“Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”
Hình bài thơ chép tay của Hoài Nam Lê |
Đó là những câu thơ trĩu nặng tình người của thi sĩ Tế Hanh với những con tàu, sân ga, nỗi khổ đau...nhưng có một bài thơ khác của Nguyễn Bính cũng về sân ga đoàn tàu nhưng lại viết về nỗi buồn hơn, khổ đau hơn. Đó là cảnh chia ly đưa tiễn của kẻ ở người đi ở cái nơi buồn ơi là buồn đó, bài thơ Những Bóng Người Trên Sân Ga..
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Buồn ở đâu hơn ở chốn này....
Mỗi một cuộc chia ly đưa tiễn đều có những nỗi buồn riêng của kẻ ở người đi, nỗi buồn chia xa muốn khóc, nhưng gom hết cả những nỗi buồn riêng đó thành một một nỗi buồn chung, rồi đưa vào một nhà ga nhỏ bé buồn tẻ trong một chiều sân ga buồn hiu hắt, của những số phận buồn của kẻ ở người đi...
Rồi bằng những lát cắt tinh tế, cái nhìn thấu hiểu và nỗi buồn đỉnh điểm...Có lần tôi thấy.... Có lần tôi thấy... Nguyễn Bính đã đưa vào bài thơ trên của mình những hình tượng buồn thê lương, buồn muôn thuở cho những cuộc chia ly đưa tiễn buồn nhất. Buồn như con chuồn chuồn không buồn...bay....
Xuyên suốt bài thơ là những hình ảnh bịn rịn, lưu luyến không muốn rời nhau của kẻ ở người đi trong một gam màu sầu thảm tê tái. Và thi sĩ của chúng ta đã hình tượng hóa rất thơ những hình ảnh của những người đi chẳng muốn đi, người tiễn không muốn tiễn này.
Với hai người bạn thì :
Hai bóng chung lưng thành một bóng.
Sát má vào nhau khóc sụt sùi.
Hai người yêu thì :
Ở một ga nào xa vắng lắm,
Họ cầm tay họ bóng liêu xiêu.
Hay cặp vợ chồng thẹn thùng chia tay, hay bà mẹ tiễn con đi trấn ải xa với những câu thơ đơn sơ, giản dị đến tận cùng của ngôn từ đơn giản nhưng đắc địa đến ngẩn ngơ, khiến cho ta rung động hết mọi tầng nấc cảm xúc khi những câu thơ của tình cảm bịn rịn, lưu luyến thăng hoa :
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại
"Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi"
Rồi..
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà còn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga..
Nhưng có lẽ hình ảnh cuối cùng về một con người "Một mình làm cả cuộc phân ly", một kẻ cô độc trơ trụi không danh không phận như những người khác trên sân ga, cái người đi mà chẳng biết đi đâu, chẳng ai đưa tiễn, chẳng biết tiễn ai, cũng chẳng biết suy nghĩ gì. Cái kẻ độc hành hững hờ lẻ loi bước theo cái bóng của chính mình dường như nói lên tất cả...
Nguyễn Bính, thi sĩ thành Nam chuyên thơ lục bát với "thôn Đông nhớ thôn Đoài" đã viết một bài thơ thất ngôn tuyệt hay. Một bài thơ buồn, rất buồn của thi sĩ Nguyễn Bính và có lẽ ta khó tìm được một bài thơ nào có được tâm trạng nói về cảnh tiễn đưa, cảnh chia ly buồn đến như thế này.
MTA
NHỮNG BÓNG NGƯỜI TRÊN SÂN GA
Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.
Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Hà Nội, 1937
NGUYỄN BÍNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét