5/6/19

Nhật Bản đầu hàng - Những giờ phút cuối cùng của Đế Chế Mặt Trời Mọc...


Chịu đựng những điều không thể chịu đựng...

Vài phút sau đó trong văn phòng riêng Thủ tướng chỉ đạo Sakomizu sắp xếp một buổi họp có nhà vua chủ tọa ngay lập tức. Việc đầu tiên là cần phải có con dấu thủ bút của các Tư lệnh Lục quân và Hải quân. Nhờ tiên liệu trước nên Sakomizu đã thuyết phục Đô đốc và Tướng Umezu đóng sẵn con dấu của mình lên một đơn thỉnh cầu họp khẩn với Nhật hoàng – ông đã bảo họ, hoàn toàn hợp lý, để nó có thể triệu tập bất cứ lúc nào. Hai người nghĩ rằng một cuộc họp với Nhật hoàng chỉ được tiến hành khi một quyết định nhất trí đã đạt được. Sakomizu không hỏi Umezu lẫn Toyoda xem họ có khẳng định việc tán thành của mình không vì ông biết rằng họ sẽ không đồng ý. Ông cũng không thông báo cho xếp của mình là ông đã có được dấu đóng của họ cho những tình huống tạm thời.




Trong vòng một giờ những người được mời họp bối rối – họ đã được triệu tập vội vàng mà không được giải thích đầy đủ – bắt đầu lần lượt đến obunko [phòng hành chính của Hoàng cung]. Họ bước ra khỏi ô tô trong ánh trăng sáng và được hộ tống bởi một nội thị xuống một cầu thang dốc, có trải chiếu đến một đường hầm dài dẫn đến khu nhà phụ tiếp giáp với obunko, một tổ hợp ngầm của hoàng cung. Được xây dựng trong sườn đồi, nó gồm nửa tá phòng, rộng nhất là phòng họp, ngột ngạt và nóng bức. Phòng trống trải, trông u ám với trần nhà chống đỡ bằng khung đà thép, và các bức tường ốp gỗ đen.

Ngoài Sáu Ông Lớn – cùng với bốn thư ký, kể cả Sakomizu có mặt mọi nơi mọi lúc – Hoàng thân luống tuổi Hiranuma, Trưởng Cơ mật Viện, cũng được triệu tập. Trong tiền sảnh cơn thịnh nộ và bối rối của họ đổ ập xuống Sakomizu. Toyoda, Umezu và hai thư ký quân sự vây chặt lấy ông, những thanh kiếm kêu lanh lảnh đầy hăm dọa, và kết tội ông lấy con dấu của họ với duyên cớ không thành thật.

Viên Thư ký Nội các không thể xoa dịu họ thậm chí khi buộc phải nói dối: “Chúng ta sẽ không ra một quyết định nào trong buổi họp này.” Ông chỉ thoát được nhóm người khích động khi những thành viên được mời vào ghế trong phòng họp tại hai bàn dài song song. Tại đầu các bàn trên một bục là một bàn nhỏ hơn nhiều phủ bằng khăn thêu kim tuyến chỉ vàng, phía sau là một chiếc ghế và một tấm bình phong sáu cánh mạ vàng.

Đúng 10 phút trước nửa đêm Nhật hoàng bước vào. Ông nom có vẻ mệt mỏi và ưu tư. Ông buông mình nặng nề lên chiếc ghế trên bục. Các thành viên dự họp cúi đầu và ngồi xuống, tránh nhìn thẳng vào nhà vua. Một vài bậc lão thành húng hắng ho, càng làm không khí thêm nặng nề. Theo yêu cầu của Suzuki, Sakomizu đọc Tuyên bố Potsdam. Những lời xúc xiểm nghẹn ứ trong cổ họng ông.

Suzuki duyệt lại vắn tắt những tranh luận gần đây trong Hội đồng Tối cao và Nội các, và sau đó mời từng thành viên của Sáu Ông Lớn lần lượt phát biểu. Dù không khí oi bức, Ngoại trưởng Togo vẫn điềm tĩnh. Ông ôn tồn tuyên bố rằng Tuyên bố Potsadm nên được chấp nhận ngay lập tức miễn là kokutai, quốc túy, có thể được duy trì. Đô đốc Yonai cũng nhẫn nhục như thế. “Tôi đồng ý với Ngoại trưởng Togo,” ông nói điềm đạm.

Sự nhất trí của họ làm Bộ trưởng Chiến tranh Anami nổi cáu, người đứng kế tiếp trong thang bậc. “Tôi chống đối ý kiến của Ngoại trưởng!” ông la lên. Quân đội không chấp nhận đầu hàng trừ khi phe Đồng minh cho phép Nhật Bản tự giải giới quân đội của mình, xét xử những tội phạm chiến tranh và hạn chế lực lượng chiếm đóng. “Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu với lòng can trường và tìm lẽ sống trong cái chết.” Hai má ông lấp lánh nước mắt và tiếng nói ông trở nên the thé như thể van xin được đánh một trận quyết định cuối cùng trên đất mẹ. “Tôi hoàn toàn tin tưởng có thể giáng cho kẻ thù những tổn thất to lớn, và cho dù chúng ta có thể thất bại trong trận chiến, một trăm triệu nhân dân ta vẫn sẵn sàng hi sinh cho danh dự, vinh danh chiến công của nòi giống Nhật Bản trong lịch sử muôn đời!”

Umezu đầu cạo trọc đứng dậy. Không thể nghĩ bàn đến việc, ông tuyên bố chắc nịch, đầu hàng vô điều kiện sau khi có biết bao chiến sĩ can trường đã ngã xuống cho Nhật hoàng.

Đô đốc Toyoda đáng lẽ là người nên nói tiếp theo nhưng Suzuki, hình như lầm lẫn hoặc cố ý, mời Hoàng thân Hiranuma cho ý kiến. Anami và Umezu nhìn ông ta nghi ngờ – ông có thể nổi tiếng là người quốc gia cực đoan, nhưng như hầu hết những jushin [chính khách lão thành], ông chắc hẳn là một “Badoglio” [một tướng lãnh Ý, sau khi tổ chức hạ bệ Mussolini, lên làm Thủ tướng và tiến hành thương thảo đình chiến với Đồng minh: ND] – khi ông đặt một chuỗi các câu hỏi trúng đích và kết thúc bằng câu hỏi mà ông yêu cầu phe quân sự trả lời thẳng thắn: Họ có thể tiếp tục cuộc chiến hay không? 

Umezu trấn an ông rằng những cuộc oanh kích nguyên tử sắp tới có thể bị chận đứng bằng các biện pháp phòng không. “Chúng ta đã bảo tồn lực lượng của mình cho những chiến dịch trong tương lai,” ông nói, “và chúng ta trông chờ một cuộc phản công đúng lúc.”

Nhưng Hiranuma, con người chuộng lý lẽ, tỏ vẻ không mấy ấn tượng. Ông ít nhiều đồng ý với Togo, nhưng ông nói rằng họ nên thương thảo với Đồng minh về các yêu sách của Quân đội. Ông quay về phía Nhật hoàng. “Tuân theo di huấn của các Đấng Tiên Vương, Hoàng thượng cũng có trách nhiệm ngăn ngừa sự bất ổn của quốc gia. Thần mạn phép hỏi quyết định của Bệ hạ về vấn đề này.” Ông già khó chịu ngồi xuống.

Khi cuối cùng cất lời Toyoda cố nhấn mạnh lại vị trí của phe quân phiệt, nhưng kết luận của ông hơi mơ hồ. “Chúng ta không thể nói rằng thắng lợi cuối cùng là điều chắc chắn, nhưng đồng thời chúng ta không tin rằng chúng ta sẽ bị thảm bại hoàn toàn.”

Trong hơn hai giờ những luận điểm cũ lại được lặp lại từng lời một. Khi Toyoda kết thúc, Suzuki lần nữa đứng dậy, chậm rãi và cân nhắc. Sakumizu có cảm tưởng như là cuối cùng thì ông cũng tiết lộ ra một điều gì đó đã đè nén bấy lâu. Tuy nhiên, những lời ông nói gây sửng sốt nhiều hơn cho người đang lắng nghe. “Chúng ta đã tranh cãi vấn đề này nhiều giờ liền mà không đi đến kết luận nào hết. Tình hình thật là nghiêm trọng nhưng không có giây phút nào đã tiêu pha một cách vô ích. Chúng ta chưa từng có tiền lệ – và tôi thấy thật khó để trình bày – nhưng với lòng tôn kính cao cả giờ đây thần cầu xin Hoàng thượng ban bố ý muốn của mình.”

Ông quay về phía nhà vua. Ông xin Nhật hoàng quyết định xem Nhật Bản có nên chấp nhận Tuyên bố Potsdam ngay lập tức hay yêu cầu những điều kiện mà Quân đội muốn. Bất ngờ, ông bước ra khỏi ghế và tiến về phía Nhật hoàng. Mọi người há hốc kinh ngạc.

“Ngài Thủ tướng!” Anami kêu lên, nhưng Suzuki hình như không nghe thấy, vẫn tiếp tục tiến đến chân bục nơi Nhật hoàng đang ngự, đôi vai to rộng của ông chùn xuống vì tuổi tác. Ông dừng lại và cúi chào rất thấp. Với cái gật đầu cảm thông nhà vua mời Suzuki ngồi xuống. Ông già không nghe được lời phán bèn lấy bàn tay úp lên vành tai trái để nghe cho rõ. Nhật hoàng ra dấu cho ông trở về chỗ ngồi.

Ngay khi Suzuki đã an tọa Nhật hoàng đứng lên. Giọng nói của ông, bình thường không biểu cảm, nhưng lúc này nghe có vẻ hơi căng thẳng. “Trẫm đã suy nghĩ rất nghiêm túc về tình hình trong nước và ngoài nước hiện nay và đã đi đến kết luận là tiếp tục chiến tranh sẽ mang đến sự hủy diệt cho đất nước, kéo dài nạn đổ máu và gieo rắc tai ương cho thế giới.” Các thành viên cúi đầu lắng nghe. “Trẫm không thể đành lòng thấy nhân dân vô tội chịu đau khổ nhiều hơn nữa. Kết thúc chiến tranh là cách duy nhất để phục hồi hòa bình thế giới và cứu vớt quốc gia khỏi cảnh khốn cùng đeo đẳng.” Ông ngưng nói.

Sakomizu ngước nhìn nhà vua, đang chăm chăm nhìn lên trần nhà một cách suy tư vừa lau cặp kính với ngón tay cái mang găng trắng. Viên Thư ký Nội các thấy đôi mắt mình nhòa lệ. Những người dự họp không còn ngồi cứng nhắc trên ghế mà chồm người về phía trước – một vài cánh tay vươn ra, phủ phục trên bàn, khóc nức nở không giấu giếm. Giờ Nhật hoàng đã lấy lại vẻ điềm tỉnh. Ông tiếp tục nói nhưng giọng nói bổng nghẹn lại vì xúc động, khiến ông lại phải ngừng nói. Sakomizu muốn khóc òa lên, “Chúng thần giờ đây đã hiểu ước muốn của bệ hạ. Xin bệ hạ làm ơn đừng hạ cố nói thêm một lời nào nữa.”

“Trẫm đau đớn,” Nhật hoàng nói tiếp, “khi nghĩ đến những người đã tận tụy trung thành với trẫm, những binh sĩ và thủy thủ đã hi sinh hay bị thương trong những trận đánh ở nơi chốn xa xôi, những gia đình đã đánh mất tất cả của cải – và cả mạng sống của họ – trong những trận oanh kích trên xứ sở. Không cần phải nói ra cũng biết trẫm không thể chịu được cảnh những chiến binh gan dạ và trung kiên của Nhật Bản giờ đây bị tước vũ khí. Cũng không thể nào chịu được cảnh những người khác đã tận tụy phục vụ trẫm giờ đây bị đem ra trừng phạt như những kẻ gây chiến. Dù sao thì đã đến lúc chúng ta phải chịu đựng những gì không thể chịu đựng được. Khi hồi tưởng những cảm xúc mà Nội Tổ Minh Trị của trẫm tại thời điểm Tam Cường Can Thiệp [là Nga, Đức và Pháp vào 1895] đã trải qua, trẫm đành nuốt nước mắt của mình mà chấp nhận tuyên bố của Đồng minh dựa trên cơ sở mà ngài Ngoại trưởng đã vạch ra.”

Ông đã kết thúc. Suzuki đứng lên tính trả lời nhưng rồi chỉ gật đầu. Chầm chậm, như phải mang một gánh nặng quá sức, ông bước ra khỏi phòng.

“Quyết định của Hoàng thượng,” Suzuki nói, “giờ đây phải được coi là quyết định nhất trí của cuộc họp này.” Tất nhiên, nó không phải là một quyết định theo nghĩa Tây phương, mà đơn giản chỉ là thể hiện nguyện vọng của ông. Nhưng đối với một thần dân Nhật Bản – và 11 người trong phòng họp – thì nguyện vọng của nhà vua có giá trị ngang với một mệnh lệnh. Biên bản của cuộc họp được ghi lại, và những thành viên, vẫn còn xúc động trước nổi phiền muộn của Nhật hoàng, lần lượt ký tên vào biên bản, tán thành Tuyên bố Potsdam với điều khoản là phe Đồng minh công nhận vị thế luật định của Nhật hoàng.

Tất cả trừ Hoàng thân Hiranuma. Như thường lệ còn một chi tiết làm ông thắc mắc: ông chống đối cách nói qui định là “vị thế của Nhật hoàng là vị thế được Thượng đế định đoạt.” Ông quyết liệt thay thế chính xác bằng nhóm từ trong Hiến pháp – “quyền lực tối cao của Nhật hoàng.”

Hiranuma thêm chữ ký của mình vào lúc 2:30. Cuộc họp trọng đại đã qua và phe quân phiệt đã chấp thuận điều đưa đến một cuộc đầu hàng vô điều kiện. Nhưng khi vắng mặt Nhật hoàng, tâm trạng thất vọng và thấy mình bị phản bội hướng trực tiếp đến Suzuki. “Ngài không giữ lời, thưa Thủ tướng!” Trung tướng Masao Yoshizumi, người đóng vai thư ký cuộc họp. “Giờ ngài mãn nguyện chưa?”

Anami bước chen vào giữa họ. 

Còn một nghi thức nữa – sự tán thành của toàn thể Nội các. Nó được triệu tập ngay lập tức tại tư gia của Suzuki, tại đó các bộ trưởng cũng soạn thảo những văn bản giống hệt nhau gởi cho mỗi Đồng minh chấp nhận Tuyên bố Potsdam “với điều kiện là tuyên bố nói trên không bao gồm bất kỳ yêu sách nào gây phương hại đến đặc quyền của Nhật hoàng trong vai trò một Đấng Trị vì Tối cao.”

Đó là một buổi tối thật dài. Suzuki bước lên lầu vào phòng ngủ. Sakomizu vẫn nán lại, và buông mình xuống ghế nệm và ngủ ngay lập tức. Những người khác lầm lũi về nhà qua những con phố tối tăm, vắng ngắt của Tokyo. Mọi người chỉ trừ Togo. Đuối sức vì cơn bệnh thiếu máu ác tính, ông chắc hẳn là người kiệt quệ nhất. Ánh sáng bắt đầu ló dạng yếu ớt từ phương đông khi ô tô của ông ngừng trước Bộ Ngoại giao tạm thời, nơi ông muốn ghi chép lại từng lời của

Nhật hoàng làm cháy bỏng tâm trí ông. Ông đọc cho viên thư ký không chính thức chép lại, đó là con rễ ông Fumihiko Togo, người mà mặc dù có mối ràng buộc gia đình, vẫn luôn nể sợ ông già. Anh hiếm khi thấy ông biểu lộ cảm xúc nào, nhưng khi Togo kể lại những gì nhà vua đã tuyên bố anh thấy mắt ông đẫm lệ.

Ngày 10/8 nóng bức bừng lên ở Tokyo. Tại Bộ Tư lệnh Lục quân ở Ichigaya Heights hơn 50 sĩ quan của Bộ Chiến tranh đợi trong hầm trú ẩn chờ đón Tướng Anami. Việc triệu tập khẩn cấp quá nhiều sĩ quan cao cấp gây sự thắc mắc đầy xao động. Liệu có phải Bộ trưởng Chiến tranh sẽ tuyên bố sự xáp nhập của Lục quân và Hải quân? Có dính líu gì đến bom nguyên tử chăng hay ông sẽ báo cáo về nội dung buổi họp đêm qua với nhà vua?

Lúc 9:30 Anami, đi kèm hai bên là các sĩ quan cao cấp, sảy bước qua hành lang dài nối Bộ Tư lệnh và boong-ke. Khi ông bước lên một bục nhỏ, tay phải cầm cán roi ngựa, cử tọa chen chúc bao quanh ông. Từ tốn ông nói cuộc họp đêm qua đã quyết định chấp nhận Tuyên bố Potsdam.

Không tin, một vài người hô to “Không!” Anami giơ tay lên ra hiệu yên lặng. “Tôi không biết có thể đưa ra lời bào chữa nào,” ông nói, “nhưng vì đây là nguyện vọng của Hoàng thượng là chúng ta phải chấp nhận Tuyên bố Potsdam nên không thể làm gì được.” Ông bảo họ về yêu cầu tối thiểu của Quân đội và rất tiếc là không thể làm chúng được chấp nhận. Tuy nhiên, ông hứa sẽ thử thêm một lần nữa, và ông nhờ cậy mọi người giúp giữ gìn trật tự trong quân ngũ dù cho bất cứ điều gì có thể xảy ra. “Những cảm xúc cá nhân của các bạn và những binh lính dưới quyền bạn phải được xem nhẹ.”

Một thiếu tá bước tới. “Còn nghĩa vụ của quân nhân phải bảo vệ tổ quốc thì sao?”

Thường ngày là người ôn hòa, nhưng lần này Anami vung roi về phía viên thiếu tá. “Nếu ai bất tuân lệnh của Anami này, thì y phải chém gục Anami trước đã!”

Trung tá Masao Inaba của Văn phòng Quân vụ tiến đến vị tướng với một kế hoạch giữ yên Quân đội. “Không cần biết chúng ta có kết thúc cuộc chiến hay không,” anh ta nói, “chúng ta phải phát quân lệnh tiếp tục chiến đấu, đặc biệt với binh đoàn Xô viết đang tiến vào Mãn Châu.“

“Vậy hãy viết đi,” Anami nói.

Vẫn còn việc cho Nội các quyết định là cần cho công luận biết tin đến đâu. Phe quân phiệt không muốn tiết lộ quyết định của Nhật hoàng vì sợ rằng việc ấy sẽ làm sói mòn tinh thần chiến đấu của binh lính và gây ra hỗn loạn. Sau cùng một thỏa thuận được thông qua là chỉ đưa ra một phát biểu lập lờ nhằm chuẩn bị cho dân chúng tinh thần đầu hàng. Thông báo được giao cho Kainan Shimomura, Trưởng phòng Thông tin, và nhân viên của ông soạn ra. Nó khoa trương những thắng lợi, tố cáo quả bom mới là tàn bạo và dã man và cảnh báo là kẻ thù chuẩn bị xâm chiếm nội địa. Chỉ có đoạn thông báo cuối cùng là chỉ cho dân chúng thấy mình sắp sửa đối mặt với một tình thế chưa từng có.

Thật ra, chúng ta phải công nhận là hiện giờ chúng ta đang bị bao vây bởi một tình thế ngặt nghèo nhất. Khi chính phủ đang dồn mọi nỗ lực để bảo vệ tổ quốc, bảo tồn quốc thể, và giữ gìn danh dự quốc gia, thì nhân dân chúng ta hãy nhân cơ hội này đứng dậy, vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ quốc hồn quốc túy của đế chế mình.

Trái lại, trong chỉ thị của Inaba gởi đến sĩ quan và binh sĩ không có lời nào ám chỉ đến việc đầu hàng, mà chỉ kêu gọi tiếp tục cuộc chiến thiêng liêng đến phút cuối cùng.

Chúng ta kiên quyết chiến đấu, cho dù chúng ta phải ngậm cỏ, ăn đất và nằm sương. Chúng ta đều tin rằng trong cái chết có sự sống. Đây là tinh thần của Nanko, mong muốn tái sinh bảy lần để phục vụ tổ quốc, hoặc tinh thần bất khuất của Tokimune, không chịu bị đàn áp mà quyết tâm đập tan lũ Mông Cổ.

Ngay sau khi Inaba gởi thông điệp đến Bộ Chiến tranh để được phê chuẩn, hai trung tá bối rối – một người là nhân viên báo chí, người kia là Masahiko Takeshita, em vợ của Anami – xông vào văn phòng của Inaba cho tin là Nội các chuẩn bị phát đi thông báo cho công chúng ám chỉ việc đầu hàng. Vì việc này sẽ tạo ra lộn xộn trong binh sĩ, họ phải phát đi lời kêu gọi của Inaba ngay lập tức. Inaba lật úp giỏ rác và thu hồi một tờ giấy nhăn nhúm, bản thảo gốc của lời phát biểu của ông. Vì nó đứng tên Anami ông ta chần chừ phát đi mà chưa có sự đồng ý của Bộ trưởng Chiến tranh. Nhưng hai trung tá thuyết phục ông là không còn thời gian nữa, và bản chỉ thị lập tức được sao lại và gởi đến tất cả trạm phát thanh địa phương và tòa soạn báo ngay lập tức.

Hai phát biểu xung đột nhau, được phát đi gần như đồng thời, làm bối rối các nhà biên tập và các trạm phát thanh, khiến cho Ngoại trưởng Togo bắt buộc phải hành động gấp rút. Chỉ thị của Anami chắc chắn sẽ gieo rắc mối nghi ngờ cho Đồng minh là Nhật Bản cương quyết tiếp tục hành động thù địch. Những thông báo chính thức với Đồng minh về mong muốn đầu hàng của Nhật Bản được tiến hành một cách chậm chạp qua các kênh ngoại giao và một vài giờ chậm trễ có thể đưa đến một quả bom nguyên tử thứ ba. Tại sao không phát đi thông cáo chính thức ngay lập tức qua kênh tin tức? Có nhiều khả năng một sĩ quan kiểm duyệt nào đó, nếu y nhận ra nội dung của thông điệp, có thể dấu nhẹm nó. Để đề phòng tình trạng này người ta quyết định phát đi đề nghị của Nhật bằng tiếng Anh dưới dạng mã Morse. Lúc mà những nhân viên kiểm duyệt dịch ra thông điệp, hi vọng việc đó đã quá trễ.

Saiji Hasegawa, chủ bút tin tức quốc tế của tờ Domei, đồng ý nhận lấy nhiệm vụ nguy hiểm là tiếp âm bản thông điệp. Ông cho truyền tin vào lúc 8 P.M. trước tiên đến Hoa Kỳ, rồi đến Âu châu. Ông căng thẳng ngồi đợi, cầu mong cho nội dung của bản thông điệp sẽ không bị giám sát.

Hầu như ngay lúc đó, các đường phố của Tokyo nhốn nháo vì một loạt các vụ nổ lưu đạn. Những người chống đối trong quân đội, bao gồm Đại tá Inaba, hi vọng tạo ra lộn xộn dẫn đến việc cần thiết phải ban bố lệnh thiết quân luật trên khắp thành phố. Với Tokyo nằm dưới quyền kiểm soát quân sự, Nhật hoàng có thể bị ảnh hưởng và đổi ý để tiếp tục cuộc chiến. Nhưng thành phố, đã quá quen với việc oanh kích, chẳng đếm xỉa gì đến các vụ nổ lẻ tẻ.

Ở Nagasaki, các tờ bướm dập dìu rơi xuống thành phố bị san bằng, cảnh báo muộn màng các công dân hãy di tản.



2

Tại đầu kia của trái đất là buổi sáng 10/8. Lúc 7:33 A.M. thông điệp bằng mã Morse do Hasegawa gởi đi – do ý Trời các nhân viên kiểm duyệt của Quân đội Nhật Bản không buồn kiểm tra – được các máy truyền tin Hoa Kỳ bắt được. Tổng thống Truman triệu tập Leahy, Byrnes, Sumson và Forrester đến văn phòng của mình và đọc cho họ nghe thông điệp. Vì đây là một nguồn không chính thức, ông hỏi từng người nó có thể coi là việc chấp nhận Tuyên bố Potsdam hay không. Nếu quả đúng, họ có nên để Nhật hoàng tiếp tục trị vì hay không? Trong nhiều tuần qua một số nhân vật có ảnh hưởng, bao gồm Harry Hopkins, Archibald MacLeish và Dean Acheson, đã cổ vũ bãi bỏ chế độ quân chủ.

Nhưng ba trong số bốn cố vấn của ông trong phòng chống đối ý kiến cực đoan ấy. Đối với Stimson đang ốm, việc duy trì Nhật hoàng là một vấn đề thực tiễn. Ông chỉ ra rằng Đồng minh cần sự trợ giúp của Hirohito để hiệu quả hóa việc đầu hàng của những quân đoàn Nhật đóng phân tán khắp nơi. Việc sử dụng Nhật hoàng theo cách này phải được thực hiện để tránh xảy ra nhiều Iwo Jima và Okinawa trên khắp Trung Hoa và New Netherlands.” Leahy không “có ấn tượng gì về Hirohito nhỏ thó” nhưng cũng ủng hộ ý kiến của Stimson.

Byrnes, tuy nhiên, chống lại sự thối lui “khỏi yêu sách của chúng ta về đầu hàng vô điều kiện. Yêu sách này được trình bày với Nhật trước khi sử dụng bom nguyên tử và trước khi Liên bang Xô viết lâm chiến. Nếu bất kỳ điều kiện nào phải được chấp nhận, tôi muốn Hoa Kỳ chứ không là Nhật Bản là người nêu ra điều kiện ấy.” Forrester phản bác rằng có thể được trấn an “bằng một phát biểu khẳng định về phía chúng ta trong đó chúng ta sẽ xem xét để ngôn từ của việc đầu hàng phải phù hợp hoàn toàn với chủ định và quan điểm của chúng ta.”

Việc Nhật Bản chấp nhận đầu hàng làm gia tăng mối quan ngại của Stimson về việc tổn thất sinh mạng có thể tiếp tục xảy ra. Ông đề nghị họ kêu gọi ngừng ném bom – những phi cơ từ hàng không mẫu hạm và các máy bay B-29 từ quần đảo Mariannas vẫn còn tàn phá những thành phố Nhật, ở Mỹ không khí âu lo ngại tăng dần về việc sử dụng bom nguyên tử. “Chúng ta phải nhớ,” Forrestal nói thêm, “rằng quốc gia này sẽ phải chịu đựng mũi dùi thù nghịch của người dân Nhật.”

Truman vẫn không đưa ra ý kiến. Ông quyết định chờ đợi cho đến khi việc đầu hàng chính thức nhận được qua kênh ngoại giao, nhưng ông ra lệnh cho Byrnes bắt đầu soạn thảo thư phúc đáp ngay lập tức. Vị Ngoại trưởng cân nhắc từng chữ, biết rằng mình nói thay cho Nga, Trung Hoa và Anh cũng như cho đất nước mình. Ngay trước buổi trưa ông được thông báo là Đại sứ quán Thụy sĩ đã vừa nhận được lời chấp nhận chính thức đầu hàng của Nhật Bản. Ngay sau khi nhận được thông điệp này, ông đích thân mang nó cùng với bản phúc đáp nháp cho Nhật đến Nhà Trắng. Truman cho triệu tập một cuộc họp Nội các khẩn cấp và vào lúc 2 P.M. ông đọc thư phúc đáp của Byrnes. Stimson hài lòng vì giọng điệu hòa giải của nó (“. . . đó là một phát biểu khá khôn ngoan và cẩn trọng và có cơ may được chấp nhận hơn là một phát biểu thẳng thắn”). Nó tuyên bố rằng từ thời điểm đầu hàng, quyền trị vì của Nhật hoàng và chính phủ Nhật Bản sẽ được đặt dưới quyền của Tư lệnh Tối cao của các Lực lượng Đồng minh và rằng hình thức tối hậu của chính quyền Nhật Bản sẽ được thiết lập dựa trên ý chí được thể hiện một cách tự do của nhân dân Nhật Bản. Mọi người đồng ý rằng điều này sẽ trấn an người Nhật về vị thế tương lai của Nhật hoàng của họ mà không gây phương hại đến nguyên tắc cơ bản của việc đầu hàng vô điều kiện.

Tuy nhiên, việc đầu tiên là thông điệp gởi Tokyo phải được sự chấp thuận của các phe Đồng minh và các bản sao được điện đến các đại sứ quán của Mỹ ở London, Moscow và Nam Kinh với lời yêu cầu được phúc đáp nhanh chóng.

Càng nhớ lại những sự kiện xảy ra trong 36 tiếng đồng hồ qua Tướng Anami càng cảm thấy bực tức với Suzuki và Togo. Khi lái xe đến văn phòng của mình vào sáng ngày 11/8, sau buổi tập bắn cung trong vườn nhà, ông càu nhàu về Thủ tướng với viên thư ký của mình, Đại tá Saburo Hayashi. Sự xuất hiện của nửa tá sĩ quan bất mãn trong văn phòng của ông – kể cả ông em rễ của mình, Đại tá Takeshita – gợi ra những phàn nàn rõ ràng hơn nữa: buổi họp đã được tổ chức quá vội vã đến nổi chỉ một mình Togo được chuẫn bị trước để trình bày lời đề nghị với Nhật hoàng; và tại sao Hoàng thân Hiranuma lại có mặt trong buổi họp? Anami có cảm tưởng rằng buổi họp đã được dàn dựng để tán thành việc đầu hàng.

Những lời tố giác này được diễn tả một cách mơ hồ nhưng chúng cổ vũ cho những người bất đồng tiến hành một hành động bạo loạn, và một tá bọn họ tụ họp bí mật trong Bộ Chiến tranh để lên kế hoạch hành động. Takeshita, vốn là một sĩ quan cao cấp, cảnh báo họ là những gì họ sắp làm có thể mang án tử. Trước tiên, ông đề nghị họ phải cô lập Nhật hoàng khỏi bọn chủ bại. Sau đó họ sẽ tranh thủ Anami khuyên bảo Nhật hoàng tiếp tục cuộc chiến. Một Trận Đánh Quyết Định một mất một còn trên nội địa có thể giáng cho người Mỹ những tổn thất khủng khiếp để có thể dàn xếp được một nền hòa bình trong danh dự. Nếu không được, họ có thể tiến hành chiến tranh du kích trong rừng núi.

Những người âm mưu nhiệt liệt tán thành kế hoạch này. Họ sẽ sử dụng binh lính đóng tại Tokyo để bao vây Hoàng cung. Họ sẽ cắt đường giao thông và chiếm các đài phát thanh, báo chí và các tòa nhà chính phủ chủ chốt. Sau đó họ sẽ bắt trọn bọn chủ bại như Suzuki, Togo và Kido.

Takeshita tin rằng cuối cùng Anami sẽ gia nhập với họ, và sau đó là Umezu. Tiếp theo hai chỉ huy tại chỗ, Trung tướng Takeshi Mori của Quân khu Konoye và Đại Tướng Shizuichi Tanaka của Quân khu miền Đông, sẽ phải theo hợp tác. Với Tham mưu trưởng Quân đội và Bộ trưởng Chiến tranh ủng hộ cuộc đảo chánh, họ không thể nào thất bại – như nhóm nhỏ các sĩ quan đã từng chiếm đóng Tokyo ngắn ngủi vào năm 1936. Về bản chất, đây là một chiến dịch quân sự. Họ sẽ hành động theo đúng luật dưới quyền các chỉ huy cao nhất vì lợi ích của quốc gia. 

Khái niệm về tính hợp pháp là sự lý giải lệch lạc lời dạy của Giáo sư Kiyoshi Hiraizumi, người có tầm ảnh hưởng không tính hết đối với tập thể sĩ quan. Vào năm 1926, ở tuổi 31, ông trở thành phụ tá giáo sư tại Đại học Hoàng gia Tokyo. Chuyên môn của ông là lịch sử Nhật Bản, mục đích chính của ông là bảo tồn tinh thần của các lãnh tụ thời Minh Trị. Khi chủ nghĩa Cộng sản bắt đầu quét qua các trường đại học ông đáp trả bằng cách thành lập trường phái Xanh lá-Xanh lá của ông. Cốt lõi của học thuyết ông là mỗi quốc gia có truyền thống riêng, lịch sử riêng và đạo lý riêng và những quốc gia khác nên tôn trọng những khác biệt này. Ông dạy rằng xã hội Nhật Bản dựa vào lòng trung đối với đất nước, Nhật hoàng và hiếu kính đối với cha mẹ, và trường phái Xanh lá-Xanh lá tiến hóa thành trường phái quốc gia cực đoan với Thần đạo là xương cốt, Khổng học là da thịt và tinh thần võ sĩ đạo là máu huyết.

Hiraizumi là một người nhỏ con điềm đạm, mảnh mai có dáng dấp của người theo nghiệp giáo sư lịch sử, nhưng trong buổi giảng đầu tiên của ông tại Học viện Quân sự ông tạo một sự thu hút kịch tính khi sảy bước lên bục giảng với một thanh kiếm. Ông đặt nó bên cạnh và nói ôn hòa, không hề dùng ngôn ngữ tay hay mặt để diễn tả. Nhưng ông vẫn kích động mọi sĩ quan trẻ trong đám cử tọa và mỗi lượt cử tọa tiếp theo sau đó với lòng nhiệt thành bùng cháy. Những gì họ nghe về Vương Đạo và xứ sở họ đã hun đúc tinh thần hi sinh quên mình cho Nhật hoàng và đất nước sâu xa đến nổi những lời dạy của ông ở trên môi những phi công lên đường cho sứ mạng kamikaze [vào cuối cuộc chiến các phi công Nhật dùng chiến thuật đánh bom cảm tử, biến phi cơ của mình là một khối bom và liều mình lái đâm xuống các tàu Mỹ và nổ tung: ND].

Các sĩ quan cao cấp lúc nào cũng coi mình là đệ tử của ông. Trong thời gian làm thủ tướng, Tojo thường xin ông những lời khuyên còn Anami vẫn một mực kính trọng ông. Takeshita và đồng bọn đã theo trường phái Xanh la-Xanh lá và tin tưởng rằng họ đang thực hiện những gì Hiraizumi đã rao giảng. Việc đầu hàng vô điều kiện không phải là đã hủy hoại quốc túy quốc hồn hay sao? Như vậy, việc thách thức quyết định hòa bình của Nhật Bản là một hành động hoàn toàn thích đáng, vì đó là một phán quyết lạc hướng và sai lầm. Đúng ra, lòng trung quân đích thực có khi là phải tạm thời bất tuân mệnh lệnh Nhật hoàng.



3

Trừ một ngoại lệ các phe Đồng minh đều lập tức chấp nhận phúc đáp đề nghị của Byrness gởi cho Nhật. Riêng chính quyền Xô viết “hoài nghi” về việc xin đầu hàng của Nhật Bản: Molotov cho rằng nó không vô điều kiện cũng không cụ thể. Do đó, Hồng Quân tiếp tục tiến vào Mãn Châu.

Harriman, tuy nhiên, thúc ép được hồi đáp nhanh chóng và Molotov ưng thuận – với một điều khoản: “Chính quyền Xô viết cũng nhận định rằng, trong trường hợp có một phúc đáp khẳng định từ Chính quyền Nhật Bản, các Lực lượng Đồng minh nên nhất trí về việc chọn lựa một ứng viên hoặc nhiều ứng viên đại diện Tư lệnh Tối cao Đồng minh để Nhật hoàng và Chính quyền Nhật Bản qui phục.”

Harriman “quyết giữ nguyên biệt lệ cứng rắn” về qui định này; chính phủ của ông sẽ không bao giờ đồng ý điều đó. Thậm chí ông không hiểu chính xác điều đó có nghĩa là gì. Molotov giải thích rằng Tư lệnh Tối cao ở Viễn Đông nên bao gồm hai dân tộc, một tướng Mỹ và một tướng Nga.

Phản ứng của Harriman là rõ ràng và sắc bén. Hoa Kỳ đã mang gánh nặng chủ yếu của cuộc chiến Thái Bình Dương trong bốn năm ròng rã và nhờ đó giữ chân quân Nhật khỏi tấn kích sau lưng người Nga. Người Xô viết chỉ mới lâm chiến có hai ngày. Do đó thật vô lý khi Tư lệnh tối cao không phải ai khác hơn là người Mỹ. Molotov trả lời nóng nảy nhưng Harriman vẫn một mực cứng rắn; ông sẽ gởi lời đề nghị về Wasington nhưng ông biết rằng điều đó là không chấp nhận được.

Harriman trở lại văn phòng vẫn còn giận dữ. Ông được mời đến nghe điện thoại. Đó là M. Pavlov, thư ký của Molotov, cho biết Ủy viên Đối ngoại đã liên lạc với Stalin và nói rằng đã có sự hiểu lầm: họ chỉ có ý định “tư vấn” chứ không nhất thiết phải được “tán thành.” Harriman một lần nữa cảnh báo rằng cụm từ “nhiều ứng viên” sẽ không bao giờ được chấp nhận tại Washington. Một ít phút sau Pavlov gọi lại lần nữa và cho biết Stalin đồng ý xóa bỏ những từ khó chịu ấy và sẽ khẳng định điều ấy bằng văn bản.

Với hòa bình gần kề, Forrestal và Stimson một lần nữa cố thuyết phục Tổng thống Truman cho dừng các cuộc không và hải chiến chống lại Nhật Bản như một cử chỉ nhân đạo. Truman không nghe. Ông nói sức ép nên được duy trì để người Nhật thối chí không đòi hỏi nhượng bộ nhiều hơn. Ông hứa sẽ hoãn việc ném bom nguyên tử trừ khi phúc đáp của Nhật không thỏa đáng. Hai quả bom nguyên tử đã sẵn sàng ở Tinian, và theo dự định sẽ được bỏ vào ngày 13 và 16 tháng 8. Tướng Spaatz nhận thức rằng Tokyo tan hoang là một mục tiêu quá tồi cho một vụ oanh kích quy ước, và ông còn hồ hởi muốn bỏ một quả bom nguyên tử lên thủ đô.

Trong khi thư phúc đáp của Byrnes được chính thức gởi qua đường Thụy Sĩ, nó cũng được phát thanh đến miền Đông bằng sóng ngắn từ San Francisco với mục đích tuyên truyền cho dân chúng Nhật. Người đàn ông đã lén lút truyền tin lời phúc đáp của Nhật về Tuyên bố Potsdam, Saiji Hasegawa ở Domei, được một trạm giám sát thông báo về trả lời của Đồng minh ngay sau nửa đêm ngày 11/8. Anh nhắn tin cho Bộ Ngoại giao và sau đó gọi điện thoại cho người bạn thân Sakomizu. Viên Thư ký Nội các ngái ngủ lo lắng muốn biết nội dung thông điệp. “Chúng tôi chưa nhận được toàn văn,” Hasegawa trả lời, “nhưng hình như không thỏa đáng lắm.”

Trong hơn hai giờ Sakomizu sốt ruột chờ đợi cho đến khi nhận được toàn văn thông điệp bằng tiếng Anh:

Liên quan tới thông điệp của Chính quyền Nhật bản chấp nhận những điều khoản về tuyên bố Potsdam nhưng chứa lời phát biểu, “với sự thông hiểu là tuyên bố nói trên không bao gồm bất kỳ yêu sách nào gây phương hại đến uy quyền của Nhật hoàng trong vai trò một Đấng Trị vì Tối cao,” lập trường chúng tôi như sau:

Từ thời điểm đầu hàng, quyền hành trị vì xứ sở của Nhật hoàng và Chính quyền Nhật Bản sẽ bị lệ thuộc vào Tư lệnh Tối cao của các lực lượng Đồng minh, người sẽ tiến hành các bước thích hợp để thực thi các điều khoản đầu hàng.

Nhật hoàng được yêu cầu ủy quyền và bảo đảm sự ký nhận của Chính quyền Nhật Bản và các bộ Tổng Tư lệnh Hoàng gia Nhật Bản về những điều khoản đầu hàng cần thiết để thực thi những điều khoản của Tuyên bố Potsdam và sẽ ban hành lệnh cho tất cả đơn vị lục, không, hải quân và cho tất cả lực lượng dưới quyền của họ đóng bất cứ nơi đâu để ngừng hẳn mọi hoạt động gây hấn và giao nộp vũ khí, cũng như ban hành những lệnh khác theo yêu cầu của Tư lệnh Tối cao nhằm bảo đảm các điều khoản đầu hàng được thực hiện.

Ngay lập tức sau khi đầu hàng Chính quyền Nhật Bản sẽ chuyên chở các tù binh chiến tranh và các tù dân sự đến nơi an toàn, như được chỉ dẫn, để các phương tiện vận chuyển Đồng minh có thể nhanh chóng tiếp nhận họ.

Hình thức tối hậu của Chính quyền Nhật Bản, theo Tuyên bố Potsdam, sẽ được thiết lập bởi nguyện vọng được thể hiện tự do của nhân dân Nhật Bản.

Các lực lượng vũ trang của Đồng minh sẽ ở lại Nhật cho đến khi các mục đích trình bày trong Tuyên bố Potsdam được hoàn thành.

Nó không tiêu cực như Hasegawa đã nghĩ. Đồng minh không bác bỏ thẳng thừng yêu sách giữ lại Nhật hoàng của người Nhật, nhưng số phận cuối cùng của ông không được nêu ra và điều này sẽ tạo cho phe chủ chiến cái cớ để bác bỏ toàn bộ đề nghị.

Sakomizu hướng về nhà của Suzuki. Ngài Thủ tướng già lắng nghe lời đề xuất mới và cách lập luận, rồi nghiêm trọng nói, “Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải kết thúc chiến tranh.”

Tại obunko, Kido giải thích cho Nhật hoàng những vấn đề mà thông điệp đặt ra. “Điều đó chả can hệ gì,” Nhà vua nói. “Nếu thần dân không muốn một nhà vua, thì việc đó là vô ích. Trẫm nghĩ để cho thần dân quyết định là hoàn toàn đúng đắn.” Sự thanh thản của Hoàng thượng như “một cú đấm vào đầu” đối với Kido. Những gì làm Cơ mật Viện bận tâm quá nhiều đã bốc hơi dưới sự tin tưởng tuyệt đối của Nhật hoàng vào thần dân của ngài.

Những mối lo sợ của Sakomizu về phản ứng của phe chủ chiến đã được minh chứng. Các Tham mưu Trưởng Hải và Lục quân nhìn thấy trong phúc đáp của Byrnes đầy đủ cớ để tiếp tục cuộc chiến và là người đầu tiên – thậm chí trước cả Togo – đi đến Nhật hoàng để phản đối.

Hoàng thượng chỉ ra những kết luận của họ còn quá sớm; chưa có phúc đáp chính thức nào của Đồng minh gởi đến. “Chúng ta sẽ chắc chắn nghiên cứu nó sau khi nó đến tay chúng ta,” ngài nói, khuyên can họ. “Chắc chắn chúng ta có thể tìm hiểu về những điểm nào còn nghi ngờ.”

Nhưng chính ngài đã đi đến một kết luận. Ngài khuyên Togo, người đến obunko hai giờ sau đó, rằng đề nghị của Đồng minh là thỏa đáng và nên được chấp nhận. Phản ứng của ngài được Suzuki cũng như Togo hoan nghênh, nhưng việc chấp nhận cuối cùng các điều khoản Đồng minh còn lâu mới làm họ an tâm. Lời phát biểu liên quan đến Nhật hoàng làm bối rối

những người bảo thủ như Hoàng thân Hiranuma, mà những lo âu của ông về quốc túy đã dẫn ông tới nhà của Suzuki. Trước tiên ông kịch liệt bác bỏ lời phát biểu “quyền hành trị vì xứ sở của Nhật hoàng và Chính quyền Nhật Bản sẽ bị lệ thuộc vào Tư lệnh Tối cao của các lực lượng Đồng minh.” Từ “lệ thuộc vào” ông dịch ra là nô lệ. Ông cũng phản đối đoạn tuyên bố là hình thức tối hậu của chính quyền phải được thiết lập bởi nhân dân. Điều này là không thể chịu được. Nhật hoàng là thần thánh và không thể lệ thuộc vào nguyện vọng của dân chúng. 

Chiều đó toàn thể Nội các gặp nhau để thảo luận về phúc đáp của Byrnes. Togo không thấy lý do gì để không chấp nhận nó. Đoạn 2 cho phép vị thế của Nhật hoàng còn nguyên vẹn về nguyên tắc nhưng đoạn 5 cho phép nhân dân Nhật được quyền chọn lựa hình thức chính quyền theo ý họ. “Không thể cho rằng,” ông lập luận, “đại đa số thần dân trung thành lại không muốn duy trì truyền thống quân chủ của chúng ta.” Hơn nữa, nếu họ yêu cầu xét lại ngôn từ hoàn toàn có khả năng bọn người trong số Đồng minh chống đối với vương quyền có thể yêu sách bãi bỏ chế độ quân chủ.

Nhưng Tướng Anami (vài phút trước đây đã bị một nhóm bất đồng bao vây tại văn phòng của ông yêu cầu ông bác bỏ đề xuất của Đồng minh: “Nếu ngài không làm được điều đó, ngài nên tự xử hara-kiri đi!” [một nghi thức mổ bụng tự sát của võ sĩ đạo Nhật: ND]) vẫn cứng rắn và sự chống đối của ông được ủng hộ bởi hai viên chức khác dưới ảnh hưởng của Hoàng thân, là các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp. Cũng có những người khác về phe với Togo, nhưng chỉ một mình Đô đốc Yonai nói ra. Sau hơn một giờ tranh cãi không có kết quả Suzuki – mà nảy giờ giữ im lặng, có lẽ ngán ngại đương đầu sự chống đối dữ dội như thế – cuối cùng cất tiếng, “Nếu chúng ta bị bắt buộc phải giải giới, chúng ta không còn cách nào khác là tiếp tục chiến đấu.”

Ngài Togo trực tính, ngờ vực sự dao động của Suzuki, cố kềm cơn nóng giận. Ông phải tìm cách nào đó để hoãn lại việc ra quyết định. “Trong khi mà thư phúc đáp chính thức của Đồng minh vẫn chưa đến,” ông nói (như nhà vua đã nói trước ông), “chúng ta nên tiếp tục thảo luận sau khi nhận được nó.” Không ai chống đối. Togo theo Suzuki vào phòng riêng của ông, mắng mỏ ông. Thật không đúng lúc chút nào khi đưa ra vấn đề giải giới! ông la lên. “Trừ khi chúng ta cam chịu cắt đứt những đàm phán hòa bình, không có giải pháp nào khác hơn là chấp nhận phúc đáp của họ như đã nêu,” ông nói. Bộ ngài Thủ tướng không biết rằng Nhật hoàng mong muốn chiến tranh kết thúc và vấn đề hiện thời liên quan đến sự tồn vong của vương triều? “Nếu ngài khăng khăng với thái độ này, có thể tôi phải tự mình báo cáo lên Hoàng thượng!”

Togo trở về văn phòng của mình nhiều phiền muộn hơn là nóng giận. Ông bảo Matsumoto là có thể mình phải từ chức. Viên Thứ trưởng van xin ông đừng hành động vội vàng. “Mặc dù một phúc đáp chính thức của Đồng minh có thể đến bất cứ lúc nào,” ông đề nghị, “tại sao chúng ta không giả định là nó không đến cho đến sáng mai. * Tối nay, cứ đi về nhà và nghỉ ngơi.” Lơ đãng lắng nghe, Togo gật đầu đồng ý và chán nản bước ra xe. Ông phải thông báo cho Marquis Kido về “sự phản bội” của Suzuki.

Cơ mật Viện điện thoại cho Suzuki và yêu cầu ông ta có mặt. Ông được thông báo là Thủ tướng bận không đến được nhưng sẽ báo cho Bộ Hoàng triều Nội Vụ (Imperial Hosehold Ministry) ngay khi ông ta xong việc. Một rồi hai giờ trôi qua, và Kido càng lúc càng lo lắng. Cuối cùng, vào lúc 9:30 P. M., Suzuki đến, cằn nhằn về “bọn Hiramura” đang tụ tập coi mình là những vệ binh của kokutai.

“Tôi không có ý coi thường lập luận của những người ưu tư cho việc bảo vệ quốc túy,” Kido nói, “nhưng trên căn bản của một cứu xét thận trọng, Bộ Ngoại giao bảo đảm với chúng ta rằng không có gì có thể bác bỏ được trong đoạn văn gây thắc mắc. . . Nếu chúng ta bác bỏ Tuyên bố Potsdam và tiếp tục chiến tranh, một triệu người Nhật vô tội sẽ chết vì bị oanh kích và đói khát.” Tư thế tự vệ của Suzuki chùn xuống, và Kido tiếp tục, “Nếu chúng ta đem lại hòa bình ngay bây giờ, bốn hoặc năm người trong chúng ta có thể bị ám sát nhưng điều đó là xứng đáng. Không dao động hoặc chần chừ, chúng ta hãy tiến hành thủ tục công nhận Tuyên bố Potsdam!”

“Hãy làm ngay thôi!” Suzuki đột nhiên la lên.

Trong cuộc họp Nội các Tướng Anami rõ ràng có thái độ chống đối việc công nhận đề nghị của Đồng minh nhưng ở chốn riêng tư ông không khỏi hoang mang. Làm sao ông có thể đi ngược với nguyện vọng của Hoàng thượng? Như bọn chủ chiến đã bao vây ông chiều đó, ông tin rằng lối thoát danh dự cho Nhật Bản là tiếp tục chiến tranh, nhưng phải có sự cho phép của Nhật hoàng. Có lẽ ông có thể thuyết phục Hoàng thân Mikasa giúp mình làm Hoàng thượng đổi ý. Cùng với thư ký, Đại tá Hayashi, ông lái xe đến hầm trú ẩn nơi đã thành nơi cư ngụ của hoàng thân sau khi dinh cơ của ông bị phá hủy.

Anami bất mãn vì sự đón tiếp thù nghịch của Mikasa. Ông biết trong Hoàng gia vừa có cuộc họp ngay chiều đó nhưng không biết rằng Mikasa, cũng như tất cả những hoàng thân khác cùng huyết thống, đã cam kết ủng hộ quyết định của Nhật hoàng. Vội vã Anami nói thêm là mình lo lắng việc ngăn chận các sĩ quan trẻ cứng đầu chống đối việc đầu hàng.

“Từ Biến cố Mãn Châu Quân đội đôi khi có những hành động không phù hợp với nguyện vọng của Hoàng thượng,” ông hoàng nói. “Điều sai lầm nhất là ông còn muốn tiếp tục cuộc chiến khi tình hình đã đến nước này.” Tiu nghỉu, Anami bỏ đi, để lại Mikasa tự hỏi sao một sĩ quan có trách nhiệm như vậy lại có thể phớt lờ chỉ thị của Hoàng thượng. Tư tưởng này có làn tràn trong các Bộ Tư Lệnh Quân đội hay không?

Anami không thể ngủ được. Rất lâu sau nửa đêm ông gọi dậy viên thư ký và phái anh đến người đồng minh trung thành nhất của mình, Tham mưu Trưởng Quân đội, với lời đề nghị là Tướng Umezu nhờ Thống chế Shunroku Hata can thiệp với Nhật hoàng vì uy tín của các tướng lãnh trong quân đội. “Xin ông tha thứ cho tôi,” Umezu bảo Hayashi khi ông bước tới lui trong phòng, “nhưng bây giờ thì tôi đồng ý công nhận Tuyên bố Potsdam.”

Cho dù Umezu đã quay một góc 180 độ, Anami vẫn thử một cách khác để lung lạc nhà vua. Vào sáng sớm – đó là ngày 13/8 – ông đường đột xen vào ngay buổi điểm tâm của Trưởng Cơ mật Viện, nói trắng ra là “xồng xộc” bước vào phòng. Kido chưa từng thấy ông quá quẫn trí như vậy. Những lời nói tuôn ra từ miệng ông. Các điều khoản của Đồng minh sẽ hủy hoại linh hồn Nhật Bản. Phải tiến hành một Trận Quyết Chiến cuối cùng. “Bộ ngài không thể yêu cầu Hoàng thượng thêm một lần nữa xét lại việc công nhận tuyên bố hay sao?” 
Thông điệp từ Washington, đi qua Berne, đến Bộ Ngoại giao một vài phút sau đó, vào lúc 6:40 P.M., nhưng trưởng Bộ phận Điện đài, nghe theo lời dặn của Matsumoto, ghi lùi lại vào 7:40 A. M., ngày 13/8, và giữ nó trong giỏ.



“Tôi không thể làm việc đó,” Kido đáp lại. Ông tranh cãi với lời buộc tội của Anami là để quyền chọn lựa chính thể vào tay nhân dân là dấu chấm hết cho quốc túy. Ông còn đi xa hơn. “Giả sử Nhật hoàng thay đổi quyết định, hủy bỏ đề xuất hòa bình, và ban lệnh tiến hành một Trận Quyết Chiến cuối cùng.” Các lực lượng Đồng minh chắc chắn sẽ coi Hoàng thượng như một thằng điên hoặc xuẩn ngốc. “Ta không thể chịu đựng được một lời sỉ nhục như thế đối với người.”

Anami cố giữ bình tĩnh. “Tôi hiểu tâm trạng của ngài,” ông nói. “Trong địa vị của ngài, ngài phải bảo vệ Hoàng thượng.”

“Quân đội rất hùng mạnh,” Kido nói với sự đồng cảm, “và ngài sẽ gặp khó khăn để kiểm soát được họ.”

Anami cố nở một nụ cười. “Ngài không biết không khí hiện nay trong Bộ Chiến tranh ra sao đâu.” Họ bắt tay nhau.

Lúc 9 A. M. Sáu Ông Lớn tiếp tục thảo luận việc mà ngày hôm trước Nội các không giải quyết được. Phiên họp vẫn bế tắc khi một cú điện thoại từ obunko cắt ngang việc tranh cãi. Nhật hoàng đã được thông báo về chuyến viếng thăm Kido đầy xúc động của Anami và giờ đây người muốn gặp hai Tham mưu Trưởng, Umezu và Toyoda.

Các cuộc đàm phán đang tiến hành để kết thúc chiến tranh, Nhật hoàng bảo họ, và trong cung cách gián tiếp của mình gợi ý là ông muốn ít đổ máu như có thể cho đến khi một quyết định được đưa ra. Ông hỏi các chiến dịch không quân sẽ được chi đạo như thế nào trong lúc đàm phán. Umezu trả lời là họ chỉ khai hỏa khi bị oanh kích. Nhật hoàng gật đầu tán thành.

Hai sĩ quan cúi chào và trở lại cuộc họp Sáu Ông Lớn. Nếu Nhật hoàng đã triệu tập họ cho mục đích kép là cứu vớt sinh mạng và gây ảnh hưởng tới cuộc tranh luận, thì nó không có hiệu quả tức thời gì tới sự toan tính của Sáu Ông Lớn. Tuy nhiên, chiều hôm đó tại buổi họp Nội

các đa số thành viên giờ đây tán thành sự chấp nhận các yêu sách của Đồng minh; hơn nữa, lãnh tụ phe chống đối, Tướng Anami, ở chốn riêng tư cố tình cho người khác thấy, theo một cung cách quanh co điển hình Nhật Bản, là mình không còn quyết liệt như biểu lộ bên ngoài.

Ông đẩy ghế ra khỏi bàn họp và ra hiệu cho Sakomizu theo mình vào phòng kế bên, tại đó ông điện cho trưởng Phòng Quân vụ, Tướng Masao Yoshizumi nóng nảy. “Tôi đang họp Nội các,” Anami nói, “và mọi người trong các bộ đều ngã theo quan điểm của anh. Vì thế tất cả người của anh ở đâu yên đấy cho đến khi tôi trở lại.” Sakomizu kinh ngạc. Tình hình ngược lại mới đúng. Anami nháy mắt. “Tôi đang đứng bên Thư ký Nội các,” Anami tiếp tục, “và nếu anh muốn anh có thể nói chuyện với ông ta trực tiếp về tình hình của buổi họp.” Sakamizu chợt hiểu ra. Anami đang chơi trò phĩnh phờ để làm yên bọn bất phục tùng ở các Bộ Tham mưu Quân đội.

Nhưng những lời của Anami, vốn có chủ ý ngăn ngừa bọn chống đối, lại có tác dụng ngược lại. Cuộc họp Nội các bị gián đoạn bất ngờ lúc 3:45 P. M. Một nhân viên mang vào một bản sao của một thông cáo Quân đội sẽ được báo chí và các trạm phát thanh loan đi trong vòng 15 phút nữa: “Quân đội, sau khi nhận được lệnh trên vừa mới ban ra, đã mở lại hoạt động tấn kích chống Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên bang Xô viết và Trung Hoa.”

“Tôi không biết gì hết về chuyện này!” Anami kêu lên. Ông lập tức điện cho Umezu, đã rời họp sớm hơn để trở về Bộ Tham mưu Quân đội. Tham mưu Trưởng nổi giận không kém Anami. Lệnh trên cần phải được chuẩn y bởi Bộ trưởng Chiến tranh và Bộ Tổng Tham mưu và ông lẫn Anami không ai đưa ra cả. Chắc hẳn nó được các tùy viên của họ chuẩn y mặc dù Bộ trưởng Chiến tranh đã gọi điện chi dẫn đặc biệt cho Tướng Yoshizumi không được làm gì cả. Umezu ra lệnh hủy bỏ thông cáo và nó được chận đứng vài phút trước khi được phát thanh.

Cuộc họp tiếp tục nhưng Anami tạm thời không còn hứng thú với tiến trình. Thậm chí khi hai Bộ trưởng dân sự – Bộ Nội vụ và Tư pháp – vốn cũng chống đối việc đầu hàng ngay lập tức, một mình quay ra khăng khăng yêu cầu những điều khoản thỏa đáng hơn, Bộ trưởng Chiến tranh hình như bối rối và thả hồn vào mơ tưởng.

“Phúc đáp của Byrnes,” Togo nhấn mạnh, “không nghi ngờ gì nữa biểu thị mẫu số chung nhỏ nhất của các điều khoản của vài nước Đồng minh, và việc cấp bách là chúng ta phải chấp nhận chúng như được minh định, nếu chúng ta muốn mang lại hòa bình để tái thiết nước Nhật và vì lợi ích của nhân loại.”

Một trò lý sự về ngôn từ lại nổ ra. Nổi nóng, Suzuki chen vào. “Có phải các lãnh đạo quân sự có chủ tâm muốn ngăn trở nỗ lực của chúng ta nhằm chấm dứt chiến tranh bằng trò làu bàu cố ý lời phúc đáp của Byrnes hay không? Tại sao chúng ta không lý giải nó một cách thích hợp?” Họ phải ra một quyết định cuối cùng. Một số bộ trưởng thoái thác không phát biểu ý kiến của họ và bây giờ ông muốn mỗi người đều phải nói ra rõ ràng. Ông chỉ Bộ trưởng Tư pháp. Ông ta, tất nhiên, đồng ý với Anami và Toyoda, cũng như Bộ trưởng Nội vụ. Một vài người miễn cưỡng có lập trường tích cực – như chính Suzuki từng như vậy – nhưng ông cật vấn họ ráo riết cho đến khi tất cả trừ một người tán thành đầu hàng. Giờ thì Suzuki cũng phải tự mình tuyên bố.

“Tôi đã quyết định,” ông nói, “kết thúc chiến tranh tại thời điểm nguy kịch này thỏa theo mong ước của Nhật hoàng. Sau khi khảo sát phúc đáp của Đồng minh, tôi nhận thấy có vài điểm hình như không chấp nhận được nhưng khi xem xét kỹ tôi khám phá ra rằng Hoa Kỳ không có ác ý với chúng ta khi bày ra những điều kiện này, và tôi cảm thấy họ không có ý định thay đổi vị thế của Nhật hoàng. Tôi tin tưởng mình phải kết thúc chiến tranh như Hoàng thượng mong muốn, vì thế tôi sẽ báo cáo đầy đủ với nhà vua những gì chúng ta quyết định ở đây, và hỏi sự quyết định của người.”

Không có thắc mắc quyết định là gì. Nhưng Anami, mà địa vị của ông khiến ông có trách nhiệm cá nhân về hậu quả của chiến tranh, bị xâu xé bởi các quan điểm trung thành xung đột nhau và không thể chấp nhận điều không thể tránh khỏi. Sau khi Nội các bãi họp ông theo Suzuki vào văn phòng, tại đó một bác sĩ hải quân đang đợi gặp Thủ tướng. “Sao ông không làm ơn cho tôi thêm hai ngày trước khi mở một phiên họp khác với nhà vua?” Anami hỏi.

“Tôi rất tiếc,” Suzuki trả lời. “Đây là cơ hội bằng vàng và chúng ta phải nắm lấy ngay lập tức.” Sau khi Anami bỏ đi, Thủ tướng quay sang viên bác sĩ. “Nếu chúng ta đình hoãn,” ông nói, “người Nga có thể chiếm Hokkaido cũng như Mãn Châu, Triều Tiên và Sakhalin. Điều đó sẽ giáng xuống đất nước này một đòn chí tử. Giờ đây chúng ta phải hành động trong khi các cuộc đám phán chủ yếu là với Hoa Kỳ.”

“Nhưng Tướng Anami có thể tự tử.”

“Tôi biết,” Suzuki nói. “Tôi rất tiếc.”

Lãnh tụ vụ âm mưu vừa nổi lên không phải là em rễ của Anami, Đại tá Takeshita, mà là một sĩ quan cấp dưới, Thiếu tá Kenji Hatanaka. Hatanaka bề ngoài có vẻ là một phản đề của một người cách mạng. Anh trầm lặng, cần cù và nhún nhường, nhưng lòng tận tụy không lay chuyển cho kokutai và sự căm ghét thỏa hiệp tạo cho anh một uy quyền không thể tranh giành. Sự ủng hộ của Anami vẫn là chìa khóa của thành công, vì mọi cấp bậc chỉ huy đều tin tưởng ông, và tối hôm đó nhóm âm mưu đã được mời đến gặp ông tại tư gia. Hai lần trước đây, Hatanaka đã sắp xếp việc trung gian để móc nối Anami vào nhóm âm mưu. Trước hết anh nghĩ anh phải thuyết phục Takeshita can thiệp với ông anh vợ, nhưng ngài đại tá nhất quyết không chịu lạm dụng mối liên hệ thân thiết của mình. Anh quay sang nhờ Giáo sư Hiraizumi, người mà học thuyết của ông về danh dự quốc gia đã thấm nhuần các Bộ Tư lệnh Quân đội, nói dùm với Bộ trưởng Chiến tranh, mặc dù Hiraizumi đã viết cho ông này một bức thư yêu cầu ông và những kẻ nổi loạn “ngưng các hành động liều lĩnh theo ý mình”, thay vào đó chịu sự chỉ đạo của Anami. Hatanaka, luôn là người lạc quan, hi vọng rằng giáo sư có thể khuyên Anami tham gia vào âm mưu nhưng, thật ra, Hiraizumi chuẩn bị thúc ép ông này vâng lệnh Nhật hoàng một cách tuyệt đối. Hatanaka đích thân hộ tống Hiraizumi đến phòng chờ của Bộ Chiến tranh, nhưng giáo sư không hề được gặp ông. Sau một thời gian dài chờ đợi ông được thông báo là Anami đang bận họp tại Hoàng cung và không thể trở về ngay.

Lúc 8 P. M. – đêm tháng 8 còn yên tĩnh và ngột ngạt – vòng người âm mưu chen vào ngôi nhà gỗ trệt khiêm nhượng của Anami, giờ được sử dụng làm nơi cư trú chính thức sau các trận oanh kích. Hatanaka trước tiên muốn tách vị tướng ra khỏi đám người cổ vũ việc đầu hàng và loan tin đồn là bọn chủ bại đang lên kế hoạch ám sát ông. Anami, thích thú, mĩm cười hồn hậu. Kế hoạch đảo chính hình như cũng không gây ấn tượng đối với ông: Kido, Suzuki, Togo và Yonai phải bị bắt giam, thiết quân luật được ban bố và Hoàng cung bị cô lập. Để hoàn thành được điều này, bốn vị tướng – Anami, Umezu, Tanaka và Mori – phải chịu hợp tác. Anami phớt lờ bản chất phản bội của kế hoạch nhưng chê trách cách làm việc của bọn âm mưu. Chẳng hạn, họ làm thế nào xử lý vấn đề liên lạc?

Takeshita vẫn kiên quyết. “Chúng ta phải thực hiện kế hoạch!” y la lên. Ngoài ra, phải làm trước khi cuộc họp với nhà vua chính thức chấp nhận thư phúc đáp của Byrnes. Thái độ vô thưởng vô phạt của Anami làm cho bọn âm mưu không chắc chắn về chủ định của ông. Đại tá Okikatsu thối chí, nhưng Takeshita không chịu bỏ cuộc.

Để không gây ác cảm với nhóm, Anami hứa sẽ dùng ảnh hưởng của mình “việc đầu tiên trong buổi sáng” với Umezu – người mà ông biết đã cương quyết ủng hộ Nhật hoàng. Nhưng các sĩ quan trẻ muốn ông hành động ngay lập tức. Lần này Anami trì hoãn bằng cách đồng ý gặp một người trong số họ, Đại tá Arao, vào lúc nửa đêm khi đó, ông ám chi, mình có thể đưa ra cho nhóm nhận định đầy đủ hơn. Khi tiễn họ ra cổng, ông dặn dò. “Hãy cẩn thận! Các anh có thể bị theo dõi. Các anh nên trở về lẻ tẻ thay vì đi chung một lần”

Takeshita đợi cùng ông anh vợ cho đến khi những người khác đã ra về. Anami có thực sẽ tham gia với họ không? Viên đại tá đánh bạo hỏi, với tư cách người trong nhà. “Người ta không thể nói ra những suy nghĩ thực sự của mình trước một đám đông như thế,” viên tướng trả lời. Ông không nói gì thêm, nhưng Takeshita ra về với một niềm lạc quan mới sống lại.

Các Tham mưu Trưởng Lục và Hải quân – Umezu và Toyoda – đã không cảm thấy sức ép trực tiếp từ bọn âm mưu nhưng không thể đè nén được nôn nao trỗi dậy về việc chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Họ gọi Ngoại trưởng Togo đang dự tiệc xin được gặp riêng trong phòng họp ngầm của nơi cư trú chính thức của Thủ tướng. Nhưng Togo khăng khăng không muốn xét lại bất kỳ qui định vào phút cuối cùng nào. Ông ta lặp lại nhiều lần, “Không thể được!” Bên ngoài có tiếng huyên náo và Sakomizu, người đã sắp xếp cuộc họp, xin phép dẫn vào Đô đốc Onishi, người tổ chức đội kamikaze. Ông tiến đến Đô đốc Toyoda và bằng một giọng nói tắc nghẹn tiết lộ rằng mình vừa khẩn cầu Hoàng thân Takamatsu van xin Hoàng thượng cho tiếp tục chiến tranh. Nhưng dĩ nhiên ông không thành công gì hơn Anami khi xin Hoàng thân Mikasa. Hơn nữa Takamatsu còn nói, “Quân nhân các ông đã đánh mất lòng tin cậy của Hoàng thượng!” Cặp mắt Onishi rướm lệ. “Chúng ta phải đệ trình một kế hoạch đem lại thắng lợi cho Hoàng thượng và yêu cầu người xem xét lại quyết định. Chúng ta phải liều mình thực hiện kế hoạch và biến nó thành hiện thực. Nếu chúng ta sẵn sàng hi sinh 20 triệu sinh mạng Nhật Bản trong một nỗ lực “công kích vô song”, thắng lợi sẽ vào tay chúng ta!” Lời kêu gọi hùng hồn của ông không gây phản ứng nào và ông quay sangTogo một cách tuyệt vọng.

“Nếu thực sự chúng ta có bất cứ cơ may chiến thắng nào không ai trong lúc này sẽ nghĩ đến việc chấp nhận Tuyên bố Potsdam,” Ngoại trưởng nói. “Nhưng đánh thắng một trận không phải là đánh thắng một cuộc chiến.”

Còi hụ báo động vang lên. Togo nhờ cớ này cho hoãn lại cuộc họp. Khi ông lái xe về nhà qua các đường phố tối tăm ông nghiền ngẫm về những lời Onishi nói phải hi sinh 25 triệu sinh mạng. Quyết định cuối cùng phải đưa ra vào ngày hôm sau. “Chúng ta có thể chịu đựng bất cứ điều gì,” sau này ông viết, “nếu nó hứa hẹn một sự trở về; cung và giáo tre mà các người lính đang bập bẹ kể về chúng không hứa hẹn điều gì hết.”



36 Cuộc nổi loạn cung đình

1

Khi bầu trời phía đông Tokyo bắt đầu rựng sáng vào ngày 14/8 một chiếc B-29 đơn độc, tận trên cao, bay về phía trung tâm thành phố phụt ra một chuỗi những viên đạn pháo. Lần lượt từng viên một nổ tung, phóng ra những đám mây các tờ bướm bay phấp phới. Văn bản đã được Phòng Tin Tức Chiến sự ở Washington nhanh chóng soạn thảo, dịch sang tiếng Nhật và gởi về Saipan.

GỞI NHÂN DÂN NHẬT BẢN

Những phi cơ Mỹ này không bỏ bom xuống các bạn hôm nay. Thay vào đó chúng bỏ những tờ rơi vì Chính quyền Nhật Bản đã chịu đầu hàng, và mỗi người Nhật có quyền biết những điều khoản mà Nhật chấp nhận và lời phúc đáp do Hoa Kỳ soan thảo, nhân danh nhân dân mình, người Anh, người Trung Hoa và người Nga. Chính quyền của bạn có cơ hội kết thúc chiến tranh ngay lập tức.

Thư chấp nhận có điều kiện của Nhật về Tuyên bố Potsdam được trích dẫn cũng như phúc đáp của Byrnes.

Marquis Kido nhặt một tờ bướm rơi xuống sân Hoàng cung và mang đến obunko. Ông bảo với Nhật hoàng nếu chúng rơi vào tay các binh sĩ không biết gì về việc đàm phán, chúng có thể gây ra binh biến. Hoàng thượng nên triệu tập ngay một cuộc họp để người có thể thông báo cho các thành viên hội đồng về quyết định kết thúc chiến tranh ngay lập tức.

Nhật hoàng liếc qua tờ bướm và chi thị cho Cơ mật Viện đi tìm Suzuki ngay. May thay ngài Thủ tướng đang đứng ở phòng chờ. Trong trường hợp này, Suzuki nói, sẽ mất nhiều thời gian lấy chữ ký của hai Tham mưu Trưởng; thay vào đó, ông sẽ phải yêu cầu Nhật hoàng thực hiện một biện pháp chưa có tiền lệ là triệu tập một cuộc họp dựa vào quyền hành của riêng người. Kido nhìn thấy sự cần thiết phải sử dụng biện pháp khẩn cấp này. Hơn nữa, ông quyết định rằng một biện pháp chưa có tiền lệ khác phải cần đến: ông sẽ tháp tùng Suzuki khi ông gặp Hoàng thượng. Trước đây chưa bao giờ Cơ mật Viện có mặt tại cuộc tiếp kiến riêng giữa Thủ tướng và Nhật hoàng. Hoàng thượng không chi đồng ý mở cuộc họp vào lúc 10:30 A. M. mà còn đi xa hơn. Nếu có sự bế tắc ông sẽ “ra lệnh” cho Nội các chấp nhận các điều khoản của thư phúc đáp của Byrnes.

Sáng hôm đó một lần nữa Anami bị thúc ép phải đứng về phe của bọn âm mưu. Tại cuộc gặp lúc nửa đêm với Đại tá Arao ông đã tìm lời thoái thác đến một mức độ mà thư ký của ông, Đại tá Hayashi, người đã khuyên ông nên thẳng thắn với Arao, nói cộc lốc: “Theo cách ngài vừa nói tôi không biết ngài có ủng hộ kế hoạch của họ hay không.” Giờ đây, chỉ còn vài giờ là đến cuộc đảo chính, bọn nổi loạn tràn vào Bộ Tư lệnh Quân đội để yêu cầu Anami hỗ trợ họ ngay lập tức. Một lần nữa Anami không thể đành lòng nói một tiếng không với họ, ông bỏ họ lại trong văn phòng lấy cớ là ông phải tìm gặp Tham mưu Trưởng Quân đội.

Umezu không ở trong tình trạng trù trừ như thế. Ông bảo với Anami việc dàn quân trong khu Hoàng cung là hành động phạm thượng. Trên đường về văn phòng Anami lại bị nhóm âm mưu chặn lại. Ông không còn cách nào tránh né vấn đề. “Sau khi thảo luận với Tham mưu Trưởng,” ông nói, “tôi đã quyết định không ủng hộ hành động của các anh.” Ông từ chối bàn cãi thêm nữa và sảy bước ra khỏi tòa nhà, nơi một ô tô đang đợi đưa ông đến phòng họp ngầm của Thủ tướng để họp Nội các.

Chỉ vừa mới bắt đầu thì có thông báo là họ phải di chuyển toàn bộ đến phòng phụ kế bên obunko để tiến hành cuộc họp khẩn cấp với Nhật hoàng, buổi họp đầy đủ đầu tiên với nhà vua kể từ lần gặp lịch sử ngày 1/12/1941. Họ không có đủ thời gian để thay y phục đàng hoàng; Bộ trưởng Quân dụng, chẳng hạn, phải mượn một cà vạt từ nhân viên Hoàng cung và nhờ Bộ trưởng Phúc lợi thắt dùm. Lần thứ hai trong 5 ngày phe quân phiệt đã được điều động vào một thế đối đầu mà họ không chuẩn bị, và Suzuki chịu hết mũi dùi của nỗi bất mãn của họ.

Khi họ lần lượt bước vào phòng họp ngầm chật hẹp họ thấy bàn đã được dời đi và thay bằng hai dãy ghế dài mới đủ chổ cho số người tham dự tăng lên. Họ bồn chồn đợi trong căn phòng bít bùng và ngột ngạt. Khoảng 10:50 Nhật hoàng, vận quân phục và mang găng tay trắng, bước vào với Tướng Hasunuma, trưởng tùy viên quân sự của ông.

Suzuki xin lỗi nhà vua vì sự thể là nội các của ông ta không nhất trí tán thành việc chấp nhận thư của Byrnes. Ông nêu ra ba người bất đồng chính – Toyoda, Umezu và Anami – và yêu cầu họ giải bày trực tiếp với Hoàng thượng. Umezu đòi tiếp tục chiến tranh. Nếu đầu hàng nghĩa là kết liễu của quốc túy, thế thì toàn đất nước nên hi sinh trong một trận chiến cuối cùng. Những lời lẽ của ông được Đô đốc Toyoda lặp lại. Còn Anami, với cảm xúc làm cho nghẹn lời, muốn tiếp tục đánh trừ khi Đồng minh hứa một cách xác định bảo tồn sự an toàn của Nhật hoàng. Vẫn còn có cớ may chiến thắng, và nếu không, ít nhất cuộc chiến cũng có thể kết thúc trong những điều kiện thỏa đáng hơn.

Nhật hoàng đợi nhưng không có ai khác đứng dậy. Cuối cùng ngài gật đầu. “Nếu không còn ý kiến nào,” ông nói, “trẫm sẽ nói ra ý trẫm. Trẫm muốn tất cả các khanh đều nhất trí với kết luận của trẫm. Trẫm đã lắng nghe cẩn thận mọi cuộc tranh cãi chống đối sự chấp nhận của Nhật Bản về phúc đáp của Đồng minh, nhưng quan điểm của trẫm vẫn không thay đổi. Trẫm đã khảo sát những điều kiện nội bộ cũng như quốc tế và đã đi đến kết luận là chúng ta không thể tiếp tục cuộc chiến lâu hơn nữa.” Bàn tay đeo găng của ông gạt những giọt lệ đọng trên má. Cảnh tượng ấy làm mềm lòng một số thành viên, không kềm chế được tiếng nức nở. “Trẫm đã xem xét phúc đáp của Đồng minh và kết luận rằng nó có quan tâm đến lập trường nêu trong thư chúng ta gởi họ cách đây vài ngày. Trẫm thấy nó hoàn toàn có thể chấp nhận được. Một số hình như thắc mắc đến các động lực của Đồng minh liên quan đến quyền lực tối cao của Nhật hoàng, nhưng trẫm đồng ý với Ngoại trưởng. Trẫm không tin là thư phúc đáp viết ra để phá vỡ kokutai của chúng ta. Trẫm nhận thức đầy đủ nỗi khổ nhục mà các sĩ quan và binh lính trung kiên phải chịu đựng khi phải nộp vũ khí cho kẻ thù và chứng kiến đất nước mình bị chiếm đóng, và có thể bị kết án là tội phạm chiến tranh.” Giọng nói của ông vỡ ra và ông ngừng lại một phút. “Đã có quá nhiều người chết trận và gia đình họ còn phải chịu nhiều đau khổ. . . Trẫm nghĩ đến những thần dân này với lòng thương cảm.” Một lần nữa ông đưa tay lên má. “tất cả những cảm xúc này quá nặng nề để chịu đựng, nhưng trẫm không thể để mặc thần dân của mình chịu đau khổ nhiều hơn nữa. Trẫm muốn cứu vớt dân chúng dù cho phải hi sinh mạng sống mình. Nếu chiến tranh tiếp tục toàn bộ quốc gia chúng ta sẽ bị tàn phá, thêm hàng trăm ngàn người nữa sẽ chết. Trẩn không thể chịu đựng được điều này, và quyết định trẫm đưa ra bây giờ như một quyết định mà Hoàng đế Minh Trị đã từng làm vào thời kỳ Can Thiệp Ba Bên* khi Hoàng Đế phải chịu đựng điều không thể chịu đựng được. Giờ đây trẫm phải làm như vậy và tất cả chúng ta phải cùng nhau đoàn kết để xây dựng một Nhật Bản thành một xứ sở hòa bình.” Ông ngừng nói lần nữa. Hai trong số các bộ trưởng đã ngất xỉu trên nền phòng.

“Nguyện vọng của trẫm là tất cả các ông, những bộ trưởng của trẫm, phải nghe theo mong mỏi của trẫm là chấp nhận thư phúc đáp Đồng minh ngay lập tức. Nhân dân không nắm vững tình hình và sẽ ngạc nhiên khi nghe quyết định bất ngờ của trẫm. Trẫm sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Nếu vì lợi ích của nhân dân trẫm muốn đọc một lời hiệu triệu. Trẫm sẽ đi đến bất cứ đâu để thuyết phục các sĩ quan và binh sĩ buông bỏ vũ khí. Trẫm mong muốn Nội các ngay bây giờ hãy thảo ra một chỉ dụ nhằm kết thúc chiến tranh.”

Trong nỗi buồn đau và phiền muộn các thành viên ôm chầm lấy nhau. Suzuki cố gắng đứng dậy, một lần nữa xin lổi, bước đến bệ và cúi đầu. Nhật hoàng đứng lên và mệt mỏi bước ra cửa.

Ngay trước khi Umezu rời Bộ Tư lệnh Quân đội để dự họp, hai trong số các người âm mưu đã xông vào văn phòng và nhiếc móc ông. Trong một cố gắng hóa giải ông bảo họ là mình vẫn chưa “tuyệt đối” chống lại việc binh biến. Họ bắt đầu lao dọc theo hành lang về phía văn phòng của Takeshita. “Umezu đi theo chúng ta!” một người trong bọn la lên. Anami phải được thông báo chuyển biến này ngay lập tức và Takeshita lái xe đến văn phòng Thủ tướng. Với nỗi kinh ngạc ông phát hiện ra rằng buổi họp Nội các đã giám đoạn để họp khẩn với Nhật hoàng. Tại Hòang cung ông bắt buộc phải đứng chờ ở Bộ Hoàng triều Nội vu rồi, sau một khoảng thời gian tưởng như vô tận, ông được thông báo là mọi người đã trở lại phòng ngầm của Thủ tướng để tiếp tục họp. Tại phủ Thủ tướng ông lại phải đợi một lần nữa. Nội các đang ăn trưa.

Khi bữa ăn đã qua, Tướng Anami tiến về phòng nam theo sau là thư ký của ông. Bộ trưởng chiến tranh khích động một cách khác thường. “Chúng ta vừa nhận được tin,” ông kêu lên với Đại tá Hayashi, “là hạm đội Hoa Kỳ đang ở ngoài Vịnh Tokyo! Anh nghĩ sao nếu chúng ta tấn công họ bằng mọi thứ ta có?” Hayashi lại bực mình với sự dao động liên tục của Bộ trưởng Chiến tranh Anami. Như thể ông chưa hề tham dự cuộc họp với Nhật hoàng. “Chả ích gì,” ông nói. “Thứ nhất hạm đội Hoa Kỳ đóng ngoài Vịnh Tokyo chỉ là một tin đồn. Thứ hai, Nhật hoàng vừa mới yêu cầu kết thúc chiến tranh.”
Biến cố ba nước Nga, Đức, và Pháp vào ngày 23/4/1895 can thiệp vào Hiệp ước Shimonoseki mà Nhật ký với nhà Thanh nhằm kết thúc chiến tranh Hoa-Nhật lần thứ nhất. Theo đó, trước sức ép của ba cường quốc, Minh Trị bắt buộc phải chấp nhận rút quân ra khỏi bán đảo Liêu Đông: ND]



Một con người vô cùng quyết đoán, Anami bị xâu xé tâm trí bởi năng lực nhìn thấy những giá trị của những sự kiện từ mọi phía. Ông quyết định trở lại Bộ Tư lệnh Quân đội một vài phút trước khi Nội các nhóm họp trở lại, và đối mặt với bọn âm mưu. Khi ông đi qua phòng chờ ông chạm đầu với người em rễ đang chờ. “Tướng Umezu đã đổi ý rồi!” Takeshita vọt miệng nói.

Gương mặt Anemi sáng bừng lên. “Đúng thế chứ?” ông hỏi với vẻ quan tâm dồn dập. Rồi, nhớ là mọi việc đã xong, ông nói thêm một cách thất vọng, “Nhưng mọi việc đã được quyết định rồi.”

Đại tá khẩn khoản xin ông dùng ảnh hưởng của mình tại cuộc họp Nội các, nhưng Anami lắc đầu. “Thế thì ít nhất anh nên từ chức khỏi Nội các,” Takeshita khăng khăng. Nếu làm thế, chính phủ Suzuki sẽ bị giải tán và không thể kết thúc chiến tranh.

“Lấy giấy mực cho anh,” Anami nói với nhiệt huyết đã trở lại. “Anh sẽ viết đơn từ chức.” Nhưng một lần nữa ông lại đổi ý – hòa bình là không thể tránh khỏi dù ông có rời Nội các hay không. “Và nếu anh từ chức,” ông nói thêm, “anh sẽ không bao giờ gặp lại Hoàng thượng nữa.”

Anami thấy là văn phòng của mình ở Ichigaya Heights đã bị ít nhất 15 người âm mưu chiếm đóng. “Một hội đồng dưới sự hiện diện của Nhật hoàng đã vừa mới họp xong,” ông nói, “và nhà vua đã cuối cùng quyết định chấm dứt chiến tranh.” Lời xin lỗi của ông vì không thỏa mãn sự kỳ vọng của họ được đón nhận bằng sự im lặng hoang mang. “Toàn thể quân đội phải hành động dựa theo quyết định này,” ông nói. “Nhật Bản sẽ đối mặt với những giờ phút khó khăn, nhưng dù cuộc sống có trở nên nhọc nhằn thế nào, tôi cũng yêu cầu các anh ráng hết sức để bảo tồn quốc túy.”

Một trung tá, Masatada Ida thách thức ông. Tại sao ông lại đổi ý?

Tướng Anami nhắm mắt, nhớ lại trải nghiệm đau đớn vào buổi sáng đó tại phòng phụ cạnh obunko. “Tôi không thể chống đối quyết định một khi do chính Hoàng thượng đưa ra.” Ông bảo họ rằng nhà vua, với đôi mắt đẫm lệ, đã quay sang ông và nói, “Anami, trẫm hiểu điều này đặc biệt khó khăn cho ông, nhưng ông phải ráng chịu đựng nó!” Ông nhìn chằm chăm vào những gương mặt cay đắng bao quanh ông nhưng lần này ông sẽ không mềm lòng. “Quyết định đã ra và phải được tuân phục,” ông nói một cách đường hoàng và kiên quyết. “Ai cảm thấy bất mãn sẽ phải lấy đầu tôi trước đã!”

Rõ ràng, không thể nói gì thêm. Thiếu tá Hatanaka suy sụp. Những dòng nước mắt lăn dài trên má anh và anh khóc nức nở. Anami xúc động, nhưng ông quay đi và rời phòng không nói một lời. Những người khác bước theo ông từng người một, đầu gục xuống.

Anami trở lại cuộc họp Nội các, lúc này không khí lắng dịu hơn lúc nào hết. Suzuki trách móc các bộ trưởng vì đã buộc Nhật hoàng phải hai lần đưa ra quyết định cho hòa bình; đó là một điều sỉ nhục đối với Hoàng thượng. Những lời phũ phàng của ông không ai dám cãi lại. Cúi đầu trước nguyện vọng của Nhật hoàng, 15 bộ trưởng lần lượt ký tên vào tuyên bố chấp nhận Tuyên bố Potsdam vô điều kiện.

Một vấn đề chủ yếu còn để ngõ: Quyết định được trình bày với quốc dân làm sao đây? Trưởng Phòng Thông tin Kainan Shimomura đề nghị là Nhật hoàng đọc chỉ dụ trên đài. Cách này có vẻ gớm ghiếc, nhưng những lời tuyên bố đầu hàng nếu không do chính miệng người đọc sẽ ít ai tin. Nội các đồng thanh nhất trí, với một điều kiện: Yêu cầu Nhật hoàng nói trực tiếp với thần dân qua sóng phát thanh là quá tự tiện. Chi cần thu băng trước. 

2

Tin đồn mà Anami đã nghe về hạm đội Mỹ đang ở ngoài Vịnh Tokyo lan truyền khắp Bộ Tư lệnh Quân đội. Quân thù đang chuẩn bị đổ bộ; các lính dù sắp sửa được thả xuống mọi phi trường quan trọng. Các sĩ quan hoảng kinh lôi các văn kiện, tài liệu ra sân và đốt những tài liệu đã được phân loại. Một đại tá từ Okinawa, vung vẩy thanh kiếm, xông vào phòng biên dịch tin phát và báo chí viết bằng tiếng Anh. Y kết tội những người phiên dịch là loan truyền chủ nghĩa chủ bại. Chém gió thanh kiếm trước măt họ, y quát lên, “Tụi mày đáng tội chết vì đã đánh lừa chúng tao!” nhưng rồi y bật khóc và đột ngột chạy ra khỏi phòng, đóng sầm cánh cửa.

Tướng Takeshi Mori, tư lệnh của Quân khu Konoye, bảo vệ Hoàng cung, trút cơn giận của mình lên trưởng phòng Tình báo. Ông xồng xộc vào văn phòng của Tướng Seizo Arisue quát lên, “Hãy tự xử đi! Tao sẽ hara-kiri sau khi thấy mầy chết!” Arisue nhắc ông nhớ nhiệm vụ của ông là bảo vệ Nhật hoàng. “Đó là chuyện của tao. Tao sẽ bảo vệ Hoàng thượng. Rồi tao sẽ giết mày!” Run rẩy, Arisue bỏ đi qua văn phòng của Trưởng Phòng Hành quân, Tướng Shuichi Miyazaki, người cũng bị Mori đe dọa. “Ông ta điên rồi,” Arisue nói.

Kỹ luật đang tan rã trên mọi mức độ. Các hạ sĩ quan quân cảnh đóng ở tòa nhà đã đào ngũ, đem theo quần áo và lương thực; các sĩ quan cấp dưới sỉ nhục cấp trên của mình; một số sĩ quan cao cấp giam mình trong phòng uống sake và rượu tây. Sự chia rẽ có một hiệu quả tích cực: nó giúp đoàn kết các nhà lãnh đạo quân đội, Anami, Umezu, Hata và Sugiyama tất cả đều quyết tâm với lời tuyên bố chắc nịch như một cương lĩnh: “Quân đội sẽ hành động phù hợp với quyết định của nhà vua đến phút cuối cùng.” Tất cả những chỉ huy phân khu đều được chỉ thị trình diện tại Phòng Họp I, nơi Bộ trưởng Chiến tranh Anami sẽ nói chuyện với họ.

Lúc 3:30 P. M. Anami bước lên bục nhỏ. “Nhật hoàng đã quyết định kết thúc chiến tranh,” ông nói với cử tọa đang đứng nghe. “Do đó, chúng ta phải tuân thủ nguyện vọng của người một cách thích đáng. Hoàng thượng tin tưởng rằng quốc túy sẽ được bảo toàn và người đã biểu lộ sự tin tưởng của mình trước các tướng lãnh chiến trường. Những khó khăn nằm ở phía trước chúng ta, nhưng các sĩ quan phải đối diện với sự kiện là cái chết không miễn trừ các bạn khỏi nhiệm vụ của mình. Bạn phải tiếp tục sống, thậm chí nếu điều đó có nghĩa phải gậm cỏ và ngủ trên gai và đá.”

Lời huấn thị của Anami dập tắt mọi âm mưu binh biến có thể có giữa các sĩ quan cao cấp. Chỉ có Thiếu tá Hatanaka không lay chuyển và một vài đồng chí ngoan cố mới tiếp tục

quyết tâm hành động. Hơn nữa, họ còn cơ hội chiếm Hoàng cung; hai thiếu tá thuộc bộ phận của Tướng Mori – một người là con rễ của Tojo Hidemasa Koga – còn theo đuổi lý tưởng của họ. Tuy nhiên, có một mục tiêu mới thuộc hàng ưu tiên cao nhất. Đó là họ phải chặn lại việc thu thanh lời hiệu triệu của Nhật hoàng được thực hiện trước khi được giao cho đài NHK (Đài Phát Thanh Nhật Bản) phát ra.

Suốt buổi chiều Hatanaka đạp xe quanh Tokyo trong cái nóng hừng hực, cố gắng đem lại sức sống cho âm mưu. Nỗi ám ảnh của anh đưa anh tới tầng 6 của Trụ sở Bảo hiểm Dai Ichi, nơi Tướng Shizuichi Tanaka, tư lệnh Quân khu miền Đông, đang ở với đoàn tùy tùng. Không chờ thông báo, ông sảy bước vào phòng riêng của vị tướng. Tanaka ra lệnh cho anh ra ngoài. Cơn giận của vị tướng làm anh tiu nghỉu. Anh chào thật nhanh, quay người bước ra.

Nhưng quyết tâm của anh vẫn không bốc hơi, và anh lại đạp xe trở về Ichigaya Heights để chiêu mộ lại những người đã từ bỏ vụ âm mưu. Trước tiên anh đến gặp Đại tá Ida; giải pháp, Ida đã quyết định, sau khi nghe huấn thị của Anami, là cho các sĩ quan chỉ huy tại Bộ Tư lệnh Quân đội tự tử tập thể để tạ lỗi với Nhật hoàng và quốc gia – nhưng ít người muốn tham gia với anh.

Hatanaka xin Ida theo anh lên mái nhà, tại đó họ có thể nói chuyện tự do. Anh có “một điều quan trọng” để tiết lộ: anh đã lên kế hoạch chiếm Hoàng cung ngay đêm đó. “Gần như tất cả các chỉ huy đại đội và tiểu đoàn thuộc Quân khu Konoye đều đã đồng ý tham gia,” anh nói một cách thuyết phục.

“Không có kết quả gì đâu,” Ida trả lời. “Nhật hoàng đã ra quyết định. Còn tư lệnh của Quân khu Konoye thì sao?”

“Tôi không chắc về Mori,” Hatanaka thừa nhận, “nhưng dù sao chúng ta phải ép ông ta vào.” Ida nghi ngờ là có thể khuất phục Tướng Mori. “Tôi biết, nhưng điều đó không ngăn cản tôi. Chính Hoàng thượng cũng không chắc chắn liệu chấp nhận Tuyên bố Potsdam có duy trì được quốc túy hay không. Làm sao ta có thể tuân lệnh Hoàng thượng khi chúng ta có 50 phần trăm không chắc chắn về hậu quả của nó?” Bất kỳ người Nhật nào có lòng hoài nghi như thế, anh lý giải, mà không đứng lên trong giờ phút sinh tử nhất của lịch sử, sẽ để lại một vết nhơ cho danh dự quốc gia. “Đó là lý do tại sao tôi phải kiểm nghiệm điều này bằng hành động ngay bây giờ. Nếu cuộc binh biến thất bại, nó sẽ chứng tỏ quyết định của Nhật hoàng là đúng đắn. Nếu nó thành công, thế thì chứng tỏ tôi đúng. Tôi phải làm điều gì đó. Tôi không thể chi ngồi đợi.”

Ida không thể đồng ý với lập luận này, nhưng ông khâm phục Hatanaka dám liều mình vì lý tưởng. “Nếu anh nghiêm túc về vấn đề này, thì cứ tiến hành,” ông nói, “tôi không thể ngăn chặn anh.”

Nhưng Hatanaka muốn nhiều hơn là sự tán thành. “Tôi sẽ rất cảm kích nếu được ông trợ giúp.” Ida nói mình phải suy nghĩ lại, nhưng ông không có ý định đổi ý.

Trên cầu thang Hatanaka chạm mặt Đại tá Masao Inaba, người đã viết lời kêu gọi không phép đến binh sĩ hãy tiếp tục chiến đấu. Ngay cả Inaba không thèm giả vờ sẽ xét lại việc ủng hộ âm mưu mới. Ông nói thẳng, “Nội các đã ký tuyên bố đầu hàng và Nhật hoàng sẽ phát biểu ngay ngày mai. Vô ích rồi. Bỏ cuộc đi.”

Chính xác Nhật hoàng sẽ nói gì trong chỉ dụ được phát thanh vẫn còn được Nội các thảo luận. Anami không thể chịu được câu từ “tình hình chiến sự đang ngày càng bất lợi cho chúng ta.” Làm sao ông có thể tán thành một phát biểu như thế? Nó sẽ dán nhãn hiệu cho những bản tin của Bộ Tư lệnh Hoàng gia là thứ dối trá. Ngoài ra, họ vẫn chưa thua trận.

Yonai phản pháo ông ta bằng những tổn thất thảm họa tại Miến Điện và Okinawa, và để tránh một cuộc tranh cãi dài dòng khác, Sakamizu đề nghị một cách khéo léo một câu từ mới đọc là “tình hình chiến sự đã phát triển không nhất thiết theo chiều hướng thuận lợi cho Nhật Bản.”

Trong lúc tạm nghỉ Anami quay về nơi ở gần tòa nhà nghị viện để thay đổi y phục chuẩn bị cho lễ ký văn kiện đầu hàng. Khi ông chuẩn bị rời ngôi nhà nhỏ, Thống chế Shunroku Hata và cựu Thủ tướng Tojo xuất hiện. Hiển nhiên là sau khi đầu hàng họ sẽ bị xử là những tội phạm chiến tranh, và Tojo muốn mọi người xác nhận là họ đã chiến đấu một cuộc chiến tranh vệ quốc. Hata có một yêu cầu khác: ông muốn từ bỏ cấp bậc Thống chế.

Khi Nội các tán thành đoạn văn cuối cùng của chỉ dụ, hai viên chức tại Bộ Hoàng triều Nội vụ đang viết bản sao bằng bút lông; một sẽ là văn kiện chính thức, bản kia sẽ được nhà vua sử dụng khi thu âm. Hoàng thượng được trao văn bản đã hoàn tất và ngài yêu cầu sửa vài điểm nhỏ. Phải mất vài giờ để sao lại văn bản mới, vì chi dụ chứa vào khoảng tám trăm từ. Thay vào đó nhân viên sao chép viết những từ được sửa đổi vào các mảnh giấy nhỏ rồi dán che các từ gốc. Sau đó có điện thoại từ Thủ tướng gọi đến – một thay đổi nữa, do Anami yêu cầu. Tiếp theo một bản sao được phát hiện viết thiếu một mệnh đề.

Cuối cùng, vào lúc 8:30 P. M., Nhật hoàng, dưới sự hiện diện của Thủ tướng Suzuki, ký tên vào văn kiện chắp vá và đóng ấn vào. Nhưng việc đầu hàng chính thức với Đồng minh chưa có thể truyền đi nếu toàn thể Nội các chưa ký tên hết. Phải mất gần một giờ rưỡi để thu thập hết chữ ký. Vào khoảng 11 P. M. người cuối cùng, Bộ trưởng Giao thông, đến phòng họp Thủ tướng và ký tên. Việc đầu hàng đã chính thức hóa. Một người thư ký điện thoại cho Bộ Ngoại giao và những điện báo tương tự bằng tiếng Anh được gởi đến các đại diện ngoại giao của Nhật ở Thụy Sĩ và Thụy Điển. Các bộ trưởng tại các xứ này được chỉ thị truyền thông điệp sau đây đến Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên bang Xô viết và Trung Hoa.

Tham chiếu thư của Chính quyền Nhật Bản gởi ngày 10/8 liên quan đến việc chấp nhận các điều khoản của tuyên bố Potsdam và thư phúc đáp của Chính quyền các nước Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên bang Xô viết và, Trung Hoa do Ngoại trưởng Mỹ Byrnes ký ngày 11/8, Chính quyền Nhật Bản hân hạnh trao đổi với Chính quyền của bốn cường quốc như sau:
Nhật hoàng đã ban hành chỉ dụ liên quan đến việc chấp nhận các điều khoản của tuyên bố Potsdam.
Nhật hoàng sẵn sàng ủy quyền và bảo đảm chữ ký của chính phủ ông và Bộ Tổng Tư Lệnh Hoàng gia về những hạng mục cần thiết để thực thi các điều khoản của tuyên bố Potsdam. Nhà vua cũng sẵn sàng ban lệnh cho tất cả các đơn vị hải, lục, không quân của Nhật Bản và tất cả các lực lượng dưới quyền họ đóng bất cứ nơi đâu phải ngừng ngay các hành động quân sự, giao nộp vũ khí và ban hành những quân lệnh khác theo yêu cầu của Tư lệnh Tối cao của Lực lượng Đồng minh nhằm thi hành những điều khỏan đã nêu trên.

Các bộ trưởng trong Nội các ngồi chết lặng quanh bàn họp. Không còn có quyết định nào khác để Suzuki phải đứng dậy và ra khỏi phòng. Anami, trong quân phục nghiêm chỉnh, đứng dậy và tiến gần đến kẻ cựu thù già cỗi của mình, Togo. Ông vươn vai và nói bằng một giọng điệu nghiêm trang, “Tôi đã thấy bản thảo về quá trình trao đổi của Ngoại trưởng liên qua đến việc chiếm đóng và giải giới, và tôi tỏ lòng biết ơn vô hạn. Nếu tôi biết trước vấn đề được dàn xếp theo cách đó, tôi sẽ không cần phải tốn công ăn nói quá nóng nảy như thế tại buổi họp.”

Togo nghĩ rằng đây là lời đáp lễ phép quá đáng và trả lời hơi cứng nhắc rằng mình vẫn luôn luôn đồng tình đến các điều kiện đầu hàng do phe quân sự đề nghị.

Anami khóa kiếm vào thắt lưng, cắp chiếc mũ dưới cánh tay ông bước vào phòng riêng của Suzuki. Ông chào ngài Thủ tướng. “Kể từ lúc bắt đầu đàm phán hòa bình, tôi đã gây cho ông nhiều rắc rối và tôi xin tỏ lòng hối tiếc. Những gì tôi làm chỉ vì kokutai của chúng ta có thể được bảo toàn – tất cả chỉ là vậy. Tôi hi vọng ngài thông cảm điều này và tôi thành thật xin lỗi.”

“Tôi cũng biết rõ việc đó,” Suzuki nói và tiến đến Anami, đang nhấp nháy cặp mắt ứa lệ. Ông nắm lấy bàn tay vị tướng. “Nhưng này ông bạn, hãy yên tâm vì Hoàng gia sẽ luôn luôn được hòa bình phù hộ, bởi vì Hoàng thượng luôn cầu nguyện cho hòa bình tại những lễ hội mùa xuân thu theo tục lệ tiên vương.”



3

Trong Hoàng triều Nội vụ một nhóm bốn người từ NHK đã đợi từ giữa trưa để thu âm tuyên cáo của Nhật hoàng về việc đầu hàng. Daitaro Arakawa, giám đốc kỹ thuật tại NHK, đã lắp đặt trang thiết bị trong các phòng liền kề trên tầng hai. Chỉ có một lần trước đây giọng nói của nhà vua được thu âm; vào ngày 2/12/1928, qua một sự cố âm thanh, các mi-crô của NHK tình cờ thu được giọng nói của Nhật hoàng cách 50 thước khi ngài đọc một chỉ dụ cho Quân đội.

Lúc 11:30 P. M. Nhật hoàng được hộ tống đến chiếc mi-crô đứng trước hai bình phong lá vàng. Nội thị Yasuhide Toda, mà giọng nói khá giống giọng của Nhật hoàng, nói thử một vài lời vào mi-crô để các kỹ sư có thể điều chinh âm lượng cho Hoàng thượng.

“Tôi sẽ nói lớn cỡ nào?” Nhà vua hỏi.

Trưởng phòng Tin tức Shimomura nói rằng giọng nói bình thường của ông là đủ lớn. Nhưng Hoàng thượng bất giác hạ thấp giọng xuống khi ông nói những từ trong ngôn ngữ vua chúa:

GỞI CÁC THẦN DÂN TRUNG THÀNH VÀ TẬN TỤY

“Sau khi suy nghĩ thấu đáo những trào lưu của thế giới và những điều kiện thực tế có được trong Đế chế chúng ta hôm nay, Trẫm đã quyết định thực hiện sự ổn định hiện tình bằng cách vận dụng một biện pháp phi thường.

“Trẫm đã ban lệnh cho Chính quyền của Trẫm truyền đạt tới Chính quyền của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Trung Hoa và Liên bang Xô viết rằng Đế chế của Trẫm chấp nhận các điều khoản của Tuyên bố Chung.

“Nỗ lực vì sự thịnh vượng và hạnh phúc chung cho mọi quốc gia, cũng như cho sự bình an và lợi lạc cho thần dân của Trẫm, là nghĩa vụ cao cả mà các đấng Tiên vương của Trẫm đã gởi gấm, và Trẫm giữ mãi trong lòng. Thật ra, trẫm tuyên chiến với Mỹ và Anh chỉ vì lòng khát khao chân thành muốn bảo đảm sự vẹn toàn của Nhật Bản và sự vững mạnh của Đông Á, không phải vì muốn xâm phạm quyền tự chủ của các quốc gia khác hay để rắp tâm bành trướng lãnh thổ. Nhưng giờ đây chiến tranh đã kéo dài gần bốn năm. Mặc dù mọi người đã làm hết sức mình – tinh thành chiến đấu can trường của binh sĩ, lòng kiên định và cần cù của các công bộc của Trẫm và tinh thần phục vụ tận tụy của 100 triệu thần dân của trẫm – tình hình chiến sự đã phát triển không nhất thiết theo chiều hướng thuận lợi cho Nhật Bản, trong khi trào lưu của thế giới tất cả đều quay ra chống lại lợi ích của Nhật Bản. Hơn nữa, kẻ thù đã bắt đầu sử dụng một loại bom kiểu mới, tàn bạo, mà sức tàn phá của nó thực sự không tính hết được, cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội. Nếu trẫm tiếp tục chiến đấu, hậu quả không chỉ là sự sụp đổ và xóa sạch toàn diện của quốc gia Nhật Bản, mà còn dẫn đến sự tận diệt hoàn toàn của văn minh nhân loại. Nếu làm thế, làm thế nào trẫm cứu vớt được hàng triệu thần dân của trẫm; hoặc chuộc lỗi trước anh linh của các Tiên vương? Đó là lý do tại sao trẫm đã ban lệnh chấp nhận các điều khoản của Tuyên bố chung của các Cường quốc.

“Trẫm không thể làm gì hơn là bày tỏ sự ân hận sâu xa nhất tới các quốc gia đồng minh ở Đông Á, đã kiên trì hợp tác với Đế chế vì mục tiêu giải phóng Đông Á. Nghĩ đến các sĩ quan và thường dân này cũng như những người khác đã ngã xuống trên chiến trường, những người đã hi sinh khi làm nhiệm vụ, hoặc những người ra đi bất ngờ cùng với gia đình tang tóc của họ, làm tấm lòng trẫm đau nhói ngày đêm. Đem lại phúc lợi cho những người bị thương tật và nạn nhân chiến tranh, và của những ai đã mất gia đình và kế sinh nhai, là những mục tiêu của mối quan tâm sâu xa nhất của trẫm. Những nhọc nhằn và khổ đau mà quốc gia trẫm phải chịu đựng từ đây về sau sẽ chắc chắn là rất nặng nề. Trẫm ý thức sâu sắc cảm nhận sâu xa nhất trong lòng tất cả các khanh, những thần dân của trẫm. Tuy nhiên, thuận theo mệnh lệnh của thời đại và định mệnh mà trẫm đã cương quyết mở ra con đường đến nền hòa bình trọng đại cho tất cả các thế hệ sắp tới bằng cách chịu đựng những gì không thể chịu đựng được và chịu đau khổ những gì không thể đau khổ hơn được.

“Đã có thể bảo vệ và duy trì cấu trúc của Vương triều, trẫm luôn luôn ở bên các khanh, thần dân trung thành và tận tụy của trẫm, tin cậy vào lòng chân thành và tính liêm chính của các khanh. Hãy nghiêm khắc cảnh giác trước những bùng nổ cảm xúc có thể sinh ra những phức tạp không cần thiết, hoặc bất kỳ mối bất hòa và xung đột giữa huynh đệ có thể tạo ra sự hỗn loạn, khiến các khanh hành động sai lạc làm mất lòng tin của thế giới. Toàn thể đất nước hãy tiếp tục như một gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác, luôn luôn giữ niềm tin sắt đá về sự trường tồn của mảnh đất thiêng liêng, và không quên gánh nặng nhiệm vụ, và con đường dài phía trước. Hãy đoàn kết toàn bộ sức mạnh của các khanh hiến dâng cho sự nghiệp tái thiết tương lai. Hãy trau dồi lòng chính trực; nuôi dưỡng sự cao quý của tinh thần; và làm việc với quyết tâm sao cho các khanh có thể thăng hoa cái vinh quang vốn có của Vương triều và bắt nhịp với sự tiến bộ của thế giới.”

Hoàng thượng quay lại và hỏi, “Nói có được không?” Một kỹ sư trong căn phòng khác lúng túng trả lời là anh rất tiếc nhưng có một số từ không nghe rõ. Nhật hoàng, tỏ ra quan tâm nhiều với tiến trình thu âm, biết rằng minh đã nói vấp vài chỗ và bảo rằng ngài muốn thu lại lần nữa. Lần này giọng ngài quá cao và bỏ sót một chữ. “Ta muốn thu lần nữa,” ông nói sốt sắng, nhưng nhân viên cho rằng điều đó sẽ “quá sức” với người.

Người ta quyết định là bản thu thứ hai là bản chính thức, và bản đầu tiên chỉ sử dụng

khi khẩn cấp. Hai bộ cặp đĩa 10-inxơ mỗi bộ được cẩn thận đặt trong một hộp bìa cứng riêng lẻ, sau đó được cho vào một bao vải ai đó tìm thấy trong phòng. Giờ đây vấn đề là: Đâu sẽ là nơi an toàn nhất để cất giữ chúng? Trạm phát thanh rất dễ bị tấn công nếu tin đồn về một vụ binh biến là có thật; Hoàng triều Nội vụ có thể an toàn hơn. Thế là các đĩa thu được khóa trong một tủ nhỏ trên tầng hai.

Những để phòng này đã được chọn lựa thật đúng. Khu Hoàng cung sắp sửa bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi quân nổi dậy, và đã có đại tướng bị ám sát. Bị cự tuyệt ở Bộ Tư lệnh Quân đội, Hatanaka đã đi đến Đại tá Toyojiro Haga, tư lệnh Trung đoàn Thứ hai của Quân khu Konoye, và khi thề rằng Tướng Anami, Umezu, Tanaka và Mori đã theo phe âm mưu, anh đã thu phục được sự ủng hộ miễn cưỡng của ông. Rồi Hatanaka lại đạp xe trở về Ichigaya Heights, tại đó anh đánh thức Đại tá Ida – trong tuần qua nhiều sĩ quan đã ngủ lại Bộ Tư lệnh Quân đội. Một lần nữa Hatanaka thổi phồng quá đáng lực lượng ủng hộ anh: “các tư lệnh trung đoàn của Quân khu Konoye đều đồng ý tham gia với chúng tôi! Người duy nhất còn lại cần thuyết phục là tư lệnh quân khu.” Anh không tin là Mori sẽ nghe lời anh (vị tướng đã từng thầy dạy của anh tại Cao đẳng Chiến tranh và vẫn còn coi anh là “sinh viên”), nhưng Ida, là một trung tá, có thể được lưu ý. Hatanaka thề rằng nếu Mori từ chối tham gia, anh sẽ bỏ cuộc.

Ida vẫn còn tán thành mục đích của cuộc nổi loạn, và anh tự thuyết phục mình là anh sẽ đi cùng với Hatanaka. Nếu Tướng Mori có thể bằng lòng gia nhập, anh tự trấn an mình, điều đó “sẽ giúp chứng tỏ chúng ta hành động đúng đắn.” Hơn nữa, nếu có rắc rối, Ida sẽ tiện tay ngăn cản.

Hai người đạp xe theo các đường phố tối tăm đến doanh trại của Quân khu Konoye, tọa lạc ở bên ngoài khu Hoàng cung chỉ cách obunko vài trăm mét. Một lốp xe xẹp khiến họ mãi đến 11 P. M. mới đến được văn phòng Mori và vị tướng vừa mới đi thanh sát chung quanh. Thậm chí khi Mori quay lại họ cũng bị bắt buộc chờ đợi trong phòng trước; Mori đang tiếp em rễ, Trung tá Michinori Shiraishi. Một lúc sau nửa đêm Hatanaka nôn nóng đứng dậy. “Đừng để ý đến khách viếng của ông ta,” anh nói. “Hãy đi vào và gặp Mori.” Ida theo anh đến văn phòng Mori. Ngay cửa Hatanaka dừng lại. “Anh đi vào một mình đi,” anh nói. Trong lúc đó anh sẽ tranh thủ lại sự trợ giúp của Đại tá Takeshita với ông anh vợ của ông ta. Anh làm Ida cáu tiết đến nổi suýt quay về Bộ Tư lệnh Quân khu. Nhưng rồi Ida cũng gõ cửa và bước vào.

Tướng Mori (một con người nghiêm nghị, uyên bác có biệt danh “sư thầy”) đã quát tháo hai vị tướng chiều hôm đó tại Bộ Tư lệnh Quân khu vì góp phần để thua trong cuộc chiến. Ông tiếp Ida niềm nỡ, và không hỏi tại sao anh đến, bắt đầu độc thoại về triết lý cuộc sống và tôn giáo. Qua nửa giờ trước khi Ida có cơ hội mở lời. Bình thường, ông nói, một người Nhật trung kiên phải tuân thủ bất kỳ mệnh lệnh của Nhật hoàng, sự tuân phục đó là đức hạnh. Nhưng ngày nay bổn phận của một thần dân trung quân là khuyên Hoàng thượng xét lại quyết định của mình. “Tuân thủ mù quáng Nhật hoàng không phải là lòng trung thành thực sự.” Mori lắng nghe ra chìu bối rối, nhưng hứng thú hẳn lên. Ida thúc ép ông. “Nếu ngài tuyệt đối tin rằng phe Đồng minh bảo đảm duy trì quốc túy, thì hãy tuân lệnh Nhật hoàng, nhưng nếu ngài không chắc chắn, không lẽ ngài không nên khuyên răn Hoàng thượng?” Nhưng điều đó sẽ quá trễ trừ khi ta tóm được bản thu âm mà Nhật hoàng đã nói. Anh thúc giục Mori điều động Quân đoàn Konoye ngay lập tức.

“Tôi không chắc cái nào là đúng,” Mori nói một cách e dè. “Tôi phải đi đến Đền Minh Trị để tẩy trừ mọi ý nghĩa ô nhiễm. Sau đó tôi sẽ nói ai đúng – anh hoặc tôi.” Đại tá Kazua Mizutani, tham mưu trưởng của vị tướng, bước vào. “Anh đến đúng lúc lắm,” Mori nói và quay sang Ida, đang mướt cả mồ hôi vì căng thẳng. “Hỏi ý kiến anh ta đi.”

Mizutani đề nghị hai người trao đổi trong văn phòng của anh trong khi vị tướng thay y phục để viếng đền thờ. Trong hành lang họ gặp Thiếu tá Hatanaka – nhờ tài thuyết phục của anh mà Đại tá Takeshita đã đồng ý gặp Anami thêm một lần nữa – và vài người âm mưu khác.

Ida nói rằng anh và Tướng Mori chuẩn bi đi viếng Đền Minh Trị, nhưng trước tiên anh phải gặp Đại tá Mizutani một lát.

“Thật là uổng phí thời gian!” Hatanaka tức tối kêu lên.

Không mất bao lâu đâu; Ida ra lệnh cho Hatanaka chờ trong văn phòng của Mori.

Nhưng Hatanaka không có tâm trạng chờ đợi. Sự mất kiên nhẫn đã đưa anh đến mức khinh suất. Thật ra, anh sẵn sàng chém gục Mori nếu ông ta khước từ họ. Anh sảy bước vào văn phòng Mori, theo sau bởi vài cảm tình viên kích động khác. Phớt lờ nghi thức quân đội, Hatanaka đường đột yêu cầu – đúng ra gằn giọng kêu gọi – vị tướng tham gia với họ. Nhưng Mori không hấp tấp; ông muốn chi quyết định sau khi thăm viếng đền thờ.

Sự chấn chừ của ông là không thể tha thứ được. Đại úy Shigetano Uehara, thuộc Học viện Hàng không, tiến đến bên ông với một thanh kiếm đã tuốt ra khỏi vỏ. Đại tá Shiraishi lao tối che chắn cho ông anh vợ, Tướng Mori. Uehara chém anh gục xuống, gần như đứt đầu. Hành động tấn công bốc đồng của Uehara làm nổ tung những cảm xúc thất vọng đè nén bấy lâu nay. Hatanaka giơ khẩu súng chỉa vào Mori và bóp cò. Vị tướng ngã sụp xuống trong vũng máu chảy ra từ thi thể của Shiraishi và tắt thở.

Ida và Mizutani nghe tiếng súng và tiếng chân người sột soạt. Họ chạy vào hành lang. Ở đó Hatanaka, mặt không còn chút máu, khẩu súng còn ở trong tay. Lập tức Ida đoán được diều gì đã xảy ra. “Bakayaro!” anh la lên. Tại sao Hatanaka không thể đợi được; Mori có thể đã tham gia với họ sau khi ông đi thăm Đền Minh Trị.

“Tôi làm như vậy vì không còn thời gian,” Hatanaka lẩm bẩm. “Tôi rất tiếc.” Anh cúi đầu nhưng vẫn không mất quyết tâm. Anh xin Ida kêu gọi Tướng Tanaka lần nữa. Mori chết rồi, quân khu giờ đặt dưới quyền ông ta.

Ida miễn cưỡng đi theo Hatanaka đến Quân khu Konoye để ngăn ngừa bạo lực, nhưng bây giờ điều tồi tệ nhất đã xảy ra anh đã trở thành một đồng lõa sát nhân, bắt buộc đi theo con đường mà anh đã phản kháng. Mori chết rồi, sự chống đối mạnh mẽ cú binh biến bên trong Quân khu Konoye đã bị loại trừ và binh sĩ sẽ nhanh chóng chiếm lấy Hoàng cung. Đồng hành cùng với Đại tá Mizutani cũng điên cuồng không kém, Ida phóng xe đến Trụ sở Dai Ichi, bộ tư lệnh của Quân khu Miền đông. Mizutani vội vã bước vào văn phòng bên trong của Tanaka trong khi Ida, giấu kín việc ám sát Mori, yêu cầu tham mưu trưởng của Tanaka, Thiếu tướng Tatsuhiko Takashima, hợp tác với phe nổi loạn. Phản ứng của Takashima gần như là bối rối – giống như “nhảy từ lửa vào nước lạnh” – và niềm tin của Ida vào thắng lợi bốc hơi.

Điện thoại reo. Đó là Thiếu tá Koga, con rễ của Tojo, thông báo rằng Quân khu Konoye vừa mới nổi loạn và không chịu đầu hàng. Quân khu Miền đông phải nối gót theo họ. Tướng Takashima đi vào phòng riêng của Tanaka, để lại Ida mải mê tranh cãi với một trong các sĩ quan tham mưu. Nhưng viên sĩ quan tham mưu vẫn khăng khăng là không có khả năng nhỏ nhất để Tướng Tanaka chống lại Nhật hoàng. Sự tin chắc của anh khiến Ida trở về với thực tại. Tỉnh ra anh nói, “Tôi sẽ cố hết sức để rút binh lính trước rạng đông.”

Một quân lệnh vừa được ban hành đến các tư lệnh trung đoàn của Quân khu Konoye – nó mang dấu ấn của Tướng Mori nhưng do Hatanaka đóng vào. Chỉ thị, thực ra được thảo ra bởi Thiếu tá Koga, ra lệnh cho binh sĩ tiến chiếm Hoàng cung, để “bảo vệ” Nhật hoàng và kokutai; một đại đội được phái tới Trụ sở NHK để kiểm soát việc phát thanh. Toán quân tổng cộng hơn một ngàn người bao vây khu Hoàng cung. Như trong cuộc binh biến 2/26 không binh sĩ nào biết minh đang tạo phản. Bề ngoài trông như là một sự tăng viện khẩn cấp cho những trạm gác thường trực. Trong vài phút tất cả cổng lớn đều đóng chặt và Nhật hoàng bị cô lập với bên ngoài.

Không ai, dù thuộc cấp bậc nào, được phép rời Hoàng cung mà không có phép của Hatanaka. Bên trong Hoàng triều Nội vụ, Nhật hoàng đã kết thúc việc thu âm, và trưởng phòng Shimomura và nhân viên NHK lái xe ra về. Khi xe họ đến Cổng Sakashita, chỉ cách chưa đến 100 mét, binh sĩ với súng lưỡi lê chận họ lại. Một người ló đầu vào chiếc xe đầu tiên. Anh ta đã được đánh động phải tìm Trưởng phòng Thông tin. Thư ký của Shimomura nhận ra họ là ai và toàn bộ nhóm người được binh sĩ hộ tống đến một nhà bảo vệ nhỏ bằng gỗ để được thẩm vấn. Một người trong nhóm tiết lộ rằng đĩa thu âm đã được trao lại cho một người nội thị cất giữ. Một toán lính được phái đến Bộ Hoàng triều Nội vụ để lục soát.

Trên tầng thứ tư của bộ này Kido bị kéo ra khỏi võng bởi Nội thị Yasuhide Toda. Trưởng Cơ mật Viện đã phải choàng tĩnh vì một loạt tiếng ồn – còi báo động không kích, tiếng bom nổ từ xa, thông báo từ loa phóng thanh trong sảnh về số thương vong, và gần đây nhất là tiếng chân bước nghiến trên sỏi.

Toda thông báo là với ông là các binh sĩ làm loạn đang ở trong tòa nhà tìm kiếm Kido và đĩa thu âm, và rằng chính obunko cũng bị bao vây. Cơ mật Viện trưởng vẫn bình tĩnh. “Tôi đã chờ đợi một việc như thế,” ông nói. “Quân đội là shoganai yatsu [bọn ngu xuẩn khốn kiếp].” Vì nhân dạng của Kido ít được người ngoài Hoàng cung biết đến, Toda đề nghị ông di chuyển đến khu trực đêm của ngự y, tại đó ông có thể đóng giả là một bác sĩ. Ngay khi vươn vai nằm dài trên giường của bác sĩ là Kido bắt đầu suy nghĩ mông lung nếu chẳng may bị giết trong khi hóa trang như thế này chẳng phải là nhục nhã lắm ư. Ông liền quay lại văn phòng, tại đó ông vội vàng thu thập tất cả văn kiện tối mật, xé chúng ra từng mảnh rồi dội xuống cầu tiêu.

Ông bị chặn lại vì một lời khẩn khoản khác phải tìm chỗ trú ẩn. Nội thị Yoshihiro Tokugawa nài nỉ ông trốn chung với Bộ trưởng Hoàng triều Nội vụ trong một nhà kho ở dưới hầm. Tiếng giày bốt khua của binh sĩ vang vọng theo hành lang và Kido để mặc cho người dẫn mình xuống một cầu thang tối.

Nội thi Toda, đã nghĩ là mình đã để Kido an toàn trong phòng trực bác sĩ, giờ đây đang cố gắng tìm đường đến obunka để báo động nhân viên triều đình; mọi đường dây điện thoại đều bị cắt đứt. Anh sợ rằng con đường tắt đến obunka, một đường hầm nhỏ, có thể bị canh gác, và khi anh bắt đầu một lộ trình ngoằn ngoèo, nửa tá binh sĩ xuất hiện từ bóng tối. Toda giải thích mình là nội thị, nhưng viên chi huy dửng dưng. Ấn mũi súng lục vào ngực anh, y nói, “Trở lại; con đường đã bị phong tỏa.”

Toda trở lại Hoàng triều Nội vụ. Ở lối vào anh đụng phải Tokugawa, và họ cùng nhau trở lại phía obunko, lần này theo đường hầm. Như đoán trước, bên đầu kia có bọn lính gác án ngữ, nhưng không có người chỉ huy. Họ đánh liều nói rằng mình là những nội thị đang làm nhiệm vụ, và được phép đi qua. Tại obunko họ kêu dậy các cung nữ nhưng dặn họ không được đánh thức hoàng gia. Tokugawa, một người thấp bé, cố kéo tấm màn sắt che cửa sổ, nhưng chúng quá rỉ sét đến nỗi phải cần vài cận vệ lực lưỡng mới làm xong công việc. Khi anh và Toda trở lại khu Hoàng triều Nội vụ một thiếu úy hô họ dừng lại, nhưng họ bỏ chạy và thoát được.

Lối vào chính khu Nội vụ giờ được canh gác bởi một đội súng máy và họ đi vào từng người một bằng lối cửa hông. Trên tầng hai Toda bị một toán lính làm loạn mang lưỡi lê tóm lấy. Họ đang hộ tống một tù binh bị trói, một nhân viên NHK.

“Anh là ai?” một người lính hỏi.

“Tôi là nội thị trong cung,” Toda đáp lại.

Tên lính quay sang tù binh. “Có phải anh giao đĩa thu cho người nội thị này không?”

“Không, người kia cao hơn và có mũi to.”

Người mà anh ta khai ra cho chúng chính là Tokugawa, thật ra nhỏ con hơn. Không lâu sau khi trở vào lại khu Nội vụ, Tokugawa đã bị người thiếu úy tóm được gần obunko. Y ra lệnh cho binh sĩ mang người nội thị đến nhà bảo vệ.

Nhưng Tokugawa, mà tổ tiên của anh đã từng cai trị Nhật Bản trong hơn 250 năm, ương ngạnh không chịu đi. “Nếu anh có vấn đề gì với tôi,” anh nói, “tôi sẽ giải quyết tại đây.” Sự cãi cọ giữa hai người làm hai viên sĩ quan nổi loạn khác chú ý. “Hạ nó đi!” một người quát lên. “Giết tôi thì có lợi gì,” Tokugawa nói một cách khẳng khái.

“Tao không thèm làm bẩn thanh gươm lên người mầy,” viên thiếu úy cười khinh bỉ, nhưng rõ ràng là y ấn tượng trước sự gan lì của Tokugawa và cố gắng bào chữa cho cuộc binh biến. Y nói cần thiết phải chiếm Hoàng cung vì các cố vấn của Hoàng thượng đã làm ngài lạc lối.“ Tokugawa chi nhìn y chằm chằm. Nổi quạu, viên trung úy hét lên, “Bộ mầy không có tinh thần Nhật Bản hay sao?”

“Tôi là nội thị,” Tokugawa kiêu hãnh nói. “Các anh không phải là những người bảo vệ tổ quốc. Để bảo vệ một quốc gia, mọi người phải đoàn kết.”

Một tên bạt tay Tokugawa quá mạnh đến nỗi cặp kính anh cong queo và lủng lẳng trên một vành tai. Tokugawa gọi đến một cảnh sát Hoàng cung (lực lượng cảnh sát nhỏ đã tỏ ra bất lực khi chống lại nhóm người nổi loạn). “Hãy liên lạc với các sĩ quan phụ tá!” Viên thiếu úy tóm lấy viên cảnh sát, nhưng Tokugawa, hành động như thể mình chỉ huy, ngăn y lại với câu nói “Anh ta đang làm nhiệm vụ” một cách căm phẫn. Viên cảnh sát được buông ra. Một sĩ quan phản loạn khác từ tốn hỏi Tokugawa đường đến văn phòng Cơ mật Viện.

Tokugawa chỉ dẫn rồi nói thêm, “tôi không tin là anh tìm được ông ta ở đó.” Rồi anh quay lại và sảy bước đi. Không ai cố ngăn lại. Anh đi vào văn phòng các tùy viên quân sự của Nhật hoàng.

“Chúng như những thằng điên,” Đô đốc Toshihisa Nakamura, tùy viên hải quân của Nhật hoàng cảnh báo. “Hãy cẩn thận.” Ông muốn biết Kido thực sự đang ở đâu.

“Tôi không tiết lộ với ai ông ta đang ở đâu,” Tokugawa nói. Anh không thể tin tưởng bất kỳ sĩ quan cao cấp nào chỉ biết giam mình trong một văn phòng trong tình hình khẩn trương thế này. “Cứ an tâm ông ta vẩn bình yên.”

Thiếu tá Hatanaka đã thành công cô lập được Nhật hoàng, nhưng đĩa thu âm của ngài vẫn chưa được tìm thấy. Hơn nữa, Đại tá Ida, mà anh đã phái đi làm một nhiệm vụ sinh tử, đã trở lại với báo cáo đảo lộn; không có sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. “Quân khu miền Đông không theo ta,” ông nói. Thật ra, chính Ida không còn nghĩ là cuộc binh biến có thể thành công. “Một khi những người trong Quân khu Konoye khám phá ra tư lệnh của họ đã bị giết, họ sẽ từ chối tham gia. Nếu anh cố thúc ép cho được, sẽ sinh ra hỗn loạn. Không có giải pháp nào khác: rút tất cả binh sĩ trước rạng đông.” Hatanaka cố cản ngăn, nhưng Ida giơ tay lên. “Hãy đối diện với sự thật; cuộc binh biến đã thất bại, nhưng nếu anh rút tất cả binh sĩ ra ngoài nhanh chóng người ta sẽ không biết chuyện gì xảy ra.” Mọi sự sẽ qua đi như “một giấc mộng đêm hè.”

Gương mặt Hatanaka bệu đi. “Mình biết rồi,” anh nói.

“Tôi sẽ đi báo cáo chuyện gì xảy ra với Bộ Chiến tranh,” Ida tiếp tục. Hatanaka có hứa sẽ rút hết binh lính về không? Hatanaka gật đầu. Nhưng cách lập luận của Ida tiêu tan tác dụng khi Ida bỏ đi, và tinh thần nổi loạn của Hatanaka vẫn lóe sáng như bao giờ. Anh trở lại chốt kiểm soát của cuộc nổi dậy, doanh trại Konoye, nơi Đại tá Haga, tư lệnh của Trung đoàn 2, đang càng lúc càng nôn nóng vì sự vắng mặt quá lâu của Mori. Hatanaka cố gắng tránh né các câu hỏi của vị đại tá nhưng Thiếu tá Koga không còn giữ im lặng được nữa. Y khai với cấp trên là Mori đã chết và thúc giục ông nắm quyền chỉ huy quân đoàn.

Mori chết ra sao? Đại tá Haga cật vấn. Hatanaka lẫn Koga đều khai là không biết. Dù bối rối, Đại tá Haga vẫn muốn tiếp tục hợp tác miễn cưỡng với phe bất đồng nếu không có một điện thoại ngay lúc đó từ Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông. Tham mưu trưởng Tanaka, Tướng Takashima, muốn biết chính xác việc gì xảy ra trong khu Hoàng cung. Haga không thể trả lời một cách cụ thể nên trao ống nghe cho Hatanaka.

“Đây là Thiếu tá Hatanaka, thưa ngài,” anh nói với giọng run run. “Làm ơn thông cảm cho nhiệt huyết của chúng tôi.”

May mắn là Takeshima đã liên lạc được tay đầu sỏ. Ông nhớ Hatanaka từ Học viện Chiến tranh là một người lý tưởng ngây thơ, sáng láng, và quyết định “khuyên răng anh từ tốn và nói lý lẽ với anh hơn là ra lệnh hay khiển trách.” Ông nói ông hiểu cảm xúc của những kẻ bất đồng chính kiến, nhưng Nhật hoàng đã ra lệnh và Quân khu miền Đông” sẵn sàng tuân thủ. “Đừng sử dụng bạo lực khi giờ đây không có viễn cảnh thành công. Điều đó chỉ gây thêm những hi sinh vô ích. . . Ở Nhật Bản tuân lệnh Nhật hoàng là một hành động thực tiễn và hợp đạo lý.” Ông dừng lại. “Anh có nhận thức được chưa?”

Mọi việc mà Ida vừa tiên liệu đang trở thành sự thật. Giọng nói của Hatanaka nghẹn ngào. “Tôi biết rất rõ, thưa ngài. Tôi sẽ suy nghĩ lại. Tôi chỉ có một yêu cầu. Làm ơn cho tôi mười phút nói chuyện trên đài trước khi Hoàng thượng lên sóng.” Anh muốn tuyên bố với dân chúng tại sao các sĩ quan trẻ nổi dậy.

Takashima nói rằng việc đó là “không thể giải quyết được,” và nhiều sinh mạng như có thể nên được cứu vớt. “Chúng ta đã đi đến thời điểm khi hậu quả cuối cùng không thể thay đổi. Hatanaka, anh có hiểu cho tôi không?” Không có câu trả lời. Rồi Takeshima nghe một tiếng nức nở yếu ớt.

Dù chỉ nghe một bên nói chuyện cũng khẳng định được mối nghi ngờ của Haga. Ông nổi xung với Hatanaka và Koga vì đã yêu sách sự ủng hộ của Quân khu miền Đông, và ông ra lệnh họ kết thúc cuộc binh biến ngay lập tức hoặc họ phải giết chết ông.

Như trước đây khi bắt buộc phải đối mặt, Hatanaka miệng thì nhượng bộ nhưng trong bụng không bỏ cuộc. Anh đã sẵn sàng để theo đuổi một chiến thuật mới. Anh sẽ ngăn cản buổi phát thanh của Nhật hoàng tại trụ sở NHK, mà binh lính anh đang chiếm đóng, và thay vào đó chính mình sẽ tuyên bố với quốc dân đồng bào.

Đại tá Takeshita tìm gặp Bộ trưởng Chiến tranh Anami tại nơi cư ngụ khiêm nhường của ông gần Trụ sở Diet. Ông vừa sợ thằng em rễ có thể lấy mạng ông vừa sợ phải thực hiện lời hứa giúp đỡ bọn bất đồng. Anami đang ngồi ở bàn viết trong phòng khách viết di chúc. Ở một bên là một tấm chiếu ngủ đang trải ra. Vắt qua nó là một chiếc mùng lưới. Vị tướng vội vàng gấp văn bản và nói với giọng gắt gỏng, “Cậu muốn gì đó?”

Takeshita có thể nhận thấy là ông anh vợ mình đang chuẩn bị tự tử. Thật không đúng lúc để nói về vụ nổi dậy, vì thế ông nói chuyện bâng quơ với Anami một lúc về rượu sake. Cuối cùng vị tướng bất chợt nói, “Tôi đang chuẩn bị tự tử tối nay.”

“Anh tự tử là phải phép,” Takeshita trả lời, “nhưng không phải tối nay, phải không?”

Anami hình như nhẹ nhõm. “Tôi nghĩ là cậu sẽ khuyên tôi từ bỏ việc đó. Tôi mừng là cậu tán thành.” Ông đưa cho Takeshita di chúc, đề ngày 14/8. “Ngày 14 là ngày giỗ của thân phụ tôi và ngày 21 là ngày con trai tôi hi sinh trong chiến đấu. Tôi phân vân không biết chọn ngày nào, nhưng ngày 21 là quá trễ. Tôi không sao chịu đựng khi phải nghe tuyên cáo của Nhật hoàng vào ngày mai.” 

Họ nói chuyện về các vấn đề cá nhân cho đến hai giờ sáng, khi một loạt súng theo hướng của khu Hoàng cung nhắc cho Takeshita nhớ về lời hứa của mình với Hatanaka. Ông tóm tắt kế hoạch nổi loạn mới nhất. Nhưng Anami quá bận tâm với cái chết của mình – đối với ông, cuộc binh biến là một thất bại được báo trước. Trong một nỗ lực khác nhằm hoãn lại ông anh vợ, Takeshita hỏi liệu ông có thể tiến hành nghi thức mổ bụng khi có quá nhiều rượu sake trong bụng hay không.

“Anh đứng bậc 5 trong kiếm đạo, nên chắc chắn không thất bại,” ông nói một cách tin tưởng. “Sake làm mình chảy máu nhiều hơn. Nhờ đó anh chết chắc. Nếu có gì trục trặc, anh muốn cậu phụ giúp anh.” Ông cỡi áo để mình trần đến lưng và quấn chặt một băng vải trắng quanh bụng. Nhưng việc chuẩn bị nghi thức bị gián đoạn vì Đại tá Ida đến để báo tin về Hatanaka cho Bộ trưởng Chiến tranh. Nhưng anh không nói gì, vì không muốn làm rộn một người sắp sửa quyên sinh.

“Vào đi,” Anami. “tôi sẵn sàng chết đây.” Ida có tán thành không?

“Tôi thấy việc đó cũng phải,” Ida bảo Bộ trưởng Chiến tranh, và thêm là không chỉ chính anh cũng chủ trương việc tự tử tập thể, nhưng tấm gương của Anami sẽ kết thúc mọi sự rối rắm trong Quân đội và triệt tiêu bất cứ âm mưu nào. Ida cúi chào thật thấp và cố kềm hãm nước mắt. “Tôi sẽ sớm theo bước chân ngài,” anh nói.

Anami vói tay vỗ má Ida. “Mình tôi là đủ rồi; cậu không được chết!” ông nói và choàng tay ôm lấy anh. “Đừng chết,” Anami nói trong tiếng thều thào. “Tôi trông cậy vào cậu vì tương lại nước Nhật. Cậu có hiểu không?”

“Vâng, thưa ngài, tôi hiểu rồi.” Nhưng Ida vẫn còn muốn tự xử mình.

“Hãy uống ly rượu vĩnh biệt,” Anami đề nghị, chợt vui vẻ hẳn lên. Khi ba người nhấp sake một lần nữa họ bị gián đoạn, lần này bởi Đại tá Hayashi xuất hiện với bộ áo khoác của vị tướng vắt qua cánh tay. Ông nói một cách cộc cằn, “Tướng quân, ngài được yêu cầu khẩn cấp tại Bộ. Chúng ta nên đi ngay.”

Bực dọc, Anami quay lại và nói, “Cậu làm ồn quá. Đi ra!”

Ba người tiếp tục uống rượu. Anami giao Ida hai cuộn giấy. Một được ký “Bộ trưởng Chiến tranh Korechika Anami” và đọc thấy:

Tin tưởng vào sự trường cữu của Mảnh Đất Thiêng Liêng của chúng ta

Bằng cái chết thần xin tạ tội với Nhật hoàng

Vì tội ác tày trời

Cuộn kia là một waka, một bài thơ 31 từ:

Đã hưởng ân sũng lớn lao của Nhật hoàng,

Thần còn không có đến nửa lời từ tại

trong giờ phút lâm chung 

“Tướng quân, trời sắp sáng rồi,” Takeshita nhắc nhở ông.

“Tôi sẽ đi ngay đây,” Anami nói. “Vĩnh biệt.”

Ngay sau khi Đại tá Ida cúi chào bước ra khỏi phòng, Anami một lần nữa nhờ Takeshita ban cho ông phát ân huệ nếu ông tự tử không thành công. Ông đặt quân phục của mình ngay ngắn trong một góc phòng, ôm choàng người em rễ và đưa ra yêu cầu sau chót – là quân phục của ông được đặt lên thi thể ông.

Vẫn còn gặp một gián đoạn thêm nữa, khoảng bốn giờ. Trung tướng Sanji Okido, chỉ huy lực lượng quân cảnh, đến gặp Bộ trưởng Chiến tranh. Anami bảo Takeshita giải quyết công việc. Ông dời khỏi chiếc chiếu đến hành lang và ngồi xếp bằng hướng về Hoàng cung. Theo nghi thức seppuku, nếu ông vấy máu của mình lên chiếc chiếu việc đó có nghĩa là ông tự xét mình vô tội. Ông khoan thai ấn dao găm sâu vào bụng mình, rồi rạch hai lần – sang phải và thẳng lên. Động tác này gọi là kappuku, gây đau đớn cực kỳ mà ít người dám tự mình thi hành. Ông ngồi thẳng khi máu chảy thành vũng trên nền phòng và thấm vào hai cuộn giấy ở bên cạnh. Ông nghe có tiếng người tiến gần, và gọi to, “Ai đó?”

Đó là Hayashi. Anami rên rỉ và thư ký của ông vội vã chạy trở lại phòng tiếp tân để tìm Takeshita. “Bảo chị tôi là ông ấy đã hara-kiri,” Takeshita nói. Trong hành lang ông tìm thấy vị tướng ngồi hơi cúi người ra phía trước, con dao găm rỉ máu vẫn còn trong bàn tay phải; bàn tay trái đang dò tĩnh mạch cảnh. Thình lình ông đâm lưỡi dao vào cổ họng mình. Lạ thay, không có giọt máu nào chảy ra khỏi vết thương và Takeshita nói, “Em giúp anh được không?”

“Không cần đâu,” Anami càu nhàu. “Đi đi.”

Takeshita rút lui, nhưng tiếng rên rỉ của vị tướng khiến ông quay lại. “Anh có đau lắm không?” ông hỏi. Anami đã bất tĩnh. Takeshita nhặt con dao và chém vào ót của vị tướng. Ông đắp bộ quân phục, nặng nề với những huy chương, qua tấm thân người chết.



4

Trời đã sáng, thêm một ngày oi bức khác, 15/8. Binh sĩ vẫn còn chiếm đóng khu Hoàng cung; các quân lệnh ban đầu vẫn chưa được hủy bỏ.

Vào lúc 6:15 Nội thị Toda một lần nữa cố gắng tìm đường vào obunko, nhưng lần này anh không thành công. Một sĩ quan trẻ đã ra lệnh không cho phép ai vào, dù bất kỳ ai. Toda viện cớ mình phải hộ tống Nhật hoàng đến nơi an toàn, vì báo động không kích vẫn còn hiệu lực, nhưng vô ích. Cuối cùng anh được phép đi qua nhờ lệnh của một sĩ quan lớn tuổi lập luận rằng vì phe nổi loạn có thể phải ồ ạt xâm chiếm obunko để tìm cho ra đĩa thu vẫn còn chưa biết ở đâu, như vậy có gì khác biệt nếu chỉ có một người đi vào đó?

Bên trong, Toda thông báo cho Tổng quản Hisanori Fujita rằng bọn nổi loạn có thể ùa vào bất kỳ lúc nào và chắc chắn sẽ có chiến đấu tay đôi. Họ phải đánh thức Nhật hoàng. Lúc 6:40 ngài xuất hiện trong bộ đồ ngủ. Các sự kiện của tối hôm trước làm ngài ưu phiền. “Bộ họ chưa hiểu rõ chủ ý thực sự của mình?” Mắt ngài rướm lệ. “Tập hợp tất cả sĩ quan và binh sĩ Quân khu Konoye để trẫm đích thân nói chuyện với họ.”

Một nội thị có tính tình ôn hòa được phái đi qua vòng vây để tiếp xúc với đám quân lính. Anh chưa đi quá 50 mét thì đã gặp một sĩ quan già ngăn anh lại hỏi, “Anh có phải là nội thị không?”

Đó là Tướng Tanaka. Một người có văn hóa và kỹ luật nghiêm khắc, ông đã đi học ở Oxford và đã có lần, như Tojo, chỉ huy lực lượng quân cảnh trong Quân đội Quảng đông. Ông đã đích thân đến để giữ gìn trật tự, ông đã bắt một trong những người cầm đầu của nhóm âm mưu và đã ra lệnh cho Đại tá Haga rút hết binh lính về doanh trại.

“Đừng sợ,” ông nói với viên nội thị. Ông cúi chào và trình ra một thẻ bài; Mitsui cũng đưa ra thẻ bài của mình. Hai người chào nhau lần nữa. “Tôi xin lỗi là đã gây ra quá nhiều phiền toái,” viên tướng nói. “Trong vòng một giờ mọi thứ sẽ trong vòng kiểm soát. Xin đừng lo lắng. tất cả binh lính sẽ rút lui.”* Viên nội thị chạy một mạch trở về obunko.

Thiếu tá Hatanaka đích thân kiểm soát Trụ sở NHK trong hai giờ. Anh chỉa súng ra lệnh cho Morio Tateno, người chuẩn bị phát thanh tin tức buổi sáng sớm, giao cho anh micrô để anh có thể nói chuyện với quốc gia. Tateno bịa ra vài cớ: không kích đang đến gần khiến không thể phát tin nếu không có phép của Quân khu miền Đông; ngoài ra, phải mất thời gian thông báo với các đài địa phương chờ tiếp sóng của NHK.

Tateno bước vào phòng kiểm soát và nhờ gọi tới văn phòng của Tanaka. Viên kỹ sư hiểu mưu mẹo của anh. Anh ta bắt đầu nói vào một ống điện thoại đã chết vì dây nối đã bị phe nổi loạn cắt đứt. Anh giả vờ mình không liên lạc được. Hatanaka đợi, nhẫn nhục, nhưng một tên trung úy của anh, nổi dóa vì sự chậm trễ, quật súng lục vào viên kỹ sư và đe dọa nổ súng nếu anh không nhanh lên. Hatanaka can thiệp. “Tôi phải chuyển tải cảm nghĩ của tôi với quần chúng,” anh bảo Tateno. Giọng anh nghe như van nài hơn là ra lệnh. Anh xòe ra một xấp giấy trên đó ngoằn ngoèo những chữ viết bằng bút chì. Tateno đọc những từ mở đầu. “Đơn vị của chúng tôi đang bảo vệ Hoàng cung. . . “

Tateno bảo họ hãy kiên nhẫn. “Chúng tôi đang ráng hết sức để liên lạc với Quân khu miền Đông.” Trò câu giờ bị cắt ngang bởi tiếng chuông điện thoại reo trong phòng điện thoại. Viên kỹ sư lắng nghe một lúc và nhìn Tateno ái ngại. Đó là Quân khu miền Đông và họ muốn nói chuyện với “nhân viên của phòng phát thanh.”

Hatanaka cầm lấy ống nghe và chăm chú lắng nghe. Anh đã đi ngược với lời hứa sẽ bỏ cuộc và bây giờ lại đối mặt với một mệnh lệnh trực tiếp phải ngừng hành động. Nhưng anh vẫn cố xin cơ hội để được giải thích với công chúng, nhưng Tateno có thể thấy ngay là yêu cầu của anh bị từ chối. Thất vọng, Hatanaka đặt ống nói xuống giá. Mọi việc đã chấm hết.

Lúc 7:21 A. M.Tateno phát đi một thông báo đặc biệt cho quốc gia: “Vào buổi trưa hôm nay Nhật hoàng sẽ phát đi chỉ dụ của ngài. Tất cả chúng ta hãy cung kính lắng nghe tiếng nói của Nhật hoàng. Điện năng sẽ được cung cấp đến những nơi bị cắt vào buổi sáng. Dân chúng sẽ được cho phép đến các máy ra-điô trong các nhà máy, ga xe lửa và văn phòng chính phủ. Buổi phát thanh sẽ bắt đầu vào trưa hôm nay.” Vòng tròn đã hoàn thành, Tateno nghĩ. Cũng qua mi-crô này vào buổi sáng ngày 8/12/1941 anh đã đọc thông báo đầu tiên là chiến tranh đã bắt đầu.


Vào chiều tối ngày 24/8, vận bộ quân phục, Tanaka tự tử bằng súng lục tại bàn viết. Trước đó ông đã tâm sự với Tướng Takashima rằng vụ nổi loạn không liên can nhiều đến quyết định tự tử của ông. Chủ yếu là vì ông cảm thấy mình có trách nhiệm trong vụ đốt cháy Hoàng cung và những tổn thấy sinh mạng trong vụ oanh kích bom lửa ở Tokyo. Ông phải chịu tội trước Nhật hoàng. Ông nói rằng không ai khác trong Quân khu miền Đông phải tự tử. “Tôi chịu trách nhiệm cho mọi người.”

Sự chống đối việc đầu hàng có tổ chức đã kết thúc, nhưng nhiều cá nhân và nhóm cứng đầu vẫn sẵn sàng liều mạng để ngăn cản nó. Các nhân viên Hoàng cung vẫn còn e sợ sẽ có một âm mưu khác nhằm phá hủy đĩa thu của Nhật hoàng. Việc mang đĩa từ tủ trên tầng hai, đi qua khu khu Nội vụ đến sân cũng là việc liều lĩnh. Một bộ, có đóng dấu BẢN SAO, được đặt trong một hộp sơn mài vuông mang huy hiệu hoàng gia, được một nhân viên tên Motohiko Kakei mang đi một cách kênh kiệu qua các hành lang rối rắm tối tăm. Bộ đĩa khác, đóng dấu BẢN GỐC, được đặt trong túi thức ăn của một nội thị và vắt qua vai. Cả hai người đưa tin đều đến mặt đất an toàn. Rồi Kakei bọc hộp sơn mài trong vuông vải truyền thống và khởi hành đến phòng phát thanh của NHK trên một chiếc limousine của Hoàng cung. Còn túi thức ăn được giao cho một viên chức khác, mang đi trên xe cảnh sát thành phố. Bản sao được mang không gặp sự cố gì đến phòng thu phát phụ ở tầng hầm NHK. Bản gốc được mang đến văn phòng của giám đốc NHK, tại đó nó được cất trong một ngăn tủ khóa kỹ.

Với sự can thiệp của quân cảnh vừa được phái đến, kết quả của cú điện thoại trao đổi giữa Hatanaka với Quân khu miền Đông, tất cả bọn phiến loạn đều rời Trụ sở NHK không có chống cự. Hatanaka không trở về Bộ Tư lệnh Quân đội. Ý nghĩ của anh là chứng minh tấm lòng trung thực của mình và đưa các hành động bạo lực của mình đến một kết thúc thích đáng. Cùng một bạn đồng hành đã gắn bó với anh từ lúc khởi đầu, Trung tá Jiro Shiizaki, anh như bị hút về phía quảng trường mênh mông phía trước Hoàng cung. Ở đây, trong một cử chỉ vô vọng cuối cùng, họ phân phát truyền đơn kêu gọi dân chúng ngăn cản việc đầu hàng. Lúc 11:20 A.M. Hatanaka rút khẩu súng lục đã giết chết Tướng Mori và bắn một phát vào thái dương mình. Còn Shiizaki đâm một con dao găm vào bụng, sau đó đặt mũi súng lục vào đầu mình và bóp cò.

Trong túi áo của Hatanaka người ta tìm được một bài thơ:

Tôi không có gì phải hối tiếc

Giờ thì đám mây đen đã bay đi

Khỏi triều đại của Nhật hoàng 

Buổi phát thanh, thậm chí không có sự hiện diện của Hoàng thượng, cũng tiến hành theo nghi thức. Phòng thu phát 8 đông đúc những nhân viên NHK cũng như các viên chức chứng kiến từ Nội các, Phòng Thông tin, Hoàng triều Nội vụ và Quân đội. Gần như cùng lúc Hatanaki tự tử, giám đốc NHK lấy bộ đĩa đánh dấu BẢN GỐC ra khỏi tủ. Có người đề nghị hãy nghe thử trước, nhưng liệu như vậy có tỏ ra bất kính đối với Nhật hoàng không? Mọi người nhất trí tốt hơn nên nghe thử trước để tránh rủi ro xảy ra.

Bên trong phòng thu phát Chokugen Wada, phát thanh viên nổi tiếng nhất của Nhật, ngồi tái mặt và căng thẳng sau chiếc mi-crô, nhìn kim phút của chiếc đồng hồ quay vòng để nhập vào kim giờ chỉ đúng 12 giờ. Đúng giờ trưa, anh nói, “Tiếp theo đây là buổi phát thanh có tầm quan trọng đặc biệt nhất. Mời tất cả thính giả đứng dậy. Giờ đây Nhật hoàng sẽ đọc chỉ dụ gởi đến thần dân Nhật Bản. Chúng tôi vinh hạnh được phát đi lời nói của người.”

Sau khi giai điệu đầy tôn nghiêm của bản quốc ca, “Kimigayo”, chấm dứt, có một khoảng ngừng rồi sau đó là một giọng nói ít người từng nghe được: Gởi Thần Dân Trung Thành và Tận Tụy của Trẫm: Sau khi suy nghĩ thấu đáo những trào lưu của thế giới và những điều kiện thực tế có được trong Đế chế chúng ta hôm nay, Trẫm đã quyết định thực hiện sự ổn định hiện tình bằng cách vận dụng một biện pháp phi thường . . . “


37 Tiếng Nói của Chim Hạc 

1

Toàn thể đất nước lắng nghe chăm chú, kính sợ trước giọng nói cao vút, gần như là một tiếng nói không thực. Ngôn ngữ triều đình kỳ lạ, cộng với kỹ thuật thu tồi, chỉ cho phép một số ít thần dân của nhà vua hiểu được chính xác những gì ngài nói. Chỉ biết được đó là việc đầu hàng hoặc một thảm họa gì đó đã xảy ra.

“Hãy trau dồi lòng chính trực; nuôi dưỡng sự cao quý của tinh thần; và làm việc với quyết tâm sao cho các khanh có thể thăng hoa cái vinh quang vốn có của Vương triều và bắt nhịp với sự tiến bộ của thế giới.”

Im lặng bao trùm. Các thính giả, nảy giờ đứng yên hoặc quì gối lặng lẽ, gương mặt méo mó, không còn có thể kìm hãm được cảm xúc của mình. Hàng triệu người bật khóc, có lẽ số người khóc cùng một lúc nhiều nhất trong bất cứ thời điểm nào trong lịch sử thế giới. Vậy mà bên dưới nỗi nhẫn nhục và buồn rầu là một cảm giác nhẹ nhõm không thể chối cãi được. Gánh nặng khủng khiếp của những năm chiến tranh, chết chóc và tàn phá ít nhất đã trôi qua.

Tại obunko Nhật hoàng chú tâm theo dõi những lời mình nói qua chiếc thu thanh RCA thời trước chiến tranh. Tại Hoàng triều Nội vụ, Kido phản ứng với những cảm xúc lẫn lộn, trong lòng thấy mãn nguyên vì những gì mình nỗ lực thực hiện quá kiên trì cuối cùng cũng được dền đáp.

Trong một hội trường xám xịt tại Bộ Tư lệnh Quân đội hàng trăm sĩ quan, trong đó có Tướng Umezu – rực rỡ trong bộ lễ phục, mang găng tay trắng, huy chương và thanh kiếm – còn đứng nghiêm, những dòng nước mắt lăn dài trên má. Nhưng đối với vài sĩ quan cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Không xa Tokyo tại Căn cứ Không quân Atsugi, Đại úy Hải quân Yasuna Kozono, chỉ huy Đội Bay 302, trèo lên một bục gần đường băng để nói chuyện với các phi công. Lệnh đầu hàng, anh nói, có nghĩa là kết liễu quốc túy, và tuân lệnh là phản bội. Hãy đi theo tôi và tiêu diệt kẻ thù, anh hét lên. Nhiều phi công, bừng máu nóng vì lời kêu gọi của anh, hô đáp lại, “Banzai [Vạn tuế]!” Và tại Căn cứ Không quân Oita ở đông bắc Kyushu, Đô đốc Matome Ugaki, tham

mưu trưởng trước đây của Yamamoto*, bây giờ là tư lệnh của tất cả đơn vị kamikaze hải quân – ông không bao giờ quên hình ảnh vị chỉ huy lao xuống định mệnh của mình – và gần đây đã viết cho Đại úy Watanabe: “Tôi phải đền đáp điều đó.” Những lời của Nhật hoàng chỉ làm tăng thêm niềm tủi nhục của ông. Bây giờ hơn lúc nào hết nghĩa vụ của ông là đi theo tất cả những chiến sĩ trong Biệt đội Tấn công mà ông đã phái đi đến chỗ chết.
Đô đốc tài ba của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Người ta nhớ nhiều tới ông vì thành tích tấn công hạm đội Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng. Ông bị bắn hạ khi đi phi cơ trên chuyến thị sát để nâng cao sĩ khí cho quân đội.

Tiếng nói của chim hạc [chim hạc là biểu tượng của Nhật hoàng hay Ngôi vua giống như vương miện đối với các vị vua Âu châu] đã tới được các binh sĩ ở cách xa hàng ngàn dặm từ đất mẹ, đến tận Harbin, Mãn Châu. Tomomi Yamato, một sĩ quan tham mưu, thất chí khi khám phá ra rằng tiếng nói của một người cao hơn phàm nhân đã dao động và do dự. Làm sao mà anh đã có thể cúi lạy quá nhiều lần về hướng của Hoàng cung? Nhưng bị tràn ngập bởi những tiếng nức nở chung quanh, anh không thể kềm chế tiếng khóc của chính mình. Theo thói quen anh quay về phía huy hiệu vương quyền ở phía trên khung cửa của trụ sở bộ tư lệnh và chào lần cuối cùng như một quân nhân Nhật Bản. Rồi ông thay thường phục để tránh bị bắt bởi các lính Xô viết đang tiến gần.

Trên Okinawa, Đại úy Tsuneo Shimura, chỉ huy đại đội đã giữ Sườn Maeda quá kiên cường, vẫn còn chiến đấu như một du kích. Anh ta cố tìm cách lấy cắp một xe Mỹ để chạy thoát về hướng Bắc khi bầu trời trên đầu thình lình rực sáng bởi những hỏa châu. Đẹp quá, như pháo hoa, và anh suy nghĩ một chập chắc đó là trận phản công của Nhật mà anh mong đợi. Nhưng thám báo quay lại với báo cáo cho biết người Mỹ đang ăn mừng chiến thắng. Họ uống bia và bắn loạn xa lên trời. Thảm họa mới nào lại đổ xuống đầu người Nhật nữa đây?

Chỉ lời nói, thậm chí lời nói của Nhật hoàng, cũng không thể mang lại sự kết thúc nhanh chóng cho những cảm xúc mà chiến tranh đã khơi dậy trong hơn bốn năm. Ở Fukuakoa, trên đảo Kyushu, non 16 nhân viên phi hành B-29 được chở đến một ngọn đồi gần lò hỏa táng tại đó bốn đồng đội của họ đã bị trảm thủ bốn ngày trước. Lính Mỹ bị buộc phải cỡi quần áo và rồi bị dẫn từng người một vào rừng và hành hình.

Chưa có phúc đáp từ Mỹ về việc Nhật Bản xin đầu hàng, nhưng các đơn vị Hải quân được lệnh ngừng khai hỏa trước nửa đêm. Tuy nhiên, Lục quân thì miễn cưỡng tiến hành khi chưa có phúc đáp chính thức từ Washington. Tại buổi họp Nội các Suzuki cuối cùng chiều hôm đó người ta được biết rằng phải mất 12 ngày thông báo mới tới được các binh lính ở Tân Guinea và Phi Luật Tân. Đồng minh phải được tham vấn về vấn đề liên lạc.

Suzuki nói rằng mình lấy làm xấu hổ khi “gây rối cho Hoàng thượng hai lần về quyết định trọng đại của ngài. Tuy nhiên, điều cần thiết là lập nội các mới sớm như có thể. Gần đến ba giờ Suzuki trình đơn từ chức đến Nhật hoàng. Lần cuối cùng Kido, thể theo mệnh lệnh của Nhật hoàng, được yêu cầu chọn ra một thủ tướng mới. Sau khi tham vấn với jushin[giới chính khách lão thành] ông đã quyết định Hoàng thân Higashikuni là người xứng đáng nhất. Tuy nhiên hoàng thân đã khước từ lời đề nghị đó; chính trị đã làm cha ông kiệt quệ về tài chính. Hơn nữa, ông là con người có tính độc lập cực kỳ. Khi còn là một thiếu úy tại Cao đẳng Chiến tranh ông đã từ chối lời mời dự buổi chiêu đãi do Hoàng đế Minh trị mời; ông cãi nhau với thế tử (sau này là Nhật hoàng Taisho); và một thống chế phải thuyết phục ông không từ bỏ địa vị là thành viên của hoàng gia. Một vài năm sau đó ông cưới con gái của Hoàng đế Minh trị, Công chúa Toshiko, nhưng ông còn khao khát, hơn bất cứ thứ gì khác, làm một thường dân.

Nhưng hôm nay Nhật hoàng ưng thuận sự chọn lựa của Kido – với vai trò là một thành viên của hoàng gia, dượng của ngài đứng ở trên chính trị và miễn nhiễm với sự công kích.

“Như tôi đã nói với ngài đêm qua,” Hoàng thân Higashikuni báo với phái viên của Kido, “tôi không có bất cứ ý định nào chấp nhận chức thủ tướng. Nhưng trong trường hợp này và với tình hình quá hiểm nghèo như vậy, tôi hứa sẽ suy nghĩ kỹ lại.”

Tại Căn cứ Không quân Oita trên Kyushu, Đô đốc Ugaki sẵn sàng cho sứ mạng kamikaze cuối cùng theo mệnh lệnh của ông. Trong nhật ký của mình ông kêu gọi báo thù:

Có nhiều nguyên nhân đưa nước Nhật đến tình cảnh này. Tôi phải nhận lãnh trách nhiệm. Tuy nhiên, để có cái nhìn rộng mở hơn, nguyên nhân chính là sự khác biệt về sức mạnh giữa hai quốc gia [Nhật và Mỹ]. Tôi hi vọng không chỉ binh sĩ mà cả dân chúng Nhật Bản sẽ vượt qua gian khổ, khuấy động tinh thần Yamato và làm hết sức mình để xây dựng quốc gia sao cho Nhật Bản có thể trả được thù này trong tương lai. Phần tôi, tôi đã quyết định phục đất nước mình mãi mãi theo tinh thần của Masashige Kusunoki.

Ugaki đến sân bay trong bộ quân phục đã lột hết huy hiệu, mang ống nhòm và một thanh gươm võ sĩ đạo ngắn mà Yamamoto trao tặng. Theo kế hoạch là chỉ có ba máy bay tập kích nhưng 11 chiếc oanh tạc cơ nhỏ tham gia. Ugaki leo lên một bục nhỏ và hỏi các phi công đang tụ họp có ai “muốn hi sinh với tôi?” Mọi cánh tay đều giơ lên. Ông leo vào buồng lái phía sau viên phi công của phi cơ dẫn đường. Chuẩn úy Akiyoshi Endo, người mà ông thế chỗ, phản đối, “Ngài đã chiếm vị trí của tôi!”

“Tôi đã cách chức cậu,” Ugaki mỉm cười nói. Không nao núng, Endo leo lên và cố chen vào ngồi cạnh Đô đốc. Ugaki vui vẻ xích qua nhường chỗ.

Bốn oanh tạc cơ phải quay về vị trục trặc máy nhưng nhóm còn lại tiếp tục bay về hướng Okinawa. Lúc 7:24 P. M. Endo gọi điện đài báo về lời chào vĩnh biệt đầy xúc động của Ugaki:

Một mình tôi lãnh trách nhiệm khi thất bại trong việc bảo vệ đất nước và đánh bại kẻ thù ngạo mạn. Những nỗ lực hào hùng của tất cả các sĩ quan và binh sĩ dưới lệnh tôi trong sáu tháng qua đã được vinh dự đề cao.

Tôi đang trên đường đi tấn kích Okinawa, nơi đồng đôi tôi đã ngã xuống như những đóa hoa anh đào. Tại đó tôi sẽ đâm xuống và hủy diệt kẻ thù hợm hĩnh trong tinh thần đích thực của bushido, với niềm tin và nhận thức sắt đá vào sự trường tồn của Vương triều Nhật Bản.

Tôi tin tưởng rằng các thành viên trong mọi đơn vị dưới quyền tôi sẽ hiểu được những động lực của tôi, sẽ vượt qua mọi thống khổ ở tương lai và sẽ nỗ lực tái thiết tổ quốc vĩ đại của chúng ta, để nó sẽ sống mãi.

Vạn tuế Đức Hoàng đế!

Vài phút sau Endo báo cho biết là phi cơ đang lao xuống một mục tiêu*
Đây là báo cáo cuối cùng của bảy phi cơ. Kỳ lạ thay không có báo cáo nào từ phía Mỹ về vụ oanh kích kamikaze vào ngày đó.



Thi thể của Anami và hai người cầm đầu nhóm nổi loạn, Hatanaka và Shiizaki, được mang đến một tòa nhà kế cận Bộ Tư lệnh Quân đội để làm lễ tưởng niệm. Hàng trăm người viếng tang lần lượt đi qua để vinh danh họ, đặc biệt Anami, người đã cống hiến trọn đời mình cho an nguy của quốc gia.

Chiều tối hôm đó Đại tá Ida, đồng minh bất đắc dĩ của Hatanaka, đến viếng để bày tỏ lòng kính trọng. Ông đã viết di chúc và nói lời vĩnh biệt với vợ mình. Trong văn phòng kế bên ông nằm xuống để chuẩn bị tinh thần cho cái chết. Khi tất cả đều im lặng ông đứng dậy và đi xuống hành lang tối tăm đến văn phòng của Anami. Ở đây là nơi thích hợp để tự tử. Tại cửa một thiếu tá tên Sakai chào ông.

“Cậu làm gì ở đây, Sakai?”

“Còn ngài thì sao?”

“Đừng để tâm,” Ida nói với anh. “Cứ để tôi một mình.”

Sakai nói mình được lệnh “để mắt đến” vị đại tá. “Nếu ngài muốn chết, ngài phải giết tôi trước đã.”

Ida bực mình. “Chẳng nhẽ cậu không hiểu được cảm xúc của một võ sĩ đạo hay sao?” Nhưng Sakai vẫn khăng khăng và cuộc tranh cãi giữa họ làm tiêu tan quyết tâm của Ida. Khi người ta trễ hẹn với hara-kiri, ông rầu rĩ nghĩ, nó sẽ bỏ đi mãi mãi.

Họ trở lại văn phòng của Ida, tại đó họ nằm vài trên hai chiếc võng kề bên và hàn huyên hàng giờ. Đến sáng Ida bị đánh thức với một yêu cầu khủng khiếp. Vợ ông và cha của bà (tên ông già là Ida và ông đã nhận chàng rễ làm con nuôi) đã đến để nhận xác chồng. Ida lúng túng cố giải thích những gì đã xảy ra, nhưng trên gương mặt của người vợ xuất hiện một cái nhìn soi mói như thể bà hỏi: “Tại sao anh còn sống? 

Trong một khu vực khác ở Tokyo người sáng lập đoàn kamikaze, Đô đốc Takijiro Onishi, nằm bị thương chí tử do ông tự xử tại nhà riêng. Ông cho gọi người cộng sự và bạn thân, Yoshio Kodama, mà đêm trước ông đã mượn thanh kiếm. Kodama tìm thấy Onishi vẫn còn bất tĩnh, mặc dù ông đã rạch bụng và chém vào ngực và cổ mình. Ông nắm lấy bàn tay Kodama. “Những gì tôi muốn nói với cậu được viết trong di chúc của tôi đặt ở trên mặt bàn. Cũng có một lá thư cho vợ tôi; bà ấy đang ở dưới quê.” Ông mỉm cười yếu ớt. “Tôi tưởng kiếm của cậu bén hơn. Nó không đi ngọt lắm.”

Vũ khí vẫn còn nằm trên sàn phòng, và Kodama nhặt lên. “Thưa ngài,” ông thì thầm, “Tôi sẽ đi theo ngài.”

“Bakayaro! [Đồ ngu!]” Onishi quát lên lớn giọng một cách đáng kinh ngạc. “Chết bây giờ thì cậu được gì nào? Thay vào đó – Có một bức thư khác trên bàn viết. Hãy đem nó đến Căn cứ Không quân Atsugi ngay lập tức và giữ yên bọn cứng đầu dưới đó. Như vậy cậu phục vụ cho Nhật Bản tốt hơn là chết tại đây.” Trán ông mướt đẫm mồ hôi và ông hổn hển tìm lời. “Nhiều tên theo chủ nghĩa quốc gia sẽ nổi dậy. Hãy ngăn họ lại!”

Kodama tìm thấy bức thư trên bàn viết. Trong đó người đàn ông mà chỉ một ít ngày trước đã van xin Đô đốc Toyada và Ngoại trưởng Togo hi sinh thêm 20 triệu người nữa trong một trận quyết đấu cuối cùng để bảo vệ tổ quốc giờ đây xin lỗi cho sự thất bại không mang về thắng lợi. Ông mong muốn thanh niên Nhật Bản sẽ tìm thấy một tấm gương trong cái chết của mình. “Khinh suất chỉ làm lợi cho kẻ thù. Các bạn hãy tuân thủ tinh thần trong quyết định của Nhật hoàng với lòng kiên trì tột bực. Đừng quên tự hào một cách đích thực mình là người Nhật Bản. Bạn là kho báu của quốc gia. Với tất cả nhiệt huyết của Biệt đội Tấn kích, hãy nỗ lực vì phúc lợi của nước Nhật và vì hòa bình trên khắp thế giới.”

Bên cạnh lá thư là một haku, bài thơ cuối cùng của Onishi:

Tươi tỉnh,

Tôi như một vầng trăng sáng trong

Sau cơn bão

Kodama quay trở lại với đô đốc đang nôn ra máu, và xin Onishi ráng sống cho đến khi anh đem vợ ông đến – phải mất khoảng năm giờ. Onishi mỉm cười yếu ớt. “Có điều gì ngu xuẩn hơn một chiến binh tự tử mà lại muốn kéo dài sự sống chỉ để chờ vợ đến?” Ông nắm lấy bàn tay Kodama. “Sayonara [Tạm biệt].”



2

Biết tin là đích thân Nhật hoàng chọn mình vào chức thủ tướng khiến Hoàng thân Higashikuni gần như không thể từ chối. “Tôi không thể chỉ nghĩ về lợi ích của mình trong tình thế ngặt nghèo này,” ông đành bảo với Kido vào sáng ngày 16/8, “và nếu tôi còn có thể đóng góp gì cho đất nước tôi sẽ vui lòng nhận nhiệm vụ.” Tuy nhiên, trước khi quyết định, ông muốn biết hiện tình như thế nào.

Kido báo tin cho ông biết là Tướng MacArthur yêu cầu một sĩ quan liên lạc đại diện cho chính phủ Nhật Bản được phái đến Manila ngay lập tức. “Vì thế việc cấp thiết là phải thành lập chính phủ sớm như có thể. Hiện giờ chúng ta không có phương tiện đối phó với người Mỹ, và Đồng minh có thể nghi ngờ bất cứ sự chậm trễ nào và khiến tình hình chúng ta thêm khó khăn.” Binh biến xảy ra đêm hôm trước khiến cho việc tìm một người mà Đồng minh tin tưởng là cần thiết. “Nếu ngài không nhận lấy chức vụ, ngài sẽ làm cho Hoàng thượng ưu phền.”

Higashikuni đắn đo: dẫn đầu một quốc gia bại trận là một nhiệm vụ nặng nề, nhưng ông biết là có thể kiểm soát những hành động gây rối của phe bất đồng trong quân đội qua những đồng nghiệp của ông đang phục vụ – ông giữ chức đại tướng – và một khi tương lai Nhật Bản được ổn định, mình có thể từ chức. “Tôi sẽ tuân theo lệnh của Hoàng thượng để thành lập nội các,” ông nói.

Trước trưa thư chấp nhận việc Nhật Bản xin đầu hàng đã đến từ Washington và các Bộ Tư lệnh Hoàng gia ra lệnh cho tất cả đơn vị Quân đội và Hải quân ngừng ngay những hành động thù địch. Ngoài ra, Nhật hoàng chỉ thị cho ba thành viên hoàng gia tuần du các bộ tư lệnh đóng ở nước ngoài để trấn an binh sĩ rằng Nhật hoàng đã quyết định đầu hàng theo nguyện vọng của chính mình. Ông Hoàng Tsunenori Takeda, một trung tá, sẽ đến các lực lượng ở Triều Tiên và Mãn Châu; Ông Hoàng Yasuhiko Asaka, một đại tá, đến Quân đoàn Viễn chinh Trung Hoa và Hạm đội Vùng Trung Hoa; và Ông Hoàng Haruhito Kanin, con trai của nguyên Tham mưu trưởng Quân đội, đi Thượng Hải, Quảng Đông, Saigon, Singapore, Đông Dương và Nam Kinh. Ba người rời Phi trường Haneda trên các máy bay vận tải quân đội Ki-57 Mitsubishi hai động cơ màu trắng giống nhau. 

Những hành động nổi loạn lộ liễu vẫn còn gây rối ren trong xứ. Những phi công của Căn cứ Không quân Atsugi thả hàng ngàn tờ bướm trên vùng Tokyo lên án jushin và chính quyền Suzuki đã cố vấn sai lầm cho Nhật hoàng. Người cầm đầu của họ, Đại úy Kozono, vẫn cứng rắn cho dù đương đầu với một đô đốc. Y kết tội Nhật hoàng hẳn là điên mới xin đầu hàng; chiến tranh phải tiếp tục. Nhưng vụ nổi loạn sụp đổ. Đêm đó anh chàng Kozono khốn khổ bắt đầu nói sảng về Amaterasu, Thái dương Thần nữ, và phải bị câu thúc. Bị chích một mũi móc phin, anh bị nhét vào một túi da chật chội và đưa đến một bệnh viện hải quân.

Tinh thần phản kháng cũng thấm vào Căn cứ Không quân Oita, kể từ khi Đô đốc Ugaki đã cất cánh trong một sứ mạng kamikaze. Người thay thế Ugaki, Đô đốc Ryunosuke Kusaka, người từng tham chiến ở Trân Châu Cảng và Midway, triệu tập tất cả sĩ quan cao cấp; một nhóm sĩ quan trẻ hơn chen lấn vào trong phòng dù không được mời và gây sự. Kusaka nói mình biết trong số họ có những người, vì lòng ái quốc, cho rằng chiến tranh nên tiếp tục – nhưng “khi nào mắt tôi còn đen [tức khi nào ông ta còn sống] tôi sẽ không tha thứ cho bất cứ hành động gây rối nào.” Những ai cố tình nổi loạn trước tiên phải “chém tôi ra từng mảnh.” Ông nhắm nghiền mắt, chờ đợi cái chết. Dường như sự im lặng kéo dài đến vô tận. Rồi Kusaka bổng nghe tiếng nức nở và mở mắt ra.

“Lời ngài nói đã làm chúng tôi tỉnh ngộ,” một sĩ quan trẻ nhìn nhận. Anh và một vài người khác hứa sẽ kiểm soát binh sĩ của họ. Kusaka nhìn quanh phòng. “Còn các sĩ quan lớn hơn thì sao? Có ai không đồng ý tôi không?” Không ai mở miệng. “Nếu có ai đổi ý, hãy đến gặp tôi bất cứ lúc nào. Nhà tôi ban đêm không có bảo vệ. Trời nóng bức nên tôi ngủ trần [không được bảo vệ].”

Thủ tướng mới tỉnh giấc giữa đêm lòng nặng chĩu với trách nhiệm mình không mong muốn. Ông Hoàng Higashikuni nhớ lại một sự kiện từ lâu đã quên cách đây 25 năm tại Pháp. Ông đã bảo với một bà thầy bói già coi chỉ tay mình là một họa sĩ, nhưng bà ngẩng lên và nói, “Cậu nói dối. Cậu sẽ trở thành một thủ tướng của Nhật Bản.” Ông cười lớn và thú thật mình là một ông hoàng và sĩ quan. “Ở Nhật, các thành viên hoàng tộc và sĩ quan quân đội theo qui định là không được làm chính trị. Vì thế làm sao tôi trở thành thủ tướng được?”

“Nhật sẽ xảy ra cách mạng hoặc một biến động lớn nào đó và cậu sẽ trở thành thủ tướng.”

Lúc 11 giờ sáng hôm sau, 17/8, ông trình cho Nhật hoàng danh sách các bộ trưởng trong Nội các. Chỉ có Yonai là ở lại chức vụ. Togo đã từ chối ở lại chức ngoại trưởng và được thay thế bằng người tiền nhiệm, Mamoru Shigemitsu. Ông hoàng Konoye sẽ là bộ trưởng không giữ bộ nào. Nhật hoàng đều vừa ý với tất cả sự bổ nhiệm.

Nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ mới là gởi một phái đoàn đến Manila để dàn xếp với MacArthur về viêc đầu hàng của các binh sĩ mới trên chiến trường. Người được chọn dẫn đầu là Trung tướng Torashito Kawabe, tùy viên của Umezu. Vì còn lo sợ các phi công phản loạn có thể chặn đứng phái đoàn, nên sự đề phòng cẩn mật được bố trí. Chỉ vừa mới rạng đông ngày 19/8 mười sáu thành viên đến Phi trường Haneda, tại đó họ đáp vài máy bay nhỏ. Sau một ít phút bay qua Vịnh Tokyo họ đáp xuống Phi trường Kisarazu. Tại đây hai oanh tạc cơ Mitsubishi hình điếu xì gà, xơ xác vì chiến tranh – loại mà phe Đồng minh gọi là “Bettys”- đang chờ đợi. Theo chỉ dẫn của MacArthur máy bay được sơn trắng và có đánh dấu chữ thập lớn màu xanh lá.

Chỉ sau khi phái đoàn lên tàu các phi công mới được mở lệnh đã niêm phong, cho biết nơi đến là Ie Shima, một đảo nhỏ nơi Ernie Pyle [một phóng viên chiến trường gan dạ, đã chết vì đạn kẻ thù khi chụp ảnh trong trận đánh Okinawa: ND] đã chết. Các Bettys ù ù bay về hướng nam. Qua Kyushu phái đoàn lo lắng khi nhìn thấy một đội hình máy bay đang tiến thẳng về phía họ. Máy bay có dấu hiệu của Mỹ và các hành khách thở phào nhẹ nhõm khi hai oanh tạc cơ và một tá chiến đấu cơ bay quanh họ bảo vệ. Các máy bay Nhật điện đàm gởi mật khẩu; “Bataan,” và được trả lời an tâm, “Chúng tôi là chó giữ nhà của Bataan. Hãy bay theo chúng tôi.” Trong một giờ rưỡi họ tiếp tục bay qua Biển Nam Trung Hoa cho đến khi đỉnh Shima nhô lên trước mắt. Oanh tạc cơ đầu tiên đáp êm ái trên đường băng, nhưng hoa tiêu của máy bay thứ hai quên hạ thấp cánh tà. Máy bay chạy đáp gọn trên đường băng nhưng bật nẩy trên lớp san hô. Nó chạy lắc lư đến vị trí đậu. Ngay khi phái đoàn xuất hiện, hàng trăm binh lính Mỹ và thủy quân vây quanh họ, thi nhau chụp ảnh.

Mười sáu người Nhật di chuyển lên một máy bay Mỹ, một chiếc C-54 bốn động cơ, trên đó họ được phát những hộp cơm trưa. Hai người lính Mỹ chuyền các cốc nước cam vắt. Katsuo Otazaki, đại diện cao cấp của Bộ Ngoại giao, ra lệnh cho thư ký của ông bằng dấu tay “boa” những người Mỹ mỗi người 10 đô.

Các chiếc C-54 đến Phi trường Nichols trước hoàng hôn một chút. Tướng Kawabe dẫn nhóm người bước xuống cầu thang và tiến đến người Mỹ gần nhất, Đại tá Sidney Mashbir, trưởng nhóm phiên dịch của MacArthur. Khi Mashbir nâng tay chào, ông nhìn thấy Okazari tiến đến với cánh tay đưa ra – họ đã quen nhau từ trước chiến tranh. Mashbir vung nắm tay phải với ngón cái đưa lên như một cách chào thân thiết mà ông đã tập luyện cử chỉ ấy 20 lần trước gương, để tránh một nhiệm vụ khó chịu là bắt tay với kẻ thù. Viên đại tá sau đó hộ tống phái đoàn đến Thiếu tướng Charles Willoughby, đứng đầu Phòng Tình báo của MacArthur. Hàng ngàn binh sĩ, nhân viên và nhà báo bao vây, và máy ảnh bấm lia lịa vào Okazaki “như súng máy xả vào những con vật kỳ lạ.”

Willoughby ngồi cùng xe với Kawabe và trên đường đến Manila ông hỏi niềm nở Kawabe thích trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ nào. Kawabe đề nghị tiếng Đức – tình cờ đó cũng là tiếng mẹ đẻ của Willoughby. Mối quan hệ của họ nhanh chóng thân thiết, và đối với Kawabe thật bất ngờ.

Những nhóm người tò mò tụ tập dọc theo các đường phố hẹp dẫn đến Đại lộ Dewey. Các binh sĩ Mỹ hô vang “Banzai!” một cách vui tính, nhưng các người Phi thì tỏ ra thù nghịch. Họ hét lên “Baka!”[Đồ đần!] Họ ném đá dội vào ô tô trong khi người Nhật chỉ biết nhìn thẳng về phía trước.

Ngay khi họ vừa mới đặt chân đến Căn hộ Rosario một ngôi nhà hai tầng gần Khách sạn Manila, họ được phục vụ bữa ăn chiều với món gà tây, mà họ nhớ mãi hương vị nhiều năm sau đó. Sau đó họ được đưa đến Tòa Thị Chính, tại đó họ được dẫn đến một bàn họp rộng lớn, ngồi đối diện với các viên chức Mỹ. Kawabe ngồi đối diện với tham mưu trưởng của MacArthur, Sutherland. Ông này đọc to Quân Lệnh Số Một, trong đó nó liệt kê những lực lượng vũ trang Nhật đóng rải rác phải đầu hàng. Những Binh sĩ ở Trung Quốc, Đài Loan và bắc Đông Dương sẽ đầu hàng Tưởng Giới Thạch, trong khi binh sĩ ở Mãn Châu, nam Sakhalin và Bắc Triều Tiên sẽ đầu hàng với Nga. Tất cả các lực lượng khác do Anh và Mỹ xử lý. Lễ đầu hàng chính thức sẽ diễn ra trên một tàu chiến Mỹ trong Vịnh Tokyo vào đầu tháng chín. Phái đoàn Nhật được lệnh phải tiết lộ nơi đóng quân và tàu chiến, các vị trí của phi trường, tàu ngầm và căn cứ kaiten, kho quân nhu và bãi mìn.

Sáng hôm sau cuộc họp tiếp tục. Sutherland trao cho Kawabe một bản phác thảo Văn kiện Đầu hàng để Nhật hoàng ban hành. Kawabe để rơi nó trên bàn, rồi cầm lên một cách rón rén như thể, dưới quan sát của một sĩ quan hải quân Mỹ, nó là một chất độc. Ông dúi nó cho một phụ tá, Thiếu úy Sadao Otake, một sinh viên tốt nghiệp Đại học New York, ở đó anh được gọi là Roy, và bảo “Yakuse!” (Dịch đi!).

Những từ đầu tiên – “Tôi, Hoàng đế Nhật Bản” – khiến Otake tái mặt. Nhật hoàng không hề dùng watakushi tức ‘Tôi” nhưng chữ chỉ dành cho ông là Chin tức Trẫm. Kawabe lắng nghe bản dịch với hai tay khoanh lại và đôi mắt nhắm nghiền như thể đang đau khổ, và khi từ owari (kết thúc) được thốt ra, ông vỗ tay xuống bàn và nói, “Shimai!” (Hết!).

Mashbir, một chuyên gia về Nhật Bản, nhận thức được những từ ô trọc viết cho Nhật hoàng gây xúc phạm với người Nhật như thế nào – có thể thấy ngay là ho đang “ngồi chết lặng trong ghế.” Tại Rasario, trong lúc phái đoàn đang soạn hành lý cho chuyến trở về Nhật, ông và Wiloughby cố gắng trấn an Kawabe và Okazaki. “Tôi tin là,” Mashbir nói bằng tiếng Nhật, “Tư lệnh Tối cao không có chủ ý hạ thấp hay coi thường Hoàng đế của ngài trong mắt của nhân dân ông.” Ông bảo với họ đừng để tâm đến cách dùng chữ của tuyên bố – ông sẽ trao đổi cá nhân việc này với Tướng MacArthur. Ông khuyên họ tự sửa lại “theo đúng thể thức bình thường của một chỉ dụ nhà vua và kết thúc trong cung cách quen thuộc và chuẩn mực.” Mashbir giải thích với Wiloughby những gì ông hứa với người Nhật. Vị tướng không thể hiểu tại sao người Nhật quá bực dọc như thế.

“Thưa Tướng Wiloughby,“ Okazaki nói bằng tiếng Anh, “đó là điều vô cùng hệ trọng. Tôi không thể giải thích cho ngài biết nó hệ trọng đến mức độ nào!”

Tướng Sutherland cho rằng Mashbir hành xử thích đáng khi cho phép người Nhật sửa lại văn kiện nhưng muốn ông ta phải giải thích với MacArthur. Viên tổng tư lệnh choàng vai đại tá và nói, “Mashbir, ông xử lý thật đúng đắn. Đúng vậy, tôi không có ý định coi thường ông ta [Nhật hoàng] trong mắt của nhân dân ông ta.” Qua Hirohito có thể duy trì một chính phủ trật tự một cách tốt nhất. Ông tự hỏi không biết Nhật hoàng có hạ cố đến thăm mình ở Tokyo hay không. “Nếu ông ta đến thăm, thì đó là lần đầu tiên một hoàng đế Nhật Bản đến thăm một người nào, có phải thế không?” 

“Đúng vậy, thưa ngài, và tôi tin chắc là ông ta sẽ làm điều ấy.”

Tai Ie Shima phái đoàn phát hiện là một chiếc Mitsubishi không thể cất cánh về Nhật. Otake nói đùa chắc trong phái đoàn có ai đó phá hoại. Kawabe, Okazaki và sáu người khác đáp chiếc oanh tạc cơ khác trên chuyến bay dài về nhà. Okazaki bắt đầu đọc bản ghi nhớ cho một viên chức trẻ viết, người sau này sẽ trở thành đại sứ tại Phi Luật Tân. Còn Tướng Kawabe chỉ ngồi trầm ngâm, còn ngạc nhiên về sự kính trọng mà người Mỹ dành cho họ. “Nếu nhân loại luôn đối xử với nhau trong công bằng và nhân đạo thực sự,” ông sau đó viết lại, “những nỗi khủng khiếp của chiến tranh có thể tránh được, và cho dù rủi ro chiến tranh bùng nổ, kẻ thắng cũng không trở nên xấc xược và những đau khổ của kẻ bại sẽ được thuyên giảm rất nhiều. Một quốc gia có văn hóa thực sự vĩ đại là điều tất yếu đầu tiên.”

Trong bóng tối tiếp sau hoàng hôn, không khí buốt giá rít qua những lỗ đạn trên buồng lái. Hành khách bắt đầu uống rượu uýt ki để giữ ấm và sau đó chìm vào giấc ngủ. Khoảng 11 giờ họ bị đánh thức bởi viên phi công. Một bồn nhiên liệu đã rò rĩ và họ phải đáp xuống vùng đất gần nhất. Nếu không làm được, chiếc oanh tạc cơ sẽ đáp xuống biển và chỉ nổi được một lát. Họ phải mặc áo phao vào.

Mối bận tâm lấn áp của họ là các văn kiện – người Mỹ có thể lý giải việc để mất tài liệu là một quỉ kế để đình hoãn việc đầu hàng. Văn kiện giao cho Okazaki, một vận động viên từng đại diện Nhật Bản tham dự Thế vận hội 1924 tại Paris.

Động cơ bắt đầu tắt ngấm và máy bay xuống thấp. Qua cửa sổ Takeuchi trông thấy mặt biển bên dưới lấp lánh trong ánh trăng. Ông cố buộc chặt áo cứu sinh nhưng các ngón tay đều tê cóng. Mọi người trừ Okazaki im lặng chống hai tay vào thành ghế phía trước và cúi đầu thấp. Còn Okazaki thì khư khư ôm chặt các tài liệu quí báu bằng cả hai tay. Chiếc oanh tạc cơ nảy lên mặt biển, nước bắn tung tóe qua cửa sổ. Nó lướt như một mảnh đá dẹt cho đến chạm phải vật gì đó và dừng lại đột ngột.

Những can dầu rơi tòm lên người Takeuchi và anh nghe có tiếng ai nói, “Chúng ta vẫn ổn.” Anh thấy có gì dinh dính chảy trên mặt. Anh tưởng là máu, nhưng thật ra là dầu. Viên phi công đẩy cửa hông ra. Những đợt sóng ban đầu đập vào thân máy bay, và Takeuchi hi vọng mình có thể thoát được trước khi họ chìm lĩm. Rồi anh nhận ra rằng, thật là phi lý, viên phi công đang đứng trong nước chỉ ngập tới đầu gối.

Okazaki, choáng váng vì một cú đụng đầu, loạng choạng ra khỏi máy bay và bước nặng nhọc lên bờ. Phía trước, trong ánh trăng, là Núi Phú sĩ.

3

Hoa Kỳ gặp rắc rối với đồng minh của mình nhiều hơn với Nhật Bản. Stalin muốn được chia phần lớn hơn chiến lợi phẩm của chiến tranh. Trong bức điện gởi đến Truman ông đề nghị người Nhật trên quần đảo Kuriles, vốn đã được “thưởng” cho người Xô viết tại Hội nghị Yalta, cũng như người Nhật thuộc phần nửa trên của đảo Hokkaido, đảo nhà tận phía bắc Nhật bản, phải đầu hàng tư lệnh Viễn Đông của Nga.

. . . ĐỀ NGHỊ SAU CÓ Ý NGHĨA ĐẶC BIỆT VỚI CÔNG LUẬN NGA, VÌ NHƯ TA BIẾT, NGƯỜI NHẬT TRONG NHỮNG NĂM 1919-1921 ĐÃ CHO BINH SĨ CHIẾM ĐÓNG TOÀN VÙNG VIỄN ĐÔNG CỦA XÔ VIẾT. CÔNG LUẬN NGA SẼ BẤT BÌNH NẾU BINH LÍNH NGA KHÔNG ĐƯỢC CHIẾM ĐÓNG PHẦN ĐẤT NÀO TRÊN LÃNH THỔ NHẬT BẢN.

TÔI MONG MỎI SÂU XA RẰNG CÁC ĐỀ NGHỊ KHIÊM NHƯỢNG CỦA TÔI NHƯ NÓI TRÊN SẼ KHÔNG GẶP SỰ CHỐNG ĐỐI NÀO.

Bực mình, Truman trả lời rằng trong khi ông có thể đồng ý với đề nghị Kurile, ông muốn được hiểu là người Mỹ muốn lập một căn cứ không quân trên một trong các đảo Kurile. Về Hokkaido, tuy nhiên, ông quyết liệt không nhượng bộ; những sắp xếp hiện giờ cho việc đầu hàng của Nhật Bản trên tất cả bốn đảo chính đều không thay đổi.

Đáp lại, Stalin tỏ ra phẫn nộ. Hai ngày sau, vào 22/8, ông trả lời là ông “không mong đợi một phúc đáp như thế” liên quan đến đảo Hokkaido, và trong Yalta không có đề cập gì về một căn cứ quân sự thường trực của Mỹ tại quần đảo Kurile.

. . . NHỮNG YÊU SÁCH NHƯ THẾ THƯỜNG ĐƯỢC ĐẶT RA CHO MỘT NHÀ NƯỚC BỊ CHINH PHỤC HOẶC MỘT NHÀ NƯỚC ĐỒNG MINH KHÔNG Ở TRONG TƯ THẾ TỰ MÌNH BẢO VỆ ĐƯỢC MỘT VÀI PHẦN NÀO ĐÓ THUỘC LÃNH THỔ CỦA MÌNH VÀ, THEO QUAN ĐIỂM NÀY, SẼ SẴN SÀNG CHẤP NHẬN CHO ĐỒNG MINH CỦA NÓ LẬP CĂN CỨ THÍCH HỢP. TÔI KHÔNG TIN RẰNG LIÊN BANG XÔ VIẾT THUỘC LOẠI NHÀ NƯỚC NHƯ THẾ . . . VÌ THÔNG ĐIỆP CỦA NGÀI KHÔNG NÊU RÕ ĐỘNG LỰC NÀO CHO MỘT YÊU SÁCH VỀ MỘT CĂN CỨ THƯỜNG TRỰC NHƯ THẾ NÊN TÔI PHẢI NÓI THẲNG THẮN LÀ TÔI CŨNG NHƯ CÁC ĐỒNG CHÍ KHÔNG AI HIỄU RÕ LÝ DO NÀO KHIẾN MỘT YÊU SÁCH NHƯ THỂ CÓ THỂ ĐẶT RA CHO LIÊN BANG XÔ VIẾT.

Mới đầu Truman định để yên không trả lời thông điệp mang tính phản kháng ngấm ngầm, nhưng rồi ông xét lại và kết thúc việc tranh cãi bằng cách giải thích là Hoa Kỳ chỉ muốn đặt căn cứ tạm thời tại quần đảo Kurile để sử dụng khẩn cấp trong thời gian chiếm đóng Nhật.

Vấn đề Trung Quốc, tuy nhiên, không được giải quyết dễ dàng như thế. Bốn ngày trước khi Nhật Bản chấp nhận Tuyên bố Potsdam, Chu Tấn, tướng chỉ huy các lực lượng Cộng sản, loan báo sai sự thật rằng Nhật Bản đã đầu hàng vô điều kiện và ra lệnh cho các đơn vị Hồng quân chiếm đóng bất kỳ thị trấn và thành phố nào họ có được. Tưởng Giới Thạch tố cáo rằng đây là “một hành động phi pháp và đường đột” và ra lệnh Chu Tấn dừng lại phong trào dành độc lập chống Nhật. Nhân đó đài phát thanh Cộng sản chụp mũ Tưởng là tên phát xít. “Chúng tôi muốn thông báo với ba đồng minh hùng mạnh, nhân dân Trung Hoa và thế giới là Tư lệnh Tối cao Nam Kinh không thể đại diện cho nhân dân Trung Hoa và quân đội Trung Hoa thực sự chống Nhật. Nhân dân Trung Hoa yêu cầu các binh sĩ chống Nhật trong nước Trung Hoa giải phóng dưới quyền của Tư lệnh Trưởng Chu Tấn có quyền phái những đại diện của họ trực tiếp tham gia trong việc chấp nhận Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh.”

Các kế hoạch của Trung Hoa đỏ cho việc thống trị thời hậu chiến bị các đồng chí cùng ý thức hệ của họ ở Moscow phá bĩnh. Vào ngày trước hôm Nhật Bản đầu hàng, Molotov ký các hòa ước với Trung Hoa Dân Quốc. Đó là một sự sỉ nhục làm rạn nứt quan hệ Xô viết-Trung Hoa Đỏ trong nhiều thập kỷ.

Trong lúc đó Nga đang có chủ định thiết lập quyền lực của mình trên lục địa Á châu. Hồng quân đã chiếm đóng phần lớn Mãn Châu mà không gặp sức kháng cự nào từ Quân đoàn Quảng đông yếu ớt. Mỗi thành phố chiếm đóng đều bị cướp bóc. Hàng tấn lúa mì, bột mì, gạo, cao lương và đâu nành được chở về Liên bang Xô viết cùng với máy móc, hàng hóa, giấy, máy in, công cụ nhiếp ảnh và điện. Ghế, bàn, điện thoại, bàn đánh máy được cướp sạch từ các văn phòng. Từng đoàn xe tải chở các đồ đạc gãy gọng và vô số thùng kính vỡ hướng về tây như thế đồ phế thải cũng là của báu đối với người Xô viết.

Các tù binh Nhật bị lột trần mọi đồ quí giá, kể cả răng vàng. Nạn hãm hiếp, cướp bóc và giết người xảy ra thường xuyên, nhưng những hành vi tàn bạo này không kích động bởi thù hận hoặc báo thù. Những kẻ chinh phục, như Attila chỉ huy đoàn Hung Nô thuở trước, đang tận hưởng chiến lợi phẩm của mình.



4

Tinh thần kháng lệnh đầu hàng cuồng tín chưa chết theo Hatanaka và Ugaki. Chiều tối ngày 22/8, mười thanh niên quấn khăn trắng quanh trán, tự gọi mình là Sonjo Gigun (Nhóm Công chính Duy trì Vương trị và Đánh đuổi Ngoại bang) chiếm Đồi Atago trong tầm mắt của sứ quán Mỹ. Với súng lục và lựu đạn họ đe dọa vòng vây cảnh sát được phái tới để giải tán họ. Trong cơn mưa trút nước họ nối vòng tay và hát vang quốc ca. Ba lần họ hô vang “Tenno Heika banzai!” Và rồi một tiếng thét đồng loạt vang lên khi năm quả lựu đạn gần như nổ tung đồng thời. Tất cả đều chết tan xác. Người cầm đầu của họ để lại một thư tuyệt mạng: “Cơn mưa ve sầu rơi vô vọng trên những ngọn đồi và dòng sông bại trận.” Một ít ngày sau những người vợ của ba kẻ nổi loạn leo lên đỉnh Đồi Atago và cũng tự tử. Hai người chết. Trong làn sóng tự hủy diệt, mười một sĩ quan liên lạc thuộc một môn phái Phật giáo tự tử ngay trước Hoàng cung, và 14 sinh viên tiến hành hara-kiri tại quảng trường Yoyogi.

Những kẻ nổi loạn khác tiếp tục những cuộc tấn công lẻ tẻ vào các trung tâm truyền thông. Trạm NHK ở Kawaguchi bị chiếm đóng ngắn ngủi bởi một thiếu tá và 66 binh sĩ từ một trường truyền tin ; khoảng 40 dân , trong đó có 10 phụ nữ, chiếm trạm phát thanh ở Matsui và sau đó tấn công bưu điện, một trạm năng lượng, tòa báo địa phương và văn phòng hành chính quận.

Khi nghe thông báo các lực lượng Mỹ sẽ nhanh chóng chiếm đóng đất nước một không khí lo sợ và bất an lan tràn. Nhiều tin đồn thất thiệt khiến dân chúng hoảng kinh: Lính Trung Quốc đang đổ bộ ở Osaka; hàng ngàn binh sĩ Mỹ đang cướp bóc và hãm hiếp ở Yokohama. Tài sản quí báu của các cô gái và gia đình được chuyển về miền quê hoặc trong núi. Các tờ báo chạy những cột chỉ dẫn cách thức giao tiếp với binh sĩ Mỹ. Các bà được dặn dò: “Đừng ra ngoài ban đêm. Giữ đồng hồ và những vật quí giá khác tại nhà. Khi gặp nguy cơ bị hiếp dâm, hãy thể hiện thái độ trang nghiêm nhất. Đừng nhượng bộ. La lên cầu cứu.” Họ được nhắc nhở tránh “những hành động khêu gợi” như hút thuốc hoặc không mang vớ. Một số nhà máy phát những viên thuốc độc cho các nữ công nhân.

Vừa sau rạng đông ngày 28/8, 45 chiếc C-47 tiến gần Núi Phú Sĩ chở theo bộ phận tiền tiêu của Mỹ, do Đại tá Charles Tench chỉ huy. Tại Căn cứ Không quân Atsugi chiếc phi cơ dẫn đầu đáp xuống và dừng lại và người chinh phục đầu tiên từng bước xuống đất Nhật xuất hiện trong nhân dạng của Đại tá Tench. Từ bờ cầu thang máy bay một nhóm người Nhật la hét tiến đến ông, trong phút chốc ông nghĩ mình sắp bị chém gục bởi bọn cuồng tín. Rồi ông nhận thấy một tiệc tiếp đón nhỏ bày gần phi cơ. Một viên sĩ quan thấp bé tiến ra phía trước và thông báo mình là Trung tướng Seizo Arisue. * Khi hai người bước về phía căn lều trong khu vực tiếp đón, các nhà quay phim Nhật và phóng viên Mỹ ghi lại hầu như từng mỗi bước đi. Trong lều Đại tá Tench tái mặt khi Arisue trao cho ông ly rượu punch pha nước cam. Để chứng tỏ nó không độc viên tướng nốc hết một ly trước khi Tench do dự nhắp môi.

Trong vòng 48 tiếng Atsugi được chiếm đóng bởi Sư đoàn Nhảy dù 11, mà các phi cơ vận tải bốn động cở của nó đáp xuống mỗi hai phút trong nhiều giờ liền. Ngay sau khi căn cứ không quân vừa được thắt chặt an ninh một chiếc C-54 khác xuất hiện từ đằng xa. Đó là Bataan, chở theo Tướng MacArthur. Ông đang thảo luận số phận của Nhật Bản với Thư ký Quân sự của mình, Chuẩn tướng Bonner Fellers, người đến thăm nước Nhật nhiều lần. “Việc rất đơn giản,” MacArthur nói. “Ta sẽ sử dụng công cụ của chính phủ Nhật để triển khai việc chiếm đóng.” Trong số nhiều việc, có việc ông chuẩn bị cho phụ nữ Nhật quyền bầu cử.

“Đàn ông Nhật không thích điều này đâu.”

“Tôi bất cần. Tôi muốn làm mất uy tín quân đội. Phụ nữ không muốn chiến tranh.”

Chiếc vận tải cơ đáp xuống vào lúc 2:19 P.M. MacArthur, người đầu tiên bước xuống máy bay, dừng lại ở đầu cầu thang và Fellers nghe ông lẩm bẩm, “Đây là sự đền đáp.” Ông đốt điều xì gà và bước xuống cầu thang.

Một đoàn ô tô xập xệ đang đợi để đưa nhóm MacArthur về tổng hành dinh tạm thời ở Yokohama. Đi đầu đòan xe là một xe chữa cháy màu đỏ. Nó lao về phía trước với một tiếng nổ máy làm giật mình, và đoàn mô tô hộ tống rền rĩ vượt đoạn đường 15 dặm đến Yokohoma. Toàn chiều dài con đường được gần 30,000 binh sĩ Nhật xếp hàng hai bên đứng cảnh giới, lưng quay về phía MacArthur.

Người Mỹ được xếp chỗ ở tại Khách sạn New Grand, một công trình xa hoa vừa được xây dựng sau vụ động đất 1923. Tại buổi chiêu đãi chiều Whitney cảnh báo xếp của mình thịt bò có thể tẩm thuốc độc, nhưng MacArthur cười lớn và phớt lờ đi bằng câu “Không ai sống mãi mãi.” Tối đó ông bảo nhân viên của mình đang tề tựu trong phòng mình, “Các cậu, đây là cuộc phiêu lưu lớn nhất trong lịch sử quân sự. Chúng ta đang ngồi đây trên đất kẻ thù với chỉ một nhóm binh lính, nhìn xuống cổ họng của 19 sư đoàn trang bị vũ khí đầy đủ và 70 triệu tên cuồng tín. Chỉ cần một cử động sai lầm là vụ Alamo* sẽ giống như một buổi picnic học sinh vào chủ nhật!”



5

Lễ đầu hàng chính thức được tổ chức trên chiến hạm Missouri ở Vịnh Tokyo vào ngày 2/9, chỉ ba ngày sau khi MacArthur đến. Truman đặc biệt bằng lòng với sự lựa chọn này. Missouri, một trong bốn chiến hạm lớn nhất trên thế giới, đã được đặt tên theo tiểu bang quê hương ông và được con gái ông làm lễ rửa tội.

Sáng sớm Chỉ huy Horace Bird, sĩ quan hỏa lực của Missouri, đón bình minh với sự bất mãn. Trời lạnh và xám xịt. Vào khoảng 7:30 một tàu khu trục cặp vào, và các thông tín viên từ khắp nơi trên thế giới leo lên boong con tàu chiến. Mỗi người đều được bố trí vị trí, chỉ duy nhất người Nhật vẫn ở tại chỗ. Người Nga tỏ ra quá ồn ào, họ chạy rong khắp tàu “như những người hoang dã.”

Các tàu khu trục cặp sát Missouri, chở đến các vị tướng lãnh và đô đốc của Đồng minh. Lúc 8:05 Nimitz được hướng dẫn lên tàu, lát sau là MacArthur. Mọi người đang phấn khích cho nên việc hai tướng lãnh cao cấp đến không ai để ý. Chỉ huy Bird phải chạy vọt lên trước họ và hô to, “Thưa quí vị, Tướng MacArthur và Đô đốc Nimitz đến” nhưng người ta cũng phớt lờ ông. Tuyệt vọng, ông hét lên, “Nghiêm, chào!” Ngay lập tức, các tướng và đô đốc đang tề tựu mới đứng nghiêm. Trong cái im lặng sau đó, người ta có thể nghe tiếng sóng vỗ vào mạn tàu.

Giờ thì tàu khu trục Lansdowne xuất hiện với 11 thành viên của phái đoàn Nhật. Trước đó đã có cuộc tranh cãi xem ai sẽ dẫn đầu phái đoàn. Nếu Thủ tướng Higashikuni, một người trong Hoàng tộc, đảm trách một nhiệm vụ bẽ mặt như thế thì quá tội cho ông, và Hoàng thân Konoye, người đã liều mình hai năm cho hòa bình, không thể chường mặt đối diện với nổi ô nhục của thời khắc lịch sử. Trách nhiệm nặng nề nằm trên vai của ngoại trưởng mới, Shigemitsu, xem nó như “một nghĩa vụ đau đớn nhưng lợi ích,” và lấy làm vinh dự được Nhật hoàng tin cậy giáo phó. Tham mưu trưởng Quân đội Umezu cũng có mặt ở đó dưới sự ép buộc; phải cần đến sự kêu gọi từ chính cá nhân Nhật hoàng. Tham mưu trưởng Hải quân Toyoda ra lệnh cho sĩ quan tác chiến, Đô đốc Tomioka, thế chỗ của mình. “Cậu đã để thua trận,” ông nói, “nên cậu phải đi”; Tomioka đồng ý nhưng đã quyết định tiến hành hara-kiri sau buổi lễ.
Trận đánh trong đó 1800 quân Mexico tàn sát tất cả 260 người Texas đang cố thủ trong đồn trong cuộc chiến giữa Mexico và người Mỹ vào năm 1836.

Các thành viên Nhật Bản không mấy chắc chắn sử dụng nghi thức nào khi bước lên boong tàu. Họ phải chào tay theo kiểu quân đội, cúi đầu chào, bắt tay hay mỉm cười? Cố vấn của họ, Đại tá Mashbir, đã bảo quân nhân thì chào tay, còn dân sự thì chỉ cần giở mũ và cúi đầu. “Và tôi đề nghị là tất cả các ông hãy khoác một bộ mặt lãnh đạm.”

Mashbir bước vào lối đi giữa các hàng ghế trên tàu Missouri đúng vào lúc 8:35, theo sau là một viên chức Nhật đội mũ lụa cao, áo đuôi tôm và khăn choàng cổ. Ông ta nhọc nhằn rướn người bước tới, lẩm bẩm sau mỗi bước đi. Đó là ngài Ngoại Trưởng Shigemitsu, mà chân trái của ông đã bị thổi bay do quả bom của một kẻ sát nhân ở Thượng Hải nhiều năm về trước. Chân mới nhân tạo của ông khiến ông đau nhói sau mỗi bước đi. Bird, nhìn từ trên cao, chờ đợi vị tướng gương mặt dữ tợn đi đằng sau người đàn ông đội nón lụa để bắt tay – đó là Umezu, người xem Shigemitsu như một tên chủ bại đáng ghét và không thèm chú ý đến nổi khổ nhọc của ông ta. Chính Bird bước xuống định giúp một tay. Shigemitsu lắc đầu nhưng rồi cho phép người Mỹ nâng đỡ mình một lúc.

Shigemitsu chẫm rãi lê bước qua sàn tàu một cách đau đớn để đến bậc thang dẫn đến khu vực hành lễ khiến ông trở thành tâm điểm của sự chú ý. Một thông tín viên Mỹ nhận xét rằng cử tọa nhìn ông ta “với một sự thỏa mãn man rợ.” Shigemitsu ngăn không cho Bird đỡ mình thêm nữa và vụng về bước lên bậc thang, gương mặt lạnh như tiền.

Khi người Nhật đã an vị, mọi người đứng yên cho ngài tuyên úy của tàu đọc lời cầu nguyện. Họ vẫn đứng yên trong lúc bài quốc ca Mỹ được phát qua loa phóng thanh. Trong thời gian tạm dừng bực dọc kéo dài tiếp sau đó, Toshikazu Kase (trước đây là thư ký của Matsuoka và bây giờ là thư ký của tân Ngoại Trưởng), phát hiện ra một vài hình Mặt trời Mọc nhỏ xíu được vẽ trên vách ngăn gần đó, rõ ràng để chỉ số máy bay hoặc tàu ngầm của Nhật bị phá hủy. Khi nhẫm đếm, cổ họng anh nghẹn lại. Đứng cạnh ông Đô đốc Tomioka không ngừng thắc mắc và nổi giận, thắc mắc tại sao người Mỹ không tỏ vẻ gì khinh bỉ đối với người Nhật, nổi giận vì sự có mặt của phái đoàn Xô viết; họ một phần là người Á châu, vậy mà họ phớt lờ lời cầu xin của Nhật hành động như một người môi giới hòa bình và rồi đâm sau lưng họ ở Mãn Châu.

Tướng MacArthur xuất hiện, bước đi nhanh nhẹn cùng với Nimitz và Halsey băng qua boong tàu đến chiếc bàn phủ đầy tài liệu.

“Chúng ta tụ họp nhau nơi đây,” MacArthur nói, “đại diện của các cường quốc lâm chiến chủ yếu, để hoàn tất một thỏa thuận trọng đại qua đó hòa bình có thể được phục hồi. Những lập trường, liên quan đến những lý tưởng và ý thức hệ khác biệt đã được giải quyết trên chiến trường của thế giới và do đó không có gì còn phải bàn cãi hoặc tranh luận. Chúng ta, là đại diện cho đa số dân tộc trên trái đất, cũng không ở đây để gặp nhau trong tinh thần ngờ vực nhau, ác ý hoặc hận thù. Nhưng mà là cho chúng ta, kẻ thắng cũng như người bại, vươn lên một phẫm cách cao hơn mang lợi lợi ích cho những mục tiêu cao cả mà chúng ta chuẩn bị phục vụ, toàn thể dân tộc chúng ta không phân biệt cam kết hoàn thành một cách trung thành với lòng thông hiểu mà chúng ta chính thức thừa nhận tại đây.”

Tomioka ấn tượng khi những lời nói của MacArthur vắng mặt những lời hiềm khích hoặc trừng phạt. Tướng Yatsuji Nagai, người đã đồng hành cùng Matsuoka đến Berlin và Moscow, không thể rời mắt khỏi MacArthur. Sao ông ta trông trẻ trung và rắn chắc thật khác xa với Umezu! Có phải tác động của tâm lý bại trận đã làm Umezu trông già trước tuổi? Đại tá Ichiji Sugita, người đã làm thông dịch viên trong một lễ đầu hàng trước đây tại Phi Luật Tân, nhìn chằm chằm vào một sĩ quan Đồng minh khác, Tướng Percival. Mắt họ gặp nhau và giữ yên một lúc, cả hai rõ ràng đã nhớ lại cảnh tượng đau lòng tại nhà máy Ford ở Singapore.

“Hi vọng lớn lao nhất của tôi,” MacArthur nói tiếp, “- thật ra cũng là hi vọng của toàn nhân loại – là từ cơ hội trọng đại này một thế giới tốt đẹp hơn sẽ hiện ra từ xương máu và giết chóc của quá khứ, một thế giới được xây dựng trên lòng tin và sự thông hiểu, một thế giới dâng hiến cho phẫm giá của con người và sự hoàn thành mơ ước khao khát nhất cho tự do, lòng bao dung và sự công bằng.”

Như thể được ra hiệu các đám mây bổng dạt ra và từ xa đỉnh của ngọn Phú Sĩ lấp lánh trong ánh mặt trời. MacArthur chỉ một chiếc ghế ở phía đối diện của bàn. Shigemitsu lê chân tới và ngồi xuống. Ông lóng ngóng một cách vụng về với mũ, bao tay và gậy, cho ta cảm tưởng như ông muốn câu giờ. Halsey muốn tát ông và quát,”Ký mau, thằng khốn! Ký!” Tuy nhiên, MacArthur biết là Shigemitsu bối rối, và quay sang tham mưu trưởng của ông, nói rõ ràng, “Sutherland, chỉ cho ông ấy ký ở đâu.” Shigemitsu ký tên. Tiếp theo Umezu tiến về phía trước, và không buồn ngồi xuống, nguệch ngoạc chữ ký của mình. Dùng một bút khác, MacArthur bây giờ mới ký bên dưới chữ Tư lệnh Tối cao các Lực lượng Đồng minh. Rồi tới lượt Nimitz và các tướng đồng minh khác theo thứ tự các nước của mình: Tướng Hsu Yung-chang của Trung Quốc, Đô đốc Sir Bruce Fraser của Vương quốc Anh Trung tướng K. Derevyanko của Liên bang Xô viết, Tướng Sir Thomas Blamey của Úc, Đại tá L. Moore Gosgrove của Canada, Tướng Jacques Leclerc của Pháp, Đô đốc C. E. L. Helfrich của Hà Lan và Phó-Thống chế Sir L. M. Isitt của New Zealand.

Sau khi lễ ký kết đã xong, một lần nữa MacArthur nói với cử tọa. “Chúng ta hãy cầu nguyện,” ông nói, “cho hòa bình được lập lại trên mặt đất và Thượng đế sẽ gìn giữ nó mãi mãi. Những thủ tục này giờ đây xin khép lại.” Ông bước về phía Halsey và choàng tay qua vai ông. Bird đứng gần đấy và tin rằng mình nghe MacArthur nói, “Bill, mấy phi cơ đó làm cái quái gì vậy?” Như để trả lời từ xa tiếng ầm ầm vọng đến. Hàng ngàn chiếc B.29 lướt qua Missouri trong cuộc biểu dương chào mừng.

MacArthur rời khu làm lễ và tiến đến một mi-crô khác để truyền thông điệp cho người Mỹ. “Hôm nay tiếng súng đã im bặt,” ông nói. “Một thảm kịch khủng khiếp đã kết thúc. Một thắng lợi vẻ vang đã đạt được. Bầu trời không còn là cơn mưa của nỗi chết chóc, biển chỉ nâng đỡ những tàu buôn, con người khắp nơi đứng thẳng trong ánh mặt trời. Toàn thế giới đều yên bình. Sứ mạng thiêng liêng đã được hoàn thành.

“Một thời đại mới đang đến với chúng ta. Ngay cả bài học của thắng lợi cũng mang đến cùng với nó mối quan ngại sâu xa, cho an ninh tương lai chúng ta và cả cho sự sống còn của nền văn minh . . . Các đồng minh quân sự, các cán cân quyền lực, hội quốc liên tất cả đều thất bại, chỉ còn lại con đường duy nhất là sử dụng lò thử thách của chiến tranh . . .

“Sự hủy diệt hoàn toàn của chiến tranh giờ đây xóa bỏ giải pháp lựa chọn này. Chúng ta đã có cơ hội cuối cùng của mình. Nếu chúng ta không nghĩ ra một hệ thống vĩ đại hơn và hợp lý hơn, trận Armageddon sẽ đứng trước cửa chúng ta . . .”

Những lời của MacArthur trong một ý nghĩa rất thực chính là một cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ đối xử với kẻ thù bại trận với sự thông hiểu và trắc ẩn. Và trên khắp đất nước Nhật Bản, dân chúng bắt đầu gượng dậy từ những thống khổ của một số phận gần như không thể chịu đựng được. “Nếu chúng ta cho phép nỗi đau khổ và sự nhục nhã nuôi dưỡng bên trong chúng ta những tư tưởng đen tối của sự báo thù tương lai,” Tờ Nippon Times [Nhật Bản Thời Báo] khuyên răn độc giả của mình bằng những lời lẽ có mục đích gây hứng khởi và hóa ra như một lời tiên tri, “tinh thần của chúng ta sẽ bi sa đọa và biến thái thành ra một kiểu hèn hạ bệnh hoạn. . . Nhưng nếu chúng ta biến nỗi đau khổ này và sự nhục nhã này thành một động lực để tự vấn và tu dưỡng, tiến tới nỗ lực tái thiết vĩ đại, thì không có gì ngăn cản được chúng ta trong việc xây dựng, từ đống tro tàn của thảm bại, một Nhật Bản mới tráng lệ trút bỏ hết mọi rác rưới của quá khứ giờ đã qua, một Nhật Bản mới sẽ minh chứng cho niềm tự hào của chúng ta bằng cách giành được sự kính trọng của thế giới.”


Lời Bạt

1

Sáu ngày sau lễ ký kết trên tàu Missouri, MacArthur đến Tokyo. Buổi trưa, vào ngày 8/9 ông sảy bước đến sân thượng sứ quán Mỹ, tại đó một vệ binh danh dự từ Sư đoàn Kỵ binh THứ nhất đang buộc lá cờ lịch sử vào cột cờ. “Tướng Eichelberger,” ông nói oang oang, “hãy trải rộng lá cờ của đất nước chúng ta và để nó tung bay trong ánh mặt trời Tokyo với niềm vinh quang trọn vẹn như một biểu tượng của niềm hi vọng cho những người bị áp bức và như một người báo tin chiến thắng cho lẽ phải.” Trong tiếng kèn lá quốc kỳ, đã từng tung bay bên trên Điện Capitol ở Washington trong ngày Trân Châu Cảng, đang từ từ lên cao trên cột.

Nếu thực tế về việc MacArthur Người Chinh Phục đến Tokyo được tô đậm thêm bởi lá cờ Mỹ tung bay ngang tàng trong tầm nhìn của Hoàng cung hơi khó hiểu đối với dân chúng Nhật trong tất cả ẩn ý của nó, thì sự thảm bại là không thể chịu được đối với phe quân sự, người có trách nhiệm cho sự bất lực trong việc ngăn chận quân thù. Hơn nữa, nhiều người trong bọn họ đang chờ ra tòa, và trong vòng ba ngày MacArthur ban lệnh bắt giữ 40 tội phạm chiến tranh đầu tiên.

Có một cái tên trong danh sách được mọi người đều nhận ra – Hideki Tojo*. Gần như ngay lập tức, ngôi nhà khiêm nhượng của Tojo ở Setagaya bị các phóng viên và nhiếp ảnh viên bao vây. Họ chen lấn trước bức tường đá trước nhà. Giam mình trong phòng, Tojo ngồi viết tại bàn viết rộng. Căn phòng được chế ngự bởi một bức chân dung nguyên người của vị cựu thủ tướng trong bộ quân phục trang trọng. Trên một bức tường khác là một tấm da hổ được một người hâm mộ từ Malasya tặng.

Bên ngoài đám đông tiếp tục tăng lên trong khi các phóng viên xô đẩy nhau vào khu vườn, và đến giữ trưa sự chen lấn đã trở nên tràn ngập đến nỗi Tojo bảo vợ ra khỏi nhà ngay lập tức với người hầu; các con họ đã di tản đến Kyushu. Bà Tojo đi một cách miễn cưỡng. “Ông hãy bảo trọng,” bà nói, sợ rằng ông có thể tự tử. “Xin ông hãy bảo trọng,” bà nhắc lại và cúi chào. Ông chỉ đáp lại bằng một tiếng càu nhàu. 
Một đại tướng của Lục quân Đế quốc Nhật Bản và là thủ tướng thứ 27 của Nhật Bản trong suốt phần lớn thời gian của Chiến tranh thế giới thứ hai, từ 18 tháng 10 năm 1941 đến 22 tháng 7 năm 1944. Ông là một trong những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa dân tộc và là người ủng hộ chiến tranh với Trung Quốc và các quốc gia khác.

Bà rời nhà bằng cửa sau với người hầu. Họ đi vòng qua bức tường và hướng ra đường về phía lối vào nhà xe. Phía trước là một đám đông người và ô tô. Bà đi vào vườn của ngôi nhà đối diện bên kia đường. Đó là nhà của một bác sĩ tên Suzuki, người hồi sớm đã đánh dấu trên ngực của Tojo bằng than để chỉ vị trí của trái tim ông. Qua bức tường bà có thể thấy các lính Mỹ – đó là các quân cảnh – đã bao vây ngôi nhà bà. Một viên sĩ quan hô to, “Bảo tên da vàng chết tiệt đó chúng tao đã chờ đủ lâu rồi. Mang nó ra!” Thình lình bà nghe một tiếng súng nghẹt tiếng và các binh sĩ xông vào nhà. Từ bên kia đường bà nhận ra âm thanh của tiếng gỗ vỡ ra. Lúc đó là 4:17 chiều.

Thiếu tá Paul Kraus và đội vây bắt, theo sau là George Jones, một phóng viên của tờ New York Times, xông vào căn phòng. Tojo, áo khoác ngoài đã cỡi ra, đứng lảo đảo cạnh một chiếc ghế trống. Máu ướt đẫm áo sơ mi của ông. Tay phải ông còn cầm khẩu súng Colt 32, giờ đang chỉa vào kẻ xâm nhập.

“Đừng bắn!” Kraus la lên.

Tojo không có dấu hiệu gì đã nghe, nhưng khẩu súng đã rơi lóc cóc trên sàn phòng và ông ngã khuỵu vào ghế. Ông ra dấu cho một cảnh sát Nhật đi theo người Mỹ vào văn phòng hỏi xin uống nước. Ông uống vài ngụm hết sạch ly nước và xin thêm.

Trong ngôi vườn bên kia đường bà Tojo quỳ xuống, lẩm bẩm đọc kinh Phật. Bà tưởng tượng ra nổi thống khổ của chồng và cố chuẩn bị cho cảnh người Mỹ sẽ mang thi thể chồng mình ra. Thay vào đó một xe cứu thương xuất hiện và một bác sĩ Nhật chạy vội vã vào nhà.

Lúc 4:29 môi Tojo cử động. Hai thông dịch viên người Nhật, đi theo báo chí, bắt đầu ghi lại lời ông nói. “Tôi xin lỗi vì lâu quá mà chưa chết,” ông thều thào. Gương mặt ông nhăn nhó vì đau đớn nhưng những người Mỹ nhìn xuống ông không tỏ vẻ gì thương hại. “Cuộc chiến Đông-Á Vĩ đại được minh chứng và chính đáng,” ông nói. “Tôi xin lỗi các quốc gia và tất cả chủng tộc các lực lượng Á đông Vĩ đại. Tôi không muốn bị xử trước tòa án của kẻ chiến thắng. Tôi đợi sự phán xét công bình của lịch sử.” Giọng nói ông càng lớn hơn nhưng có khi không rõ. “Tôi muốn tự tử nhưng thất bại.” Viên đạn của ông đi vào chính xác tại vị trí Bác sĩ Suzuki đã đánh dấu, nhưng đã bắn trượt trái tim.

Khi các nhân viên y tế mang ông vào đi văng, Tojo thì thào, “Tôi không bắn vào đầu, vì tôi muốn dân chúng nhận ra mặt tôi và biết tôi đã chết.” Ông được đưa tới Bệnh viện Di tản 48 ở Yokohama, và đến chiều tối Tướng Eichelberger đến bên giường ông. Tojo mở mắt và cố cúi đầu chào. “Tôi sắp chết,” ông nói, “tôi rất tiếc đã gây nhiều rắc rối cho Tướng quân.”

“Ông nói rắc rối đêm nay hay rắc rối những năm qua?”

“Đêm nay. Tôi muốn tặng Tướng quân thanh kiếm mới của tôi.”

Tojo còn sống để ra tòa như một tội phạm chiến tranh chủ chốt*; nhưng buổi sáng hôm sau Thống chế Sugiyama nhắm mục tiêu của mình chính xác hơn. Ông bắn trúng ngay tim tại văn phòng mình. Khi bà vợ hay tin về cái chết của chồng, bà theo gương của vợ Tướng Maresuke Nogi, người đã lãnh đạo toàn quân trong Chiến tranh Nga-Nhật và sau đó tự tử để xin lỗi cho cái chết của binh sĩ mình. Bà quì trước bàn thờ Phật trong căn phòng của mình, uống một thìa cyanide rồi ngã trên mũi dao găm.
Gần cuối các phiên tòa tẻ nhạt, tiến hành tại Bộ Tư lệnh Quân đội ở Ichigaya Heights, Tojo và Yoshio Kodama nhìn hai máy bay Mỹ từ sân tập của Nhà tù Sugamo. “Này Kodama,” vị tướng nói, “phiên tòa chỉ có ý nghĩa khi không còn chiến tranh. Như anh thấy trên kia, họ đang thao luyện để đánh người Nga. Sau khi phiên tòa kết thúc giữa Mỹ và Nga sẽ xảy ra bất hòa. Nếu xảy ra một cuộc chiến khác, tội ác chiến tranh như ở đây thực là vô nghĩa.”

Vào ngày 12/11/1948, Tojo bị xử tội chết. Trong tù ông đã trở thành một con người đổi khác. Tôn giáo giờ là mối quan tâm hàng đầu của ông và ông nhận được biệt danh là Sa di. Một vài giờ trước khi bị hành hình ông bảo Bác sĩ Shinsho Hanayama, một nhà sư tuyên úy trong tù, rằng ông sẽ vô cùng biết ơn nếu: thân xác ông sớm trở thành cát đất của Nhật Bản, cái chết của ông không chỉ là lời xin lỗi đến dân Nhật mà là một bước tiến đến hòa bình và sự tái thiết nước Nhật. Ông nói đã đến lúc phải chết, vì giờ ông chỉ còn vài cái răng, mắt ông đã mờ và trí nhớ đã lụt. Và chết thì tốt hơn là sống những ngày tháng còn lại trong tù, làm nạn nhân cho những dục vọng phàm trần. Cuối cùng, thật vui mừng khi biết sau khi chết mình sẽ tái sinh vào cõi A Di Đà.”

Trong di ngôn của mình Tojo kêu gọi người Mỹ đừng tha hóa những cảm xúc của người Nhật hoặc tiêm nhiễm họ bằng chủ nghĩa Cộng sản. Nhật đã là thành trì ở Á châu chống lại chủ nghĩa Cộng sản, và giờ đây Mãn Châu đang trở thành căn cứ cộng sản hóa lục địa. Người Mỹ cũng đã chia cắt Triều Tiên, mà ông tiên đoán sẽ đưa tới rắc rối lớn trong tương lai.

Ông xin lỗi những hành vi tàn bạo mà binh lính Nhật đã gây ra và thúc giục binh sĩ Mỹ hãy tỏ ra khoan hồng và trắc ẩn với dân chúng Nhật, vốn đã chịu nhiều đau khổ vì những trận không kích bừa bãi và hai quả bom nguyên tử. Ông tiên đoán rằng một thế chiến thứ ba sắp xảy ra vì quyền lợi xung đột giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết, và vì chiến trường sẽ là Nhật, Trung Quốc và Triều Tiên, nên trách nhiệm của người Mỹ là phải bảo vệ cho nước Nhật không tự lực được.

Di ngôn khép lại với hai bài thơ:

Cho dù giờ tôi phải cất bước

Tôi sẽ trở lại mảnh đất này

Vì đến giờ còn chưa trả được

Cho đất nước món nợ đã vay

Giờ vĩnh biệt đã đến rồi

Dưới rong rêu tôi nằm đợi

Đến khi hương hoa trở lại lần nữa

Trên những hòn đảo của Yamato [tức Nhật Bản] 

Ông bước lên 13 bậc thang đến giá treo cổ một cách đường hoàng. Ngay sau nửa đêm ngày 22/12, cửa sập bật xuống. 

Phiên tòa được xử bởi kẻ chiến thắng là sự nguyền rủa đối với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, nhưng nó đặc biệt ghê tỡm đối với giới quý tộc như Hoàng thân Konoye. Ông cũng thích tự xử hơn là chịu đựng nỗi nhục. Ông bảo với người bạn một cách bông lơn, “Tôi là thằng lười biếng và tôi có thể thấy cuộc sống trong tù dễ chịu và thảnh thơi” – trong 30 năm ông thậm chí chưa hề mang theo ví tiền hay vắt một cái khăn ướt khi tắm – “nhưng tôi không thể chịu được nỗi sỉ nhục khi bị gọi là tội phạm chiến tranh.”

Vào đêm trước khi Konoye phải rời nhà để đến Nhà tù Sugamo con trai nhỏ của ông, Michitaka, lục lọi phòng cha mình để tìm vũ khí hoặc độc dược. Mặc dù không tìm được gì, anh vẫn còn lo lắng, vì trước khi đi ngủ, anh trở lại phòng cha. Họ trò chuyện một lúc về sự kiện Trung Quốc, việc đàm phán với Mỹ và trách nhiệm nặng nề mà Konoye cảm thấy đối với Nhật hoàng và nhân dân. Michitaka nghĩ cha mình sẽ ghi lại những cảm nghĩ cá nhân này. Konoye đã viết một lúc bằng bút chì rồi trao cho con bản thảo. “Viết không được thích hợp lắm,” ông nói, “nhưng nó thể hiện đúng những gì ta cảm thấy ngay lúc này.”

Michitaka linh cảm đây là khoảnh khắc cuối cùng họ ở bên nhau. “Đã từ lâu con chỉ gây ra cho ba những rắc rối và không hề là người con có hiếu. Con xin lỗi.”

Konoye cự tuyệt lời xin lỗi. “’Hiếu thảo’ nghĩa là gì?” ông hỏi và quay mặt đi. Họ ngồi trong im lặng. cuối cùng Michitaka nói, “Đã khuya rồi. Ba đi ngủ đi.” Anh do dự. “Ngày mai ba đi chứ?”

Konoye không trả lời, nhưng Michitaka tiếp tục nhìn ông một cách van nài. Konoye quay nhìn lại như thể muốn nói, đứa con trai nghĩ, “Tại sao con còn hỏi ta một câu hỏi như thế? Ta đang có cảm tưởng rằng con hiểu ra mọi việc.” Michitaka chưa hề thấy gương mặt cha biểu lộ một nét kỳ lạ và gớm ghiếc như vậy, và lần đầu tiên anh nhận thức được ý định quyên sinh của ông.

“Nếu ba cần gì ban đêm, cứ gọi con.” Michitaka nói. “Con ở ngay phòng bên.”

Ngay trước rạng đông Michitaka cố gắng chợp mắt nhưng liền tỉnh dậy vì tiếng kêu bấn loạn của mẹ anh. Anh cố gắng nhỏm dậy nhưng tê liệt một lát. Anh vẫn ngồi đó, mắt nhắm nghiền, thân thể run rẩy. Cuối cùng anh đứng dậy và bước vào phòng cha. Konoye nằm dài, gương mặt bình yên và quang đảng, như thể đang nằm ngủ. Không có dấu hiệu đau khổ trên nét mặt cao quí của ông. Ông đã chết. Một chai thuốc màu nâu, đã rỗng, nằm cạnh gối.

Người Mỹ xem nhà lãnh đạo trên danh nghĩa của nước Nhật, Nhật hoàng, cùng với Tojo, là người chịu trách nhiệm nhiều nhất về cuộc chiến. Giờ đây ông còn bị lăng mạ bởi một số tờ báo Nhật tự do, cho ông là kẻ phóng đảng và hiếu chiến. Có những cuộc biễu tình bên ngoài tổng hành dinh của MacArthur yêu cầu truất phế ông. Nhưng Tư lệnh Tối cao phớt lờ những điều này và những yêu cầu tương tự từ người Nga và một bộ phận báo chí Mỹ và Úc. Mang Nhật hoàng ra tòa sẽ làm bùng phát cuộc chiến tranh du kích trên toàn nước Nhật và làm sống lại chính quyền quân phiệt.

MacArthur càng quyết tâm đối xử Nhật hoàng với lòng tôn trọng – đi ngược lại lời khuyên của các bộ tham mưu của ông, vốn muốn cưỡng bách triệu ông đến trình diện ở tổng hành dinh Đồng minh để thị uy. “Làm như thế,” vị tướng nói, “sẽ gây phẫn nộ trong dân chúng Nhật và khiến Nhật hoàng trở thành một thánh tử đạo trong mắt họ. Không, tôi sẽ đợi và lúc nào đó Nhật hoàng sẽ tình nguyện đến gặp tôi. Trong trường hợp này, sự nhẫn nại của phương Đông hơn là sự hấp tấp của phương Tây sẽ phục vụ mục đích chúng ta tốt nhất.”

Trực giác của MacArthur đã đúng. Hai tuần sau khi Tojo toan tính tự tử, đích thân Nhật hoàng yêu cầu được diện kiến. Mặc áo đuôi tôm, quần dài kẻ sọc, mang giày có nút và đội mũ chóp, ông đi xe đến sứ quán Mỹ với Tổng quản Fujita. Ông bước xuống chiếc limousine cũ và được tiếp đón và chào tay bởi Tướng Fellers. Khi Fellers hạ cánh tay xuống, Nhật hoàng nắm lấy. Một thông dịch viên trẻ giải thích là Nhật hoàng hân hạnh được gặp vị tướng.

“Tôi lấy làm vinh dự được gặp ngài,” Fellers đáp lại. “Mời ngày vào gặp Tướng MacArthur.” Nhật hoàng rụt rè cho Fellers hộ tống vào sứ quán và lên bậc thang rộng đến văn phòng MacArthur trên tầng hai.

Để Nhật hoàng thoải mái MacArthur nhắc lại mình đã được giới thiệu với Thái thượng hoàng, Hoàng đế Taisho, sau cuộc chiến tranh Nga-Nhật, rồi tế nhị cho ra ngoài những người khác trừ người thông dịch viên. Họ ngồi xuống trước một lò sưởi đang cháy không biết là phu nhân của vị tướng và đứa con trai trẻ, Arthur, đang nhìn trộm họ sau bức màn nhung. Vị tướng chìa điều xì gà Mỹ mời, và nhà vua đón lấy với lời cảm ơn, bàn tay run run khi MacArthur châm lửa.

Lời khuyên cuối cùng của Kido đến Nhật hoàng trước khi ngài đi đến sứ quán là không được nhận lấy trách nhiệm đã gây chiến, nhưng bây giờ ngài lại làm đúng điều ấy. “Tôi đến ngài, Tướng MacArthur, để nhận lãnh sự phán xét của các cường quốc mà ngài đại diện như là người chịu trách nhiệm duy nhất cho mọi quyết định quân sự và chính trị được đưa ra và những hành động gây ra bởi nhân dân tôi trong việc tiến hành chiến tranh.”

MacArthur xúc động, như sau đó ông kể lại tình huống này, “đến tận xương tủy. Ông ta là một Nhật hoàng theo huyết thống, nhưng ngay lúc đó tôi hiểu rằng mình đang đối diện với Đệ nhất Quý ông của nước Nhật theo đúng nghĩa.” 

NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Không có nhận xét nào: