3/3/16

Những sự kiện chưa được biết về trận đánh Khe Sanh 1968



Trận đánh đối mặt hiếm hoi giữa quân đội Mỹ và CS Bắc Việt 


Trận Khe Sanh là một điển hình của cuộc đối đầu, là một phép thử của khát vọng trong chiến tranh Việt Nam, nơi có 6.000 thủy quân lục chiến Mỹ chống cự lại 20.000 quân đội Cộng sản Bắc Việt, kéo dài 77 ngày đêm vào những tháng đầu năm 1968.

Bóng ma của Điện Biên Phủ 1954 vẫn còn lởn vởn. Lực lượng cộng sản Việt Nam đã bao vây và cuối cùng là tiêu diệt gọn một căn cứ quân sự mạnh của Pháp. Nhưng không giống người Pháp ở Điện Biên Phủ, người Mỹ đã duy trì một đường tiếp vận hàng không đến với Khe Sanh, đã chống trả ngoan cường trước những trận pháo kích và những đợt tấn công trực diện. Cuối cùng, quân đội Mỹ đã phá vỡ được vòng vây vào tháng Tư. Nhưng chỉ khoảng ba tháng sau đó thì Mỹ đã tự hủy bỏ toàn bộ căn cứ quân sự kiên cố này.

Nổi bật là 5 sự kiện mà ít người biết về trận đánh này.

1- Trận Khe Sanh không làm thay đổi cục diện của cuộc chiến, nhưng nó thúc đẩy những kỹ thuật phát triển quân sự rất đáng ghi nhận. Lần đâu tiên những cảm ứng điện tử được sử dụng để thả xuống những khu rừng rậm xung quanh Khe Sanh. Nó cung cấp những thông tin quân sự quan trọng cho việc phòng vệ. Lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã đối diện với xe tăng của Bắc Việt. Nhưng hình ảnh đáng ghi nhớ hơn cả là Chiến dịch Niagara với pháo đài bay B-52 cùng với máy bay tiêm kích đã rót xuống đây 100.000 tấn bom. Pháo binh bắn ra 158.000 quả đại bác. Một hợp đồng tác chiến vĩ đại nhất trong chiến tranh Việt Nam giữa hai lực lượng pháo binh và không quân để tiêu diệt gần như toàn bộ lực lượng Bắc Việt đang bao vây, muốn lật úp Khe Sanh.

2- Tổng thống Lyndon Johnson và Tướng William Westmoreland đã đưa ra kế hoạch sử dụng vũ khí nguyên tử cấp chiến thuật và vũ khí hoá học để bảo vệ căn cứ Khe Sanh. Trong một loạt những cuộc điện đàm, Tướng Westmoreland thông báo cho Tổng thống Johnson rằng vũ khí nguyên tử và hóa học là chưa cần thiết để dùng cho Khe Sanh, nhưng sẽ là một lựa chọn cuối cùng để chặn đứng lực lượng Bắc Việt đang vượt qua khu phi quân sự tiến về Khe Sanh.

3- Phe chủ chiến thường buộc tội Lyndon Johnson đã không làm tất cả những gì mà ông có khả năng để giành chiến thắng trong cuộc chiến Việt Nam. Nhưng nội các của tổng thống thì phủ nhận. Những cố vấn quân sự muốn cố thủ Khe Sanh, trong đó có tướng liên quân đã hồi hưu Maxwell Taylor. Bằng thư và đàm thoại, ông vận động ráo riết tổng thống cố thủ Khe Sanh. Tổng thống Johnson đã xem xét cẩn thận những lời khuyên của Taylor, nhưng cuối cùng thì ông trở lại với kế hoạch của Westmoreland là chỉ giáng một đòn quyết định vào lực lượng Bắc Việt tại Khe Sanh.

4- Hậu cần của Mỹ vượt xa khả năng hậu cần của cộng sản trong cả cuộc chiến, nhưng những điều này lại không đúng trong những tuần lễ đầu tại Khe Sanh. Ở những ngọn đồi cứ điểm xung quanh Khe Sanh, nạn thiếu thực phẩm và nước uống đã trở nên nghiêm trọng. Cơn đói khát giày vò, cảnh rách rưới của những người lính Mỹ bảo vệ Đồi 881 và 861 gợi ra một hình ảnh của những người bị bỏ rơi trên hoang đảo. Một chiến dịch táo bạo được biết đến với tên “Super Gaggle” đã chấm dứt cuộc khủng hoảng trên bằng cuộc trải thảm bom, bom napal, khói cay mắt, sương mù vào những vị trí của lực lượng Bắc Việt, để trực thăng đáp xuống tiếp trợ thực phẩm cho những ngọn đồi cứ điểm tiền tiêu.

5- Khe Sanh là một chiến thắng quân sự của Hoa Kỳ, những người lính dũng cảm, thành công bảo vệ cứ điểm trong suốt 77 ngày đêm vây hãm. Nhưng rồi những nhận thức này bị lu mờ vào tháng 7 – 1968 bởi quyết định hủy bỏ căn cứ này. Khe Sanh trở nên thứ acid bào mòn những tâm tưởng của bao nhiêu người Mỹ về một biểu tượng của lòng hy sinh không có mục đích, chiến thuật lộn xộn. Những điều này đã dẫn đến số phận cuối cùng của những cố gắng của người Mỹ ở Việt Nam. Phán quyết của lịch sử về Khe Sanh cho là Mỹ đã thua, và buộc tội Tướng Westmoreland hơn là công nhận một sự thực về bản hùng ca đã bảo vệ được cả quốc gia đứng vững trong thời gian tổng công kích từ tháng Giêng đến tháng Tư năm 1968.

MTA (st)

Không có nhận xét nào: