một quả đạn pháo bay qua và nổ tuốt luốt tận đâu đó. Nàng suýt ngộp thở vì bị lèn chặt vào hai bộ ngực đồ sộ của hai bà và tiếng la thất thanh như bị chọc tiết của họ. Riết rồi nàng đâm ra căm ghét cái góc cầu thang tối tăm này, cũng như căm ghét cả cái gia đình nhà chồng lúc nào cũng cau có với nàng. Thế là nàng cố tình ngồi ra lan can mỗi khi trận pháo kích bắt đầu. Ít ra nàng cũng thấy được thoải mái hơn là ở dưới cái cầu thang tối om nồng nặc mùi mồ hôi người. Cái mùi mồ hôi đặc biệt của những người đàn bà chưa có chồng, hay đã góa chồng. Hai bà góa là nàng và bà mẹ chồng, và hai bà chưa chồng là hai bà chị chồng.
Nàng bật cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh đó trong lúc theo dõi vệt lửa lạ lùng của một quả đạn pháo. Nó bay từ phía ngoại vi, nơi có quân CS để bay tuốt qua thành phố sang đến tận đầu bên kia, nơi cũng có quân CS đang bao vây thành phố.
Chỉ mới hơn mươi ngày tản cư đến đây thì nàng đâm ra căm ghét cái gia đình hủ lậu này. Nàng căm ghét tất cả những gì liên quan đến ông chồng đã qúa cố của nàng. Từ con phố nhỏ chật hẹp chen chúc những ngôi nhà ẩm mốc rêu phong cho đến ngôi nhà của gia đình nhà chồng cũng nhỏ bé mốc meo. Từ bà mẹ chồng quắt queo như một con qụa già suốt ngày quay quắt, không lóc cóc tụng kinh niệm Phật thì cũng ca cẩm về chiến tranh, về cuộc sống khó khăn của một gia đình có công với Quốc Gia như gia đình bà. Còn hai bà chị chồng thì như hai con qụa già phì nộn. Bà nào cũng đã qúa lứa xuân thì từ lúc nàng còn ở truồng tắm mưa và chắc sẽ không chồng ở vậy cho đến khi chết già. Suốt ngày rỗi rãi, họ chỉ có mỗi một việc là rình mò và bình phẩm chê bai về tất cả cái gì lọt vào mắt họ. Và cô em dâu trẻ trung mới tản cư đến là cái đích tốt nhất để cho họ nhắm tới trong những ngày buồn tẻ này. Vì mặc dù đang là một bà góa phụ nhưng nàng lại trẻ, đẹp và luôn được nhiều người đàn ông xung quanh chú ý đến.
Ở trong cái tổ qụa này, nàng mới thấy tiếc là đã rời bỏ căn nhà nhỏ  thân thương của mình. Đó là một căn nhà xinh xắn, nằm trong khu cư xá sĩ quan nhỏ yên tĩnh ở một vùng một ngoại ô thanh bình. Căn nhà quen thuộc với nàng đến mức Xuân có thể nhắm mắt chạy băng từ nhà trên xuống nhà dưới, rồi tông cửa chạy ra vườn như một con rồ rồi chạy ngược trở lại phòng ngủ thì mới mở mắt. Căn nhà được nàng thay đổi chóng mặt với óc tưởng tượng vô cùng phong phú nên căn nhà và đồ đạc được bài trí theo lối lập dị vô trật tự theo ý nàng. Nó được sơn phết lem nhem một cách cố ý nhưng lại nổi bật lên giữa một khu vườn nhỏ cây cối xanh um tùm. Nó giống với tính cách của nàng, ngang tàng và thích làm khác với chung quanh.
Xuân theo chồng về ở ngôi nhà đó kể từ sau đám cưới ba năm về trước. Là một quân nhân nên chồng nàng hầu như vắng nhà quanh năm với những cuộc hành quân biền biệt nơi miền xa. Nên hầu như nàng chỉ sống một mình ở trong ngôi nhà đó, âm thầm và lặng lẽ. Cho đến khi chồng nàng tử trận thì nàng vẫn sống ở đó một mình như một bóng ma, chẳng buồn hơn và chẳng biết gì đến thế giới xung quanh. Có lẽ cuộc sống đơn điệu và buồn tẻ của nàng sẽ âm thầm kéo dài mãi như thế cho đến khi tận thế, hay đến khi nàng đủ trăm tuổi để lăn ra chết già...
Nhưng cuộc tấn công bất ngờ của Việt Cộng đã bùng nổ đúng vào dịp Tết Mậu Thân đã khiến cho cuộc sống đơn điệu của nàng chấm dứt. Cuộc tấn công như một dòng thác nước khổng lồ tràn vào thành phố, nó cuốn phăng đi tất cả. Lúc đầu khi nó cuồn cuộn sắt thép tiến đến cái khu cư xá yên tĩnh của nàng thì nàng vẫn dửng dưng như không. Đối với nàng thì chiến tranh như ở một thế giới xa lạ nào khác, hay diễn ra trong một bộ phim nào đó chứ đâu có liên quan gì đến nàng. Ngược lại với anh chồng sĩ quan lúc nào cũng hăng hái với các câu chuyện chiến tranh binh đao trận mạc, nàng vốn không quan tâm đến những điều khủng khiếp đó. Nàng không biết mà cũng chẳng cần biết về nó. Chiến tranh giết chóc là chuyện của mấy người đàn ông chứ không phải việc của nàng.
Ngay khi cả tiếng súng đã nổ ra rất gần khu vực cư xá nhà nàng thì những lời năn nỉ kêu gọi tản cư của gia đình nhà chồng vẫn bị nàng tảng lờ đi. Vì nàng cũng chẳng ưa gì gia đình nhà chồng. Ngược lại cũng chẳng ai trong cái gia đình ấy tỏ ra ưa thích nàng, ngoài ông chồng vắn số của nàng ra. Bây giờ thì chồng nàng đã không còn nữa thì cho dù là phải đi lánh nạn, nàng cũng không mấy thích thú gì về việc phải đến ở chung với cái gia đình đó. Chỉ nội ý nghĩ phải đến đó một mình với vai trò của một nàng dâu đã khiến Xuân thấy khiếp vía rồi.
Nhưng khi chiến sự ngày càng dữ dội và đã lan đến sát khu vực nhà của nàng thì họ liên tục giục nàng phải tản cư gấp. Tiếng súng đã nổ gần như ngay cạnh nhà nàng mỗi đêm, và mọi gia đình trong cư xá đều đã di tản cả . Chẳng lẽ một người góa phụ trẻ như nàng lại một thân một mình ở lại cái nơi mà chẳng bao lâu nữa những tên Việt Cộng rừng rú sẽ tràn vào.
Việt Cộng. Đó là những kẻ cuồng tín hung hãn, những kẻ mọi rợ tàn bạo mà chỉ nghe đến lời đồn đại thôi thì cũng đủ làm khiếp vía những người phụ nữ như nàng. Từ trước đến giờ Xuân cũng chẳng mấy để ý đến những kẻ đó nên biết gì nhiều về họ ngòai những lời đồn đãi về sự tàn bạo của họ. Cũng như chẳng biết gì về những kẻ thù hung hãn đó ngòai những hình ảnh của những con người mặc quần áo đen, cổ quấn khăn rằng với khuôn mặt gầy gò và hai hố mắt thố lố được vẽ trên những tờ áp phích tuyên truyền. Rồi khi cuộc tấn công Tết bùng nổ, Việt Cộng đã tràn vào thành phố thì những câu chuyện về họ lúc đó mới tràn ngập thành phố, cùng với những hành động tàn bạo như được nhân đôi, nhân bốn từ những tay công chức hết việc và các chị chạy chợ chiều túm tụm ở cổng chợ để thì thầm to nhỏ mọi chuyện đồn thổi  mà có trời mới biết đúng không. Nghe đủ thứ chuyện trời ơi như thế khiến Xuân cũng đâm hoảnh. Dù kinh sợ cái viễn cảnh phải một thân một mình đến sống chung với cả nhà chồng, nhưng nỗi sợ bọn Việt Cộng còn lớn hơn, nên cuối cùng nàng đành phải một mình khăn gói đến nhà chồng như một kẻ tị nạn. Trong khi anh chồng vô tích sự của nàng đã bỏ mình một cách lãng xẹt cho cái gọi là lý tưởng Quốc Gia của anh ta, ba tháng trước đó.
Càng ở lâu nơi chốn này, nàng càng cảm thấy ngán ngẩm. Nàng cầu mong cho chiến sự mau chấm dứt. Quốc Gia hay Cộng Sản, bên nào thắng cũng được. Chỉ cần không còn có giao tranh để nàng có thể rời khỏi cái ổ hắc ám nhà chồng càng sớm càng tốt., để chạy như bay về với căn nhà nhỏ bình yên và thân thương với nàng. Nếu biết trước cái tổ quạ này thì chẳng thà mình ở lại giữa vùng đang có chiến sự , thậm chí ở trong vùng có Việt Cộng còn hơn chui đầu vào đây. Nàng không biết Việt cộng là người như thế nào, nhưng có lẽ còn đỡ hơn ba mẹ con nhà qụa cái này.
Để tránh gặp mặt ba mẹ con, nàng thường kiếm cớ để chuồn về phòng riêng trên lầu của mình. Nhưng không thể nằm mãi trong phòng chật chội được nên nàng thường ra ban công và ngồi lỳ ở đó suốt ngày. Nàng ngắm nhìn thành phố hiện lên giữa ban ngày. Giữa các con đường hẹp ngoằn ngoèo là những căn nhà cũ kỹ với mái đỏ lô nhô. Thỉnh thoảng một cái nhà cao tầng như xé toạc cái phố chật hẹp và chui lên từ dưới những căn nhà cũ kỹ lô nhô như bát úp đó.
Những con đường nhỏ len lỏi giữa khu phố chật chội và luôn nhộn nhịp người qua lại. Dường như ban ngày chiến tranh không diễn ở nơi đây mà ở đâu đó xa xa, nơi có những cột khói bốc lên cao ngất. Không bị pháo kích nên mọi người đổ ra đường khiến nó rộn ràng với nhịp sống như ồn ào hơn bình thường. Người ta vội vã, chen lấn nhau để đi chợ, đi chơi và trở về trước khi trời tối sụp xuống để nhường chỗ cho những qủa tên lửa bắt đầu gầm rú bay thành đàn vào thành phố.  Cứ như ban ngày người ta phải đổ ra ngoài đường để hít thở cho thật nhiều không khí trong lành vào, để rồi đêm xuống họ phải nín thở chờ đợi trận pháo kích ập xuống vậy.
Phía đối diện nhà chồng nàng là một trại lính. Nó là một toà ba tầng với cái sân thượng rộng thênh thang đã bị quân đội trưng dụng. Lính tráng đóng đầy nghẹt tòa nhà và nàng có thể nhìn thấy cuộc sống của họ qua từng tầng gác. Những người lính giống hệt nhau trong các bộ quân phục giống nhau đang vật vờ qua lại. Những người lính nhỏ bé đó đang ở trong cái guồng máy khổng lồ của chiến tranh đang chạy đảo điên theo đà cuốn đi vội vã của nó. Khi thì có cả một đám lính chen chúc ở đầy nghẹt các phòng đến mấy hôm liền. Rồi khi thì vắng teo để lại những căn phòng tả tơi trống huếc hoác. Đôi khi cả khu nhà đó biến thành một cái bệnh viện dã chiến với những người lính quấn băng trắng đi thơ thẩn ngoài cái sân thượng rộng thênh thang.
Nhưng có một hôm, khi Xuân ra ban công để thả mình trong chiếc ghế phôtơi quen thuộc thì bỗng nghe thấy tiếng huýt sáo lanh lảnh, khiến nàng phải nhỏm người dậy để nhìn. Trong cái trại lính cao tầng trước cửa nhà đang chen chúc đầy lính Mỹ. Các chú G.I. cao lớn, ở trần với làn da trắng bóc hoặc đen thui đang đứng ngồi ngổn ngang ở các từng lầu. Họ kéo đến lúc nào đó trong đêm và giờ thì họ đang thong dong đứng đầy trên sân thượng để nhìn sang bên nàng với những nụ cười nham nhở. Từ bên trại lính, các chú lính Mỹ đứng dòm nàng chòng chọc khiến nàng đâm sợ và khép chặt cái áo ngủ vào người. Ở trên sân thượng đối diện, các chú lính Mỹ liên tục vẫy tay chào nàng kèm theo là những tiếng la hét trêu trọc bằng tiếng Anh cùng với vô số những trò khỉ ồn ào của họ.
“Thế nào các chú G.I này cũng khiến cho mình bực bội đây”  Xuân nghĩ bụng và giơ tay chào họ. Bằng một cử chỉ như ra hiệu, nàng đưa ngón tay trỏ đặt trên miệng bảo họ đừng có làm ồn lên. Nàng đang muốn được yên thân. Bên kia đám lính trẻ có vẻ hiểu nhưng họ không chịu thôi. Có lẽ họ tưởng nàng bị câm điếc sao đấy mà có một anh lính Mỹ trắng đeo kiếng cận được đồng bọn cử lên để “nói chuyện” với nàng bằng tay. Anh ta đứng nghiêm trang và hai bàn tay phất phơ làm điệu bộ giống như một anh lính thủy để ra dấu cho nàng. Nàng nhớ lõm bõm cái cách ra dấu như thế khi ngày xưa nàng có học ở trong đoàn hướng đạo của trường nữ sinh tư thục Đà Lạt. Nhưng dấu hiệu của chú lính đeo kiếng đó cùng cử chỉ ồn ào của đám bạn đồng ngũ thì chẳng cần học cũng biết. Đó là những cử chỉ trêu ghẹo tục tĩu. Xuân cười gượng ngắm nhìn những khuôn mặt nhăn nhở cùng những thân hình cao lớn rám nắng đó. Thỉnh thoảng để đáp lại, nàng cũng làm vài ba cử chỉ thân thiện của người câm điếc. Cuối cùng thì nàng bực mình ra dấu bằng tay cho các chú lính Mỹ biết rằng hãy để cho nàng được yên...
Xuân khoan khoái ngửa mặt ra cho ánh nắng chiếu vào mặt. Nàng nhắm mắt lại để tận hưởng hơi nóng bừng bừng của ánh mặt trời phả vào mặt...Nhưng ngay lập tức tiếng huýt sáo lanh lảnh lại vang lên. Vẫn là các chú lính Mỹ ở tòa nhà bên đường. Cả đám đang chen nhau phấn khởi chỉ trỏ ra hiệu cho nàng nhìn sang bên góc sân thượng bên cạnh họ.
Xuân vươn người khỏi ghế để nhìn qua và nàng bỗng thất kinh. Một anh lính da đen, lực lưỡng như một con trâu nước đen bóng loáng đã tuột cái quần lót nhỏ xíu ra và đang đứng trần truồng cười cười ngó nhìn nàng. Anh ta nhăn nhở với cái miệng rộng và hàm răng trắng lấp lánh. Cả đám lính bỗng rộ lên một trận cười nghiêng ngả khi thấy nàng ngẩn ngơ trước cảnh tượng đó. Họ phá lên cười ầm ĩ, chỉ trỏ nàng rồi lại bò lăn ra cười khoái chí. Từ trong các ô cửa sổ bỗng chen đầy những khuôn mặt cười toe toét nhìn sang bên nàng. Một vài tên lính khác nổi hứng bước ra biểu diễn những điệu nhảy thô bỉ, dâm dật.....
Nhưng cũng rất mau chóng, đám lính yên lặng dần. Tiếng la hét tắt mất, những nụ cười gượng gạo hiện lên trên mặt các chú lính khi họ nhìn thấy nàng vẫn bình thản đứng yên ở trên ban công, mắt nhìn thẳng vào bọn họ. Xuân đã không bỏ chạy vào nhà như họ đã tưởng mà vẫn đứng ở chỗ cũ. Với một cố gắng phi thường khiến cho đôi chân nàng run bần bật, nhưng nàng vẫn thản nhiên đứng nhìn vào những khuôn mặt đang nghệt ra vì bất ngờ của đám lính Mỹ. Nụ cười ngạo nghễ trên môi, Xuân khoanh tay đứng nhìn với vẻ đầy thách thức. Những anh chàng lính Mỹ trẻ ngượng ngập nhìn nhau, bàn tán và lấm lét nhìn sang phía nàng, đang thản nhiên đứng nhìn.
“Các chú mày tưởng ta không dám nhìn cảnh tượng này chăng ? Các chú mày nghĩ là một người đàn bà Việt Nam thì không thể có gan để đứng lại như ta chăng ? Kể thì cũng đáng phải bỏ chạy lắm khi nhìn thấy cảnh tượng này đấy, nhưng vì chính ta đây cũng đang chán chường, đang muốn được giải khuây đây. Vậy thì ta sẽ đứng ở đây đến khi nào có một trong hai bên phải chịu thua nhé ?”
Đó cũng là tính cách ương bướng, ngang ngạnh cố hữu mà nàng thừa hưởng được ở người cha của mình. Tính cách của một người “nam nhi chi khí” mà cha nàng thường hài lòng nói rằng, nàng đã thừa hưởng hết ở ông mà chẳng để lại cho hai người con trai khác. Đó là ông anh và cậu em trai của nàng. Tuy cả hai đều là sĩ quan quân lực VNCH, nhưng hầu như ở họ chẳng có được mấy tính cách mạnh mẽ như nàng. Xuân nhếch mép cười và thản nhiên tiếp tục khoanh tay đứng ở chỗ cũ. Bên kia đường, đám lính trẻ mất kiên nhẫn. Họ bối rối và ngượng ngập tan hàng dần. Anh lính da đen ở truồng lúng túng mò tìm lại cái quần lót, mặc vào rồi biến mất. Cái sân thượng phút chốc thưa thớt hẳn bóng người.
Xuân đứng thêm một lát nữa rồi mệt mỏi buông mình xuống ghế. Cuộc đấu sức vô duyên và không giống ai vừa rồi khiến nàng như kiệt cả sức lực. Nàng chậm chạp quay vào nhà và từ đó không bao giờ bước chân ra ban công vào ban ngày nữa. Chỉ khi đêm xuống nàng mới xuất hiện ở lan can, lặng lẽ như một bóng ma cô độc. Đó lại chính là lúc Việt Cộng bắt đầu các cuộc pháo kích vào thành phố, và thế là nàng đã trở thành một khán giả bất đắc dĩ cho cái màn pháo hoa của chết chóc diễn ra hàng đêm này.
Ở cùng với bà mẹ chồng và hai bà cô khó tính này, nàng chẳng làm được việc gì ra hồn cả. Nàng cảm thấy mình giống như một con cá đang sống ở trong nước ngọt bị đem thả vào nơi nước biển mặn, hay ngược lại vậy. Nàng không biết làm công việc gì mà một nàng dâu như nàng phải làm với gia đình nhà chồng. Nàng không biết đi chợ, mà nấu ăn thì còn tệ hơn nữa. Rồi cứ mỗi khi nàng động đến việc nội trợ hay một việc vặt nào đó trong cái nhà này là y như rằng nàng lại làm hỏng bét cả. Nàng không thể nhớ được cách bày bàn ăn theo ý gia đình này, và không phân biệt được cái bát đựng canh khác với cái bát đựng cơm như thế nào, dù bà mẹ và hai bà chị chồng đã chỉ bảo nhiều lần. Ở đây được vài ba ngày thì có đến hàng tá bát đĩa bị nàng làm bể và các vật dụng trong bếp bị nàng xáo tung cả lên đến mức chính nàng cũng không còn biết đường đâu ra mà lần nữa....
Chính nàng cũng thấy mình hậu đậu thật. Nàng thấy mình trở nên rụt rè lóng ngóng khi đến ở đây, trái ngược với tính cách mạnh mẽ mà nàng vốn có khi còn ở trong chính ngôi nhà của mình. Nàng cảm thấy mình ngày càng vụng về và phạm phải nhiều lỗi hơn. Hai bà chị chồng luôn có dịp bĩu môi, nói bóng gió về cô em dâu vô tích sự. Những lúc đó, bà mẹ chồng thường chép miệng nói : “Tội nghiệp con dâu tôi. Còn nhỏ tuổi qúa mà lại gặp cảnh góa bụa trái ngang. Tại vì chồng nó mới mất nên nó mới mụ người đi như thế. “
Lúc đầu nàng đã suýt phì cười khi nghe bà mẹ chồng nói thế trong bàn ăn. Nhưng khi  nghe thấy bà già lẩm cẩm này nói đi nói lại điều đó với vẻ quyết tâm thì nàng lấy làm ngạc nhiên lắm. Nó khiến cho nàng bỗng thấy ngạc nhiên, và cả chút bối rối khi nghĩ rằng có lẽ nàng đã cư xử không phải với người chồng đầu gối tay ấp, khi người ấy đã trả nợ nước non. Chính nàng dường như không cảm thấy mình là người góa chồng hay ít nhất cũng không cảm thấy đau khổ đến mức mụ mẫm cả người đi như bà già này đã nói.
Chồng nàng đã tử trận ở mặt trận ở miền Trung hơn ba tháng trước, nhưng nàng không cảm thấy nỗi đau khổ vì sự mất mát đó. Nàng thấy dửng dưng như anh ấy chỉ đi hành quân lâu mà chưa về thôi. Hôm nhận được giấy báo tử của chồng, nàng khóc một trận như mưa trước mặt gia đình chồng. Khi họ đi về thì nàng lăn ra ngủ. Sau hôm tang lễ rất rình rang của chồng nàng, đại úy X, giờ được truy phong là cố thiếu tá thì hầu như chẳng mấy khi nàng còn nhớ đến anh ấy nữa. Có lẽ vì chồng nàng thường xuyên đi biệt nên sự vắng mặt vĩnh viễn của anh ấy không làm nàng cảm thấy mất mát hay hụt hẫng gì nhiều lắm.
Thậm chí nàng đã không nhỏ một giọt nước mắt nào nữa trong tang lễ của chồng mình. Cảm giác duy nhất có được của nàng trong đám tang chồng nàng, chỉ là sự huy hoàng lộng lẫy của buổi lễ. Những người lính cao lớn đẹp đẽ của đội quân danh dự, sự oai phong của các bộ lễ phục lộng lẫy cùng các động tác trang trọng của họ khi nâng trên vai cỗ quan tài phủ lá cờ ba sọc. Nàng biết đó là một cái quan tài rỗng, vì người ta đã không đưa xác chồng nàng về được. Những người dự lễ đều biết điều đó, và tất cả cùng đều có một thái độ kính trọng giả tạo trước cỗ quan tài rỗng đó. Nàng ngạc nhiên khi thấy mọi người đều xúc động sụt sùi khóc . Thậm chí bà mẹ chồng cùng hai bà chị gái cùng phủ phục xuống giữ chặt lấy cái quan tài đó. Họ còn nằm lăn ra đất để cản đường lúc người ta hạ huyệt cái hòm rỗng tuyếch đó xuống lòng đất trong nghĩa trang quân đội.
Để tỏ lòng tri ân cố thiếu tá X, người ta đã nhân danh Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trịnh trọng trao cho nàng tấm huân chương cùng các lọai bằng khen như : “ Anh Dũng Đền Nợ Nước” . “Vị Quốc Vong Thân”,..... Nhiều những cái tên giống như tên tiếng Tàu, nên nàng không thể nhớ được. Cùng với nó là một lá cờ vàng ba sọc đỏ, chính lá cờ đã phủ lên quan tài rỗng của chồng nàng. Rồi thì những giấy tờ, vật dụng cá nhân của ông chồng xấu số.
Sau đám tang, nàng vẫn sống một mình trong ngôi nhà đó, chẳng vui chẳng buồn hơn trước. Chỉ mãi sau này, khi chiến tranh lan đến tận ngôi nhà của mình và phải bỏ chạy đến đây lánh nạn một mình, nàng mới có cảm giác mất đi một cánh tay rắn chắc của người đàn ông. Chồng nàng sẽ không bao giờ trở về nữa. Từ nay nàng sẽ phải sống cô đơn một mình. Không còn ai để nương tựa trên cõi đời này nữa. Ở trong ngôi nhà chồng lúc này, nàng mới thấm thía điều đó hơn bao giờ hết....
Có lẽ từ lúc lấy nhau đến giờ, đây là lúc lúc nàng cần có người chồng ở bên cạnh nhất, vậy mà anh ấy lại lăn ra chết. Mà không phải chết vì đã “Anh Dũng Hy Sinh” như trong cáo phó, mà chết vì bệnh đau ruột thừa. Một cái chết lãng nhách, chẳng có gì đáng tự hào. Và chẳng giúp gì được cho nàng khi nàng phải một mình ở giữa cái tổ qụa này. Chính vì vậy mà nàng không muốn họ cứ nhắc đi nhắc lại về người chồng xấu số của nàng.
Thậm chí nàng thấy căm ghét cả một cái thông lệ kỳ cục liên qua tới anh ấy. Mỗi buổi tối rảnh rỗi, khi không phải chui xuống gầm cầu thang để trốn pháo kích thì cả gia đình quây quần bên nhau, cạnh bàn thờ chồng nàng. Rồi bà mẹ cẩn thận soạn ra những lá thư của chồng nàng gửi về từ mặt trận và cô chị Hai sẽ cất cái giọng cảm động lên để đọc chúng. Những lá thư gửi cho họ lẫn cho nàng đều được đọc lên, từng thư một và đọc đi đọc lại….
Nàng buộc phải tham gia như một người vợ góa đau khổ đang tưởng nhớ đến người chồng đã:”Hy Sinh Vì Chính Nghĩa Quốc Gia”. Những lúc đó, nàng lơ mơ ngồi nghe. Càng nghe càng chẳng hiểu gì cả. Mỗi khi có một ý nghĩ hiếm hoi về chồng nàng là nàng lại nhớ ngay đến cái vẻ rụt rè, cái nhìn lấm lét của anh ấy khi hai người nói chuyện với nhau. Nàng muốn bật cười thành tiếng khi nhớ đến dáng bộ thất thần vì sợ hãi của chồng mỗi khi nàng nỗi giận lôi đình. Mặc dù lấy nhau đã ba năm nhưng những cơn giận không nguyên không cớ của nàng thường hay bất ngờ bùng nổ ra khiến cho anh ấy “sợ đến mất cả vía”. Như chính chồng nàng đã thú nhận sau này.
Nàng cũng không thể tưởng tượng được cái anh chàng X. chồng nàng, lớn hơn nàng một con giáp và trước khi nhập ngũ vốn là thày giáo viên dạy văn chương lại có thể là một người hùng xông pha nơi trận tiền được. Anh ấy gầy go, cao lêu đêu và vốn hiền như đất thì làm sao có thể xông pha nơi lửa đạn được ? Trước đây thỉnh thỏang nàng cũng tự trách mình là ích kỷ, ít chịu quan tâm đến anh ấy. Nhưng chẳng được bao lâu nàng lại quên béng đi mất là mình có một ông chồng đang xông pha nơi trận tiền…
Ngay cả những lá thư chồng nàng viết từ mặt trận, giờ đang được gia đình nhà chồng đọc lên một cách thành kính kia, nàng cũng dửng dưng mỗi khi nhận chúng. Nhiều lần nàng ngạc nhiên khi nhìn thấy vẻ say sưa của bà mẹ chồng và hai bà chị khi đọc những dòng chữ dông dài đó của chồng nàng. Là một quân nhân luôn phải đi trận mạc, thế mà chồng nàng lại rất chăm chỉ viết thư về cho gia đình. Những bức thư anh ấy cặm cụi viết rất dài và kể cũng rất dai về những nỗi nguy hiểm chết chóc của chiến trận. Anh ấy kể lể về những trận đánh oai hùng của những người lính Quốc Gia với Cộng Sản xâm lược, về các chiến hữu anh dũng của anh đã ngã xuống trong vinh quang. Nàng chẳng mấy khi xem chồng nàng viết gì, cũng như không mấy khi lo lắng gì nhiều về việc sống chết của anh ấy. Chồng nàng luôn lấy làm thích thú khi kể về chiến trận, về trách nhiệm của một người trai thời loạn. Anh ấy ca ngợi lý tưởng yêu nước cao cả của mình. Vì nó mà anh ấy xông pha trận mạc để giết quân thù. Và rồi để quân thù giết về những lý tưởng tương tự .
Có lẽ chồng nàng đã phải mất nhiều thời gian cho cái công việc vô bổ như thế này lắm. Ở nhà nàng có cả một chồng thư mà anh ấy đã gửi từ mặt trận về. Ngoại trừ mấy lá thư đầu được đọc, còn thì bao nhiêu bức thư sau đều được nàng quăng trong hộc bàn trang điểm. Những lá thư sau nàng không buồn xem nữa khi chúng nó cứ na ná giống y như những lá thư trước. Bao giờ cũng bắt đầu bằng câu :” em thân yêu “ Và cuối thư thì cũng kết thúc bằng mấy chữ : “nhớ em rất nhiều và mong gặp lại em sớm. “. Những bức thư giống nhau viết dài lê thê về những lần hành quân giống nhau. Những trận đánh cũng giống nhau nốt, chỉ có thay đổi tên của địa danh mà thôi. Thậm chí cả đến những lời hỏi thăm cho đến cách bày tỏ tình cảm của chồng nàng nó cũng giống nhau đến mức nàng không cần xem cũng có thể biết được nó sẽ nói gì.
Trước khi di tản về đây, nàng đã lôi cả đống thư còn nguyên đó ra. Nàng cẩn thận xé các bao thư bưu chính quân đội còn nguyên vẹn đó từ khi nó được gửi từ chiến trường về, rồi lấy những lá thư dài lê thê được viết nắn nót trên một loại giấy màu xanh nhạt đó ra. Không đọc lấy một chữ, nàng mở ra gấp lại một vài lần cho có nếp rồi nhét trở lại bao như cũ. Nàng cảm thấy thích thú khi ngắm lại công trình của mình trước khi nhét nó vào valy để mang đến đây. Nàng cảm thấy buồn cười và tội nghiệp cho chồng nàng khi phải nặn óc để viết ra những lá thư dài lê thê và lâm ly tình cảm đó. Và không biết anh ấy có còn đủ hăng hái để viết những bức thư ấy không nếu biết nàng đối xử với những đứa con tinh thần của anh ấy như thế.
Giờ đây nàng lại càng thấy buồn cười và tội nghiệp cho bà mẹ cùng hai cô chị chồng. Họ đang nghiêm trang đọc và lắng nghe từng câu chữ của những bức thư đó. Họ đã đọc nhiều lần đống thư này kể từ hồi nàng mang chúng về đây. Vậy mà họ vẫn say sưa đọc và dường như mỗi lần đọc là họ lại tìm thêm ra được những phẩm chất tốt đẹp của người viết.
Nàng vẫn ngồi nơi ban công trên gác, khi những ý nghĩ vẫn vơ đó lẩn quẩn trong đầu óc nàng. Thoải mái ngồi gác cả hai chân lên ghế, nàng ung dung nhìn ngắm những ánh lửa chết chóc đang bập bùng tỏa sáng nơi ngọai ô thành phố.. Làn đạn pháo kích đã giảm bớt và không còn bắn lung tung nữa. Dường như nó đã chuyển hướng và tập trung vào một vài nơi nào đó phía xa xa, nơi các đám cháy đang bùng lên dữ dội.
Thỉnh thoảng nàng quay lại ngó chừng dưới cầu thang. Có lẽ bà già cùng hai bà cô vẫn ở cái nơi họ đã chui xuống để trốn tránh thần chết cũng như trốn tránh nỗi sợ hãi. Đó chỉ là cái cầu thang gỗ vừa nhỏ hẹp vừa ọp ẹp mà có khi chỉ cần có hai người cùng đi trên đó cũng đủ cho nó gẫy sập xuống rồi. Và ở dưới cái vùng tối đen đó, ba mẹ con nhà chồng nàng run rẩy sợ hãi rúc đầu vào nhau.
Mấy đêm trước, nàng đã cố tình không rời khỏi phòng mình khi tiếng đạn pháo bắt đầu nổ ầm vang. Mặc cho bà mẹ năn nỉ rền rĩ hay lớn tiếng để buộc nàng phải theo họ xuống gầm cầu thang, nàng cứ nằm ì lại trong phòng của mình. Nàng nằm một mình trong bóng đêm giữa những âm thanh của chết chóc đang réo ầm ầm chung quanh. Qua đêm sau, nàng hồi hộp mở cửa sổ phòng mình để nhìn xem trận pháo kích. Lúc đầu nàng còn hơi sờ sợ khi nhìn thấy những vệt đạn lửa bay loằng ngoằng qua lại cùng với những cụm lửa chết chóc chụp xuống đâu đó trong thành phố. Nhưng rồi nàng bạo dạn dần và qua hôm sau nữa thì nàng đã ngồi trên ban công để xem trận đánh với cảm giác thích thú thực sự. Nàng phấn khích theo dõi đường đi của trái đạn và tròn xoe mắt nhìn ánh lửa bùng lên khi nó rơi xuống đâu đó trong thành phố. Thành kính làm dấu Thánh Giá, nàng khẽ cầu nguyện xin Chúa hãy ban phước lành cho những nơi đang bốc cháy đó.
Nhưng rồi nàng mau chóng đâm chán khi thấy đêm nào cũng chỉ diễn ra có như vậy. Ngòai những vạch lửa đỏ tuyệt đẹp vạch lên bầu trời tối đen, nàng chẳng còn để ý nơi nó đáp xuống hay các đám cháy nữa. Nàng cũng chẳng còn làm dấu Thánh giá nữa.
Được ngồi một mình yên tĩnh như thế này, nàng mới thảnh thơi để cho trí óc của mình được vẫn vơ suy nghĩ, bay bổng đi đâu đâu. Ngoài tiếng ồn ào của những trái hoả tiễn bay qua, không còn ai làm phiền được nàng trong lúc này. Ngòai ra còn có một lý do nữa khiến nàng thích ra ngòai lan can này vào mỗi tối. Đó là nàng có thể lén lút châm lửa một điếu thuốc lá và phì phèo thả khói lên trời. Hồi còn học ở trường nữ trung học Đà Lạt, nàng cũng chuyên môn hút thuốc lá lén lút. Nhưng từ khi lấy chồng thì nàng không còn hút nữa, chỉ thỉnh thỏang mới hút khi gặp sự buồn chán. Mà lúc này thì quả là đáng chán thật. Nằm ngửa người dựa lưng trên ghế dựa, nàng ngậm điếu thuốc trễ bên miệng và thở khói ra mù mịt. Khói thuốc khiến nàng phát ho vì không quen, nhưng nàng vẫn thích có được những giây phút tự do như thế này.
- Con ơi xuống dưới này cho an toàn đi con. Tiếng bà mẹ chồng nàng dưới gầm cầu thang như từ dưới âm ti vọng lên_ Con ở trên đó nguy hiểm lắm. Nhỡ tên lửa của Việt cộng nó bắn trúng thì mẹ phải mang tội với con.
“Hừm, nàng nghĩ bụng. Nếu tên lửa của VC bắn trúng nàng ở đây thì bà mẹ chồng làm gì còn có cơ hội để mang tội với ai nữa. Bà ta cũng tan xác ra như mình thôi. Không hiểu bà ta cùng mấy cô con gái chui xuống gầm cầu thang tối đen ấy thì an toàn được cái nỗi gì nhỉ. Có lẽ họ chui xuống đó chỉ để cho họ bớt sợ hơn khi có cái gì đó che ở trên đầu. Dù đó chỉ là cái cầu thang gỗ ọp ẹp”.
Đôi khi nàng tặc lưỡi mong cho cái màn pháo bông chết chóc này đổ ập xuống đầu để chấm dứt cảnh buồn tẻ ở cái nơi hắc ám này. Để cho cả nàng và ba mẹ con nhà quạ này tan ra từng mảnh. Nàng vừa làm dấu Thánh Gía lia lịa vừa bật cười khoái trí vì cái ý nghĩ ngông cuồng đó của mình.
Ở đây hầu như nàng chỉ được yên thân khi ngồi giữa trận pháo kích như lúc này. Còn thì cả ngày không biết chui đi đâu để khỏi phải thấy bực bội. Nhất là trong những bữa ăn cùng gia đình chồng. Ngồi giữ ý trong suốt những bữa ăn, chỉ để nghe bà mẹ chồng cùng hai bà chị nói chuyện về một đề tài duy nhất, cũng là đề tài nàng chán nghe nhất. Đó là về chiến tranh và về người chồng của nàng. Dĩ nhiên là ông chồng qúa cố của nàng được ca tụng như một vị thánh toàn năng với những đức tính tốt đẹp mà đến bây giờ nàng mới biết.
Trong bữa ăn, nàng luôn phải lắng nghe với vẻ hào hứng giả tạo về những câu chyện mà gia đình chồng nàng đã kể ra. Toàn những chuyện tầm phào hoặc thêu dệt đến không thể tin được của những tờ báo lá cải hay của những bà có chồng con đang đi đánh trận. Những câu chuyện vừa hư hư thực thực vừa như thần thánh về cuộc chiến chống CS đang diễn ra ở ngay Thủ Đô này. Cũng như nỗi lo muôn thuở của họ khi cuộc chiến cứ kéo dài mãi không dứt....Họ mặc sức rủa xả Việt cộng, những kẻ đang tấn công thành phố. Chán rồi thì họ lại rủa xả những chính khách, quân đội là những người đang bảo vệ thành phố. Những bà có chồng con đang đánh trận thì ca ngợi người thân của họ lên tận mây xanh. Theo lời các bà thì chính vì có những người thân đó trong hàng ngũ Quâm Lực VNCH, thủ đô Sài Gòn mới không bị thất thủ....
Bao giờ bà mẹ cũng xuất hiện trong bữa ăn với áo xống che kín mít và bắt đầu ca cẩm bằng những lời lẽ giống hệt hôm trước :
- Tại sao người ta không đánh cho tiệt nọc cái đám VC này đi mà cứ để cho chúng hoành hành mãi như thế này ? Cứ nay bắn pháo, mai bắn hoả tiễn như thế này thì làm sao sống nổi.
Bà chị Hai, với khuôn mặt nhăn nheo của một bà cô đã về già lớn tiếng nói :
- Không sớm thì muộn bên ta cũng đánh bật cái bọn dã man đó ra khỏi thành phố thôi. Bây giờ không còn như những ngày đầu Tết nữa. Bây giờ quân ta đang thắng lợi khắp nơi và truy kích chúng. Chính vì yếu thế nên bọn chúng mới pháo kích…..
Bà chị sau, trông còn già hơn bà chị trước tiếp lời theo :
- Thật may mắn khi Việt Cộng không chiếm được Sài Gòn. Nghe nói những vùng bị Việt Cộng chiếm thì chúng bắt tất cả mọi ngừơi phải mặc quần áo đen giống chúng. Đàn bà con gái mà sơn móng tay sẽ bị chúng rút móng...
- Còn những người thuộc quân đội chính quyền sẽ bị xử tử. Những người giàu có bị tịch thu tài sản. Bà chị trước gật gù nói theo.
- Oi lạy Trời Phật. Bà mẹ kêu lên thảng thốt. Nếu vậy thì gia đình ta còn biết trốn đi đâu nữa đây. Rồi còn các cơ sở làm ăn nữa. Sẽ mất tất cả....
- Mất tất cả cũng không sợ bằng....Chúng con sợ nhất là khi những tên man rợ đó vào nhà ta....Bà chị lớn lên tiếng rồi bỏ lửng câu nói đầy ý nghĩa mà bà ta rất khoái nói này.
Bà em như thể vừa trông thấy bóng Việt Cộng xông vào nhà, kêu thét lên bằng giọng sợ hãi vờ vịt :
- Ôi thật khủng khiếp....nhà ta thì toàn đàn bà con gái....chúng con…... Nếu chúng vào nhà thì hai chị em chúng con sẽ bị chúng...hãm...hãm hiếp…....
Bà mẹ phải la lên hai cô con gái mới thôi không tiếp tục vẽ lên những điều khủng khiếp đó. Có lẽ bà già thấy ngượng với nàng vì những điều tưởng tượng không đâu của hai bà cô già kia. Nếu không cản lại thì họ sẽ tiếp tục câu chuyện tưởng tượng đó một cách thích thú lắm.
Nàng cũng nghe nói nhiều về những cái kẻ đang tấn công thành phố này. Đó là những kẻ man rợ ẩn mình trong những khu núi đá và cánh rừng rậm rạp ở vùng Tây nguyên bí hiểm. Rồi cũng từ đó, họ bất ngờ tung ra một cuộc tấn công trên khắp cõi miền Nam này. Đó chính là những kẻ đã tấn công vào Thủ đô Sài Gòn và khiến nàng phải bỏ nhà chạy tới đây.
Những câu chuyện mà nàng nghe được về họ tòan là chuyện khủng khiếp. Những tên lính VC với bộ quần áo tòan màu đen, cổ quấn khăn rằn...Và là những kẻ hung hãn, giết người không gớm tay. Những hành động đối xử tàn bạo đối với dân chúng những nơi họ chiếm được…. xử tử những kẻ đã chống lại họ. Tịch thu tài sản của kẻ đang phục vụ cho Quốc Gia, những kẻ có tội như của gia đình chồng nàng. Nghe nói họ còn bắt những người cô gái chưa chồng phải lấy thương binh của họ. Những tên Vici bị chiến tranh làm cho tàn phế...
Nhưng nàng chẳng quan tâm đến những chuyện đó. Nàng vốn không hay nghĩ đến những điều qúa xa xôi đó. VC chẳng thể nào chiếm được Sài Gòn và nếu có chiếm được thì chắc gì chúng sẽ giết chóc, hãm hiếp như người ta đồn ở ngoài chợ. Nàng súyt bật cười khi nghĩ thêm. Nếu có điều đó xảy ra thì hai bà chị chồng cứ yên tâm. Chắc chắn họ sẽ bỏ qua hai bà đó. Đơn giản chỉ vì họ quá già, qúa xấu xí. Họ lại còn lùn tịt, béo phị và lắm điều nữa….
Bà chị lại tiếp tục kể bằng các câu chuyện nghe được ở ngoài chợ :
- Người ta nói phía Chợ Lớn, Việt Cộng bị bao vây, bị đánh tan tác đến nỗi chạy trốn lung tung khắc nơi hoặc đâm bổ vào cả nhà dân để xin ẩn nấp. Chúng lơ ngơ láo ngáo đến mức có người dân tay không cũng bắt vài tên giao cho chánh quyền.
- Tiếc là không có tên nào chạy lạc vào nhà của mình. Bà chị sau tiếp lời. _ Em sẽ không trao chúng cho cảnh sát mà sẽ tự tay giết chết để trả thù cho chú Ut, trả thù cho người yêu của chị em mình.
Cả hai bà chị chồng của nàng đều tự nhận là có người yêu là sĩ quan đã hy sinh ở mặt trận. Không biết có đúng hay không nhưng ngay cả bà mẹ và ông em trai của họ cũng không tin vào điều đó. Bởi đơn giản là chưa thấy họ kéo được một tên đàn ông nào bén mảng đến nhà. Hồi trước có lần nàng hỏi chồng nàng sao hai bà chị chồng này chưa lập gia đình dù đã qúa xa tuổi xuân thì. Tuy hai bà chị béo lùn này có thể không hấp dẫn được các chàng trai lắm nhưng gia đình nhà chồng nàng cũng giàu có và hồi môn của hai bà đó cũng có thể thu hút được những ông sồn sồn hám của hay những tay đào mỏ chuyên nghiệp. Lúc đó chồng nàng đã thở dài nói : Chưa có người nào đến hỏi cả, mặc dù bà mẹ cũng đã cố hết sức để làm việc với những gia đình quen biết. Còn các ông mai bà mối thì đã tận lực qua lại nhiều lần, đến nhẵn cả mặt mà cũng chưa có nước non gì. Chồng nàng còn nói thêm. Sở dĩ anh kết hôn trễ khi đã ngoài ba mươi tuổi cũng vì cái lệ trong gia đình anh. Vì là em út trong nhà nên anh phải chờ đợi hai bà chị mình lên xe hoa trước rồi mới tới lượt. Nhưng chờ mãi mà chẳng thấy bà chị nào rục rịch cả, thậm chí không thấy cả hơi hám đàn ông nào tới nhà. Trước triển vọng rõ ràng là hai bà chị của mình sẽ vĩnh viễn trở thành hai bà cô già, anh đã quyết tâm không theo lệ cũ. Nên khi gặp được nàng, anh liền chớp ngay lấy cơ hội...Nếu cứ chờ đợi theo phong tục nhà thì có lẽ đến già mất...Và anh thấy mình đã may mắn, dám phá bỏ cái phong tục vớ vẩn đó, khi lấy được nàng....
Câu chuyện của hai bà chị quanh đi quẩn lại cũng chỉ nói đến hai kẻ nào đó không có thực và ý nghĩ báo thù cho cái chết của hai kẻ đó. Họ sự căm thù CS vì những tên CS đó đã cướp mất người yêu của họ, hai người sĩ quan tưởng tượng nào đó đã tử trận. Có vẻ như trong thời điểm chiến tranh chết chóc này thì đây là cách bào chữa tốt nhất của những bà cô ế chồng. Nàng bật cười vì sự phát hiện bất ngờ này.
Bà mẹ quay sang nói với nàng, điều này bà ta đã nói nhiều lần rồi :
- Con biết không ? Chồng con đã được công nhận hy sinh ở ngoài mặt trận và đương nhiên sẽ được truy tặng là cố thiếu tá. Như vậy từ nay con đừng để người ta gọi là bà đại úy phu nhân mà phải gọi là bà cố thiếu tá phu nhân.
Rồi bà ta nói lẩm nhẩm như tự nói với mình : Cố thiếu tá Nguyễn Văn X. Thiếu tá Nguyễn Văn X…..
Nàng phát ốm lên vì những câu chuyện như vậy. Thật ra chồng nàng bị bệnh chết. Anh ấy bị đau ruột thừa cấp tính, lại phát bệnh ngay khi đang đóng quân ở một tiền đồn xa xôi nào đó. Không thể đưa về thành phố cứu chữa kịp thời được vì vấn đề vận chuyển. Ngay cả xác anh cũng chôn tạm ngoài đó, chờ khi nào tình hình chiến sự yên ổn thì mới đưa hài cốt về. Việc chồng nàng chết vì bệnh là do các bạn cùng đơn vị của anh ấy đã về báo cho nàng biết vậy. Chứ còn đối với gia đình này thì họ không bao giờ chấp nhận người con trai anh dũng của họ lại có thể chết vì bị bệnh cả. Nếu có chết thì phải chết do những viên đạn của quân thù. Và chết giữa trận tiền. Với nàng thì chẳng quan tâm đến việc chồng nàng chết như thế nào. Chết nào thì cũng là chết, có khác gì nhau đâu. Nhưng bà mẹ thì nhất định không chịu. Bà ấy đã lên tận bộ Tổng Tham Mưu để làm toáng lên khi người ta chần chờ công nhận con trai bà tử trận. Thế là người ta vội vàng hoàn tất thủ tục thiếu tá NVX đã “Vị Quốc Vong Thân”. Các Huân huy chương : “Anh Dũng Đền Nợ Nước” và và bằng khen : “Tổng thống tri ân”, “ Gia đình có Công với Quốc Gia” được trao tặng mau chóng cùng với một lễ tang trịnh trọng do Bộ Tổng Tham Mưu đứng ra tổ chức….
Nàng hoàn toàn thờ ơ với những điều đó. Những huân huy chương đó, nếu bà mẹ không tự tay treo lên ở nhà nàng thì có lẽ nó vẫn nằm trong ngăn kéo phòng ngủ, nơi nàng đem về bỏ vào đó sau buổi tang lễ. Khi di tản về đây, nàng đã không nghĩ đến việc đem đống giấy tờ vô dụng đó theo. Và thế là cả gia đình chồng nàng đã tức giận thật sự. Các bà chị thì chì chiết rằng nàng đã không trân trọng những kỷ vật qúi giá của người em vinh quang của họ. Còn bà mẹ thì nhẹ nhàng hơn, nói nàng là một cô con dâu qúa đoảng…. Có lẽ khi nàng về đây tá túc, họ mong chờ những thứ huân chương, bằng khen đó nhiều hơn là mong chờ nàng, cô con dâu hời hợt và hậu đậu như nàng.
Nhưng ở đây cũng có những lúc nàng cảm thấy vui vẻ. Đó là khi có ông anh Cả hoặc thằng Tân em trai nàng tới thăm. Anh Cả của nàng là một trung tá pháo binh được gọi về Bộ Tổng Tham mưu tại Sài Gòn khi cuộc tấn công vừa nổ ra. Rảnh rỗi, ông ấy ghé nhà chồng nàng để thăm nàng.
Bao giờ ông ấy cũng nháy mắt với nàng một cái trước khi bô bô cái miệng : “ Về đây tôi phải theo lệnh của ông bà cụ là thường xuyên ghé thăm cô em gái của tôi sống như thế nào ? Và trong thời buổi giặc giã này phải coi chừng cô em gái một chút chứ. ”. Còn thằng em trai nàng hiện đang là sinh viên trường võ bị Đà Lạt, được triệu tập từ trường nơi nó đang học năm thứ ba về Sài Gòn. “ Để bảo vệ Thủ Đô khỏi bị Cộng Sản xâm lăng” Nó hãnh diện nói khi ưỡn ngực ra để chào nàng theo kiểu quân sự.
Có lẽ vì chán những bữa cơm sĩ quan thời chiến ở bộ Tổng Tham Mưu nên ông anh trai của nàng thường canh me mò đến vào đúng giờ ăn trưa. Bao giờ ông ấy cũng đến với một phong thái lịch sự hiếm có của một sĩ quan gien tô man bệ vệ, cùng những câu chuyện liên quan đến tình hình chiến sự. Cả nhà chồng nàng rất vui mừng và vừa long trọng, vừa tíu tít tiếp đón vị khách qúi này, nhất là hai bà chị chồng. Ngôi nhà liên tục diễn ra những bữa tiệc linh đình, mà bà mẹ chồng nàng gọi là bữa“cơm rau đạm bạc thời chiến” được bày ra để chiêu đãi người hùng khoái khẩu này.
Ông anh nàng thường hôn tay bà mẹ chồng và cúi đầu chào hai bà chị chồng một cách lịch sự thái quá, cứ như là diễu cợt họ vậy. Nhưng hai bà cô già kia cũng ngất ngây trước vẻ lịch lãm và phong độ của ông anh Cả nàng. Họ đon đả chào mời và nhiệt tình săn đón đến mức ông anh nàng, vốn là một tay khó đăm đăm ở nhà cũng trở nên lúng túng. Ông trung tá pháo binh to lớn và đẹp mã cứ loay hoay, ngại ngùng khó xử khi bị hai bà cô già chiếu tướng chằm chặp. Có vẻ đây là mẫu người tình trong mơ của họ, nàng đoán như vậy khi nhìn vào ánh mắt ướt át trên hai khuôn mặt răn reo về chiều của hai bà lúc nào cũng dán chặt lấy ông anh sĩ quan của mình. Khổ nỗi là ông anh nàng đã có vợ rồi. Trước kia ông ấy cũng là một tay ăn chơi có hạng, nhưng từ khi có gia đình thì ông ấy cũng trở thành một tay sợ vợ có hạng.
Những lúc bị hai bà cô già bám riết như vậy, bao giờ bà mẹ cũng lên tiếng để tránh sự xấu hổ cho vị khách :
- Ông phải ở đây dùng cơm với gia đình tôi, ấy mà cũng là gia đình của ông nữa chứ ? Chúng ta đều là người một nhà vì con X, cũng là con trong nhà này rồi. Và thế nào ông cũng phải kể cho chúng tôi biết về tình hình chiến sự đấy ?
Thế là bữa cơm lại giống như mọi khi. Lại vẫn cái đề tài duy nhất và nàng cũng ghét nhất. Đó là những câu chuyện về chiến tranh, và về người con trai anh dũng của họ. Tức là người chồng nàng đã chết của nàng.
Bà mẹ bắt đầu bữa cơm bằng những kỷ niệm về đứa con trai yêu qúi của bà, trong khi hai cô chị sụt sùi theo :
- Bao giờ chúng tôi cũng cầu Trời Phật cho thằng X được về cùng với chúng tôi trong bữa cơm gia đình. Nhất là trong những ngày Tết này.
Bà nói trong khi nhìn nàng và anh trai mình cầu nguyện và làm dấu thánh giá trước bữa ăn theo Công Giáo. Nàng nhớ ngày xưa bà già này đã phản đối đám cưới của con trai bà với nàng cũng chính vì lý do tôn giáo này. Nhà chồng nàng theo đạo Phật trong khi gia đình nàng theo Công Giáo. Nhưng có lẽ đó chỉ là cái cớ. Bà già này vốn không ưa gì nàng, cô con dâu mà bà biết trước sẽ là một cô nương đoảng hậu và vô tích sự. Trước đám cưới bà ta phản đối cương quyết lắm. Chỉ đến khi anh con trai tỏ ra cương quyết hơn khi tuyên bố sẽ không bao giờ lấy vợ nếu không lấy được nàng thì bà ta mới đành phải chấp nhận.....
“Ôi, phải chi hồi đó bà già này cương quyết hơn.....Nàng nghĩ bụng_Nếu vậy thì lúc này nàng sẽ cảm thấy thương bà già tội nghiệp này lắm. Nàng có thể ôm lấy bà ấy và cả hai bà cô già kia nữa để khóc lóc, để được chia sẻ nỗi đau mất đi người con trai, người em trai duy nhất của họ, nếu người ấy không phải là chồng của nàng. Nhưng như vậy không phải là nàng hối hận về việc lấy người ấy làm chồng. Chính bản thân nàng cũng chẳng biết mình có hối hận về việc ấy hay không nữa ? Chưa bao giờ nàng nghĩ đến việc đó, kể cả khi chồng nàng tử trận”
Nàng đón nhận tin chồng chết một cách bình thường, có phần hơi dửng dưng theo cách nghĩ của những người quen biết. Nàng cũng đau buồn lắm nhưng không như gia đình nhà chồng đã tưởng. Họ nghĩ một người vợ trẻ như nàng hẳn sẽ đau buồn đến mức chỉ còn muốn chết đi khi người đàn ông của cuộc đời mình bỗng nhiên đột ngột ra đi. Họ ngạc nhiên khi thấy nàng không lăn ra bất tỉnh , mà cũng không rũ rượi thân xác ra để khóc lóc kể lể....
Đúng ra thì nàng có khóc một trận như mưa trước mặt gia đình nhà chồng. Nàng khóc sạch hết cả nước mắt cho đến tận hôm tang lễ, nàng chẳng còn giọt nước mắt nào để khóc nữa. Khi gia đình nhà chồng nàng về rồi thì nàng lăn ra ngủ một giấc. Ý nghĩ đầu tiên khi tỉnh dậy sáng hôm sau là từ nay, nàng sẽ phải mặc những bộ đồ đen giống như bà trung tá V., một bà hàng xóm trong cư xá sĩ quan với nàng có chồng chết trận. Trong khi nàng rất sợ mặc những bộ đồ đen như thế. Nàng nghĩ thế là mình đã trở thành góa phụ. Nàng đã bật cười khi nghĩ mình đã trở thành một bà góa phụ giống như cái mụ chuyên bận đồ đen, và có bộ mặt luôn khó đăm đăm đó....
- Thế tình hình chiến sự như thế nào rồi, ông đại tá ? Bà mẹ hỏi và bao giờ cũng cố tình nhầm lẫn để phong cấp bực của ông anh trai nàng.
- Dạ thưa, tôi chỉ là trung tá thôi ạ. Anh Cả khiêm tốn trả lời và bắt đầu ngay vào đề tài ông ấy thích nói nhất. Đó là đề tài chiến sự. Trong khi nàng bắt đầu ngáp thì hai bà chị chồng rối rít lên.....Đấy cũng là đề tài hai bà cô này thích nhất.
- Tình đã sáng sủa hơn nhiều, kể từ Tết đến bây giờ. Ông anh bắt đầu cái giọng ề à lấy cái vẻ quan trọng mỗi khi nói về đề tài chiến tranh. Thực ra ông ta là sĩ quan pháo binh và chưa bao giờ nhìn thấy một tên Việt Cộng nào. Chính ông ấy đã thú nhận thế với nàng. Các cuộc chiến đấu của ông ấy đa phần chỉ diễn ra trong các căn phòng gắn máy lạnh. Họp hành, bàn giao công việc rồi chỉ huy pháo kích qua máy bộ đàm....
- Quả là lúc đầu chúng ta có lúng túng khi Cộng Sản bất ngờ tung một loạt đòn phủ đầu vào tất cả các vị trí quan trọng nhất ở thủ đô. Như Bộ Tổng Tham mưu, phủ Tổng Thống, sân bay TSN...v..v...Tình hình trở nên cấp bách hơn khi có những mũi thọc sâu của tiền quân Việt Cộng đã vào đến Chợ Lớn, Khu cầu Chữ Y bên quận 8....Ngay cả khu vực kho xăng nhà Bè bên kia sông nơi ở của nhà cô em gái tôi đây cũng bị chúng tấn công. Chưa kể đến những nhóm nhỏ lực lượng đặc công của chúng đã trà trộn vào Thủ Đô trước Tết. Chính bọn này đã cùng với một số thành phần CS nằm vùng tung ra các cuộc tấn công bất ngờ vào các vị trí quan trọng khác như Đài Phát Thanh, toà Đại Sứ Mỹ...Ở một vài nơi khác, một số thành phần thân Cộng đã tấn công các trụ sở Công quyền và treo lá cờ sao vàng trên nền xanh đỏ của Việt Cộng lên. Đó là những lúc tình hình trở nên nguy ngập nhất.
Ông anh Cả của nàng ngưng lại và gật gù ra vẻ cho đám cử tọa khờ khạo tòan đàn bà đang nín thở chờ đợi kia thấy được tình hình đang đen tối lắm. Và ông ấy nhíu mày ra vẻ như đang tìm cách để giải quyết tình hình đó. Bằng giọng chậm rãi và đầy vẻ quan trọng, ông Cả tiếp tục :
- Đó là lúc tôi được gọi gấp về Bộ Tổng Tam Mưu. Qủa là tình hình lúc đó rối ren đến mức không thể rối ren hơn. Tệ nhất là nhiều tướng tá đã không có mặt ở đúng vị trí của họ. Vì có rất nhiều sĩ quan đang được nghỉ phép ở nhà hoặc về quê ăn Tết nên các ông tướng tá ấy đã né tránh bằng cách ở lỳ tại nhà luôn. Có lẽ các ông ấy nằm nhà để chờ thời thế xem thế nào. Các bố ấy nhà ta nhắm xem tình hình yên ổn thì quay trở lại nhiệm sở với lý do chiến sự nên không đi lại được. Còn nếu tình hình hỏng bét cả thì chuồn êm ra nước ngoài.
Bà già kêu lên thảng thốt :
- Trời Phật, có cả những người như vậy trong quân đội ta ư ?
Ong anh Cả không trả lời, mà nhún vai một cách điệu đàng. Dáng vẻ như muốn nói rằng trong vai trò của một tổng tư lệnh, ông ta cũng chịu với những kẻ như thế...
- Nếu như thằng X, con trai tôi còn sống thì nó sẽ bất chấp hiểm nguy để xông ngay vào nơi lửa đạn. Bà già tiếp lời và tin tưởng mãnh liệt vào điều đó.
- Vâng. Tôi tin là chú ấy sẽ làm như vậy. Ông anh nàng tiếp _ Và sẽ còn có nhiều người nữa sẽ làm như chú ấy. Chính tôi đã có mặt đúng vào lúc tình hình khẩn cấp nhất...
Ông ta ngưng lại giây lát để cử tọa thấm hiểu được câu nói đầy ý nghĩa của mình rồi tiếp tục, vẫn cái giọng quan trọng như trước :
- Tôi đã lập tức cùng các sĩ quan ở Bộ Tổng Tham Mưu bắt tay vào lập lại trật tự. Các đơn vị nhảy dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân...được điều động để bằng mọi giá, phải chặn đứng được các mũi tấn công của Việt Cộng và sau đó là tái chiếm lại các vị trí đã bị tấn công. Chúng ta đã được các lực lượng hùng hậu của đồng minh cùng hoả lực mạnh mẽ của họ yểm trợ vào trong các cuộc phản công chống lại Việt Cộng. Ngay trong ngày đầu tiên, Việt Cộng đã chiếm được Đài phát thanh. Nhưng chúng chưa kịp tung ra trên sóng những lời kêu gọi dân chúng Sài Gòn nổi dậy hưởng ứng. Vì mệnh lệnh của bộ TTM là tuyệt đối không được để Việt Cộng phát sóng trên Đài phát thanh. Không được để chúng tung ra các nọc độc tuyên truyền, kêu gọi các thành phần thân Cộng nổi dậy. Các đơn vị pháo binh dưới quyền tôi, cùng với hoả lực hùng hậu của trực thăng võ trang Đồng Minh đã được lệnh san bằng Đài phát thanh, nếu chúng ta không tái chiếm được sớm. Hoặc nếu để Việt Cộng phát sóng thì phải huỷ diệt tất cả. Thật may mắn là chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, quân ta đã tái chiếm thành công Đài phát thanh...Quan trọng nhất lúc này là chúng ta đã đánh bật được Việt Cộng ra khỏi những vị trí thiết yếu nhất của Thủ Đô Sài Gòn. Những vị trí sống còn đã không bị đe dọa nữa.
Ngừng lại một chút, ông anh ra điều phân vân rồi tiếp tục nhưng bằng nhỏ giọng xuống :
- Tôi sẽ nói cho qúi vị biết một kế hoạch thuộc loại bí mật Quốc Gia. Đáng lẽ tôi không được phép tiết lộ, nhưng gia đình ta đây là một gia đình có công với Quốc Gia và cũng như là người nhà cả nên tôi mới kể ra. Đó là việc chúng ta đã dụ cho quân của Cộng Sản thọc sâu vào thành phố này một cách cố ý. Chúng ta và Đồng Minh đã biết trước về cuộc tấn công này và chờ đón CS chui vào bẫy....
Ông anh nàng hài lòng nhìn những cặp mắt trợn tròn ngạc nhiên của mấy bà cô già rồi tiếp tục ba hoa:
- Nếu để Việt Cộng ẩn nấp trong rừng núi thì sẽ khó tận diệt được chúng nên chúng ta đã dụ cho chúng tấn công vào thành phố. Đó là kế “Điệu hổ ly sơn” của phía ta. Dụ cho địch quân tung hết lực lượng của chúng vào các cuộc tấn công thành phố, nơi chiến trường xa lạ và không quen thuộc với chúng. Như vậy thì ta mới cất vó được toàn bộ lực lượng của chúng. Chúng ta càng mừng nếu Việt Cộng càng thọc sâu vào trong thành phố này. Vì như vậy chúng sẽ bị tiêu diệt nhiều hơn....
Bà mẹ bỗng kêu lên bai bải :
- Trời Phật. Kế hoạch gì mà kỳ cục vậy. Biết trước mà không chặn chúng lại từ ngoài xa mà lại để chúng đánh vào giữa thủ đô, để tan nát hết thế này thì khổ người dân chúng tôi thôi. Mà sao tôi nghe ông nói phía ta bị đánh bất ngờ kia mà ?
Ông anh nàng lúng túng trả lời :
- Có nghĩa là chúng tôi đã biết trước một phần chứ không phải tất cả. Nên qủa là bên ta cũng có lúng túng trong những ngày đầu tiên. Nhưng người Mỹ thì họ biết tất cả. Họ biết đến từng chi tiết nhưng vì chiến thuật dụ hổ ra khỏi rừng như tôi đã nói, nên họ đã không hành động gì nhiều. Họ để cho Cộng Sản quân tàn lực tạ, rồi mới tung ra một đòn cất vó. Họ đã nắm trước được đến từng chi tiết vì họ có mạng lưới tình báo của CIA.
Ông anh nàng qủa là một tay chuyên ăn tục nói phét. Đến nước này thì nàng cần phải stop bớt ông ấy lại. Là một sĩ quan được đào tạo ở Mỹ về, nên ông ấy luôn luôn thần thánh hóa người Mỹ lên. Cái gì Mỹ cũng là nhất hết. Nếu không ngăn cản lại, dám cao hứng lên ông ta lại tuyên bố rằng người Mỹ có kế hoạch sẽ để cho Cộng Sản chiếm Sài Gòn, chiếm cả miền Nam này để họ sẽ chiếm lại Hà Nội, chiếm lại miền Bắc không chừng ?
Nàng nháy mắt với ông ấy một cái trước khi lên tiếng hỏi. Đó là một dấu hiệu cho ông ấy thấy cái lưỡi cay độc của nàng mà ông ấy vốn rất sợ khi nàng còn ở nhà bắt đầu thò ra khỏi miệng nàng như một con rắn độc bò ra khỏi hang.
- Nếu người Mỹ biết trước được tất cả, tại sao họ lại không biết được Việt Cộng sẽ tấn công ngay vào trung tâm đầu não của họ, tức là Toà Đại sứ Mỹ ấy hả anh Cả ?
Ông anh nàng ngớ người ra. Ông ta ậm ờ lúng túng ra mặt rồi lườm nàng một phát :
- Ờ thì có thể người Mỹ đã biết nhưng họ vẫn cố tình để Việt Cộng tấn công. Như vậy họ sẽ có được bằng chứng Việt Cộng đã vi phạm công ước Quốc Tế khi tấn công vào tòa Đại sứ của các quốc gia trung lập chẳng hạn. Họ sẽ lên án trước dư luận quốc tế...
Bực mình nàng quyết phải trị cái ông anh sĩ quan pháo binh chuyên quăng trái nổ này một bài học. Nếu không chút nữa ông ta sẽ làm văng miểng vào chính mình với những câu chuyện trên trời dưới đất của ông ta :
- Theo em thì chính người Mỹ cũng bị bất ngờ. Không lẽ biết trước mà họ lại để bị một đòn phủ đầu vào toà đại sứ ngay giữa thủ đô Sài Gòn ? Còn chuyện trung lập thì lại thật vô lý vì đã có hàng trăm ngàn chú J.I đã tham chiến liên tục mấy năm nay rồi thì còn trung lập cái nỗi gì nữa. Chính cái toà Đại sứ Mỹ này đã bị mấy ông Cộng Sản cho ăn bom tan nát cách đây mấy năm khi nó còn nằm ở trên đường Hàm Nghi rồi kia mà. Sau vụ đó các ông bạn Đồng Minh của chúng có thấy lên án Việt Cộng gì đâu. Thay vì lên án trước Quốc Tế, họ đã xây một toà Đại Sứ mới kín mít như một pháo đài để có thể chống trả một cuộc tấn công khác. Và chính cái toà Đại Sứ Mỹ mới đã bị Việt Cộng tấn công ngay trong ngày đầu tiên đó..
Lần này thì ông anh nàng không còn lườm nàng nữa, ông ta thừ mặt ra để nghĩ cách gỡ thế rối đã tự rước vào này. Nếu bí quá thì ông ta sẽ bổn cũ soạn lại. Tức là đứng lên cáo từ vì lý do công vụ rồi thăng mất. Nhìn vẻ mặt khổ sở của ông anh trai, nàng thấy hơi hối hận. Không muốn làm ông anh trai của mình bị mất mặt trước bên nhà chồng của mình nên nàng nháy mắt cho ông anh một lần nữa rồi lên tiếng, giọng đã dịu đi :
- Nhưng thôi. Tốt nhất là anh nên kể cho các qúi bà ở đây về trận tấn công đó đi vì các chị ấy đang rất muốn nghe.
Hai bà chị chồng hưởng ứng nhiệt liệt ngay :
- Ồ phải đấy. Ong phải kể cho về trận đánh ở toà Đại Sứ Mỹ nhé ? Và ông phải kể với chị em tôi về chiến công của riêng ông trong vụ đó mà không được khiêm tốn đấy nhé ?
Rõ ràng là ông anh ba toác của nàng đã thoát khói thế bí vừa rồi. Ong ấy đã lấy lại vẻ oai phong trước các qúi bà khi thong thả lên tiếng :
- Vâng vì tôi có tham gia trận đánh lịch sử này nên tôi sẽ xin kể hầu bà và hai cô đây câu chuyện đụng độ giữa quân Việt Cộng và quân ta cùng quân Đồng Minh ở Toà Đại sứ Mỹ.
Ông ta liếc mắt cho nàng một cái nữa, lần này không phải là một cái lườm nguýt bực bội như ban nãy mà là ánh mắt van nài mong nàng đừng phá bĩnh nữa. Nàng biết ông anh mình lại ba xạo nữa khi nói có tham gia trận này. Trận đánh xảy ra vào đúng vào ngày mồng Hai Tết trong khi mãi ngày mồng ba Tết ông ấy mới mò về Sài Gòn theo lệnh gọi. Nhưng nàng cũng không định phá ngang ông anh trai của mình nữa. Lâu lắm mới có được dịp có được những người đẹp ngưỡng mộ một anh sĩ quan bàn giấy như anh trai nàng, tuy rằng những người đẹp hâm mộ ông ấy chỉ là hai bà cô già sồn sồn và lại hơi ngu ngơ nữa. Cũng phải có dịp để ông ấy được tỏ ra oai phong lẫm liệt một chút với các người đẹp chứ, vì ở nhà đã phải co vòi trước bà vợ sư tử Hà Đông của ông ấy qúa lâu rồi.
Ông anh nàng trịnh trọng lên tiếng, giọng oang oang :
- Vâng. Đó là một cuộc tấn công tự sát. Một cuộc tấn công điên rồ và đã thất bại nặng nề . Người Mỹ chỉ thiệt mạng có mấy người nhưng VC đã thiệt hại rất nặng khi toàn bộ số quân cảm tử của chúng đã bị tiêu diệt...Chúng đã chẳng gây thiệt hại gì cho Đồng Minh ngoài một lỗ thủng ngoài bờ tường và đôi chút tiếng vang cho những tên Hippy phản chiến ở nước ngoài.....
Bà mẹ thắc mắc hỏi :
- Tôi không hiểu ông nói cảm tử nghĩa là sao ? Có phải họ tấn công vào đó để chết giống như người Nhật dạo trước không ?
- Cũng gần đúng như vậy đấy thưa bà. Đó thường là những hành động của những kẻ tuyệt vọng.
Bà chị Hai nói như reo lên :
- Thế chúng bị tiêu diệt như thế nào ? Tôi rất muốn nghe chuyện những tên Việt Cộng đó bị ông giết như thế nào....
Ông anh nàng rõ ràng là không tham dự trận đánh đó, nhưng mấy khi ông ấy lại bỏ lỡ dịp may khi có người đẹp hỏi đến chiến trận. Ngừng một lát làm bộ cho có vẻ quan trọng, không quên nhìn lén nàng một cái rồi ông anh bắt đầu kể :
- Theo những tin tức chính xác mà tôi nhận được thì có khoảng một tiểu đoàn của Cộng Sản tham gia tấn công Tòa Đại Sứ Mỹ. Chúng mặc đồ xơvin và đi trên vài ba chiếc xe hơi...
Ông anh trai nàng ngưng lại khi tự thấy có gì đó không ổn. Một tiểu đoàn mà đi trên vài ba chiếc xe hơi...Ông ta lại tiếp tục khi thấy nàng tảng lờ đi.
- Có thể là nhiều xe hơn. Chúng đậu xuống gần tòa nhà Đại Sứ và bất ngờ nổ súng. Hai người lính Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ gác phía bên ngoài đã bị bắn hạ ngay tại chỗ nhưng họ đã kịp báo động cho phía trong và đóng cánh cổng điện lại trước khi bị giết. Việt Cộng không vào bên trong hàng rào bê tông được nên đã dùng thuốc nổ phá một lỗ nhỏ. Một số tên đã lọt qua lỗ nhỏ ở bờ tường và tấn công vào tòa nhà. Nhưng lúc này người Mỹ ở trong toà nhà đã phòng thủ chặt với hệ thống điện tử tối tân nhất của họ. Họ dùng cả súng ngắn để chống trả quyết liệt nên bọn tấn công đã không thể lọt được vào phía trong nhà. Chưa kể là một số lớn trong bọn chúng đã bị tiêu diệt từ ngay ngoài hàng rào. Trong đó có cả tên chỉ huy đơn vị này. Lúc này các người thuộc tòa Đại sứ đã cùng với các lính Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ tham gia chống lại cuộc tiến công. Cùng lúc đó là các trực thăng võ trang bay lượn phía trên để yểm trợ và thả quân tăng viện xuống nóc tòa nhà. Chưa kể thêm các lực lượng chính phủ cùng Đồng Minh đã bao vây và tiến công từ phía ngoài vào. Thế là cùng một lúc bị đánh từ trong đánh ra và bên ngoài đánh vào, Cộng Sản bị ép ở giữa đã chống trả yếu ớt. Cuối cùng thì cuộc chạm súng cũng đã kết thúc với phần thắng nghiêng về phía quân ta và Đồng Minh. Việt Cộng bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây rõ ràng là một thất bại của Việt Cộng khi tung đòn bất ngờ vào tòa Tòa Đại Sứ Mỹ. Chúng ta đã tiêu diệt cả tiểu đoàn đặc công của chúng và làm....
Bà chị Hai hỏi xen vào :
- Ông phải kể cho chị em chúng tôi nghe về những hành động của chính ông trong việc tiêu diệt cái bọn Việt Cộng đó nhé ?
Ông anh Hai nàng gãi tai ra bộ khiêm tốn. Ông ta ề à nói :
- Tôi đã tích cực tham gia trận đánh đó theo một ý nghĩa khác. Ngay khi nhận được tin Việt Cộng tấn công vào Toà Tòa Đại Sứ Mỹ, tôi đã ra lệnh cho các đơn vị pháo binh thuộc quyền sẵn sàng chờ lệnh....khi biết đó là một đơn vị Đặc Công của Việt Cộng đang tấn công thì tôi ra lệnh....
Bà chị trước bỗng vô duyên chen vào :
- Đặc công Việt Cộng là gì hả ông trung tá ?
Bị ngắt giữa chừng, ông anh trai nàng đâm ra lúng túng trả lời :
- À thì đó là một loại lính thiện chiến và chỉ chuyên tấn công ở hậu phương địch quân. Cũng giống như lượng đặc biệt của ta vậy. Tôi xin được phép kể tiếp về phần mình. Thực cũng không phải là chiến công to lớn gì lắm vì pháo binh của tôi không tham gia nhiều vào trận đánh. Nhưng khi đã bao vây chặt được đám Việt Cộng lọt vào bên trong hàng rào của toà Đại Sứ, tôi đã có mặt ngay tại đó. Tôi đã ra lệnh....
- Ong có bắn chết tên Việt Cộng nào không ? Bà chị sau cũng chen vào vô duyên không kém._ Thế nào ông cũng phải đưa chị em chúng tôi đến xem nơi diễn ra trận đánh đấy ?
Ông anh nàng ngắc ngứ. Chán ngán vì mất hứng, ông ta trả lời cho có :
- Vâng dĩ nhiên rồi. À, còn về phần tôi thì...thì...không có gì đáng để nói cả. Tôi kể đến đoạn nào rồi nhỉ cô Xuân nhỉ ?
Ông ta hỏi nàng và nháy mắt cầu cứu. Ở nhà nàng từ nhỏ mấy anh em luôn có những ám hiệu cứu giúp cho nhau trong những tình huống khó xử hay rơi vào thế kẹt nào đó. Mà lúc này rõ ràng là anh trai nàng đang ở vào thế kẹt rồi.
Nàng vui vẻ lên tiếng :
- Anh Cả em vốn là người khiêm tốn lắm. Anh ấy không thích tự kể về mình đâu. Nhất là trước những người đẹp. Vả lại cũng tới giờ phải đến đơn vị của anh ấy rồi...Thôi để hôm khác anh ấy kể cho mấy chị nghe chuyện đó nhé ?
Ông anh nhìn nàng tỏ ý cám ơn rồi vội vàng nói :
- Vâng , vâng để khi khác tôi sẽ tiếp tục câu chuyện. Đã tới giờ tôi phải đi rồi. Rất thú vị khi được hầu chuyện với bà và hai cô đây. Xin cám ơn về bữa tiệc này và tôi sẽ còn quay trở lại đây để tiếp tục câu chuyện này.
Hai bà chị láu táu nói : Ông phải dẫn chị em chúng tôi đến toà Đại sứ Mỹ đấy. Để xem nơi ông đã tham gia trận đánh lịch sử của ông nhé ? Ong phải hứa với chị em tôi đấy ?
- Ồ xin tuân lệnh. Chắc chắn lần tới tôi sẽ đưa các qúi cô đến tham quan nơi đó. Tôi xin hứa với danh dự của một sĩ quan...
Ông ấy hôn tay bà già, cúi chào đáp lễ với hai bà chị chồng nàng rất lịch sự rồi biến mất.
Còn thằng Tân em nàng thì thường xuyên ghé hơn khi đơn vị nó được điều động về Sài Gòn. Nó cũng được nhà chồng nàng đãi cơm nhưng không được hai bà chị chồng chú ý lắm. Chắc vì nó không được bảnh trai cho lắm và cũng chỉ là một anh chuẩn úy chưa ra trường. Nhưng nó làm cho nàng vui hơn vì thường ghé vào phòng nàng để nói chuyện huyên thuyên. Những chuyện trên trời dưới đất, chuyện ngày xưa khi nàng còn ở nhà.
Bao giờ nó cũng tót lên phòng nàng, sau khi chào hỏi lấy lệ bà già và hai bà chị chồng nàng. Thượng cả đôi ủng lính lên giường nàng, nó nằm ngả người lên đó hút thuốc phun khói khắp phòng. Nó cười nhăn nhở khi nói với nàng :
- Em luôn lầm lẫn giữa ba người, không phân biệt được giữa bà già và hai bà cô già...
Nàng đá chân nó ra khỏi giường và đưa ngón tay lên miệng ra hiệu cho nó. Không cần phải nhìn nàng cũng biết là hai bà cô già đang rình nghe ở chân cầu thang. Hai chị em huyên thuyên chuyện trời đất, cố tình nói lớn những chuyện tào lao.
Có lần thằng Tân không nín được. Nó cẩn thận nhìn quanh rồi khẽ hỏi nàng :
- Em thấy chị không được vui lắm khi ở đây ?
Nàng trả lời không chút đắn đo :
- Chị buồn muốn chết đây chứ vui vẻ cái nỗi gì. Chị đang hối hận là tự nhiên bò về cái tổ qụa này để rồi bị kẹt cứng ở đây. Chắc chỉ một hai hôm nữa chị sẽ trở về nhà của mình...
- Nhưng khu vực nhà chị vẫn còn có giao tranh. Việt Cộng vẫn còn ở đó. Chị về lúc này nguy hiểm lắm.
Nàng nói với nó cái giọng bất cần đời :
- Mặc kệ. Chị chán nản ở đây lắm rồi Chị phải về nhà thôi. Với lại chị cũng đã dò hỏi người quen thì được biết khu vực nhà của chị đã hết còn giao tranh. Việt Cộng đã rút khỏi đó rồi. Với lại họ có còn ở đó thì chị cũng chẳng sợ. Thà ở chung với Việt Cộng còn hơn ở chung với mấy mẹ con nhà này.
- Nhưng nếu chị về thì phải cho em biết đấy. Em sẽ lại thăm nom và coi chừng cho chị. Dù sao chị cũng có một mình và lại đang lúc giặc giã như thế này. Hơn nữa em mà không thường xuyên lại thăm nom chị thì bố sẽ giết em vì cái tội không bảo vệ cho chị đấy.
- Cậu yên tâm. Chắc chắn là chị sẽ cho cậu biết để cậu đến nhà chị nữa chứ. Nhưng không phải là để bảo vệ chị, mà chỉ để chị em mình uống rượu với nhau. Rồi em sẽ thấy chị sống một mình còn khỏe hơn sống ở đây nữa kia.
Thằng Tân tần ngần nhìn nàng giây lát rồi nó hỏi :
- Thế chị đã dự định tương lai như thế nào chưa ? Chị có định...định đi bước nữa kể từ khi anh X tử trận không ?
Nàng bật cười vì cái vẻ ngần ngại của nó khi nói vấn đề đó ra. Sự thực thì nàng chưa hề nghĩ tới chuyện này. Dù sao thì chồng nàng cũng mới mất có hơn ba tháng. Còn quá sớm để nghĩ đến chuyện đó. Nàng trả lời nó bằng cái giọng bỡn cợt:
- Giờ này ai mà thèm để ý đến chị nữa. Chị của em đã trở thành một bà góa rồi em biết không ?
Nó cũng bằng cái giọng bỡn cợt đó trả lời nàng :
- Em biết. Và em còn biết chị là một bà góa trẻ, đẹp và lại giàu có nữa kìa. Chồng của chị hẳn đã để cho chị cả một gia tài khổng lồ của anh ấy với bao nhiêu cơ sở kinh doanh....
- Ôi, nói đến chuyện kinh doanh của anh ấy thì chị mù tịt. Chú cũng biết là chị của chú là một con người lơ tơ mơ chuyện tiền bạc lắm mà. Nếu điều gì làm chị yêu thích chồng mình thì chính là việc anh ấy không để cho chị sờ mó vào bất cứ công việc kinh doanh nào của gia đình anh ấy đấy. Chị cũng không rõ lắm nhưng anh ấy có làm di chúc để một chút tài sản lại cho chị.
- Nhưng em thật không hiểu ý của nhà chồng chị. Họ có đồng ý để chị tự do không hay họ buộc chị phải ở vậy thờ chồng tới già thì mới trao quyền hưởng tài sản thừa kế đó. Ôi, nếu bà chị của em mà phải ở vậy thì dù có cho cả một kho tàng thì chắc chị cũng chẳng chịu đâu phải không ? Em biết bà chị của em khóai trò chơi lấy chồng hơn là lấy tài sản mà...
Nó nháy mắt với nàng rồi cười nhăn nhở khiến nàng cũng bật cười theo. Nàng nhớ đến bà mẹ chồng của nàng thường hay lôi chuyện cũ của bà ấy ra để kể cho nàng nghe nhiều lần. Đó là chuyện khi chồng bà qua đời sớm, bà ấy đã ở vậy để nuôi dạy ba đứa con khôn lớn nên người. Trong đó có cậu con trai sau trở thành ông chồng vắn số của nàng. Rồi bà ấy lại thở dài khi than thở rằng thằng con trai bà đã bỏ bà ra đi, vội vàng đến mức không kịp để lại cho bà một đứa cháu để nối dõi tông đường cũng như để thừa hưởng tài sản của gia đình bà. Vì nếu có một đứa cháu nội, tức là nếu nàng có một đứa con với con trai của bà thì nó sẽ là đưa cháu đích tôn. Nó sẽ đương nhiên thừa hưởng gia tài vì mấy bà cô của nó, tức là hai bà chị chồng chắc sẽ ở vậy tới già.
Không hiểu bà mẹ chồng nàng có ý gì khi cứ nhắc đến chuyện thừa hưởng tài sản nếu bà có một đứa cháu đích tôn. Còn nàng thì cũng còn qúa trẻ và qúa lơ mơ để nghĩ đến những chuyện thừa hưởng tài sản đó. Nàng trở thành góa bụa khi mới 23 tuổi và chưa hề nghĩ đến chuyện đi lấy chồng lần nữa. Nàng không thích chuyện đó, và có lẽ một lần là qúa nhiều, quá đủ đối với nàng rồi.
Thằng Tân vẫn tiếp tục cái đề tài cũ :
- Em hỏi thật chị nhé ? Nếu bà già chồng mà bắt chị ở vậy để thờ chồng hoài thì sao ?
- Thì chị sẽ mượn chú cây súng kia rồi nhằm vào màng tang chị mà bóp cò một cái chứ còn làm sao nữa. Hoặc chị sẽ ra cầu Bình Lợi, chỗ cao nhất ấy rồi phóng xuống....
- Nhưng nếu chị không theo lời của bà ấy, bả sẽ không cho chị quyền thừa kế của chồng chị thì sao nào ? Chị sẽ làm gì để sống đây ?
Nàng phì cười với ý nghĩ của thằng em trai. Nàng nhớ ông anh Cả cũng có lần nói với nàng về chuyện di chúc của chồng nàng. Ong thì thào vào tai nàng khi không có mặt ai bên nhà chồng nàng :
“Em nhớ rằng đấy là một khỏan tài sản lớn, rất lớn. Và khi chú ấy mất thì tài sản đó đương nhiên thuộc về em theo luật rồi, dù có di chúc hay không ? Nếu gia đình chồng em có ý định gì thì cho anh biết. Anh sẽ là người đại diện cho quyền lợi hợp pháp của em. Anh sẽ đấu tranh đến cùng với họ, chỉ miễn là em đừng giở cái tính sĩ diện hão ra thôi. Cái tính bất cần của em đấy, cô em gái ạ”
Nàng vừa cười vừa trả lời nó với những ý nghĩ đã hiện lên trong đầu nàng từ ngày chồng nàng chết :
- Chị chẳng cần và sẽ chẳng bao giờ cần đến cái tài sản ấy cả. Chị sẽ tự đi kiếm sống để nuôi mình. Hơn nữa tiền tử tuất của chồng cũng đủ cho chị sống phong lưu đến già. Đủ để đãi cả bố mẹ và vợ chồng anh Cả mỗi khi họ lên Sài Gòn chơi. Và chắc chắn cũng đủ để đãi rượu chú em trai bất cứ lúc nào chú ấy chịu ghé thăm chị. Được chưa ?
Nàng giơ tay ra và nó vỗ vào tay nàng và nói “OK!” Hai chị em cười vang lên. Cười lớn đến mức cả hai bà chị chồng cùng chen nhau lên cái cầu thang hẹp để rình nghe xem chuyện gì. Thằng Tân nháy mắt với nàng và hai chị em lại càng cười to hơn trước. Lần này thì chẳng vì lý do gì cả....
Nàng không biết bao giờ khu vực nhà nàng mới không còn giao tranh nữa nhưng nàng rất muốn được trở về đó ngay. Ở nhà nàng có thể nàng làm gì theo ý thích của nàng cũng được. Thậm chí khi có thằng Tân em nàng tới chơi, hai chị em đã uống với nhau cho đến khi say bò càng ra thì thôi. Những lúc đó thì hai chị em ôm nhau, người cười người khóc, hoặc cả hai cùng cười, hay cùng khóc mà chẳng vì lý do nào cả....
Khi trận pháo kích giảm cường độ dần, Xuân quay vào nhà. Nàng muốn đọc một cuốn sách nhưng không thể bật đèn lên được vì bà mẹ chồng đã dặn đi dặn lại ban đêm không được để sáng đèn khi chiến sự nổ ra. Mấy hôm đầu khi cả ba mẹ con nhà họ chui xuống hầm, nàng thường đốt cây đèn dầu để đọc mấy cuốn sách ưa thích mà nàng đã đem theo. Nhưng bà già đã tru tréo là đốt đèn như vậy có khác gì làm ám hiệu để cho Việt cộng bắn tên lửa vào.
Xuân chán ngán ngả mình ra giường. Thật chẳng biết làm cái gì nữa ở cái nơi này. Nàng mò mẫm trong đêm và lén đốt ngọn đèn dầu. Vặn ngọn lửa nhỏ như hạt đổ, nàng hy vọng ở dưới nhà không thấy. Nàng muốn đọc vài trang một cuốn sách tiểu thuyết rất hay mà nàng đem theo nhưng không có mấy dịp để đọc.
Nhưng tiếng bà già đã tru tréo lên từ dưới gầm cầu thang :
- Trời ơi sao lại để đèn sáng thế kia. Mày muốn để Cộng Sản nó giết hết cả nhà sao mà để đèn sáng thế.
Tức mình nàng bật ra một tiếng chửi thề rồi thổi tắt cây đèn dầu. Quăng nó vào góc nhà cùng với cuốn sách, nàng chán nản nằm dài xuống giường trong bóng đêm tối đen. Am ức, bực bội nàng tự nói trong bóng đêm. “Đáng lẽ ra mình không nên đến đây. Ơ nhà mình dù có nguy hiểm cũng còn hơn là ở đây, ở trong cái tổ quạ này. Ta sẽ tìm cách trở về nhà sớm. Nhất định phải trở về …”
Đột nhiên ở dưới nhà vang lên tiếng la ơi ới :
- Trời ơi ! Mày vẫn để đèn sáng như thế kia à ?
- Con đâu có bật đèn đâu. Nàng tức tối cãi lại.
- Phòng mày sáng hực thế kia mà còn cãi hả. Mày muốn VC bắn tên lửa vào đây lắm hả ? Mày muốn cho cả nhà chết lắm hả ? Vẫn tiếng tru tréo của bà già, cùng với tiếng phụ hoạ the thé của hai bà chị chồng.
Xuân giận điên cả người. Nàng như muốn bốc hỏa để la hét, như muốn gào thét lên rằng nàng muốn VC bắn tên lửa vào đây lắm lắm. Nàng muốn cho cả cái nhà này chết lắm lắm.... Nhưng nàng vẫn nằm trong bóng tối với nỗi uất ức khiến nàng trào nước mắt. “ . Sáng ngày mai mình sẽ rời khỏi cái nhà tổ qụa này ngay lập tức. Phải trở về nhà của mình. Chẳng thà phải sống giữa vùng giao tranh với Việt cộng, hay thậm chí sống chung với Việt cộng còn hơn ở cái tổ ướp xác qụa này “. Nàng quyết định dù có chết, nhất định sáng mai nàng sẽ trở về nhà của mình...
(Hết Chương 1)
Mai Tú Ân

Không có nhận xét nào: