5/5/15

Thói đố kỵ - Vũ Thị Minh Huyền....

Xã hội ngày càng phát triển, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, mối quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, vì thế mà con người ngày càng có nhiều người nảy sinh thái độ ganh ghét, đố kỵ.Thái độ đố kỵ là thù ghét những ai hơn mình, những ai được nhiều quyền lợi hơn mình. Khi đi học, ghen ghét với người học giỏi hơn mình, khi đi làm đố kỵ với người giỏi chuyên môn, được tín nhiệm, đạt nhiều danh hiệu, kiếm nhiều tiền hơn mình, có địa vị cao hơn mình. Chính cái khó chịu, bực bội trong lòng ấy là nguyên nhân của sự đố kỵ.

Vậy, người ta thường đố kỵ với người khác bởi những lý do gì?
Thứ nhất là về tài năng.Tài năng là điều làm cho người ta hay ganh tỵ với nhau.Vì tài năng thường đem lại danh dự, đem lại thành công cho con người.Và tất nhiên, thành công đó cũng đem lại lợi ích về vật chất. Vì vậy, nếu ai đó hơn mình về tài năng, tự nhiên chúng ta cảm thấy người đó có danh tiếng hơn mình, uy tín hơn mình, sự thành công cũng vượt hơn, có ảnh hưởng lớn hơn và sẽ thu hoạch được vật chất nhiều hơn.Trong khi đó, tâm lý sâu thẳm của con người là chỉ muốn hơn chứ không bao giờ muốn thua kém người khác cho nên dễ nảy sinh sự đố kỵ. 
Thứ hai là về tiền bạc.Ví dụ, bình thường mình cũng đi làm có cùng hệ số lương và thâm niên công tác như người khác nhưng họ luôn sẵn tiền để mua sắm hàng hiệu đắt tiền còn mình thì luôn trong tình trạng thiếu tiền.Từ đó, chúng ta cảm thấy khó chịu.Tất nhiên, việc người ta mua sắm hàng hiệu chẳng ảnh hưởng gì đến mình, chẳng làm mình thiệt thòi điều gì. Nhưng cảm giác khó chịu xuất hiện là do bản thân mình cảm thấy bị mất thể diện. Đó là tâm lý hơn thua của con người. 
Thứ ba là về địa vị. Ở ngoài đời, vấn đề này có thể làm cho con người giành giật lẫn nhau bất kể sống chết.Vì địa vị, chức vụ, người ta có thể giết hại lẫn nhau.Sự ganh ghét, đố kỵ về địa vị dễ khiến con người nảy sinh những suy nghĩ, những hành động gây tổn thương và thiệt hại cho người khác.
Thứ tư là về danh tiếng. Chúng ta vẫn biết danh tiếng là cái rất hão huyền nhưng người ta vẫn cứ tranh giành, hơn thua, đố kỵ với nhau.Danh tiếng là hão huyền, không có thật tại sao con người cứ phải tranh giành nhau? Sở dĩ người ta giành giật với nhau về danh tiếng vì họ chưa đủ trí tuệ để thấy được nó là hão huyền.
Sự đố kỵ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Người có tính ganh ghét, đố kỵ bao giờ cũng căng thẳng về tinh thần, tổn hại về sức khỏe. Sự đố kỵ phá hoại mối quan hệ giữa người với người.Vì ganh ghét, đố kỵ mà hòa khí bị rạn nứt, sức mạnh đoàn kết của tập thể bị tổn thương.Trong một tập thể chỉ cần có người nẩy sinh lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát triển.
Nguyên nhân của người có thói đố kỵ là do họ thiếu tự tin, hay mặc cảm, tự ti mà lại sẵn lòng tự cao, tự đại. Có người là do cuộc sống của họ thường xuyên gặp thất bại trong cuộc sống hoặc họ hay có thói quen chỉ trích, đả kích người khác. Hoặc họ luôn có suy nghĩ người khác sung sướng, hạnh phúc, may mắn hơn mình.
Là một người có tính đố kỵ sẽ có rất ít thời gian để nhận ra và hưởng thụ nhiều điều tốt đẹp từ cuộc sống.Chính tinh thần và thể chất của họ bị tổn hại, bị chìm ngập trong các cảm xúc tiêu cực: buồn bực, lo lắng, căm ghét, cảm giác tự ti khiến họ mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Nhà văn Balzac đã từng nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần.” Nhà lý luận phê bình văn học Vương Trí Nhàn nói rằng: “Người Việt cứ nghĩ ai nói ra cái xấu của mình thì là kẻ thù và gạt đi cho bằng được. Mà như thế là tự chặt đi con đường nhận diện bản thân, thế giới, lúc nào cũng dương dương tự đắc.”
Vậy,để xoá bỏ sự ganh ghét, đố kỵ trong lòng, chúng ta cần phải làm gì?
Chúng ta phải nhận biết cái mà người ta có, không phải tự dưng nó đến mà phần lớn là công sức lao động, học tập kết hợp với tài năng, trí tuệ hình thành. Người ta đã phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả mới đạt được.Lúc mình thảnh thơi, rảnh rang dành thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi và hưởng thụ cuộc sống thì có khi người ta còn đang phải lặn lội mưa gió đi học, đi kiếm tiền hay lúc mình đang ngủ ngon giấc thì người ta còn đang miệt mài đọc sách…Người ta phải hy sinh cả thời gian, tiền bạc, công sức, trí tuệ….để có được kết quả như hiện tại. Mình không nhìn thấy hết được những gì người ta đã phải trải qua thì đừng vội ghen tỵ..Nếu họ cố gắng hơn ta, giỏi hơn ta thì kết quả họ đạt được là chuyện đương nhiên.Còn nếu họ như ta mà họ hơn ta, tức là họ có may mắn hơn ta. Còn tại sao may mắn lại cứ đến với họ mà không đến với ta thì nên xem lại các điều kiện ngoại cảnh, các mối quan hệ, bản lĩnh sống của ta.
Trước sự thành công của “Đối thủ” hãy bình tĩnh, tự tin và lạc quan.Không nản lòng, không nhụt chí trước những điều chưa đạt được, luôn tin tưởng ở bản thân, ở tương lai chính mình, thất bại chỉ là tạm thời, đời người không ai tránh khỏi thất bại. Hãy nghĩ rằng: “thất bại là mẹ thành công” chỉ cần ta có dũng khí, đứng thẳng trên đôi chân mình thì thế nào cũng đi đến đích.
Học cái hay, cái tốt của “đối phương”để bổ sung và hoàn thiện mình.Phát huy sở trường, hạn chế sở đoản, tìm kiếm những giá trị mới để bù đắp.
Nếu không thể làm được điều đó, hãy tập cạnh tranh 1 cách lành mạnh, chính đáng.Nếu có thể so bì, ấm ức thì tại sao không biến những cái đó thành nghị lực để phấn đấu vươn lên?Tại sao không biết biến sự ấm ức, ganh tỵ với người khác thành động lực phấn đấu cho chính mình?
Nếu ai cũng biết đem khả năng của mình ra đóng góp thì cộng đồng này, xã hội này sẽ tốt đẹp biết chừng nào.Nhưng chính vì còn tồn tại những điều đố kỵ nên nhiều người không dám bộc lộ khả năng của mình.Đó cũng là điều bất lợi, điều thiệt thòi cho tất cả mọi người. Sống trong môi trường có quá nhiều đố kỵ, hơn thua, chỉ có những người can đảm mới không sợ sự ganh ghét, đố kỵ, mạnh dạn đem khả năng của mình ra cống hiến cho xã hội. Có lẽ trong hai cách sống:im lặng, không làm gì để tránh sự đố kỵ và can đảm chấp nhận đố kỵ, chúng ta nên chọn cách sống thứ hai. Vì nếu cứ cảm thấy khó chịu khi đụng chạm với người xấu, nếu cứ sợ bị ganh ghét, đố kỵ mà chúng ta bỏ cuộc thì xã hội này sẽ rơi vào tay những người xấu, rất nguy hiểm.Vì vậy, sống trong môi trường hơn thua, đố kỵ, ganh tỵ đủ điều, chúng ta cần cố gắng chịu đựng, kiên trì, nhẫn nại, rèn luyện cho mình có bản lĩnh kiên cường để có thể vượt qua mọi chông gai thử thách, sóng gió của cuộc đời và cống hiến được nhiều điều hơn cho đất nước. 

Vũ Thị Minh Huyền

Không có nhận xét nào: