Trước hết xin nói ngay là người viết bài này hoàn toàn ủng hộ tất cả mọi nhà văn hội viên quyết định ra đi khỏi Hội, hay quyết định ở lại với Hội. Đó là quyền cá nhân thiêng liêng của mỗi người mà không ai có quyền phán xét. Và cũng cần phải khẳng định một điều rằng, hầu hết những nhà văn nhà thơ Việt Nam tốt nhất hiện thời đều đã có mặt ở trong Hội. Các hội viên cùng với chính danh Hội NVVN đều là những con người và thực thể đáng trân trọng.
Nhưng theo một truyền thống xấu, tiền lệ xấu cũng như con người lãnh đạo xấu có từ xưa, nên đa số trong BCH hiện nay cùng các thành phần lãnh đạo chủ chốt của Hội đã lại hành động mang tiếng xấu cho Hội trong một thời gian dài. Chính những con người có trách nhiệm đó đã biến Hội Nhà Văn danh giá thành một hội đoàn bầy hầy nhất trong các hội đoàn nghề nghiệp ở VN. Cũng như đưa tên tuổi của các nhà văn thơ hội viên xuống bùn với họ.
Ai cũng biết tuy là một Hội Đoàn nghề nghiệp nhưng bao năm nay Hội NVVN, từ TW cho tới cơ sở đều là cánh tay nối dài của Đảng CS, và ai cũng thấy BCH Hội, thì lại còn Bảo Hoàng hơn Vua trong các hoạt động chính trị phi văn học, hoặc hung hăng hơn con bọ xít hơn cả trong việc tố cáo hãm hại chính các đồng nghiệp hội viên của mình. Chủ tịch Hữu Thỉnh, Phó CT Nguyễn Quang Thiều và vài người khác trong BCH Hội luôn muốn trở thành, và đã trở thành những con chó trung thành của Đảng khi dẫn dắt cả một hội đoàn văn nhân đáng kính nhưng như mơ ngủ ấy đi ăn theo cái bả lợi danh và ngược lại tước bỏ đi tính đấu tranh vốn có của người cầm bút chân chính. BCH Hội NVVN đã biến Hội của mình thành phường hội nhạt nhẽo, mờ nhạt trong giới văn thơ nhưng lại nổi bật hơn hội nghệ sĩ đóng kịch, tài tình hơn hội tuồng chèo và xuất sắc hơn trong vai tỳ nữ, chầu hầu bưng bô...
Các nhà văn thơ vào Hội rồi thì tịt ngòi đồng loạt trước các vấn đề cần phản biện xã hội, cần đấu tranh cho công bằng xã hội, chống hiểm họa ngoại xâm. Các nhà văn, với khả năng viết tốt nhất trong xã hội (cùng với nhà báo), và với trách nhiệm hiển nhiên của người cầm bút trong việc phản ánh hiện thực xã hội; cổ động cái tốt, phê phán cái xấu thì bỗng lặng thinh như tờ trước cả cái tốt lẫn cái xấu khi đã trở thành Hội viên HNVVN.
Dĩ nhiên không phải tất cả, vì có những nhà văn tuỳ tâm và tuỳ nghành nghề mà vẫn tham gia tâm huyết với thời cuộc nhưng họ đều lẻ loi và chìm ngập trong sự thờ ơ im lặng của đại đa số hội viên còn lại. Và thậm chí quan điểm im lặng, mũ ni che tai trước hiện thực xã hội lại còn thắng thế. Nhất là ở những ngừoi lãnh đạo chủ chốt của Hội.
Và để hoàn hảo cho bức tranh toàn cảnh buồn của Hội NV thì những chuyện giành ăn, giành ghế, kèn cựa, tố giác, kiện cáo, bôi nhọ nhau giữa các con người tưởng như đáng kính ấy diễn ra như các màn diễn hài hước mỗi cuối tuần. Chuyện nổi bật của HNV luôn là những hoạt cảnh giống như màn tranh chân tiên chỉ làng ngày xưa, pha lẫn những xen cấu véo nhau của những chị hàng xén nơi miền chợ quê...
Hội NVVN đã từng là một hội đoàn nghề nghiệp đáng kính, nhưng giờ đây thì không còn ai dám khẳng định điều đó nữa, cũng như không phải ai cũng tự hào với danh hiệu Hội viên HNVVN như trước nữa. Và đáng buồn là việc đi hay ở với Hội giờ đây còn là ý nghĩa của tiến bộ với phản động, của bất tài với có tài, của bưng bê với không bưng bê...
Vấn đề là cần phải thay máu, phải cải tổ triệt để và nhất là phải thay thế hết những lãnh đạo chỉ giỏi bưng bê đã đưa Hội đến con đường chia rẽ trầm trọng như hiện nay, và như thế thì HNVNV mới không bị nạn "chảy máu" tới chết như hiện nay...
MTA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét