10/7/14

Một con ngựa đau cả tàu vẫn…tranh nhau gặm cỏ…


Bài viết của nhà văn Nhật Tuấn 
Báo nào có tuổi thọ cao nhất, vài chục năm nay kể từ khi ra đời vẫn chưa…chết ? Tất nhiên là báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam.


Báo nào có tuổi đời ngắn nhất , vừa chào đời, chưa kịp bán ra sạp đã bị tuyên án tử hình ? Đó là nguyệt san “Nhà báo@Công luận “cơ quan trung ương của Hội Nhà báo Việt Nam"

Đầu tháng 1 năm 2005 , ông Đỗ Quý Doãn , Cục trưởng Cục báo chí Bộ văn hoá ký quyết định đình bản tờ báo nói trên khi nó chỉ vừa kịp ra tới số 2 với lý do “vi phạm Luật báo chí “.

“ Một con ngựa đau cả tàu vẫn…tranh nhau gặm ăn cỏ”, một đồng nghiệp bị chôn sống ngay giữa chợ, cả làng báo Việt Nam vẫn im thin thít, vẫn mải miết trong cuộc chạy đua …tăng số lượng để tăng trang quảng cáo; riêng Tổ chức Nhà báo không Biên giới ( RSF) lên tiếng phản đối mãi từ … bên kia bờ đại dương nên chẳng tạo nên một tiếng vang nào ?

“ Nhà báo @ Công Luận” cứ thế mà tức tưởi chết trong im lặng.

Nhà nước ký quyết định chính thức đình bản tờ báo của “Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam” - một tổ chức quần chúng “quản lý các nhà báo “ của Đảng khác nào từ bỏ đứa con mình đẻ ra ?

Vì sao vậy ?
Phải chăng báo “bôi xấu con em chúng ta “ khi cho đăng bài tập làm văn của một học sinh lớp 9 :” Thuý Kiều là người con gái tài sách vẹn toàn , song nàng bị chế độ phong kiến vùi dập chốn bùn nhơ . Đến nỗi nàng phải nhảy xuống sông Tiền Giang tự vẫn, may thay lúc đó có một bà đảng viên đi công tác về , bà liền nhảy xuống sông cứu mạng. Sau đó Kiều giác ngộ và đi theo con đường cách mạng…”

Hay vì lật tẩy “số đo trí tuệ” của hoa hậu Nguyễn thị Huyền, khi trả lời câu hỏi được báo trước và chuẩn bị sẵn thì rất hay, nhưng khi bị hỏi đột ngột :” sáng sớm mai việc đầu tiên em làm là gì ?”, cô hoa hậu ngắc ngứ mãi sau đành nói liều :”em mở cửa sổ” làm những người tham dự cứ cười lăn.
Hay vì đăng chuyện cười bôi bác chế độ :

” Cần bao nhiêu nhà văn để thay một cái bóng đèn ? Ba. Một để nguyền rủa bóng tối, một để thắp nến lên và một để thay bóng đèn. Thế cần bao nhiêu quan chức để làm việc đó ? Một để chỉ ra cái bóng đã hỏng, một để đề nghị chấp thuận thay bóng, ba người để soạn và lưu các bản đề nghị, một để chuyển bản đề nghị lên phòng vật tư, một để soạn yêu cầu mua bóng, một để nhận bóng về"

Hay vì đăng ý kiến các VIP khi được báo chí bốc thơm như Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh :” Tôi thấy nhiều lúc nghĩ mãi không ra chúng ta đầu tư theo kiểu gì ? Cuộc sống cần cái này ta lại đi làm cái kia. Chẳng hạn nông dân cần máy tuốt lúa ta lại đi sản xuất máy bay hay người ta cần mổ tim cho trẻ em ông lại đi ghép gan ghép thận…” hoặc như Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ai Trực :” Tôi kêu gọi người dân hãy đi kiện những công chức sách nhiễu thay vì đút tiền cho những công chức đó…” hoặc như đại biểu quốc hội Nguyễn mạnh Đức :” Cần có kiểm soát với các đồng chí có chức vụ mà tài sản phát triển lên nhanh chóng “ ( vậy thì tuốt luốt từ địa phương đến trung ương, đồng chí nào cũng phải kiểm soát)

Hay đăng ý kiến lúc “thăng hoa bằng bia Tiger ” của nhà văn “quốc doanh” Đỗ Chu :”Phải biết xấu hổ mới viết văn hay được” ( thảo nào mấy chục năm nay mất mùa văn học), của nhà viết kịch trẻ Lê Chí Trung :” Vừa rồi tôi có một vở chống tham nhũng nói về những ông quan cấp bộ cấp tỉnh. Nhưng rồi bị sửa, rốt cuộc vở rất tròn trịa, kẻ tham ô biến thành người tốt…:”

Hay do đăng tiếng kêu của bé Thắng, 3 tuổi, ở thôn Huyền Kỳ, xã Phú Lâm, Hà Đông bị chó berger của đám nhà giàu trong làng cắn nát lưng :” Chó ! Chó kìa !...bố ơi “ và báo chạy tít lớn :” Ngày nào có một phiên toà ?”

Hay vì đăng bài “ Đằng sau tiếng rao “báo đây” là nước mắt “ vạch thảm cảnh của những bà mẹ , những người vợ vì nuôi chồng con phải bán báo dạo trên đường phố Hà Nội và bị đưa đi trại Đồng Dầu, Ba Vì ?

Không phải, tất cả đều không phải vì những chuyện đó.

Theo “phổ biến nội bộ” thì tờ báo bị đóng cửa là do “ vi phạm nhạy cảm chính trị” khi đăng hồi ký của nhà báo Lý Quý Chung , nguyên Tổng trưởng Bộ TT của chính phủ Dương văn Minh :

“ Tổng thống Dương Văn Minh muốn công bố đầu hàng vào ngày 29 tháng 4 năm 1975 nhưng đã dời đến 30 tháng 4 năm 1975 vì đã nghe theo lời khuyên của ông Lý Quý Chung :” nếu tuyên bố đầu hàng vào 29 tháng 4 năm 1975 khi bộ đội cách mạng chưa vào , Sàigòn sẽ không có chính quyền , khoảng trống đó rất nguy hiểm tạo ra sự hỗn loạn, cướp phá đẫm máu, xin Tổng thống hãy chờ qua ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi bộ đội đã tới cửa ngõ Sàigòn hãy tuyên bố…”.

Lịch sử bị “bật mí” theo kiểu vậy đâu có được , nếu vậy còn đâu là yếu tố “thần tốc” và “chủ động” của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ?

Tuy nhiên đó chỉ là “cái cớ” người ta vin vào thôi, cái cốt lõi tạo nên án tử cho tờ báo cụ thể và đơn giản hơn nhiều.

Tội lớn nhất của “ Nhà báo @ Công luận “ là làm rùm beng :” Dự án cụm Du lịch Cáp treo Núi Lớn- Núi Nhỏ Thành phố Vũng Tàu”, mà từ hồi tháng 4 năm 2004, báo Văn Nghệ Trẻ thuộc Hội nhà văn đã dành hẳn 5 kỳ báo vạch trần dự án cáp treo chẳng khác gì “chiếc dây phơi” bắc qua Vịnh, phá hoại cảnh quan , phá hoại cái đẹp của biển Vũng Tàu. Tuy nhiên lời báo động khẩn thiết của Báo Văn Nghệ Trẻ bị rơi vào im lặng , cáp treo vẫn cứ được khẩn trương căng ngang hai bờ vịnh.

“Nhà báo @Công luận” không những lên án cáp treo mà còn vạch trần nguời ta đã lợi dụng cáp treo để chiếm dụng mặt bằng xây những cụm công trình lớn như : Hệ thống khách sạn “Ga cáp treo”, khu khách sạn Đồi Mây, Lầu vọng cảnh, Khu Bungalow, Khu khách sạn Nghinh Phong vân vân…Báo dành hẳn 3 trang khổ lớn đăng ý kiến phản đối dự án của rất nhiều người trong đó có nhà sử học Dương Trung Quốc, , nguyên Bí thư tỉnh uỷ Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Quang Thành …Tiếc thay dự án cáp treo Vũng Tàu có cổ phần của các VIP siêu lớn, nếu cứ để “Nhà báo@Công luận” tiếp tục thọc gậy bánh xe thì không khéo hỏng ăn, bởi vậy tốt nhất là bịt miệng nó lại cho chắc ăn.

Tội lớn thứ hai của tờ báo là khui lại vụ “các quan chức xẻ thịt lòng hồ Trị An”, nhắc lại danh sách các cơ quan và các cán bộ từ xã, huyện đến tỉnh chiếm đoạt đất lòng hồ ngoài ra còn trích dẫn ý kiến bạn đọc có tính chất “ kích động” như “Không thể để những kẻ sâu mọt đó muốn làm gì thì làm…Cần phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ này bất kể chúng là ai, nắm cương vị gì…”.

Báo “ Nhà báo @ Công luận” đòi vậy là đi ngược chủ trương của Đảng, bởi lẽ thủ phạm lớn nhất trong vụ này chính là “đồng chí Bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai” Lê Hoàng Quân . May thay, đích thân ông Phan Diễn , Uỷ viên Bộ chính trị bay vào Đồng Nai “cứu nguy” đá sang Tp Hồ Chí Minh làm Chủ tịch UBND để chạy tội, “bảo vệ cán bộ”.

Tội lớn thứ ba là dám đăng ý kiến của cựu Bộ trưởng Bộ y tế , Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân từ chối làm Bộ trưởng chính là vì “Tôi không thể sống chung với tham nhũng”. Ong cựu Bộ trưởng kể lại :” Nhiệm vụ của ngành y tế rất nặng nề nhưng điều kiện tạo cho ngành rất thiếu thốn, ngân sách dành cho ngành y tế chưa tới 1 USD/ người /năm trong khi đó nước Lào, Bangladesh nghèo hơn ta còn được nhiều hơn. Ngân sách dành cho y tế đã ít như thế mà vẫn bị những kẻ tham nhũng xà xẻo, bòn rút…”

Cái kiểu “vạch áo cho người xem lưng “ như thế rõ ràng không đạt yêu cầu “ Phải lựa chọn thông tin thích hợp, phải cân nhắc đưa hay không đưa, liều lượng cỡ nào, đưa lúc nào và không phải tất cả mọi chuyện đều có thể đưa lên báo” như ông Hồng Vinh, Phó Ban Tư Tưởng – Văn Hoá phát biểu tại Hội nghị sơ kết ngày 16-12-2004 ở Nam Định.

Và như lời ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban tư tưởng-văn hoá cũng ở Hội nghị này:”Những người không tích cực sửa chữa khuyết điểm hoặc không đủ trình độ và phẩm chất lãnh đạo, quản lý tờ báo phải xem xét xử lý kỷ luật thích đáng hoặc thay thế kịp thời…” báo “ Nhà báo @Công luận” bị đóng cửa là đúng rồi, còn oan nỗi gì ?

Nhật Tuấn

Không có nhận xét nào: