– Nguyên nhân nào để một cánh én nhỏ như Bống xuất hiện ở Hà Nội giữa tiết trời lạnh giá này?
– Tôi rất vui mừng ra Bắc cùng các anh em nhạc sĩ thân thiết làm một chương trình semi classic cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Tôi từng học hát nhạc kịch ở Anh, ý đồ làm album theo phong cách phong cách bán cổ điển đã có từ lâu nhưng để ra sản phẩm thì phải qua quá trình trăn trở dài sao cho mọi thứ thật hoàn hảo cả về mặt nội dung cũng như âm nhạc. Nhạc sĩ Hoài Sa, Quốc Trung và nhạc trưởng Lê Phi Phi sẽ cùng tôi thực hiện chương trình này.
Trong CD này, tôi thể hiện một số tác phẩm nhạc kịch nổi tiếng thế giới, các nhạc phẩm do chính tôi sáng tác hoặc do nhạc sĩ khác sáng tác tặng mình, chẳng hạn nhưNothing In This World – bài hát chính trong phim “Người Mỹ trầm lặng” do Craig Amstrong viết tại Scotland. Bên cạnh đó có những tác phẩm Việt Nam đã quen thuộc như Đóa hoa vô thường, Thủa Bống là người.
– Chọn hai nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn trong một album được ra sát dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ này. Chị chia sẻ gì về cách tưởng niệm của mình?
– Với anh Sơn, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Có thể nói, âm nhạc của anh Sơn đánh dấu sự trưởng thành của tôi từ sân khấu thiếu nhi đến với sân khấu chuyên nghiệp. Hầu hết chương trình của tôi đều có bài hát của Trịnh Công Sơn. Trong album này, Đóa hoa vô thường và Thuở Bống là người được anh Hoài Sa và Quốc Trung dàn dựng lại cho dàn nhạc giao hưởng chơi. Chương trình của tôi được chuẩn bị từ tháng 9/2010 nên mục đích ban đầu không phải làm để kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh Sơn, nhưng đến bây giờ ra cũng có rất nhiều ý nghĩa. Đây là hai bài tôi đã hát nhiều nhưng lần này sẽ khác vì tính cổ điển vẫn phóng khoáng và gần gũi. Tôi nghĩ, nếu anh Sơn được nghe chắc anh rất thích.
Ngoài ra, tôi cũng tham gia chương trình tưởng niệm của gia đình nhạc sĩ tổ chức. Có nhiều bài hát để ban tổ chức lựa chọn cho phù hợp với nội dung chung của chương trình.
– Giữa chị và nhạc sĩ họ Trịnh có mối quan hệ rất khó để gọi tên. Chị lại chọn cách không tâm sự về vấn đề này càng làm người ta tò mò. Một lần sòng phẳng với khán giả, chị có thể nói gì?
– Xung quanh một người nổi tiếng bao giờ cũng có rất nhiều hướng dư luận khác nhau. Như mọi người đã biết, Hồng Nhung thường không thích nói chuyện riêng tư vì tôi cho đó là chuyện cá nhân, còn những thứ thuộc về nghệ thuật thì tôi rất thoải mái để bàn luận. Vì vậy, tôi không có ý kiến gì trước dư luận.
Tôi chỉ có thể nói rằng, 10 năm cuối đời của Trịnh Công Sơn, tôi là người may mắn vì được gặp anh, được anh quá ưu ái, được sát cánh cùng anh như một người bạn với một người bạn, một học trò với một người thầy, một ca sĩ với một nhạc sĩ… Thật ra, nói như Trịnh Công Sơn là chuẩn nhất. Anh nghĩ tôi và anh quá thân để không biết gọi là ai, còn tôi cũng nghĩ tôi và anh thân quá để không biết gọi thế nào cho đúng. Bạn thì anh thân hơn là bạn, thầy thì anh thân hơn là thầy. Và ở giữa hai chúng tôi chắc chắn là có một tình yêu, nhưng tình yêu đó như thế nào thì tôi giữ riêng cho mình.
– Cách suy nghĩ của chị có chút nào ảnh hưởng từ tư tưởng truyền thống của phụ nữ Á Đông: Mọi chuyện quá khứ hãy để nó đi qua, tránh khơi gợi tàn tro đốt cháy hạnh phúc hiện tại?
– Đó không phải lý do của tôi. Những chuyện trong từng giai đoạn đều có ý nghĩa không chỉ ngay thời điểm đó mà suốt cả cuộc đời mình. Chuyện hai người từng yêu quý nhau, gắn bó với nhau thế nào không ảnh hưởng tới hiện tại và tương lai sau này của tôi. Tôi chỉ không muốn bày tỏ quá nhiều về chuyện riêng tư, coi như một cách lưu giữ báu vật riêng cho mình.
– Bản thân chị rất mong manh, Á Đông nhưng dường như cái gì gắn đến chị cũng dính chút phương Tây. Từ việc học hát ở Anh, sáng tác bài hát bằng tiếng nước ngoài đến việc chọn người đàn ông cho mình. Điều gì để chị tồn tại giữa hai đối lập ấy?
– Tôi luôn tự thấy mình là người “phương Đông gặp phương Tây”. Tôi trân trọng và tự hào về nguồn gốc, về việc mình là người Việt Nam, là cô gái Hà Nội “dù có đi bốn phương trời”, nhưng tôi cũng đồng thời là người không chịu bó hẹp, nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ. Tôi muốn đi ra khỏi lũy tre làng, vì thế giới ngoài kia rất rộng lớn. Tôi có một cái đầu mở và khi đi ra ngoài để thấy nhiều hơn, tôi càng yêu đời hơn…
Ở thế giới bên ngoài, mọi thứ liên tục chuyển động buộc mình cũng phải chuyển động theo. Trong ngôi nhà của tôi có một cô gái Việt và một người đàn ông phương Tây nhưng không có sự khác biệt về hai lối sống hay sống theo kiểu cố gắng hòa nhập với nhau. Tôi cho rằng, mọi thứ diễn ra tự nhiên, phù hợp khi nó là của mình. Vốn của mình là phương Đông nhưng mình đi một ngày học một sàng khôn, để những cái hay trong văn hóa, lối sống phương Tây sẽ tự nhiên dung hòa. Cách sống như thế trở thành kiểu riêng của tôi, chứ không còn chia ra kiểu Việt Nam hay kiểu Mỹ.
– Thế nhưng người thường xuyên xuất hiện bên chị không phải bạn trai mà là người bạn đời hiện tại của bố chị. Vì sao vậy?
– Mẹ Mai – vợ của cha tôi, ngoài quan hệ gia đình, bà còn là người bạn thân nhất của tôi. Mẹ Mai cũng là người giúp tôi nhiều công việc để tôi có thể may mắn chỉ làm nghệ thuật thôi. Bố mẹ tôi ly dị khi tôi còn rất nhỏ nên tôi bị thiếu vắng tình cảm. Đến bây giờ, gia đình tôi rất hòa thuận, mẹ Mai lại có điều kiện ở bên tôi, chăm sóc và giúp đỡ, nên tôi đã lớn tự dưng lại thành em bé…
– Người ta hay nói “mấy đời bánh đúc có xương” nhưng không chỉ với mẹ Mai, chị còn thân thiết với cả người vợ trước của cha mình là tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái. Chính Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái là người viết bài bình luận rất sâu sắc có sức bật cho tên tuổi chị mang tên: “Trịnh Công Sơn – Hồng Nhung, sớm và muộn, xanh và chín”. Chị có bí quyết nào để hòa hợp với những người đàn bà của bố mình?
– Vâng, tôi có người bạn hay trêu mẹ Mai là “bánh đúc có xương”. Ở đời, sự yêu thương được nhau lắm lúc cũng khó tin. Nhưng tôi nghĩ, âu là cái số gặp được nhau, rồi thứ đến là từ tư tưởng không cổ hủ. Chúng tôi có một điểm chung là cùng yêu thương cha tôi hết mực (dù là những tình yêu khác nhau). Tôi cho rằng, trong tình yêu thì không nên ghen tỵ. Một tình yêu ghen tỵ thì không còn lành mạnh nữa. Lúc đó trong tình yêu, còn có cả “tình ghét”. Tôi chung quan điểm với anh Sơn: Yêu được nhau là quý lắm, trong đời này, nếu bạn yêu được một ai (không chỉ là tình yêu đôi lứa), hãy yêu ngay vì biết đâu, ngày mai sẽ muộn. Cái lòng của mình mở sẵn thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Tôi không phải một cô gái mới lớn nữa. Tôi đã trưởng thành, đã có kinh nghiệm trong đời, luôn luôn tự hướng mình, giống như tinh thần của yoga: khi nhìn một vấn đề cố gắng nhìn đến sự tích cực hơn là tiêu cực. Người ta nói, mọi chuyện thế nào đều do cách nhìn của mình quyết định. Tôi tập yoga hơn 10 năm và nhờ đó, tôi ngày càng tìm đến gần hơn sự cân bằng, như thế, mình sống thanh thản hơn.
– Về danh tiếng, ở Việt Nam không thể tặng chị danh hiệu nào lớn hơn diva. Về tài sản, người ta thấy ngôi nhà lớn và sang trọng như cổ tích của chị trên báo chí. Về nhan sắc, chị được khen là người đàn bà không chịu sự tác động của năm tháng. Vậy, bản thân chị còn muốn gì?
– Tôi luôn tự nhủ mình thật là may mắn! Điều mong muốn của tôi bây giờ là sức khỏe cho cha tôi, và hạnh phúc cho gia đình, mái ấm. Dù thành công đến đâu trong xã hội thì người phụ nữ vẫn cần nhất cho mình là đời sống giản dị, được làm vợ, làm mẹ. Tôi tin rằng ấy là hạnh phúc lớn lao nhất mà tôi có thể chờ đợi. Tuy nhiên, đây là cái duy nhất trong đời mình không dự định được, phải chờ khi nào trời cho thôi.
Ngọc Trần thực hiệnẢnh: Ngọc Trần
Theo vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét