5/10/16

Quân đội của Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802

Sau khi giết Đỗ Thanh Nhơn năm 1781, Nguyễn Ánh chia quân Đông Sơn thành bốn quân Tiền Hậu Tả Hữu, là tiền thân của các đơn vị bộ binh lớn được gọi là dinh tức Tiền quân, Hậu quân, Tả quân, Hữu quân về sau, lại lấy Tôn Thất Dụ làm Chưởng Trung quân tiết chế chư đạo bộ binh, theo đó đủ thấy trước 1788 quân đội Gia Định đã được chia làm năm dinh Tiền Hậu Trung Tả Hữu. Từ 1788 trở đi theo với diễn tiến của cuộc chiến tranh chống Tây Sơn, quân đội của Nguyễn Ánh đã phát triển trên tất cả các mặt số lượng và tổ chức, trang bị kỹ thuật và trình độ chiến thuật, trở thành một quân đội hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á sau 1802.

Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ chép lúc chiếm lại Gia Định lần thứ nhất năm 1778, quân đội của Nguyễn Ánh có không dưới 30.000 người và 80 thuyền đi biển, 2 chiến thuyền lớn, 2 chiếc tàu Tây dương. Theo thời gian và nhu cầu của chiến tranh, con số này cũng tăng dần, đến đầu thế kỷ XIX theo ghi chép của John Barrow được G. Taboulet dẫn lại trong La geste francaise en Indochine thì quân đội Gia Định đã có tới 113.000 bộ binh (24 đội kỵ binh gồm 6.000 người, 16 đại đội tượng quân với 200 voi và 8.000 người, 30 đại đội pháo binh gồm 15.000 người, 25 liên đội trang bị súng tay gồm 30.000 người, khinh binh trang bị gươm giáo và súng cò đá lửa gồm 42.000 người, cận vệ được tập luyện chiến thuật Tây phương tức quân Thần sách gồm 12.000 người) và 26.800 thủy binh (chế tạo thuốc đạn trong Xưởng Chu sư 8.000 người, trên các tàu trong cửa biển gồm 8.000 người, trên các tàu kiểu châu Âu gồm 1.200 người, trên các ghe bầu gồm 1.600 người, trên các thuyền chiến có chèo gồm 8.000 người), tổng cộng 139.800 người. Số lượng bộ binh được trang bị hỏa khí kể cả quân Thần sách chắc chắn phải được trang bị những vũ khí tốt nhất có khoảng 84.000 người, nếu tính thêm pháo binh là 99.000 người, trong bối cảnh kỹ thuật đương thời rõ ràng là một quân đội được hiện đại hóa ở trình độ khá cao. Trước 1788, quân đội Nguyễn Ánh đã có chiến thuyền phương Tây tức chiếc “Tây dương quả đồng đại thuyền” với lựu đạn của Manuel gây nhiều tổn thất cho quân Tây Sơn ở sông Ngã Bảy năm 1782. Ngoài ra, vào đầu thế kỷ XX, Linh mục Cadière còn tìm thấy trong văn phòng Nội các của triều Nguyễn một tấm bản đồ về công sự với một loại súng của pháo binh vẽ từ một quyển sách về công sự Vauban, xuất bản năm 1773.

Sử chép lúc vây thành Quy Nhơn năm 1793 Nguyễn Ánh đã định “dùng phép thả diều phóng lửa của nước Tây” để đánh, nhưng lại sợ dân trong thành bị họa lây nên thôi, sai các quân không nên đánh gấp, để dân tự ra. Tuy nhiên từ trận Trấn Ninh năm 1672, quân Trịnh đã dùng diều giấy mang hỏa dược trộn dầu rái lựa chiều gió thả vào đốt lũy, quân Nguyễn có người bị diều rơi trúng đốt cháy không sao dập tắt bằng nước, nên “phép thả diều phóng lửa của nước Tây” này chắc phải có khác. Căn cứ vào lịch sử phát minh khinh khí cầu (năm 1783, hai anh em Montgolfier chế tạo ra khinh khí cầu dùng hơi nóng để bay lên), có thể nghĩ phép thả diều phóng lửa mà Nguyễn Ánh định dùng chính là khinh khí cầu kiểu phương Tây chứ không phải loại diều truyền thống như quân Trịnh đã dùng năm 1672.

Năm 1789 sai các dinh kén quân chiến tâm, số quân chiến tâm này được dồn bổ vào vệ Thần sách, về sau trở thành dinh Thần sách quân. Năm 1795 có lệnh Chánh Phó Vệ úy các vệ quân Thần sách đều thêm hai chữ “Thuộc nội”, theo đó có thể thấy quân Thần sách được coi như thân quân của Nguyễn Ánh.

Quân Nguyễn Ánh chia làm nhiều quân đoàn lớn gọi là dinh, như Tiên phong dinh, Hậu quân dinh, mỗi dinh chia làm nhiều đồn, mỗi đồn chia làm nhiều chi. Căn cứ vào điều 16 trong 32 điều quân chính ban bố trong quân Nguyễn Ánh đầu năm 1799 “Ra trận mà lùi chạy thì chém. Những chi, hiệu, đội, thập, ngũ nào mà lui chạy thì người Trưởng chi, Trưởng hiệu, Cai đội, Đội trưởng, Ngũ trưởng đều bị chém đầu để răn mọi người. Nếu Trưởng chi bị thất lạc thì các Trưởng hiệu cùng thuộc viên trong chi phải chịu đồng tội, Trưởng hiệu, Cai đội, Đội trưởng, Ngũ trưởng bị thất lạc thì Cai đội trong hiệu, Đội trưởng trong đội, Ngũ trưởng trong thập, binh đinh trong ngũ đều chịu đồng tội. Bị tên đạn mà chết thì không kể”, có thể biết bộ binh trong quân Nguyễn Ánh được chia thành dinh, đồn, chi, hiệu, đội, thập, ngũ, tức một chi có nhiều hiệu, một hiệu có nhiều đội, một đội có nhiều thập, một thập có ít nhất hai ngũ, một ngũ có lẽ có năm người. Người đứng đầu một dinh tức Chưởng dinh hay Quản dinh, đứng đầu một đồn là Chánh thống đồn, đứng đầu một chi là Trưởng chi, đứng đầu một đội là Cai đội, còn người đứng đầu một thập thì không gọi là Thập trưởng mà gọi là Đội trưởng. Thủy quân cũng tổ chức tương tự, nhưng các đồn được gọi là dinh.

Đến đầu 1802, sau nhiều lần thay đổi về tổ chức, phiên hiệu, tướng soái, toàn bộ quân đội Nguyễn Ánh được chia thành bảy dinh lớn là Tiền quân, Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Hậu quân, Thần võ quân, Chấn võ quân (được cấp ấn son), ngoài ra còn các dinh nhỏ như Tiên phong dinh, Tượng dinh, Thần sách quân. Trung quân chủ yếu là thủy quân, là lực lượng cơ động nhất trong hoàn cảnh giao thông thời bấy giờ. Tượng dinh, Trung quân dinh vừa là hai quân đoàn vừa là hai binh chủng.

Thủy quân của Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802

Trong gần hai trăm năm trước khi Tây Sơn khởi nghĩa, quân đội Đàng Trong phát triển trong điều kiện địa hình bờ biển kéo dài ở miền Trung và sông rạch chằng chịt ở miền Nam nên có lực lượng thủy quân đặc biệt tinh nhuệ, đầu thế kỷ XVII từng đánh bại cả hạm đội của Hà Lan. Cuối thế kỷ XVII, với việc tiếp nhận các di thần phản Thanh phục Minh Trung Hoa và khai thác phương Nam, thủy quân Đàng Trong lại tiếp thu thêm kỹ thuật thủy chiến Hoa Nam cũng như Đông Nam Á, sự thích ứng tích cực ấy khiến nó trở thành lực lượng thủy quân thiện chiến bậc nhất trong khu vực đồng thời chiếm địa vị lực lượng chủ lực trong quân đội Đàng Trong. Không phải ngẫu nhiên mà biên chế thủy quân Đàng Trong có đơn vị thuyền (tương đương đội trong bộ binh). Có thể nói thủy quân của Nguyễn Ánh từ 1778 trở đi đã kế thừa truyền thống thủy quân Đàng Trong trên các phương diện tổ chức, trang bị kỹ thuật và chiến thuật nhưng theo thời gian cũng có nhiều nét cách tân.

Về tổ chức, năm 1796 đặt năm dinh Thủy quân. Trước chỉ có ba dinh Trung thủy, Tiền thủy, Hậu thủy, lúc ấy đặt thêm hai dinh Tả thủy, Hữu thủy. Mỗi dinh lại chia thành ba chi tức Trung chi, Tiền chi, Hậu chi, Chánh quản dinh thống lĩnh toàn dinh, Phó quản dinh thống lĩnh Trung chi. Đây là đợt cải cách tổ chức lớn trong thủy quân của Nguyễn Ánh. Về sau thủy quân trong quân Nguyễn Ánh tập trung vào Trung quân, tức Trung quân vừa là một quân đoàn vừa là một binh chủng.

Về chiến thuyền, trong thư viết từ Chợ Quán ngày 4. 3. 1790, Linh mục Jean de Jesus Maria ghi nhận Ánh có khoảng 10 chiếc tàu Bồ Đào Nha và 1 tàu Pháp, tuy là tàu buôn nhưng có đủ khí giới. Song số tàu phương Tây mua được chỉ có hạn, nên từ 1788 trở đi Nguyễn Ánh rất quan tâm tới việc chế tạo chiến thuyền.

Năm 1789 sai các quân đóng chiến thuyền lớn hơn 40 chiếc, thuyền đi biển hơn 100 chiếc, lại sai các nha văn võ cùng các đạo thủ thuộc các dinh Trấn Biên, Trấn Định và Vĩnh Trấn đi lấy ván gỗ để nộp. Những dân phu lũy, sái phu và cục tượng các dinh, các đội nậu biệt nạp, thuộc binh các nha, cứ 40 người thì nộp ván đóng một chiếc thuyền, các đạo thủ thì Long Xuyên nộp 10 chiếc, Kiên Giang nộp 3 chiếc, Trấn Giang nộp 5 chiếc, Phú Quốc nộp 8 chiếc.

Năm 1791 lại đóng hơn 100 chiến thuyền, sai Tri Tào vụ Lê Đăng Trung và Khâm sai Cai cơ Nguyễn Ngọc Tốt đem lính thợ chia nhau lên Quang Hóa và Campuchia tìm gỗ.

Năm 1792 đóng năm đại hiệu thuyền Hoàng long, Xích nhạn, Thanh tước, Bạch yến, Huyền hạc (đặt tên theo năm màu vàng đỏ xanh trắng đen). Năm 1802 sứ bộ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Huỳnh Ngọc Uẩn qua Trung Quốc đã đi hai chiếc Bạch yến, Huyền hạc trong năm đại hiệu thuyền này.

Năm 1793 đóng thêm các thuyền Long ngự, Long thượng, Long hưng, Long phi, Bằng phi, Phượng phi, Hồng phi, Loan phi, Ưng phi.

Năm 1796 đóng 15 đại hiệu thuyền chữ Gia xếp theo tam tài và thập nhị chi, gồm thuyền Gia hưng hiệu chữ Thiên, thuyền Gia khánh hiệu chữ Địa, thuyền Gia nguyên hiệu chữ Nhân, thuyền Gia hạnh hiệu chữ Tý, thuyền Gia trinh hiệu chữ Sửu, thuyền Gia tường hiệu chữ Dần, thuyền Gia minh hiệu chữ Mão, thuyền Gia hòa hiệu chữ Thìn, thuyền Gia trị hiệu chữ Tỵ, thuyền Gia thịnh hiệu chữ Ngọ, thuyền Gia vĩnh hiệu chữ Mùi, thuyền Gia hựu hiệu chữ Thân, thuyền Gia hy hiệu chữ Dậu, thuyền Gia hội hiệu chữ Tuất, thuyền Gia thiện hiệu chữ Hợi, đặt 15 Tĩnh hải úy chia nhau cai quản. Qua 1797 lại thấy sai bọn Chánh Phó Phi kỵ Tuần hải đô dinh là Hoàng Trung Đồng, La Á Lục chia nhau quản 19 đại hiệu thuyền Long ngự, Long hưng, Long thượng, Long đại, Long nhất, Long nhị, Long tam, Phượng đại, Phượng nhị, Hồng đại, Hồng nhị, Hồng tam, Loan đại, Loan nhất, Loan nhị, Long tam, Bằng đại, Bằng nhất, Bằng nhị, Bằng tam.

Cuối 1797 sai các quân đóng thêm 50 thuyền đi biển, 100 thuyền sai và 200 thuyền chiến. Đầu 1798 sai các đội Mộc đĩnh ở Chính dinh đi Quang Hóa (Tây Ninh) tìm ván gỗ để đóng thuyền chiến lớn và thuyền kiểu Tây dương.

Cuối 1799 đóng thêm 100 chiến thuyền, sai tinh binh thuộc quân lạc tòng và các nha văn võ, quản quân các đạo lấy gỗ để nộp (cứ 50 người phải nộp một chiếc).

Năm 1801, sai Hữu Tham tri bộ Công Nguyễn Khắc Thiệu đem hai cơ Kiên Châu và Thiện Châu cùng hơn 390 thợ thuộc Công bộ về Gia Định đóng 200 thuyền ô, thuyền sai và thuyền chiến. Sau khi chiếm Phú Xuân, Nguyễn Ánh vẫn sai Gia Định đóng chiến thuyền, tất cả 10 chiếc có hiệu là Anh, Vũ, Thước, Nga, Quyên, Phu, Lộ, Diên, Chiên, Ly (đều đặt tên chim, theo thứ tự là ác mó, vẹt, quạ, ngỗng, cuốc, vịt trời, cò, diều hâu, chim cắt, chim oanh).

Trang bị của thủy quân Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802

Về trang bị kỹ thuật, sự phát triển thủy quân của Nguyễn Ánh trước 1802 đánh dấu một bước phát triển của thủy quân Việt Nam thời phong kiến. Gia Định thành thông chí chép năm 1778, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, nhưng Tổng đốc Châu, hổ tướng Hãn và Tư khấu Oai của Tây Sơn còn dùng thủy binh qua lại dọc theo đường sông vùng Biên Hòa, Sài Gòn và Mỹ Tho để chống đánh, lại được Hộ giá Tây Sơn Phạm Ngạn từ Quy Nhơn vào tiếp viện, đôi bên giằng co. Quân Nguyễn Ánh đắp lũy từ bờ tây Bến Nghé tới bến sông An Thông, các cửa rạch đều cắm cọc gỗ để chống giữ, Lê Văn Quân lại ngầm đóng 50 chiến thuyền ở sông nhỏ Thị Tính trong sông An Thông, loại thuyền ấy “đầu nhọn, thân và đầu thuyền có gác ba tấm ván giống như kiểu tàu Tây dương treo giăng mặt lưới, tên là Long lân thuyền (thuyền vảy rồng)”, đêm 19 tháng 6 âl. ra sông lớn Bình Dương đánh úp thủy quân Tây Sơn, chém được Tư khấu Oai, quân Tây Sơn chạy về Quy Nhơn. Loại “thuyền vảy rồng” này thấy Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, Truyện Nguyễn Cửu Dật nhắc tới, rõ ràng là một loại chiến thuyền của quân đội Đàng Trong.

Đến 1780, Ốc nha Suất ở Trà Vinh làm phản, tháng 4 âl. Nguyễn Ánh sai Đỗ Thanh Nhơn, Dương Công Trừng đi đánh thì chiến thuyền của quân Nguyễn Ánh bắt đầu được cải tiến. Lúc ấy quân của Suất dựa vào rừng sâu chằm lớn, dùng nỏ cứng làm võ khí sở trường, quân Nguyễn đánh không được. Dương Công Trừng sai quân dùng vòng sắt móc liền các chiến thuyền với nhau, bắc sàn ở trên, kèm dựng cây chuối để đỡ tên đạn, nhân nước thủy triều lên cho thuyền đến sát lũy để đánh. Quân của Suất mất thế hiểm vỡ chạy. Cải tiến kết hợp binh khí kỹ thuật với chiến thuật kiểu này được phát triển thêm ngay sau đó. Tháng 7 âl. năm ấy Nguyễn Ánh sai quân lên Quang Hóa Tây Ninh lấy gỗ sao đóng chiến thuyền. Gia Định thành thông chí mô tả loại chiến thuyền này có hai bánh lái, bánh lái dài phía sau dùng đi biển, bánh lái tròn phía trước dùng đi sông, gọi là thuyền hai bánh lái, trên thuyền gác sàn, hai bên có phên tre che cho thủy binh ở dưới chuyên lực chèo chống, trên thì đặt bộ binh để xung trận, nhờ đó kỹ thuật thủy chiến càng tinh vi. Loại thuyền này qua đầu thế kỷ XIX vẫn còn được thủy quân triều Nguyễn sử dụng.

Ngoài việc được trang bị binh khí kỹ thuật phương Tây từ trước 1788, thủy quân Nguyễn Ánh còn có nhiều yếu tố trang bị kỹ thuật Hoa Nam. Sử chép năm 1785 Tuần hải đô dinh Hà Hỷ Văn của Nguyễn Ánh (vốn là cướp biển người Hoa trong vịnh Thái Lan theo hàng) đã đem binh thuyền bản bộ đi Liêm Châu chiêu dụ được 23 thuyền cướp biển Tề Ngôi về theo. Cần nói thêm rằng quân Tề Ngôi có kỹ thuật thủy chiến rất tinh vi, Quang Trung từng mua chuộc sai họ cướp phá quấy nhiễu vùng duyên hải phía nam Trung Quốc, và đến 1794 người ta đã thấy sự hiện diện của chiến thuyền Tề Ngôi trong thủy quân Tây Sơn.

Về chiến thuật, hiện không có tài liệu nào cho biết cụ thể, song căn cứ vào Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ trong đó miêu tả cặn kẽ về các khí cụ thủy chiến như câu liêm, tên lửa…, có thể thấy thủy quân thời Đàng Trong vẫn tiến hành chiến đấu tương tự bộ binh, nghĩa là dùng tên có chất dẫn lửa bắn cháy để kìm chế tốc độ, kế dùng câu liêm móc giữ thuyền đối phương rồi nhảy qua cận chiến để giải quyết chiến trường. Nhưng đến cuối thế kỷ XVIII thì chiến thuật của thủy quân Nguyễn Ánh đã từng bước hiện đại hóa theo với sự hiện đại hóa về binh khí kỹ thuật mà cụ thể là tốc độ và độ bền của chiến thuyền, tầm bắn và mức độ chính xác của đại bác. Dĩ nhiên cái gọi là “hiện đại hóa” ở đây là so với hoàn cảnh kỹ thu���t đương thời, mặt khác cũng có sự đan xen giữa các loại binh khí kỹ thuật khác nhau dẫn tới sự phối hợp nhiều chiến thuật tương ứng khác nhau.

Các viên Chưởng Tiền phong dinh trong quân Nguyễn Ánh

Trước 1788 không thấy trong quân Nguyễn Ánh có dinh Tiên phong, nhưng giữa 1788, khi Ánh từ Xiêm về Gia Định, Võ Tánh đem quân Kiến Hòa về theo thì được Ánh phong làm Khâm sai Tổng nhung Chưởng cơ dinh Tiên phong, rõ ràng dinh Tiên phong đã hình thành trên cơ sở quân bản bộ của Võ Tánh. Năm 1790 Tánh bị giáng làm Khâm sai Tổng nhung Cai cơ, nhưng vẫn quản dinh Tiên phong. Năm 1791 Nguyễn Ánh lấy Chưởng Hậu quân dinh Tôn Thất Hội làm Chưởng Tiền quân dinh, Cai cơ Tiên phong dinh Võ Tánh quản Hậu quân dinh, Hiệu úy Tiền chi Trung quân dinh Nguyễn Văn Thành quản Tiên phong dinh. Đến 1793, phong Chưởng Tiền quân dinh Tôn Thất Hội làm Khâm sai Bình Tây Đại tướng quân, quản Hậu quân dinh Võ Tánh làm Khâm sai Chưởng Hậu quân Bình Tây Tham thặng tướng quân, quản Hữu quân dinh Nguyễn Huỳnh Đức làm Khâm sai Chưởng Hữu quân Bình Tây Phó tướng quân, quản Tiên phong dinh Nguyễn Văn Thành làm Khâm sai Bình Tây Tiền tướng quân… Cuối 1798 Tôn Thất Hội chết, lấy Nguyễn Văn Thành làm Chưởng Tiền quân, lấy Phó tướng Tiên phong dinh Nguyễn Văn Tánh quản Tiên phong dinh. Tựu trung đến 1802 quân Nguyễn Ánh có ba người là Võ Tánh, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Tánh lần lượt giữ chức Chưởng Tiên phong dinh.

Nguyễn Văn Tánh người Long Thành Biên Hòa, lúc đầu theo Châu Văn Tiếp làm quan tới chức Khâm sai Tổng nhung Cai cơ, theo Tiếp sang Bangkok. Khi Tánh về Tiếp đã chết, Ánh cho theo Chưởng Tiền quân Lê Văn Quân, năm 1788 giữ đạo Đồng Môn, đến 1793 làm Lưu thủ Bình Thuận. Năm 1795 theo Nguyễn Ánh giải vây thành Diên Khánh, được thăng Phó tướng Tiên phong dinh, đến 1798 được thăng quản Tiên phong dinh. Năm 1803 được thăng làm Khâm sai Chưởng Tiên phong dinh, Án trấn thành Diên Khánh, thống quản các dinh Bình Khang, Diên Khánh, Bình Thuận, năm 1805 chết ở nơi làm quan.

Tánh là người can đảm nơi trận mạc nhưng nhút nhát trong triều đình, năm 1800 đóng quân ở Phú Yên giữ nhau với quân Tây Sơn, mắc bệnh thổ huyết không coi quân được, Nguyễn Văn Thành phải dâng biểu xin lấy Tôn Thọ Vinh (ông nội Tôn Thọ Tường) tạm lãnh quân để Tánh dưỡng bệnh. Gặp lúc Lưu thủ Phiên Trấn Tống Phước Ngoạn đưa quân Chân Lạp từ Gia Định tới, ghé Phú Yên thăm Tánh rồi tới nói với Nguyễn Ánh là thấy Tánh đi đứng bình thường, không có vẻ gì là ốm nặng, nói thổ huyết có khi là dối, chỉ là uống tiết vịt thôi. Tánh nghe tin sợ lắm, vội gởi thư cho Lại bộ Nguyễn Bảo Trí nhờ biện bạch giúp, đến khi khỏi bệnh tới yết kiến Nguyễn Ánh vẫn còn sợ sệt, Ánh phải an ủi mãi mới yên tâm, xem ra con người này không phải kẻ tâm cơ sâu sắc đủ để đứng trong chính trường, mà chỉ có thể cúc cung tận tụy làm tròn chức phận võ thần thời loạn mà thôi.

Sài Gòn-Gia Định và chúa Nguyễn Ánh

(nguồn : nghiencuulichsu.com)

Không có nhận xét nào: