28/11/16

CHỮ QUỐC NGỮ





Bồ Đào Nha là dân tộc của những người đi biển. Hơn thế nữa, từ xưa, họ là những người chịu bỏ xứ đi tha hường. Lisboa là cảng biển thiên nhiên duy nhất của bán đảo Iberia, từ trước công nguyên đã là một trung tâm chính trị và kinh tế. Lisboa nằm ngay trên cửa biển, hòa nước ngọt của sông Tejo vào nước mặn của Đại Tây Dương, mênh mông một màu nước, khơi gợi lòng viễn du của một dân tộc sẵn sàng lên đường. Thực vậy, kể từ thế kỷ thứ 15, khi tài đi biển của người Bồ Đào Nha lên đến đỉnh cao, quốc gia này bành trướng thành cường quốc số một ở Châu Âu, chiếm lĩnh nhiều thuộc địa ở Brazil, Châu Phi, Ả-rập, Ấn Độ và Trung Quốc.

20140111-210304.jpg

Năm 1511 thuyền nhân Bồ Đào Nha bắt đầu nhắm đến Trung Quốc và Nhật Bản. Họ vòng từ miền nam Ấn Độ, đi đường biển dọc theo miền Trung Việt Nam để lên đảo Macau. Nhà truyền giáo đến với cộng đồng bằng thuyền ở Việt Nam xưa.

Hẳn họ đã dừng chân tại Hội An để buôn bán và tiếp tế lương thực, nên năm 1524 họ dựng một tấm bia đá ở cù lao Chàm. Song song, các nhà truyền giáo lần lượt đến Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Trong những năm cuối của thế kỷ thứ 16 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha của hai dòng thánh Francisco và Agustino đến Việt Nam, nhưng cuối cùng bỏ cuộc.

Đầu thế kỷ thứ 17 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha lại đến Việt Nam một lần nữa và lần này họ thành công. Dòng Tên* chính thức được thành lập ở Đàng Trong năm 1615. Đàng Ngoài năm 1627. Trong giới giáo sĩ dòng Tên người Bồ có một nhân vật xuất sắc, đóng một vai trò lịch sử trong nền văn hóa Việt Nam, đó là Francisco de Pina. Pina sinh năm 1585, đến Macau năm 1613, đặc biệt rất giỏi tiếng Nhật. Năm 1617 ông đến Đàng Trong truyền giáo và bắt đầu dịch một số văn bản của Ki Tô giáo ra tiếng Nôm, một thứ chữ Hán được bản địa hóa.. Thế nhưng Pina nhận thấy các nhà truyền giáo đồng nghiệp có một khó khăn trầm trọng , đó là họ không sao học được chữ Nôm. Chàng linh mục trẻ tuổi Pina thấy chữ Nôm không thể là phương tiện giao lưu với người bản xứ, ông nghĩ ra một cách đơn giản. Ông thử lắng nghe người Việt phát âm ra sao rồi dùng mẫu tự la tinh để diễn tả âm tiết theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha thường làm. Đó là thời điểm khai sinh của chữ quốc ngữ chúng ta ngày nay. Theo lời xác nhận của chính Pina, kể từ năm 1622, ông đã xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự la tinh cho hợp với thanh điệu và lối phát âm của tiếng nói Viet Nam. Pina cũng soạn cả một tập văn phạm thô sơ cho loại chữ viết mới mẻ này. Có lẽ trên thế giới không có nơi nào có một thứ chữ viết được hình thành trong điều kiện như thế.

Năm 1624 Francisco de Pina mở trường dạy tiếng Việt cho các nhà truyền giáo khác. Trong số người đến học với ông có hai vị quan trọng, một người đã lớn tuổi là António de Fontes (1569 -?), sinh tại Lisboa. Vị kia chính là Alexandre de Rhodes (1591-1660), sinh tại Avignon, Pháp.Hai vị này lãnh hai trọng trách, de Fontes là trụ cột cho giáo xứ truyền giáo ở Đàng Trong, còn de Rhodes sẽ ra Đàng Ngoài vào năm 1626, lúc đó trong thời kỳ của Chúa Trịnh Tráng. Một ngày nọ trong thang12 năm 1625, một chiếc tàu của Bồ Đào Nha bỏ neo ở vịnh Đà Nẵng, Pina lên tàu để mang hàng hóa vào bờ. Khi đến bờ chẳng may thuyền chìm, Pina chết tại đó, ông chỉ sống được 40 tuổi.

Sau cái chết bi thảm của Pina, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục xây dựng chữ quốc ngữ mà hai nhân vật có công nhất chính là hai người Bồ, Gaspar de Amaral (1549-1646) và Antonio Barbosa (1594-1647). Còn Alexandre de Rhodes thì bị chúa Trịnh Tráng trục xuất năm 1630, phải đi Macau. Mười năm sau, năm 1640 de Rhodes trở lại Đàng Trong và đến năm 1645 bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. De Rhodes trở về La Mã và năm 1651 ông cho xuất bản tập tự điển Việt-Bồ Đào Nha-La Tinh (Dictionarium annamiticum seu tunquinense lusitanum et latinum).

Trong các đời sau, nhiều người tôn Alexandre de Rhodes là người sáng tạo chữ quốc ngữ nhưng thực ra đó là công của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, mà người đầu tiên phải là Francisco de Pina.

Một tình cờ của lịch sử đã đưa các vị giáo sĩ Bồ Đào Nha phát minh ra một loại chữ viết cho cả một dân tộc xa lạ, trong đó họ buộc phải dùng mẫu tự và âm tiết của ngôn ngữ mình để diễn tả một tiếng nói khác, vốn mang đầy thanh âm trầm bổng như tiếng chim. Mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với cộng đồng tôn giáo của mình bằng chữ viết. Về sau, khi các nhà cai trị người Pháp đến Việt Nam, họ cũng không kham nổi chữ Hán lẫn chữ Nôm. Giải pháp thuận tiện của người Pháp là buộc mọi người Việt Nam phải sử dụng chữ quốc ngữ và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes được nêu bật.

Từ 1930 chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt.

Một số người Việt đầu tiên biết chữ Quốc ngữ, có lẽ thuộc Tu hội Thầy giảng (được thành lập tại kinh đô Thăng Long 27-4-1630 và tại Hội An 31-3-1643). Đến năm 1659 thầy giảng Bento Thiện và Igesico Văn Tín đã viết thư bằng chữ Quốc ngữ gửi về Áo Môn cho linh mục Filippo Marini (truyền giáo tại Đàng Ngoài từ 1647-1658) ; đặc biệt là Bento Thiện theo lời yêu cầu của Marini, còn viết một tập Lịch sử nước Annam (mà chúng tôi đã cho in lại nguyên bản gốc trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659), để Marini sử dụng cho cuốn sách của ông viết về Đàng Ngoài và sẽ được ấn hành tại Roma năm 1663 [12]. Tập Lịch sử này viết bằng chữ Quốc ngữ với lời văn khá trôi chảy, hơn nữa còn được viết bằng phương pháp rất mới đối với xã hội ta thời quân chủ độc tài.

Đến Nghị định số 82 ngày 6-4-1878 của Thống đốc Nam Kỳ Lafont, đại lược như sau : “Kể từ mồng một tháng giêng năm 1882 , tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị … sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ quốc ngữ, sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng” [23].

Bây giờ mới đúng là thời kỳ chữ Quốc ngữ lên ngôi thật sự ! Vì Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người lãnh đạo cả nước, chính thức công bố sắc lệnh nói trên. Từ đó đến nay, mới qua gần 60 năm, nhưng phải nói là chữ Quốc ngữ đã trở thành công cụ phát triển toàn bộ xã hội ta, từ văn chương, triết học, giáo dục, tôn giáo đến kinh tế, xã hội, cùng mọi ngành mọi lãnh vực khác trong xã hội, kể cả việc dành lại độc lập cho Tổ quốc.Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức cả nước, và chữ Quốc ngữ cũng là văn tự chính thức.

[39] Nên nhớ, năm 1932, toàn thể Đông Pháp gồm ba nước Việt, Campuchia, Lào, ngoài các trường Sơ học, Tiểu học, Trung học đệ Nhất cấp (Trung học cơ sở), tất cả chỉ có bốn trường Trung học đệ Nhị cấp (Trung học Phổ thông cấp III) : hai trường thuộc hệ thống “trường Pháp” (enseignement franco-indochinois) hoàn toàn theo chương trình Pháp, hầu như chỉ dành cho học sinh Pháp và những học sinh người địa phương“vào làng Tây” là trường Albert Sarraut tại Hà Nội và trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn ; hai trường kia thuộc hệ thống “cổ điển” (enseignement classique indochinois) là trường Bưởi ở Hà Nội và trường Petrus Ký ở Sài Gòn dành cho học sinh người Đông-Pháp, năm 1932 hai trường này có 298 học sinh lớp 10, 11, 12 (ĐỖ QUANG CHÍNH, Sử, Địa đệ Nhất, in lần thứ sáu, Đường Sáng xuất bản, Sài Gòn, 1966, tr. 21).

[40] Tạp-chí Tri-Tân, số 2, ngày 10-6-1941, tr. 27, 40. – Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận – Semaine religieuse, năm thứ 33, Phụ lục, số 1662, ngày 11-6-1941, tr. 2. – Tạp-chí Indochine hebdomadaire illustré, số 41, ngày 12-6-1941, tr. 11-13.

VA : Bài viết có tư liệu đóng góp của :
Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách (tại Đức)
Và tài liệu tham khảo của : Giáo Hội Công Giáo VN.

Lisboa – Bồ Đào Nha
Những năm đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ
Nhờ nhiều tư liệu chính xác về thời kỳ sáng tạo chữ Quốc ngữ cách nay gần 400 năm, chúng ta đều biết được những ai, trong hoàn cảnh nào và bằng phương thức nào, đã sáng tạo chữ Quốc ngữ. Về những điểm này chúng ta có thể tìm thấy ở nhiều sách báo ngày nay. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin phép nhắc lại đôi ba dòng sau đây :
Nhóm người đầu tiên sáng tạo chữ Quốc ngữ là các giáo sĩ Dòng Tên đến truyền giáo tại Đàng Trong (từ 18-1-1615) và Đàng Ngoài (từ 19-3-1627). Họ là những người thuộc quốc tịch Bồ Đào Nha, Ý, Nhật, Trung Quốc và Toà thánh (nên nhớ từ 11-2-1929 mới chính thức gọi là Toà thánh Vatican), đa số là người Bồ Đào Nha.
Giáo sĩ thành thạo tiếng Việt nhất trong nhóm này là Francisco de Pina (1585-1625)[4] người Bồ Đào Nha. Ông đến Đàng Trong năm 1617, thế mà năm 1620 đã soạn ra được một tập giáo lý bằng ngôn ngữ bản địa Đàng Trong (lingoa da terra … ; Cocincinensi idiomate … ) [5] và ông đã dạy giáo lý mà không cần thông dịch viên, khác với tất cả giáo sĩ khác đến đây từ năm 1615. Vào năm 1623, Pina viết một báo cáo bằng tiếng Bồ Đào Nha gửi về bề trên ở Áo Môn (Macau, Macao): “Tôi đã soạn một tập nhỏ về chính tả và các dấu thinh của tiếng này [Việt] và tôi đang bắt tay vào việc soạn cuốn ngữ pháp” [6]. Hồi giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) bắt đầu đến Đàng Trong vào đầu tháng 2-1625, cũng đã trở thành học trò của Pina về tiếng Việt.
Còn giáo sĩ thứ hai trong nhóm này thành thạo tiếng Việt là Gaspar d’Amaral cũng là người Bồ Đào Nha. Ông ở Thăng Long từ 1629-1630 và 1631-1638. Nhưng ngay từ cuối tháng 12-1632, trình độ chữ Quốc ngữ của ông lúc ấy hơn cả Đắc Lộ vào năm 1636 [7]. Chính Amaral đã soạn cuốn từ điển Việt-Bồ mà Đắc Lộ nhắc đến trong từ điển của ông.
Một nhân vật khác rất quen thuộc với chúng ta là giáo sĩ Đắc Lộ[8], người đã có công hoàn thành chữ Quốc ngữ, đặc biệt hơn hết đó là người đầu tiên đã cho in 3 sách chữ Quốc ngữ tại Roma năm 1651 : 1. Dictionarium annamiticum, lusitanum, et latinum ; 2. Linguae annamiticae seu Tunchinensis brevis declaratio (Ngữ pháp tiếng Việt)[9] ; 3. Cathechismus … Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chiụ phép rứa tọi , mà beào đạo thánh đức Chúa blời.
Từ đó trở đi, chữ Quốc ngữ vẫn được một số rất ít người sử dụng. Có thể nói, từ giai đoạn Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine, 1741-1799) viết cuốn từ điển Dictionarium anamitico-latinum vào năm 1772-1773 cho tới ngày nay tức là sau 231 năm, cách ký âm chữ Quốc ngữ hầu như giống nhau hoàn toàn. Xưa nay có nhiều người đề ra một số cải cách chữ Quốc ngữ, nhưng xem ra không được đại đa số tán thành.
Tại sao có chữ Quốc ngữ ?
Khi các nhà truyền giáo bước chân vào VN từ đầu thế kỷ 17, VN có hai lọai chữ viết : chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Hán là văn tự chính thức trong việc giáo dục, học hành, thi cử và mọi lãnh vực khác suốt từ triều đình vua Lê, chúa Trịnh, Nguyễn cho đến làng xã ; nhưng trong giao tiếp hàng ngày, từ vua chúa đến người dân đều dùng ngôn ngữ Việt. Còn chữ Nôm là thứ chữ VN vay mượn nhiều hình thức chữ Hán để lập ra một thứ chữ riêng của VN, không được trọng dụng và phổ biến, lại còn bị đa số người Việt khinh thường. Chữ Hán thì khó học, phải ròng rã 10 năm cũng chẳng đọc hết được mọi chữ, vì có tới 60.000-80.000 chữ, mặc dù chỉ cần thuộc lòng 3.000-4.000 chữ là đủ dùng; đến chữ Nôm cũng chẳng dễ dàng tí nào. Bao nhiêu năm đèn sách, dùi mài kinh sử mới đạt được kết quả !
Chính vì muốn có một thứ chữ viết dễ dàng hơn, không lệ thuộc vào dạng Hán tự (khó nhớ), nên các nhà truyền giáo với sự cộng tác của một số người Việt trong tu hội Thầy giảng, như thầy Phanxicô Đức, thầy I Nhã, thầy Bento Thiện, các ông đã dần dần hoàn thành chữ Quốc ngữ. Đúng ra là các nhà truyền giáo đầu tiên có sáng kiến này, còn những người Việt mình chỉ là cộng tác viên trực tiếp hay gián tiếp.
Xem ra các giáo sĩ Dòng Tên truyền giáo ở nước ta từ đầu thế kỷ 17 muốn bắt chước các nhà truyền giáo Dòng Tên ở Nhật Bản để sáng tạo chữ viết theo mẫu tự La tinh. Thời kỳ đó, bên Nhật đã xuất bản vài cuốn sách ngữ vựng và ngữ pháp dạng mẫu tự abc [10].
Mục đích chính và thực tế của việc sáng tạo chữ Quốc ngữ là để các nhà truyền giáo nước ngoài học tiếng Việt dễ dàng hơn (qua mẫu tự abc) cho sứ vụ truyền giáo, đồng thời để một số rất ít người Việt cũng qua mẫu tư abc trong chữ Quốc ngữ, làm quen với tiếng Bồ Đào Nha, La tinh, nhất là La tinh [11] văn tự chính thức của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, vẫn còn được sử dụng trong các Đại học nổi tiếng ở châu Âu thời đó, như Coðmbra, Salamanca, Paris, Košln, Bologna, Oxford …
Theo chúng tôi biết, căn cứ vào những sử liệu hiện còn lưu trữ ở Lisbõa, Roma, Madrid, Paris … khi sáng tạo chữ Quốc ngữ, các thừa sai không dám có cao vọng dùng chữ Quốc ngữ thay thế cho chữ Hán, Nôm đã được sử dụng từ lâu đời ở VN. Các ông chỉ muốn coi đó là dụng cụ cho việc truyền đạo.
Chữ Quốc ngữ được sử dụng trong nội bộ Giáo hội
20140111-210825.jpg
Thật ra, trong mấy chục năm đầu các thầy giảng chưa phải học thứ chữ mới mẻ này. Trái lại, các thầy có luật buộc phải học chữ Hán, vì chữ Hán là văn tự chính thức của cả nước gồm hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ba thầy giảng đầu tiên ở Đàng Ngoài đều thạo chữ Hán, vì các thầy đã được thụ huấn trong nhà chùa, nhất là thầy Phanxicô Đức, còn ở Đàng Trong thì thầy I Nhã đã có bằng cấp chữ Hán, thuộc loại “sinh đồ, tú tài”. Trong tập luật ngắn gọn của các thầy giảng Đàng Ngoài do Gaspar d’Amaral soạn lúc ông ở Thăng Long, rồi được ông viết trong bản tường trình gửi về Áo Môn năm 1637, đã ghi rõ là các thầy phải học giáo lý và chữ Hán, không thấy nói tới việc học chữ Quốc ngữ [13] .
Nói chung thì cho đến cuối thế kỷ 19, chữ Quốc ngữ hầu như chỉ được sử dụng trong nội bộ Giáo hội và dùng vào lãnh vực tôn giáo. Việc linh mục Philiphê Bỉnh (1759-1832) trong thời gian ở Lisbõa từ 1796 đến khi qua đời tại đây năm 1832, đã viết 21 cuốn sách bằng Quốc ngữ (hiện còn được lưu trữ trong Thư viện Toà thánh Vatican) là một sự kiện lớn của lịch sử văn học Quốc ngữ. Trường hợp Petrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của và rất ít người ở Nam kỳ thời đó đã viết sách Quốc ngữ quả là hiếm hoi, đằng khác hai vị trên đây đều xuất thân từ Đại chủng viện hoặc từ “nhà Đức Chúa Trời” mà ra, nghĩa là đã học chữ này trong thời gian tu trì.
Văn tự chính thức của nước ta vẫn là chữ Hán, ngoài ra còn có chữ Nôm. Cho nên tính đến khoảng giữa thế kỷ 19, trừ một số rất ít người Công giáo ra, không biết có mấy nhà trí thức, quan lại biết chữ Quốc ngữ ? Tài liệu nào cho chúng ta hay đại văn hào Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và cả đến nhà bác học Lê Quý Đôn biết và sử dụng chữ Quốc ngữ ?
Ngay trong nội bộ Giáo hội cũng chỉ sử dụng chữ Quốc ngữ phần nào. Xem ra cho tới cuối thế kỷ 19, các sách đạo đa phần bằng chữ Nôm, còn một số bằng Quốc ngữ và Hán tự ?
Chúng ta có thể dựa vào một số chứng cớ sau đây đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18, cho biết thời đó “nhà đạo” còn chính thức dùng Hán-Nôm thay vì Quốc ngữ :
-Tháng 5-1630, Bổn đạo ở kinh đô Thăng Long đệ lên Đức thánh Cha Urbanô VIII một tờ biểu gồm 205 chữ Hán và cùng dịp đó nhóm này gửi sang Bề trên Cả Dòng Tên Mutio Vitelleschi ở Roma một thư cũng bằng chữ Hán gồm 183 chữ [14] ;
– Ngày 15-7-1640 ba vị đại diện bổn đạo Đàng Trong viết một tờ biểu tại Thành Chiêm (Thanh Chiêm, Kecham, Cacham) bằng chữ Hán đệ lên Đức thánh cha Urbanô VIII, được Đắc Lộ dịch sang La tinh [15] ;
– Ngày 15-11-1673 thầy giảng Simong Tú ở Đàng Trong gửi một thư bằng chữ Nôm cho nhiều bổn đạo từ Huế tới Phú Yên để bênh vực giáo sĩ Dòng Tên Bartolomeu d’Acosta (sinh tại Áo Môn do cha mẹ gốc là người Nhật, truyền giáo ở Đàng Trong) đang bị một số người cũng là bổn đạo Đàng Trong, tố cáo về việc ông không vâng phục Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Giám mục Đại diện tông toà Đàng Trong [16] ;
– Ngày 25-12-1676 ba linh mục cùng với 100 kẻ giảng, trùm trưởng, biện, câu đương, tất cả là người Đàng Trong, đệ lên Đức thánh Cha Clemens X tờ biểu bằng chữ Nôm, tố cáo “các thầy Dòng ông thánh Inaxu chẳng vâng phép Đức Thầy Cả Vêtôrô [Pedro : Pierre Lambert de la Motte] cùng cãi nhiều lẽ trái” [17] ;
– Năm 1670 Lữ-y Đoan, linh mục Giáo phận Đàng Trong đã viết bộ Sấm-truyền ca (Kinh thánh phần Cựu ước) bằng chữ Nôm[18] ;
– Ngày 16-8-1750 linh mục Phanchicô Than (?) ở Giáo phận Tây Đàng Ngoài, đặt tay trên sách Phúc âm và trước mặt Giám mục Bản quyền Giáo phận là Đức cha Louis Néez (1680-1764, được tấn phong Giám mục 1739) thề theo bản đã viết bằng chữ Nôm, theo Hiến chế Ex quo singulari 11-7-1742 về “lễ phép nước Ngô”.
Thực tế chữ Nôm trong mấy thế kỷ đó là văn tự được dùng nhiều nhất cho các sách “nhà đạo”. Chính vì vậy mà trong từ điển Dictionarium anamitico-latinum do Giám mục Đàng Trong là Đức cha Bá Đa Lộc viết năm 1772-1773 vừa có Quốc ngữ, vừa có Nôm ; sau này vào năm 1838, Đức cha Jean-Louis Taberd (Từ) cho xuất bản chính thức cuốn từ điển của Bá Đa Lộc tại Serampore (Ấn Độ) có thêm phần ngữ pháp, thi văn, thực vật ở Đàng Trong, các bộ Hán tự … , đó là cuốn Dictionarium anamitico-latinum, Nam Việt Dương hiệp tự vị cũng có chữ Nôm.
Như chúng ta biết, một số nhà truyền giáo Dòng Tên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nhưng cũng chính mấy nhà truyền giáo Dòng Tên là những người đầu tiên đã nghiên cứu, học hỏi và viết sách đạo bằng chữ Nôm, như Girolamo Majorica người Ý (1591-1656), Filippo Marini người Ý (1608-1682), Onofre Borgès người Thụy Sĩ (1608-1664)… Trong số này, phải kể Majorica là người sáng tác và phiên dịch nhiều nhất, tới 48 cuốn sách Nôm, như người đồng thời với ông ở Đàng Ngoài là Marini đã ghi nhận [19]. Majorica, với sự cộng tác của một vị Tiến sĩ là Thầy Phanchicô thành Phao (nguyên là quan triều đình, từ quan đi tu chùa trở thành vị Hoà thượng Thành Phao, rồi theo đạo Công giáo)[20] đã viết những sách trên trong thời gian ông ở Đàng Ngoài từ 1632 đến khi qua đời ngày 27-1-1656. Có lẽ đây là bộ sách Nôm cổ đồ sộ nhất hiện nay còn giữ được (lưu trữ trong thư viện quốc gia Paris và Hội thừa sai Paris).
Đến mấy chục năm đầu thế kỷ 20, trong các Giáo phận ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ dùng sách đạo một phần bằng chữ Nôm phần kia bằng Quốc ngữ ; đó là nói về những linh mục, tu sĩ, chủng sinh ; còn phía giáo dân có lẽ dùng sách đạo bằng chữ Nôm nhiều hơn Quốc ngữ. Trong những năm 1903, 1920, 1922, 1926, 1927, các nhà in Công giáo (Nazareth Hongkong, Kẻ Sặt, Kẻ Sở, Trung Hoà thiện bản Hà Nội, Phú Nhai, Qui Nhơn, Tân Định) chẳng những in sách đạo mà còn in cả sách khoa học, văn chương, như Toán học, Thực vật, Động vật, Địa lý, Sử học,Triết học, Thiên văn, Văn chương, Ngôn ngữ … bằng chữ Quốc ngữ, Nôm, Hán, La tinh, Pháp.
Chữ Quốc ngữ lên ngôi !
Mở đầu giai đọan này là việc ra đời của tờ Gia Định báo số 1 ngày 1-4-1865 và sống được ít nhất đến ngày 25-10-1909, lúc đầu mỗi tháng xuất bản 1 lần, rồi tháng 2 lần, sau cùng là hàng tuần. Một tờ báo đầu tiên ở nước ta bằng chữ Quốc ngữ ! Thực ra đó là một thứ công báo do Chính quyền Pháp thời đó ở Nam Kỳ trao quyền điều hành cho ông Ernest Potteaux, đến năm 1869 trao cho ông Petrus Joannes Baptista Trương Vĩnh Ký quản lý[21]. Trương Vĩnh Ký (1837-1898) đọc và nói được 15 sinh ngữ và cổ ngữ Tây phương, viết tới 121 cuốn sách (đã xuất bản dưới 100 cuốn) về nhiều lãnh vực, bằng các tiếng Việt, Pháp, Hoa, Campuchia, Indoustan, Tamoul, Myanmar, Thái Lan, Lào, Chăm, nhiều nhất là bằng chữ Quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký cổ động cho việc học mới, khuyến khích dân chúng học Quốc ngữ [22]. Ông cũng sọan ra sách Vần tập đọc ; theo gương Trương Vĩnh Ký, các ông Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Hai, Cao Đình Nam … cũng cho ra đời những cuốn Vần tập đọc.
20140111-210930.jpg
Mấy sự việc trên đây diễn ra sau khi Pháp và Tây Ban Nha dùng võ lực chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, tức Biên Hoà, Gia Định, Định Tường và kết thúc bằng hoà ước bất công năm Nhâm Tuất, 5-6-1862 giữa một bên là Việt Nam, bên kia là Pháp và Tây Ban Nha, biến ba tỉnh này thành thuộc địa của Pháp. Cho nên có người nhận định rằng, ngay từ thời kỳ đó, Pháp muốn sử dụng chữ Quốc ngữ làm công cụ thực dân, huỷ hoại văn hoá dân tộc ta, buộc dân ta phải hoàn toàn lệ thuộc vào văn hoá Pháp ; một số người khác thì cho rằng, chữ Quốc ngữ, dù bị ai đó bóp méo mục đích của nó, thì vẫn là công cụ rất tiện lợi, hữu ích cho cả dân tộc trên đường phát triển đất nước và là phương tiện hữu hiệu đánh đuổi thực dân Pháp sau gần 100 năm bị đô hộ.
Khi nói về mục tiêu của Gia Định báo, Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng trích dẫn trong bức thư của Phó Đô đốc Rose (Quyền Thống đốc Nam Kỳ từ 11-12-1864 đến tháng 11-1865) viết ngày 9-5-1865 gửi Bộ trưởng Thuộc địa Pháp : “Tờ báo này (tức Gia Định báo) nhằm phổ biến trong giới dân bản xứ tất cả các tin tức đáng cho họ lưu ý và cho họ có một kiến thức về những vấn đề mới có liên quan đến văn hóa và những tiến bộ về ngành canh nông. Những viên thanh tra đặc trách về những công việc của người dân bản xứ đã cho tôi biết rằng tờ Gia Định báo đã được dân chúng ủng hộ một cách nồng nhiệt và ở nhiều địa phương những em bé biết đọc chữ Quốc ngữ đã đọc báo cho cha mẹ chúng nghe. Như vậy tờ báo này xuất bản mỗi tháng một lần sẽ là một sự hữu ích không thể chối cãi được và nó sẽ góp phần vào việc thay thế chữ của chúng ta và chữ Hán, một thứ chữ mà chỉ có một thiểu số quan lại hiểu biết mà thôi” [24].
Như mọi người đều rõ, chữ Quốc ngữ ra đời từ đầu thế kỷ 17 và trong hơn 200 năm nó được sử dụng trong nội bộ Giáo hội Công giáo nhiều hơn. Đằng khác, xin được nhắc lại : chữ Quốc ngữ bắt đầu do mấy giáo sĩ Bồ Đào Nha sáng tạo, rồi đến Đắc Lộ – một người có quốc tịch Toà thánh, sinh năm 1593 tại Avignon, là lãnh địa của Toà thánh từ 1348-1791, nhưng cũng là người sống trong văn hoá Pháp – đã có công cho xuất bản 3 sách Quốc ngữ đầu tiên. Trong hơn 200 năm đó, chữ Quốc ngữ chưa dính dáng gì với Chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam, vì Chính quyền này chỉ xuất hiện từ sau hoà ước Nhâm Tuất 1862.
Lúc này chúng ta không nói đến chữ Quốc ngữ trong nội bộ Giáo hội, mà nhắc đến việc chữ Quốc ngữ từ khi Gia Định báo ra mắt bà con cô bác, đã bắt đầu phát triển trước hết ở Nam Kỳ với các tờ báo Nhựt Trình Nam Kỳ xuất bản năm 1883 bằng hai tiếng Việt, Pháp, ra ngày thứ bảy; Thông Lọai Khoá Trình (1888-1889) (Miscellanées ou lectures instructives pour les élèves des écoles primaires) của Trương Vĩnh Ký, số 1 ra đời tháng 1-1888, năm sau đình bản ; Phan-Yên báo (1898-1899) chỉ ra được vài số thì chết ; Nông-Cổ Mín-Đàm, ra ngày thứ năm, số 1 ngày 1-8-1901, chuyên về vấn đề nông nghiệp và thương mại ; Lục Tỉnh Tân Văn (1907-1943) số 1 ra ngày 15-11-1907, sống được 36 năm ; Nam Kỳ Địa Phận – Semaine religieuse (1908-1945), tờ báo của Giáo phận Sài Gòn, xuất bản hàng tuần, số 1 ra ngày 20-11-1908, số 1848 ngày 15-2-1945 là số cuối cùng…
Việc ra báo ở Bắc Kỳ chậm hơn Nam Kỳ mấy chục năm. Không kể tờ Bảo Hộ Nam Dân, số 1 ngày 8-7-1888, bằng Hán tự, thì tờ Đăng Cổ Tùng Báo bằng Việt-Hán xuất hiện từ 1907, phần Quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Vĩnh chịu trách nhiệm. Tiếp theo là các báo Đông Dương Tạp Chí (1913-1916), Trung Bắc Tân Văn (1913-1942 ?), Nam Phong (1917-1934) do ông Phạm Quỳnh làm chủ bút kiêm quản lý, Học Báo (1919-1944), Thánh Giáo Tuần Báo Bắc Kỳ – Semaine religieuse du Tonkin (1920-1923) v.v… [25].
Cùng với Phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh khởi xướng năm 1907 khuyến khích học Quốc ngữ, báo chí đã đóng một vai trò quan trọng cho việc phổ biến Quốc ngữ, ngoài sách vở, việc giáo dục ở bậc Sơ học và một phần bậc Tiểu học thời đó [26]. Dĩ nhiên là còn phải nói tới các nhà in, nhà xuất bản. Riêng về phía Giáo hội Công giáo cũng có những nhà in rất sớm, như Nhà in Tân Định (Imprimerie de la Mission, Tân Định) lập năm 1864 (tự đóng cửa hoàn toàn năm 1975) và từ cuối thế kỷ 19 các nhà in Công giáo tiếp tục xuất hiện, như Kẻ Sở, Kẻ Sặt, Phú Nhai, Qui Nhơn … in sách Quốc ngữ, Nôm, Pháp, La tinh, mà chúng tôi đã nhắc ở trên.
Nói chung thì khoảng từ sau thế chiến thứ nhất trở đi, Quốc ngữ đã có địa vị trong xã hội, nhất là từ khi Hội truyền bá Quốc ngữ xuất hiện năm 1938 do một số nhà trí thức Việt Nam xúc tiến là các ông Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Hoàng Xuân Hãn, Quán Xuân Nam, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp v.v… Một Ban trị sự ra đời do ông Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng và ông Phan Thanh làm Tổng thư ký. Ngày 29-7-1938 Thống sứ Bắc Kỳ buộc phải ký giấy công nhận hoạt động hợp pháp của Hội. Ngày 9-9-1938 Hội khai giảng khoá học đầu tiên tại trụ sở Hội Trí Tri ở 47 Hàng Quạt, Hà Nội, đồng thời là trụ sở của Hội Truyền bá Quốc ngữ [27]. Tính đến năm 1945, Hội đã hoạt động được 7 năm dạy Quốc ngữ cho 80.000 người.
Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân Học vụ, chống nạn mù chữ Quốc ngữ [28].
Nói chung thì chữ Quốc ngữ mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho nước ta nhiều hơn, nhanh hơn, phổ cập hơn Hán – Nôm. Vì vậy, tác giả Lê Nguyên Lượng, trong bài báo nhan đề Alexandre de Rhodes trong bóng tối lãng quên, sau khi nhắc tới tiểu sử Đắc Lộ, đã viết :
“Quốc ngữ là tiếng ghi âm, cho nên học hơn 6 tháng là người ta có thể đọc, đánh vần, còn như học chữ Nôm thì học chữ nào biết chữ nấy (cũng tương tự như học chữ Hán) mà lại mau quên nữa. Giá không có chữ quốc ngữ, ngành giáo dục của chúng ta sẽ vất vả biết chừng nào và người học sẽ khổ tâm biết chừng nào với chữ Nôm khó khăn trước đây. Mặt khác, người biết quốc ngữ có thể học tập các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức v.v… dễ dàng hơn […]. Việc Latinh hóa chữ Nôm để có tiếng quốc ngữ ngày nay chính là điều kỳ diệu nhất, nổi bật nhất trong nhóm các ngôn ngữ Á châu, là một thành công mà Nhật và Trung Quốc phải ghen tị […]. Người Việt ta đã hoan nghênh tiếp nhận quốc ngữ, và hoàn thiện nó, mà không đánh mất bản sắc dân tộc, nghĩa là trong quá trình giao lưu văn hóa, ta biết tiếp thu một cách sáng tạo chứ không để bị đồng hóa. Dù giáo sĩ Đắc Lộ xuất phát từ động cơ nào, chúng ta cần phải có công tâm nhìn nhận rằng cái công trình Latinh hóa mà ông đóng góp nhiều tâm huyết ấy quả là một báu vật khiến ta phải trân trọng và biết ơn “ [29].
Khi người ta hỏi Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ học, về việc dạy chữ Hán như một môn phụ tự cho việc học văn ở nhà trường có cần thiết không thì ông trả lời :
“Nhưng tôi luôn nghĩ người Việt mình lẽ ra nên dùng chữ Hán mới đúng, chúng ta dùng chữ quốc ngữ chỉ có lợi là học nhanh nhưng thực sự là rất có hại vì đã tự bứt lìa với nền văn hóa cổ của mình. Người nước ngoài đến du lịch ở Việt Nam nói đa số dân VN là mù chữ, vì hướng dẫn viên du lịch không ai đọc được câu chữ Hán nào trong các di tích văn hóa ở đình chùa mà chỉ đọc thuộc lòng. Do vậy, việc khôi phục chữ Hán trong trường phổ thông là tối cần thiết, nếu không muốn mình bị bứt ra khỏi gốc rễ văn hóa cha ông…“ [30].
Nhận định của Giáo sư Mai Quốc Liên về chữ Quốc ngữ cũng tương tự như Giáo sư Cao Xuân Hạo, khi ông viết bài báo nhan đề Gặp gỡ Giáo sư Nhật Furuta Motoo :
“Sinh viên Nhật cũng hỏi : “Việt Nam la-tinh hóa, không học chữ Hán, và nói rằng chữ quốc ngữ là một thứ chữ tuyệt diệu để học tiếng Việt, liệu như thế có đúng không ? “. Câu hỏi đó của sinh viên Nhật chạm vào đúng điều đang suy nghĩ của tôi bấy lâu nay. Tiếng Việt la-tinh hóa, ghi âm i không dùng Hán – Nôm là rất tốt, là xu thế lịch sử. Nhưng cho rằng nó là “tuyệt” thì phải coi lại, vì bên cạnh mặt lợi (lợi nhiều) cũng có mặt bất lợi. Bỏ không học chữ Hán, dù chỉ chừng không tới vài ngàn từ như Nhật, có cái bất lợi là cắt đứt với văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam truyền thống mấy ngàn năm. Mà đó là một nền văn minh lớn , một nền văn hóa mang chủ nghĩa nhân văn vĩ đại. Hèn chi ông Léon Valdermeerch trong cuốn “Những nước Hán hóa mới” [Le nouveau monde sinisé, 1986] đã nhận xét rằng người Pháp đã rất thành công khi tạo ra một lớp trí thức Tây học “bật gốc khỏi môi trường dân tộc”, cắt đứt với truyền thống. Và nếu như ở đầu thế kỷ, có người cho chữ Hán là “chữ thảm chữ hại, chắn ngang đường văn minh”, thì ngày nay, ở cuối thế kỷ với sự phát triển của Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore…, người ta đã thấy chữ Hán với sự trong sáng về ngữ nghĩa là rất thích hợp với thời đại hiện đại hóa, thời đại điện toán. Tóm lại, để duy trì sự nối kết với ông bà tổ tiên, với văn minh phương Đông cũ và mới thì nhà trường Việt Nam nên tính lại chuyện dạy chữ Hán – như là môn học tiếng Việt – trong nhà trường. Và đó mới là nội dung chính của việc dạy và học Hán Nôm trong nhà trường hiện nay “[31].
Vấn đề chữ Quốc ngữ và một nhân vật nổi bật liên quan tới vấn đề này là Đắc Lộ, được bàn luận rất nhiều trên các báo chí trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20. Qua mấy dẫn chứng trên đây, chúng ta có thể tóm lại mấy điểm chính :
– Chữ Quốc ngữ dễ học hơn Hán – Nôm ;
– Sử dụng chữ Quốc ngữ là rất tốt, là một tất yếu, là xu thế lịch sử ;
– Quốc ngữ là điều kỳ diệu nhất, nổi bật nhất trong các nhóm ngôn ngữ Á châu;
– Mặt bất lợi là Quốc ngữ cắt đứt với văn hóa phương Đông, văn hoá Việt Nam;
– Khôi phục chữ Hán trong nhà trường phổ thông là cần thiết.
Thực tế, chữ Quốc ngữ lên ngôi chính thức từ gần 60 năm nay với sắc lệnh ngày 8-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn ảnh hưởng sâu rộng khắp nước, bao trùm toàn xã hội Việt Nam và còn lan rộng dần ra nước ngoài nhất là từ năm 1975 trở đi bởi 2.767.164 Việt kiều (tính đến tháng 5-2004) đang sinh sống ở 89 nước và vùng lãnh thổ [32].
Chúng ta hãnh diện vì nước ta đã đi đúng con đường phải đi là sử dụng chữ Quốc ngữ. Cứ nhìn vào những hiệu quả lớn lao trước mắt thì rõ. Tuy nhiên, đúng là có một phần nhỏ bất lợi khi bỏ Hán – Nôm, dùng Quốc ngữ. Nhưng làm cách nào đây, là điều phải suy nghĩ nhiều. Ông Vũ Dũng cũng cho rằng đó là việc không đơn giản, khi ông viết : “Việt Nam bỏ Hán tự và dùng “quốc ngữ” la-tinh hóa là một tất yếu. Nhưng việc từ bỏ Hán tự hoàn toàn – chỉ tính trong tiếng Việt hiện đại, nó đã chiếm không dưới 80% từ vựng – phải chăng là một sự hời hợt, sai lầm ? Khắc phục điều này thế nào là một việc không đơn giản, nhưng cần nhìn nhận vấn đề “[33].
Vậy, phải bù lại bằng cách, như nhiều người nghĩ, dạy thêm chữ Hán trong trường Phổ thông, dù trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có ban Hán – Nôm.
Nhưng nếu buộc mọi học sinh trường Phổ thông phải học thêm Hán tự, thì liệu được mấy em hứng khởi ? Nên chăng lập ra một ban Hán ở ba năm cuối cùng Trung học Phổ thông, để học sinh tự chọn ; ai không thích Hán tự, thì vẫn còn mấy ban khác để theo. Học sinh ban Hán tự này có thể học Hán tự 5,6 tiết / tuần, nhưng phải bớt đi một số tiết các môn học khác, không nên bắt các em học nhiều quá, sẽ chẳng có lợi mà còn có hại [34].
Sự thường rất ít học sinh chọn ban Hán, lý do thì nhiều và cũng dễ hiểu, chúng tôi xin miễn bàn đến. Vậy phải chăng là nên mở ban Hán trong một số ít trường Phổ thông cấp III tại các thành phố lớn. Những học sinh ban này ra trường, sẽ lên ban Hán – Nôm thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên về Hán – Nôm, để sau này họ có thể nghiên cứu, giảng dạy, phiên dịch sách Hán – Nôm sang Quốc ngữ, hoặc Quốc ngữ sang Hán (là thêm cách truyền bá văn hoá Việt ra nước ngoài) và làm việc trong các Thư viện lớn, nhất là Thư viện Hán – Nôm.
Làm được như vậy là chúng ta vẫn không rút chân ra khỏi khối Hán tự, lại hội nhập cách tích cực và sáng tạo vào cái thế giới mẫu tự abc.
———
Từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, nhiều người Việt không biết chữ (từ Quốc ngữ đến Nôm, Hán, Pháp), nhất là từ khi bãi bỏ thi Hương ở Bắc Kỳ năm 1915 và thi Hương thi Hội ở Trung Kỳ năm 1918.
Dân ta không phải là dân mù chữ, không phải là loại người lười biếng, mà lại còn siêng học xưa cũng như nay. Giáo sĩ Đắc Lộ truyền giáo ở Đàng Ngoài từ 1627-1630, đã phải ca tụng tính hiếu học của người Việt : “Vì họ rất quý trọng Hán tự, nên bất kỳ người sang hèn nào cũng cho con cái từ nhỏ tuổi đi học cái bí mật của chữ họ mà mỗi tự là một âm ; cho nên trong Vương quốc này, người nào cũng biết được một ít chữ và không ai hoàn toàn mù chữ” [35]. Giáo sĩ Joseph Tissanier ở Thăng Long từ 1658-1663, khi viết về học hành thi cử ở Đàng Ngoài thì ông cho rằng, hiện nay trong nước có 63.500 Sindo (Sinh đồ : Tú tài) ; hơn nữa còn có 4.000 Honcom (Hương cống : Cử nhân) thi Tansi (thi Tiến sĩ, tức là thi Hội ở Kinh đô) cứ sáu năm mở khoá thi một lần. Ai đỗ đạt thì làm quan, được nhiều vinh dự, chức tước, lương bổng. Nên Tissanier nhận định rằng “những thứ đó tác động người ta lạ lùng trong việc học chữ Hán, mà chỉ nhìn qua thôi cũng làm cho giới ưu tú Âu châu phải sợ“ [36]. Ngay vào cuối thế kỷ 19 người Việt vẫn ham học. Giáo sĩ Louis-Eugène Louvet (cố Ngôn), M.E.P. (sinh 1838, đến truyền giáo tại Sài Gòn 1873, qua đời tại Sài Gòn 2-8-1900) đã viết 33 trang về ngôn ngữ, học hành, thi cử của Việt Nam, trong đó ông ghi nhận rằng : việc học vấn ở xứ này cũng lan rộng như các dân tộc tiên tiến nhất của châu Âu ; tất cả mọi người đều muốn học, chỉ trừ những trẻ em phải đi chăn trâu để sống ; hầu như làng nào cũng có trường học do một ông Tú tài giảng dạy ; người Việt chăm chỉ học hành để làm quan, vì đây là con đường duy nhất cho việc tiến thân [37].
Vậy, tại sao trong khoảng tiền bán thế kỷ 20 có tình trạng nhiều người “một chữ bẻ làm đôi không biết” ? Theo chúng tôi hiểu là do những nguyên nhân chính sau đây :
-Trong mọi tổ chức, từ chính trị, hành chính, kinh tế đến giáo dục hầu hết phải dùng tiếng Pháp, kể cả việc giao thông như tên đường phố ;
– Chính thức bãi bỏ thi Hương, thi Hội ;
– Giới nho sĩ chẳng còn được trọng dụng, cả đến “ông Nghè, ông Cống cũng nằm co” !
– Các nho sĩ ngơ ngác trước sự đảo lộn kinh hoàng của xã hội mình, và những cơ chế đã có hàng nghìn năm, tưởng vững như bàn thạch, thế mà bị lật nhào quá nhanh chóng ;
– Giới trẻ như đứng trước ngã ba đường, không biết phải đi về đâu ?
Cho nên, trừ một số ít người thức thời, còn bao nhiêu bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn : bỏ Hán tự thì tiếc, “nhất Tàu nhì ta” mà! học Quốc ngữ “cái chữ cong queo của các ông cố đạo” (lời cụ Đồ Chiểu) đã bị rẻ rúng trong gia đình nho thâm, cho rằng có biết cũng chẳng để làm gì [38]; học chữ Pháp thì coi như là học chữ của quân thù, cái thứ “bạch quỷ” [39].
Cũng may một số nhà trí thức có tầm nhìn xa thấy rộng, thực tế và cụ thể, đã lăn xả vào việc cổ động học Quốc ngữ. Nhất là từ Cách mạng tháng tám thành công, thì ai ai cũng phải công nhận Quốc ngữ dễ học và là phương tiện hữu hiệu chuyền tải mọi thứ kiến thức từ văn chương, nghệ thuật đến khoa học cho mọi tầng lớp nhân dân, dù vẫn chưa phải là hoàn hảo.
Để ghi công nhóm người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ từ 375 năm về trước (tính từ 1620), năm 1995 Chính quyền đã cho đặt lại tên đường Alexandre de Rhodes ở tp Hồ Chí Minh tại vị trí như trước đó 10 năm; trong khuôn viên Thư viện Quốc gia Hà Nội cũng khôi phục lại công lao, danh dự cho Đắc Lộ đại diện nhóm đầu tiên sáng tạo Quốc ngữ, dù không thể xây lại cái bi đình Đắc Lộ bên cạnh đền Bà Kiệu đã được khánh thành hồi 17 giờ ngày 29-5-1941 do Kiến trúc sư Joseph Lagisquet hoạ kiểu [40]. Khi ông Yên Yên hỏi ông Kim Lân câu cuối cùng trong cuộc phỏng vấn “nếu còn một điều ông muốn tâm sự thì đó là điều gì, thưa nhà văn ?”, thì nhà văn nổi tiếng với các truyện ngắn thuộc loại xuất sắc nhất nền văn học Việt Nam đương đại, “ngẫm nghĩ” rồi trả lời : “Tôi rất biết ơn Alexandre de Rhodes. Hội Nhà văn Việt Nam cần phải dựng tượng ông ấy. Cái chữ nó ghê lắm. Không có ông ấy thì tôi, bà Anh Thơ, ông Nguyên Hồng… không thể thành nhà văn!” [41].
Những người sáng tạo chữ Quốc ngữ đầu tiên và những người góp công sửa đổi chút ít vào cuối thế kỷ 18 đầu 19, đều là người nước ngoài, nhưng chắc chắn phải có sự trợ lực của người Việt, nếu không trực tiếp thì cũng là gián tiếp, như chúng tôi đã nhắc đến tên một vài nhân vật. Những người nước ngoài ấy nếu bây giờ sống lại, thì sẽ phải vô cùng bỡ ngỡ trước cái hiệu quả nó mang lại cho cả một dân tộc, điều mà có lẽ chẳng bao giờ các ông dám mơ tưởng. Các ông đã sống trong đất nước Con Rồng Cháu Tiên, tập ăn tập nói tập sống như người Việt, cũng “nuôi” tóc dài quá vai, cũng mặc áo thụng, đi thuyền và ở nhà sàn như nhiều người Việt thời ấy ở xứ “Yến sào trầm hương” Đàng Trong ! Nhưng ông Pina lại bị chết đuối ở vùng biển Hội An lúc vừa 40 tuổi, ông Amaral cũng bị chết đuối nốt trong vịnh Bắc bộ khi được 54 tuổi, còn ông Đắc Lộ tha thiết gắn bó với người Việt có “tiếng nói nghe như chim hót” [42], khi phải rời bỏ Đàng Trong năm 1645 mà lòng đau như cắt, đã thốt lên “thân xác tôi rời bỏ Đàng Trong nhưng chắc chắn không phải bằng tâm hồn và đối với Đàng Ngoài cũng thế” [43].
Chữ Quốc ngữ ban đầu đúng là do sáng kiến của một nhóm người trong Giáo hội đưa ra; nhưng đến nay văn chương Quốc ngữ mỗi ngày mỗi trong sáng hơn, phong phú hơn, đậm đà hơn, ảnh hưởng sâu rộng hơn trong xã hội … thì chắc chắn là đã do công lao của bao nhà trí thức người Việt chúng ta, là những nhà văn, nhà giáo, nhà thơ, nhà báo, ngôn ngữ, từ điển … cùng các nhóm như Hội Khai Trí Tiến Đức, Hội Truyền bá Quốc ngữ, các Hội Nhà văn khắp Trung Nam Bắc …
Nói được chăng là nhóm người đầu tiên mới sáng tạo ra cái “thân xác” chữ Quốc ngữ, dù là quan trọng nhất, nhưng người Việt chúng ta mới là kẻ “thổi hồn” cho thứ chữ này ; vì đọc lên, chúng ta mới là người dễ cảm nghiệm được cái ý vị, cái tinh tế … của tiếng Việt, đã nghe thấy từ lúc còn nằm trong nôi với giọng ru êm ả của mẹ mình. Vậy, có phải là cường điệu quá không khi nói : dù có một số người Âu châu thông thạo chữ Quốc ngữ, như Đắc Lộ là người trong nhóm đầu tiên sáng tạo ra nó, rồi đến Bá Đa Lộc, Taberd, Génibrel, Ravier, Chéon, Nordemann, Maspero, Cadière, Bulteau, Cordier, Gouin v.v… chưa chắc các ông đã “cảm thức” nhiều được tiếng Việt, dù có “tri thức” sâu xa, cặn kẽ hơn biết bao nhiêu người Việt. Bởi vì biết thì khác, mà cảm nghiệm được cũng lại là chuyện khác.
Phải nói là Giáo hội Công giáo vẫn sống trong lòng dân tộc đó thôi, vẫn đồng hành với dân tộc dù trải qua bao chặng đường khó khăn. Giáo hội hiện diện ở đây hay ở đâu đó, không phải là để bành trướng uy quyền, thế lực, ảnh hưởng, nhưng trước tiên là để âm thầm phục vụ con người trong những gì có thể làm được, là sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào [44]. Chữ Quốc ngữ là một trong những công việc phục vụ của Giáo hội ở đất nước này.
[1] “Về việc công nhận tổ chức tôn giáo, hiện nay có 15 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận, bao gồm : Giáo hội Công giáo, Giáo hội Phật giáo, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), 9 hệ phái Cao đài, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh. Theo quy định tại khoản 1, Điều 40 thì các tổ chức trên không phải làm thủ tục công nhận lại. Vấn đề đang được đặt ra là các tôn giáo còn lại, trong đó có những tổ chức tôn giáo đông tín đồ, tổ chức tôn giáo nhỏ đã xin đăng ký với chính quyền địa phương để được “sinh hoạt tạm”. Ngoài ra còn có những “tôn giáo mới” xuất hiện gần đây sẽ được xem xét sau khi Pháp lệnh có hiệu lực (NGÔ YÊN THI, Trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ, Dấu mốc quan trọng trên con đường hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo ở nước ta, trong báo Nhân dân, ngày 21.7.2004 và trong nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 116, tháng 8.2004, tr. 58).
[2] Bento THIỆN, Lịch sử nước Annam, chữ Quốc ngữ viết năm 1659, trong Archivum Romanum Societatis Jesu , Jap-Sin. 81, tờ 248-259 và trong ĐỖ QUANG CHÍNH, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Tủ sách Ra khơi, Sài Gòn, 1972, tr. 129, 150.
[3] Joseph TISSANIER, Relation du voyage du P. Joseph Tissanier de la Compagnie de Jésus, depuis la France au royaume de Tunquin, Paris, 1663, trong F. de MONTÉZON et É. ESTÈVE, Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jésus, Mission de la Cochinchine et du Tonkin, Paris, 1858, tr. 197-198.
[4] Theo báo Tri Tân, số 1, tr. 3, xuất bản năm 1941, thì Pina có tên Việt Nam là Trực.
[5] João ROIZ, Annua de Cochinchina do anno de 1620, Archivum Romanum Societatis Jesu, JS. 72, tờ 6 mặt trước :”No principio do catecismo se ensinava, e cantava a doutrina Xpão na lingoa da terra […]. Agora cõ ajuda de Deus e diligencia do Pe [Padre Pina] lhes foi facil aprenderẽm nas, pois ia astem em sua lingoa, e cada día se ensinão em nossa Igreja vindo os minimos a doutrina todo o tempo que o Padre [Pina] que sabe a lingoa , està em Faifo”. – Gaspar LUIS, Cocincinensis missionis annuae Litterae, anni 1620, Archivum Romanum Societatis Jesu, JS. 71, tờ 24 mặt trước : “Catechismus Cocincinensi idiomate compositus multum ad animarum utilitatem contulit. Ejus ope et natu grandes domi Christiani dogmata, solemnesque precandi formulas addiscere, memoriter tenere, et pueri quotidiano ad doctrinam concursu doctiores evadere”.
[6] Francisco de PINA, trong Biblioteca da Ajuda, Jesuitas na Asia, vol. 49/V/7, tờ 413-416.
[7] A. de RHODES, Tunchinensis Historiae libri duo, trong Archivum Romanum Societatis Jesu, JS. 83 et 84, tờ 1-62 mặt sau. Bản viết tay của A. de Rhodes năm 1636 tại Áo Môn, được in thành sách tại Lyon năm 1652. – Gaspar d’AMARAL, Annua do reino de Annam do anno de 1632, pera o Pe André Palmeiro da Compa de Jesu, Visitador das Provincias de Japam, e China, trong Archivum R omanum Societatis Jesu, JS. 85, tờ 125-174.
[8] Chúng tôi chưa biết, khi A. de Rhodes đến Đàng Trong và Đàng Ngoài truyền giáo, ông mang tên Việt là gì ; chúng tôi đã lưu ý về vấn đề này từ lâu, đã đọc nhiều sách và tư liệu viết tay của nhà truyền giáo này cũng như của nhiều người khác đồng thời với Đắc Lộ, nhưng vẫn chưa tìm được, dù ông Hoa-Bằng và Tiên-Đàm ghi tên Việt của A. de Rhodes là Trang (báo Tri-Tân, số 2, 10-6-1941, tr. 27). Còn danh xưng Đắc Lộ , theo chúng tôi hiểu, mới ra đời khi dựng bi đình Đắc Lộ ở gần bờ hồ Hoàn Kiếm và đền Bà Kiệu ; bia đá này ghi khắc tiểu sử Đắc Lộ, một mặt bằng tiếng Pháp, mặt kia nửa trên bằng Quốc ngữ, nửa dưới bằng Hán tự ; phần Quốc ngữ, Alexandre de Rhodes được phiên âm là A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ. Như chúng ta biết, Đắc Lộ sinh ngày15-3-1593 tại thành phố Avignon (là lãnh địa của Toà thánh Roma từ 1348, đến 1791 sáp nhập vào nước Pháp), truyền giáo tại Việt Nam qua ba giai đoạn : Đàng Trong 1625-1626, 1640-1645, Đàng Ngoài từ 1627-1630, qua đời 5-11-1660 tại Ispahan, kinh đô Ba Tư thời đó, tức là nước Iran ngày nay. Ông viết 11 cuốn sách, trong số này 8 cuốn viết về Việt Nam.
[9] Về 2 cuốn này, xin lưu ý : một là, ngay lần xuất bản tại Roma năm 1651, 2 cuốn đều được đóng chung với nhau ; hai là, năm 1991 Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hố Chí Minh xuất bản nguyên bản gốc in năm 1651, kèm theo bản phiên dịch sang tiếng Việt, nhưng phần bản gốc lại sai rất nhiều, trang ít thì 5 lỗi, nhiều thì có khi tới 50-60 lỗi ; đằng khác cũng không in lại bản gốc về phần ngữ pháp tiếng Việt ; vì vậy không nên dùng bản gốc này.
[10] Vocabulario da Lingoa de Japam com a declaraçao em Portugues feito por alguns Padres, e Irmãos da Companhia de Jesu, em Nangasaqui, no Collegio de Japam de Companhia de Jesu, 1603, in-4o, 330ff. – João RODRIGUES, Arte da Lingoa de Japam, composta pello Padre João Rodrigues da Cõpanhia de Jesu. Divida em tres livros, em Nangasaqui, no Collegio da Japão da Companhia de Jesu, 1604, in-8o, 239ff. – J. LAURES, Kirishitan Bunko, Tokyo, 1940, tr. 330-331. – R. STREIT, Bibliotheca Missionum, Liber IV, tr. 513, V,378-379.
[11] Alexandre de RHODES, Dictionarium annamiticum, lusitanum, et latinum, Roma, 1651, trang đầu : Ad Lectorem. – Bản dịch của THANH LÃNG, HOÀNG XUÂN VIỆT, ĐỖ QUANG CHÍNH, Tp Hồ Chí Minh, 1991, tr. 3 : “để họ [người An Nam] có thể học cả tiếng Bồ Đào lẫn tiếng La-tinh”. “Sử dụng công khó của hai ông …” [linh mục Gaspar d’Amaral (1592-1646) và linh mục António Barbosa (1594-1647) là hai tu sĩ Dòng Tên truyền giáo ở Đàng Ngoài đầu thế kỷ 17, đã soạn từ điển Việt-Bồ và Bồ-Việt, nhưng chưa ấn hành].
[12] Gio-Filippo de MARINI, Delle Missioni de’Padri della Compagnia di Giesu nella Provincia del Giappone , e particolarmente di quella di Tumkino, Roma, 1663.
[13] Gaspar d’AMARAL, Relaçam dos Catequistas da Christamdade de Tumkim e seu modo de proceder, trong Kho Lưu trữ ở Madrid Real Academia de la Historia de Madrid, Legajo 21bis, Fasc. 16, tờ 31-38.
[14] Hiện lưu trữ trong : – Archivio della Congregazione per L’Evangelizzazione Dei Popoli, Miscellanee diverse, vol. 16, tờ 208-210. – Archivum Romanum Societatis Jesu, JS. 80, tờ 12-14. – ĐỖ QUANG CHÍNH, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, Lưu hành nội bộ, Tp Hồ Chí Minh, 2000, tr. 160-162.
[15] Archivum Romanum Societatis Jesu, JS. 68, tờ 47. – A. de RHODES, Cathechismus, sđd., tái bản, Sài Gòn, 1961, giữa trang XVI-XVII.
[16] Archivum Romanum Societatis Jesu, JS. 81, tờ 36.
[17] Bản Nôm gốc tại Kho lưu trữ Thừa sai Paris. – A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, T.I, Paris, 1923, tr. 195-196.
[18] Năm 2000 Tập san Y sĩ tại Montréal cho xuất bản phần đầu bộ sách này bằng Quốc ngữ : Lữ-y ĐOAN, Sấm-truyền ca, Quyển 1: Genesia, Tạo đoan kinh, Montréal, 2000, 186 trang. Gồm 3596 câu thơ lục bát. Bản chuyển từ Nôm sang Quốc ngữ do ông Simong Phan Văn Cận thực hiện xong tại Cái Mơn ngày 8-12-1820.
[19] Gio-Filippo MARINI, Delle missioni, sđd., Roma, 1663, tr. 286.
[20] Cha Bỉnh viết tại Lisbõa năm 1822 :”Đến khi ng` [Girolamo Majorica] ra Kẻ chợ thì cãi mlẽ vuối 10. Sư Hoà thượng ở trc’ mặt Nhà vương [Thanh đô vương Trịnh Tráng] cu các quan Trều thần văn vũ, mà 10. Thầy Hoà thượng ấy điều thua mlẽ ng`, cho nên Sư Hoà thượng thứ 1., cu là quan văn mà đi tu Chùa thành Phao mới xin chịu Đạo, thì ng` rửa tội cho, cu đặt tên thánh cho là Phanchicô. Tư khi Thầy tu ấy chịu ph’ rửa tội rồi, thì chŒg giở về Chùa thành Phao nữa, liền xin ở cu Thầy cả Jeronimo [Girolamo Majorica], […] mà kinh nguyện giỗ thì Thầy ấy [Phanchicô] làm, thì đặt ra như cung sớ, vì rg : Phục dĩ chí tôn chân Chúa cửu trùng “ (P. BỈNH, Truyện Nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trao, Cuyển thứ nhất. Bản viết tay tại Lisbõa năm 1822, tr. 29 , lưu trữ tại Biblioteca Apostolica Vaticana, Borgo. Tonch.I).
[21] X. : Tiến sĩ HUỲNH VĂN TÒNG, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Tp Hồ Chí Minh, 2000, tr. 58-69.
[22] Về Trương Vĩnh Ký : – Jean BOUCHOT, Un savant et un patriote cohinchinois, Petrus J.B. Trương-Vĩnh-Ký, 1837-1898, troisième édition, Sài Gòn, 1927. – NGUYEN-TIEN-LANG, Pétrus Truong-Vinh-Ky, Lettré et Apôtre Franco-Annamite, thuyết trình tại Huế 6-12-1937. – NGUYỄN-SINH-DUY và PHẠM-LONG-ĐIỀN, Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký, nhận định lịch sử, Tủ sách tìm về dân tộc, Sài Gòn, tháng 3-1975. – NGUYỄN VĂN TRUNG, Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa, Tp Hồ Chí Minh, 1993. – NGUYỄN VĂN TRẤN, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), Ban Khoa học Xã hội Thành ủy Tp Hồ Chí Minh, 1993.
[23] Việt Nam Khảo cổ tập san, số 2, 1961, tr. 114-115.
[24] Ts. HUỲNH VĂN TÒNG, sđd., tr. 68.
[25] Tổng-Bộ Văn-Hóa Xă-Hội, Mục-lục Báo-chi Việt-ngữ 1865-1965, in ronéo, Sài Gòn, 1966, tr. 3-6.
[26] Xin đọc Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ký ngày 21-12-1917 gồm 558 điều khoản về việc tổ chức Học chính cho toàn cõi Đông Dương Pháp, từ bậc Sơ học, Tiểu học đến Trung học đệ Nhất cấp (trung học cơ sở), Trung học đệ Nhị cấp (Trung học Phổ thông), Trường Sư phạm, và bậc Đại học mang tên Université indochinoise (Đại học Tổng hợp Đông Dương) lúc đầu gồm các trường Y khoa Đông Dương, Thú y Đông Dương và Công chánh (X. : Arrighi de CASANOVA, Recueil général des actes relatifs à l’organisation et à la réglementation de l’Indochine, T.II, novembre 1911 – janvier 1919, Hanoi – Haiphong, 1919, tr. 655-723). Thật ra đến ngày 17-4-1918, Toàn quyền Albert Sarraut mới ký sắc lệnh lập trường Đại học Hà Nội. Năm 1919, trường Đại học Hà Nội gồm : trường Y, trường Thú y, Sư phạm, Nông lâm, Công chánh, Thương mại, trường Luật và Hành chính ; tuy nhiên, năm 1933, mới bắt đầu chính thức mở Năm thứ nhất cho ban Cử nhân Luật. Tổng cộng số sinh viên Đại học Hà Nội năm 1932 là 658 người (ĐỖ QUANG CHÍNH, Sử, Địa Đệ Nhất, in lần thứ sáu, Sài Gòn, 1966, tr. 22).
26 Tháng 6-1988, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, tại ngôi nhà 47 Hàng Quạt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức gắn biển đá lưu niệm mang mấy dòng chữ vàng Trụ sở Hội Truyền bá quốc ngữ từ 1938 đến 1945. Tháng 12-1995, Câu lạc bộ chiến sĩ diệt dốt Nguyễn Văn Tố ra đời cũng đặt trụ sở tại đây (THỌ CAO, Hội Truyền bá Quốc ngữ, báo Sài Gòn Giải phóng thứ bảy, số 293, 21-9-1996, tr.25).
[27] Theo THỌ CAO, như trên.
[29] LÊ NGUYÊN LƯỢNG, Alexandre de Rhodes trong bóng tối lãng quên, Tập san Văn hoá và đời sống (không đề số báo, ngày xuất bản), giấy phép xuất bản ngày 16-4-1992 (số này nộp lưu chiểu tháng 6-1992), nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, tr. 29-32.
[30] CAO XUÂN HẠO trả lời cuộc phỏng vấn của ông Ngô Ngọc Ngũ Long, nhật báo Sài Gòn Giải phóng, Chủ nhật, 11-11-2001, tr. 3.
[31] MAI QUỐC LIÊN, Gặp gỡ Giáo sư Nhật Furuta Motoo, nhật báo Sài Gòn Giải phóng, 29-3-1998, tr.5.
[32] Thống kê số liệu người Việt Nam định cư ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, do Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 504, ngày 10-8-2004, tr. 9-10.
[33] VŨ DŨNG, Về đề tài khoa học “Giáo dục Việt Nam xưa (1075-1919) – tinh hoa và thừa kế”, nhật báo Sài Gòn Giải phóng, 18-7-1997, tr. 3.
[34] Trong chương trình Trung học lớp 10, 11, 12 trước đây ở miền Nam được chia thành 4 ban ABCD ; ngoài ban ABC (Vạn vật, Toán, Việt văn) thì Hán tự nằm trong ban D, mỗi tuần có 6 giờ học Hán tự. Ví dụ ban D lớp 12 phải học hàng tuần 6 giờ Hán tự, cộng với 9 giờ Triết Đông Tây cùng 6 giờ sinh ngữ và một số môn khác, tổng cộng 28 giờ / tuần (X. : Bộ Văn hóa Giáo dục, Chương-trình Trung-học cập nhật hóa 1971-1972, từ lớp sáu đến lớp mười hai ABCD, nhà xuất bản Hiện đại, Sài Gòn, 1971, tr. 4, 13-14).
[35] A. de RHODES, Histoire du Royaume de Tunquin, Lyon, 1651, tr. 43.
[36] Joseph TISSANIER, Relation du voyage du P. Joseph Tissanier de la Compagnie de Jésus. Depuis la France jusqu’au Royaume de Tunquin, Durant les années 1658, 1659, &1660, Paris, 1663, trong F.-M. De MONTÉZON, – Ed. ESTÈVE, Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jésus, T.II, Mission de la Cochinchine et du Tonkin, Paris, 1858, tr. 106-111.
[37] L.-E. LOUVET, La Cochinchine religieuse, T.I, Paris, 1885, tr. 67-100, đặc biệt tr. 78-79.
[38] NGUYỄN VĂN TRẤN, Trương Vĩng Ký (con người và sự thật), Ban Khoa học Xã hội thành ủy tp Hồ Chí Minh, 1993, tr. 216.
[41] YÊN YÊN, Kim Lân và lòng biết ơn Alexandre de Rhodes,báo Thanh Niên, số 26 (2226),ngày 26-1-2002, tr.7.
[42] A. de RHODES, Divers voyages et missions, Paris, 1653, tr. 72 : “ Pour moy je vous aduouše quand je fus arriué à la Cochinchine, et que j’entendois parler les naturels du paišs, particulierement les femmes; il me sembloit d’entendre gasoušiller les oyseaux”.
[43] A. de RHODES, ntr., tr. 269.
[44] Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 1-5-1980.

Không có nhận xét nào: